Editor: Siro
Beta: Anh Đào
Ngày hôm sau, Trần Nhung như đang đánh một trận chiến.
Tình cảm trong trận giáp lá cà là một cuộc chiến thất bại.
Anh về đến nhà, vào phòng vệ sinh. Tháo mắt kiếng, mở vòi nước, anh hứng dòng nước đang chảy và liên tục vốc lên mặt mình.
Lành lạnh buốt giá, là nhiệt độ mùa đông.
Rửa mặt, Trần Nhung cảm thấy còn chưa đủ, bèn cúi đầu đưa xuống dưới vòi nước.
Dòng nước xối thẳng lên đầu anh, tưới tỉnh thần trí của anh.
Sau khi tắt vòi nước, anh chống hai tay lên bồn. Những giọt nước từ tóc nhiễu xuống cổ và chảy vào ngực anh.
Quả thật lạnh đến thấu tim.
Trần Nhung trầm tĩnh nhìn bản thân mình qua gương.
Nếu Nghê Yến Quy là một người ham mê sắc đẹp thì anh có thể vượt qua bài kiểm tra chỉ bằng ngoại hình này. Điều tồi tệ là cô say đắm cách nói năng và phong thái. Cô đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên, chung tình với anh, nhưng cũng không phải là anh.
Trần Nhung đeo mắt kiếng lên. Không cần bộ não chỉ huy, cơ mặt như phản xạ có điều kiện, anh bỗng dưng nở nụ cười.
Anh đang tìm hình của Lý Dục Tinh trên điện thoại, rồi đặt ở cạnh mình và bắt đầu so sánh.
Nụ cười của hai người giống hệt nhau, đường cong nơi khóe miệng cũng tương tự.
Đúng là một tiền bối và một hậu bối nho nhã và lịch lãm.
Sau đó, biểu cảm của Trần Nhung trở nên châm chọc. Chỉ cần cởi bỏ lớp mặt nạ này, anh sẽ trắng tay.
Bên ngoài có tiếng mở cửa, kèm theo giọng nói của Trần Nhược Nguyên. Bà ấy đang dỗ dành ai đó: “Quao, giỏi ghê nha.”
Đóng cửa lại, Trần Nhược Nguyên vừa nhìn điện thoại di động, vừa nói rất thân thiết: “Hôm nay mẹ không về nha, con phải ngoan đó.”
Cô bé trong video nói bằng giọng non nớt: “Mẹ không ở đây thì con sẽ chơi với ba ạ.”
Trần Nhược Nguyên: “Nhớ nghe lời ba nhé.”
Cô bé gật đầu: “Nghe lời ạ.”
Trần Nhung ra khỏi phòng tắm.
Nhìn thấy gương mặt ướt đẫm nước của anh, Trần Nhược Nguyên hơi kinh ngạc. Bà ấy vỗ nhẹ lên mặt.
Trần Nhung hiểu ý, bèn lấy khăn giấy lau nước trên đầu và mặt.
Trần Nhược Nguyên lại nói với cô bé nhỏ bên kia: “Niếp Niếp, ba đâu?”
Cô bé hết nhìn đông tới nhìn tây, rồi nhìn ra sau gọi: “Ba ơi.”
Không có tiếng đáp lại.
Cô bé bĩu môi: “Ba không có ở đây ạ!”
Thật ra, ông ấy đang ở đó, nhưng đứng đằng xa. Ông ấy vừa nói chuyện điện thoại, vừa thỉnh thoảng trông chừng con gái.
Trần Nhược Nguyên: “Niếp Niếp, muốn gặp anh trai không nè?”
“Anh trai là ai ạ?” Cô bé không hề có ấn tượng gì nhiều với một người cả năm không gặp được mấy lần này.
Trần Nhược Nguyên chĩa ống kính vào mặt Trần Nhung: “Đây là anh của con.”
Trần Nhung dịu dàng nhìn cô bé.
Cô bé có gương mặt bầu bĩnh, được nuôi rất khéo, trông vừa trắng vừa mềm. Mặt cô bé kề sát, bé cố mở to đôi mắt: “A, đây là anh ạ?” Như phát hiện ra điều gì ngạc nhiên lắm.
Trần Nhược Nguyên: “Đúng rồi đó, lần sau mẹ cho anh chơi với con nha, được không?”
Cô bé không biết ý nghĩa của anh trai, nhưng nghe đến từ “chơi” thì cô bé rất phấn khởi. Cô bé gật đầu: “Dạ, con muốn chơi.” Cô bé gọi bằng chất giọng non nớt của trẻ con: “Anh trai, anh trai.”
Trần Nhung nhẹ nhàng “Ừ” đáp lại.
Trần Nhược Nguyên thấy chồng nhìn sang nên không quay con trai nữa.
Bà ấy đùa giỡn với con gái.
Tắt video, Trần Nhược Nguyên lấy hộp đồ ăn trong túi ra: “Mẹ mang theo đồ ăn riêng cho con nè. Chú con nói, phần ăn này khoảng mấy nghìn một người đấy. Qua năm mới, ăn một bữa thật ngon nhé.”
“Mẹ, cảm ơn mẹ.”
“Nguội rồi, để mẹ đi hâm lại đã.” Trần Nhược Nguyên định bưng vào nhà bếp.
Trần Nhung nhận lấy: “Để con làm cho.” Anh bày ra đồ ăn ra, theo từng loại, dùng lò vi sóng để quay nướng, hoặc đun sôi chuẩn bị chưng hấp. Động tác đâu vào đấy.
Trần Nhược Nguyên đứng dựa vào cạnh cửa: “Con có thể tự lo liệu hết rồi.”
“Dạ.” Anh nhẹ nhàng đáp.
Bà ấy dựa vào cửa, hỏi: “Đúng rồi, chuyện cô bạn gái kia, con xử lý sao rồi?”
Trần Nhung gượng cười: “Con và cô ấy cần bình tĩnh lại.”
“Đúng vậy, phải bình tĩnh.” Biết con trai nghe lời mình, Trần Nhược Nguyên không ép hỏi nữa. Bà ấy bưng món ăn nóng lên bàn. “Tối nay mẹ đã nói với Niếp Niếp rồi, mẹ sẽ ở đây cả đêm. Mẹ sẽ đón năm mới với con.”
“Cảm ơn mẹ.” Trần Nhung ngồi xuống.
Món ăn tinh xảo, nhưng phân lượng khá ít. Anh chỉ múc một muỗng mà phần ăn đã gần như hết sạch.
Trần Nhược Nguyên: “Hôm nào mẹ đưa Niếp Niếp ra rồi cho con và con bé chơi với nhau nhé, kẻo con bé không nhận ra người anh trai này.”
Trần Nhung: “Dạ.”
Trần Nhược Nguyên: “Niếp Niếp rất đáng yêu ha.”
Trần Nhung: “Rất đáng yêu ạ.”
Trần Nhược Nguyên: “Trước đây, mẹ nghĩ chú con muốn có con trai. Nhưng may quá, ông ấy rất thích Niếp Niếp.”
Đũa của Trần Nhung hơi run lên.
Thấy anh không ăn, Trần Nhược Nguyên hỏi: “Món này thế nào?”
Anh nếm thử một miếng: “Ngon lắm ạ.” Thật ra anh chẳng nếm được vị gì cả.
“Quán này rất đắt. Lúc mẹ ăn ở đó, thấy đầu bếp trang trí bàn rất khéo léo. Nhưng mua đóng hộp mang về thì nó trông giống như mấy quán vỉa hè rồi.”
Trần Nhung cúi đầu bới thức ăn. Gắp một miếng nhỏ, anh đột nhiên hỏi: “Mẹ, có phải mẹ muốn sinh con trai không ạ?”
Trần Nhược Nguyên sửng sốt: “Mẹ đã là sản phụ luống tuổi, sinh Niếp Niếp cũng mất nhiều sức rồi. Chú con rất thương Niếp Niếp, mẹ đã thỏa mãn.”
Trần Nhung để đũa xuống, với cảm giác áy náy sâu sắc, anh nói: “Con xin lỗi, mẹ...”
Trần Nhược Nguyên kinh ngạc: “Đang yên đang lành, tại sao lại xin lỗi?”
“Thật ra mẹ... có thể có một đứa con trai ngoan.”
Trần Nhược Nguyên biến sắc: “Chuyện đã qua nhiều năm rồi, sao con còn nhớ chứ...”
“Con xin lỗi.” Hôm nay là ngày để xin lỗi nên anh muốn trút hết mọi áy náy trong lòng ra.
“Trần Nhung, ngần ấy năm rồi, mẹ đã ổn.” Trần Nhược Nguyên thở dài: “Con đừng nhớ đến nữa. Mẹ có một đứa con trai là con cũng đã thỏa mãn rồi. Hơn nữa, khi còn nhỏ con nghịch ngợm, sau khi trưởng thành, tính cách cũng thay đổi theo, con không biết mẹ vui thế nào đâu.”
Trần Nhung ngước mắt.
Trần Nhược Nguyên nói một cách dịu dàng, nhưng gương mặt vẫn tái nhợt. “Ăn cơm đi. Đừng nghĩ đến mấy chuyện đó nữa.” Bà ấy nắm chặt tay con trai.
Đã lâu bà ấy không nhớ lại tình tiết của năm đó rồi.
*
Phải bắt đầu kể từ lúc nào nhỉ? Có lẽ từ lúc Trần Nhung ra đời đi.
Sinh ra anh là khởi đầu cho sự vất vả của bà ấy.
Tính tình của Trần Nhung, nói một cách dễ nghe là nghịch ngợm, nhưng thực chất là hư đốn khó trị.
Trần Nhược Nguyên không thích trẻ con quậy phá, vậy mà Trần Nhung chính là một đứa trẻ như thế.
Ngay khi sự nghiệp đang trên đà phát triển, Lý Dục Tinh không hề quan tâm đến con cái. Ông ấy là kiến trúc sư nửa vời, vả lại đại học Gia Bắc không phải là một trường nổi tiếng. Vì vậy, để đứng trong ngành kiến trúc này, ông ấy phải nghiêm túc gấp bội.
Trần Nhược Nguyên hiểu được sự vất vả của chồng. Thế nhưng, việc dạy dỗ con trai lại đổ dồn lên vai bà ấy, và bà ấy không tài nào gánh nổi. Bà ấy cảm thấy mình già đi rất nhanh trong những năm tháng đó.
Khổ sở lắm mới chịu đựng đến khi con trai vào nhà trẻ, Trần Nhược Nguyên những tưởng có thể thư giãn rồi. Tuy vậy, bà ấy thường xuyên nhận được những lời mắng vốn từ cô giáo: “Đứa bé này quá khó dạy.”
Cô giáo cũng không dạy được thì phải làm sao đây chứ.
Trần Nhược Nguyên kết hôn khá sớm. Lúc đó, bà ấy mới hai mươi tuổi đầu, được chiều chuộng từ bé, là một công chúa nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Đối với Trần Nhung, bà ấy nhìn thấy đã nhức đầu. Đánh, anh có thể ngoan vài phút; mắng, anh nghe tai này ra tai kia.
Bà ấy giận đến mức phải thoa trước một loại serum chống lão hóa lên mặt.
Lúc Trần Nhung sắp lên tiểu học, Trần Nhược Nguyên nghe bạn bè giới thiệu đến một trường tư thục khép kín chuyên trị những đứa trẻ ngỗ ngược.
Người bạn đó nói: “Đây chính là giáo dục nhân văn đặc biệt đó.”
Như ném một củ khoai lang bỏng tay, Trần Nhược Nguyên đưa Trần Nhung vào đấy.
Con trai sống trong trường, cuối cùng bà ấy có thể thở phào rồi. Bà ấy ôm con gái kể chuyện cổ tích, rồi cười: “Con gái thật tri kỷ.”
Mỗi lần Trần Nhung về nhà thì trong nhà như vừa bị cướp. Anh giống như khỉ vọt lên cây, ôm cành cây rồi cười xấu xa. Ai la mắng anh, anh đều không nghe.
Trần Nhược Nguyên không nhịn được hét to: “Sao mày giống một thằng con hoang thế hả?”
Một năm sau, bà ấy bất ngờ biết được trường học đó bị tố cáo rằng nhà trường thường xuyên xử phạt thể xác học sinh. Lúc quá đáng hơn, bọn chúng sẽ nhốt các em dưới tầng hầm tối đến mức giơ tay không thấy được năm ngón. “Giáo dục nhân văn” này chính là sử dụng phương pháp cực đoan để buộc trẻ con phải ngoan ngoãn.
Trường học bị điều tra. Tính tình Trần Nhung lại vặn vẹo khó trị.
Lý Dục Tinh chỉ trích Trần Nhược Nguyên tại sao lại cả tin, dễ dàng giao con trai cho người ngoài dạy dỗ.
Trần Nhược Nguyên giải thích bà ấy bị lừa.
Thật ra, Lý Dục Tinh cũng không thích đứa con trai này. Ông ấy nói: “Nhà họ Lý chúng ta chưa bao giờ sinh ra một đứa có gen hư đốn nhường này.”
Mỗi lần ông ấy than thở như vậy thì Trần Nhược Nguyên chỉ im lặng không nói.
Lý Dục Tinh thể hiện được tài năng trong giới kiến trúc nên càng có nhiều thời gian rảnh rỗi, và ân ái với vợ cũng nhiều hơn.
Trần Nhược Nguyên lại mang thai.
Bà ấy hỏi Lý Dục Tinh, lần này ông muốn con gái hay con trai?
Ông ấy đáp: “Lý Quân rất ngoan, anh rất thích. Còn...” Người ông ấy không nói ra chính là Trần Nhung.
Lý Dục Tinh ngẫm nghĩ: “Nếu có thêm một đứa con trai ngoan ngoãn như con gái thì ông ấy sẽ không có gì tiếc nuối nữa.”
Bác sĩ tiết lộ đứa con trong bụng của Trần Nhược Nguyên là con trai.
Lý Dục Tinh nói: “Long phượng, long phượng, là trai gái song toàn.”
Trần Nhược Nguyên muốn nói chúng ta đã có một Trần Nhung rồi mà, nhưng bà ấy không thốt ra nổi.
Mỗi lần Trần Nhược Nguyên nhớ lại chuyện hôm đó thì bà ấy đau đớn khôn nguôi.
Lúc ấy đã gần trưa, Trần Nhung đang chơi đá banh trước sân.
Bà ấy đi bệnh viện khám thai. Trong lúc sơ sót, bà ấy đã quên mất trong nhà còn một thằng nhóc hay gây sự nên bà ấy cứ thế mở cửa bước vào.
Trái bóng xoay vòng trên không trung rồi đập vào bụng của bà đấy.
Bà ấy không muốn nhớ lại những chi tiết khác nữa. Bà ấy chỉ biết trước mắt đầy máu. Đứa con mà bà ấy mong đợi đã biến thành con số không rồi.
Đứa con thứ ba bị đứa con thứ hai của bà ấy đá bóng trúng và hư mất rồi.
Sẽ không ai thích Trần Nhung cả.
Không ai hết.
*
Trần Nhược Nguyên giật thót.
Trần Nhung ăn cơm xong, rồi rửa chén dưới nhà bếp.
Bà ấy ngắm nhìn bóng lưng anh, cảm thấy thật gai mắt. Bà ấy che mắt, cố hết sức kéo mình ra khỏi những ký ức kia.
Mệt mỏi rã rời, bà ấy đi tắm.
Trong hơi nước nóng hổi, bà ấy khóc cho đứa con đã mất của mình. Nếu không bị quả bóng đó đập trúng, cuộc sống của bà ấy sẽ rất khác.
Chuyện đã qua chừng mười năm, hiện nay bà ấy lại có một đứa con gái khác. Không nghịch ngợm, rất đáng yêu.
Trần Nhược Nguyên nhẹ nhàng lau nước mắt nơi khóe mắt.
Chương trình đón mừng giao thừa trên đài truyền hình diễn ra liên tục.
Trần Nhược Nguyên chán nản xem người ta trình diễn trên tivi như đang đợi một nhiệm vụ vậy. Miễn là tiếng chuông vang lên, bà ấy có thể đi nghỉ ngơi rồi. Bà ấy đánh ngáp, không kiềm được cơn buồn ngủ, bèn co người trên sofa ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh lại, Trần Nhược Nguyên nghe trên đài truyền hình đang đếm: “Năm, bốn, ba, hai, một! Chúc mừng năm mới!”
Trần Nhung dựa vào ghế sofa, nhắm mắt. Chắc hẳn anh đã rất mệt mỏi nên cũng đang thiếp đi.
Trần Nhược Nguyên ngồi dậy, định đánh thức anh.
Anh nghiêng đầu, mắt kiếng trên sống mũi rơi xuống và rớt lên ghế sofa.
Gương mặt không tươi cười, anh đang nhắm nghiền mắt, hàng mi dài như quạt.
Gen di truyền thật mạnh mẽ. Mặt mũi anh và người trong lòng bà ấy giống nhau như in.
Người ấy, bà vô cùng yêu và cũng cực kỳ căm hận.
- -----oOo------