Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 42: Tìm thầy cho con

- Trò giỏi lắm, dám đứng ra bảo vệ em trai mình, nhưng mà bạo lực là không nên đâu. Còn nhóc con, sao dám đánh người ta như thế chứ?- Thầy Thắng nhìn hai đứa nhóc họ Hoàng với ánh mắt nghiêm túc mà hỏi chuyện.

- Vì bọn nó đã làm sai mà còn định đánh trọng tài chứ sao ạ.

- Nhóc người bé một mẩu, không có anh trai nhóc tới, rồi thì ta can thiệp, liệu có chống lại được người ta không?

- Thầy chưa thấy kết quả, làm sao biết được hay vậy!

- Vậy nhóc đánh được thật hả? Nghe Kiệt trả lời, thầy đồ Thắng khá kinh ngạc, thằng nhóc này đối đáp cứng cỏi lắm. Nhưng sự thật không phải chỉ cần nói cứng là được, hai anh em Minh không chống lại được bọn nhóc kia là sự thật, và ông muốn xem nó có cố chấp tới mức nào

- Kiệt, không được vô lễ.- Minh vội ngăn Kiệt nói lời cùn.- Chẳng lẽ em tự tin một mình chấp hết hay sao?

- Dạ! Cảm ơn thầy nhiều.- Sau một thoáng im lặng, Kiệt đã cúi đầu xuống chân và nói lời cảm ơn. Thực sự là Kiệt không chỉ do nghe anh mình nói mà xuống nước, cậu thừa biết trận vừa rồi nếu chỉ có hai anh em định đấu cứng là không xong, dù thắng cũng thắng thảm thôi. Cho dù Kiệt từng học võ với mấy anh bộ đội và đến đây rồi thì ngày nào cũng tập lại, nhưng cậu mới 8 tuổi, không thể nào phát huy hết những tinh túy của võ thuật ra được. Mà dù có là người giỏi võ tới đâu, một đánh bảy hay tám người cũng là không thể.

Thấy cậu nhóc tên Kiệt kia đã nhận lỗi rồi, Thắng cũng không nói gì thêm. Hơn nữa, thằng bé đó không phải học trò của Thắng, ông không thể phạt được nó, mà nhìn cách nói năng lẫn việc nó sẵn sàng chơi sòng phẳng để bảo vệ luật nó đưa ra dù chỉ có một mình, thầy đồ Thắng tin là nói không thì không ăn thua.

- Trò Minh, em trai trò đi học chưa vậy?

- Dạ thưa thầy, cái này... à thì... à!- Minh thật sự hơi không biết nên trả lời ra sao. Cậu có nên nói với thầy đồ rằng: “Thưa thầy, em trai con nói là là một kẻ chuyển sinh từ cõi khác và nhớ tất cả kiến thức cần rồi, nên nó không học nữa. Hơn nữa, nó còn là thầy của cả làng.”. Đừng nói tới việc nói ra, nghĩ tới thôi cũng làm Minh thấy khó xử vô cùng luôn.

- Em không có đi học, nhà nghèo quá mà. Phải kiếm tiền nuôi anh Minh ăn học nữa chứ.- Kiệt đáp lời hộ anh trai mình.

Nghe Kiệt nói, thầy đồ Thắng ngạc nhiên, ông ta không nghĩ rằng gia đình của Minh lại chỉ đù tiền cho cậu ta đi học, vì muốn vào được trường học cần phải có tiền đút lót, những gia đình nào đã đủ tiền đút lót thì phải đảm bảo bản thân họ lo lắng tiền bạc. Ấy vậy mà nhà của cậu bé này chỉ đủ tiền để một đứa đi học, những đứa khác phải đi làm để nuôi đứa đi học, mà vẫn dám làm thế thì thật lạ lùng. Thầy đồ Thắng thật sự muốn biết lý do sau hành động này là gì.

Minh nghe Kiệt nói như vậy thì suýt sặc nước bọt, nhưng rồi cậu ta cũng không biết nên giải thích sao nữa. Đúng là nhà cậu chỉ đủ khả năng chi một mình cậu đi học, vì Kiệt thì không thích học đạo Nho mà kiến thức nó có thì quá nhiều luôn, Tài thì còn bé quá, con của các chú của Kiệt thì khỏi nói, bọn nó quan tâm tới thứ Kiệt dạy hơn. Và quan trọng nhất, đúng là tiền Minh dùng để đi học là nhờ việc Kiệt lao động mà ra.

- Thế sao nhà em lại cho anh Minh đi học?- Thầy đồ Thắng hỏi thêm để xem tại sao nhà nghèo thế mà vẫn cố cho Minh đi học.

- Thì tại chuyện xảy ra khi trước đó!- Kiệt thản nhiên kể lại câu chuyện bị Trần Cường làm hỏng đồ rồi, rồi thì bố Cường là Trần Hùng tới làm tình làm tội và đi tới kết luận- Nhà em không muốn sau này dù có làm đúng cũng phải chịu thua người ta. Đó quả thực là một điều hi sinh của anh trai em.

- Vậy ư? Thế nếu lần đó trò được Trần Cường bồi thường tại đó hoặc khi mà người ta không có dám tới làm phiền nhà trò buôn bán, thì trò Minh không phải đi học đúng không- Thầy đồ Thắng nghe lý do mà Kiệt nói thì liền thấy hơi bực. Nói như Kiệt thì việc Minh đi học chữ thánh hiền chẳng hóa ra là sự thiệt thòi.

- Nói thế thì cũng không hẳn, vì anh trai con thực sự thích học lắm! Nhà con nghèo tới mức không thể đi học ở làng, thế mà anh ấy lên đây học cũng đâu bỡ ngỡ vì không biết mặt chữ là thầy phải biết anh ấy học tốt thế nào.

- Thật sao!- Thắng nhíu mày hỏi

- Ồ, thầy không tin hả, mấy thức thầy dạy cho anh con, chỉ có trò lễ nghi gì đó là anh ấy chưa nắm bắt được hết, chứ chữ nghĩa anh ấy biết hầu hết rồi. Thầy không tin thì có thể kiếm tra.

Càng nghe, ông thầy càng thấy vô lý. Thế là ông ấy lập tức kiểm tra ngay Minh. Và rồi thầy đồ phải kinh ngạc nhận ra rằng, dù khi viết chữ, thứ tự các nét khi viết không hoàn toàn chuẩn xác, nhưng số chữ cậu nhóc biết thật sự quá nhiều, và số chữ này gần đủ để đi thi cấp huyện luôn rồi.

- Minh, ai dạy con chữ vậy.

- Dạ, là mẹ của con dạy!- Minh cũng thực lòng kể ra.

- Sao mẹ của con biết nhiều chữ vậy!

- Vì bà ấy là con nhà có học đó!- Kiệt chen mồm vào.- Chuyện của mẹ con thì dài lắm, thầy muốn nghe không.

Quả thực, những gì Minh làm được là hơi bất thường với một đứa bé nông thôn, và nếu như mẹ của cậu bé thực sự dạy con mình hầu hết thì rõ ràng bà ấy không thể chỉ là người vợ một anh nông dân. Con người thực sự luôn có tính tò mò, và Thắng cũng không ngoại lệ. Nhưng ông cũng khắc chế bản thân mình lại, và lắc đầu.

- Kiệt, tùy tiện kể chuyện của người ta mà không xin ý kiến họ là vô ý vô tứ đã đành, em lại đem cả chuyện của mẹ ra nữa. Đó là vô lễ đấy.- Minh nghiêm mặt nhắc nhở.

- Thì em sẽ về xin ý kiến mẹ, nếu mẹ cho thì em sẽ kể!- Kiệt gật gù. Thời Kiệt sống thì chuyện của mẹ cậu không quá to tát, nhưng ở thời này thì nó khác, xin ý kiến việc này là phải.

- Nếu mẹ trò không phiền, ta rất sẵn lòng nghe.- Thầy đồ Thắng nghe Kiệt nói.

Kiệt về báo cho người nhà biết việc cả hai đứa sẽ tới nhà thầy đồ Thắng ăn cơm, nhân tiện cậu cũng hỏi ý kiến liệu mẹ có cho phép mình kể câu chuyện về cuộc đời của bà không. Văn Nguyệt Nga cũng hơi do dự khi con trai định đem chuyện của mình ra công khai.

- Con có ý định gì?

- Con nghe qua về ông thầy Thắng, ông là một kẻ có học thức, có sĩ khí, việc học hành thì tốt mà đường hoạn lộ thì chông gai vì thiếu tiền, thế nên hoàn cảnh của anh Minh có lẽ sẽ khiến ông ấy động lòng và muốn giúp đỡ chăng?

- Vậy là con cũng không chắc ư?

- Trên đời thứ khó nắm bắt nhất là lòng người mẹ ạ.

- Vậy chỉ vì một khả năng, con muốn mẹ mất mặt.

- Mẹ mất mặt vì điều gì ạ?- Kiệt hỏi lại.- Ngày xưa tại sao mẹ không chịu tuẫn tiết theo chồng cũ, lại sẵn sàng theo bố con về nhà nội. Là vì mẹ nghĩ tới anh Minh cần được sinh ra đúng không. Vậy đó đâu phải lăng loàn, đó là tình mẫu tử thiêng liêng. Hơn nữa mẹ làm thế còn giúp chồng cũ của mẹ còn được đứa con, vậy là còn hơn cả tiết liệt. Còn bây giờ anh Anh Minh đang có một người thầy có thể giúp anh ấy rất nhiều trên đường học vấn. Nếu đó đúng là một người thầy đáng kính, mẹ có kể cho người ấy cũng không sao. Ngược lại, nếu người ấy không tốt, có thái độ là ta biết để anh Minh không vướng vào mà rắc rối về sau.

- Con nói đúng! Mẹ có gì mà phải xấu hổ chứ!

- Nếu vậy, mẹ tới cùng con đi.

- Sao cơ!

- Con thấy thầy ấy đang mua thịt về nấu ăn, mà người hay nói đạo lý nhà Nho như thầy ấy chắc chắn không giỏi nấu ăn, nên chắc phải có vợ. Mẹ cũng làm quen với vợ thầy xem sao! Càng thân quen thì càng giúp được anh Minh. Lần trước mẹ có thể nịnh bợ một người phụ nữ tầm thường hẹp hòi, giờ sao lại không thể làm thân với vợ một thầy đồ.

Nghe lời Kiệt, mẹ cậu tới nhà thầy đồ Thắng. Lúc này, một người phụ nữ rảo bước ra, trông bà ấy không có gì quá đặc biệt cả, giống như một người phụ nữ làm nông. Tuy vậy, mẹ Kiệt vẫn rất cẩn thận hỏi thăm. Thời đại này, một anh sĩ tử nghèo muốn đi ăn học cần tiền trợ cấp rất nhiều, và người làm ra số tiền này thường là vợ họ. Để có tiền cho chồng mình ăn học, những người vợ phải đi làm lụng vất vả đủ mọi nghề, nên trông họ sẽ như những người phụ nữ lao động. Quả nhiên, người phụ nữ ấy chính là vợ của thầy đồ Thắng. Bà ấy có cái tên cũng tầm thường, Vũ Thị Mè.

Biết người tới là mẹ của học sinh Minh, cô Mè cũng tỏ ra vui vẻ tiếp đón. Nhìn thấy mẹ Kiệt còn mang cả đồ ăn tới, cô ta nói khách sáo từ chối, nhưng khi mẹ cậu đẩy cho hai ba lần thì cũng chịu nhận. Thời đại này, một ông thầy đồ kiếm tiền khó khăn hơn các thầy cô ở thế giới của Kiệt nhiều, nên chỉ cần không phải là dùng tiền mua điểm thì việc nhận quà cũng không từ chối nhiều.

Vào trong nhà rồi, Kiệt và mẹ đã thấy Minh cũng thầy đồ Thắng đang ngồi bàn kinh luận sử hết sức sôi nổi. Hóa ra từ khi tới đây, Hoàng Anh Minh đã được thầy Thắng kiểm tra nhiều thứ, và sự thông hiểu của Minh là thứ khiến ông thầy càng thêm tò mò về mẹ của cậu bé.

Thấy Kiệt và mẹ tới, thầy đồ Thắng chào hỏi, khen ngợi Minh và khen luôn cả Văn Nguyệt Nga khi có thể dạy con giỏi như vậy. Sẵn chuyện mẹ được khen, Kiệt kể ra chuyện của bà. Câu chuyện ly kỳ, khúc triết và đặc biệt là qua lời kể của Kiệt khiến thầy đồ Thắng thương cảm, vợ ông thì rơm rớm nước mắt. Cùng là phận đàn bà với nhau cả, họ dễ đồng cảm. Buổi trò chuyện kết thúc, mẹ con Kiệt ra về. Thầy đồ Thắng thì trâm ngâm suốt bữa cơm hôm ấy.

- Ông nó đang nghĩ gì vậy!- Vợ thầy hỏi.

- Tôi nghĩ tới chuyện thằng nhóc Minh.

- Ông định giúp nó hả?

- Đúng, tôi thấy nó là một hi vọng lớn cho người mẹ đáng thương của nó. Cô ấy là con nhà có học mà giờ lại thành thế này, nếu thằng Minh đỗ đạt thì cuộc sống của cô ấy mới khá lên được. Nhưng tôi chưa biết nên giúp kiểu gì?

- Tôi không có biết chuyện nhà Nho các ông, nhưng tôi thấy thằng Minh học giỏi, tốt tính, việc nó thành danh chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Song sớm được ngày nào, thì cô Nga đỡ khổ ngày ấy. LÀ con nhà văn nhã mà phải đi bán buôn, chắc cũng không dễ chịu gì!

Bữa cơm kết thúc mà thầy đồ Thắng nặng lòng. Đêm hôm đó, ông trằn trọc nhiều, tới gần sáng mới ngủ được. Nhưng cũng nhờ thế, ông đã nghĩ ra cách để giúp thằng Minh.