Cửa trấn Đông Doanh nằm ở điểm cực tây trên bản đồ của Đại Yến, cả trấn chỉ có một con đường cắt ngang hai bên đông tây, nhân khẩu chưa đến năm trăm người, nếu đứng trên đỉnh núi Quan Nhân cách đó năm mươi dặm nhìn xuống, thì nó chỉ to hơn hạt vừng hoặc bằng hạt đậu xanh là cùng, nhưng điều thần kỳ là vùng đất chỉ to hơn hạt vừng hoặc bằng hạt đậu xanh ấy cũng lại chiếm một vị trí cực nhỏ trên bản đồ Đại Yến, đó là vì trên núi Quan Nhân cách phía đông trấn năm mươi dặm có một mỏ vàng siêu lớn.

Hoắc Thời Anh ở trong một căn nhà tứ hợp viện trong cửa trấn Đông Doanh, ba gian được đắp bằng bùn, trong sân có một cái giếng nước, và cái giếng này chính là thứ đáng tiền nhất trong căn nhà của nàng, vì toàn bộ cửa trấn Đông Doanh chỉ có hai cái giếng, một cái nằm ở phía đông trấn, cái còn lại nằm trong sân nhà Hoắc Thời Anh, từ ba năm trước Hoắc Chân đã phái người tới đây đắp nhà đào giếng sẵn cho con gái, nên loáng cái nàng đã một bước trở thành phú hộ giàu nhất cái cửa trấn Đông Doanh này.

Cách thị trấn phía xa xa chính là vùng sa mạc rộng lớn, nơi đây một năm bốn mùa gần như không nhìn thấy màu xanh, sáng sớm tháng Ba đang lúc ngày xuân mà trên mái hiên băng còn đóng thành cột, Hoắc Thời Anh nằm trên giường, lắng nghe âm thanh sột sà sột soạt ở căn phòng phía đông, một lúc sau cánh cửa mở ra, một loạt những tiếng bước chân dừng lại ở dưới cửa sổ phòng nàng, giọng nói của một cậu nhóc vang lên: “Mẹ, mẹ dậy chưa, con đến học đường đây.”

Hoắc Thời Anh vén chăn xuống giường, vừa mặc quần áo vừa đáp: “Dậy rồi đây, Đông Tuấn con không cần phải vội đâu, ăn sáng với mẹ xong rồi đi.”

Đông Tuấn là đứa trẻ Hoắc Thời Anh nhận nuôi vào năm đầu tiên nàng tới đây, năm ấy khu mỏ bị sập, Hoắc Thời Anh và cánh đàn ông khỏe mạnh trong trấn chạy tới cứu người, lôi ra được năm mươi thi thể, còn rất nhiều người bị vùi sâu trong núi không tìm được xác.

Hôm ấy Hoắc Thời Anh bới từ nửa đêm đến giữa trưa ngày hôm sau, mệt đến nỗi môi khô nứt nẻ, hổ khẩu chảy máu, vừa quay đầu lại thì thấy giữa đám người đang gào khóc ở khoảng đất trống có một thằng bé, nó đứng trơ trọi ở đó một mình, trên người mặc bộ quần áo rách bươm không che hết nổi cơ thể, quanh năm suy dinh dưỡng nên tay chân như mấy cọng mì nhưng bụng thì lại chướng lên, đôi mắt càng khiến khuôn mặt trở nên đen và to bất thường, nó ngồi canh hai cái xác, không hề gào thóc một tiếng nào.

Hoắc Thời Anh quan sát nó rất lâu, từ trưa cho đến tối, thằng bé cứ đứng đó bất động, họ hàng thân thích của người ta không chịu nổi ánh mặt trời đều kéo người thân của mình về chôn cất hết cả rồi, chỉ còn sót lại mỗi mình nó đứng đó, dường như muốn đứng mãi cho đến lúc chết.

Hoắc Thời Anh cảm thấy mình và thằng bé này có chút duyên phận, hôm đó có vô số những đứa trẻ mô côi cha mẹ nhưng nàng chưa thấy đứa bé nào không khóc như nó, vì thế cuối cùng đến nửa đêm, nàng đi tới ngồi xổm xuống trước mặt nó hỏi: “Ta sẽ an táng cho cha mẹ cháu, cháu có bằng lòng theo ta về nhà làm con trai ta không?”.

Đôi mắt to đen láy của thằng bé nhìn nàng hồi lâu đáp: “Cháu làm con trai của cô, cô sẽ cho cháu ăn bánh bao chứ?”.

Hoắc Thời Anh bật cười, nàng gật gật đầu nói với giọng pha chút nghiêm nghị: “Nhưng làm con trai của ta, thì bắt buộc phải là con của ta, bất kể trước đây cháu mang họ gì, là con của ai, cha mẹ là người thế nào thì đều phải quên hết đi, có làm được không?”.

Thằng bé cúi đầu nhìn khuôn mặt lấm lem không rõ mặt mũi của hai cái xác nằm trên đất, ngẩng đầu lên đáp: “Được!”.

Và thế là Hoắc Thời Anh bỏ tiền ra mua một mảnh đất, thuê người chôn cất hai cỗ thi thể đó thật tử tế, rồi đưa thằng bé về nhà.

Hoắc Thời Anh không quan tâm trước đây thằng bé tên là gì, từ đó về sau cứ gọi nó là Hoắc Đông Tuấn, nàng phải ôm Đông Tuấn vào lòng mỗi khi ngủ suốt một năm ròng cuối cùng mới có thể ủ ấm cho nó, về sau rốt cuộc Đông Tuấn đã chịu gọi nàng một tiếng mẹ, nàng cứ thế chăm sóc thằng bé, cả hai nương tựa vào nhau sống qua ngày.

Hoắc Thời Anh mặc quần áo xong đi ra ngoài, Đông Tuấn đang ngồi trên băng ghế nhỏ trong sân đợi nàng, thấy nàng đi ra bà giúp việc liền bưng nước nóng ra đổ vào hai cái chậu đặt cạnh nhau dưới mái hiên.

Hoắc Thời Anh đi tới chỗ cái chậu, Đông Tuấn cũng bám theo sau, hai mẹ con đứng song song với nhau, cúi người làm ướt mặt, xoa xà phòng, rồi lại khom lưng vỗ nước, sau đó cùng đứng thẳng người dậy rút khăn mặt ra lau khô, cuối cùng ném khăn vào trong chậu quay người đi thẳng, động tác giống nhau y như đúc.

Bà giúp việc đi ra thu dọn, còn Đông Tuấn đi theo Hoắc Thời Anh quay vào phòng, Hoắc Thời Anh cầm lấy một lọ thuốc mỡ từ trên bàn trang điểm, bôi cho mình xong, lại quay sang cẩn thận bôi một lượt lên mặt con, thứ thuốc mỡ này được mua từ một hiệu buôn ở Lan thành cách đó hai trăm dặm, ngày nào Hoắc Thời Anh cũng bôi lên mặt Đông Tuấn, khuôn mặt của tất cả những đứa trẻ trong trấn quanh năm đen sạm, khô nứt nẻ, chỉ có một mình Đông Tuấn là thằng bé trắng trẻo, sạch sẽ nhất.

Thu dọn đồ đạc xong hai mẹ con cùng nhau đến gian chính ăn sáng, trên bàn bày sẵn sữa đậu nành và bánh rán, nhìn qua thì có vẻ đạm bạc nhưng ở cái trấn này thì đây đã là xa xỉ bậc nhất rồi, trấn Đông Doanh chỉ có một nhà làm sữa đậu, trong toàn trấn cũng chỉ có Hoắc gia là mỗi sáng mua hẳn một thùng nhỏ sữa đậu thôi.

Mấy năm nay Hoắc Thời Anh không tiếc công sức vỗ béo cho Đông Tuấn, thằng bé gầy còm hom hem năm nào cuối cùng đã bắt đầu nhổ giò, hiện giờ đã cao tới ngực nàng, ra dáng thiếu niên lắm rồi, lúc Hoắc Thời Anh dẫn nó về nhà cũng không biết rốt cuộc nó bao nhiêu tuổi, giờ nhìn qua thì có vẻ tầm bảy, tám tuổi thì phải.

Ăn sáng xong, Đông Tuấn về phòng mình lấy cặp sách, Hoắc Thời Anh tiễn thằng bé ra đến cổng, trời vẫn còn lạnh, nên nàng mặc thêm cho con một chiếc áo lông cáo màu tím, lại đội thêm mũ lông cùng loại lên đầu, nàng vừa chỉnh trang lại cổ áo cho nó vừa dặn: “Hôm nay nói với tiên sinh là chỉ học nửa buổi sáng thôi, buổi chiều Tần bá bá của nó có thể sẽ đến chơi đấy.”

Đông Tuấn nghiêm túc đứng trước mặt nàng, để mặc cho Hoắc Thời Anh sửa soạn, nó đáp: “Con biết rồi, mẹ nói chuyện này từ hai hôm trước rồi.”

Hoắc Thời Anh sợ thằng bé chê mình nhiều lời, liền vỗ lên vai nó bảo: “Đi đi.”

Đông Tuấn ra khỏi cổng rồi còn ngoái đầu lại nói: “Mẹ, con đi đây.”

“Ừ.” Hoắc Thời Anh khoanh tay đứng trước cửa đáp.

Đông Tuấn xoay người bước đi, ra khỏi cổng phải đi qua một con đường nhỏ hẹp mới tới được đường lớn, Đông Tuấn đi ở chính giữa con đường rất có quy củ, bước từng bước vững vàng trầm ổn, nhìn thấy một vũng nước bẩn trước mặt thì vòng tránh từ đằng xa, Hoắc Thời Anh cau mày, Đông Tuấn là đứa trẻ sạch sẽ đẹp trai nhất trong trấn, mỗi ngày thằng bé ra khỏi nhà ăn mặc như thế nào, thì sau khi học cùng đám bạn sàn sàn tuổi nó về thì vẫn là bộ dáng sạch sẽ ấy, dường như thằng bé không có bạn.

Tiễn Đông Tuấn đi xong, Hoắc Thời Anh quay về phòng thay quần áo rồi đến Tư Vệ sở, hiện giờ nàng là người mang tội, nên cứ năm ngày lại phải đến Tư Vệ sở báo cáo. Sau khi nàng đến đây, ngoại trừ mùa thu hàng năm nhận lời mời của quân đồn trú đến huấn luyện binh sĩ cho bọn họ ra, thì chỉ có một việc nghiêm túc này phải làm mà thôi.

Từ Tư Vệ sở quay về thì đã là buổi trưa, từ đằng xa đã nhìn thấy có một cỗ xe ngựa dừng ở trước cửa nhà, Hoắc Thời Anh mỉm cười rảo bước đi nhanh.

Trong sân vang lên tiếng cười sang sảng của Tần Xuyên: “Nhãi con, đừng thấy ông đây chỉ còn lại một cánh tay mà coi thường, chỉ một ngón tay thôi cũng vẫn có thể quật ngã được cháu.”

Đông Tuấn không phục gào toáng lên: “Bá cứ đợi đấy, đợi cháu lớn rồi cũng chỉ cần một ngón tay quật ngã được bá.”

Nụ cười của Hoắc Thời Anh càng tươi, nhấc chân đi vào trong sân gọi: “Tần Xuyên.”

Tần Xuyên cười vang quay đầu lại nhìn, so với năm ngoái ông ta già đi trông thấy, mái tóc đã bạc một nửa, nếp nhăn hằn sâu rõ rệt trên gương mặt ông, mấy năm trước lúc Hoắc Thời Anh ở trong kinh thành ông chưa một lần đến thăm nàng, nhưng ba năm nay khi nàng đến ở tại cửa trấn Đông Doanh thì năm nào cũng tới, ông ta đi từ La thành đến đây, cả đi cả về mất đến ba tháng, nhưng năm nào cũng phải đi một chuyến.

Trong sân chất cả đống thịt thú rừng do Tần Xuyên mang tới, bà giúp việc đang vất vả xách từng món một mang vào trong bếp, Đông Tuấn nhìn thấy nàng liền vui vẻ chạy tới gọi: “Mẹ!”. Hoắc Thời Anh ôm lấy nó rồi xoay bả vai nó lại, sau đó đứng thẳng dậy, cười hỏi Tần Xuyên: “Tới rồi à? Dọc đường ổn cả chứ?”.

Tần Xuyên giật cái khăn phơi trên mái hiên xuống đập “Bình bịch” lên người cho hết bụi đường, đáp: “Ổn gì mà ổn, lúc sắp tới La thành thì suýt chút nữa gặp phải bọn trộm ngựa, may mà lính biên giới ở vùng đó cũng được, hộ tống cả đoàn xe đi qua.”

Hoắc Thời Anh ôm lấy Đông Tuấn bước tới, ngồi xuống băng ghế đá ở trong sân, không nhịn được khuyên: “Ông cũng đã có con trai rồi, dọc đường cả đi cả về nguy hiểm lắm, sau này ông đi ít thôi.”

Tần Xuyên cười ha hả không trả lời, ném cái khăn đi, nhặt từ dưới đất lên một cái tay nải đưa cho Đông Tuấn: “Nhãi con, cho cháu này, tứ bảo văn phòng xịn nhất của Văn Phương trai ở kinh thành đấy.”

(Tứ bảo văn phòng bao gồm bút, mực, giấy, nghiên.)

Đông Tuấn cũng không hề khách sáo, cầm lấy rồi mở ngay ra trên chiếc bàn đá xem xét nghịch ngợm, Hoắc Thời Anh thấy Tần Xuyên không trả lời, nên nàng cũng không tiện nhắc tới nữa, đưa cho ông ta một chén trà, Tần Xuyên nhận lấy rồi ngửa cổ uống “Ừng ực”.

Hai người lớn im lặng ngắm thằng bé nằm bò trên bàn chổng cả mông lên để nghịch, Đông Tuấn chơi một lúc, ngoái đầu lại nói với Hoắc Thời Anh: “Mẹ ơi, con về phòng nhé.”

Hoắc Thời Anh gật gật đầu, Đông Tuấn liền ôm hết đống đồ trên bàn vào lòng, đi về phòng, thằng bé dường như rất có hứng thú với những món đồ đó, Hoắc Thời Anh mải miết nhìn theo thằng bé cẩn thận ôm một túi to về phòng mình, sau đó quay sang thấy Tần Xuyên cũng đang nhìn theo hướng Đông Tuấn, liền hỏi: “Sao vậy?”.

Tần Xuyên thu lại ánh mắt, nhìn nàng nói: “Sợ là tương lai thằng bé này sẽ không đơn giản đâu.”

Hoắc Thời Anh bật cười, không đồng tình cũng chẳng phản đối: “Hồi đầu lúc ta gặp nó, một mình nó đứng cạnh thi thể của cha mẹ, không hề gào khóc một câu nào.” Tần Xuyên cười lắc đầu, cũng không nói gì thêm.

Trưa hôm đó bà giúp việc tay dao tay thớt giết gà mổ dê đãi khách, làm một bàn ăn rất thịnh soạn, Tần Xuyên ăn như hổ đói, sau đó đến căn phòng phía tây đánh một giấc.

Tối đến ông ta tỉnh dậy, cả nhà lại ăn uống no say một bữa nữa, sau đó Đông Tuấn quay về phòng học bài, hai người lớn ở lại gian phòng chính chong đèn đối chiếu sổ sách.

Gọi là đối chiếu sổ sách, nhưng thực ra cũng chỉ có một mình Tần Xuyên đối chiếu thôi, năm đó Hoắc Thời Anh cho ông ta một khoản tiền lớn, sau khi về quê ông ta liền mua một mảnh đất rất rộng, nghe nói phải hơn trăm mẫu, mấy năm này ông ta đều đặn đổi nông sản thu hoạch được sang bạc mang đến cho Hoắc Thời Anh, kỳ thực mỗi năm Hoắc gia đều gửi tiền tới cho nàng, nên nàng không thiếu tiền chi tiêu, nhưng có lẽ Tần Xuyên cho rằng, đây là cách thức duy nhất để duy trì mối quan hệ tình cảm giữa hai người bọn nàng, cũng là cái cớ để ông ta được thường xuyên đến thăm, nên nàng cũng không muốn ngăn cản làm gì.

Tần Xuyên không biết chữ, nên sổ ghi chép của ông ta chỉ có mình ông ta đọc hiểu được, Hoắc Thời Anh nhìn ông ta cầm quyền sổ nát tươm giơ lên soi dưới ánh đèn dầu khó khăn đọc từng chữ một, cười thầm trong bụng, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ như đang thật sự lắng nghe, nhìn vẻ nghiêm túc của ông ta, chợt nghĩ nếu có một ngày Tần Xuyên không còn, chỉ cần nàng vẫn còn sống, ông ta cũng nhất định sẽ bắt con trai của mình đến đây thay, nên nàng không nỡ đả kích sự cố chấp này của ông.

Khó khăn lắm mới đối chiếu xong thì cũng đã là nửa đêm, đèn trong phòng Đông Tuấn đã tắt từ lâu, lúc này Hoắc Thời Anh mới được giải thoát, hai người đều bị đống sổ sách ấy tra tấn đến phát mệt, chẳng ai muốn nói năng gì thêm nữa, tắm rửa qua loa rồi về phòng ngủ.

Tần Xuyên ở lại đây tầm nửa tháng, trong nửa tháng ấy ông ta sửa lại mái nhà cho Hoắc Thời Anh, vá lại những chỗ bị dột, thay ngói cũ bằng ngói mới, tường quanh nhà cũng được ông ta đắp cao thêm một nửa, tất cả những việc mà đàn ông trong nhà nên làm đều được ông ta giải quyết hết, không ngơi tay phút nào, lúc sắp đi còn đan mười mấy cái giỏ mây để bà giúp việc dùng dần.

Nửa tháng sau cơn bão cát mùa xuân ập đến, nhà cửa vườn tược tươm tất rồi ông ta mới đánh xe ngựa trở về nhà, Hoắc Thời Anh dắt theo Đông Tuấn tiễn ông ta đến tận cửa trấn.

Lúc đến cỗ xe của ông ta đầy ắp đủ thứ, lúc đí chỉ còn lại mỗi cái xe không, ông nói: “Thời Anh, năm sau ta lại tới.”

Hoắc Thời Anh gật đầu nói với ông ta: “Được!”.

Tần Xuyên quất roi lên đường, một mình một cánh tay lần này đi là lại một năm nữa mới gặp lại, Hoắc Thời Anh nhìn theo bóng ông xa dần, trên con đường đất bao phủ bởi cát vàng chỉ còn bóng dáng cỗ xe ngựa cô độc dần trở nên khuất bóng, cách một khoảng xa xăm, là hoang vu ngập tràn đáy mắt.

Tháng Sáu trong kinh thành gửi thư tới báo, Tiêu các lão tạ thế, Hoắc Thời Anh nhận được tin đóng cửa nhốt mình trong phòng suốt cả một ngày, tới đêm mới ra bày hương án trong sân, hướng về phía nam kinh thành quỳ suốt một đêm.

Sáng sớm Đông Tuấn thức dậy thấy nén hương vẫn còn đang cháy trên hương án, liền hỏi Hoắc Thời Anh: “Mẹ, mẹ thờ ai vậy?”.

Hoắc Thời Anh kéo nó đến trước hương án nói: “Là thầy của mẹ.”

Đông Tuấn nghi ngờ hỏi lại: “Ông ấy làm sao ạ?”.

Hoắc Thời Anh trầm mặc hồi lâu nhưng rồi vẫn nói: “Ông ấy qua đời rồi.”

Hoắc Thời Anh châm một nén hương đưa cho thằng bé: “Con cũng thắp cho lão nhân gia người một nén hương đi.”

Đông Tuấn vâng lời cắm một nén hương vào trong lư, cúi đầu vái lạy ba cái, quay đầu sang thắc mắc hỏi Hoắc Thời Anh: “Mẹ, sau này Tiết tiên sinh ở học đường mất, con cũng phải bày hương án thờ ông ấy ạ?”.

Hoắc Thời Anh bị hỏi liền khựng lại, một lúc lâu sau mới đáp: “Cái này thì tùy xem con có muốn hay không.”

Đông Tuấn không hoàn toàn hiểu hết ý của Hoắc Thời Anh, vì nó vẫn đang ở trong độ tuổi không biết phiền muộn là gì, nên ăn xong bữa sáng là lại đi học như bình thường.