Ngôi làng mà Từ A Cầm ở tên là Triệu Sơn Độ (bến đò núi Triệu), cũng nằm ở ven bờ suối, nhưng khúc suối ở đó khá rộng, cho nên ngày xưa ở đó từng có một bến đò. Về sau người ta xây cầu, bến đò liền bị bỏ hoang, nhưng cái tên Triệu Sơn Độ vẫn được tiếp tục sử dụng. Cây cầu đó cũng đã cổ, trên cầu chạm khắc toàn hình cá trắm đen, nghe nói là để trấn áp thứ gì trong suối. Nghe nói đáng ra ở đầu cầu còn có một bức tượng đá hình rùa đen, nhưng về sau đã bị trộm đi mất.

Tôi vừa lái con xe Jinbei của mình, vừa nghe chú Hai kể chuyện suốt dọc đường. Nhắc đến chuyện con rùa đen bằng đá, tôi thấy sắc mặt chú Ba đột ngột thay đổi, liền hỏi có phải vụ này là do chú làm không đấy. Chú Ba nói, thật ngại quá, chú còn chưa kịp ra tay đâu, theo như chú biết, thì có thể vụ này là do "ông già chú" hay chính là ông nội tôi làm. Dù không phải mình trộm thì coi như cũng được sờ vào rồi, bởi hồi bé chú từng thấy trong nhà có một thứ tương tự như thế.

Ông trẻ không đi cùng. Con Jinbei nhỏ của tôi cũng không chở được nhiều người như thế, chỉ đủ cho tôi, chú Hai, chú Ba và thêm một tay thủ hạ của chú Ba nữa.

Triệu Sơn Độ cách đây không xa, đứng ở cửa thôn nhà tôi ngẩng đầu lên là có thể nhìn thấy ngôi miếu nằm trên sườn núi vùng thượng du con suối thuộc phần đất của Triệu Sơn Độ rồi. Nhưng mà lái xe đi khó muốn chết ấy, bởi đường mòn lại vòng vèo theo sườn núi, quá là thách thức khả năng lái xe của tôi rồi, tôi cứ phải ghìm ở vận tốc 20km/h không dám tăng hơn nữa, đến được nơi đó thì cũng đã là giữa trưa.

Lúc này cũng đã đến giờ lành hạ táng mộ tổ nhà tôi rồi. Tôi vốn không muốn tham gia vào việc này, nên mới mượn cớ làm tài xế để cắp đít chuồn, ông trẻ liền thoái thác với mọi người bên kia rằng sinh thần bát tự của chúng tôi xung khắc nên phải tránh mặt, thế là chỉ có mỗi mình bố tôi tham gia. Hôm nay bố tôi đã khỏe hơn nhiều rồi, cũng may ổng nằm bẹp suốt mấy ngày, không biết đến những chuyện xui xẻo quái đản mấy ngày hôm nay.

Đến Triệu Sơn Độ, chúng tôi hỏi tìm ông cụ hơn trăm tuổi Từ A Cầm, rất nổi tiếng, hỏi một chút đã được chỉ đường rồi. Ngôi làng không lớn, chẳng mấy mà chúng tôi đã đến nhà ông cụ.

Đó là một ngôi nhà kết cấu bằng gỗ cực kỳ cũ nát, hơn nửa cái mái ngói đã bay mất, gần như là một căn nhà không mái. Bước qua cổng, thấy trong sân chăng dây kẽm, treo rất nhiều dưa muối, một ông lão khô quắt đang co rúm người ngồi phơi nắng trước cửa. Ông ta mặc một bộ quần áo vải thô màu lam, đội mũ nhung. Dưới đất còn đang phơi một loại rau gì đó mà tôi không biết.

"Úi chà chà mẹ kiếp, lão Nhị, ai bảo là ăn dưa muối thì chết sớm ấy nhỉ?" Chú Ba lẩm bẩm.

"Gọi là Nhị ca, đừng có gọi là lão Nhị." Chú Hai sửa lưng.

Tôi nén cười, đi theo hai người họ. Ông cụ kia ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi, hiển nhiên có vẻ kinh ngạc. Khoảnh khắc ngay khi tôi vừa nhìn thấy khuôn mặt ông ta, tôi liền giật thót mình một cái.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một gương mặt nào già như vậy, cái cảm giác đó không thể miêu tả lại được, tôi đã gặp qua không ít người cao tuổi, người trăm tuổi cũng từng gặp rồi, nhưng tôi không có cảm giác gì với những khuôn mặt đó. Còn khuôn mặt này, lại khiến tôi có chút sợ hãi, thật sự đã quá già rồi, có thực ông cụ này chỉ mới một trăm tuổi thôi?

Chú Hai nói rõ mục đích đến lần này của chúng tôi, Từ A Cầm lại không có phản ứng gì, cũng không đứng lên, mà chỉ gật đầu một cái, đôi môi không có răng cứ giần giật như đang suy tư điều gì. Phải đến hai phút sau, ông ta mới mở miệng (khẩu âm tiếng Trường Sa cũ chính gốc): "Chuyện lâu quá rồi, không biết lão có còn nhớ hay không nữa."

"Phiền cụ nhớ lại giùm chúng con." Chú Hai nói.

"Anh mua mấy mớ dưa muối này đi, thì lão sẽ suy nghĩ." Từ A Cầm chỉ đống dưa muối treo trên dây kẽm.

Tôi, chú Hai với chú Ba cùng sững người ra, tôi gào ầm lên trong bụng, úi giời ơi trông bề ngoài già như thế mà trong ruột vẫn còn minh mẫn lắm. Chúng tôi nhìn nhau, chú Ba liền nói: "Bao tiền một mớ?"

Suy nghĩ của chú Ba là thế này, ông lão này nói câu đó có thể là tiếng lóng, tức là ý muốn đòi tiền, đương nhiên cái giá tiền không phải giá mớ dưa muối thực, mà sẽ rất cao, đây là một cách lừa đảo moi tiền nhờ lợi dụng điểm yếu của người khác.

"Hai đồng một mớ."

Chúng tôi lại nhìn nhau, hình như ông lão này quả thực chỉ muốn bán dưa muối mà thôi. Chú Ba nói, được rồi, vậy thì mua ba mớ đi, rồi tỏ ý là để tôi trả tiền.

Tôi thầm gào lên, sao lại là tôi nữa, nhưng cũng không tiện từ chối, đành phải lục lọi túi quần một chút. Kết quả lại có toàn tờ một trăm, chỉ lẻ ra duy nhất một tờ năm đồng, thế là tôi theo phản xạ nói: "Năm đồng ba mớ đi."

Chú Ba cốc đầu tôi một cú: "Mẹ, lúc nào rồi mà mày còn tâm tư mặc cả hả." Nói rồi chú rút luôn một tờ một trăm của tôi, chìa ra: "Nè ông già, tôi đây mua hết, ông mau nghĩ đi."

Từ A Cầm lẩy bẩy nhận lấy tờ tiền, còn giơ lên trước ánh nắng xem một lúc, mới nói: "Vừa nãy các anh hỏi cái gì ấy nhỉ?"