Cả hai bận bịu sáu tháng cuối năm, ăn riết cơm hộp liền tù tì hai tuần khiến Giang Miểu ngán tận họng, đó là lần đầu tiên Edwin gặp dì Lan. Mùi hoa quế phảng phất thơm ngào ngạt, tiếng nước chảy róc rách mơ hồ, người phụ nữ với mái tóc chải gọn lu bu trong bếp. Edwin xách túi trố mắt. Đương tự hỏi nên dùng thân phận gì để giới thiệu bản thân, dì Lan nghe thấy tiếng mở cửa, liên tục nói “Xin chào xin chào”. Dì vội lau tay lên tạp dề, tủm tỉm nhận bó hoa từ tay Edwin. Giang Miểu ra rót nước, bỏ lại câu “Ồ, về rồi hả”, rồi lượn ngược vào xưởng vẽ như cơn gió thoảng. Edwin đặt những chiếc lá nhặt bên đường lên bệ cửa sổ, lên lầu thay đồ, thâm tâm muốn giúp dì ấy một tay.

Dì Lan vội bảo: “Cậu ơi, cứ làm việc của cậu đi!” Nói gấp quá thành ra giọng phát ra khá lớn.

Tiếng Giang Miểu vọng ra từ trong phòng: “Dì Lan, cứ để anh ấy làm, kệ ảnh đi.”

Dì Lan đang nhào bánh trôi, tay chân lanh lẹ bắt đầu vò từ khối bột, lòng bàn tay cảm thấy chưa ổn, rắc thêm ít bột lại đổ thêm xíu nước. Edwin kiệm lời, phần lớn toàn là dì Lan lên tiếng. Trong đầu Edwin đang cân nhắc nên hỏi chuyện gì và nói ra sao, nào ngờ dì không hỏi han gì mà chỉ chia sẻ bí quyết nấu nướng. Dì nói Giang Miểu thích bánh gạo nếp, bánh bao mặn ngọt, bánh Thanh Đoàn, bánh mật trứng muối, bánh trôi thịt, miễn là từ gạo nếp cô thích hết. Bánh mật ăn thế nào? Chiên ngập dầu cả bánh, nhúng đường. Bà chủ không cho ăn ngọt, giấu hủ đường lên nóc tủ bếp, cô ấy còn dám bước lên ghế trèo lên bàn mò, bà chủ vừa tức vừa buồn cười. Mấy món mặn thì bánh canh sườn, bánh đa, hủ tiếu xào cua phải cho rượu gia vị, nằng nặc phải ngửi được mùi thơm mới vừa lòng, cua còn đòi tươi. “A Miểu kén ăn, mua kém tươi xíu, nó cắn một phát là biết ngay.” Mè đen đã rang vào ban sáng, thơm hơn ngoài hàng nhiều, dì Lan lấy máy nghiền, rưới vào ít đường nâu. Làm xong nhân, dì Lan làm mẫu cách tạo hình bánh trôi cho anh xem. Dì cán vỏ mau lẹ, ngón tay thoăn thoắt, mỗi cái đều có vỏ mỏng nhân nhiều, Edwin vô thức sao chép y chang. Thả hai ba chục cái vào nồi nước sôi, dì Lan chuẩn bị trước mọi thứ, lấy ra mấy túi đựng thực phẩm đông lạnh bọc trong màng nhựa, đổ ra thêm bột mì, Edwin nhét phần nhân thừa vào phần lõm của vỏ bột, cuối cùng khum tay bọc lại. Trên bàn có lọ thuỷ tinh đựng hoa Mộc Tê đã phơi nắng tại nhà, dì Lan rải một ít vào nồi, đồng thời nhắc mãi: “Mai mốt các cháu cứ lấy cái này đi hấp với cơm, thơm lắm. A Miểu thích món này cực.” Dì Lan vặn chặt nắp bình, Edwin tự giác đặt nó lên quầy gia vị.

Giao bạch xào thịt, cua hấp, cơm niêu, đậu bắp ngâm dấm, ngó sen xào. Chiếc bát phong cách Rococo Giang Miểu mới mua đựng súp nấm bào ngư, kế bên trái cây là phần bánh trung thu kiểu Quảng xắt thành miếng nhỏ với hỗn hợp nhân hạt sen, lòng đỏ trứng muối, chà là, trần bì và táo tàu xay nhuyễn vo lại đặt vào đĩa thuỷ tinh, trên đĩa gác chiếc nĩa trắng làm từ xà cừ. Dì Lan dọn cơm lên nhà chính, Giang Miểu giật lại giẻ lau, gọi dì ăn cùng. Dì xua cô: “Đi đi đi, dì chờ làm xong đặng về trông thằng cháu đây này.”

“Thế dì dừng tay, mau về đi ạ.”

“Có tốn bao lâu đâu, cháu lo ăn đi.”

Dường như Edwin đang thấy được bức tranh ấu thơ của Giang Miểu chồng lên trước mặt.

Hai ngày sau bà Thành gọi tới. Giang Miểu biết tỏng dì Lan trông im im tỉnh rụi thế thôi chứ ra cửa thì đến cái quần cộc của Edwin cũng báo cáo tường tận cho phu nhân Thành.

Edwin ấn dừng dàn loa, nhìn cô hờ hững ngắt phiến lá ngô đồng bên bệ cửa sổ, miệng thì đáp “Ừm”, “Đúng vậy”, “Vâng”, “Biết rồi”. Anh tết tóc cho cô, đổi lại là cái lườm cảnh cáo không hề có tính uy hiếp. Cùng là thái độ đối phó cấp trên, nhưng Edwin phân biệt được ai ở đầu dây bên kia.

“Không xằng bậy đâu ạ.”

“Ai thua thiệt chứ con thì không.”

“Nhất thời con chưa nói rõ được, đợi sau này kể trực tiếp cho mẹ hay.”

“Cỡ tháng Hai con sẽ tới vùng quê Nhật Bản với anh ấy.”

“Vâng, chừng mười ngày ạ.”

Edwin ngậm vành tai cô, nghe thấy câu “Đồ vô lương tâm” lọt ra khỏi microphone.

“Cúp nhé mẹ.”

“Tạm biệt.”

“Ok, bái bai.”

Vào ngày cuối cùng của năm 20XX, Giang Miểu và Edwin cùng mở máy tính, di động và máy chiếu, đồng thời nhảy cẫng lên vào thời khắc điểm 0 giờ.

—— Đây là ý định của Giang Miểu. Hỏi nguyên nhân thì cô đáp gọn: “Em thích”.

Chuyến đi tới Nhật vào tháng Hai khá là đáng ngại. Vị đông chưa vơi, nhánh cây trụi lủi, mặt nước lộ ra lớp màu xám than. Edwin chẳng thấy tiếc gì cho cam, anh đã trải nghiệm thời tiết đẹp nhất tại Nhật, hiện giờ cảm thấy những ngày bình dị này rất đỗi an yên. Giang Miểu xếp lộ trình tương đối thiếu phổ biến, thay vào là phần đa các đoàn du lịch tóc bạc. Hưởng suối nước nóng Shirahone tại Nagano, ngắm núi non xanh rì và bầu trời đầy sao, pháo hoa trên bãi biển Chiba, đi chợ sáng tại bán đảo Noto, ghé thăm Kenrokuen tại Kanazawa, nơi được mệnh danh là “Kyoto thu nhỏ”. Hai người đã đặt homestay lẫn shukubo. Có một homestay nằm trên núi, lưng hướng ra hồ, Edwin và Giang Miểu thường lái xe dạo quanh bốn phía. Chủ nhà sở hữu trang trại, Giang Miểu dựa vào tiếng Nhật tự học để giao lưu với họ. Ban ngày hái nguyên liệu nấu ăn cùng chủ nhà, tối đến nấu bữa cơm mời họ. Trong phòng lắp lò sưởi con, Giang Miểu cắn quả táo nướng, sóng vai ngồi cạnh Edwin ngắm tuyết lất phất rơi ngoài hiên.

Kyoto là điểm dừng chân cuối cùng. Giang Miểu rành rẽ thẳng tiến đến Shoyeido, tha về mấy hộp hương. Sau bữa ăn, tình cờ đi ngang qua đền địa chủ, Giang Miểu tin vào duyên phận, dẫn Edwin vào bái để tỏ lòng thành.

Hương/ Nhang (Incense stick) hiệu Shoyeido: Hiệu hương truyền thống và lâu đời xuất từ Kyoto Nhật. Bên cạnh trà đạo Sado, hoa đạo Kado/ Ikebana, bên đó còn có hương đạo, tạo nên bộ ba mỹ đạo truyền thống của Nhật.

Đến đêm Giang Miểu vùi mặt nài “không làm nữa”, chìa ra phần gáy đỏ bừng. Ba ngón tay của Edwin chôn vào giữa đùi cô moi móc, vờ không nghe.

Di động truyền đến tiếng báo tin nhắn đặt riêng cho bà Thành, Giang Miểu thoát khỏi bàn tay tác loạn, vội nhìn thoáng qua.

“Mẹ kêu mai anh tới dùng bữa kìa.”

“?” Edwin bối rối ngập đầu.
Chú thích:

— Shukubo: Phòng ở tạm cho các tăng lữ tại chùa miếu Nhật Bản, hiện nay có vài nơi cho phép khách du lịch đặt trước ngủ lại, họ còn cung cấp thức ăn chay nữa.