Đồ đạc thì cồng kềnh mà thời tiết lại quá lạnh lẽo, Cố Khinh Chu ngoài miệng nói không hỗ trợ nhưng rốt cuộc vẫn đưa Giang Nhứ ra bến xe. Đâu đâu cũng thấy người ta tay xách nách mang lỉnh kỉnh hành lí về quê ăn Tết, không khí ngày xuân rộn ràng muôn nơi.

Giang Nhứ mở cửa xe xuống xe, lắc đầu ngán ngẩm nhìn biển người đông nghịt trước mặt. Hắn bảo với Cố Khinh Chu qua lớp kính cửa sổ xe: “Trời đất ơi, lát nữa kiểu gì cũng sẽ bị chèn bẹp ruột cho xem, nghĩ đã không muốn đi.”

Chẳng biết có phải bởi hắn cố ý chặn cửa hay không mà Cố Khinh Chu không tài nào mở cửa xuống xe được. Nghe Giang Nhứ nói, y bất giác muốn bảo vậy cậu đừng đi, nhưng cũng tự biết chẳng mấy khi hắn có dịp về quê thăm mẹ già, mình mà ngăn cản thì còn ra thể thống gì nữa.

Cố Khinh Chu bất đắc dĩ nhắc nhở: “Mười phút nữa là hết giờ soát vé rồi đấy.”

Giang Nhứ quay đầu, chống tay lên nóc xe, cúi người nói với y: “Vội gì, còn thong thả được thêm năm phút nữa. Hồi trước tôi từng vô địch chạy đường dài ở đại hội thể thao cơ mà.”

Thoáng chốc trong lòng Cố Khinh Chu bỗng dâng lên khát vọng mãnh liệt muốn đi cùng Giang Nhứ, nhưng rốt cuộc vẫn lực bất tòng tâm. Lý Tư Ngạo chuẩn bị ra mắt cha mẹ Phương Hiệp mà còn hồi hộp muốn ngất, nếu là y sẽ chỉ càng thêm bội phần lo lắng.

Giọng điệu Cố Khinh Chu ẩn chứa chút thất vọng: “Nhớ về sớm nhé.”

Giang Nhứ gật đầu: “Ừ.”

Thấy hắn mặt mày tươi tỉnh, bộ dạng vẫn chớt nhả như thường, trong lòng Cố Khinh Chu đột nhiên có chút gì đó bực bội vô cớ. Y kéo cổ áo đối phương, buộc hắn khom lưng áp sát vào cửa sổ xe, đoạn thấp giọng thì thầm: “Hôn tôi một cái đi.”

Giang Nhứ bất giác đảo mắt nhìn quanh: “Cậu không sợ bị nhìn thấy à?”

Cố Khinh Chu nghĩ thầm trông thấy thì đã sao, có ai biết bọn y là ai đâu. y kéo Giang Nhứ lại gần hơn, thấp giọng giục giã: “Nhanh lên.”

Giang Nhứ nghe vậy khẽ bật cười, sau đó cúi người hôn y. Vừa toan buông ra, hắn lại bị Cố Khinh Chu giữ chặt cổ áo. Nụ hôn người kia nóng rực, mang theo ý tứ chiếm hữu, điên cuồng xâm chiếm môi lưỡi như muốn ăn tươi nuốt sống hắn.

Khi thời gian soát vé chỉ còn vỏn vẹn năm phút, Cố Khinh Chu mới chịu thả hắn ra. Giang Nhứ đầu tiên là thở phào nhẹ nhõm, kế đến vô thức sờ tay lên miệng, thấy không xây xát chảy máu mới quay sang bảo với Cố Khinh Chu: “Chậc, ai không biết chắc sẽ tưởng cậu với tôi có thâm thù đại hận gì ghê lắm.”

Hắn nhìn y, hạ giọng xuống chút đỉnh: “Tôi đi đây, dùng dằng nữa là không kịp thủ tục soát vé mất.”

Cố Khinh Chu buồn rầu ra mặt, nhìn hắn hồi lâu rồi nói bằng giọng không rõ cảm xúc: “Về sớm nhé.”

Giang Nhứ nửa cười nửa không cụp mắt, giơ tay làm dấu ‘OK’, xong xuôi mới kéo va li rời đi. Chẳng mấy chốc, bóng lưng hắn đã mất hút giữa biển người mênh mông.

Cố Khinh Chu nhìn theo hắn qua lớp kính chắn gió, sau đó ngồi ngẩn người một mình trong xe. Lần đầu tiên y cảm thấy mình quả là thích làm khó bản thân, cứ lấy can đảm đi về cùng Giang Nhứ một chuyến có phải tốt không, còn hơn là cô độc lủi thủi như hiện giờ.

Thời đi học, Giang Nhứ sống với mẹ trong một con hẻm gần trường, sau này giải tỏa mới dọn đi nơi khác. Khi ấy hắn đã bắt đầu đi làm, có thể tự nuôi sống bản thân, bởi vậy mẹ Giang dứt khoát quay về nhà cũ dưới quê. Mỗi khi rảnh rỗi bà lại ngồi tán dóc chuyện nhà chuyện cửa với hàng xóm láng giềng, cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như thế.

Giang Nhứ ngồi bốn giờ xe khách, đến bến lúc trời đã xẩm tối. Tần suất hắn về quê không nhiều không ít, nhưng lần nào về cảnh trí xung quanh cũng hết sức khác lạ. Năm ngoái đường sá còn gập ghềnh xóc nảy, năm nay đã phẳng lì, thẳng băng.

Gần Tết, nơi này không đông đúc nhộn nhịp như Hải Thành, phố xá thưa thớt đến tội nghiệp. Bù lại, mọi thứ không hề toát ra vẻ u tịch. Nhà nhà sáng rực đèn đuốc. Tiếng xoong nồi nhịp nhàng lanh canh, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng các bà các mẹ răn dạy nghiêm khắc, đôi khi là thanh âm va chạm của những quân bài mạt chược trên bàn, tất thảy đều vọng ra ngoài nghe rõ mồn một.

Giang Nhứ xách va-li lên tầng. Mọi căn nhà hắn đi qua đều trang trí câu đối đỏ chói lọi, bừng sáng cả hành lang u ám. Hắn đi đến trước cửa nhà, gõ lên cửa chống trộm. Chỉ một lát sau, cửa đã ‘cạch’ một tiếng mở toang.

“Ôi chao, sao giờ này mày mới về? Mẹ còn tưởng là họ hàng sang chơi. Khi nào về cũng chẳng báo với mẹ một tiếng, mau vào nhà đi.”

Mẹ Giang trông có vẻ là đang nấu cơm, tay áo len vén đến tận khuỷu. Chân bà đi lại có phần khó khăn, tuổi tác đã hằn lên gương mặt, nhưng vẫn không thể xóa nhòa hết vẻ thanh tú cứng cỏi thuở thanh xuân.

Bà đưa tay toan cầm lấy chiếc va-li trong tay Giang Nhứ, song hắn đã né qua một bên: “Để con xách. Chân mẹ đã đỡ hơn tí nào chưa?”

Mẹ Giang đáp: “Tốt hơn năm ngoái nhiều rồi. Nhanh đi vào rửa mặt đi, phòng mày mẹ đã dọn dẹp sạch sẽ, chăn đệm cũng toàn đồ mới cả, tối ngủ yên tâm không lạnh.”

Bình thường bà luôn tìm cách dặn dò Giang Nhứ qua điện thoại càng nhiều càng tốt, thế nhưng khi gặp mặt lại chẳng có cách nào nói với hắn nhiều lời, chỉ lặng lẽ đứng ước lượng chiều cao của đứa con trai bằng vẻ mặt rạng rỡ. Đoạn, bà lẩm bẩm một câu ‘gầy quá’ rồi vỗ vai Giang Nhứ bảo hắn ra cửa dán câu đối, phần mình thì vào bếp tiếp tục nấu cơm.

Vóc dáng Giang Nhứ vốn đã cao nên chẳng cần đệm chân bằng đồ vật gì cũng có thể dán được câu đối. Hắn không tìm thấy hồ dán trong ngăn kéo, đành dùng một cuộn băng dính trong, đứng ở hành lang vừa xé băng dính vừa nói chuyện phiếm với mẹ Giang: “Tối nay ăn gì hả mẹ?”

Mẹ Giang đáp: “Mẹ làm sủi cảo cho mày rồi, đang bắc một nồi canh sườn lợn, lát nữa hấp thêm con cá. Mày dán xong thì rửa tay vào ăn cơm.”

Giang Nhứ dán câu đối xong xuôi bỗng sực nhớ ra điều gì, lùi lại mấy bước chụp ảnh gửi cho Cố Khinh Chu rồi mới đi vào trong nhà. Nhà hai mẹ con tuy nhỏ nhưng mấy năm về trước Giang Nhứ đã ra tay sửa sang lại, nom đẹp đẽ rộng rãi hơn mấy nhà hàng xóm xung quanh nhiều, vừa bật đèn là khắp nơi chan hòa ánh sáng.

Giang Nhứ cởi áo khoác quẳng lên ghế sofa, nhìn quanh kiểm tra mọi thứ theo thói quen. Hắn phát hiện mẹ Giang trồng rất nhiều hoa ngoài ban công, tất cả đã khô héo giữa tiết trời mùa đông lạnh lẽo: “Nhà mình có gì cần sửa không mẹ?”

“Còn sửa cái gì nữa?” Mẹ Giang đặt đồ ăn lên bàn, lau tay vào tạp dề rồi nói: “À phải rồi, Đại Hoành mở tiệm sửa xe mới, giờ đang sửa sang lại. Hai đứa thân nhau từ hồi còn đi học, mày bớt thời gian qua đó giúp một tay. Mẹ thằng bé mất mấy năm trước, nó lại chưa cưới vợ, một mình loay hoay như thế cũng vất vả.”

Mẹ Giang Nhứ và mẹ Đại Hoành là đồng hương, hai bọn hắn có thể nói là bạn thân từ thuở nhỏ, học cùng nhau từ tiểu học lên cấp ba. Năm lớp mười Đại Hoành học việc trong một xưởng sửa chữa xe hơi, Giang Nhứ cũng làm ở đó một thời gian để kiếm tiền, coi như có kinh nghiệm.

Giang Nhứ ‘vâng’ một tiếng, sau đó nói: “Chẳng thấy nó bảo gì với con cả.”

Mẹ Giang lắc đầu: “Đời nó cũng chẳng may mắn gì, vui đâu mà muốn kể với người khác?”

Cũng có thể coi hai bọn hắn là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Chưa tốt nghiệp cấp ba Giang Nhứ đã bị nhà trường đuổi học, Đại Hoành cũng chẳng thi được vào nơi nào tử tế, ra đời giao du với xã hội đen, kết cục đắc tội với kẻ khác nên bị đánh gãy một chân. Không kiếm được việc ở thành phố, gã bèn khăn gói về quê, vay tiền mở cửa hàng sửa xe kiếm sống qua ngày.

Đang xì xụp ăn sủi cảo, Giang Nhứ bỗng nghe mẹ Giang nói: “Trước đây thấy mày tối ngày đánh nhau với người ta, mẹ chỉ nghĩ mày chẳng có tương lai, vừa lo lắng vừa thấy xấu hổ với ông bà tổ tiên. Bây giờ suy nghĩ lại, đám bạn bè tụ tập lêu lổng với mày hồi ấy chẳng đứa nào sống cho ra hồn. Mày còn tốt chán, ít nhất cũng có công ăn việc làm tử tế, bình yên mới là hạnh phúc.”

Giang Nhứ tặc lưỡi, bụng nhủ thầm mẹ quả là mẹ ruột.

Tuy trong nhà chỉ có hai người nhưng cũng không có cảm giác quạnh quẽ. Ăn xong, mẹ Giang đi rửa bát, Giang Nhứ thì lãnh phần phụ giúp dọn dẹp. Gần mười một giờ hắn mới tắm rửa, vốn định đi ngủ luôn nhưng nghĩ thế nào lại gọi điện cho Cố Khinh Chu. Phải đến cuộc điện thoại thứ hai đầu bên kia mới bắt máy.

Những địa phương nhỏ thường quản lý không quá nghiêm ngặt, tối đến rất nhiều người đốt pháo hoa. Sau một tiếng rít cao vút, pháo hoa lấp lánh nở bừng giữa trời đêm. Giang Nhứ đeo tai nghe, thấp giọng hỏi Cố Khinh Chu: “Cậu ngủ chưa? Ban nãy tôi gọi điện không thấy cậu nghe máy.”

Trái ngược với sự náo nhiệt ồn ã xung quanh Giang Nhứ, bên phía Cố Khinh Chu tĩnh lặng vô cùng. Vốn dĩ y đã ngủ quên trong lúc ngồi xem tivi ở phòng khách. Lúc này trời đã tối đen, những hình ảnh không ngừng nhấp nháy trong tivi trở thành nguồn sáng duy nhất trong phòng. Y ‘ừ’ một tiếng chiếu lệ, đầu óc vẫn còn váng vất. Một lát sau khi đã dần tỉnh táo, y mới đứng dậy mò mẫm bật đèn.

Giọng Cố Khinh Chu mang vẻ lười biếng: “Vừa rồi tôi ngủ thiếp đi mất.”

Nhà cũ cách âm rất kém, sợ đánh thức mẹ Giang đang ngủ ở căn phòng sát vách, Giang nhứ chỉ có thể hạ âm lượng xuống tối thiểu: “Cậu như thế là đêm không ngủ được đâu.”

Thiếu vắng bóng dáng thân thuộc của hắn trong nhà, trong lòng Cố Khinh Chu có chút gì đó trống trải. Y nằm trên ghế sofa lật người, cầm điện thoại im lặng hồi lâu. Mãi đến khi Giang Nhứ bắt đầu kiểm tra điện thoại vì tưởng tín hiệu có vấn đề, y mới chịu mở miệng: “Chừng nào cậu về?”

Giang Nhứ ngẫm nghĩ một lát: “Chắc tầm ba, bốn ngày nữa.”

Nếu là ngày thường làm việc còn đỡ, bận rộn một chút là thời gian trôi qua vèo vèo. Khổ nỗi hiện giờ đang nghỉ Tết, công việc không có, Cố Khinh Chu cũng không định về thành phố A. Bên đó giờ đây đã rối thành một mớ bòng bong, chẳng ai còn tâm trí đâu mà quản thúc y.

Cố Khinh Chu lấy điều khiển tăng âm lượng tivi lên chút đỉnh, xua đi bầu không khí tĩnh mịch: “Nhớ chăm bác gái cho tốt, thiếu gì nhớ bảo, tôi gửi cho.”

Giang Nhứ nói như thể đang tán chuyện với y: “Đại Hoành mới mở tiệm sửa xe gần đây, ngày mai tôi sẽ qua đó giúp. Ngày kia là tất niên, tôi phải giúp mẹ đối phó với họ hàng, tối ngày kìa chắc là quay lại được.”

Ánh mắt Cố Khinh Chu rơi vào cảnh đêm ngoài cửa sổ. Y đương nhiên biết Đại Hoành là ai – hồi xưa trong lớp Giang Nhứ chơi thân với gã nhất. Khi Cố Khinh Chu bắt đầu theo đuổi Giang Nhứ, cả ba từng tụ tập với nhau không ít lần. Nghe hắn nói vậy, y bật cười hỏi: “Cậu qua giúp? Cậu biết sửa xe à?”

Giang Nhứ cười hì hì: “Có gì mà không biết? Hồi cấp ba ngoài trai bao ra thì có nghề nào tôi chưa làm qua đâu.”

Hắn trưởng thành sớm hơn so với những kẻ đồng trang lứa, dù thường xuyên trốn học đánh nhau song cũng chẳng hiếm khi ra ngoài làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Khi thì sửa xe, khi lại giao hàng, lúc nào hắn cũng bận rộn không ngơi tay. Bảo hắn hỗn láo, hắn quả thật hỗn láo. Mà bảo hắn hiểu chuyện, hắn thực sự đúng là rất hiểu chuyện. Chỉ có điều trên mặt Giang Nhứ luôn luôn nở nụ cười, khiến cho người khác không thể nhận ra phía sau lưng hắn là một quãng đường dài đau khổ chồng chất.

Cố Khinh Chu từ tốn nhắm mắt, một cảm giác xót xa bỗng thoảng qua trong lòng. Y chầm chậm hít thở, sau đó nói giọng pha trò: “Sao tôi nghe như cậu có vẻ thất vọng vì hồi đó không đi làm trai bao thế?”

“Thì cũng có tí chút.” Giang Nhứ trả lời. “Gì thì gì tôi cũng mong chỉ dựa vào mặt mà vẫn kiếm được cơm.”

Cố Khinh Chu: “… Cậu không ra mắt quả là một thiệt thòi của giới giải trí.”

Y khẽ nhích người, trượt từ ghế sofa xuống ngồi lên thảm, đoạn rút một bao thuốc dưới ngăn kéo bàn trà ra, lặng lẽ đánh bật lửa. Đã gần khuya, Cố Khinh Chu đoán Giang Nhứ hẳn đang rất mệt mỏi nên cũng không dông dài thêm, chỉ hỏi nốt một câu trước khi cúp máy: “Cậu có cảm thấy còn thiếu thứ gì không?”

Giang Nhứ nhíu mày: “Thứ gì là thứ gì?”

Tết đến nơi rồi nên Cố Khinh Chu muốn được lì xì à?

Kẹp điếu thuốc trong tay, Cố Khinh Chu cụp mắt, lười nhác tựa mình vào ghế sô pha. Một làn khói bạc tràn ra khỏi đôi môi y, khuôn mặt dưới ánh đèn mang vẻ lạnh lẽo bỗng trở nên mờ mịt trong hơi khói hư ảo. Y gõ tàn thuốc, thấp giọng hỏi lại: “Không hôn chúc tôi ngủ ngon à?”

Giang Nhứ không ngờ đến đáp án này, nghe xong bật cười không lên tiếng, kế đến ghé môi hôn một cái thật kêu lên cánh tay mình: “Thế nào?”

Chưa cần thấy mặt, chỉ nghe thanh âm Cố Khinh Chu đã có thể tưởng tượng ra nét mặt vừa ra vẻ chân thành vừa như châm chọc trêu ngươi của Giang Nhứ. Y lẳng lặng dập tắt điếu thuốc, cau mày chất vấn: “Cậu vừa hôn cái gì đấy?”

Giang Nhứ bất giác liếc nhìn cánh tay mình: “Yên tâm đi, không có chuyện tôi cắm sừng cậu đâu.”

“Tôi cũng tin là cậu chẳng dám đâu.” Cố Khinh Chu nheo mắt, gằn từng chữ: “Léng phéng tôi đánh gãy chân cậu cho coi.”

Nếu ngày ấy thật sự đến thì đánh gãy chân vẫn còn là nương tay.

Đêm đã khuya, nói xong y cũng ngắt điện thoại, chỉ còn tiếng tút tút từ đầu bên kia truyền đến.

Giang Nhứ tháo tai nghe, lòng tự hỏi, tàn ác đến mức đó cơ à?

-Hết chương 39-