Chú Hai lặp lại câu hỏi một lần nữa. Từ A Cầm lại chìm vào suy tư một lúc rất lâu, đến nỗi chúng tôi cứ tưởng là ông ta đã ngủ quên mất tiêu, thì lúc ấy ông ta mới ngẩng đầu lên, nói: "Chẳng lẽ, các anh là người nhà họ Ngô?"

Chú Hai gật đầu, Từ A Cầm liền thở dài nói: "Cũng đúng, các anh cũng chỉ hỏi được lão già này thôi, người biết chuyện này chỉ còn lại mình lão."

"Ông còn nhớ à?" Chú Ba vội hỏi.

Tôi thấy Từ A Cầm lộ ra một vẻ mặt rất khó tả, sau đó vỗ lên băng ghế dài bên cạnh, ý bảo chúng tôi ngồi xuống. Tôi với chú Hai ngồi xuống ghế, chú Ba ngồi xổm, ông lão kia mới lẩy bà lẩy bẩy châm điếu cày, rít hai hơi thuốc lào, chậm rãi nói: "Tôi nhớ không rõ ràng lắm, chỉ nhớ được đại khái thôi."

(Tốc độ nói của Từ A Cầm rất chậm, hơn nữa cứ nói xong một câu là lại dừng một khoảng rất lâu, hiển nhiên mặc dù thính giác của ông ta vẫn còn khá tốt, nhưng đầu óc đã khá là chậm chạp rồi. Chúng tôi vẫn bình tĩnh ngồi nghe, không giục giã, bởi vì sợ hễ giục một cái là ông ta lại quên béng mất nội dung tiếp theo định kể.)

Ông ta dừng lại một chút, nhìn lên mặt trời trên cao, nói tiếp: "Đó là khi lão làm đầy tớ ở thôn nhà các anh, giúp nhà họ Ngô các anh xây sửa từ đường. Lúc ấy có nghe một cụ già trong thôn các anh nói, lão quỷ đó đã chết từ lâu rồi, lão ta còn nợ lão đây những một đồng sáu hào chưa trả đâu."

Năm đó là thời điểm cách mạng ruộng đất vừa mới bắt đầu, chẳng ai biết cách mạng này cách cái kiểu gì, mà Ngô gia khi ấy bị liệt vào hàng phú nông, thuộc giai cấp phải điều đi giáo dục lại, nhưng cả nước đang trong thời kỳ chiến tranh, tức là lúc ấy là vào khoảng năm một ngàn chín trăm ba mươi mấy. Nghĩ mà cũng khiếp thật, chuyện từ hơn 60 năm về trước, tôi khổ sở sống đến bây giờ cũng chỉ mới được hơn 20 năm thôi.

Khi đó, tu sửa từ đường là công việc lao động nặng, chứ không như bây giờ, làm vớ vẩn vài ba cái là xong, thời đó muốn mở rộng quy mô từ đường cũng phải tương đương với việc xây nguyên một căn nhà cấp bốn thời nay, cho nên Ngô gia mới thuê người làm. Trước tiên là phải hầm một nồi thịt lớn ở từ đường cũ.

Những năm ấy, có thịt ăn là thành hoàng đế rồi, cho nên có rất nhiều người kéo tới xin làm. Từ A Cầm làm thuê đã lâu năm, rất thân thuộc với nhà họ Ngô khi ấy. Cơm nước xong xuôi, bọn họ nằm nghỉ ngơi phơi nắng ở ngay sân phơi thóc, lúc ấy cả đám người tụ tập một chỗ tán phét, toàn những chuyện tầm xàm như mụ vợ nhà ai ngực bự, bà quả phụ nhà nào thông dâm với nhân tình nhân ngãi bị bắt quả tang vân vân, toàn những đề tài muôn thuở cả.

Hồi đó, Từ A Cầm khá là hiền lành, chỉ dỏng tai lắng nghe thôi. Có một ông lão khoe khoang lý lịch của mình, nói rằng mình biết tỏng vì sao Ngô gia lại hưng vượng như thế, đó là bởi mộ tổ tiên của họ vốn không đơn giản.

Năm xưa, khi lão tổ tông nhà họ Ngô phất lên, đã mua đất hết nửa cái thôn này, cả một tòa đại trạch với những bốn tòa đạo quán, nhưng còn chưa giàu có được một đời, gia đạo đã suy sút, không bao lâu sau lại có chiến tranh, có tiền cũng vô dụng. Đến khi xây mộ thì đã chẳng khấm khá hơn thôn dân là bao, bèn tìm một nơi nào đó chôn cất qua loa cho xong. Không ngờ đến khi đào đất lập mộ, thì lại đào ra được một cái giếng cổ.

Không ai biết đó là cái giếng cổ từ niên đại nào, miệng giếng có chèn một phiến đá xanh lớn, bên trên phiến đá khắc đầy những chữ chẳng ai hiểu nổi. Bọn họ liền khiêng phiến đá xanh ra, liền thấy cái giếng đó đã cạn, trên thành giếng bám chi chít những vỏ ốc đã chết khô.