-Lao công?
Người đàn ông nhìn vào hồ sơ xin việc của cô gái trước mặt, như không tin vào mắt mình, ông ta kéo trễ chiếc mắt kiếng viễn thị trên mặt xuống để nhìn cho rõ cô gái đang ngồi phỏng vấn.

Một cô gái xinh đẹp như thế này lại muốn xin làm lao công, trên đời này đúng là không có việc gì không thể xảy ra.

Ông hỏi lại cho chắc:
-À, ừm, cô Phương đây muốn xin ứng tuyển vào vị trí lao công của công ty phải không?
Ngọc Phương mỉm cười, cô nhớ lại gương mặt thảng thốt của Tuấn Mã khi nghe cô gọi điện thoại bảo làm giúp một giấy căn cước giả và hồ sơ xin việc để ứng tuyển.
-Chị Hai muốn đi làm lao công? Việc gì phải khổ như thế?
Nhưng có ngạc nhiên gì đi nữa thì hắn cũng phải làm cho cô.

Chưa đến một tiếng sau, Ngọc Phương đã ghé xóm Mả lấy giấy tờ trước khi đến đồn đưa đồ ăn trưa cho Phục Thăng.

Để rồi bây giờ đang ngồi đây phỏng vấn xin việc.
Cô nhẹ nhàng đáp:
-Dạ thưa chú, cháu mới từ dưới quê lên Sài Gòn, không có học thức, bằng cấp nên muốn xin một công việc phù hợp với sức mình ạ.
Người đàn ông thở dài nhìn Ngọc Phương từ trên xuống dưới, nghe cô nói chuyện thân tình nên cũng đổi danh xưng theo:
-Ừ, nhưng chú nói cho con biết trước, công việc này cực lắm đó.
-Dạ, con khỏe lắm chú, cực khổ gì cũng chịu được, chú cứ cho con thử việc là biết liền.
Nhìn dáng vẻ mảnh khảnh, da dẻ trắng ngần như bông bưởi của con bé, có chỗ nào liên quan đến "khỏe" và "chịu cực" nhỉ.


Ông chú lắc đầu:
-Chú thấy mấy đứa, à à, nhìn được như con thường ít chọn công việc này lắm.
Ông chú tính nói "đẹp", nhưng sợ thất lễ nên dùng luôn hai chữ "nhìn được".

Kỳ thật gái quê có chút nhan sắc lên Sài Gòn hầu hết đều xin vào làm những việc nhẹ nhàng như phục vụ quán ăn, quán nhậu hoặc tệ hơn là làm những chỗ có xu hướng tệ nạn.

Những chỗ đó thu nhập cao, lại nhẹ nhàng, còn con bé này hơi lạ.

Nhìn thấy ông ta tỏ vẻ băn khoăn, Ngọc Phương chốt hạ:
-Dạ, thưa chú, từ nhỏ đến lớn, ba má con có dạy nghèo cho sạch rách cho thơm.

Vả lại con chỉ xin việc làm từ hai giờ trưa đến mười giờ tối, con định làm việc này để kiếm tiền đặng ban ngày đi học thêm ạ.
Ông chú nghe đến việc cô bé chọn ca chiều để đi học, định kiến ban đầu lập tức vỗ cánh bay mất.

Dù sao hai vợ chồng chú cũng từng có một đứa con gái nhỏ, bé rất ham học.

Chỉ có điều, năm lên mười lăm tuổi đã mất vì tai nạn.

Bảo bối mất đi, hai vợ chồng chú chỉ lao đầu vào công việc để tìm quên.

Công ty hai vợ chồng lập ra chuyên nhận thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa cho các tòa nhà văn phòng cũng như biệt thự sang trọng.

Nói lớn không phải quá lớn, nói nhỏ cũng không phải quá nhỏ.

Cũng được mọi người nhận xét ăn nên làm ra, cô chú chọn lựa nhân viên rất kĩ càng, dù làm nghề này tuy có hạ tiện, nhưng vẫn phải có uy tín.

Chỉ cần tuyển nhầm người không thật thà thì có khả năng bị thiệt hại vô cùng lớn.
Ông chú nhìn đi nhìn lại hồ sơ, hỏi luôn câu nữa:
-Vậy bây giờ con ở đâu?
Ngọc Phương khẽ khàng đáp lời:
-Dạ, con ở cùng với bạn trai.

Bạn trai con làm cảnh sát.
Rồi xong, được, chốt luôn, con bé này vừa lễ phép lại ưa nhìn, sạch sẽ.

Thêm phần bạn trai nó là cảnh sát thì còn sợ gì nó là "kẻ trọc đầu".


Nhưng cứ phải thử việc xem nó như thế nào đã, một khi nhận vào làm chính thức thì tìm hiểu kĩ sau.

Ông chú hài lòng ngẩng đầu lên nói:
-Chú tên Phú, cũng được gọi là giám đốc trong cái công ty nhỏ xíu này.

Chú nghe con nói nãy giờ cũng ưng bụng rồi, nhưng con cứ làm thử trước xem có chịu nổi không.

Lương thử việc của con, chú trả sáu triệu một tháng, do con đi học nên chú ưu tiên cho nghỉ ngày chủ nhật để giữ sức.
Ngọc Phương cười tít mắt cúi đầu cảm ơn chú Phú.
Chú Phú gấp hồ sơ của cô lại rồi nói:
-Ngày mai bắt đầu làm luôn, con có mặt ở đây lúc một giờ rưỡi trưa, có xe công ty đưa rước đến nơi làm việc.
Ngọc Phương dạ ran, đứng dậy cúi đầu cảm ơn lần nữa rồi tạm biệt chú Phú ra về.

Chợt nhớ ra nhìn chú Phú này rất quen, hơn nữa ngay cả cái tên và giọng nói cũng không hề lạ.

Những hình ảnh trong đầu của Ngọc Phương bắt đầu tự sắp xếp lại với nhau.
Giọng nói của vị quan nhân Đặng Phục Thăng như còn văng vẳng trong tai cô:
"-Lão Phú cứ để trà ở đây rồi nghỉ ngơi đi, có lẽ đêm nay ta không thể ngủ."
Cái tên Phú này là cô nghe được khi treo mình nấp trên xà nhà.

Rồi gương mặt nhăn nhúm của lão gia nhân tên Phú hiện ra trước mắt Ngọc Phương khi cô cắt đứt cuống họng và đâm thấu tim của lão.

Chính là gương mặt của ông chú Phú trước mặt mình.

Ngọc Phương đứng sững người nhìn chú Phú.


Cảm giác tang thương phủ kín hết tâm tư, hai chữ "Khốn nạn" của Phục Thăng lúc lao vào mình cô vẫn nhớ như in.

Khoảnh khắc mình gi.ết chết lão gia nhân tên Phú, anh ấy đã nổi điên xông tới như một con thiêu thân hướng thẳng vào ngọn lửa đỏ.

-Sao con lại khóc, mới thử việc thôi mà.

- Chú Phú bối rối hỏi.
Khóc, mình lại rơi nước mắt nữa sao? Ngọc Phương đưa tay lên má, ươn ướt.

Cô dùng ngón tay lau đi hàng lệ trên mắt mình.

Ngọc Phương cười:
-Dạ, do con mừng quá, vì dù sao cũng đã được nhận dù chỉ là thử việc.

Con cảm ơn chú Phú đã cho con cơ hội này.
Nói xong cô cúi chào rồi đi vội ra ngoài, để chú Phú ở lại chưng hửng, ngây người ở giữa văn phòng.

Ông chú gãi đầu gãi tai, ngẫm nghĩ:
-"Con bé này thật lạ lùng, không hiểu nổi."