Đêm trước lễ cưới, Julie thú thực với tôi rằng: “Nghe có vẻ nực cười, nhưng ngần ấy năm, dì cứ canh cánh mãi về việc để cháu đứng lớp thay ở Venice.”

“Dì không hề có ý hai đứa không xứng, chỉ là thường bâng khuâng, phải chăng ngày ấy thay đổi quá nhiều thứ.”

Để tôi ngẫm lại câu trả lời lúc đó, hình như tôi nói là: “Chuyện xảy ra rồi. Nó như một ngày định mệnh trong bất kỳ số mệnh nào mà thôi.”

“Xin dì đừng tự trách mình.”

Đến cùng, đó là lựa chọn của tôi. Giống như mọi vị Meier, tôi không bao giờ hối hận vì quyết định của mình.

Về Giang Miểu, hồi ở Venice tôi đã phát giác ra nhiều điều. Chẳng hạn như, cô không thích hứa hẹn. Lúc ấy không có cơ sở, nhưng bạn biết đấy, đôi khi bạn có thể lờ mờ nhìn ra. Cô ấy làm gì cũng bằng tinh thần như thể ngày mai là tận thế, nói đúng hơn là bất cần. Tôi không nghĩ cô ấy thích trách nhiệm, thế nên tôi hết mình khống chế, châm chước từng lời đáp lại cô, từ câu chữ đến thái độ. Nếu là tin nhắn thì dễ, tôi có đủ thời giờ tập dượt và phán đoán, nhưng giáp mặt thì hết cách. Có những người luôn có sức hấp dẫn trí mạng, theo tôi, đó là khát vọng tự huỷ cực kỳ mâu thuẫn trên người cô. Nó hệt như một mũi tên gắn tại điểm ngoặt, hướng về phải là sự hủy diệt, hướng về trái là sự sống còn. Cô chả có bao nhiêu khát vọng sống, bạn nhìn ra được, nhưng mỗi hành động của cô đều đang nghiêm túc với việc “sống”, như tinh thần nắm chặt vận mệnh trong tay ở《TiêuBản Chim》của Pirandello. Phải nói rằng, sức sống và sự nghiêm túc thật đáng mến, nhưng tôi càng mê đắm sự vùng vẫy của cô.

《标本鸟》:Đây là tựa của một trong 20 mươi truyện trong <Tuyển tập truyện ngắn về tự sát – 自杀的故事> của Luigi Pirandello. Mình chưa tìm thấy bản tiếng Anh hay Việt, chỉ có bản online Trung

Không có lúc nào thư thái và hạnh phúc bằng thời khắc ở cùng cô, đương nhiên, tôi được yêu thương trong khi vẫn là chính mình.

Thậm chí, tôi muốn dùng trải nghiệm mà mỗi người trưởng thành cần có trong đời cho điềm lành tốt cao. Có lẽ, chúng tôi đều xem nó như một mối duyên vụt thoáng, lược đi sự thăm dò dè dặt,  chân thành bày tỏ “Tôi thích” hay “Tôi không thích” giống như thuở ấu thơ. May mắn thay, tôi là phần cô ấy thích. Thời điểm đó, tôi biết mình không nên nghĩ vậy, cách đúng đắn hẳn là làm theo cái câu nghe ngầu ngầu kia —— “Đừng nghiêm túc quá”. Tôi luôn cho rằng mình tự chủ lắm, nhưng hễ ở cạnh cô, tôi lại nghĩ, nhỡ đâu? Nhỡ thành thì sao?

Kết quả là cô đồng ý. Có trời mới biết tôi chưa bao giờ thích kịch bản mình chưa từng xem. Chỉ vì nó tồn tại, cũng cho tôi cái cớ để gặp lại.

Song, cô đã nói lời chia tay tôi theo cách riêng của mình. Tôi không phải ngoại lệ.

Khi bạn bè kể về tôi hồi năm nhất, đều nhận xét rằng đó là năm tôi thiếu sức sống nhất. Tôi dành cả năm trời để chống lại những ảo tượng. Tôi tự hỏi mình, tại sao nhất thiết phải là cô và nghi ngờ rằng, phải chăng hết thảy sự cố chấp bất thường xuất phát từ ý nguyện chưa thành. Năm hai, tôi quay về là mình trong ấn tượng của mọi người. Tôi buộc bản thân bận rộn, bất kể học hành hay xã giao, thỉnh thoảng nhớ về cô lúc lẻ loi. Khoảng thời gian đó, tôi còn hẹn hò vài cô gái. Họ rất tốt, thậm chí tôi còn thành bạn thân với vài người trong số ấy. Không thể phủ nhận cái sướng khi bên họ, nhưng nó đứng độc lập, chỉ tồn tại trong thời khắc vui thú. Xong việc, tôi phải hết sức nỗ lực để không so họ với Giang Miểu. Vô số phân tích tâm lý và bài học dạy cách “Buông” cũng không giúp ích được gì. Tôi nghĩ mình phải gặp cô lần nữa, đặng ngồi xuống phiếm chuyện vẩn vơ, vậy mới thoát ra được. Sự tồn tại của Internet cho phép tôi biết hướng đi của cô. Tôi vạch kế hoạch sự nghiệp, một là nếu có cô, hai là nếu không có cô.

Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được công việc ở Thành phố M như mình hằng mong, và mất ba tháng để sắp xếp lại cảm xúc. Dàn xếp cuộc gặp với cô chẳng mấy khó, thông qua phòng trưng bày, tôi tìm được cách liên lạc. Sự đề phòng khi gặp gỡ làm tôi lo lắng liệu chăng cô ghét mình. Định ngày xong, tôi sửa sang lại rất nhiều câu hỏi, thế mà mãi đến khi người trung gian đi rồi tôi vẫn chưa nghĩ ra cách mào đầu. Chắc là cô phản cảm lắm, lì lợm la liếm vậy mà.

Diễn biến tiếp theo nằm ngoài dự kiến. Tôi không ngờ cô ấy nhớ những lời lấp vấp khi van xin. Phản ứng của tôi nằm ngoài tầm khống chế, tôi chỉ biểu hiện theo theo suy nghĩ nội tại. Chuyện thế này cô đã làm với bao nhiêu người?Lại thất bại nữa ư? Bằng vào lý trí ít ỏi sót lại, tôi mới khống chế không hôn cô, tay véo chặt tờ giấy ghi số điện thoại. Nhớ đến uất ức hồi năm nhất, tôi phỉ nhổ bản thân sau khi tạm biệt. Sự chân thành trong lời cô khiến tôi bối rối. Tôi tự vấn, rốt cuộc mình muốn gì? Đây chẳng phải là điều mình hằng mong ư, còn tốt hơn bất kì tình huống nào từng dự đoán kia mà. Thành ra tôi nghĩ, thây kệ. Tôi chuẩn bị tâm thế bị vứt bỏ lần nữa, và sống một cuộc đời không có ngày mai với cô.

Sự thật chứng minh, kế hoạch thứ hai cho cuộc đời “sẽ ra sao nếu không có cô lần nữa” bất thành. Tôi bỏ nó vào máy nghiền giấy của công ty vào một năm sau. Giang Miểu hết mực thẳng thắn trưng ra mọi khía cạnh của cô ấy cho tôi xem. Hóa ra cô ấy gần như vô hồn khi ở một mình, có lẽ đây là uy hiếp, nhưng tôi xem nó là lợi thế. Chúng tôi như hai cá thể trần trụi, dần dần hiện nguyên hình với nhau. Khi sẵn lòng, cô luôn ân cần săn sóc người khác, tương thích hơn mấy lời đám bạn hay nhắc. Trong cuộc sống, chúng tôi hoà hợp hết đỗi tự nhiên, như nối tiếp tháng ngày tại Venice vậy.

Giang Miểu hiếm khi nhắc đến cha mẹ, tôi cũng ít chủ động hỏi những điều cô không muốn nói. Huống hồ cô đã tìm ra điểm cân bằng. Dẫu Giang Miểu không ưa dựa dẫm vào tôi, nhưng sống chung lâu rồi, cô cũng nơi lỏng phòng ngự. Thật ra, tôi thích nhất lúc cô ấy sinh bệnh. Khi ấy, cô dễ dàng bộc lộ yếu mềm. Cô sẽ bày tỏ nỗi sợ và nhung nhớ trực tiếp hơn thường lệ, mà tôi thì thèm muốn cảm giác khát cầu ấy, nó nặng hơn cả tình dục.

Kết hôn diễn ra nhanh hơn tôi nghĩ, thậm chí ngoài ý muốn, tựa như một kế hoạch đột ngột nhưng tự nhiên ập vào đời. Theo sự nhận thức về cô ngày một nhiều, thì việc bỏ qua lễ cưới, không lấy giấy đăng ký hay DINK (1) này nọ đều thành việc trong dự kiến. Kể từ sau khi tái hợp, tôi thường thấy cô nhượng bộ, ví như làm hàng loạt việc mà trước đây cô không thể, nhưng tôi vẫn sợ có ngày tỉnh dậy, thình lình cô nói: “Xin lỗi, Edwin, em vẫn không làm được”. Dù chúng tôi đã tham khảo chuyện Beauvoir vàSartre (2) để chuẩn bị sống chung, tôi vẫn hoài bất an cho đến giây phút trao nhẫn cưới. Sự ra đời Giang Quân nằm ngoài kế hoạch – vốn phải năm năm nữa. Khi nhận báo cáo, tôi vừa mừng vừa sầu, vì cứ ngỡ cô không muốn đứa nhỏ này. Cô nhìn ra nhưng làm thinh. Hôm sau, cô ném cho tôi một danh sách đọc và mua sắm dài ngoằn. Tới khi tôi vào phòng vẽ, cô ấy đang gọi điện với bà Thành, bâng quơ thông báo kết quả kiểm tra.

(1) DINK: Double income, no kids – lối sống thu nhập nhân đôi và không con cái.

(2) Jean-Paul Sartre và Simnone de Beauvoir. Đọc về chuyện họ tại đây

Tôi trông mong sự ra đời của Giang Quân hơn ai hết. Càng cận ngày cô lâm bồn, tôi mơ thấy cô gặp bất trắc hàng đêm, dù biết rõ y học hiện đại vô cùng tiên tiến. Tôi biết tiền sử bệnh của cô, dù đã lật mòn sách báo và chuẩn bị tinh thần, tôi vẫn hốt hoảng mỗi khi mơ thấy cô rơi khỏi cửa sổ. Tôi bắt đầu mất ngủ cả ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng Giang Miêu phải an ủi tôi. Lâu lâu Giang Miểu lay tỉnh, do nhiều lần tôi khóc mớ. Cuối cùng chịu đựng tới ngày Giang Quân sinh ra. Trong máy tính xách tay và túi xách của tôi luôn luôn có tài liệu nuôi dạy trẻ. Ai gặp tôi cũng sẽ thốt “Chúc mừng”. Cô ấy thì đúng thảnh thơi, vứt cho câu “Ai để ý thì người đó nhọc lòng”, lập tức khôi phục nhịp sống cũ. Song, có hôm đi tiểu đêm, tôi phát hiện cô đang ngồi xổm trước nôi dò hô hấp của Giang Quân. Bà Thành và cô không hổ là mẹ con. Miệng nói ai sinh người đó chăm, nhưng từ khi Giang Quân sinh ra, bà đã bắt đầu lo toan tương lai nó, sắp xếp chu toàn từng việc một, những thứ Giang Miểu từ chối nhận đều bị bà nhét vào dưới danh nghĩa Giang Quân. Lúc Giang Quân một tuổi, xét đến việc con chạy nhảy, chúng tôi chuyển đến khu biệt thự có mảng xanh, bổ sung nhiều thiết kế cho trẻ em, Giang Miểu còn lưu ý đặt thêm đồ nội thất cho bé con. Giang Miểu và tôi đều bận, khi hai người chăm không xuể sẽ mời vú em thường trú. Bà Thành chọn một người trông nom riêng Giang Quân, một người phụ trách quét tước và nấu nướng. Điều khiến tôi khó chịu là Giang Miểu có triệu chứng tiểu mất kiểm soát sau khi mang thai. Hồi đầu cô ấy không để tôi hay, cô cầu tôi ra ngoài như nhân vật Ann trong《Amour》. Ban ngày, cô tập Kegel theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tôi không đề cập, cô còn định chọn ngày làm phẫu thuật. Theo sau, tôi đi buộc ga-rô. Đây là quyết định rút ra từ cuộc trao đổi giữa chúng tôi.

Tai nạn xe hơi đúng là tai bay vạ gió. Hơn hết thảy, tôi đau lòng vợ con. Có lẽ bất giác bị Giang Miểu tác động, hai mươi mấy năm đầu đời trôi qua quá ư suôn sẻ khiến tôi yên lòng với cuộc sống nay mai như thể mình đã thanh toán sòng phẳng. Chuyện xảy đến bất thình lình, tôi cố nhớ những lời cuối mình nói với Giang Miểu hôm nay, tôi có ôm cô ấy không? Mai sau tôi nhất định phải nói với cô mỗi lần trước khi rời đi rằng, thậtmay mắn biết bao khi được bên em thêm một ngày.

Trước khi mất ý thức, sự không cam lòng át cả cảm giác “sắp chết”. Sao cam tâm được, trong khi anh chưa ở bên Giang Miểu đủ ngày đủ tháng. Trước khi tỉnh, vô số đầu thơ anh trích dẫn và sao chép cho Giang Miểu mùa hè năm ấy liên tục khuếch đại bên tai. Đột nhiên, anh nghe thấy tiếng nói chuyện của Giang Miểu, mất lâu sau anh mới rõ nội dung, tầm xàm ba láp y chang ngày xưa. Nhớ đến trải nghiệm bị sóng đánh xuống nước hồi trẻ, anh dồn hết sức lực để lội ngược dòng. Sắp tới rồi, cảnh sắc bập bềnh trôi trên kia.

“Tôi phải

băng qua Hệ Mặt Trời,

trước khi tìm ra sợi chỉ đầu tiên trên chiếc váy đỏ.

Tôi có dự cảm,

tim tôi giắt đâu đó trong vũ trụ,

lửa toé ra từ đó, chấn động thinh không,

lao đến những mảnh hoang đàng khác.”

Nguyên tác 〈On Foot I Had to Cross the Solar System〉 – Edith Sodergran

On foot

I had to cross the solar system

before I found the first thread of my red dress.

I sense myself already.

Somewhere in space hangs my heart,

shaking in the void, from it stream sparks

into other intemperate hearts.  

End.