"Năm 1922

Thanh Ca vừa bước ra khỏi phòng, những kí ức khi xưa lại ùa về. Nhớ ngày nào, nàng còn bị Khánh Nhã tra tấn ở ngay góc đằng kia. Vậy mà bây giờ, nơi ấy đã là một gốc liễu xanh tốt, xung quanh còn trồng nhiều loại hoa lớn nhỏ khác. "Vết thương nào rồi cũng sẽ lành", nàng nghĩ, giống như nơi từng là ác mộng của nàng, cũng có thể trở thành khu đất màu mỡ để cây hoa đâm chồi nảy lộc. Nàng không còn hận Khánh Nhã vì những chuyện năm xưa, chỉ cảm thấy có lỗi vì đã thế chỗ tân nương của ả. Nàng mong có một ngày, vị tiểu thư đỏng đảnh ấy có thể hiểu một phần nhỏ, và thông cảm cho những gì chàng và nàng đã làm.

- Vương phi, đi thôi. - Đức Khải thì thầm khiến nàng quay trở về thực tại. Nàng dẫn đường, chỉ hắn đến thư phòng.

Kế hoạch điều tra của Thanh Ca và Đức Khải chưa đâu vào đâu thì đã bị phát hiện. Hai tì nữ ở tri huyện đã nhìn thấy và cản họ lại. Sợ bị nghi ngờ, Đức Khải vội bảo:

- Vương phi muốn đi tham quan phủ, nên ta đưa người đi. Không lẽ các người lại muốn trái lệnh của nương nương?

- Bẩm, chúng nô tì không dám. - Một người cuống cuồng xin lỗi - Dương đại nhân dặn, không được để người ngoài vào thư phòng, mong Vương phi thứ lỗi.

- Dạ phải. - Người còn lại đáp - Hơn nữa, người đang mang long thai, những nơi như thế này nên tránh đi thì hơn. Nô tì thấy dưới phố đang có lễ hội, hay là người xuống đó dạo chơi có được không ạ?

- Long thai? - Đức Khải trố mắt nhìn hai tì nữ.

- Phải. - Một trong hai người lên tiếng - Nương nương sắc mặt không được tốt, thường xuyên mệt mỏi. Tất cả đều là biểu hiện của người đang mang thai.

- Hả? - Đức Khải còn chưa hết bàng hoàng thì nàng đã chấn chỉnh lại ngay:

- Ta... không hề mang thai. Chỉ là ta có chút khó chịu trong người nên mới như vậy, mọi người đừng hiểu lầm.

- Chúng nô tì sai rồi, xin nương nương tha lỗi. - Hai người họ nghe xong vội vàng cúi đầu, rối rít xin tha.

Trông họ cũng không có gì ác ý, nên nàng cũng gật đầu cho qua. Tạm thời chưa điều tra thêm được gì, nàng liền nghe theo lời hai tì nữ, rủ Đức Khải xuống phố một chuyến.

Chiều xuống, cả con phố đã lên đèn. Gia đình nào cũng rộn ràng, náo nức. Trẻ con thì thi nhau đùa giỡn, chơi đuổi bắt trốn tìm, người lớn thì tấp nập qua lại, ghé qua các hàng quán hỏi mua đồ, nhộn nhịp chẳng khác nào Tết đầu năm. Hỏi ra mới biết, đây là "Tết Đỏ" - lễ hội đặc trưng của người dân vùng Lam Thành. Đây có lẽ là ngày lễ lớn nhất ở vùng biên cương, chỉ sau Tết Đoàn viên và Nguyên đán. Vậy mà bao năm ở vùng này, nàng chưa từng được chơi lễ Tết Đỏ bao giờ.

- Vương phi, người đi chậm thôi. - Đức Khải đằng sau cứ gọi với, nhưng nàng đã sớm hòa mình vào đám đông, không còn để tâm đến lời hắn nữa. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, nàng và hắn đã lạc mất nhau.

Nàng ghé vào sạp, mua một que kẹo hình con thỏ. Tiểu Thục lúc trước cũng rất hay ăn kẹo, nên nàng mua về ăn thử, coi như xoa dịu nỗi nhớ trong lòng. Nàng lại đi tiếp và rồi dừng lại trước một sạp khác, nơi một người nọ đang khua tay múa chân, dõng dạc tuyên bố với người đi đường:

- Thuở xưa, không ít lần ta được nghe kể về chuyện tình của Trương Tiểu Phàm và Bích Dao yêu nhau suốt đời suốt kiếp, lấy Phệ Huyết Châu và Hợp Hoan Linh làm tín vật định tình. Thế mà chỉ vì ân oán chính tà mà âm dương cách biệt, nay cũng đã ngót nghét một nghìn năm. Tuy hai người đã tương phùng nơi cửu tuyền nhưng Phệ Huyết Châu và Hợp Hoan Linh vẫn cứ trường tồn như mối tình vĩnh cửu Phàm và Dao. Tương truyền rằng, nếu đôi phu thê nào lấy được Phệ Huyết Châu và Hợp Hoan Linh... - Lão lấy ra viên ngọc xanh tựa màu biển đặt lên tay trái, tay còn lại giơ chiếc chuông lên - ... thì sẽ hạnh phúc trăm năm, kế thừa tình yêu không gì sánh bằng của Trương Tiểu Phàm và Bích Dao.

- Chà, hay thật đấy. - Đám đông bắt đầu bàn tán.

- Phải, phải. - Một số người tán thành.

Hóa ra ông ta là quản trò ở đây, mở sạp ném tên để kinh doanh. Vì muốn thu hút nhiều khách qua đường, ông ta đã dùng chuyện tình bi thương của Phàm và Dao để lấy lòng tin của các cặp đôi trẻ, mời họ đến tham gia trò chơi ném tên.

Nàng nghe xong chỉ lắc đầu cười thầm: "Ai đọc qua Tru Tiên mà chẳng biết Phệ Huyết Châu màu đỏ. Chỉ có kẻ ngốc mới tin vào những trò bịp bợm này". Nàng nghĩ vậy nhưng vẫn tình nguyện làm kẻ ngốc một lần. - Cho ta xin một tên! - Nàng lớn giọng.

- Cô nương sao? - Ông quản trò nhìn dáng người nhỏ nhắn của nàng, bật cười ngặt nghẽo - Cô nương nghĩ bản thân có thể ném trúng ống tên sao?

- Sao không? - Nàng tự tin đáp lại trước sự ngỡ ngàng của đám đông - Ta nói, thì ông cứ cho ta một tên.

- Được thôi. - Ông ta đáp, từ tốn cầm mũi tên đưa cho nàng - Có cần ta dạy cách ném tên không?

- Ông đoán xem. Nàng đáp, tay dùng một lực đủ mạnh ném tên vào ngay giữa ống.

Ông ta trợn tròn mắt nhìn nàng, rồi lại quay qua nhìn cái ống. Không ngờ một cô nương trông có vẻ tầm thường như Thanh Ca lại dễ dàng vượt qua thử thách như vậy. Không bằng lòng, ông ta liền sửa luật chơi:

- Cô nương ném trúng đấy, nhưng ta có đến hai báu vật ở đây, phải là hai người cùng ném trúng mới được tính. Nếu muốn lấy phần thưởng, hãy gọi phu quân của cô nương ra đây so tài nhé.

Ông ta đắc ý cười sặc, những vị khách xung quanh nàng cũng bắt đầu xì xào:

- Đúng rồi, phải có hai người.

- Phải, phần thưởng là dành cho cặp đôi kia mà.

Rất nhiều người đồng tình với luật chơi mới này của ông quản trò, và đòi phu quân nàng ra mặt để tiếp tục ném tên. Nàng lúng túng trước đám đông, còn định ra về tay trắng thì từ đằng sau, một giọng nói quen thuộc vang lên khiến nàng sững sờ:

- Chỉ cần ta ném trúng ống tên, thì cả hai báu vật mà ông nói đều thuộc về thê tử của ta, phải không?

Hạc Hiên nhẹ nhàng bước đến, choàng tay qua eo nàng. Chỉ bằng một câu nói, chàng đã xua tan mọi lời dị nghị về Thanh Ca, biến chúng trở thành những tiếng trầm trồ, ngợi khen nàng và cả phu quân của nàng:

- Trông kìa, phu quân cô nương ấy bảnh bao quá. - Các cô nương xung quanh bàn tán.

- Phải, còn rất khí chất nữa. - Một vài người chêm vào.

Ai cũng hào hứng về màn ném tên tiếp theo của chàng, trong khi nàng thì thấp thỏm không nguôi. Nàng lí nhí hỏi:

- Sao... Điện hạ lại ở đây?

- Đức Khải báo ta biết. - Chàng nói, hơi thở phảng phất mùi rượu. Hóa ra, chỉ vì chàng đã ngà ngà say nên mới bất thình lình xuất hiện ở đây. Thế mà nàng còn tưởng, chàng đã hết giận mình rồi. Nàng ghé tai chàng thì thầm:

- Điện hạ say rồi, chúng ta về thôi.

Nhưng không. Chàng không chịu, còn hôn vào má nàng một cái rồi mới đáp:

- Chừng nào chưa lấy được viên ngọc màu xanh kia, ta sẽ không về.

Nàng đỏ bừng mặt, vội vàng lấy tay áp vào hai bên má. Đây có phải là chàng không? Người vừa lơ đẹp nàng vài canh giờ trước bây giờ lại ôm nàng, còn bày tỏ tình cảm trước mặt bao nhiêu người như vậy. Nàng tự véo má, nhắc nhở bản thân không được chìm trong ảo mộng. Nhưng nàng càng khép mình, chàng lại càng khiến nàng phải rung động.

Hạc Hiên đón lấy năm mũi tên từ tay ông quản trò. Không cần nghe hết câu, chàng đã ném năm tên vào ống, không trượt phát nào. Giờ đây, không còn lí do gì để ông ta giữ lại hai báu vật bên mình nữa. Ông ta tiếc nuối đưa chiếc chuông và viên ngọc cho chàng, còn không quên dặn dò:

- Đừng làm mất đấy nhé.

Chàng nhận lấy phần thưởng rồi kéo nàng ra khỏi đám đông. Trên đường trở về phủ, nàng cứ mãi ngắm nghía viên ngọc trong tay. Tuy biết chỉ là giả nhưng trông cũng đẹp và tinh xảo không kém gì đồ thật.

- Nàng không định đặt cho viên ngọc ấy một cái tên sao? - Chàng khẽ hỏi.

- Tên ư? - Nàng ngạc nhiên hỏi lại.

- Phải. Bất cứ tên gì nàng thích.

- Có lẽ, ta sẽ đặt là... - Nàng do dự một hồi - Thanh Bảo chăng?

- Vì sao lại là Thanh Bảo?

- Vì... "Thanh" nghĩa là màu xanh, còn "Bảo" là bảo vật.

- Vậy sao? - Chàng bật cười - Còn chiếc chuông này, nàng đặt tên là gì?

- Hoàng Tuệ. - Nàng đáp không chút do dự - "Hoàng" là vì nó có màu vàng, còn "Tuệ" ở trong "Tuệ Vương". Nếu như không thích, Điện hạ có thể đổi tên khác.

- Không, ta thích lắm. Cái tên đơn giản nhưng cũng thật ý nghĩa. Vậy sau này, ta sẽ giữ chiếc chuông Hoàng Tuệ, nàng sẽ giữ viên ngọc Thanh Bảo, được không? Sau này nếu ai làm mất, sẽ gặp nhiều điều xui xẻo.

- Được. Ta sẽ giữ gìn Thanh bảo thật kĩ. - Nàng khẽ đáp - Ta còn tưởng, Điện hạ vẫn giận ta, chưa muốn nói chuyện. Vậy tại sao lại đến đây?

Chàng gài chiếc chuông vào đai thắt lưng, miệng không đáp. Chàng không muốn trả lời, nàng cũng không ép buộc. Cả hai cứ thế rảo bước trên con phố, im lặng nhìn ngắm cảnh vật xung quanh.

Bầu trời về đêm quang đãng, mát mẻ. Tết Đỏ dần kết thúc và ai lại về nhà nấy, dòng người trở nên thưa thớt hẳn. Không còn tiếng reo hò từ khu phố, nàng càng lúc càng cảm nhận rõ từng nhịp thở đều đặn của chàng. Nghĩ ngợi một hồi, nàng lấy hết can đảm hỏi chàng:

- Điện hạ... chàng có thích ta không?