Đặng Lâm theo sắp xếp của chú Ba, vào một ngày cuối tuần mùa thu nắng đẹp quay về nhà cũ dòng họ Dương ở Quân Ninh.
Quân Ninh cách Long Uyên gần trăm cây số về phía Nam, đồng thời cũng nằm trên tuyến giao thông huyết mạch cả nước vậy nên quá trình di chuyển cũng thoải mái hơn nhiều, chỉ cần thẳng một đường trên cao tốc là đến.
Ngồi trên xe nhìn cảnh vật lao vun vút qua cửa sổ, Đặng Lâm mơ hồ nghĩ đến nhà cũ dòng họ Dương.
Gọi là nhà cũ vì nơi này trước đây là nhà chính, nhưng theo thời gian, các đời con cháu bắt đầu dời đến những thành phố lớn hơn để lập nghiệp thì nơi này bắt đầu vắng vẻ.

Đến tận khi bác cả của Đặng Lâm đến Long Uyên chính thức cắm rễ ở thủ đô thì ngôi nhà ở Quân Ninh trở thành nhà cũ hay còn gọi là nhà từ đường, còn căn biệt thự ngoại ô thành phố Long Uyên trở thành nhà chính.
Tuy nói là nhà cũ, nhưng hầu hết con cháu dòng họ Dương đều phải trải qua tuổi thơ ở nơi này, ba anh em Đặng Lâm cũng không ngoại lệ.

Bởi dù mang họ Đặng, nhưng do Đặng Chí ở rể, cho nên anh em họ cũng tính là người dòng họ Dương, trong gia phả ngoài tên khai sinh ra bọn họ đều có một cái tên khác mang họ Dương, xác định là con cháu Dương thị.
Trước khi vào học viện, anh em Đặng Lâm sống mấy năm ở nhà cũ, sau đó mỗi kì nghỉ đều theo lệ trở về đây cho đến năm mười sáu tuổi thì mới không cần phải trở về nữa.

Trong mấy năm đó, bọn họ được đào tạo ngoài chương trình cơ bản của học viện, nâng cao giới hạn cơ thể lên mức cao nhất có thể.

Thậm chí thực hiện các cuộc cấy ghép gen có độ khó cao.
Đặng Lâm liếc mắt nhìn xuống hai bàn tay mình, tâm tình có chút sa sút.

Bất chợt, tiếng nói của chú Ba ở phía trước vang lên cắt ngang dòng duy nghĩ của anh.
"Cậu chủ, chúng ta đến nơi rồi."
Đặng Lâm hồi thần nhìn lại, chỉ thấy bọn họ đang dừng xe trước một cái cổng làng tam quan thật to được làm từ đá xanh tự nhiên cao hơn chục mét, rộng hơn hai mươi mét.

Cổng chính giữa rộng và cao lớn, hai bên là hai cổng nhỏ.

Trên mái, đế và các cột, đá được chạm khắc nổi một cách tinh xảo với những hình thù mang đậm chất nghệ thuật như hình rồng, hình phượng, cỏ cây, hoa lá, và những chi tiết trang trí nhỏ khác.

Phía trên cùng được chạm khắc nổi dòng chữ ---
- -- Làng Hoa Dương.
Đúng vậy, cả một ngôi làng rộng lớn đều là đất của dòng họ Dương, hình thành quần thể dân cư của cả một dòng họ.

Tuy nhiên đó chỉ là ngày trước, còn hiện nay vì rất nhiều chi họ đã đến những thành phố khác, cho nên trong làng vắng đi rất nhiều, người ở đây bây giờ đa số đều là người bên ngoài đến thuê đất.
Xe chầm chậm đi qua cổng làng, hai bên đường là ruộng lúa xanh ngát.

Xa xa phía sau làng là từng dãy núi nhỏ.

Đi được một đoạn thì đến một cái đình làng to, mái ngói rêu phong có rồng uốn lượn.

Trước đình có một gốc cổ thụ chừng vài trăm tuổi, tán lá xòe rộng che cả một góc đình.
Đặng Lâm còn nhớ, lúc nhỏ Đặng Dương rất thích dắt anh ra chỗ này chơi.

Cứ qua buổi trưa một chút là lén người lớn mà đi.

Khi đó gốc cổ thụ này cũng xanh như vậy, anh em bọn họ ở dưới cây nô đùa.
Bây giờ gốc cổ thụ vẫn còn, nhưng người đã chẳng thấy đâu.
Chiếc xe vẫn cứ chầm chậm đi trên đường làng, đi qua mấy cái cửa thôn mới dừng lại.
Làng Hoa Dương có sáu thôn, bao gồm: Thôn Dương Tú, thôn Dương Công, thôn Dương Văn, thôn Dương Đào, thôn Dương Quang, thôn Dương Đình.


Mỗi thôn đại diện cho một chi họ trong dòng họ Dương.
Dòng họ Dương từ ngàn đời nay trải qua nhiều thời kì bị tru diệt, cuối cùng còn lại sáu chi gốc, vậy cho nên không có cái gọi là dòng chính cố định.

Các chi họ sẽ thay phiên nhau trở thành dòng chính, nắm quyền dòng họ bằng công tích mà chi họ đạt được.

Mà ba đời gần đây nhất, dòng chính thuộc về chi Dương Tú.

Mà nhà cũ mà Đặng Lâm muốn tới chính là nhà thờ chi họ Dương Tú.
Anh em Đặng Lâm cũng thuộc về chi Dương Tú này.
Đặng Lâm xuống xe, đứng phía dưới nhìn lên cửa thôn Dương Tú bồi hồi một chút, sau đó mới nhấc chân đi vào.

Thôn trong làng Hoa Dương trước giờ không cho phép xe cơ giới đi vào bởi vì bên trong còn rất nhiều nhà cổ tuổi đời tính bằng trăm năm, cho nên người trong thôn chủ yếu di chuyển bằng xe đạp hoặc bằng xe máy điện.
Đặng Lâm và chú Ba một trước một sau nhàn nhã đi bộ vào thôn.

Hai người đi rất chậm, chủ yếu là bởi vì Đặng Lâm cứ chốc chốc lại dừng chân vì gặp một cảnh cũ nào đó.
Này ao nước anh cùng với Tú Hiền câu trộm cá, này cây cao anh cùng Đặng Dương trèo lên hái quả, này góc tường cả ba người chơi trốn tìm.

Đoạn đường từ cửa thôn vào nhà cũ chỉ có mười lăm phút, Đặng Lâm lại đi hết nửa tiếng.
Thời gian anh ở nơi này có thể không dài bằng một vài người được dòng họ lựa chọn bồi dưỡng, nhưng cũng chính vì thế kí ức mới khắc sâu như vậy.


Cũng vì lý do này mà Đặng Lâm rất ít trở lại nhà cũ, anh sợ những cảm xúc ủy mị này khiến bản thân lâm vào u uất.
Nhà cũ ở thôn Dương Tú nằm sâu trong thôn, phía dưới chân núi.

Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim với kiến trúc ba gian hai dĩ hai chái đậm nét văn hóa vùng đồng bằng phía Bắc.

Ngói lợp vảy cá, thềm lót đá Ninh Vân, các nét chạm khắc ở các chi tiết trong ngôi nhà chủ yếu là hoa văn rồng phượng, hoa sen, hoa lan, triệu tàu lá dắt.

Sân nhà trồng nhiều cây cao lấy bóng mát khiến người ta cảm thấy dễ chịu khi bước vào nơi này.
Lúc Đặng Lâm đi tới nơi đã trông thấy mấy hàng người đang đứng chờ trong sân, tổng cộng có khoảng gần trăm người, đại đa số đều tầm mười chín hai mươi đến khoảng ba mươi bốn mươi tuổi.

Những người này là hát giống ưu tú mà dòng họ bồi dưỡng, mặc dù không có gen A, nhưng năng lực làm việc rất mạnh.
Dòng họ Dương không giống những dòng họ khác, tuy vẫn coi trọng người mang gen A, nhưng với người không mang gen A dòng họ Dương vẫn tích cực đào tạo và tuyển chọn.

Với bọn họ, người mang gen A có vai trò riêng, còn người không mang gen A cũng có giá trị có thể trọng dụng..