Tuyết vừa ngừng rơi, sương mù đã giăng khắp lối, tờ mờ sáng chậm rãi ló dạng, Tạ Dung Dữ vén màn sương lạnh lẽo, vội vã đi tới chính điện.

Thôi Chi Vân đang chờ trong điện, thấy Tạ Dung Dữ đến, nàng rụt rè gọi: “Tỉ phu.”

Lần đầu vào cung khiến nàng thấp thỏm bồn chồn, vừa dứt lời đã nhận ra mình gọi sai, đang định sửa thì Tạ Dung Dữ đã đáp một tiếng. Y ra hiệu cho nàng ngồi, nhẹ nhàng nói: “Dạo gần đây Giang phủ thế nào?”

Thôi Chi Vân nói: “Nhờ có tỉ phu, Giang gia vẫn chăm sóc muội rất tốt.”

Nàng do dự, “Tỉ phu, tối hôm qua… muội có đi gặp a tỉ.”

Tạ Dung Dữ cũng không bất ngờ.

Y và Thôi Chi Vân không quá quen thân, Thôi Chi Vân có thể vào cung gặp y đơn giản là vì Thanh Duy.

“… Nàng ấy có khỏe không?”

“A tỉ vẫn ổn ạ, tuy bị thương nhưng có vẻ đã khỏe hơn nhiều rồi, chỉ là, kinh thành đầy rẫy nguy cơ, a tỉ không thể nán lại lâu được nữa.”

Tạ Dung Dữ đáp một tiếng, thật lâu sau mới hỏi: “Nàng ấy đi rồi à?”

Thôi Chi Vân gật đầu.

Nàng giơ túi vải trong tay ra, “A tỉ có đồ muốn nhờ muội chuyển cho tỉ phu.”

Mở túi vải ra, đập vào mắt là một miếng ngọc với màu nước trong veo, Tạ Dung Dữ khựng lại, “Nàng ấy… không chuyển lời gì đến ta à?”

“A tỉ chỉ nói, bao giờ gặp tỉ phu thì thay mặt tỉ ấy tạm biệt ạ.” Thôi Chi Vân đáp, “Trong vụ án của Hà gia có một nhân chứng tên Phù Đông, a tỉ đã viết vào thư tung tích của vị Từ tiên sinh mà nàng ấy nhờ nghe ngóng rồi, a tỉ dặn muội giao phong thư, bản vẽ trong hộp gỗ và cả miếng ngọc này cho tỉ phu.”

Tạ Dung Dữ nói: “Đa tạ.”

Thâm điện lặng thinh, Thôi Chi Vân đã làm xong chuyện Thanh Duy giao phó, nàng cảm thấy bứt rứt không yên, bèn vội vàng chào từ biệt. Tạ Dung Dữ không giữ nàng lại, sai người đưa nàng về Giang phủ.

Nắng dương xuyên qua màn sương chiếu rọi vào điện, Tạ Dung Dữ ngồi yên trước bàn một lúc rất lâu, đoạn cầm miếng ngọc lên, chậm rãi nắm trong lòng bàn tay.

Kinh thành đổ tuyết lớn, truy binh gắt gao, có lẽ nàng đã đi một mình.

Lúc này rời đi là quyết định rất chính xác, Ôn Tiểu Dã bôn tẩu bao nhiêu năm, mỗi lần gặp chuyện luôn quả quyết dứt khoát.

Nên y không hỏi là nàng đã đi đâu.

Có lẽ đến bản thân nàng cũng không biết, chẳng phải những năm qua  vẫn thế đấy sao.

Tạ Dung Dữ nhìn bản vẽ Tiển Khâm Đài, đoạn cất vào hộp gỗ, cầm lấy bức thư.

Bức thư Thanh Duy viết gửi Phù Đông, chỉ là những lời vu vơ như đang nói chuyện bình thường:

“Phù Đông, ta có vài manh mối về tung tích của Từ tiên sinh đây. Ta có một người chú họ Tiết, bao năm qua ông ấy vẫn luôn điều tra chân tướng Tiển Khâm Đài sập, ông ấy đối chiếu danh sách sĩ tử mất mạng, âm thầm viếng thăm rất nhiều nhà, cây trâm ngọc song phi yến của Từ tiên sinh được ông ấy tìm thấy tại nhà một cặp vợ chồng già họ Phùng ở phủ Khánh Minh.

Đôi vợ chồng này có một người con trai thi đậu cử nhân, năm năm trước được chọn lên Tiển Khâm Đài, sau khi Tiển Khâm Đài sập, bọn họ nghe tin dữ nên đã chạy tới Lăng Xuyên. Trên đường đi, hai người họ gặp được một thư sinh. Thư sinh này tự xưng họ Từ, có lẽ chính là Từ Thuật Bạch. Y nghe nói đôi vợ chồng ấy có người thân mất mạng dưới Tiển Khâm Đài, bèn bảo chuyến này mình lên kinh là cáo ngự trạng, y muốn tố giác chân tướng xây dựng Tiển Khâm Đài, phơi bày sự thật cho toàn thiên hạ. Từ Thuật Bạch nói, chuyến này mình đi vô cùng nguy hiểm, chỉ sợ gặp bất trắc, trong người không có vật quý báu nào gửi gắm, hy vọng hai ông bà thay mặt giữ tạm cây trâm song phi yến, là thứ mà về sau Tiết thúc đã tìm đượcở nhà bọn họ.

Theo lời của cặp vợ chồng già, nơi cuối cùng Từ tiên sinh xuất hiện ở gần kinh thành, cũng trùng khớp với lời của Phù Đông cô nương ngày trước. Có thể thấy chưa chắc Từ tiên sinh đã chết dưới Tiển Khâm Đài, y không có tên trong danh sách sĩ tử mất mạng dưới đài, chắc chắn có kẻ cố ý làm giả.

Những năm qua Tiết thúc dốc lòng điều tra chân tướng Tiển Khâm Đài sập, biết có lẽ Từ tiên sinh đã đoán được nội tình, ông ấy lại khổ sở truy tìm tung tích của y, tiếc thay không có thu hoạch. Sau đó ông ấy đến Lăng Xuyên, hỏi thăm mãi mới biết Từ tiên sinh và cô nương quen nhau, lần theo tung tích của cô nương, mấy tháng trước mới tìm được lên kinh, lúc ấy vì để tiếp cận Hà Hồng Vân nên cô nương mới mở Chiết Chi Cưở ngõ Lưu Thủy. Về sau Tiết thúc gặp nạn, buộc phải che giấu tung tích, vì thế đã giao trâm ngọc song phi yến cho ta, đó là lý do ta tìm được cô nương nhờ cây trâm ngọc.

Thực xin lỗi, đó là toàn bộ tung tích về Từ tiên sinh mà ta nghe ngóng được, xin thứ ta nói thẳng, đã mấy năm rồi, chỉ sợ tiên sinh lành ít dữ nhiều. Mong cô không lún sâu vào quá khứ, con đường phía trước còn dài, xin hãy trân trọng. Chớ nên nghĩ nhiều.

Thanh Duy – ngày hai mươi tám tháng Mười một năm Gia Ninh thứ ba.”

Tạ Dung Dữ đọc thư xong, im lặng một lúc rồi gọi Đức Vinh tới, dặn: “Đưa phong thư này tới Huyền Ưng Ti, giao cho Phù Đông.”

Đức Vinh vâng dạ, nhận lấy thư toan rời đi, nhưng đột nhiên Tạ Dung Dữ gọi giật lại: “Đợi đã.”

Trông y có vẻ đã nghĩ đến chi tiết mấu chốt nào đó, đứng dậy rời bàn, cầm lấy bức thư trong tay Đức Vinh, nhìn đi nhìn lại một đoạn trong đó:

“Thư sinh này tự xưng mình họ Từ, có lẽ chính là Từ Thuật Bạch… Bèn bảo chuyến này mình lên kinh là cáo ngự trạng, y muốn tố giác chân tướng xây dựng Tiển Khâm Đài, phơi bày sự thật cho toàn thiên hạ.”

Tố giác chân tướng xây dựng Tiển Khâm Đài, phơi bày sự thật cho toàn thiên hạ.

Chân tướng xây dựng… là cái gì?

Từ Đồ bán gỗ thứ phẩm, Hà Hồng Vân ủ mưu kiếm lời, khiến Tiển Khâm Đài sập.

Phải là chân tướng Tiển Khâm Đài sập mới đúng chứ?

Xây dựng Tiển Khâm Đài là đề nghị của Chiêu Hóa đế, triều đình ban bố mệnh lệnh rõ ràng, là quyết sách mà thần công sĩ tử thậm chí là người toàn thiên hạ ủng hộ, rốt cuộc trong này có chân tướng gì?

Chuyện xây dựng nhắc trước, vụ sập đài nằm sau, chỉ le que vài chữ, có khi Thanh Duy viết nhầm cũng nên, hoặc có thể đôi vợ chồng già hay Tiết Trường Hưng nhầm lẫn lúc thuật lại, nhưng chẳng hiểu vì sao, Tạ Dung Dữ có trực giác những con chữ nhìn như nhầm lẫn đó lại là sự việc trọng đại.

Y siết chặt bức thư, hỏi Đức Vinh: “Tới nay Hà Hồng Vân đã nhận tội chưa?”

Đức Vinh đáp: “Bẩm công tử, ngục tốt đã dụng hình rồi, nhưng hắn vẫn không chịu nhận tội, đòi gặp điện hạ bằng được, hôm qua bộ Hình còn tới điện Chiêu Doãn xin ý chỉ, nhưng điện hạ từ chối rồi còn gì.”

Tạ Dung Dữ nghĩ tới một khả năng.

Nếu… Giả dụ là nếu, Từ Thuật Bạch lên kinh cáo ngự trạng không phải nhằm vào Hà gia?

Từ Thuật Bạch là cháu của Từ Đồ, Từ Đồ là kẻ đã buôn gỗ thứ phẩm, nên đương nhiên mọi người đều nghĩ theo chiều hướng: Từ Thuật Bạch lên kinh cáo ngự trạng để tố giác tội ác treo đầu dê bán thịt chó của Hà Hồng Vân.

Nhưng Từ Thuật Bạch quyết định lên kinh từ trước khi Tiển Khâm Đài hoàn thành, nếu vào lúc đó anh ta biết lô gỗ đã được đánh tráo, như vậy vẫn kịp thời ngăn cản sĩ tử lên đài, tại sao anh ta không làm?

Hay là anh ta có chuyện quan trọng khác, cần phải gấp gáp lên kinh?

Mạch suy nghĩ ập tới, Tạ Dung Dữ bỗng nhớ lại khi Từ Thuật Bạch sắp lên kinh, anh ta đã nói với Phù Đông:

“Tiển Khâm Đài này, không lên cũng được!”

“Ta lên kinh chính là vì Tiển Khâm Đài! Muốn đánh trống Đăng Văn cáo ngự trạng!”

Tiển Khâm Đài xây dựng vì sĩ tử, trong lòng sĩ tử, nó tượng trưng cho sự tôn vinh, dù Từ Đồ tráo gỗ thì Từ Thuật Bạch cũng nên hận Từ Đồ, hận Hà Hồng Vân đã lợi dụng Tiển Khâm Đài để thăng quan tiến chức, chứ không phải hận chính Tiển Khâm Đài, nhưng khi anh ta nói ra câu “không cần lên Tiển Khâm Đài”, rõ ràng có sự thù ghét với nó.

Từ Thuật Bạch là một nhân sĩ, vì sao lại căm ghét Tiển Khâm Đài?

Anh ta lên kinh cáo ngự trạng, rốt cuộc kiện Hà gia hay là người khác?

Cuối cùng y nói với đôi vợ chồng họ Phùng đó rằng, tố giác chân tướng xây dựng Tiển Khâm Đài, hai chữ “xây dựng” là ám chỉ số gỗ bị tráo, hay nguyên nhân xây đài?

Tiển Khâm Đài cất phong thư, xăm xăm đi tới thiên lao: “Bảo bộ Hình đưa sổ án tái thẩm Tiển Khâm Đài cho bổn vương, bổn vương muốn gặp Hà Hồng Vân, nhanh!”

Nếu… Nếu năm ấy Từ Thuật Bạch lên kinh không phải vì cáo trạng Hà gia, như thế Hà gia giết Từ Thuật Bạch rồi có thể lấy cớ là anh ta sợ tội mất tích, cần gì ngụy tạo anh ta đã chết dưới Tiển Khâm Đài?

Hay là, năm ấy không phải Hà gia đã giết Từ Thuật Bạch?

Từ Thuật Bạch mất tích không liên quan đến Hà gia?

Khi tam ti định tội, yêu cầu phải đọc từng tội danh cho nghi phạm nghe, Hà Hồng Vân mãi không nhận tội là vì Từ Thuật Bạch? Hắn muốn gặp y, là vì đã nhận ra sự thực nào đó đã bị chôn vùi qua cái tên ấy?

“Điều tất cả binh mã của Huyền Ưng Ti đến thiên lao bộ Hình ngay!”

“Rất có thể Hà Hồng Vân đang gặp nguy hiểm!”

Trên đường đi tuyết đóng lớp dày, sương mù dần tan trong ánh nắng, Tạ Dung Dữ xuyên qua hành lang, chạy từ điện Chiêu Doãn đến bộ Hình, y đi rất nhanh, mà Huyền Ưng Ti hành động cũng rất nhanh, lúc Tạ Dung Dữ tới nơi thì Vệ Quyết Chương Lộc Chi cũng đã dẫn Hiêu bộ chạy đến.

Chỉ là… vẫn đến trễ.

Thượng thư bộ Hình tái mặt đứng trước thiên lao, thấy Tạ Dung Dữ, ông ta sợ hãi hô lên: “Điện hạ.”

Ngoài thiên lao còn có rất nhiều cấm vệ quân, nhưng tuyệt nhiên không ai lên tiếng.

Tim Tạ Dung Dữ đập nhanh, lòng lạnh đi: “.. Hắn chết rồi?”

“Chết nửa khắc trước ạ.” Thượng thư bộ Hình nuốt nước bọt, “Không biết đã có chuyện gì, Hà Hồng Vân là trọng phạm, rõ ràng nơi này… nơi này có cấm vệ quân canh chừng nghiêm ngặt, lão phu…” Ông ta cởi mũ quan xuống, run run ôm trước ngực, “Lão phu sẽ dập đầu nhận tội với Quan gia.”

Chết nửa khắc trước, là sau khi y quyết định tới thiên lao.

Vừa rồi ở trên đường chạy đến đây, Tạ Dung Dữ hận mình vì sao đêm qua lại không gặp Hà Hồng Vân.

Hắn ta biết chân tướng bị chôn vùi không đơn giản là thay đổi vài cọc gỗ.

Nhưng vào lúc này Tạ Dung Dữ chợt nhận ra, có lẽ ngay từ ban đầu, khi triều đình quyết định tái điều tra vụ án Tiển Khâm Đài, hay thậm chí là sớm hơn nữa, lúc Chiêu Hóa đế băng hà, Triệu Gia Ninh kế vị, thì đã có kẻ luôn nấp trong bóng tối.

Bọn chúng âm thầm chờ đợi cơ hội, im lặng theo dõi biến đổi, cho tới khi Hà Hồng Vân sa lưới, thì dù y có đến gặp hắn lúc nào đi chăng nữa, hắn cũng sẽ chết trong thiên lao sớm hơn nửa khắc như lần này.

“Ta… vào trong xem hắn.” Tạ Dung Dữ nói.

Trọng phạm đã không còn, thiên lao u ám được những ngọn đuốc thắp sáng như ban ngày, tư lại dẫn Tạ Dung Dữ đi tới phòng gian trong cùng, thi thể của Hà Hồng Vân nằm dưới đất.

Hắn bị một tên lính ép dùng thuốc độc, trên người có vết roi do dụng hình, ở trong tù chịu khổ mấy ngày, gương mặt tuấn tú vẫn chẳng thay đổi nhiều, thậm chí khóe miệng còn nhếch lên nụ cười giễu cợt.

Chẳng hay hắn đang cười nhạo điều gì.

Là đang cười bản thân một đời sáng suốt, nhưng cuối cùng lại rơi vào kết quả hoang đường này?

Hay đang cười nhạo thế nhân bị mù, bị khói sương che lấp chân tướng?

Tạ Dung Dữ hỏi: “Các ngươi đã lục soát phòng giam này chưa?”

“Lục soát rồi ạ.” Lang quan bộ Hình đứng bên ngoài đáp, “Lính canh rót độc cũng đã tự vẫn, không để lại bất cứ vật nào ngoài một bản tội trạng do Tiểu Hà đại nhân tự sao chép.”

“Bản tội trạng?”

“Vâng ạ, Tiểu Hà đại nhân xem danh sách tội trạng của Đại Lý Tự thì không nhận tội, nói muốn chép lại bản tội trạng, đợi cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới quyết định. Thượng thư đại nhân… niệm tình hắn là người Hà thị nên đã đồng ý, Tiểu Hà đại nhân nhét bản tội trạng đã chép trong kẽ tường sau chiếu rơm, hạ quan cũng mới tìm được lúc nãy.”

Nói xong, lang quan lập tức trình bản tội trạng lên cho Tạ Dung Dữ.

Bản tội trạng được chép rất cẩn thận, ngoại trừ vài giọt máu thì có thể nói là vô cùng ngay ngắn.

Hà Hồng Vân bị thương do dụng hình, trong bản tội trạng có máu cũng bình thường.

Sau mỗi một tội trạng là tên của người bị hại.

Và những giọt máu tưởng chừng như vô tình ấy lại nhỏ xuống đúng ba chữ “Từ Thuật Bạch”, nhuộm đỏ cái tên một cách đáng sợ.