9. Bí truyền
Lâu lắm rồi tôi mới lại đến cửa hàng bách hóa với mẹ. Kiểu mua hàng của mẹ dứt khoát như đàn ông, luôn có mục đích trước khi đến, không do dự, hoặc nếu thấy thích thứ gì đó thì sẽ quyết định mua ngay, không bao giờ đụng đến những thứ không nằm trong kế hoạch. Trong bất cứ chuyện gì và lúc nào cũng vậy, thứ mẹ muốn luôn được xác định trước, đến mức làm tôi nghĩ, chẳng nhẽ nhãn quan của mẹ chỉ hạn hẹp như vậy thôi sao. Tôi có cảm giác như em chỉ cần thấy thích là đủ, và cho dù có bỏ đi một chi tiết nào đó cũng vẫn ổn cả. Tôi chẳng còn hiểu chuyện gì vào với chuyện gì nữa. Có lẽ, nó cũng giống như những cung bậc không thể cưỡng lại được của một con người, như những đêm mênh mang trống rỗng chẳng rõ nguồn cơn, những cơn cuồng nộ không thể nào kìm lại, sự hờn gét sinh ra từ chính tình yêu, con tim nhói đau bởi ghen tuông, nỗi khát khao đến tưởng như tan nát cõi lòng. Đúng, trong con người của mẹ rõ ràng có một cái gì đó vượt quá mức bình thường. Đôi lúc tôi cũng không hiểu mẹ giải quyết chuyện đó như thế nào. Dù sao thì tôi vẫn có cảm giác mình có thể hiểu được bằng một cách nào đó. Mẹ không bao giờ định che giấu nó qua việc mua sắm hay thể hiện bột phát những tình cảm ngược đời. 
Vậy thì bằng cách nào? 
Có lẽ đó chính là cái mà ta vẫn gọi là "Mọi chuyện đều ổn cả." Thậm chí cả khi có trục trặc, bà vẫn ngẫng cao đầu, mở to mắt, cố gửi đi cái thông điệp rằng mọi chuyện vẫn ổn cả, và cùng lúc ấy, cố gắng kéo cái "Mọi chuyện đều ổn cả" ấy về phía mình. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cái năng lực, cái sức mạnh ý chí ấy. Tôi không thể làm được giống như vậy. 
Mỗi lần tôi đến cửa hàng bách hóa thì hoặc là thấy cái gì cũng muốn mua, hoặc là chẳng muốn mua gì và chễm chệ ngồi xem tivi màn hình khổ lớn tới cả tiếng, chỉ một trong hai trường hợp ấy. Đột nhiên hôm nay mẹ lại rủ tôi cùng đi và dù chẳng định mua gì, nhưng vì mẹ đã hứa sẽ mua cho tôi một chiếc áo khoác để cảm ơn công tôi xách đồ nên cuối cùng tôi cũng đi. Không cưỡng ép sở thích người khác, không so đo chuyện tiền nong, những lúc này mẹ thật vô cùng tươi trẻ. 
Cuối cùng thì trong lúc đang uống trà trước khi về, mẹ tôi cũng hỏi: 
- Sao? Kochi thế nào? 
- Cũng chẳng có gì đặc biệt cả. Chỉ đơn giản là đi nghỉ cho thư giãn đầu óc thôi mà mẹ! Tôi đáp. 
- Về đến nơi là Yoshio bắt đầu trở lại trường ngay. Mẹ cứ thự hỏi không biết tâm trang có thay đổi gì mà lại thế! Mẹ tôi vừa nói, vừa nhìn tôi mỉm cười. 
Đôi mắt to tròn, nhìn thẳng rất đỗi bình thường, với một ánh mắt rất thẳng thắn khiến khi bị nhìn như thế, thật khó để giấu lòng mình. Dù mẹ đang cáu giận, hay chìm trong buồn đau, chỉ có đôi mắt trong trẻo đến kỳ diệu ấy là không thay đổi. Mayu cũng có đôi mắt như vậy chăng?! Nghĩ đến đó, cũng phải nói thêm là, lúc này trí nhớ của tôi vẫn có phần chưa rõ ràng lắm, nhưng mỗi lần lờ mờ nhớ về Mayu, thì hoặc nó đang cười, hoặc đang nhìn bằng đôi mắt trong veo như mắt mẹ. Hẳn là đôi lúc, tôi cũng nhìn dán vào người khác bằng cái nhìn có phần hơi khiếm nhã ấy chăng, để rồi họ buộc phải giải phóng chính mình, hay buộc phải trở nên thành thật. Cũng có thể điều đó làm gợi lên trong lòng họ một nỗi hoài cảm kỳ lạ, nửa bối rối, nửa yêu thương, cũng giống như tâm trạng của tôi vào lúc này. 
- Có thể nó thực sự cần có một người cha! Tôi nói. 
- Tại sao? Mẹ tôi hỏi. 

Bách hóa, một chiều giữa tuần. Phòng uống trà có thể nhìn được xuống phía dưới lúc này vẫn đang thưa khách. Tôi uống một cốc cà phê đặc và nóng, còn mẹ uống cà phê espresso. Mọi cảnh vật xung quanh đều sáng lóng lánh trong tiết đầu xuân, tràn đầy sinh lực. Những ống tay áo xắn cao, tán lá xanh lay động trong gió, ánh mặt trời lấp lánh nơi viền lá, hương thơm trong không gian, tất cả đều không ngừng chuyển động. 
- Vì thằng bé rất thích Ryuichiro. Cả chuyện đến trường cũng do nó quyết định sau khi suy nghĩ về những gì Ryuichiro nói đấy! Tôi đáp. Cái lối dẫn dụ ấy, chúng ta có khó lòng mà làm được, vì cả bốn người phụ nữ đã nuôi dạy nó như một món đồ chơi ấy. 
- Không đâu! Con nhầm rồi! Vì cậu ấy là người ngoài thôi! Mẹ tôi nói gỏn lọn. Con biết đấy, với người ngoài, muốn giả bộ bao nhiêu chẳng được. Những lúc làm nũng hay cãi lại có bị ai thấy bao giờ đâu. Dù là Ryuichiro thì cũng vậy thôi. Thực tế, cậu ấy có trực tiếp chăm sóc nó đâu. Cái khoảng cách như lúc này là lý tưởng đấy. Cảm nhận như bây giờ là rất cần thiết. Cách xa nhau thì sẽ trở thành chỗ dựa, thành anh hùng, nhưng một người đàn ông dù tốt đến mấy, nếu trở thành một người cha sống cùng nhà thì sớm muộn thằng bé cũng sẽ tìm ra nhược điểm và lấy đó để coi thường mất thôi. Mẹ nghĩ thằng bé là thế đấy! 
- Nói như mẹ cũng đúng thôi! Tôi đáp. 
- Đúng chứ lại! Mẹ tôi cười, châm một điếu thuốc. 
- Vậy chắc là không có vấn đề gì! Tôi nói. Công nhận vui thật. Biển cũng rất đẹp nữa. 
- Hai đứa con tạo thành một cặp, chắc chắn và ăn ý. Tuyệt lắm! Mẹ thấy vậy đấy! Mẹ tôi nói. 
- Con, với Yoshio á?! Tôi hỏi. 
- Ừ! Mẹ tôi cười. 
- Con, so với một đứa còn đang học tiểu học ư? 
- Không, không phải ý đó. Cả hai đứa đều có cái gì đó đi quá xa. Mayu cũng vậy những nó còn có rất nhiều điểm bình thường nên nếu sống với một người khác, nó đã không chết như thế. Chính vì đó là Ryuichiro nên nó đã gắng gượng dùng chính cái phần khác thường của mình để giao tiếp với cậu ấy. Không phải mẹ oán hận gì Ryuichiro, nhưng mẹ nghĩ thế thật đấy. Ryuichiro có khi hợp với con hơn. Có cảm giác như thế. Bởi vì con bình thản đến mức đáng ngạc nhiên đối với những gì có trong máu của chính mình. 
- Con nghĩ là mình hiểu. Tôi nói. 

- Có lẽ cái cần thiết đối với Yoshio là sức mạnh và tình yêu! Mẹ tôi nói. 
- Tình yêu? 
Tôi vẫn nhớ mới đây, cô Junko cũng nói gần giống như vậy. 
- Con nhiều lý thuyết quá, nghĩ nhiều quá, suy đi tính lại và cuối cùng để lỡ mất cơ hội, mòn mất chính mình. Hãy cứ ở ngay đó, sáng vụt lên, hoành tráng và rực rỡ. Tình yêu, đó không phải là một mỹ từ, cũng không phải là một lý tưởng, nó nói lên trạng thái cần phải có của sự hoang dã bản năng ấy. 
- Cái đó, có phải sẽ làm những ai tôn trọng phụ nữ nổi giận phải không ạ? Tôi hỏi. 
Mẹ luôn giải thích rất vụng về và không giỏi dùng ngôn từ. Mẹ vẫn hay nói như thế, theo cái kiểu lòng vòng mà chỉ có mẹ mới hiểu. 
- Không phải! Con... đúng là chẳng hiểu gì cả! Mẹ tôi nói. Mẹ đang nói về cái mà con người có thể làm được ình và cho người khác kia. Cái đó, là tình yêu, đúng không?! Có thể tìm một người khác đến đâu, đúng không?! Cần phải dùng đến bao nhiêu sức lực, và lo lắng thế nào! 
- Nghĩa là, tình yêu là một ký hiệu diễn tả một trạng thái? 
Nghe tôi hỏi vậy, mẹ cười: 
- Nói hay lắm! 
Lúc đó, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đã khẽ chạm được vào tâm hồn ấy. 
- Nhìn các con, mẹ cứ có cảm giác các con thiếu sức tập trung cần thiết, dừng lại giữa chừng nhiều quá. Hãy cứ sống và tiến về phía trước đi! Mẹ tôi tiếp tục. 

- Mẹ à, những chuyện đó, mẹ hãy nói cho cả Yoshio nhé! 
Nghe tôi nói vậy, mẹ tôi hỏi lại: 
- Nghe cứ như đang kể lể vậy, liệu có sức thuyết phục với nó không? 
- Không có chuyện đó đâu mẹ. Vả lại, nó cũng muốn mẹ quan tâm tới nó nhiều hơn nữa đấy! Tôi nói. Mà... mẹ cũng có suy nghĩ riêng của mình đấy chứ! 
- Chứ lại không à! Trông như chẳng nghĩ ngợi gì bao giờ đúng không?! Mẹ tôi bật cười, giọng pha chút tự mãn. 
Và mẹ ráo riết thực hiện ngay. Hôm đó, em tôi về nhà giữa bữa cơm chiều. Mẹ, tôi, cô Junko đang ăn cơm. Đeo chiếc ba lô đen, mặc quần soóc, trông thằng bé đúng là một học sinh tiểu học, tôi nghĩ thầm, và bỗng cảm thấy đôi chút phấn chấn. Hình ảnh đó tràn đầy sinh khí, đến mức chỉ cần nhìn thấy cũng đủ làm cho người ta phấn chấn. Thằng bé vừa xem tivi, vừa chén tôm rán phồng cả má, như chưa từng có chuyện gì bất thường xảy ra. Có vẻ như nó đang rất kiên cường ngăn chặn tất cả những gì đang muốn cố xâm chiếm lấy nó. Đúng lúc đó, mẹ tôi đột nghiên hỏi: 
- Yoshio! Có thấy ngon không? Con có cảm nhận được đầy đủ mùi vị của thức ăn không? 
Em tôi trả lời, mặt nghệt ra: 
- Có, ngon lắm. Cô Junko rán phải không ạ? 
- Sai rồi! Chị mua dưới ga tàu điện ngầm gần tiệm cơm Isei đó! Tôi đáp thay. 
- Cô chỉ không biết làm mỗi món rán thôi. Sợ lắm! Lần nào cô vớt lên cũng chưa chín hẳn. Mà dọn dẹp sau đó mới khiếp chứ! Mấy câu chống chế vụng về của cô Junko tự nhiên khiến cho bầu không khí gia đình ấm cúng hẳn, hệt như một làn hương ôliu của mùa thu trong không khí, nhẹ nhàng mà rõ nét, hoài nhớ và dịu ngọt. 
- Nào, thêm một câu nữa nhé! Mỗi sáng tỉnh dậy có thấy vui không? Hết một ngày có thấy vui không? Tối đến, trước khi đi ngủ có thấy khoan khoái không? 
- Ừm... Cái đó thì cũng chỉ bình thường thôi. Nhất là đêm thì mệt lắm...! Thằng bé trả lời, nghiêm túc như đang tham gia một trắc nghiệm tâm lý. 
- Một người bạn đi từ phía trước lại. Có vui không? Hay ngại? Trí não có thu nhận phong cảnh trước mặt không? Âm nhạc thì sao? Giờ hãy nghĩ đến nước ngoài nhé. Có muốn đi không? Có thấy hồi hộp không? Hay chỉ thấy phiền toái? 

Mẹ tôi hỏi, bài bản như đang đọc lời thoại trên sân khấu kịch. Tôi hơi ngạc nhiên. Một trạng thái khó tả. Giọng mẹ trong trẻo, vang vọng và truyền cảm, tưởng như chỉ cần nhắm mắt lại là sẽ thấy một người bạn đang từ từ tiến lại, hoặc phong cảnh một đất nước xa xôi nào đó. Tất cả chúng tôi đều lắng nghe chăm chú. 
- Con có mong chờ ngày mai không? Ngày kia thì sao? Tương lai thế nào? Có háo hức không? Hay lạc quan? Ngay bây giờ thì sao? Hiện tại vẫn ổn cả chứ? Có hài lòng với bản thân mình không? 
- Con thấy có vẻ như mọi thứ đều ổn cả, ít ra là trong lúc này! Em tôi đáp. 
Tôi cũng thấy mọi thứ tạm ổn. 
- Có vẻ ổn cả nhỉ! Cô Junko cũng trả lời. Mà Yukiko này! Chuyện này là sao?! Cậu đọc trong sách nào đó hả?! 
- Chuyện này ấy hả?! Mẹ tôi nhìn em tôi với đôi mắt to tròn, mỉm cười. Một món bí truyền về cuộc đời tớ học từ ông tớ, gọi là "check point" (điểm kiểm tra (tiếng Anh trong nguyên bản) - ND) đấy! 
- "Check point"! Cụ mà cũng dùng từ đó hả mẹ?! Tôi ngạc nhiên hỏi. 
- Không! Không phải! Mẹ tôi đáp. Cụ gọi là "Bí truyền". Chắc con cũng phải biết quê mình có nghề làm bánh kẹo truyền thống đúng không? Cụ con luôn chăm chỉ làm việc, và bánh kẹo của cụ làm ra ngon đến mức trước cửa hiệu luôn có người đứng xếp hàng, thậm chí có nhiều người từ tận vùng Tohoku cũng tìm đến mua nữa. Cụ là một người tuyệt vời, luôn vui vẻ đến mức mọi người ở gần cụ cũng khỏe lây, thương yêu vợ con, cháu chắt hết mực, đến tận chín mươi tuổi cũng không hề bị lẫn, vẫn đầy sức hút và tiếp tục làm việc, để rồi ra đi thanh thản ở tuổi chín mươi nhăm. Từ hồi bọn mẹ còn nhỏ, cụ đã dạy cho điều này. Cụ còn dặn hãy dạy lại cho cá các con của mình nữa cơ. Chỉ có điều, cụ có dặn thêm một chuyện, mà cụ bảo riêng chuyện này, nếu không gìn giữ và truyền lại thì mọi chuyện khác sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. 
- Chuyện gì ạ? Em tôi há hốc miệng, chăm chú lắng nghe. 
- Cụ bảo "Hãy nhìn kỹ mắt ta khi ta nói, hãy nhớ kỹ cái cách ta nói, cả bầu không khí của căn phòng. Khi các con chuẩn bị truyền đạt lại điều này cho ai đó thực sự quan trọng với các con, nếu đôi mắt hay giọng nói của các con kém tự tin hơn ta lúc này, dù chỉ là một chút, nếu cảm thấy không khí trong căn phòng lúc đó lạnh lẽo, mờ nhạt hơn lúc này, dù chỉ là một chút, thì tốt nhất là đừng có nói gì cả. Vì cái cần truyền đạt không phải là bản thân câu chuyện. Điều quan trọng nhất là phải truyền tải toàn bộ trạng thái tâm hồn lúc này của ta. Hãy chỉ nói điều này khi tất cả mọi thứ đạt trạng thái ít nhất là bằng hoặc hơn lúc này." Mẹ đã quan sát thật kỹ. Mọi người có mặt lúc đó là cụ ông, cụ bà, ông, bà, mẹ, dì và hai cậu con. Mẹ cảm thấy một nguồn năng lượng tràn đầy cả căn phòng, như sáng láng hơn, ấm áp hơn, đến mức của hiệu như hơi nghiêng đi. Cụ nói với đôi mắt long lanh hơn, giọng nói trầm lắng hơn ngày thường. Có cảm giác dù xảy ra bất kỳ chuyện gì, chỉ cần có con người này ở bên cạnh là mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Mình phải nhớ thật kỹ cái cảm giác lúc này mới được, mẹ tự nhủ, không phải từ ngữ, không phải thứ tự, mà là một cái gì đó thậm chí nếu nhìn kỹ quá, nghe kỹ quá thì sẽ quên, một cái gì đó phải tiếp nhận bằng cả lồng ngực, và khi đã cảm nhận được nó rồi thì không thể phung phí, phải gìn giữ cho bằng được cả sự tươi mới của nó. Gần đây, mẹ nhớ lại chuyện đó và hôm nay đã quyết định thử nói với các con. Mẹ cũng không biết mình làm có tốt không nhưng mẹ nghĩ chắc cũng ổn! Mẹ tôi nói. 
- Những lúc khó khăn, có thể tự hỏi, tự đáp đúng không ạ? Tôi hỏi. 
- Đúng! Đúng thế! Nhưng tuyệt đối không được lừa dối bản thân, cho dù câu trả lời có là "Không", "Không ổn", "Thật phiền toái" cũng được. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, hãy nhắm mắt lại và "Thành Thực" hỏi mình. Dù cho những ngày đen tối có dài đến mấy cũng phải tiêp tục tự hỏi. Sự dũng cảm bình dị đó sẽ làm nên một cái lõi trong ta. Có lẽ cũng giống như tôn giáo, nó là một trong những thứ chúng ta cần để sống! Mẹ tôi nói. Nhưng chắc chắn không phải cứ hỏi thế hàng ngày là được. Không được bằng lòng với việc hàng ngày ta vẫn đang tự hỏi, vì như thế, cả khi mọi chuyện đang xấu đi, ta cũng sẽ không nhận thức được. Tự cất giọng u uẩn, lừa dối mình rằng mọi chuyện vẫn tốt đẹp cả cũng chẳng đi đến đâu. Nhất định không được lừa dối bản thân. Mẹ có bốn chị em, người thì công ty bị phá sản, người thì ly hôn, nhưng không biết có phải nhờ sự giáo dục đó của ông bà không mà ai cũng vẫn rất khỏe mạnh.