Editor: Na

Beta: Hoàng Lan

Các vị theo dõi có thể tưởng tượng một chút, nếu ngươi gây ra chuyện rắc rối ở bên ngoài, sau khi về nhà cha ruột không đánh không mắng, lúc nói chuyện còn cẩn thận từng ly từng tý và để ý tới tâm trạng của ngươi, còn chỉ vào một tương lai xán lạn nói, “Con nhìn đi, đây là giang sơn trẫm đã gây dựng vì con”, thì trong lòng ngươi sẽ có cảm giác gì?

Vương Duyệt đan xen giữa cảm động và áy náy, tất cả những thứ này vốn thuộc về Thanh Hà.

Đêm đến, Tào Thục ngồi im trong phòng ngủ, có người gõ cửa, “Phu nhân ngủ chưa?”

Là chồng Vương Đạo. Từ lúc mang thai, Tào Thục đã không ngủ chung giường với Vương Đạo, vợ chồng chia phòng ngủ đã gần mười sáu năm. Hai người chung sống dưới cùng một mái hiên nhưng lại khách sáo và xa cách tựa như đám anh em ngủ ở phòng bên cạnh, trước khi vào cửa đều phải gõ cửa.

Tào Thục nói: “Ngủ ngay đây.”

Buổi tối Vương Đạo tới tìm bà, nhất định là muốn nói với bà về chuyện của Vương Duyệt, nhưng Tào Thục không muốn nhắc đến nên nói thẳng là buồn ngủ.

Đối mặt với lời từ chối khéo của Tào Thục, Vương Đạo cũng không từ bỏ, ông tiếp tục gõ cửa, “Ta có mấy câu muốn nói, rất nhanh thôi.”

Tào Thục không đáp mà thổi tắt nến, lặng lẽ ngồi trong bóng tối.

Vương Đạo nói cách cửa: “Nàng không giống trước kia.”

Tào Thục không đáp.

Vương Đạo lại nói: “Trước kia nàng sẽ đuổi thẳng ta đi.” Giờ lại trở nên uyển chuyển, trầm lặng, không giống người vợ mà ông hằng quen thuộc.

Tào Thục vẫn không đáp.

Vương Đạo lại nói: “Trên đường rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Thằng bé Vương Duyệt cũng thay đổi, nó trở nên giống như nàng, khách sáo, cung cung kính kính với ta.”

Tào Thục thật sự không nhịn được, nói: “Nhi tử hòa nhã với ông thì có gì không đúng. Người làm cha không hy vọng có nhi tử như vậy sao.”

Đã quen với việc con trai nghe lời và hiểu chuyện ở ngoài mặt, nhưng bên trong lại ngang bướng phản nghịch, tính cách trong ngoài không đồng nhất, bây giờ Vương Duyệt làm Vương Đạo cảm thấy khẩn trương và lo lắng, “Ta cảm thấy nó không vui.”

Tào Thục cười lạnh, “Quốc gia đã mất, công chúa cũng không rõ tung tích, ai đành lòng mừng vui hớn hở cho được.”

Vương Đạo nói: “Ta cảm thấy không phải nguyên nhân này. Ta muốn nói chuyện với nàng một chút để tháo gỡ khúc mắc trong lòng nó. Từ Tam Quốc, Tào Ngụy cho đến Tư Mã gia của Đại Tấn, mấy lần thay đổi triều đại cũng là chuyện của hơn bảy mươi năm, nó mới bao nhiêu tuổi chứ? Không tới lượt nó lo cho đất nước và nhân dân.”

Vương Đạo có tầm nhìn rộng, Đại Tấn mất nước, Giang Nam ở trong tay ông lại là một vùng trời phồn thịnh hướng về phía trước. Khí hậu ở đây thích hợp cày cấy hơn, dân chúng giàu có, khí hậu ôn hòa, ông cho rằng cả kinh tế văn hóa lẫn chính trị ở phương Nam sẽ vươn lên, đuổi kịp và vượt qua phương Bắc. Tính co duỗi ở đây quá mạnh mẽ, có khả năng vô hạn trong tương lai, ông nhất định sẽ có thành tựu lớn để vơi đi những tang thương mất nước.

Tào Thục nói: “Một nữ tử trong nhà như ta không hiểu chuyện chính sự, tối qua đã thức cả một đêm, giờ ta rất mệt, xin phu quân cứ tự nhiên.”

Vương Đạo tiếp tục nói qua cửa, mấy người con Vương Duyệt, Vương Điềm,… đang ở trong trạm dịch đều nghe thấy tiếng cha, mở cửa thì thấy mẹ nhốt cha ở bên ngoài.

Đang ở bên ngoài, không phải ở nhà, Tào Thục biết chừng mực, bất đắc dĩ phải mở cửa để chồng vào.

Vào phòng ngủ, chính là nơi riêng tư của Tào Thục, Tào Thục lên giường, “Ông nói đi, ta nghe.”

Vương Đạo phân tích sự thay đổi của con trai một mình, cứ thao thao bất tuyệt, cuối cùng lại nghe thấy Tào Thục phát ra tiếng ngáy rất nhỏ.

Vương Đạo giơ ngọn nến để sát vào nhìn một cái, thì ra Tào Thục đã sớm nhét hai cục bông vào lỗ tai để từ chối nghe ông nói chuyện.

Nếu là chồng người ta nhà định sẽ giận tím mặt. Nhưng Vương Đạo đã quen với điều này sau mười sáu năm chung sống với vợ.

Thậm chí, Vương Đạo còn hơi mừng thầm: Có hương vị của vợ! Vẫn là hương vị cũ, vẫn là vợ quen thuộc.

Cho nên con trai cũng sẽ dần trở lại như trước. Có lẽ trên đường đi hai mẹ con đã phải chịu quá nhiều gian khổ nên mới dẫn đến như vậy.

Tuy Tào Thục không nói gì nhưng Vương Đạo vẫn nhận được được câu trả lời làm người ta vừa ý, ông thổi tắt nến, trở về phòng mình nghỉ ngơi.

Vương Duyệt tìm kiếm Thanh Hà bắt đầu từ mạn phía nam sông Trường Giang, tìm hết tầng này đến tầng khác, tuyến đường càng ngày càng xuôi về nam.

Cùng lúc đó, Si Giám được Vương Duyệt âm thầm giúp đỡ đã tổ chức lại nhóm quân đội sa sút tinh thần cùng cánh thanh niên và trung niên ở Giang Bắc. Những người này không xu dính túi, nhưng lại có sức lực, vì một miếng ăn mà bí quá hoá liều, đây là nhóm người nguy hiểm nhất. Si Giám thu nhận và giúp đỡ những người này, cung cấp ba bữa cơm, điều kiện là không được trộm cắp cướp giật, đến vụ mùa thì khai hoang trồng trọt, lúc nhàn rỗi sẽ luyện binh. Si Giám cũng ra lệnh cho thuộc hạ ở Giang Bắc ngầm lưu ý phụ nữ có dung mạo tương tự Thanh Hà.

Cứ như vậy, Vương Duyệt và Si Giám một nam một bắc vẫn luôn tìm kiếm tin tức về Thanh Hà, có rất nhiều thiếu nữ phù hợp điều kiện nhưng đều không phải Thanh Hà.

Hy vọng rồi thất vọng, lại hy vọng lại thất vọng, cứ lặp đi lặp lại.

Một năm sau, Si Giám thành danh ở Giang Bắc, hắn trở thành một trong những thủ lĩnh nổi tiếng của những người dân lưu lạc —— được xưng là chủ soái của dân tị nạn. Si Giám cũng cưới vợ sinh con vào năm này, cả gia đình lẫn sự nghiệp đều nở rộ.

Dưới sự dẫn dắt của cha Vương Đạo, Vương Duyệt trở thành công tử sĩ tộc đứng hàng cao nhất của Kiến Nghiệp, nhận được sự tán thưởng của Minh chủ Giang Nam Tư Mã Duệ, trở thành quan dưới trướng của thế tử Tư Mã Thiệu nhà Minh chủ.

Vương Duyệt tiếp nhận chức quan, nhưng lại âm thầm noi theo những việc làm của vị hàng xóm Vương Nhung keo kiệt năm đó như thành lập kho lương ở khắp Giang Nam, mua lương thực khi giá rẻ, lúc tăng giá sẽ bán ra, kiểm soát giá lương thực, đồng thời mở một vài tiệm bánh Hồ Vương Ký ở những khu chợ sầm uất của Kiến Nghiệp, hương vị giống như đúc ở thành Lạc Dương.

Dần dần, tương tự Vũ Xương, thành lớn như Dương Châu cũng xuất hiện tiệm bánh Hồ Vương Ký. Vì trăm vạn người Trung Nguyên xuôi nam xuống Giang Nam để tránh chiến tranh nên cửa hàng bánh Hồ không phải lo chuyện kinh doanh, buôn bán rất tấp nập, cũng dần thu hút một số người Giang Nam quanh năm lấy hạt thóc lúa làm đồ ăn nếm thử đôi chút.

Đằng sau cửa hàng bánh là “trạm cứu trợ” Vương Duyệt bố trí dành riêng cho Thanh Hà.

Ký hiệu của tiệm bánh Hồ Vương Ký là bánh hồ hình người, trên cổ đeo vòng bánh Hồ trống rỗng, nhìn giống như một nhân vật ngốc nghếch khôi hài.

Mỗi tiệm bánh Hồ Vương Ký ở mỗi thành thị khác nhau đều dựng một nhân vật khôi hài ngốc nghếch đeo vòng cổ bánh Hồ, thống nhất giống như hình tượng ông cụ đã đi vào lòng người của KFC ở đời sau.

Chỉ có Thanh Hà biết câu chuyện phía sau: Năm Thanh Hà mười hai tuổi, trong một lần nô đùa với hắn đã dùng bánh sữa mới ra lò gõ nhẹ lên đầu hắn, nhưng vì phần giữa bánh quá giòn nên vỡ vụn ra, giống như chiếc vòng treo quanh cổ hắn.

Vương Duyệt suy đoán, Thanh Hà rất có thể đã bị hạn chế tự do thân thể trên đường chạy trốn nên chưa một lần xuất hiện, nhưng Thanh Hà chỉ cần thấy tiệm bánh Hồ Vương Ký, hoặc nghe nói biển hiệu bánh Hồ hình người đeo vòng cổ bánh Hồ kỳ quái thì nhất định sẽ liên tưởng đến hắn!

Thanh Hà dũng cảm thông minh, nàng chắc chắn sẽ đến cửa hàng bánh Hồ xin giúp đỡ.

Vì thế dân chúng ở các thành thị lớn của Giang Nam phát hiện gần như là trong một đêm, trên các phố xá náo nhiệt nhất đều có một cửa tiệm bánh Hồ Vương Ký. Cũng giống như đời sau, chỉ trong một đêm, khắp nơi đều là đồ ăn vặt huyện Sa và cơm gà om.

Cùng một cách trang trí, cùng một hình tượng, cùng một biển hiệu, cùng một phương pháp làm bánh —— điểm đặc sắc là dùng tủy xương trâu, đường, bột mì và sữa bò. Đây là mùi vị mà Vương Duyệt và Thanh Hà thích nhất.

Cho dù ở thành thị nào thì hương vị của tiệm bánh Hồ Vương Ký đều giống nhau như đúc, giá cả cũng như nhau.

Dù là kho lương hay tiệm bánh thì đều cần tiền vốn rất lớn —— nhất là tủy xương trâu, ở nơi cấm giết trâu cày như Giang Nam rất khó lấy được thứ này.

Nhưng Vương Duyệt có một người cha ruột điên cuồng yêu chiều con trai như Vương Đạo. Con trai nói vay chút tiền, Vương Đạo cũng không hỏi làm gì mà đưa thẳng con trai tới kho bạc riêng, để hắn lấy bao nhiêu thì lấy, “Giữa cha con không cần trả lại.”

Vương Duyệt cầm tiền, tự an ủi mình: Con sử dụng để tìm con gái của người về.

Kho lương ở ngoại ô nông thôn, tiệm bánh Hồ ở thành thị, cho nên cả thành thị lẫn thôn quê đều có tai mắt của Vương Duyệt, Vương Duyệt tin rằng theo sự mở rộng dần của tiệm bánh và kho lương, hắn nhất định sẽ tìm được Thanh Hà.

Một năm này cứ thế qua đi trong bận rộn, Vương Duyệt bước sang tuổi mười sáu.

Khi xuân về hoa nở ở Giang Nam, mùa xuân ở mạn phía bắc Uyển Thành (Hà Nam, Nam Dương) bên phía Giang Bắc mới khoan thai mà đến. Băng tuyết vừa mới tan một nửa, trên ngọn cây chỉ có chút chồi xanh.

Nơi này là thành trì do Dĩnh Xuyên Tuân thị trấn giữ, lúc này mấy cổng thành đều đóng chặt, bày trận địa sẵn sàng nghênh đón quân địch, bên ngoài thành, quân địch đã áp sát và bao vây Uyển Thành hơn nửa tháng.

Tuân Tung và con gái cả Tuân Hoán trèo lên tường thành, có một mũi tên đã gọt mất đầu nhọn được bắn từ bên ngoài tới, trên mũi tên có buộc lá thư.

Tuân Hoán muốn mở thư ra, Tuân Tung lắc đầu, “Không cần nhìn, nhất định là lại chiêu hàng. Chúng ta không đầu hàng.”

Tuân Hoán vẫn mở thư ra, nhổ nước bọt “phì” một tiếng, sau đó thả bức thư lại rồi bắn về doanh trại địch ở dưới thành theo đường cũ.

Tuân Tung bị con gái chọc cười, “Con bé này, tính tình vẫn thế.”

Kẻ nào bao vây Uyển Thành?

Nói đến lại bực mình, cũng không phải quân đội Hung Nô của nước Hán, mà là người mình làm, duy trì truyền thống người mình tự giết người mình của Đại Tấn.

Tại sao Dĩnh Xuyên Tuân thị lại bị người nhà bao vây?

Nói ra thì rất dài.

Lại nói sau khi Đại Tấn mất nước, thành Lạc Dương rơi vào tay giặc, Dĩnh Xuyên Tuân thị nâng đỡ Tư Mã Nghiệp lên làm Thái Tử, Tuân gia trấn giữ ở Uyển Thành.

Nhưng Tư Mã Nghiệp cũng không thỏa mãn với việc làm Thái Tử, dưới sự xúi giục của một đám người có dã tâm, hắn đến Trường An xưng đế, đổi quốc hiệu thành Kiến Hưng, tự xưng là Kiến Hưng Đế.

Tuân gia không đồng ý đóng đô ở Trường An, bởi vì Trường An là một hòn đảo biệt lập, bốn phía đều là thế lực của nước Hán, hơn nữa xung quanh không có nơi hiểm yếu có thể bảo vệ, cũng không có đường lui, đi Trường An có ý nghĩa gì?

Kết cục của Trường An sẽ giống Lạc Dương.

Còn không bằng ở lại Uyển Thành, nếu đánh không lại còn có thể chạy đến Kinh Châu, sau khi nghỉ ngơi lấy sức rồi tái chiến cũng không muộn.

Tuân gia khổ sở khuyên ngăn, nhưng Tư Mã Nghiệp muốn làm Hoàng đế, nhất quyết phải đi Trường An, để bộc lộ hết tài năng trong số bốn vị Hoàng Thái Tử ở Trung Nguyên, người nào xưng đế đầu tiên sẽ được coi là chính thống.

Hết cách, Tuân gia đành mặc cho Tư Mã Nghiệp tìm đường chết thông qua việc đi Trường An làm Hoàng Đế. Người nhà họ Tuân tiếp tục ở lại Uyển Thành, bởi vì quân thần bất hòa chính kiến, Uyển Thành của Tuân gia trên thực tế mang tính chất nửa độc lập, chỉ xem Kiến Hưng Đế là vị lãnh tụ trên danh nghĩa.

Sau khi Kiến Hưng Đế Tư Mã Nghiệp xưng đế đã không hài lòng với hành động của Tuân gia, hắn muốn thu Uyển Thành vào trong túi, cho nên phái thân tín Đệ Ngũ Y (Đệ Ngũ là họ, tên gọi là Y) đi tiếp nhận Uyển Thành.

Tuân Tung giận dữ, tên hoàng đế này đúng là kẻ bất tài đến không đỡ nổi! Làm gì không làm, lại học được thói tranh chấp nội bộ đáng ghét nhất và giỏi giết người mình nhất của Tư Mã gia.

Tuân Tung không chịu nhường lại Uyển Thành, Đệ Ngũ Y liên hợp ngay với Đỗ Tăng chờ một nhóm người liên minh cùng nhau tấn công Uyển Thành, cưỡng ép chiếm thành.

Tuân Hoán nói: “Phụ thân, tên cẩu hoàng đế này làm việc thật sự khiến người ta thất vọng đau lòng, không xứng có được sự trung thành của phụ thân, Dĩnh Xuyên Tuân thị chúng ta phải tìm minh chủ khác.”

Trong lòng Tuân Tung biết rõ, “Vương Duyệt lại viết thư cho con sao? Phụ thân Vương Đạo của nó vẫn luôn trông mong chúng ta tới Giang Nam.”

“Có viết, nhưng không nhắc đến chuyện này, bọn con chỉ nói chuyện riêng.” Tuân Hoán nói: “Chinh Đông Đại tướng quân Chu Phỏng ở ngay Kinh Châu, là hàng xóm của chúng ta. Con rất thân quen với trưởng tử Chu Phủ của Chu Phỏng, vì kế hoạch trước mắt, con sẽ dẫn quân phá vòng vây, đi tìm Chu Phỏng mượn binh để giải vây cho Uyển Thành.”