Trọng phạm chết trong thiên lao là tội rất nặng, thượng thư bộ Hình đã đến điện Tuyên Thất nhận tội.

Lang quan đứng bên cạnh lại nhìn Tạ Dung Dữ, nghĩ bụng Quan gia và Tiểu Chiêu vương là huynh đệ, ý của Tiểu Chiêu vương cũng là ý của Quan gia.

Lang quan bèn hỏi: “Bẩm điện hạ, nguyên nhân cái chết của Hà Hồng Vân đã được nghiệm rõ, bây giờ có cần sắp xếp dọn xác không?”

Tạ Dung Dữ không lên tiếng.

Trong nhà lao âm u lạnh lẽo, không hiểu sao y lại nghĩ đến một chuyện không liên quan.

Hồi còn là Giang Từ Chu, y cũng từng giao du với Hà Hồng Vân, có một lần hai người đi nhậu, rượu quá tam tuần, Hà Hồng Vân cầm cốc rượu, thờ ơ nói:

“Con cháu thế gia như chúng ta cũng có cái khổ của mình, có quá nhiều người cùng thế hệ, muốn nổi bật xuất chúng thì phải biết hy sinh.”

Tạ Dung Dữ mới hỏi, hy sinh cái gì?

Hà Hồng Vân cười, nhìn rượu sóng sánh trong cốc, “Tử Lăng à, hồi nhỏ đệ đã bao giờ lén uống rượu chưa? Còn nhớ mùi vị lúc ấy không?”

Mùi vị ấy, vừa nồng vừa cay, vừa xuống họng lại như lửa thiêu.

“Nhưng mà rượu ấy, nhấp một hớp thấy ngọt, uống nhiều sẽ thành nghiện, sống càng lâu càng uống ngàn chén, thành ra mất ngon.” Hà Hồng Vân cười nhạt, “Những chuyện khác cũng vậy.”

Hắn là công tử hàng thứ tư ở Hà gia, mẫu thân là bình thê, nên hắn vừa không phải trưởng tử và cũng chẳng phải đích tôn, nhưng cuối cùng hắn lại trở thành đứa con Hà Thập Thanh đắc ý nhất, rốt cuộc đã hy sinh điều gì?

Đó là lần duy nhất Hà Hồng Vân thật lòng với Tạ Dung Dữ.

Giết người liên tục đã khiến trái tim hắn thêm chai lì ác độc, có thể lần đầu giết người còn thấy sợ, nhưng dần dà khi chứng kiến quá nhiều máu chảy, tới lúc đó sẽ chẳng còn cảm giác gì, đúng như lời hắn đã nói.

Hắn rất tỉnh táo, nhận thức được bản thân coi mạng người như cỏ rác.

Tạ Dung Dữ hỏi: “Sao phải dọn xác?”

Dù từ tù chết oan thì cũng là chết trong ngục, thi thể của hắn đáng bị ném ra bãi tha ma, châm đuốc thiêu đốt.

Lang quan đáp: “Theo lý không nên dọn, nhưng vì Tiểu Hà đại nhân mà lão Trung Thư Lệnh đã quỳ ở đài Phất Y một ngày một đêm, xét cho cùng Hà Hồng Vân cũng họ Hà…”

“Họ Hà thì sao?” Tạ Dung Dữ hỏi.

Thuyền lớn ra khơi rồi cũng có ngày lật, cây sống ngàn năm cũng tới lúc khô héo. Hà Thập Thanh quỳ ở đài Phất Y là vì Hà Hồng Vân ư? Ông ta quỳ là vì chính mình, vì Hà thị đồ sộ to lớn.

Tạ Dung Dữ nói, “Không cần dọn xác, ném ra bãi tha ma đi.”

Tạ Dung Dữ rời khỏi thiên lao.

Hà Hồng Vân đã chết, cuối cùng chỉ để lại một bản tội trạng cùng cái tên “Từ Thuật Bạch” bị nhuốm máu.

Hắn là kẻ đã đánh mất lòng trắc ẩn, đòi gặp Tạ Dung Dữ chưa chắc là để tìm hiểu chân tướng hay nhắc nhở thiện ý, hắn chỉ muốn mượn cái tên này cùng manh mối sau đó để nắm lấy cơ hội cho bản thân và Hà thị mà thôi.

Hắn không đáng để được thương xót.

Tiếc thay manh mối lại bị đứt đoạn ở đây.

Thấy Vệ Quyết, Chương Lộc Chi cùng các Huyền Ưng vệ đang chờ ngoài thiên lao, Tạ Dung Dữ nói: “Các ngươi về nha môn đi, ở đây không còn chuyện gì nữa rồi.”

Nhưng hai người Vệ Chương lại không nghe lệnh, đi theo Tạ Dung Dữ đến ngoài hành lang bộ Hình, cả hai chắp tay vái: “Điện hạ, thuộc hạ có chuyện muốn bẩm báo.”

“Dám hỏi điện hạ, có phải ngài đang điều tra một tú tài tên là Từ Thuật Bạch không? Manh mối mà điện hạ muốn… có lẽ Huyền Ưng Ti biết.”

Tạ Dung Dữ xoay phắt người lại.

Y nhìn Vệ Quyết và Chương Lộc Chi chằm chặp, đoạn đưa mắt nhìn Huyền Ưng vệ đi theo phía sau, Huyền Ưng vệ hiểu ý, lập tức canh giữ ở cửa ra vào.

Tạ Dung Dữ hỏi: “Các ngươi biết Từ Thuật Bạch?”

Vệ Quyết đáp: “Biết ạ, hắn ta là cháu trai của Từ Đồ, một thương nhân buôn gỗ ở Lăng Xuyên, xuất thân tú tài, trước khi Tiển Khâm Đài hoàn thành, hắn là một trong các sĩ tử được chọn lên đài, về sau Tiển Khâm Đài sập, hắn… mất tích trên đường lên kinh.”

Tạ Dung Dữ nhíu mày.

Xuất thân quê quán của Từ Thuật Bạch không khó để điều tra, nhưng chuyện hắn lên kinh là bí mật, tại sao Huyền Ưng Ti biết được?

Tạ Dung Dữ thong thả ngồi xuống ghế: “Nói tiếp đi.”

“Vâng.” Vệ Quyết chắp tay, “Hẳn là điện hạ vẫn còn nhớ, ban đầu Tiển Khâm Đài chỉ là đền Tiển Khâm, về sau đổi thành đài là do tiên đế quyết định, ngày mồng chín tháng Bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, tuyển chọn học trò lên đài để kỷ niệm các sĩ tử đã nhảy sông Thương Lãng.

Thánh lệnh xây đài được ban bố, Ngu hầu đến Thần Dương mời thợ mộc Ôn rời núi làm tổng đốc công, bảy tháng sau, tức tháng hai năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Huyền Ưng Ti nhận được điều lệnh, do Chỉ huy sứ cùng Đô kiểm điểm dẫn theo Chuẩn bộ đến Lăng Xuyên chấp hành nhiệm vụ hộ vệ.”

Tạ Dung Dữ gật đầu: “Bổn vương vẫn còn nhớ những chuyện này.”

“Huyền Ưng Ti đến Lăng Xuyên là vào tháng ba năm Chiêu Hóa thứ mười ba, gần bốn tháng sau đó, ngoài mấy ngày cuối mưa to như trút, Ôn đốc công tri hô đình công thì mọi chuyện vẫn suôn sẻ bình thường. Nhưng vào mồng tám tháng Bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, tức một ngày trước khi Tiển Khâm Đài hoàn thành thì đã xảy ra chuyện bất ngờ.”

“Bất ngờ gì?”

“Có một thư sinh đến núi Bách Dương.”

Lúc ấy Tiển Khâm Đài đã sắp sửa hoàn thành, ngày hôm sau sĩ tử sẽ lên đài, có thư sinh tới núi Bách Dương cũng rất bình thường, thậm chí có người muốn thấy cảnh lên đài tế bậc tiên liệt mà đã đến huyện Sùng Dương chờ từ tháng Năm.

Nhưng thư sinh này chẳng phải ai lạ, mà chính là Từ Thuật Bạch.

“Chỉ huy sứ đại nhân phụ trách hộ vệ quanh Tiển Khâm Đài, nên nhân sĩ đến núi Bách Dương được Đô kiểm điểm tiếp đãi. Từ Thuật Bạch đến nơi, hắn nói thẳng muốn gặp Ôn đốc công, nhưng vì lúc đó mưa to nhiều ngày liền, Ôn đốc công đang bận kiểm tra kênh dẫn nước nên Kiểm điểm đại nhân đã từ chối hắn, nói với hắn để mai lên đài gặp cũng được, không ngờ Từ Thuật Bạch lại nói mình không lên đài, có chuyện quan trọng cần phải lên kinh, lại hỏi có thể cầu kiến Tiểu Chiêu vương không.

Bây giờ ngẫm lại, có lẽ chính thỉnh cầu muốn gặp điện hạ đã khiến Kiểm điểm đại nhân nghi ngờ, ngài ấy nói với Từ Thuật Bạch là điện hạ đã đi kiểm tra kênh mương cùng Ôn đốc công rồi, còn bảo, ‘nếu cậu có chuyện quan trọng thì viết thư đi, đợi Ôn đốc công về, ta nhất định sẽ chuyển giúp’, Từ Thuật Bạch là người đơn giản nên đã tin Kiểm điểm đại nhân, hắn vội vã viết thư rồi nhanh chóng lên đường.

Kiểm điểm đại nhân nhận thư, nhưng có lẽ do lão Chưởng sứ của Chuẩn bộ và các Hiệu úy đang có mặt nên ông ấy không mở ra xem ngay, mãi tới ban đêm khi Ôn đốc công quay về, Huyền Ưng Ti thay ca, lão Chưởng sứ cho các Hiệu úy rút lui thì ông ấy mới giao thư cho Ôn đốc công.

Chuyện về sau điện hạ cũng biết rồi đấy, Ôn đốc công bị Kiểm điểm đại nhân giam lỏng một đêm, sáng sớm ngày mồng chín tháng Bảy, mưa to như thác đổ, sĩ tử đứng dưới Tiển Khâm Đài chờ đi lên, nhưng ông ấy không hề xuất hiện.”

Tới khi sĩ tử leo lên đài, lão Chưởng sứ Chuẩn bộ cùng hội Vệ Quyết Chương Lộc Chi mới tìm được Ôn Thiên ở trong phòng của Đô Kiểm điểm, nghe tin sĩ tử đã lên đài, mặt ông trắng bệch đi, không giải thích nhiều mà run run nói: “Không được lên đài, sẽ sập… sẽ sập đấy!” Rồi chạy thẳng tới Tiển Khâm Đài.

Nhưng hỡi ôi vẫn đến muộn rồi, ngẩng đầu nhìn lên, trời đất vần vũ, khói bụi sỏi đá rơi theo tiếng mưa xào xạc, dội thẳng xuống mặt.

Nghe đến đây, Tạ Dung Dữ vẫn im lặng.

Một lúc sau y mới hỏi: “Vì sao Đô kiểm điểm của các ngươi lại giam lỏng Ôn đốc công?”

Về sau Huyền Ưng Ti bị luận tội, đương nhiên là do Huyền Ưng Ti không làm tròn trách nhiệm hộ vệ, khiến đông đảo sĩ tử bách tính mất mạng dưới đài, về chuyện Kiểm điểm giam lỏng Ôn Thiên, vì cả hai người đều đã chết dưới Tiển Khâm Đài nên không thể truy cứu được nữa, còn lão Chưởng sứ và đám Vệ Chương biết được nội tình lại quá kín miệng, nói với bên ngoài là không biết gì.

Chương Lộc Chi đáp: “Bẩm điện hạ, lúc ấy quả thật chúng thuộc hạ không biết, chỉ suy đoán có liên quan tới phong thư Từ Thuật Bạch để lại. Mãi đến sau này khi triều đình điều tra được nguyên nhân đài sập, phát hiện lô gỗ có vấn đề, chém đầu Ngụy Thăng và Hà Trung Lương, thì chúng thuộc hạ mới liên hệ được Từ Thuật Bạch là cháu của Từ Đồ, có lẽ phong thư hắn để lại cho Ôn Thiên hòng tố giác chuyện tráo gỗ.”

Trước khi Tiển Khâm Đài được xây xong, vì mưa lớn nhiều ngày liền, phải gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống lũ lụt, Ôn Thiên đề nghị đình công không dưới một lần, nếu ngay từ đầu ông ấy biết số gỗ dùng để chống đài là thứ phẩm, chắc chắn sẽ ngăn cản sĩ tử lên đài bằng mọi giá.

“Có lẽ Kiểm điểm hy vọng các sĩ tử sẽ lên đài đúng vào ngày mồng chín tháng Bảy, trong khi Ôn đốc công lại có ý ngăn cản, có thể đó là nguyên nhân khiến Kiểm điểm đại nhân giam lỏng Ôn Thiên. Còn vì sao ông ấy phải làm như vậy thì chúng thuộc hạ vẫn chưa điều tra được.”

“Các ngươi chưa điều tra ra nhiều thứ lắm.” Tạ Dung Dữ nói, “Nếu Từ Thuật Bạch đã viết thư báo cho Ôn đốc công biết chuyện tráo gỗ một ngày trước khi Tiển Khâm Đài hoàn thành, vậy tại sao anh ta còn phải gấp gáp lên kinh?”

Nếu anh ta chỉ muốn tố giác tội ác của Hà gia thì có thể ở lại núi Bách Dương, đợi Ôn Thiên và Tiểu Chiêu vương về để cùng điều tra vật liệu gỗ, lấy được bằng chứng rồi tiếp tục lên kinh, nhưng anh ta không làm như thế, thậm chí anh ta còn không hề qua đêm ở lại núi Bách Dương.

Lời của Vệ Quyết và Chương Lộc Chi đã xác thực suy đoán lúc trước của Tạ Dung Dữ.

Người Từ Thuật Bạch lên kinh để cáo trạng không phải là Hà gia, mà là một người khác với một vụ án khác.

“Bẩm điện hạ, đấy chính là chuyện quan trọng mà thuộc hạ muốn bẩm báo.” Vệ Quyết nói, “Sau khi Tiển Khâm Đài sập, lão Chưởng sứ cũng có nghi ngờ giống vậy, nếu lá thư Từ Thuật Bạch để lại là tố giác Từ Đồ tráo gỗ, vậy hắn còn lên kinh làm gì? Mấy hôm sau Ngụy Thăng và Hà Trung Lương bị chém đầu, lão Chưởng sứ đã bảo lãnh cho thuộc hạ cùng Lộc Chi được bình an thoát tội, lệnh chúng thuộc hạ lập tức lần theo tung tích của Từ Thuật Bạch truy đuổi lên kinh.”

“Các ngươi… Có tìm được hắn không?”

Vệ Quyết và Chương Lộc Chi im lặng một hồi: “Tìm được rồi… Nhưng cũng có thể nói là không tìm được.”

“Từ Thuật Bạch đã biến mất trên đường lên kinh. Về sau… chúng thuộc hạ ráo riết hỏi thăm, nghe được một vụ án thiêu xác ở gần phủ Khánh Minh, nạn nhân là một thư sinh trẻ tuổi, hình như muốn vào kinh trước khi chết, mọi manh mối đều cho thấy người đó có lẽ là Từ Thuật Bạch.”

Tuy cũng đã sớm lường trước điều ấy, nhưng nghe đến đây Tạ Dung Dữ vẫn thấy lạnh lòng: “Từ Thuật Bạch chết thật rồi.”

Vệ Quyết đáp phải, “Có quá nhiều người mất mạng dưới Tiển Khâm Đài, Huyền Ưng Ti không làm tròn trách nhiệm đã bị đẩy lên đầu ngọn gió, tiên đế ra lệnh điều tra Huyền Ưng Ti, Đô kiểm điểm cũng đã chết dưới đài, lão Chỉ huy sứ chứng kiến thảm cảnh địa ngục trần gian thì vô cùng áy náy, cam lòng bêu đầu tạ tội, lão Chưởng sứ gỡ tội cho thuộc hạ và Lộc Chi bị xử trượng hình, từ đó trở đi Huyền Ưng Ti lùi về ngủ đông. Nên thuộc hạ và Lộc Chi không thể ở bên ngoài quá lâu, phải nhanh chóng quay lại kinh thành. Ai ngờ…”

“Ai ngờ nửa năm sau, Tiển Khâm Đài đã khép án, thuộc hạ và Vệ Chưởng sứ lại đến phủ Khánh Minh lần nữa, vụ án thiêu xác lúc trước đã bị xóa khỏi tập án của quan phủ, không để lại bất cứ dấu vết nào, còn anh chàng Từ Thuật Bạch này lại xuất hiện trong danh sách sĩ tử mất mạng dưới Tiển Khâm Đài.” Chương Lộc Chi tiếp lời, siết chặt nắm đấm, “Thuộc hạ không cam tâm, vốn dĩ muốn bẩm báo lên triều đình ngay lúc đó, nhưng Vệ Chưởng sứ đã ngăn cản thuộc hạ, nói là không có bằng chứng, nếu để lộ thông tin thì sẽ càng khiến đối phương cảnh giác. Nhưng cũng từ đó trở đi, chúng thuộc hạ biết Từ Thuật Bạch có rất nhiều bí ẩn.

Một tú tài ngây thơ như hắn, có điều tra cũng không thêm được manh mối. Nên chúng thuộc hạ mới bắt tay điều tra từ Từ Đồ, lão là kẻ nịnh cao khinh dưới, ton hót nịnh bợ, nói thật, lão cũng chẳng có gì để điều tra, nhưng có một điểm khả nghi.”

“Là gì?”

“Xưa nay Từ Đồ chỉ toàn qua lại với giới giàu sang, nhưng vào năm xây dựng Tiển Khâm Đài, lão ta thường xuyên giao du với một toán sơn tặc ở Lăng Xuyên. Nhưng đây cũng không phải chuyện lạ, có thể là sơn trại muốn sửa nhà nên mua gỗ của lão ta? Sở dĩ thuộc hạ và Vệ Chưởng sứ nghi ngờ là vì, không lâu sau khi Tiển Khâm Đài sập, sơn trại này bỗng bị quan phủ tiêu diệt.”

Tạ Dung Dữ nói: “Tiển Khâm Đài sập khiến lòng dân bất an, thổ phỉ cướp bóc diễn ra liên miên, một ổ sơn trại bị tiêu diệt cũng bình thường.”

Chương Lộc Chi nói: “Đúng thế, nhưng sơn tặc ngụ cư trong núi, dù binh mã triều đình tới thì kiểu gì cũng sẽ có cá lọt lưới. Vậy mà sơn trại này lại bị tiêu diệt vô cùng sạch sẽ, thuộc hạ và Vệ Chưởng sứ muốn điều tra tiếp nhưng chẳng tìm nổi một người còn sống. Sau đó chúng thuộc hạ về kinh, báo chuyện này lại với lão Chưởng sứ, định dẫn binh mã tới Lăng Xuyên, nhưng lão Chưởng sứ đã ngăn cản.”

Vệ Quyết cụp mắt nói: “Lão Chưởng sứ bảo, vụ án này liên đới quá rộng, chúng thuộc hạ không nên điều tra nữa, cho dù tra được chân tướng cũng chưa chắc đã thay đổi được càn khôn, trái lại còn rước họa sát thân. Lão Chưởng sứ nói, ông ấy hy vọng chúng thuộc hạ giữ kín những gì mình biết, không cần thiết phải nói ra, cứ để Tiển Khâm Đài đã sập trở về với cát bụi.

Hồi ấy tiên đế bệnh nặng, triều chính bất ổn, vì bị dụng hình mà lão Chưởng sứ phải nghỉ dưỡng một năm, bệnh tình nguy kịch, chúng thuộc hạ không nỡ khiến ông ấy lo lắng nên đành tuân lời, không nhắc đến những việc xoay quanh Tiển Khâm Đài với bất cứ ai.”