Số vỏ ốc kia nhiều vô cùng, chi chít lít nhít, lớp này lại chồng lên lớp nọ, trông nhưng một đống mụn nhọt mọc trên vách giếng. Lão đại nhà họ Ngô cảm thấy hết sức kỳ quái, nhưng cũng có thể coi là chuyện tốt, bởi gạch cổ xây giếng rất bền chắc, vừa hay có thể moi số gạch này ra dùng, tiết kiệm được một khoản chi tiết, nếu dư ra thậm chí còn đem bán lấy tiền được.

Để lấy gạch, bọn họ dùng cuốc chim bổ hết đống xác ốc đã vôi hóa kia xuống, nhưng khi bổ xuống mới thấy không xong, bọn họ phát hiện bên dưới đống vỏ ốc kia lại là mấy bộ hài cốt liền. Chúng đã hoàn toàn bị vôi hóa, dính chặt vào tường, chìm nghỉm trong đống vỏ ốc.

Ly kỳ nhất là, sau khi cạo được đến chỗ sâu nhất trong đống vỏ ốc kia, lại thấy có nước rỉ ra. Cạo hết vỏ ốc mới phát hiện bên trong còn có một cái hốc rỗng, trong hốc chứa một cái xác còn ướt.

Cái xác này được bảo quản cực tốt, chỉ hơi co lại một chút thôi, ngay cả da vẫn còn nét sáng bóng, tuy màu da hơi tái màu xanh thối rữa. Nhìn ra được đó là một người phụ nữ vẫn còn rất trẻ, toàn thân trần truồng, móng tay và tóc của thi thể đã mọc ra rất dài, móng tay đã dài ra hẳn.

Chuyện này thực không bình thường, đào đất xây mộ mà lại đào ra được cả một cái giếng cổ, lại còn phát hiện ra một cái xác cổ ở trong giếng, thế thì có nên tiếp tục xây mộ này ở đây nữa hay không?

Bọn họ phỏng đoán, cô gái này chắc hẳn là người của mấy triều đại về trước, có thể là bị người ta ném xuống giếng mà chết, nhưng không biết vì sao, có lẽ bọn ốc tranh nhau ăn thịt cái xác mà sống, nhưng vì lý do nào đó mà cái xác chứa kịch độc, thế là lũ ốc chết như rạ ở xung quanh, tạo thành một cái "quan tài vỏ ốc", lưu giữ được thi thể cô gái.

Lão đại Ngô gia lúc này đã hết cách, đành đi tìm các cụ già thời đó, hỏi xem nên xử trí thế nào.

Nhưng chẳng ai gặp phải loại người chết như thế này bao giờ. Thi thể cứ để mãi ở từ đường, chẳng mấy chốc liền bốc mùi hôi thối, tìm đạo sĩ tới phong cũng không phong được, hơn nữa, mùi thối đó lại không phải mùi thối đặc trưng của xác chết, mà là một mùi tanh tưởi hôi thối giống như mùi ốc bùn. Có người liền đề nghị lão đại Ngô gia đi tìm thầy phong thủy.

Ông thầy phong thủy đó được gọi là Thẩm Một Mắt, nghe nói lợi hại cực kỳ. Ông ta đến bên miệng giếng xem xét một chút, nhưng lại không nói câu nào. Lão đại Ngô gia có gặng hỏi đến mấy, ông ta cũng cứ một mực giữ im lặng, cuối cùng bỏ đi, không nhận một xu nào. Trước khi đi, ông ta để lại cho lão đại Ngô gia một mẩu giấy.

Mẩu giấy kia viết cái gì, thì chẳng ai biết cả. Người trong thôn chỉ biết lão đại Ngô gia cuối cùng vẫn xây mộ ở chính nơi đó, sau khi chôn Ngô lão gia cùng cái xác cổ kia thì không rõ tăm tích đâu nữa.

Chuyện này được đồn ầm lên khắp cả thôn, dần dần, có người đồn một lời giải thích rằng: thôn nhà họ Ngô được gọi là Mạo Sa Tỉnh, hình như cũng bắt nguồn từ giếng mà ra. Nghe nói dưới thời cổ đại, vùng này vốn là đất đại hạn, vì nơi này có giếng, nên mới dần tạo thành thôn. Cái giếng này chính là mệnh nhãn của cả thôn. Giếng cổ mà lão đại Ngô gia đào trúng có lẽ chính là cái giếng mệnh nhãn này, sau đó bọn họ lại xây mộ tổ đè lên mệnh nhãn, bao nhiêu lợi lộc một mình Ngô gia chiếm hết cả.

Khốn nỗi là, kể từ lúc đó trở đi, Ngô gia bỗng nhiên lại bắt đầu khấm khá hẳn lên, cứ như thể là đã ứng nghiệm lời giải thích này vậy.

Trên đường trở về từ Triệu Sơn Độ, chúng tôi cẩn thận suy nghĩ thật kỹ về truyền thuyết mà Từ A Cầm đã kể này. Chú Hai rất tinh thông phong hủy, tôi liền hỏi chú, có thực là mộ tổ nhà mình có phong thủy tốt đến vậy hay không?

Chú Hai nói, "Cái này đã không còn nằm trong phạm vi phong thủy nữa rồi. Cháu đã nghe đấy, nằm đè lên miệng giếng, thời cổ đúng là có cách lý giải như thế, đó gọi là 'mắt rồng', có lẽ miệng giếng này nối liền với khí mạch của một long mạch nào đó, loại long mạch đó gọi là 'tàng long', nhưng cái này không thể chỉ nhìn mà ra nổi đâu. Nếu Thẩm Một Mắt này có thể nhìn ra, thì ông ta không phải thầy phong thủy nữa, mà là bậc tông sư phong thủy rồi. Đương nhiên đây chẳng phải chuyện đáng tin. Hơn nữa, nói thật, phong thủy mộ tổ nhà ta thực ra cũng chỉ tàm tạm thôi."

"Vậy chú nghĩ mẩu giấy mà Thẩm Một Mắt để lại cho tổ tông nhà ta viết cái gì?"

"Chú thấy chắc là mấy câu đại loại như 'thiên cơ bất khả lộ, ông hãy đi tìm người khác đi' gì đó."

"Thế thì lại càng không đáng tin, nếu mà như thế á, chắc chắn tổ tông nhà ta đã chẳng dám hạ táng rồi. Trong lúc dỡ cái giếng ấy, nhất định là có thằng mẹ nào đã bép xép cái gì với tổ tông nhà mình rồi." Chú Ba nói.

Chú Hai gật đầu: "Nếu không phải là về phương diện này, thì e là vấn đề nằm ở cái xác nữ kia rồi. Có lẽ cái giếng kia vốn chẳng liên quan gì cả, nhưng thứ khiến tay thầy phong thủy kia câm như hến có lẽ chính là cái xác kia. Trên mẩu giấy kia chắc là viết cái gì đó liên quan đến cái xác này."

Tôi thấy vẻ mặt chú Hai rất chi là quái lạ, lại hỏi: "Có phải chú nghĩ ra được gì rồi hay không?"

"Khó nói lắm, chú phải về xem lại gia phả nhà ta một chút đã, mới biết được điều chú đang nghĩ có đúng hay không." Chú nói: "Nếu chú đoán không lầm, thì chúng ta đã phạm phải một sai lầm lớn rồi."