Trung Nguyên có hai nước Triệu, nước Triệu của Lưu Diệu đóng đô ở Trường An, thành lập tương đối sớm, gọi là Tiền Triệu. Nước Triệu của Thạch Lặc đóng đô ở Bình Dương, thành lập muộn hơn hai năm. Đại Tấn thường lỗ m4ng gọi là Hậu Triệu.

Bởi vì Thạch Lặc và Lưu Diệu đều có mối thù diệt quốc với Đại Tấn, cho nên Đại Tấn từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước này, không công nhận Tiền Triệu và Hậu Triệu.

Không có sứ giả, không thiết lập quan hệ ngoại giao, tại sao Thạch Lặc lại biết rõ nội chiến của Đại Tấn, khởi binh xâm phạm biên giới vào thời điểm mấu chốt này?

Mọi người có còn nhớ Lưu Ngỗi chạy trốn sang nước Triệu nương nhờ Thạch Lặc không? Đó chính là vị đại thần có con trai suýt chút nữa cưới công chúa Thanh Hà.

Lại nói Lưu Ngỗi thất bại trong việc làm suy yếu Vương Đạo, bị Vương Đôn khởi binh cần vương, tấn công vào thành Kiến Khang. Một nhà Lưu Ngỗi được lão hoàng đế đưa đi, cao chạy xa bay.

Lưu Ngỗi ở nước Triệu được trọng dụng và tiếp đãi long trọng. Nghe tin dữ lão hoàng đế băng hà, Lưu Ngỗi đau lòng không thôi, tin rằng anh em Vương Đạo và Vương Đôn hợp mưu hại chết lão hoàng đế. Đối với Đại Tấn từ yêu chuyển thành hận, một lòng muốn báo thù cho lão hoàng đế. Vì vậy Lưu Ngỗi phái gian tế đến thành Kiến Khang quan sát động tĩnh của Đài Thành, bí mật báo về nước Triệu. Khi biết được Đại Tấn có vị vua nhỏ tuổi, lòng dân thì nghi ngờ bất an, Dữu gia loại bỏ phe đối lập, khiến lòng người tức giận. Đại Tấn bận nội chiến, Lưu Ngỗi cảm thấy thời cơ đã đến, nên thỉnh cầu Thạch Lặc của nước Triệu đưa quân xuống phía nam, san bằng Đại Tấn.

Mấy năm nay Thạch Lặc vẫn luôn bận rộn mở rộng lãnh thổ Hậu Triệu. Lưu Diệu ở Trường An binh hùng tướng mạnh, Thạch Lặc mấy lần đánh chiếm, hai nước đều có thắng có thua. Trong lòng Thạch Lặc nghĩ, ta đánh không được Lưu Diệu, chẳng lẽ đánh không lại Đại Tấn nhu nhược!

Thạch Lặc và quân Đại Tấn giao chiến nhiều lần, cho tới bây giờ chưa có lần nào thất bại, cho nên sinh lòng khinh địch.

Vì vậy, Thạch Lặc nghe theo lời của Lưu Ngỗi, khởi quân về phía nam tấn công Duyễn Châu, tập trung binh lực vào quả hồng mềm Đại Tấn này.

Lưu Ngỗi sa đọa đến mức trở thành "Phản tặc Đại Tấn". Đại Tấn loạn trong giặc ngoài, Thanh Hà đè nén sự lo lắng và vấn vương với Vương Duyệt, trước tiên đến nước Triệu tìm cha kế Lưu Diệu giúp đỡ giải vây.

Thanh Hà giao Lang Gia Vương cho Si Giám bảo vệ, dẫn một đội quân nhìn như đội thương nhân mua bán lương thực hướng đến Tiền Triệu.

Bây giờ thiên hạ lại một lần nữa chia làm ba phần, hình thành thế chân vạc, Tiền Triệu, Hậu Triệu và Đại Tấn. Giữa các nước có biên giới, không có sứ giả coi như cắt đứt giao thiệp. Nhưng tiền bạc và làm ăn không có biên giới. Đồng tiền của nước Triệu và Đại Tấn giống nhau, đều là Hương.

Mấy năm nay Vương Duyệt đã thâm nhập sâu vào Trung Nguyên, đều mở tiệm bánh Vương Ký ở các thành lớn của Tiền Triệu và Hậu Triệu, coi đây như một cứ điểm để mua bán lương thực, dùng tiền lót đường. Chỉ cần liên quan đến chuyện làm ăn, phía hợp tác bên địch quốc sẽ chủ động giúp đỡ nhập cảnh.

Vì vậy đường từ Duyễn Châu đến Tiền Triệu mặc dù dài nhưng về cơ bản rất thuận lợi. Hơn nửa tháng sau, Thanh Hà đến được Trường An.

Vì Đại Tấn và Triền Triệu không giao thiệp, nếu Thanh Hà dùng thân phận công chúa Đại Tấn đến gặp Lưu Diệu, nhất định sẽ bị cõng danh tiếng xấu thông đồng với địch quốc. Vì vậy Thanh Hà cẩn thận suy nghĩ, bôi vàng mặt mũi, giả trang thành đàn ông.

Lúc Thanh Hà tiến vào thành Trường An, vị hoàng tử thứ ba do Dương Hiến Dung sinh ra đã được một tuổi. Mấy năm nay cửa hàng bánh Vương Ký đã chuyển thư và quà cáp giữa hai mẹ con. Vì vậy ngày Thanh Hà vào thành, đã bước hoàng cung của nước Triệu, gặp mẹ.

Dương Hiến Dung vẫn xinh đẹp như vậy, năm tháng như bị dừng lại, giữa mắt mày đã không còn đọng lại sự u buồn. Xem ra những năm này trôi qua rất tốt. Lần thứ hai làm hoàng hậu, cuối cùng lần này bà ấy không còn là con rối nữa.

"Thanh Hà!"

"Mẫu thân!"

Hai mẹ con ôm nhau. Kể từ khi thành Lạc Dương bị phá, Đại Tấn bị diệt, Thanh Hà đã hơn bảy năm không gặp mẹ rồi.

Dương Hiến Dung sờ từ đầu đến chân Thanh Hà: "Nữ nhi của ta đã lớn rồi. Con và Vương Duyệt thành thân, ta rất yên tâm. Từ nhỏ Vương Duyệt đã biết chăm sóc mọi người. Các con-"

Tay của Dương Hiến Dung sờ vào bụng dưới của Thanh Hà. Là mẹ, Dương Hiến Dung cũng không ngoại lệ, quan tâm đến chuyện sinh nở của nữ nhi. Thanh Hà và Vương Duyệt thành hôn năm năm, nhưng bụng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Dương Hiến Dung đem lời muốn nói nuốt xuống: "Con đột nhiên đến Trường An, không báo trước với ta, Vương Duyệt cũng không đi cùng con. Có phải đã xảy ra chuyện gì rồi không?"

Thanh Hà gật đầu, giống như lúc nhỏ bị oan ức, đáng thương tìm mẫu hậu cáo trạng. Rõ ràng là cao hơn mẹ, nhưng vẫn cuộn tròn trong lòng của Dương Hiến Dung: "Dữu thái hậu giam lỏng Tào phu nhân. Nữ tế của người phải quay về đó đàm phán với Dữu gia. Kết quả là cả nhà bị bao vây tại thành Kiến Khang. Dùng lời nói không được, đành phải dùng đến hành động. Con đi tìm Si Giám cần vương. Nhưng Thạch Lặc Hậu Triệu đột nhiên dẫn hai trăm nghìn quân đến vây thành. Si Giám nhất định phải bảo vệ Duyễn Châu. Không còn cách nào khác, chỉ có thể đến Trường An cầu xin Lưu Diệu đến vây Ngụy cứu Triệu. Không phải, là vây Triệu cứu Tấn."

Nghe tin cả Vương Duyệt và Tào Thục đều bị vây hãm ở thành Kiến Khang, Dương Hiến Dung bật ngay dậy: "Đứa nhỏ này sao con không nói sớm! Vương Duyệt và Tào tỷ tỷ đang trong tình cảnh xấu, bây giờ không phải lúc hai mẹ con chúng ta ôn chuyện tình cảm. Cấp cứu là phải khẩn cấp."

Dương Hiến Dung lập tức đưa Thanh Hà đến gặp Lưu Diệu.

Lưu Diệu mặc thường phục, khí chất ổn trọng. Sau khi trở thành vua một nước, khí chất chuyển từ phong lưu thành chững chạc, nhưng ánh mắt vẫn không thay đổi. Lúc nhìn Dương Hiến Dung vẫn lộ ra nhiệt tình như cũ, giống như mối tình đầu.

Lưu Diệu đang dạy cho thái tử cưỡi ngựa bắn cung. Thái tử cũng trạc tuổi Lang Gia Vương, lớn lên giống Lưu Diệu, nhưng lông mày lại màu đen. Nhìn thấy Thanh Hà, rất tò mò: "Mẫu thân, nàng ấy là ai? Tại sao mẫu thân lại nắm tay nàng ấy? Này, lá gan của ngươi cũng rất lớn, thấy ta mà không hành lễ?"

Thanh Hà có chút xấu hổ.

Lưu Diệu chợt vỗ bụng ngựa: "Đi nhanh!"

Tuấn mã chở Thái tử phi nước đại, chạy đi xa. Đứa nhỏ ngồi trên lưng ngựa sắp bị ngã xuống. Dương Hiến Dung không hề la hét hay trách móc Lưu Diệu, rất bình tĩnh nhìn con trai, hẳn là đã sớm quen với điều này.

Thái tử nhanh chóng điều khiển ngựa, ngồi trên lưng ngựa, nhấp nhô lên xuống cùng với thân ngựa.

Lưu Diệu nhìn Thanh Hà: "Sao lại đến đây một mình? Phu quân của con đâu? Không phải là vợ chồng nhỏ cãi nhau chứ? Đừng lo lắng, đây là nhà của con, con thích ở bao lâu tùy thích. Nếu Vương Duyệt đến để đón con, ta sẽ đuổi hắn ra ngoài - Trừ khi hắn quỳ xuống nhận sai với con."

Không đợi Thanh Hà nói, Dương Hiến Dung đã nói ra khốn cảnh của Tào Thục và Vương Duyệt, và thỉnh cầu vây Triệu cứu Tấn của Thanh Hà.

Lưu Diệu cười nói: "Xuất binh không phải là chuyện nhỏ. Công chúa định dùng cái gì để báo đáp nhân tình của ta?"

Thanh Hà nói: "Lương thực chinh phạt. Nếu lương thực không đủ, con còn có tiền."

Nếu có thể dùng tiền giải quyết, thì cho dù có khuynh gia bại sản cũng được.

Lưu Diệu cười lớn: "Cho dù con có lòng, ta cũng không dám nhận. Chờ đến lúc trở về, mẫu thân con nhất định sẽ không cho ta một gương mặt tươi cười. Ta đồng ý xuất binh, coi như quà cưới ta tặng con và Vương Duyệt. Chỉ có lần này, lần sau không chiếu theo lệ này nữa. Nhà hoàng đế cũng có lương thực dư mà."

Lưu Diệu là một người nhanh nhẹn. Thạch Lặc thân chinh Đại Tấn, ông cũng sẽ thân chinh Thạch Lặc. Tam Quốc hỗn chiến.

Đại quân xuất binh phải chuẩn bị, chọn binh chọn tướng chọn lương thực. Thanh Hà không kịp đợi Lưu Diệu thân chinh, cũng không kịp ôn chuyện tình cảm với mẹ. Sau khi nhận được lời hứa của Lưu Diệu, nàng quay trở về đường cũ ngay trong ngày hôm đó, tức tốc chạy về Duyễn Châu.

Nhưng mà chờ Thanh Hà trở lại, tình hình ở Giang Nam Đại Tấn đã có một sự thay đổi lớn: Đại tướng quân Tô Tuấn mưu phản dưới danh nghĩa cần vương, đã đánh vào thành Kiến Khang!

Ngược dòng thời gian một tháng trước, Dữu Lượng hứa hẹn trước mặt Dữu thái hậu, nhất định sẽ bành trướng thế lực ra bên ngoài, chinh phục Lang Gia Vương thị.

Dữu Lượng trừ khử hết tất cả các tướng quân bên ngoài nắm trong tay quân đội, không thể nghi ngờ Si Giám là người mạnh nhất. Hơn nữa những người dân lưu lạc chỉ nghe theo lệnh của Si Giám, cho dù có thu vào tay, Dữu Lượng cũng sẽ tạm thời không chỉ huy được.

Bóp quả hồng mềm, Dữu Lượng liền dời tầm mắt về phía Tô Tuấn.

Tô Tuấn cũng xuất thân từ thống lĩnh dân di cư, thực lực đứng sau Si Giám. Si Giám xuất thân từ gia đình sĩ tộc, Tô Tuấn lại là bần hàn. Trong loạn Vĩnh gia, Tô Tuấn trở thành thống lĩnh dân chạy nạn, lực ảnh hưởng đứng sau Si Giám.

Sau đó trong loạn Vương Đôn, Tô Tuấn mang theo đội quân dân chạy nạn hưởng ứng cần vương, lập không ít công trạng. Minh Đế phong hắn làm quận công Thiệu Lăng và trấn giữ Giang Bắc đối diện của thành Kiến Khang.

Quân đội của Tô Tuấn ở ngay trước mặt, mà quân đội của Si Giám ở Duyễn Châu xa xôi, vì vậy Dữu Lượng đã đặt mục tiêu lên người Tô Tuấn có thể sờ được nhìn thấy, muốn nuốt chửng quân đội của Tô Tuấn. Như vậy hắn ta không cần phải sợ Si Giám nữa.

Dữu Lượng xử lý Tô Tuấn giống như cái cách hắn ta sử dụng để loại bỏ các vị cố mệnh đại thần - Chính là nhìn bên ngoài thì thăng chức nhưng thật chất là giáng chức, giống như đối phó Cố mệnh đại thần Lục Diệp nắm trong tay Trung hộ quân bảo vệ Đài Thành. Nhìn như đứng hàng tam công, nhưng thực ra binh quyền của Trung hộ quân nắm trong tay bị Dữu Lượng đoạt đi.

Dữu Lượng giở mánh khóe cũ của mình, lấy danh nghĩa tiểu hoàng đế gọi Tô Tuấn đến thành Kiến Khang, muốn phong hắn làm Đại Tư Nông.

Tướng quân biên quan trở thành người đứng đầu bộ nông nghiệp. Mặc dù văn hóa Tô Tuấn không cao, xuất thân từ thủ lĩnh dân chạy nạn, nhưng có thể nhìn ra được danh xưng Tư Mã Nông chính là hư chức nhìn bên ngoài là thăng chức nhưng thực tế là giáng chức.

Tô Tuấn từ chối, nói hắn ta là người thô lỗ, vẫn luôn chinh phạt địch quốc, bảo vệ Giang Bắc. Hắn ta có thể đổ máu để chiến đấu cho đất nước. Nhưng nếu hắn đến Đài Thành để trợ giúp ấu đế, một kẻ thô lỗ như hắn không thể đảm nhiệm được.

Dữu Lượng thấy Tô Tuấn không bị lừa, lại hạ lệnh điều động Tô Tuấn lần nữa. Lần này Tô Tuấn vẫn từ chối, nói rằng Minh Đế đã từng nắm tay hắn ta, nói rằng muốn hắn ta đi lên phía bắc để thu phục Trung Nguyên, thống nhất Nam Bắc. Bây giờ Trung Nguyên vẫn chưa hồi phục, hắn ta không còn mặt mũi nào trở về Đài Thành, đối mặt với bài vị của Minh Đế, xin triều đình cho hắn ta tiếp tục trấn giữ Giang Bắc.

Nhìn thấy câu trả lời của Tô Tuấn, Dữu Lượng giận dữ ngay tức thì. Lại lấy danh nghĩa điều động Tô Tuấn lần thứ ba. Lần này lời lẽ đanh thép, nói hắn ta thân là thần tử, không nghe lệnh của quân vương, hắn ta muốn tạo phản đúng không?

Tô Tuấn nhìn thấy, biết Dữu Lượng muốn định tội hắn ta, xé ngay chiếu thư thành từng mảnh, nói: "Dữu quốc cữu nói ta mưu phản, tiểu hoàng đế là thân ngoại sanh của hắn, ấu chủ bị quốc cữu che mờ, nhất định tiểu hoàng đế tin tưởng Quốc cữu, mà không phải người ngoài như ta. Năm đó loạn Vương Đôn, Đại Tấn bấp bênh nguy hiểm, ta xuất binh bình định loạn Vương Đôn, vì quốc gia mà đổ máu. Nếu không có ta thì Đại Tấn sợ đã bị Vương Đôn soán ngôi rồi. Bây giờ Vương Đôn đã chết, giảo thố tử, tẩu cẩu phanh (*), qua cầu rút ván, muốn cướp binh quyền của ta, ta không thể nhẫn nhịn được nữa!"

(*) Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh: Thỏ chết thì chó săn bị đem nấu. Ý nói về người vong ân bội nghĩa, lúc khó khăn nghèo hèn thì nhờ cậy người khác, đến khi thành công sung sướng thì phản bội những người giúp mình lúc trước.

Tô Tuấn triệu tập quân đội, giương kiếm lên nói: "Ta thà ngồi trên đỉnh núi nhìn xuống Đình Uý*, còn hơn là làm Đình Uý nhìn l3n đỉnh núi. Dù sao cũng chết, không bằng khởi binh cần vương, thảo phạt Dữu quốc công che mờ tiểu hoàng đế! Vì nước trừ hại!"

*Đình Uý: Là chức quan thẩm phán xét xử thời Trung Quốc cổ đại.

Cái gọi là gần quan được ban lộc, chính là đội quân của Tô Tuấn ở Giang Bắc đối diện thành Kiến Khang. Trong vòng một đêm, đội quân đã vượt sông, vây thành, chính là muốn công thành!

Mà Si Giám đang trấn giữ thành Duyễn Châu ở phía bắc, vẫn còn đang chỉ huy quân đội ngăn chặn cuộc tấn công của nước Triệu của Thạch Lặc. Nghe nói Tô Tuấn khởi binh "Cần vương", thật sự phản loạn, rơi ngay vào tình thế khó xử: Nếu lúc này chia quân ra để đánh Tô Tuấn, nhất định sẽ không giữ được Duyễn Châu. Nhưng nếu không xuất binh đánh phản loạn Tô Tuấn, thành Kiến Khang nhất định không giữ được. Vương Duyệt và tiểu hoàng đế vẫn còn bị mắc kẹt trong thành, nhất định sẽ gặp nguy hiểm!

Trong lòng Si Giám đấu tranh giữa trời và người, cuối cùng ánh mắt nhìn xuống Lang Gia Vương vẫn còn ngây thơ không biết gì. Hắn ta liền lập tức kiên định với quyết định bảo vệ Duyễn Châu: Nếu thành Kiến Khang bị phá, rơi vào tay của Tô Tuấn, hắn ta có thể lập Lang Gia Vương lên làm hoàng đế. Đại Tấn vẫn có cơ hội Đông Sơn tái khởi. Nhưng nếu Duyễn Châu không giữ được, Thạch Lặc nước Triệu đánh vào, Giang Nam rơi vào tay giặc, Đại Tấn sẽ hoàn toàn không còn cơ hội nào nữa.

- -----oOo------