Mùng năm tháng Hai, hai nguyên soái mời Triệu Hoàn cùng mấy vị quan Tống tới Thanh Thành thi đánh bóng. Sau khi các binh sĩ đã vào trận, Tông Vọng mời Triệu Hoàn ngồi ở mé Tây, còn mình và Tông Hàn ngồi ở mé Đông, ăn nói với Triệu Hoàn vô cùng khách sáo, liên tiếp chúc rượu, nói những lời như hai nước hòa hảo mãi mãi là hữu bang. Triệu Hoàn vui mừng ra mặt, thầm cảm thấy việc hồi kinh có hi vọng, nói chuyện với Tông Vọng càng thêm ân cần thân thiết. Tông Hàn lại giữ thái độ lạnh nhạt, chỉ uống rượu một mình, hiếm khi cùng hai người tiếp chuyện.


Rượu qua ba tuần, Tông Vọng nói với Tông Hoàn: "Nghe nói Thái thượng hoàng nhà các anh là một cao thủ mã cầu, đáng tiếc Tông Vọng vẫn chưa có cơ hội gặp mặt học hỏi. Anh là con trai Thái thượng hoàng, ắt hẳn khả năng chơi bóng cũng không tệ. Dịp này khó có được, không bằng anh và ta cùng nhau xuống sân cọ xát?"


Triệu Hoàn vội vã cúi người thoái thác: "Hổ thẹn! Từ bé tới lớn tôi đều không thích mấy trò chơi kiểu này, mặc dù thân làm con trai Thái thượng hoàng, song lại không học được chút kỹ năng chơi bóng nào của người, quả thực không dám xuống sân làm mất hứng thú của Nhị thái tử."


Tông Vọng cười ha ha, cũng không miễn cưỡng, tự xách gậy lên đi về phía con ngựa yêu của mình: "Hoàng đế bệ hạ xem thường mấy trò chơi này? Nam nhi Nữ Chân chúng tôi đều rất thích đánh bóng, giang sơn Đại Kim này cũng là do một nhóm cao thủ mã cầu giành lấy trên lưng ngựa."


Tông Hàn nghe vậy cũng không nén được lạnh lùng xen vào một câu: "Tên mọt sách này ngoài đọc sách ra thì chả biết cái gì hết, thảo nào đánh mất giang sơn."


Người Kim nghe thấy vậy đều phì cười. Triệu Hoàn vội vã hỏi thông sự đứng bên lời này nghĩa là gì, thông sự nước Kim đó cũng y lời dịch lại, khiến Triệu Hoàn xấu hổ vô cùng, ngẩng đầu thấy Tông Vọng cưỡi ngựa vung gậy liên tiếp ghi điểm vào khung thành đối phương, tư thái oai hùng, liên tưởng đến dáng vẻ trên chiến trường của y hẳn cũng giống thế này, càng cảm thấy lòng đau ê ẩm, nâng chén uống một mình tiêu sầu, không xem đánh bóng nữa.


Tông Vọng đánh bóng một hồi, khí thế đang cao thì đột nhiên có lính Kim cưỡi ngựa phi vào, bẩm báo nói: "Lang chủ phái Tông Bàn đại vương tới truyền thánh chỉ, sắp sửa tới nơi."


Tông Vọng vừa nghe vậy thần sắc đã nghiêm túc trở lại, lập tức giơ tay hô dừng trận bóng, lại hạ lệnh dẹp bàn tiệc, tự mình xuống ngựa cùng Tông Hàn dẫn chúng tướng Kim xếp thành hàng cung kính nghênh đón. Lát sau, có một hán tử lưng dài vai rộng vóc dáng vạm vỡ tay cầm chiếu chỉ sải bước vào sân, chúng nhân đều tiến lên hành lễ, các binh sĩ Kim khác cũng đều quỳ xuống, đồng thanh hô: "Cung nghênh Tông Bàn đại vương."


Đây là Hoàn Nhan Tông Bàn - con trai trưởng của Kim chủ Hoàn Nhan Thịnh. Bởi được Kim chủ sủng ái xem trọng nên trước giờ quen thói kiêu căng, lúc này đang lạnh nhạt quét mắt một vòng, cũng không đáp lễ, chỉ nói với hai nguyên soái: "Đi vào tiếp chỉ." Dứt lời lập tức tự mình tiến thẳng vào chính điện.


Hai nguyên soái và các cận thần Tông Tuyển, Tiêu Khánh, Cao Khánh Duệ lần lượt theo vào chính điện. Triệu Hoàn không được phép đi vào, cũng không rõ trên chiếu thư nói gì, chỉ đành cùng mấy vị quan Tống chờ ở bên ngoài, trong lòng nhem nhóm một dự cảm không lành, khi đứng dậy đi bộ vòng quanh, khi lại ngồi xuống ngây dại trước cửa điện, chỉ cảm thấy thời khắc này dài tựa ngàn năm.


Cuối cùng cũng đợi được hai nguyên soái ra khỏi điện. Triệu Hoàn vội vã chạy tới đón, cũng không hỏi nội dung chiếu thư là gì, trực tiếp xin quay về cung: "Nguyên soái từng nói, đợi trận bóng kết thúc sẽ cho phép tôi hồi kinh, nay sự đã xong, mong nguyên soái cho tôi được cáo từ."


Tông Hàn đen mặt nhìn y, sẵng giọng nạt: "Việc đến nước này, ngươi vẫn còn muốn đi đâu?"


Triệu Hoàn khiếp sợ, run rẩy không biết làm sao. Tông Vọng thấy vậy bèn kéo y sang một bên, ôn tồn nói: "Việc hồi kinh để sau hẵng bàn, giờ ta đưa anh về trai cung nghỉ ngơi trước."


Sau khi về đến Đoan Thành điện, Tông Vọng bảo các quan Tống khác lui đi, chỉ giữ lại Ngô Kiên, Mạc Trù, cũng không lên tiếng ngay, lặng lẽ lấy ra một cuộn vải vàng đưa cho Triệu Hoàn. Triệu Hoàn mở ra nhìn, thấy ba chữ đầu tiên lại là "Sắc* Triệu Hoàn", biết là chiếu thư Kim chủ viết cho mình, không xưng hô "Hoàng đế Đại Tống" như trước, ngay "Tống chủ" cũng không gọi, rõ ràng là lành ít dữ nhiều, nhất thời hai mắt tối đen, lảo đảo đứng không vững. Ngô Kiên, Mạc Trù vội vã tiến lên trái phải dìu đỡ, Triệu Hoàn mới xốc lại tinh thần miễn cưỡng xem tiếp, song vẫn không dám xem kỹ, rũ mắt chọn những câu quan trọng nhanh chóng đọc: "Phản bội hiệp ước đất trời không dung, còn ai muốn giúp đỡ? Phản bội hiệp ước thần linh cùng tức giận, không phải trẫm có ý đồ riêng tư. Từ khi tiên triều khai quốc, cha vẫn luôn muốn hòa hảo, ta chân thành đối đãi, mi lại gian trá phản bội, mời sứ thần tới xin nhượng bộ... Nào ngờ bặt im không hay tiếng, phái mưu sư đi thăm dò, mới hay tin ngươi đã kế vị. Trẫm muốn thay đổi, không dẫm lên vết xe đổ của cha Triệu Cát, tạo thành mối họa như Liêu, dù năm ngoái đã kết liên minh dưới thành, song hôm nay vẫn vi phạm hiệp định. Đất ba trấn Hà Ngoại không chịu cắt. Quân Triệu Cấu vô lễ với sứ thần, vốn đã mang ý gian tà, không chuộc được lỗi lầm của cha. Cơ nghiệp khó giữ, ta khởi binh thảo phạt... Quả nhiên các người đã xin hàng, nếu đã là kẻ đợi xét tội, ắt sẽ có việc thay tên đổi họ. Toàn bộ các điều kiện lo liệu đã tuyên đọc cho phủ nguyên soái. Nhân từ xuống chiếu, để ngươi được hay."


(* Sắc (敕): Lệnh của Hoàng đế, như trong sắc lệnh, sắc phong,...)


Triệu Hoàn càng đọc càng kinh hãi, tới đoạn "Nếu đã là kẻ đợi xét tội, ắt sẽ có việc thay tên đổi họ", bàn tay cầm chiếu thư không nén nổi run lên. Y ngẩng đầu nhìn Tông Vọng, lắp bắp hỏi: "Đây đây đây... đây là ý gì..."


Tông Vọng cau mày đáp: "Bệ hạ xem không hiểu sao? Chiếu thư viết bằng tiếng Hán, nội dung thì ta không hiểu, chỉ nghe Tông Bàn nói, tên của chiếu thư này là 'Phế quốc thủ hàng chiếu'."


Triệu Hoàn thê thiết cười, lại hỏi Tông Vọng: "Một năm nay yêu cầu gì của nguyên soái tôi cũng tận lực đáp ứng, thậm chí còn lệnh cho ngũ muội của tôi cải giá hòa thân. Nguyên soái cũng nhiều lần tỏ ý sẽ dâng biểu lên Hoàng đế Đại Kim, mong hai nước hòa hảo, mãi kết làm hữu bang. Cớ sao hôm nay lại phản bội hiệp ước, muốn tiến hành việc thay vua phế nước?"


Tông Vọng thở dài: "Việc này thì đúng là anh nghĩ oan cho ta rồi. Để giúp anh bảo vệ ngôi báu, ta đã không tiếc nhiều lần tranh chấp với quần thần, dẫn tới việc quốc tướng bất mãn với ta, trong trận bóng ngày hôm nay y phớt lờ ta như thế nào ắt hẳn anh cũng thấy rồi đấy. Ngoài ra ta còn nhiều lần tấu lên Lang chủ, xin ngài chỉ lập nước chư hầu, không phế quốc, song ngài không nghe lọt tai, vẫn kiên quyết muốn phế anh. Ban nãy ta tranh luận với Tông Bàn, nói anh đã đồng ý số lượng tiền bạc cống nạp, nếu còn phế anh thì chính là phản bội hiệp ước. Tông Bàn liền nói, trong chiếu thư viết kia kìa, là các anh phản bội hiệp ước trước, chúng ta không tuân theo hòa nghị nho nhỏ kí với anh có là gì."


Triệu Hoàn thấy y trích dẫn nội dung chiếu thư, đổi trắng thay đen nói mình phản bội hiệp ước, nhất thời buồn khổ, không nói nổi nên lời, buông thõng tay thở dài thườn thượt, chiếu thư trượt xuống rơi trên nền đất.


Ngô Kiên cúi người nhặt chiếu thư lên, cung kính trả lại cho Tông Vọng, lại liếc mắt ra hiệu với Mạc Trù. Mạc Trù hiểu ý, cùng y quỳ xuống trước mặt Tông Vọng, cầu xin nói: "Nhị thái tử thân phận tôn quý, lại lập nhiều chiến công hiển hách cho Đại Kim, ắt có trời cao giúp sức. Nếu được ngài thương xót, bảo vệ quốc quân Đại Tống chúng tôi, đợi quốc tướng hồi quân, bất luận Nhị thái tử lại muốn người nào vật nào, quân thần chúng tôi nhất định cũng sẽ tuân theo."


"Vậy sao?" Tông Vọng liếc mắt nhìn biểu cảm của Triệu Hoàn, cố tình cao giọng nói: "Đúng là ta có ý muốn giúp đỡ các ngươi, ai bảo Hoàng đế nhà các ngươi lại là anh vợ của ta chứ!" Thấy Triệu Hoàn đỏ mặt tía tai, Tông Vọng đắc ý không nén nổi càn rỡ phá lên cười, lát sau mới nén lại, nói với Ngô Kiên Mạc Trù: "Nếu Hoàng đế nhà các ngươi đồng ý lại tặng ta thêm ba đế cơ, bảy vương phi và phi tần, may ra ta còn có thể nghĩ thêm cách khác."


Ngô Kiên, Mạc Trù vội vã đồng ý. Tông Vọng lại lắc đầu, trỏ vào Triệu Hoàn nói: "Lời của các ngươi nói không tính, phải bảo hắn ta viết giấy làm tin."


Hai người lập tức phân công, Ngô Kiên xoay người quỳ xuống trước mặt Triệu Hoàn khuyên nhủ, Mạc Trù chạy đi tìm giấy bút, nhanh chóng viết giấy đồng ý tặng đế cơ, vương phi, phi tần cho Tông Vọng, trình lên trước mặt Triệu Hoàn, sau cùng hai người nửa đỡ nửa kéo tay Triệu Hoàn ấn dấu vân tay lên. Tông Vọng thu lấy, mang ra đưa cho Tông Tuyển xem, sau đó mới ngậm cười rời khỏi Đoan Thành điện.


Buổi đêm, Tông Vọng quả nhiên nhắc lại việc Triệu Hoàn trong lúc nghị sự với chúng tướng, nói: "Chiếu thư Lang chủ mệnh Tông Bàn đại vương đưa cho chúng ta có hai bản, một bản tuyên đọc công khai trước tất cả mọi người, bản mật chỉ còn lại chỉ đưa cho các trọng thần. Chiếu thư công khai tuy đồng ý việc thay vua phế nước, song mật chiếu lại cho phép chúng ta tùy cơ hành sự. Trước mắt vẫn chưa tới thời cơ phế lập, huống chi trước đây Quốc tướng đã đồng ý với việc tôi dâng biểu lập nước chư hầu, không nên thay đổi giữa chừng. Việc thay vua phế nước này không bằng cứ tạm gác lại đã, đợi Lang chủ bày tỏ thái độ với việc lập nước chư hầu rồi tính tiếp."


Tông Hàn gạt phăng đi: "Ý thay vua phế nước Lang chủ đã viết rõ rành rành trong chiếu thư, lời tùy cơ hành sự trong mật chỉ ý nói bảo chúng ta có thể theo tình hình mà cân nhắc các chi tiết của việc phế lập, không hề nói Hoàng đế Đại Tống này không phế nữa. Chúng ta nên làm việc theo ý Lang chủ, Nhị thái tử không cần nhiều lời nữa."


Tông Vọng không vui: "Thái Tổ Hoàng đế bản triều khi còn tại thế thường xuyên nhắc nhở chúng ta phải tuân thủ minh ước với Tống, không được dấy binh đánh Tống, lời vẫn còn văng vẳng bên tai. Lang chủ cũng hiểu rõ điều này, đặc biệt lệnh cho chúng ta tùy cơ ứng biến. Nay Tống chủ đã đầu hàng, chúng ta lập y làm phiên vương, mệnh y quanh năm cống nạp có gì không tốt? Vì sao nhất định phải phế y?"


Tông Hàn lắc đầu, trừng mắt nhìn Tông Vọng: "Vì sao Nhị thái tử lại thiên vị Tống chủ, không màng đại cục như vậy? Quân Tống vẫn còn nhiều, lòng dân cũng chưa hết. Nếu giờ buông tay, hậu hoạn khó lường. Nếu chúng ta lập hoàng đế khác lên ắt cục diện Tống quốc cũng dễ biến động. Chúng ta mượn tay hoàng đế bù nhìn này để khống chế Trung Nguyên, ngày sau lại chiếm lấy đất Giang Nam, chẳng phải là kế sách vẹn toàn hay sao?"


"Chính xác!" Tông Bàn tức thì vỗ tay khen hay, "Đô nguyên soái cũng có ý này."


Đô nguyên soái mà y nói là em trai của Kim chủ Hoàn Nhan Thịnh - Hoàng trữ Am ban bột cực liệt Hoàn Nhan Cảo. Người này địa vị và uy vọng đều rất cao, lời nói trước nay luôn có trọng lượng. Tông Vọng thấy Tông Bàn lấy y ra phản đối mình nhất thời lửa giận bốc ngùn ngụt, cũng không màng đến mặt mũi của Tông Hàn, Tông Bàn nữa, đập bàn nói: "Chuyến xuống Nam lần này, là ta bày mưu, là ta lập công đầu, có phế Tống chủ hay không nên do ta quyết định!"


"Cậu quyết định?" Tông Hàn cười lạnh, "Thế cậu coi Lang chủ là cái gì?"


Khuôn mặt Tông Bàn lập tức dài thuỗn. Tông Vọng thấy vậy cũng tự biết mình đã lỡ lời, nhất thời im lặng không lên tiếng.


Tông Hàn lại nói: "Chúng ta dẫn binh xuất chinh, mục đích là để hưng thịnh Đại Kim, mưu cầu lợi ích cho từng người. Còn cậu thì sao, vừa tự mình lén lút nạp đế cơ đã an tâm làm thái bình phò mã của Tống triều, quên sạch nên mang về cho con dân Đại Kim những gì... Nghe nói mấy ngày này Mậu Đức đế cơ kia khiến cậu hồn xiêu phách lạc, binh sĩ trêu đùa một nữ tử người Tống liền khiến cậu tức giận đòi lấy quân trượng ra xử phạt..."


Tông Vọng phẫn nộ, mắt trợn ngược lên, bàn tay nắm chặt thành quyền giống như bất cứ lúc nào cũng có thể vung ra. Tông Tuyển và Tiêu Khánh vội vã một trái một phải giữ y lại, thấp giọng khuyên y bình tĩnh lại. Tông Vọng hồi lâu sau mới nén được hỏa khí xuống, tức giận nói: "Được, có phế lập hay không các người tự mình quyết định, ta không xen vào nữa. Thế nhưng dẫu có phế vua thì cũng không được phép ngược đãi gia quyến hắn giống như gia quyến Khiết Đan*." Dứt lời bèn nặng nề vung tay, hất bay ngọn đèn dầu trên mặt bàn.


(* Khiết Đan: Tên một dân tộc, lập nên triều Liêu kéo dài trong khoảng 200 năm, phía Nam giáp Tống, sau bị Kim tiêu diệt.)


Trong sảnh nhất thời trầm mặc. Một lát sau, Tiêu Khánh mới lên tiếng, mềm mỏng lựa lời nói với Tông Hàn: "Giữ lại Triệu Hoàn làm Hoàng đế, chúng ta đòi cái gì ắt hẳn hắn ta sẽ răm rắp theo đó mà làm, còn có thể mượn hắn để kiềm chế Khang vương. Nếu phế hắn rồi, Khang vương ắt sẽ tự mình xưng đế, kẻ này không nhu nhược như Triệu Hoàn, nếu Đại Kim lại muốn hàng phục chỉ e sẽ tốn chút công sức... Việc phế lập, vẫn xin Quốc tướng nghĩ lại."


Tông Hàn thấy y ăn nói khách sáo nên cũng không thẳng thừng bác bỏ, chỉ lấp lửng nói: "Nếu Tống thực bụng quy phục ta, dĩ nhiên ta sẽ để Tống an toàn."


Tiêu Khánh thấy y không muốn nói tiếp nữa, bèn cáo từ rời đi. Đợi y khuất khỏi cửa, Tông Hàn bèn quay sang nói với Tông Bàn: "Tiêu Khánh là hàng thần của Liêu quốc trước kia. Những lời y nói ban nãy, đại vương không cần quá lưu tâm."


Tông Tuyển từ đầu tới cuối không bày tỏ thái độ, lúc này cũng theo Tông Vọng trước sau bước ra bên ngoài. Tông Vọng vừa trông thấy y đã bộc phát cơn giận, chỉ vào y mắng: "Uổng công làm huynh đệ tốt chung cha chung mẹ! Ban nãy ta tranh luận với Quốc tướng, vì sao đệ không nói giúp ta?"


Tông Tuyển hỏi ngược lại y: "Nhị ca, mật chỉ có thể tùy cơ hành sự mà huynh nói kia, sau khi tuyên đọc Tông Bàn đưa cho huynh hay đưa cho Quốc tướng?"


Tông Vọng thoáng ngây ra, đáp: "Đưa cho Quốc tướng."


Tông Tuyển lại tiếp: "Lang chủ lẽ nào lại không biết huynh và Quốc tướng tranh cãi về chuyện phế lập. Để Tông Bàn giao mật chỉ cho Quốc tướng, vậy tức nghĩa là, mật chỉ này là của Quốc tướng, bảo y tùy cơ hành sự, chứ không phải huynh. Ý Lang chủ đã quyết, nếu chúng ta còn tiếp tục tranh luận, chỉ e sẽ khiến ngài sinh nghi kỵ."


Tông Vọng im lặng suy nghĩ một hồi, cuối cùng thở dài: "Lẽ nào Lang chủ..."


Tông Tuyển gật đầu: "Mặc dù ngài là thúc phụ của chúng ta, song trước hết vẫn là Hoàng đế. Nhị ca công cao át chủ, đôi khi ăn nói hành động quá thẳng thắn, khó tránh khỏi khiến ngài mất vui, nếu có kẻ tính kế ly gián nữa thì phiền phức rồi. Về sau trước mặt người khác, cho dù không đồng tình với ý kiến của bọn họ, song thái độ vẫn phải mềm mỏng một chút."


"Ha ha, ý đệ là, bảo ta học theo đệ?" Tông Vọng nhìn chằm chằm Tông Tuyển cười, bất chợt vung tay trỏ thẳng vào y, sẵng giọng nói: "Ta không ẩn nhẫn được như đệ, mà đệ cũng sẽ mãi mãi không có được bá khí của ta. Ta là mãnh hổ, đệ là cáo già. Ta hợp làm nguyên soái, làm vương giả, còn đệ chỉ có thể trốn phía sau ta bày mưu tính kế!"


Tông Tuyển thản nhiên mỉm cười, cũng không tức giận, cúi người với Tông Vọng, lễ phép lùi lại phía sau vài bước mới xoay người rời đi.