Trước khi thất thủ, Nam Kinh là một thành phố lạ kỳ.

Nhà hát vẫn cứ diễn kịch, rạp chiếu bóng vẫn cứ chạy phim đến nửa đêm; trước khi đại nạn ập xuống, người dân cần ăn một bữa cơm no, vậy là nhà hàng chật kín khách khứa. Họ ăn tống ăn tộ, cố ních đầy dạ dày, dòng người xếp hàng mua vịt muối cũng phải kéo dài đến vài chục mét. Lúc ngang qua cửa hàng tổng hợp, đám đông lại bất giác ngâm nga theo điệu nhạc bên trong. Người ngoài Tân Nhai Khẩu đông gấp đôi thường ngày, số dân dư ra là tốp “chạy giặc” tràn tới. Tất cả mọi người đều ùa vào thành phố này, kề sát bên nhau, nương tựa lẫn nhau.

Kế đắm thuyền chặn giặc của Giang Âm chỉ có tác dụng trì hoãn ngắn ngủi, chiến sự Lư Hộ thảm khốc, Tô Nam thất thủ, đường sắt Kinh Hộ gián đoạn, dù quân Nhật chưa thể đổ bộ vào bờ tây Trường Giang nhưng chúng vẫn men theo đường sắt Tân Phổ, thẳng tiến về phía nam bằng đường bộ, thủ đô Nam Kinh nguy hiểm trùng trùng.

Chiến tranh đã bật tung cánh cửa đình viện sâu thăm thẳm. Bất kể nghèo hèn sang quý, chỉ cần rời thành phố này, họ sẽ phải vứt bỏ gia đình, vứt bỏ sự nghiệp. Vật giá trượt dốc thê thảm, sau cơn lốc bán tháo là đợt tích trữ hàng hóa mang tính khủng hoảng. Thế là giá cả lại leo cao chóng mặt. Khi tiếng còi báo động tập kích trên không đầu tiên vang lên, sự tĩnh lặng ngoài mặt đã nát tan thành từng mảnh. Máy bay Nhật Bản liên tục thả bom, khu vực đầu tiên chịu thiệt hại chính là khu cư trú của dân thường và công trình của chính quyền thành phố, sau đó là trọng địa quân sự, công xưởng cùng đầu mối giao thông. Mới sớm mai còn phồn hoa tấp nập, khi chiều tàn đã hóa thành chết. Một người Đức đã cư trú tại Nam Kinh suốt thời gian dài, có vẻ ngoài không mấy đặc biệt đang cắm lá cờ Đảng Quốc xã Đức dài 6 mét, rộng 3 mét trong sân nhà mình, nhằm cảnh báo máy bay Nhật đổ bộ. Trong vòng ba tháng tới, người đàn ông quốc tịch Đức này sẽ cứu rỗi vô số những sinh mạng bách tính Trung Quốc bằng sự dũng cảm như một kỵ sĩ của mình.

Trong khoảng thời gian ấy, có rất nhiều hôn lễ diễn ra tại Nam Kinh. Phàm là nhà có con gái chưa chồng đều sẽ vò đầu bứt tai tìm cách gả con đi, “trinh tiết” là thứ gì đó rất được xem trọng trong thời loạn. Con gái được chồng che chở, người làm cha làm mẹ cũng tìm thấy niềm an ủi hư ảo. Chính quyền thành phố đã bắt đầu sơ tán công nhân viên, chuyển hết văn kiện tài liệu về miền tây, văn phòng lâm thời được xây dựng trên công trình phòng không đơn sơ, người dân tới công chứng kết hôn đông tới mức sắp chen gãy cả tấm cửa gỗ.

Ngân Xuyên và Cảnh Ninh kết hôn vào ngày Trung thu. Khi ấy ba mặt Nam Kinh bị bao vây, gần như nơi đây đã hóa tòa thành rỗng. Bọn họ tới nhận giấy chứng nhận, trở về căn nhà mới nằm trên đường Ninh Hải. Tố Hoài, Nam Gia, Phạm Húc Đông cùng mấy người phụ trách công xưởng của ông đều có mặt, mọi người cùng ăn một bữa cơm thịnh soạn. Tố Hoài còn tìm cách kiếm được mấy loại hoa quả rất khó mua như nho, đào mật. Cảnh Ninh diện bộ xường xám gấm cài nút san hô, sợi dây chuyền hoa hồng vàng tỏa ánh sáng dìu dịu, khiến gương mặt cô kiều diễm, ẩn hiện niềm vui. Ngân Xuyên dẫn cô đi may bộ đồ này, vốn họ đã đặt bốn bộ cho bốn mùa, nhưng khi tới lấy thì thợ may đã chạy mất, chỉ mang được bộ mùa thu và đông về. Áo vest và sơ mi của Ngân Xuyên là đồ cũ, nhưng mặc lên vẫn rất lịch lãm, anh chải tóc gọn gàng bóng mượt, gương mặt tuấn tú rạng rỡ, cứ chốc chốc lại nắm tay cô dâu, rõ ràng đây đã là niềm hạnh phúc bền chắc, nhưng anh vẫn có cảm giác như đang mơ.

Nhà máy của Pham Húc Đông đã hóa thành một bãi tàn tích, dù rất lo lắng âu sầu nhưng Phạm Húc Đông vẫn gượng cười, ăn xong cơm, ông lại chúc mừng đôi vợ chồng mới cưới rồi từ biệt các đồng nghiệp của mình. Chỉ còn lại mình Tố Hoài cùng Nam Gia, họ ngồi cười nói vui vẻ trên xô pha như thân thích trong nhà. Ngân Xuyên mua căn hộ này sau khi gặp lại Cảnh Ninh, anh bỏ ra một số tiền lớn, nhưng mới nực cười lắm sao, chỉ vài ngày sau, khi chiến dịch Lư Hộ bùng nổ, ngày 15 tháng Tám, Nam Kinh đón trận không kích đầu tiên, giá đất thổ cư giảm không phanh, căn nhà này tụt chỉ còn chưa đầy một nửa giá gốc.

Cảnh Ninh ngồi được một lát rồi lại đứng lên, Ngân Xuyên kéo cô: “Em đừng đi, hôm nay để anh phục vụ.” Anh cười, châm trà cho từng người, Tố Hoài và Nam Gia thấy anh rạng rỡ như vậy cũng mừng thay cho anh.

Bên cửa sổ có treo chuông gió, khẽ kêu tinh tang trong cơn gió nhẹ, bầu không khí trong căn hộ bình yên ấm áp, tương phản hoàn toàn so với cảnh tan hoang tiêu điều ngoài kia.

Tố Hoài nói: “Biết mợ thích nhất là hoa hồng nên chúng tôi đã chạy khắp Nam Kinh, nhưng chẳng mua nổi một bông hoa nào. Dùng hoa giả thì không phù hợp cho lắm, bất đắc dĩ phải tổ chức tiệc cưới đơn giản thế này, đến một đóa hồng cũng không có, thật là đáng tiếc.”

Cảnh Ninh áy náy: “Đến nhìn mâm cỗ này tôi cũng hổ thẹn, đất nước lâm nguy, còn mua hoa làm gì? Tôi khiến các anh phải vất vả nhiều rồi.”

Nam Gia nghiêm giọng: “Không, tôi không đồng ý với quan điểm của mợ. Tổ chức tiệc cưới là đúng, mua hoa cũng là đúng, chỉ có lũ bạo đồ giày xéo người dân, xâm phạm quốc thổ mới là sai. Trừ những kẻ ác độc ấy ra, trên đời này ai mà chẳng yêu hòa bình, ghét chiến tranh. Đạn bom lạnh lẽo, nhưng máu trong huyết quản chúng ta thì nóng hổi. Phải sống cho tốt, không được ngừng tiến về phía trước, chỉ cần có hy vọng là không được từ bỏ, rồi sẽ có một ngày chiến thắng thuộc về chúng ta!”

Nói đến cuối, giọng anh ta vô cùng kích động, Tố Hoài vỗ vai bạn mình: “Cậu nói đúng lắm! Nhất định chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta! Dù kiếp nạn ập tới, hòa bình và hạnh phúc vẫn đáng được trân trọng.”

Ngân Xuyên gọt vỏ hai quả táo thật thành thạo, cắt làm bốn, cho mỗi người một miếng, cũng cho Cảnh Ninh một miếng. Lần đầu gương mặt anh tỏ vẻ nghịch ngợm, anh cầm miếng táo của mình, cụng phần của từng người như đang cụng ly: “Nào, tất cả chúng ta đều phải bình an nhé, cạn ly!”

“Cạn ly!”

Tố Hoài và Nam Gia bật cười, họ như trở về London, về với những tháng năm niên thiếu chong đèn đọc sách, quãng thời gian ấy thật hồn nhiên, vui vẻ.

“Chúc mừng cậu, Ngân Xuyên!” Nam Gia nói, bao năm nay, đây là lần đầu Nam Gia không gọi anh là “cậu Trịnh”.

“Ngân Xuyên, chúc cậu và vợ mình bên nhau tới đầu bạc răng long!” Tố Hoài cũng cất lời.

“Cảm ơn!” Ánh lệ long lanh trong mắt Ngân Xuyên, không cầm lòng nổi, tay anh siết chặt, nước táo dính trên móng tay anh. Vốn Cảnh Ninh chỉ mỉm cười ngồi cạnh anh, lúc này cô lấy khăn lau tay giúp anh, trong lúc lơ đãng, cô bắt gặp khoảnh khắc anh và Nam Gia chạm mắt, trong hai cặp mắt ấy như trăm mối cảm xúc ngổn ngang, cũng ẩn chứa một thứ hàm ý mà cô không sao lý giải nổi.

Việc kết hôn được quyết định chóng vánh, cuối cùng cô vẫn không thể trốn thoát, cuối cùng cô vẫn khuất phục. Không biết cô đang khuất phục anh hay khuất phục số mệnh.

Suốt những ngày ấy, Ngân Xuyên gần như ở lì trong trường, bám riết lấy cô, bám riết lấy lũ trẻ, lấy lòng nhân viên và giáo viên trong trường. Cuối cùng cũng có một ngày, Phi Phi lao như bay ra đón anh, hô: “Cha tới rồi!” Đến một cô sinh viên đi ngang qua cũng nhìn Cảnh Ninh với cặp mắt ngưỡng mộ, nói: “Cô Phan, chồng cô tốt thật đấy, còn theo cô đi làm nữa.” Dù Cảnh Ninh rất giận nhưng cô biết thành lũy vững chắc trong lòng mình đã rạn nứt.

Chiến tranh đang tới rất gần, Ngân Xuyên nghĩ cách tìm một con thuyền giúp Học viện Nữ sinh Kim Lăng, đưa tốp học sinh và giáo viên đi, đồng thời cũng sắp xếp ổn thỏa cho lũ trẻ.

Trước đó, dù Cảnh Ninh có chịu nghe hay không, anh vẫn cứ luôn miệng nhắc đến người nhà cô, sao mà phiền phức, anh nhắc tới bà Vân, Cảnh Huyên, còn cả Thịnh Đường, anh kể cô nghe tình hình gần đây của họ. Cô cố kìm nén nỗi đau khó thốt thành lời, không sao tránh né nổi, chỉ sợ ý chí mình sụp đổ trong cạm bẫy của anh.

Rồi một ngày, Lý Nam Gia tới trường học, người lấm đầy bụi đường mệt nhọc, anh ta vừa đáp xuống Nam Kinh ngay hôm ấy.

Gương mặt vốn thờ ơ của Nam Gia tràn ngập bất lực, anh ta đưa cho Cảnh Ninh một chiếc vali da cũ kỹ: “Cậu Trịnh gửi điện bảo tôi tới Nam Kinh, tôi tưởng trái khoản xảy ra sự cố tài vụ gì, nào ngờ cậu ấy lại bảo tôi tới dinh thự nhà họ Phan để lấy thứ này. Tôi biết chắc chắn thứ này là dành cho cô.”

Anh ta mở vali.

Cảnh Ninh cúi đầu. Trong vali có vài món đồ cũ, món nào món nấy được xếp ngay ngắn. Có quả bóng da nho nhỏ mà Cảnh Huyên rất thích chơi, có chiếc cân của Ngân Xuyên, có cả hộp trang sức đồ chơi, sách bỏ túi, album và con búp bê Tây “Meo Meo” của cô. Trong chiếc vali ấy là đầy ắp quá khứ của họ.

Nam Gia thở dài: “Cô Phan, cậu Trịnh một lòng si mê cô. Khi cô rời Hán Khẩu, cậu ấy như đánh mất một nửa sinh mạng. Cô và cậu ấy có duyên phận định sẵn, cậu ấy rất yêu cô, yêu suốt bao năm ròng, cô hà tất phải nhẫn tâm từ chối cậu ấy? Như vậy rất bất công với cô lẫn cậu Trịnh.”

Cảnh Ninh cau mày: “Việc đời không có gì là tuyệt đối, làm gì có công bằng chân chính? Hơn nữa tôi không thích người ta nhân danh tình yêu để uy hiếp tôi.”

Nam Gia bật cười: “Uy hiếp cô? Cậu ấy uy hiếp cô sao? Cậu ấy đã chẳng còn là Trịnh Ngân Xuyên khi xưa rồi, cậu ấy…”

“Chẳng lẽ không phải ư?” Cảnh Ninh nói, “Tôi chỉ mong được sống bình yên, nhưng anh ấy liên tục quấn lấy tôi không buông, anh ấy yêu tôi không đồng nghĩa với việc có thể bước vào cuộc sống của tôi như lẽ đương nhiên. Giờ anh ấy chẳng khác nào kẻ điên.”

“Phải, tất cả những việc thiếu lý trí mà cậu Trịnh gây ra trong đời đều liên quan tới cô Phan. Cô chính là sinh mạng của cậu ấy.”

Nam Gia nói với Cảnh Ninh, vô cùng kiên quyết, cũng vô cùng bình tĩnh.

Đám trẻ sẽ được đưa đi bằng con thuyền buôn vận chuyển hàng hóa về bờ tây của Phạm Húc Đông. Ngân Xuyên vừa quyết định hành trình xong bèn lập tức hào hứng nói với Cảnh Ninh:

“Ninh Ninh, chúng ta có thể cùng về nhà rồi!”

Cảnh Ninh nhìn anh, không nói một lời. Giờ anh lại mang đám trẻ ra uy hiếp cô, anh cho rằng lần này cô cũng sẽ không cự tuyệt.

Cả trăm nghìn người chen chúc ngoài bến tàu Hạ Quan, Cảnh Ninh dắt đám trẻ đi theo sau Ngân Xuyên, Ngân Xuyên chật vật dẫn trước mở đường, chỉ sợ họ bị người ta đẩy ngã. Chiếc áo dạ đen bị quệt lấm đầy bụi, đầu tóc anh rối bù, quần áo bị vật nhọn móc rách, lủng lẳng bên người. Anh chưa từng chật vật tới vậy. Thành lũy trong lòng Cảnh Ninh đang vỡ vụn từng chút, từng chút một, cô hiểu rõ nếu cứ tiếp tục như vậy, kết cục đời này của cô và Ngân Xuyên coi như đã định. Nỗi sợ không tên ập tới, cô quyết định tiếp tục bỏ trốn.

Bến tàu lúc nhúc toàn người là người, họ chen chúc nhau nhảy lên tàu. Con tàu không thể cập cảng, chỉ đành đứng im giữa sông, nếu muốn lên tàu, họ phải thuê một con thuyền nhỏ chèo ra tâm dòng sông. Ngân Xuyên nghĩ vô số cách mới tìm nổi một con đò dành riêng cho trường học, nhưng vẫn không ít kẻ liều mạng trèo lên. Có người suýt đã hất Phi Phi xuống nước, Ngân Xuyên giận dữ xông vào đánh nhau với người nọ. Cảnh Ninh chưa từng thấy anh ẩu đả, mà đây cũng là lần đầu cô nghe thấy âm thanh đáng sợ khi nắm đấm giáng xuống xác thịt. Đám trẻ sợ điếng người, Cảnh Ninh và vai thầy cô khác bảo vệ chúng, an ủi chúng. Cảnh Ninh ôm chặt Phi Phi, hôn lên gương mặt thằng bé: “Con phải ngoan nhé, phải nghe lời chú Trịnh nhé.” Phi Phi còn chưa hoàn hồn, chỉ thấy cô Phan buông mình ra, cô cắn răng, quay người lách xuống thuyền, Phi Phi khóc thoáng lên, thét: “Cô Phan, cô Phan ơi! Chú Trịnh, cô Phan!”

Ngân Xuyên còn đang giằng co với kẻ nọ, trong hỗn loạn, anh không còn hơi sức quan tâm tới tiếng khóc của đứa trẻ, chỉ có một giáo viên nghe xong bèn vội vã đưa mắt nhìn, nhưng bến tàu lúc nhúc những người, nào tìm thấy bóng Cảnh Ninh.

Đường về cũng trắc trở như lúc đi. Có quá nhiều người, thuyền không thể dừng lại chỉ vì mình cô, Cảnh Ninh nhớ lá cờ xanh trên cột cờ của con thuyền nhỏ xiêu vẹo áy. Cô leo lên mặt cao của bờ đê, nhìn con thuyền nhỏ đang tiến ra giữa sông, tiếng còi tàu lớn âm vang, bóng người dày đặc trên con thuyền ba lá như một bầy kiến đen sì.

Cây ngô đồng to lớn như chống đỡ cả vòm trời, nhà cửa dọc đường lặng ngắt im lìm, hơn trăm khung cửa sổ thủy tinh mở toang, phát ra ánh sáng yếu ớt như những bia mộ. Cảnh Ninh bước trên đường, như đã đánh mất một thứ gì đó, cảm giác trống rỗng không tên kéo tới, có lẽ là vì cô đã lưu lại thành phố chết đau thương này. Cô trở lại Học viện Nữ sinh Kim Lăng, dù vẫn còn một vài giáo viên và học sinh nhưng người của trường mẫu giáo đã chạy hết tới các tòa nhà trống, đến bác gác cổng cũng được điều sang Phòng Nhân học, tấm bảng vẽ hoa vàng được gỡ xuống, tựa bên vách tường, những mảnh giấy ngũ sắc rơi đầy đất, hôm qua có một bé tè dầm, phải thay quần, cô đã giặt sạch sẽ rồi phơi ngoài sân nhưng quên chưa rút xuống. Lúc này nó đang bay trong gió, xoay vòng xoay vòng mãi. Cảnh Ninh bước tới, chạm vào lớp vải, vẫn chưa khô, vậy thì phơi thêm lát nữa, nhưng khô rồi biết để ai mặc? Đám trẻ đi cả rồi.

Hai chân Cảnh Ninh mềm nhũn, cô bất lực quỳ xuống đất, có lẽ do nhớ nhung từng gương mặt ngây thơ ấy, nhưng dường như bị nỗi đau đớn chế ngự thì chính xác hơn.

Tiếng vang nặng nề vọng từ khung trời xa xôi, còn trầm, còn vang hơn cả tiếng sấm, còi báo động không kích vang lên, sàn nhà và cửa kính cùng rung bần bật, tay nắm cửa kêu leng keng, như đang kêu khóc trong đau đớn. Tim Cảnh Ninh thắt lại, cô bật dậy, một hàng bóng mờ trên không trung liệng thật thấp, bay ngang qua, khiến tầm mắt cô tối đen. Dù trước đó từng trải qua vài trận không kích nhưng đây là lần đầu cô nhìn thấy máy bay gần tới vậy. Nhiệt độ của gió tăng cao, nóc phòng học kế bên bốc cột khói tựa những tia mưa, cứ như có phép thuật, rồi cất tiếng hệt tiếng mưa đá. Cảnh Ninh vô thức chạy xuống hầm trú ẩn đơn sở ở góc tây bắc ngoài khoảng sân, vừa tiến vào đã nghe có tiếng vang lớn, ngọn lửa hừng hực cuốn cả bụi mù bốc lên, lửa vọt lên đến không trung, phòng ốc vườn trẻ nổ ruỳnh, sụp mất quá nửa.

Cảnh Ninh bịt tai, dù đang nhắm chặt mắt nhưng quá trình hủy diệt vạn vật vẫn hiện lên rõ ràng trong đầu cô. Cô như nhìn thấy cửa sổ, bàn ghế, cánh cửa và chiếc giường nhỏ của lũ trẻ cháy ngùn ngụt trong lửa, kêu lốp bốp như thể xào đậu Hà Lan hay nổ bỏng. Cô nhìn thấy sách giáo khoa và những chồng “Sở báo” cô tích cóp hằng năm trong ngọn lửa thiêu, cùng với đó là cả hồi ức, cả quá khứ đắng cay mặn ngọt của cô, tất cả đã hóa thành tro bụi. Nỗi đau đớn không thể kiềm chế, sự sợ hãi và cô độc khiến người ta không sao thở nổi và cả nỗi nhớ con gái vô vọng, không thốt nổi thành lời khiến cô chẳng thể tự chủ nổi, nước mắt ứa ra, sau đó cô nức nở, rồi gào khóc.

“Anh cả!”

Đến chính cô cũng không ngờ, người cô thét gọi vẫn cứ là người ấy, người đã luôn bên cô từ thuở ấu thơ, không xa, không rời.

“Anh cả! Anh ơi!” Cô dốc hết sức lực để kêu thét, dù sao anh cũng không biết hóa ra cô lại để tâm tới anh đến vậy, đau đớn và hạnh phúc đan xen, tràn ngập cơ thể cô, như một thức quả ngập tràn bóng tối và ngọt ngào, chẳng còn giận dữ và oán hận nữa, cũng không còn trói buộc. Dù sao anh cũng không nghe thấy, dù sao anh cũng đã rời đi, có lẽ là vĩnh viễn.

“Bé Hạt Dẻ!”

Không biết đã qua bao lâu, tiếng gọi vang bên tai cô rõ ràng như lời hồi đáp từ phương xa: “Bé Hạt Dẻ!”

Cô tưởng mình đang mơ, mở mắt, dụi mắt, bụi đá chất đầy trên cửa hầm trú ẩn, làn khói dày đặc len vào qua khe, tỏa thứ mùi gay mùi.

“Hạt Dẻ! Cảnh Ninh!” Tiếng gọi càng lúc càng rõ ràng, nức nở không sao giấu nổi, “Hạt Dẻ! Em đang ở đâu! Cảnh Ninh! Bé Hạt Dẻ!”

Cảnh Ninh hé môi, muốn đáp lời, nhưng chỉ phát ra những tiếng khản đặc, cô nhìn chằm chằm cánh cửa, không rời mắt, dù lệ đã khiến đôi mắt cô mờ nhòa.

Người bên ngoài mở cửa hầm, anh chạy vào. Đúng vậy, là anh, đúng là anh! Anh khựng lại vào khoảnh khắc nhìn thấy cô, rồi vội vã lao tới ôm chặt cô vào lòng. Ban đầu cô còn kháng cự, nhưng sau đó vẫn để anh ôm. Cơ thể anh run rẩy, áo quần ướt đẫm, sặc mùi tanh của nước sông. Đôi môi lạnh cóng in lên bờ trán cô, anh lẩm bẩm: “Em ở đây, may là anh tìm thấy em, anh tìm được em rồi, Ninh Ninh, em vẫn còn ở đây. Tốt quá, tốt quá rồi!”

Anh lặp lại câu “Tốt quá rồi” tới cả chục lần, những giọt nước mắt nóng hổi nhỏ xuống mặt cô. Lồng ngực Cảnh Ninh phập phồng, cô òa khóc.

“Không phải thuyền rời bến rồi sao, sao anh còn quay lại?”

“Anh nhảy xuống sông bơi về.” Anh thật thà đáp, “Không sao, nước ngoài cảng không sâu, không sâu chút nào, chỉ là lúc trèo lên bị người ta đạp mấy cái thôi.”

Lúc này cô mới để ý mặt anh, gương mặt thanh tú nho nhã ấy tím bầm từng mảng, mắt trái sưng vù như sắp nổ tung, không biết là bị đánh hay bị đạp, nhưng anh vẫn nở nụ cười nhẹ nhõm, như một cậu nhóc cứng đầu chẳng để tâm tới bất cứ điều gì.

“Đồ ngốc, đồ điên!” Cô khóc, vươn tay vuốt ve mắt anh.

“Ninh Ninh, mình về nhà thôi!” Anh nắm tay cô.

Đêm tân hôn, ánh trăng trong vắt sáng rực như ánh tuyết. Bước chân anh vang lên sau lưng cô, cánh tay ấm áp ôm lấy eo cô, cô quay người về phía anh, nhìn anh chăm chú.

Giờ cô chỉ có anh.

Anh bế cô lên, để cô quay vòng trên không trung, tứ chi anh tràn đầy sức lực, ngọn lửa nơi mắt anh đốt cháy niềm tương tư và bao cảm xúc. Anh như một con thú thoát khỏi xiềng xích, gầm thét lao ra. Không còn cấm đoán, ràng buộc, bọn họ mặc sức thổ lộ, giải phóng, bốc cháy, đây là ngọn lửa hủy diệt tất cả trong đêm đen rập rình hiểm nguy. Anh nghe thấy tiếng thở yêu kiều của cô, xen lẫn nhịp tim gấp rút của anh, chúng ngân lên những nỗi đau và niềm vui. Cô không nhắm mắt mà dùng đôi đồng tử sâu đen láy của mình để đáp lại cái nhìn chăm chú của anh, đáp lại nhiệt độ và sự rung động của anh. Trong sóng mắt trong veo chỉ còn lại gương mặt anh và linh hồn bị dục vọng, bị niềm vui và nỗi đau nuốt chửng của anh. Đôi môi anh lướt trên làn da mềm mại trắng muốt của cô, cứ dịch chuyển một tấc, hình ảnh trong quá khứ sẽ lại lóe lên trong đầu. Chỉ mình anh mới biết những giãy giụa, bất lực, đê hèn, tàn ác và thật tâm của mình. Chỉ có mình anh biết. Anh đã tự tay đưa người phụ nữ nay đã hoàn toàn thuộc về mình, đưa người mình yêu, người còn quan trọng hơn cả sinh mạng, vào địa ngục đau khổ. Nhưng anh may mắn có cơ hội quay đầu. Cô đã cho anh cơ hội đó. Phải làm sao để báo đáp ân tình và sự khoan thứ của cô đây? Ký ức anh không muốn nhớ lại có lẽ sẽ biến thành những gông cùm mới theo thời gian. Nhưng anh sẽ chứng minh cho cô thấy, anh sẽ dùng tấm lòng thuần khiết và chân thành nhất để yêu cô suốt đời nay.

Cơ thể cô khẽ cuộn lại, anh đẩy cô tới mép giường, vươn tay nắm lấy cột giường, cần cổ đẹp tuyệt ngửa lên, anh gọi tên cô, khiến từng tấc da thịt cô nóng rẫy, cô sa vào thứ tình cảm như một ngọn lửa của anh, phát ra tiếng than thở mà đến chính bản thân cũng khó lòng tin nổi.