"Năm 1922
- Đỡ hơn chưa? - Bà ta hỏi chàng.
Chàng gật đầu, song vẫn còn quá yếu để nói ra bằng lời. Lúc bấy giờ, bà ta mới yên tâm ngồi xuống, tiếp tục câu chuyện:
- Ngài bị thương không nhẹ, Tuệ Vương. Một vết thương sát tim, kịch độc chảy trong huyết quản. Ngài có thể chết bất cứ lúc nào, ngài biết không?
- Ta biết. - Chàng đáp cụt lủn.
- Ta có một vài phương thuốc giảm đau, ngài cứ giữ lại mà dùng. - Bà ta đưa hẳn lọ thuốc cho chàng mà chẳng hề do dự một giây nào - Bất cứ khi nào vết thương trở nặng thì có thể dùng một viên, nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.
Nghe đến đây, chàng dần dần hiểu ra vấn đề. Giảm đau, phương thuốc và lạm dụng đều là những cụm từ để chỉ loại thuốc mà chàng đang quan tâm đến, đó là Túc Thảo. Người làng Thiệu có thói quen cất trữ loại thảo mộc này trong nhà, không phải dạng bột thì cũng là viên đan như vừa nãy chàng được dùng. Phải chăng người phụ nữ trước mặt chàng cũng có liên quan đến làng Thiệu, nên mới luôn đem đan Túc Thảo bên mình như một thói quen hàng ngày? Nghĩ vậy, chàng liền quay ra hỏi bà ta:
- Bà... là người... làng Thiệu?
Bà ta chưa kịp trả lời thì ở ngoài cửa, bóng vài ba tên thích khách vụt qua, kéo theo hàng loạt mũi kim nhọn bay đến, xuyên qua cửa sổ, đâm thẳng vào gáy của người phụ nữ. Vì kim đâm thẳng vào tử huyệt mà bà ta chết ngay tại chỗ, không kịp trăng trối một lời nào. Đứa trẻ con bà ta cũng phải chịu cảnh tương tự trong khi chàng thì may mắn hơn, không trúng bất kì một mũi kim độc nào của kẻ thù.
Chàng liều mạng xông ra ngoài, trực tiếp tấn công ba tên áo đen đang rình rập ở phủ. Bọn chúng biết mình đã vào đường cùng liền vung kiếm tự sát, không để cho chàng có cơ hội tiếp cận tìm manh mối.
- Là tử sĩ. - Chàng nhận định.
- Điện hạ... - Xuân Kỳ chạy vội từ thư phòng ra - Xuân Kỳ nghe thấy... tiếng... đánh nhau. - Cô chống tay lên hai đầu gối, thở hồng hộc - Điện hạ... có sao không?
- Ta không sao.
Bấy giờ viên đan đã phát huy tác dụng và Hạc Hiên đang dần dần hồi sức. Chàng sai người lo hậu sự cho người phụ nữ và đứa trẻ, còn mình thì tìm đến nhà của bà ta để thu thập chứng cứ. Hệt như lời kể, chồng người phụ nữ bị mã tấu phanh thây, khuôn mặt bị xẻ nát, ngũ quan không còn nguyên vẹn. Thương tình, chàng lấy tấm vải trắng phủ lên cái xác, thầm cầu nguyện cho linh hồn hắn sớm được siêu thoát.
Sau một hồi rà soát, chàng chẳng tìm được thêm manh mối nào, đành phải thất thểu ra về. Nào ngờ chưa đi được bao xa, một mũi tên bay đến, sượt qua mũi chàng, găm sâu vào tường gỗ. Chàng vừa quay mặt đi, hắc y nhân kia đã biến mất sau những tán cây rậm rạp. Giống như lần trước, hắn không hề muốn gϊếŧ chàng. Kẻ áo đen này chỉ đến để truyền mật báo, giúp chàng điều tra phá án. Và lần này manh mối hắn để lại có nội dung như sau: "Một... Hai... Ba... Bốn - Chột một mắt".
Chàng đọc lại ba lần nhưng nhất thời chưa tìm được quy luật của bảy chữ này đành gạt nó sang một bên, nhanh chóng hồi phủ. Xuân Kỳ, sau một hồi hì hục đã tìm ra được hàm lượng Kinh Sa có trong gói bột kia. Vừa thấy chàng, cô hí hửng chạy đến, vui mừng báo tin:
- Điện hạ, Xuân Kỳ đo...
- Suỵt! - Chàng ra hiệu - Vào phòng rồi nói.
Xuân Kỳ chợt nhớ ra tính bảo mật của công việc mình đang làm, liền theo chủ tử vào thư phòng, cẩn thận đóng cửa lại. Sau rồi, cô mới bảo:
- Dạ, sau khi cân đo đong đếm một hồi thì Xuân Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ rồi ạ. Tuy cả hai loại bột này đều trắng và mịn, nhưng hạt bột Kinh Sa lại to gấp đôi so với Túc Thảo, nên khi chiết xuất một lượng nhỏ hỗn hợp bột thì đã có thể đo được hàm lượng của hai chất. Gói bột ấy, chủ yếu là bột Túc Thảo. Kinh Sa chỉ là thứ được thêm vào, gần như không đáng kể, giống như vô tình bị trộn lẫn vậy ạ.
- Vô tình? - Chàng chau mày.
- Dạ đúng là thế.
Chàng gật đầu, định nói thêm vài câu thì ở bên ngoài, tiếng động lớn đột nhiên vang lên, làm chàng và Xuân Kỳ phải vội vàng chạy ra xem. Hóa ra Ái Châu lại vì bực dọc đám gia nhân trong phủ mà đem hết chén bát ra đập, chẳng chừa lại thứ gì.
- Mở miệng ra là Thanh Ca, các ngươi bệnh hả? Có còn coi ta ra cái gì không?
- Là vì người luôn miệng so sánh mình với Thanh Ca nương nương, sao có thể trách chúng nô tì được ạ? - Một tì nữ vừa mạnh dạn lên tiếng liền bị Ái Châu quẳng mảnh sứ vỡ vào mặt, máu chảy từa lưa.
Xuân Kỳ lo lắng chạy lại, tay thì đỡ tì nữ kia dậy, miệng thì không ngừng phản pháo:
- Ái Châu nương nương, người đừng quá đáng. Điện hạ còn ở đây, sao người có thể...
- Ta làm sao? - Ái Châu trừng mắt, ngắt lời Xuân Kỳ - Có tin ta chặt tay, cắt lưỡi các ngươi không?
- Đủ rồi đấy. - Lúc bấy giờ, chàng mới chịu lên tiếng.
- Đủ? - Ái Châu cười khẩy, đảo mắt nhìn chàng - Này, ta nói cho chàng nghe, chàng tưởng chàng là ai mà dám mắng nhiếc ta? Từ ngày về phủ, chàng nói được bao nhiêu câu tử tế mà bây giờ lên giọng dạy dỗ ta? Vì ta không giống Thanh Ca nên các người mới đối xử tệ bạc với ta như vậy, có đúng không? Chàng nói đi, Hạc Hiên?
Nàng ta chẳng nể nang gì, cứ thế gọi thẳng tên chàng trước mặt bao nhiêu gia nhân trong phủ. Bình thường, việc ấy đối với chàng cũng chẳng đáng để tâm, nhưng vì thái độ của Ái Châu kênh kiệu, nghênh ngang vô cùng, chàng không thể cứ thế cứ để yên cho nàng ta làm loạn. Đợi nàng ta nói xong, chàng liền đáp lại:
- Đúng là cô không giống Thanh Ca nhưng cô nên nhớ, ta chưa từng so sánh cô với nàng và càng không yêu cầu cô phải hành xử giống nàng. Ta đến Lam Thành điều tra án, cô chẳng hề hay biết. Ta đi đâu, làm gì, cô cũng không mấy quan tâm. Cô đừng quên, chính cô đã lựa chọn cuộc sống như vậy, không phải ta hay bọn họ. Ta chỉ cho cô danh phận như cô muốn, nhưng mãi mãi không thể dành cho cô sự yêu quý và tôn trọng như xưa được. Từ nay về sau, xin hãy sống tử tế, đừng khiến bọn họ hay ta phải chán ghét cô thêm nữa.
Chàng đi thì đám đông cũng giải tán, chỉ còn lại Ái Châu đứng bơ vơ giữa sân, muốn giận cũng chẳng được, muốn khóc cũng chẳng xong. Bây giờ, làm gì có ai ở đây để nàng ta trút giận? Và kể cả khi nàng ta bật khóc trong đau khổ thì cũng chẳng có ai rủ lòng thương, an ủi nàng ta. Bởi vì họ đã không còn thiết tha với người Tuệ Vương phi này nữa, mà chỉ muốn nàng ta nhanh chóng rời đi, trả lại cuộc sống yên bình cho cả Tuệ Vương và gia nhân trong phủ.
"Các người được lắm, dám coi thường, nhục mạ ta. Để xem các người đắc ý được bao lâu.", nàng ta toan tính, "Lần này, ta sẽ cho Tuệ Vương và đám gia nhân các người sống không bằng chết".Ái Châu không thay đổi và sẽ mãi mãi là như vậy. Ngày hôm nay, Tuệ Vương công khai dạy dỗ nàng ta trước mặt bao người thì ngày mai, nàng ta sẽ bắt chàng phải quỳ dưới chân, tôn sùng nàng ta như một vị thần. Khi ấy, chàng và đám gia nhân kia có hối cũng chẳng kịp!