Lúc ấy đại quyền thần có ý muốn phế Thái tử lập Vận vương chủ yếu có mấy vị: Vương Phủ, Đổng Quán, Lương Sư Thành, Dương Tiển, và con trai trưởng của Sái Kinh, Lãnh xu mật viện sự, Cung tạ hành cung sứ Sái Du. Đặc biệt là Thái tể Vương Phủ, thái độ rõ ràng nhất.


Vương Phủ người này nếu luận tài học thì chỉ có thể nói là hơi có tài, thế nhưng con người cơ trí giảo hoạt, giỏi bợ đỡ, thông thạo cách sinh tồn trong chốn quan trường. Giữa những năm Sùng Ninh sau khi trúng tiến sĩ, nhậm chức Hiệu thư lang, sau đó lại thăng làm Tả tư giám. Khi Sái Kinh bị bãi chức tướng, hắn nhìn ra Triệu Cát rất bất mãn với tể tướng Trương Thương Anh kế nhiệm, có ý nhớ thương Sái Kinh, bởi thế bèn thuận gió đẩy thuyền, nhiều lần dâng tấu công kích Trương Thương Anh đồng thời cũng ca ngợi thành tích khi xưa của Sái Kinh. Sau khi Sái Kinh được phục chức cũng nhớ ơn báo đáp, cất nhắc Vương Phủ làm Ngự sử trung thừa. Sau đó Vương Phủ lại tiếp tục làm qua chức Hàn lâm học sĩ, Thừa chỉ, trong khoảng thời gian này lại quen biết được với hoạn quan quyền thế hiển hách Lương Sư Thành, lập tức lén lút bợ đỡ, bí mật hầu hạ y như thân phụ, gọi y là "Ân phủ tiên sinh". Có được sự giúp đỡ của Lương Sư Thành, con đường làm quan của Vương Phủ ngày càng rộng mở, năm Tuyên Hòa thứ nhất được thăng làm Đặc tiến, Thiếu tể. Sau khi Sái Kinh lại lần nữa bị bãi tướng, hắn thay Sái Kinh nắm quyền. Để thu phục lòng dân, xây dựng danh tiếng, hắn cố tình đối đầu với Sái Kinh, tất cả các quyết sách đều làm ngược lại, quả nhiên được tiếng thơm "Hiền tướng". Sau khi đã ngồi vững vị trí tể tướng, hắn bắt đầu lợi dụng quyền thế ra sức vơ vét tài vật quý hiếm, đời sống vô cùng xa xỉ, lãng phí xa hoa. Trước mặt hoàng thượng, hắn chỉ báo cáo chuyện tốt mà không báo cáo chuyện xấu, duy trì một bầu không khí thái bình giả tạo.


Giữa hai huynh đệ Triệu Hoàn và Triệu Khải, hắn công khai đứng về phe Triệu Khải âm mưu phế Thái tử là bởi Triệu Khải rất giống Triệu Cát, đều là những tài tử phong lưu, từ sở thích cho tới kết bạn đều giống nhau, nếu Triệu Khải kế vị hắn sẽ không phải lo chuyện bị lãng quên. Huống chi Triệu Khải không phải trữ quân, nếu mình là đại công thần giúp y ngồi lên hoàng vị, tương lai có lí nào lại không được trọng dụng? Mà Thái tử Triệu Hoàn nếu so sánh với Triệu Khải lại giống như một kẻ ngốc, hoàn toàn không có hứng thú gì đối với nghệ thuật. Sái Kinh từng nảy sinh tranh chấp với Triệu Hoàn vào năm Chính Hòa thứ năm, sau đó Sái Kinh có ý muốn lấy lòng Triệu Hoàn, bèn chuẩn bị rất nhiều đồ pha lê của Đại Thực quốc đưa tới, bày ở cung Thái tử. Chẳng ngờ Triệu Hoàn thấy vậy vô cùng tức giận: "Đây là muốn dùng mấy món đồ chơi này khiến ta say mê quên ý chí có phải không?" rồi lập tức mệnh người đập vỡ hết. Vương Phủ sau khi nghe nói liền không dám tới gần Triệu Hoàn, chờ cơ hội tiếp cận Triệu Khải, sau khi có được quyền thế thì bắt đầu trấn áp Thái tử, tâng bốc Vận vương.


Tháng Mười năm Chính Hòa thứ bảy, con trai của Triệu Hoàn, Triệu Kham, chào đời. Vì là đích trưởng hoàng tôn, bởi thế Triệu Cát vô cùng vui mừng, đầu năm sau sắc phong làm Sùng quốc công, Sùng đức quân tiết độ sứ theo nghi lễ dành cho hoàng tử. Đích hoàng tôn được hưởng đãi ngộ cấp bậc giống hoàng tử là quy chế của triều Tống, thế nhưng Vương Phủ lại tâu bẩm với Triệu Cát rằng: "Sắc phong con trai của Đông cung theo quy chế dành cho hoàng tử, chẳng khác nào đã coi Đông cung là người nắm quyền lực tối cao." Triệu Cát nghe xong quả nhiên không vui. Bởi thế Vương Phủ gọi vị quan ở Đông cung là Cảnh Nam Trung tới, hạ lệnh buộc ông ta phải nói với Triệu Hoàn từ chối nhận sắc phong cho Triệu Kham. Sau đó, tháng Sáu năm sau, Triệu Kham được phong làm Cao Châu phòng ngự sứ.


Mục đích đoạt đi phong quan của Triệu Kham là làm suy yếu địa vị của Đông cung Thái tử Triệu Hoàn, đây là một việc vô cùng dễ thấy. Triệu Hoàn nhất thời cũng không dám phẫn nộ hay lên tiếng, chỉ đành cắn răng chịu đựng. May mắn thay cũng không phải hoàn toàn không có ai ủng hộ vị thái tử khờ khạo này, từ năm Chính Hòa thứ hai Cảnh Nam Trung nhậm chức ở cung Thái tử đã trở thành cánh tay đắc lực nhất cho Triệu Hoàn. Địa vị lúc bấy giờ của Cảnh Nam Trung không cao, năng lực bảo vệ Thái tử có hạn, bởi thế bèn dựa dẫm lôi kéo Thượng thư hữu tướng Lý Bang Ngạn rất được Triệu Cát tin dùng. Lý Bang Ngạn trước giờ vẫn luôn bất hòa với Vương Phủ, mỗi lúc Vương Phủ bôi nhọ Thái tử đều đứng ra giúp Thái tử hóa giải những hiểm cảnh bất cứ lúc nào cũng có thể ập tới.


Vốn dĩ những dấu hiệu của việc Triệu Khải thay thế Triệu Hoàn đang ngày một trở nên rõ ràng, tình hình phát triển đúng theo kỳ vọng của phe cánh Triệu Khải. Đáng tiếc, vào năm Tuyên Hòa thứ sáu, một sự kiện nhỏ đã khiến vận mệnh chính trị của Vương Phủ chấm dứt, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiền đồ của Triệu Khải. Năm ấy trên cột nhà của Vương Phủ đột nhiên mọc ra một đóa hoa, Vương Phủ đương nhiên coi đó là điềm lành, vội vã vào cung bẩm báo, mời Triệu Cát tới xem. Triệu Cát vui vẻ đồng ý, ngự giá tới phủ Vương Phủ. Nào ngờ chuyến đi này lại khiến Triệu Cát phát hiện ra nhà Vương Phủ và Lương Sư Thành chỉ cách nhau có một bức tường, hai người có thể thường xuyên gặp gỡ qua lại. Triệu Cát lập tức đoán ra bọn họ ngày thường nhất định vẫn luôn cấu kết với nhau, kết bè kết đảng mưu tính chuyện riêng, trong lòng rất không vui, từ đó về sau thái độ với Vương Phủ đột ngột trở nên rất lãnh đạm.


Lý Bang Ngạn lập tức nhân cơ hội đó âm thầm sai người dâng tấu, vạch ra lớp lớp tội trạng của Vương Phủ, cuối cùng khiến hắn hoàn toàn bị thất sủng. Tháng Chín năm Tuyên Hòa thứ sáu, Lý Bang Ngạn được thăng làm Thiếu tể, Vương Phủ cũng vào tháng Mười một năm ấy bị miễn chức.


Vương Phủ vừa ngã ngựa, Triệu Khải cũng mất đi thế lực ủng hộ lớn nhất trong triều. Thái độ của những kẻ vốn xu nịnh quanh y cũng dần dần trở nên ám muội, đặc biệt là Lương Sư Thành. Thấy phe ủng hộ Thái tử Lý Bang Ngạn thắng thế, hắn bắt đầu bí mật tiếp cận Thái tử nhiều hơn, trước mặt Triệu Cát cũng vô tình hữu ý thường xuyên nói tốt cho Triệu Hoàn, đồng thời cố ý để cho Triệu Hoàn biết được việc này. Cảnh Nam Trung cũng nhân cơ hội kết giao rộng rãi với các đại thần trong triều, ra sức nhấn mạnh tung hô thân phận đích hoàng tử của Thái tử, ngầm ám thị tính chính thống của việc kế vị là không thể lay chuyển.


Năm Tuyên Hòa thứ bảy, quân Kim xâm phạm xuống phía Nam. Triệu Cát chuẩn bị lánh về phương Nam, ngày 11 tháng Mười Hai phong Triệu Hoàn làm Khai Phong mục, lệnh y giữ Khai Phong, dùng thân phận Thái tử giám quốc. Các đại thần ủng hộ Thái tử lập tức cảm nhận được đây là một cơ hội tốt để bức Triệu Cát thoái vị, phò tá Thái tử đăng cơ, hi vọng vị quân chủ mới có thể thay đổi được hiện trạng của quốc gia. Với sự tiên phong của Thái thường thiếu khanh Lý Cương, Cấp sự trung, Quyền trực học viện kiêm thị giảng Ngô Mẫn cũng ra mặt lên tiếng, mời Triệu Cát nhường ngôi cho Thái tử. Lý Cương thậm chí còn thẳng thừng khuyên Triệu Cát hãy danh chính ngôn thuận bố cáo thiên hạ, nhường ngôi cho Triệu Hoàn để cứu vãn ý trời, thu phục lòng dân.


Dưới sự bức ép lúc mềm lúc cứng của các vị đại thần, Triệu Cát hốt hoảng lúng túng. Ngày 22, Triệu Cát triệu Sái Du vào cung thương nghị, rưng rưng nói với Sái Du: "Chẳng ngờ ta đường đường là quân vương một nước, lại bị người Kim bức tới mức này, ngay việc truyền lại cơ nghiệp tổ tông cho ai cũng không được tự quyết định!" Vừa nói vừa nắm lấy tay Sái Du, bất ngờ không thở được, ngã xuống hôn mê. Sái Du tức tốc gọi thái giám xung quanh tới dìu đỡ, sau nhiều lần dùng thuốc Triệu Cát mới dần dần tỉnh lại, sau đó thở dài một hơi, giơ cánh tay lên đòi giấy bút, viết xuống một câu: "Hoàng thái tử kế thừa hoàng đế vị, Giáo chủ đạo quân lui về cung Long Đức. Gọi Ngô Mẫn tới lập chiếu." Ngô Mẫn vâng lệnh soạn thành chiếu thư trình lên, Triệu Cát xem xong bèn phê duyệt: "Được vậy, thật an lòng."


Ngày 23 tháng Mười Hai, sau khi tự hoạch tội chính mình, Triệu Cát tuyên bố sẽ nhường ngôi cho Thái tử Triệu Hoàn. Triệu Cát gọi Triệu Hoàn tới Phúc Ninh điện, để y khoác long bào, ngồi lên ngự tọa. Triệu Hoàn vừa mừng vừa sợ, tâm nguyện nhiều năm cuối cùng cũng thành hiện thực là một điều vui sướng biết nhường nào, thế nhưng y cũng hiểu tình hình quốc gia trước mắt đang nguy cơ trùng trùng thế nào, hiện giờ kế vị trọng trách nặng nề, cẩn thận suy nghĩ lại cảm thấy lo lắng bất an. Lại nói, Phụ hoàng nhường ngôi cho mình mà nét mặt chẳng lộ ra chút vui mừng nào, bởi thế khóc lóc chối từ, không dám đồng ý ngay lập tức.


Mà lúc này, phủ Vận vương cũng đã nghe được tin tức này.


Một đám thái giám đưa tin do Đổng Quán phái đi bị hầu cận của Triệu Khải ngăn lại ngoài cửa thư phòng, nói: "Điện hạ đã dặn dò, lúc vẽ tranh không cho phép bất kỳ ai quấy rầy."


Thái giám đi đầu nóng ruột tới độ hất tay thị vệ ra, lớn tiếng hô: "Đã là lúc nào rồi mà Vận vương điện hạ vẫn còn tâm trạng này!" rồi xồng xộc xông vào.


Triệu Khải đang đứng trong thư phòng vẽ tranh, lúc này đang tỉ mỉ vẽ một con hạc tiên trên cửu trùng cung khuyết. Lúc thái giám xông vào y thoáng ngừng lại, thế nhưng cũng chỉ trong một khoảnh khắc, cũng không buồn liếc mắt nhìn bọn họ một cái, cúi đầu tiếp tục cẩn thận vẽ từng chiếc lông.


Bọn thái giám quỳ sụp xuống, nói: "Điện hạ! Hoàng thượng đang truyền ngôi cho Thái tử ở điện Phúc Ninh!"


Bàn tay Triệu Khải thoáng run lên, đầu bút phá hỏng bộ lông được công phu tô vẽ.


Y gác bút, than: "Xem chừng bức 'Đoan hạc lăng vân đồ' này không dễ dàng hoàn thành rồi." Nói đoạn xoay người sải bước ra bên ngoài.


Thái giám dẫn đầu đuổi theo bóng lưng y: "Điện hạ muốn đi đâu vậy."


Triệu Khải đáp: "Phúc Ninh điện."


Thái giám thấy y lúc này đang mặc một chiếc áo bào viên lĩnh rộng tay màu trắng, là trang phục thường ngày, búi tóc trên đầu cũng chỉ dùng một dải lụa trắng cột lại, dáng vẻ hệt như một thư sinh văn nhã, bèn kiến nghị: "Có lẽ điện hạ vẫn nên thay trang phục khác thì thỏa đáng hơn."


Triệu Khải nhàn nhạt đáp: "Không cần." Sau đó đầu không ngoảnh lại đi thẳng về Phúc Ninh điện. Thái giám cũng không dám nói nhiều, dẫn theo đám thuộc hạ đuổi theo Triệu Khải.


Tới trước Phúc Ninh điện, Bộ quan đô ngu hầu Hà Quán phụng mệnh canh cửa, trông thấy bọn họ chưa được tuyên gọi mà đã tự tiện xông vào, bèn đưa kiếm ra chặn đường, không cho phép họ tiến vào bên trong.


Triệu Khải nhìn y, hỏi: "Thái úy không nhận ra Khải sao?"


Hà Quán rút kiếm "soạt" một tiếng, đáp lời: "Quán mặc dù nhận ra điện hạ, song chỉ e vật này không nhận!"


Triệu Khải lạnh lùng nhìn y, chậm rãi vươn tay ra dùng hai ngón tay kẹp lưỡi kiếm, nhẹ nhàng đẩy ra, nói: "Kiếm của Thái úy nên dùng để ứng phó với quân xâm lược nước Kim, chứ không phải thân vương hoàng tử Đại Tống."


Lưỡi kiếm trong tay Hà Quán từ từ xuôi xuống, y cúi đầu than: "Đại sự đã định, điện hạ cớ chi còn tự làm khổ mình?"


Triệu Khải không đáp, chỉ nói: "Phiền Thái úy vào bẩm báo một tiếng, nói là Vận vương Khải cầu kiến hoàng thượng."


Lúc này Triệu Cát trong điện đã nghe được một số động tĩnh, phái một cung nữ đi ra: "Hoàng thượng mời Vận vương điện hạ quay về, ngày khác lại tới bái kiến."


Triệu Khải không để tâm, lớn tiếng gọi: "Phụ hoàng, nhi thần chỉ muốn biết đây có phải ý nguyện của chính người, hay là quyết định do bị kẻ khác bức ép mà bất đắc dĩ phải đưa ra."


Bên trong điện yên ắng. Một lúc sau, giọng nói của Triệu Cát chậm rãi truyền ra, mang đầy vẻ già nua tang thương: "Con trở về đi, Khải. Việc đã đến nước này, có nói nhiều cũng vô ích. Có lẽ đối với con mà nói cũng chưa chắc đã là không tốt."


Triệu Khải nghe vậy đứng lặng hồi lâu, sau đó dứt khoát rời đi. Dưới ánh mặt trời trắng xóa, thân ảnh trong bộ bạch bào của y nhanh chóng biến mất giữa những cánh cửa nặng nề.


Trải qua sự biến này, Triệu Hoàn trong điện Phúc Ninh cũng không thoái thác nữa, ánh mắt rơi thẳng vào ngự tọa trên cao. Lương Sư Thành lập tức hiểu ý, vội vàng đi tới đưa hai tay ra, nói: "Nô tài dìu quan gia lên ngự tọa."


Đổng Quán âm thầm thở dài, lòng biết đại cục đã định, cũng đích thân đem long bào tới, đi tới bên Triệu Hoàn khom người nói: "Nô tài hầu hạ quan gia thay y phục."


Triệu Cát ngồi một bên quan sát, lấy tay áo che mặt, lặng lẽ lau đi một giọt lệ bên khóe mắt.