Tiến triển bên Thần Côn cũng không được thuận lợi cho lắm.

Hôm đó, lúc tới trại Dao đã là gần nửa đêm, nhờ vào thể diện vợ Thẩm Vạn Cổ, Mã Quyên Hồng, gõ cửa một nhà dân trong trại, cả bọn mới có chỗ mà ngủ – bằng không chỉ có thể cuộn mình trong xe đến khi trời sáng.

Trời vừa sáng, Mã Quyên Hồng đã đi khắp trại hỏi thăm từng nhà một để nhờ giúp đỡ, rất nhanh sau đó đã gọi ra được một đám các bà các mẹ giỏi thêu hoa nhất, các bà tụ tập lại với nhau, xôn xao bàn tán về bức tranh chép lại bản thắt thừng ghi nhớ mà Giang Luyện dán mắt thần vẽ ra.

Các bà đều nói tiếng Dao, xì xà xì xồ nghe như sách trời vậy, Mã Quyên Hồng tuy là người Dao nhưng tiếng Dao cũng phân nhánh, việc giao tiếp cũng không thông thuận như trong tưởng tượng, đôi khi thậm chí còn phải dùng đến ngôn ngữ tay chân, lúc lúc lại buột miệng vài câu tiếng Hán, Thần Côn đứng bên cạnh không chen vào được câu nào.

Song, ngay sau bữa sáng, các bà các mẹ đây đã “mở hội thảo nghiên cứu”, mắt thấy đã gần trưa mà họ vẫn đang hội thảo nghiên cứu, lúc lúc lại bà xô tôi, tôi đẩy bà, cười cười đùa đùa.

Có phải gọi các bà ra mở tiệc trà đâu, Thần Côn hơi sốt ruột, hỏi Mã Quyên Hồng: “Còn phải bàn bạc tới bao giờ, mẫu đã có rồi, thêu theo là được mà.”

Mã Quyên Hồng rất có tướng phu thê với Thẩm Vạn Cổ, vóc người cũng cao lớn, thân hình hơi mập mạp, có điều, chị ta còn nhanh mồm nhanh miệng hơn cả Thẩm Vạn Cổ, nói chuyện cũng rất thẳng thắn.

Chị nói: “Chú Côn, ông lớn các chú toàn nói như rồng leo làm như mèo mửa, chẳng hiểu cái gì, luôn cho rằng đồ mua được ngoài chợ về nhà cái là có thể trở thành thức ăn nóng hỏi đặt lên bàn được ngay; quần áo bẩn ném vào sọt hôm sau là đã được giặt là thỏa đáng mặc lên người được rồi, cứ như ở giữa đó không có quá trình không có khổ cực gì vậy…”

Thẩm Vạn Cổ cảm thấy lời này thật chói tai: “Này, này, em đang nói ai đấy hả?”

Mã Quyên Hồng cũng chẳng thèm nhìn gã: “Ai nhột thì em nói người đó.”

Chị tiếp tục khách khí: “Thêu hoa cũng chẳng phải cứ có mẫu là thêu ra được, chú lại còn yêu cầu phải thêu giống y như đúc: Thế cháu hỏi chú, có mấy cái kim? Cái nào đè cái nào? Hợp vào ở đâu phân nhánh ở đâu, những cái này không thảo luận được rõ ràng thì sao làm được?”

Nghề nào cũng có chuyên môn, Thần Côn á khẩu.

Thẩm Vạn Cổ vội kéo Mã Quyên Hồng sang một bên: “Vậy cũng không thể để chú Côn chờ thế được, chú Côn là VIP, em tìm cách xếp đầy lịch trình hôm nay cho chú ấy đi.”

Phải khiến lão luôn bận rộn, lúc xem cái này khi xem cái kia thì việc đợi thêu hoa mới bớt giày vò.

Mã Quyên Hồng hiểu ý.



Thế là sau đó, Thần Côn được xếp cho hai lịch trình.

Một là viếng thăm thầy mo.

Rất nhiều dân tộc thiểu số ở Tương Tây có thầy mo của riêng mình, chỉ là cách gọi khác nhau mà thôi, ví dụ như tộc Miêu gọi là “ba đại”, mà thầy mo người Dao thì gọi là “ba mai”.

Vị thầy mo ba mai này ngoại hình không có gì ấn tượng, chỉ là một ông già gầy gò hiền lành, lúc họ tìm tới cửa, ông ấy đang chuẩn bị ướp thịt khô: ngồi xổm trong một cái sân không lớn, cẩn thận chuẩn bị gỗ thông, cành bách, vỏ quýt để xông nướng thịt khô.

Thần Côn không cảm thấy điều này có gì quái lạ: Rất nhiều thầy mo đều chỉ là một nông dân không biết chữ, chỉ khi đội mặt nạ rước thần vào thì mới biến đổi, trở thành một cầu nối thông với thế giới quỷ thần huyền bí.

Ông già này không biết một câu tiếng Hán nào, Mã Quyên Hồng thầm thì với ông một hồi lâu, ông gật đầu liên tục, còn chạy về phòng, lấy một khung ảnh trông rất Tây ra.

Trong khung là một tấm ảnh hai người chụp chung, một người trong đó là ông già này, mặc bộ áo thầy mo lộng lẫy sặc sỡ, người còn lại hình như là một ký giả, trên vai còn khiêng máy quay.

Mã Quyên Hồng giải thích với Thần Côn: “Thầy mo nói, giúp đỡ không thành vấn đề, ông ấy từng tiếp nhận rất nhiều cuộc phỏng vấn của đài truyền hình. Tấm ảnh này được chụp lúc quay cho chương trình về địa lý quốc gia Trung Quốc.”

Thời thượng thế cơ à? Thần Côn cảm thấy rất kính nể vị thầy mo này.

“Nhưng mà,” Mã Quyên Hồng nói, “Ông ấy không bảo đảm rằng có thể giải mã hết được, để cháu lấy ví dụ cho chú đi, thầy mo tộc Miêu biết bẻ thủ quyết, có quyết hộ thân, quyết tiễn thần, quyết đuổi hồn đập động…”

Thần Côn không biết chị định nói gì: “Phải.”

“Trước kia có hơn sáu trăm loại, thời Dân quốc có một học giả dân tộc học tên là Thạch Khải Quý từng viết riêng một quyển sách chuyên về các thủ quyết của ba đại, khi đó cũng chỉ có hơn sáu mươi loại, sau đó thì đủ các cuộc vận động diễn ra, lại càng ít thêm. Nói chung là, thời gian quá dài, đều đã thất truyền rồi.”

“Thầy mo ba mai nói rằng cái này giống như từ điển vậy, các thầy mo trước đây có thể nhận biết toàn bộ nhưng truyền đến đời ông ấy thì có lẽ chỉ còn lại không đến một phần mười, thêu được hoa văn rồi, ông ấy chỉ có thể cố gắng đọc thử, đọc hiểu bao nhiêu thì được bấy nhiêu.”

Trong lòng Thần Côn thấp thỏm bất an.

Lão ôm lấy nỗi lòng bất an này, lại được dẫn đi tham gia lịch trình thứ hai.

Dạo quanh trại.

Người dẫn đường là một cậu nhóc biết nói tiếng Hán nhưng không quá sõi, bởi vậy nên Mã Quyên Hồng vẫn theo suốt cả hành trình, nhóm người như một đoàn du lịch nhỏ, xem hoa kim ngân phơi nắng rồi lại xem cất giữ đậu phụ dầu thế nào, cuối cùng ra sau trại xem cổ thụ.

Quanh trại có rất nhiều cổ thụ nhưng địa vị của cây này hiển nhiên là đặc biệt nhất, bằng không đã chẳng được tách riêng ra một cách trịnh trọng như vậy.

Cây này thực ra không cao, chỉ khoảng chừng bốn, năm mét, to chừng một, hai vòng ôm, vô số nhánh rễ trồi lên khỏi mặt đất, ngoằn ngoèo xoắn xuýt, làm cho bên dưới tán cây như có một tấm thảm rễ đường kính rộng sáu, bảy mét.

Trên cành cây treo vô số những dải băng lụa cầu phúc sắc màu, có dải còn mới, có dải đã cũ đến độ bị tẽ sợi, đã sớm bạc màu, quanh gốc cây toàn là những bát hương nhỏ và những que nhang ngắn dài không đồng nhất.

Cậu bé dẫn đường chỉ vào cái cây, dùng tiếng phổ thông không đúng chuẩn nói: “Ông ơi, cây cha, cha.”

Mã Quyên Hồng dùng tiếng Dao hỏi cậu nhóc hai câu rồi quay sang Thần Côn: “Cây cổ thụ này là cây già nhất quanh trại, rất nhiều dân trại nhận nó làm ‘cha gửi’ để cầu xin sự phù hộ, ý là gửi mạng ở đây làm con của cây, họ cho rằng như vậy có thể thoát tai tránh nạn, dịp lễ tết nào cũng tới bái.”

Thần Côn xem cái cây một lượt từ trên xuống dưới: “Già đến mức nào?”

Lão chỉ biết là muốn xem tuổi của cây thì phải kiểm tra vòng tuổi, nhưng vòng tuổi lại phải chặt ngang cây đi mới có thể xem được.

Cậu bé dẫn đường ngắc ngứ đáp: “Không biết, có trại, thì có cây này, hai ngàn, ba ngàn năm, đều có thể, tên trại chúng cháu, cũng liên quan tới cây này.”

Đúng nhỉ, đó giờ vẫn quên hỏi tên trại.

“Tên trại là gì?”

“Tảng Đá, trại Tảng Đá.”

Cái tên này so với trong tưởng tượng có hơi chênh lệch: Thần Côn vốn tưởng rằng sẽ nghe thấy một cái tên đầy cổ kính và sâu sắc – giống như là người này vốn nên có tên là Sở Lưu Hương nhưng lúc báo tên ra thì hóa ra lại là Sở Đại Bảo vậy.

Lão lẩm bẩm: “Cũng bình thường mà.”

Thẩm Bang và Thẩm Vạn Cổ cũng đang thì thầm to nhỏ bên cạnh, một người thì cảm thấy tên trại quá quê mùa, một người thì cảm thấy quá trần tục, không có khí chất gì.

Cậu bé dẫn đường cuống lên, nhưng giải thích dài lại nằm ngoài khả năng ngôn ngữ của cậu, bèn chuyển sang dùng tiếng Dao, quay sang nói liên miên với Mã Quyên Hồng như bắn súng liên thanh vậy.

Mã Quyên Hồng nghe rất chăm chú, liên tục gật đầu, thấy hai Thẩm đứng đó phát biểu ý kiến ba hoa chích chòe, chỉ cười trừ, đợi họ gật gù đắc ý nói xong rồi mới không nhanh không chậm mở miệng: “Không phải là Tảng Đá mà là Mười Đầu.” (*)

(*) Tảng đá (thạch đầu) đồng âm [shí tóu] với Mười Đầu (thập đầu).

Mười Đầu…

Trại Mười Đầu?

Mẹ kiếp, chữ Hán đúng là kỳ diệu, cùng âm không cùng chữ, chỉ hơi đổi một chút thôi, tính chất đã hoàn toàn khác hẳn, đột nhiên nghe rõ là kỳ dị máu me.

Thẩm Bang nuốt nước bọt: “Chị dâu, không phải chứ, Mười Đầu, mười cái…đầu người?”

Mã Quyên Hồng gật đầu, chị cũng chẳng úp mở, một năm một mười thuật lại những gì cậu bé hướng dẫn vừa nói với chị ra.

Nói là tổ tiên nhánh Dao Hoa này thời xưa sống ở phương Bắc, sau vì Hoàng Đế và Xi Vưu đại chiến, Xi Vưu thua trận, họ mới không thể không cùng rất nhiều những bộ lạc theo Xi Vưu khác gian nan trắc trở rút xuống Nam.

Khi đó cũng là lần đầu tiên Dao Hoa vào núi lớn, không hiểu nhiều về núi nên rất không thích ứng, ngày ngày bôn ba mệt nhọc, chỉ mong có thể tìm được một nơi có đất phù sa mà định cư, cho cả tộc một lần nữa được sống yên ổn.

Vậy nhưng có một ngày nọ, đại thủ lĩnh lại tìm tới họ, điều phần đông những người tinh nhuệ trong số họ đi, nói là cần làm chuyện quan trọng.

Thế là phụ nữ người già và trẻ con không đi tiếp nữa, ở lại đó chờ, định đợi nhóm người kia rồi lại đi tiếp.

Vậy nhưng họ đi chuyến ấy lại như diều bị đứt dây, cũng không còn tin tức gì nữa.

Đám người già, phụ nữ và trẻ con này chờ hết ngày lại chờ qua đêm, đợi nửa tháng rồi đợi một tháng, rốt cuộc cũng phát hiện ra chuyện không ổn, họp tộc bàn bạc rồi quyết định đi về phương hướng họ rời đi, lần theo vết chân, tìm kiếm một đường.

Cuối cùng, chỉ tìm được một vài món đồ đeo đội nhìn rất quen mắt lác đác xung quanh và mười cái đầu người đã mục rữa – không tìm được thi thể, chắc hẳn là vì thi thể nhiều thịt, đã sớm bị dã thú trong núi sâu tha đi.

Người trong tộc biết chuyện lớn không ổn, gào khóc một trận rồi cũng không đành lòng rời đi, để nhóm binh sĩ này trở thành cô hồn dã quỷ lưu lạc đất hoang. Họ hợp táng mười cái đầu, trồng trên mộ một cây non, xây nhà dựng trại ở luôn đây, cứ như vậy đời đời kiếp kiếp sống tới ngày hôm nay.

Lâu ngày, cái cây non cũng lớn thành cây cổ thụ già nhất trong trại, chính là cái cây trước mắt này.

Đó cũng là lý do vì sao Dao Hoa ở Tương Tây đều phân bố ở Tuyết Phong Sơn, chỉ có nhánh này là dừng chân ở nơi cằn cỗi nhất trong núi sâu Đại Vũ Lăng.

Thần Côn ngẩn ngơ nghe hết, trái tim vốn đã thấp thỏm bất an gần như chìm xuống đáy cốc.

Vãi chưởng, thật đúng là để cái miệng thối của Tiểu Luyện Luyện nói trúng rồi, người biết bí mật đã sớm bị lưỡi đao và dã thú chia ra thành đồ ăn, còn lại chỉ toàn là những người ngoài cuộc không hay biết gì mà thôi.

Lão ngập ngừng hỏi một câu: “Vị đại thủ lĩnh đó là Xi Vưu à?”

Vừa nói ra khỏi miệng đã biết mình hỏi ngu rồi.

Có rất nhiều truyền thuyết về Xi Vưu, nhưng về cơ bản đều cho rằng ông ta thua trận bị giết, bị Hoàng Đế bêu đầu táng thân – bất kể là vào thời đại nào, các cuộc chiến tranh quyền đoạt lợi đều rất tàn khốc.

***

Vì bức thêu hoa bản thắt thừng ghi nhớ kia mà Thần Côn đã phải đợi chừng một ngày rưỡi.

Cũng không phải là bởi các bà các mẹ kia tay chân chậm mà là bởi họ không có khái niệm đẩy nhanh tốc độ, luôn bận rộn đủ thứ chuyện: Phải về nấu cơm này, phải nhặt củi này, buồn ngủ này…

Anh có đề nghị tăng tiền công gấp đôi cũng chẳng có tác dụng khích lệ gì với họ: Tiền đủ dùng là được, đòi nhiều cũng chẳng dùng đến.

Thời đại này rồi mà còn có thể có ý nghĩ như vậy, cũng không biết là nên cười chê hay là nên cảm khái nữa.

Có điều Thần Côn cũng không để mình nhàn rỗi, lão nhân khoảng thời gian này, bắt đầu chỉnh lý ghi chép, đầu đề tạm đặt là “Ký sự huyền bí – Thiên tìm rương”.



Tối hôm sau, cuối cùng Thần Côn cũng được trông thấy được bức thêu hoa hoàn chỉnh.

Thề không khoa trương, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu là: Đây là cái gì thế?

Bởi chẳng có màu sắc phân chia gì hết, tất cả đều là dùng chỉ sợi bông trắng thêu thành, từng cụm từng cụm, đường thêu lúc dày lúc thưa: có nhiều chỗ hết đường chỉ này lại đến đường chỉ kia chồng chất lên nhau, dày đặc kín kẽ, gần như nổi lên khỏi mặt phẳng, có nhiều chỗ lại chỉ đi mấy sợi, đến vải nền cũng chẳng che khuất được…

Lão tự an ủi mình: Vậy là được rồi, càng kỳ dị quái lạ thì càng đúng.

Bức hình thêu được đưa tới chỗ thầy mo ba mai.

Thầy mo đã sớm mặc xong áo làm phép, đeo mặt nạ rước thần, mặt nạ khắc trên gỗ, bóng màu dầu đã ngả đen, mắt và miệng đều khoét rỗng, trên đầu còn ghim dán một bộ lông màu đen rối bù – mặc đầy đủ như vậy trông quả thực rất đáng sợ.

Bởi lúc làm phép thường không cho người ngoài xem, càng không được ghi âm ghi hình gì nên Mã Quyên Hồng phải đứng ra xin rất nhiều lần, thầy mo mới đồng ý cho chị và Thần Côn vào nhà quan sát.

Gian phòng là phòng lò sưởi, rất tối, chỉ có trên bàn là châm một cây hương nến, dù cửa sổ đã đóng chặt, song ánh nến vẫn lay động, khiến lòng người rờn rợn – càng khiến người ta toát mồ hôi lưng là, thầy mo ba mai treo bức thêu kia trong một góc, mình thì quay mặt vào góc đó ngồi xuống, trong lòng chỉ ôm một cây đàn độc huyền, tay nắm chặt đao làm phép.

Thần Côn vô thức nuốt nước bọt, sợ phát ra tiếng động gì, chỉ nhìn chăm chú vào ông thầy mo kia gảy cây đàn dây, miệng ê ê a a lầm rầm gì đó, lúc lúc lại lấy mặt đất làm trống, mà đạp chân xuống.

Đêm xuống, trại nơi núi sâu rất yên ắng, tiếng đàn, tiếng lầm rầm và tiếng đạp chân đánh nhịp có thể nói là không chút quy luật này khiến người ta nghe mà khiếp hãi vô cùng.

Lát sau, tiếng gảy đàn ngừng lại.

Thần Côn trực giác là đã xong đoạn mở đầu.

Thầy mo đeo mặt nạ vào làm đầu ông ta nhìn rất lớn, ông thò cái đầu lông lá lại gần bức thêu, chăm chú xem.

Thần Côn được Mã Quyên Hồng phổ cập kiến thức từ trước, đã biết rằng cái “xem” này cũng không phải là nhận chữ mà là một cảm giác na ná như nối thông linh hồn: Giống như xem một hình vẽ 3D vậy, nhìn một lúc là có thể thấy được những khối màu lộn xộn được sắp xếp này hiện thành hình ảnh lập thể – mà hình ảnh là cái gì thì “câu chuyện” mà bản thắt thừng ghi nhớ muốn nói cho anh biết cũng chính là cái đó.

Thầy mo ba mai xem một lúc, chợt quay đầu lại nói gì đó với Thần Côn.

Thần Côn nghe không hiểu, Mã Quyên Hồng phiên dịch lại: “Ông ấy hỏi chú rốt cuộc đây là cái gì mà đổi góc xem mấy lần vẫn không xem hiểu.”

Quả nhiên là xem không hiểu, tim Thần Côn đập thình thình, trán cũng rịn đẫm mồ hôi. Lão nhờ Mã Quyên Hồng chuyển lời: “Bảo thầy đừng bị áp lực, cứ xem cẩn thận, nhận ra được chỗ nào hay chỗ ấy, không sao cả, dù chỉ hiểu được một hai thôi cũng được.”

Thầy mo nghe Mã Quyên Hồng thuật lại xong, miệng lầm bầm gì đó rồi lại sáp lại xem.

Thần Côn liếm liếm đôi môi khô khốc, tay siết chặt bút, nhìn cuốn sổ bày trước mặt: Lão vốn cho rằng bản thắt thừng ghi nhớ này hẳn sẽ rất dài dòng nhiều chuyện, định mang sổ bút theo ghi lại, giờ xem ra, có thể ghi được một đôi lời là chuyến đi này đã tốt đẹp lắm rồi.

Lát sau, dường như cuối cùng cũng hiểu được chút gì, thầy mo nói một đoạn lời.

Mã Quyên Hồng cũng căng thẳng, sợ mình bỏ sót then chốt gì, chị nghe thật cẩn thận cho hết rồi mới hạ giọng dịch lại cho Thần Côn: “Nói là… Lửa bừng lăn qua máu sôi, có thể mở được nút khóa cơ quan.”

Thần Con nghe chẳng hiểu mô tê gì, nhưng không sao, cứ ghi đúng theo là được, lão vùi đầu, ngòi bút loạt xoạt, trong đầu không ngừng xoay chuyển suy nghĩ: Máu đã sôi rồi thì sao lửa bừng còn “lăn” qua nữa, ý là đun máu sôi trên lửa bừng sẽ nhanh chóng bốc hơi hết à?

Nghe không hiểu, hoàn toàn nghe không hiểu, ghi xong rồi, lão dừng lại, bàn tay vừa viết run run, đợi câu kế tiếp.

Câu kế tiếp phải đợi mười lăm phút mới ra.

“Có thể giúp ngươi nghe được…tiếng không cam của…người chần chừ trước cửa vào…”

So với câu còn khiến người ta hoang mang hơn, hơn nữa, bởi xem nhảy cóc nên trước sau tất nhiên là không ăn nhập gì với nhau, có điều, phỉ nhổ thì phỉ nhổ thế chứ tay Thần Côn vẫn không chậm chút nào.

Đến câu cuối cùng thì xảy ra vấn đề, thầy mo như bị dọa sợ, lùi vội ra sau, song quên mất mình ngồi trên ghế, vấp chân ngã bổ nhào ra đất.

Thần Côn hết hồn, một trái một phải cùng Mã Quyên Hồng vội qua đỡ.

Thầy mo ba mai tháo mặt nạ xuống, khắp đầu khắp mặt nhễ nhại mồ hôi, vẻ mặt kinh sợ không chắc chắn, hổn hển thở dốc, một lúc lâu sau mới nói ba câu với Mã Quyên Hồng.

Chính xác ra là một câu, chỉ là lặp đi lặp lại ba lần mà thôi – tuy Thần Côn nghe không hiểu nhưng lại có thể nghe ra nội dung câu nói đều giống nhau.

Lão ngờ vực nhìn về phía Mã Quyên Hồng.

Không biết là do lời này thật sự đáng sợ hay là bị tình trạng của thầy mo ba mai dọa sợ, sống lưng Mã Quyên Hồng hơi hơi buốt lạnh, chị lấy lại bình tình, rồi mới nghĩ mà phát sợ dịch lại câu cuối này cho Thần Côn.

Chị nói: “Thầy mo bảo là, có khúc xương đáng sợ, là khúc xương…có thể nuốt ăn người.”