Quyển I: Khởi nghĩa Hồng Bàng

Chương 18: Thu nạp thêm học trò

Hoàng Anh Kiệt vừa cào xong một luống đất mới để nuôi giun, cậu thả vào đó một phần sinh khối- tức là một phần đất nuôi giun, trong đó chứa đầy đủ giun trưởng thành, giun bé, trứng giun. Đây là cách phát triển đàn giun: khi đàn giun ở khu nuôi cũ đã phát triển tới giới hạn nhất định, phải mở rộng nơi ở hoặc đưa một phần giun sang nơi khác sinh sống, có như thế chúng mới có không gian để tiếp tục phát triển đàn. Đang hì hục làm nốt mấy bãi cuối, thì thấy Đào Văn Lộc chạy như ma đuổi tới.

- Anh Kiệt, không xong rồi!

- Chuyện gì!

- Bọn thằng Bắc gây họa rồi.

- Họa gì?

- Nó và đám trẻ cùng làm đang chuẩn bị gây lộn.

- Thế đám còn lại cũng ở đấy hết hả?

- Bên mình ra hết, cộng thêm mấy đứa cùng họ với chị Linh, tổng cộng là trên 30 đứa chuẩn bị đánh lộn.

- Ở đâu?

- Ngoài bìa làng. Gần ngã ba có cây đa cổ thụ…

Trong khi chạy hết tốc lực ra ngoài làng để xem có thể hỗ trợ gì không, Kiệt không có thời gian để hỏi han nguyên nhân vụ việc, và khi tới nơi thì trận đánh lộn đã diễn ra. Kiệt không phải kẻ không phân biệt phải trái, hơn nữa còn là người trưởng thành rồi mà, nên thay vì lao vào can ngăn, cậu ngồi xuống xem trận đánh diễn ra, đồng thời cũng chỉ điểm cho bọn nhóc bên mình nên đánh thế nào. Ra tới nơi, đã thấy hai bên đang đứng nhìn nhau, thằng nào mặt cũng đỏ gay như gà chọi, chỉ đợi tới giờ chiến. Đứng ngoài quan sát là một đám nhóc, trong đó chỉ có Thùy Linh, Anh Minh. Đám đồng môn của Khang và Bắc: thì đang đứng ở đúng hàng ngũ với Bắc và Khang.

Trận chiến nhỏ này diễn ra cũng lâu, tới khi cả bọn mặt mũi thâm tím, đứa thì vêu cả mồm, đứa bầm mắt,… Kiệt mới phủi đít đứng dậy và hỏi chuyện. Hóa ra mọi việc cũng phần nào bắ nguồn từ cậu.

Sau khi được Hoàng Anh Kiệt dạy dỗ, bọn thằng Bắc, Khang có chút học thức hơn người cùng tuổi thực, nên bắt đầu có ý nghĩ kiêu căng. Bọn nó nghĩ có chút tài sao không đem ra lòe người lây tiếng. Vậy là bọn nó chọn những câu nào tương đối đơn giản đem ra hỏi bọn trẻ khác trong làng. Quả nhiên, bọn này không trả lời được. Thế là Bắc và Khang liền chế nhạo bọn nó, sau đó mới dùng toán học của Kiệt để giải.

Thế nhưng, vấn đề chính là cách giải của Kiệt thì bọn nào phải học qua mới hiểu được, nên bọn nhóc này không thể hiểu, thế là chúng nó cho là Bắc và Khang đang trêu bọn nó, định tẩn hai thằng này một trận. Bắc và Khang thì không ngu, ừ thì đúng là bọn nó nghĩ ra trò này mà không nghĩ tới việc bản thân vốn chả có chút khả năng làm thầy giáo dạy dỗ người ta, khiến người ta phải nhận ra đúng sai thì đúng là ngu rồi, nhưng bọn này cũng biết kích cho bọn kia chấp nhận chơi công bằng một chút, gọi hết hội ra choảng nhau. Hội mà Bắc và Khang kêu là toàn bộ những đứa có họ với bọn nó, nhiều nhất là họ Đào.

Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, Kiệt tặc lưỡi, thôi thì cũng coi như liên quan tới mình. Nghe lại mấy bài toán mà bọn Bắc, Khang đem ra đố cùng lời giải bọn nó viết ra xong, Kiệt bắt đầu đi nhặt vài cái que, sau đó lần lượt thế hiện lại bài toán qua những que tính, đồng thời tìm những ngôn từ dễ nhất để giải thích, thậm chí có những câu nói nghe như thằng thiểu năng, Kiệt vẫn phải nói. Giải thích một hồi, bọn kia cũng phải chấp nhận, bởi vì điều mà Kiệt nói không sai, lại dễ hiểu. Ân oán một hồi được tạm giải quyết, hai bên ra về.

Cứ nghĩ mọi việc sẽ chấm dứt ở đây, không ngờ rằng hôm sau, thằng nhóc cầm đầu đám tẩn nhau với Bắc và Khang tới, nói là muốn xin đi học.

- Tại sao chú mày muốn đi học?

- Hôm qua tao thua bọn thằng Khang, thằng Bắc, tao không phục không phải vì cùn mà vì cách bọn nó giải tao không hiểu được. Nhưng khi mày tới và trình bày cách giải, tao hoàn toàn hiểu. Đáp án mày đưa ra trùng với đáp án bọn nó nói và cũng là đáp án tao thấy rất chuẩn, chứng tỏ cách làm mà bọn Khang, Bắc nói là đúng. Nhưng tao vẫn không hiểu, nên tao tới đây xin học.

- Thú vị, chú mày tên gì?

- Tuần, Đỗ Bá Tuần.

- Con cháu nhà họ Đỗ.

- Đúng vậy.

Nghe xong họ thằng nhóc, cộng thêm sự xác nhận của nó, Kiệt đã hiểu tại sao thằng này muốn đến học. Họ Đỗ từ khi lập làng vốn là dân buôn bán, trước đây còn là đầu mối buôn bán chính cho dâng làng. Chỉ từ khi mà Hồng Bàng chính thức quay lại với sự cai trị của Đại Hoa, vài trò này mới giảm bớt, thế rồi dân di cư tới tuy không nhiều song cũng có nhiều kẻ biết buôn bán, họ Đỗ dần xuống dốc. Tuy vậy, cái khả năng tính toán của một họ có truyền thống buôn bán vẫn còn được truyền dạy cho con cháu, Đỗ Bá Tuần hẳn cũng học được ít nhiều, nên khi thua mà không hiểu rõ thì không chịu phục, và khi nghe về phương pháp tính toán của Kiệt thì muốn học. Ai chứ dân buôn thì họ chỉ mong có cách tính toán tốt để tránh bị thiệt.

- Chú mày nghĩ cũng đơn giản quá đấy. Tại sao anh phải dạy chú nhỉ?

- Tao có thể đóng tiền học.

- Bao nhiêu!

- 5 xu một tháng.

- Hơi ít, hơn nữa một tháng mày học được bao nhiêu buổi.

- Ngày nào cũng học.

- Vậy thì khó cho tao rồi, tao có nhiều việc cần làm lắm, hơn nữa bọn bạn tao cũng chiếm dụng nhiều thời gian lắm rồi.

- Tất cả những thằng đi cùng tao sẽ tới đó học, giá mỗi thằng là 5 xu một tháng

- Chà, 15 thằng, không ít tiền. Nhà mày giàu tới thế ư?

- Nhận hay không nhận.

- Không nhận tiền, tao muốn đổi lại bằng sức lao động.

- Sức lao động.

- Tao có việc cần làm, cần nhiều người làm cùng, nên nếu bọn mày chịu tới giúp, tao sẽ suy nghĩ về việc dạy.

- Làm mấy công việc mà mày vẫn làm đó ư: đào mấy mảnh đất, trộn mấy thứ rau cỏ, …

- Nuôi giun đó.

- Nuôi giun à. Tao sẽ làm, đổi lại mày phải dạy hết mọi thứ, ngày nào tao còn tới làm ngày đấy mày còn phải dạy.

- OK. Nhưng tao nói trước, muốn học được, bọn mày phải học từ cơ bản, không có lối tắt nào hết nhé.

- Gà đen là gì?

- Hả? Ô kê ấy! ( Ô là đen, kê là con gà – từ Hán Việt)

- Không có gì, quên đi.

Kiệt nhìn thằng nhóc họ Đỗ quay đi, thầm đoán giờ này hẳn nó đang cười sung sướng vì cho cậu ta một vố lớn. Bọn nhóc nhà họ Đỗ nhìn qua là thấy có chút ít kiến thức từ đầu, chứ không như bọn họ Đào hay mấy nhà trong làng. Cũng phải thôi, con nhà buôn bán sớm tiếp xúc với việc đời, thông thạo mấy con chữ cũng là thường. Nhưng Kiệt cũng không ngại. Ai cũng có cơ hội tiếp xúc với kiến thức thì Kiệt mới có đội ngũ công nhân tay nghề cao chứ. Những kẻ ngu dốt chỉ biết làm trâu làm ngựa không phải là những người mà Kiệt cần.

Hơn nữa, Kiệt cũng nghĩ tới một vấn đề, đó là cạnh tranh. Đám nhóc bạn Kiệt hiện tại đang dần học chậm lại, thậm chí mẹ Kiệt và anh trai Anh Minh cũng dần tỏ ra lơ đãng, nghiêm trọng nhất là Nguyễn Quảng đang muốn bỏ học để về làm đồng tại những tiết học mà theo nó là không quan trọng. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng theo Kiệt thì có lẽ là vì họ đang không quý trọng những kiến thức cậu truyền thụ lúc này. Đặc ân được ban phát quá nhiều, sẽ làm người ta coi đó là đương nhiên, và thứ đương nhiên nhận được thì thực sự không đáng quý. Nhưng nếu thứ đó bị nhiều kẻ cùng chia sẻ thì sao. Trong thế giới mà Kiệt sống, càng là những ngôi trường mà tỉ lệ chọi cao, thì kẻ muốn vào càng thêm đông đảo, không phải là vậy sao.

Ngay từ ngày hôm sau, bọn thằng Tuần đã có mặt, khiến cho bọn nhóc họ Đào ngạc nhiên lắm, đặc biệt là khi biết về thỏa thuận của bọn nó với Kiệt. Mấy đứa có hiềm khích lúc trước bắt đầu có thái độ không hay, khiêu khích lẫn nhau, nhưng tựu chung cũng không có gì quá khích, vì Kiệt đã tới và lập uy, yêu cầu bọn nó trật tự. Bọn thằng Khang lùi ngay, đám họ Đỗ thì hơi vênh mặt lên với Kiệt, và sau đó được tiếp đãi một chầu võ thuật kinh điển. Mỗi thằng chỉ một cái gạt tay, bẻ khớp là quỳ ngay tắp lự. Còn nếu dám đánh hội đồng- may cho bọn này là chúng nó không làm trò đó, chứ không Kiệt chỉ cần làm mỗi thằng trật khớp, cho chúng nó bó bột vài tháng cho hết máu láo lếu liền.

Nằm lăn lộn dưới đất đủ lâu để máu hết nóng, khiến bọn nhóc tỉnh táo để hiểu Kiệt không trêu nổi. Bài học bắt đầu với bọn nhóc này trước tiên, Kiệt dạy lại y như những gì cậu dạy bọn bạn. Và bọn nó cũng học ngu y như đám bạn của Kiệt lúc trước. May cho bọn nó là đã có đám chuột bạch lúc trước nên Kiệt tìm ra được phương pháp dạy dỗ đúng đắn: trước tiên là Bài Ca Con Chữ dành cho đám mù chữ, tiếp đó dạy đánh vần, dạy viết từ đơn giản, từ từ tăng độ khó lên thành câu, thành đoạn văn, thành bài văn. Còn với toán, việc dạy dễ hơn, do bọn này tư duy về toán học tốt, nền tảng tính toán vốn có sẵn, nên với việc đưa ra một phương pháp giúp tính toán trở nên nhanh nhẹn hơn càng làm bọn nó thấy khoái. Mà trong học tập, càng thấy học tập thú vị bao nhiêu thì kết quả sẽ càng khả quan bấy nhiêu.

Học cùng với Hoàng Anh Kiệt chỉ một tháng, đám họ Đỗ đã nhanh chóng bắt kịp được với đám bạn của Kiệt. Điều này làm bọn kia không mấy hài lòng, bọn nó như bị cho ăn thuốc kích thích, không ngừng cố gắng học hơn nữa. Thậm chí cả những đứa chểnh mảng vì ham chơi như Bắc, Khang hay vì bận việc gia đình như Quảng cũng chăm học lên trông thấy. Giống như những gì Kiệt đã suy tính khi nhận thêm học trò. Đây là thứ thực sự khiến Kiệt hài lòng khi tốn thời gian dạy dỗ thêm một đám nhóc nữa.

Đi đôi với sự hài lòng ngày một tăng lên của Kiệt là danh tiếng của cậu ta. Mở lớp học là điều không phải ai cũng có thể làm, và một cậu nhóc như Kiệt lại làm được, khiến dân làng tò mò vô cùng. Và một trong những người tò mò nhất, có lẽ chính là một cụ ông râu tóc bạc phơ tên gọi Nguyễn Minh Ký. Ông cụ này là một thầy đồ từng dạy biết bao người dân trong làng suốt bao năm nay.