Tác giả: Arthur Golden
Thể loại: Truyện Khác
Giới thiệu:
Vào một buổi tối mùa xuân năm 1936, khi tôi còn là một chú bé 16 tuổi, bố tôi dẫn tôi đi xem trình diễn ca nhạc múa ở Kyoto. Tôi chỉ nhớ hai điều về buổi trình diễn đó. Điều thứ nhất là bố tôi và tôi là hai người Tây duy nhất trong đám khán giả, chúng tôi mới từ quê nhà Hòa Lan sang đây được mấy tuần, cho nên tôi chưa quen với nền văn hóa xa lạ ở xứ này, nhưng tôi cảm thấy rất hấp dẫn. Điều thứ hai là nhờ sau nhiều tháng ra sức học tiếng Nhật, tôi cảm thấy thú vị biết bao khi hiểu được phần nào những câu chuyện họ nói với nhau. Riêng về các thiếu nữ Nhật đang ca múa trên sân khấu trước mặt, tôi không nhớ được gì, ngoại trừ hình ảnh lờ mờ về chiếc kimono màu sắc tươi sáng. Ở một nơi xa với nước Nhật như New York city này, và với khoảng thời gian đã gần 50 năm, nếu không có người phụ nữ đã từng múa trên sân khấu ở thành bạn thân của tôi, đọc cho tôi ghi lại hồi ức của bà ta, thì chắc tôi sẽ không biết gì hết về nền văn hóa đó.
Vì là sử gia, cho nên tôi luôn luôn xem hồi ức là nguồn tài liệu quan trọng. Hồi ức cung cấp tài liệu về xã hội đương thời nhiều hơn chính bản thân của người viết hồi ký. Hồi ký khác với tiểu sử ở chỗ người viết hồi ký không bao giờ hòan tất được kêt cuộc, còn người viết tiểu sử đương nhiên là có. Nếu xem hồi ký là tự nguyện thì chẳng khác nào yêu cầu con thỏ kẻ lại cho chúng ta nghe về cánh đồng mà nó đã nhảy qua. Làm sao nó biết được? Còn nếu chúng ta muốn biết cánh đồng, muốn nghe nói đến những nơi con thỏ không thể thấy được thì chẳng có ai có hoàn cảnh thuận tiện hơn để nói.
Tôi nói chuyện này với tinh thần của một nhà sử học, căn cứ trên các dữ kiện chính xác. Thế nhưng tôi phải thú nhận rằng hồi ký của bà bạn Nitta Sayuri của tôi đã khiến cho tôi phải suy nghĩ lại quan điểm của mình. Đúng thế, bà ấy đã lý giải cho chúng ta hiểu được phần nào thế giới bí mật mà bà đã sống – nếu quý vị muốn nói đấy là quan điểm của con thỏ về cánh đồng cũng được. Chắc không có một tài liệu kỳ lạ nào nói về đời sống kỳ lạ của nàng geisha đầy đủ, hay hơn tài liệu mà bà Sayuri đã cung cấp cho chúng ta. Bà còn để lại cho chúng ta tài liệu nói về bà hết sức đầy đủ, chính xác, có sức thuyết phục hơn cả chương sách nói dông dài về bà trong cuốn “Những viên ngọc lóng lánh của nước Nhật” (Glittering Jewels of Japan), hay hơn cả những bài viết về bà đăng trên các tạp chí xuất bản trong những năm vừa qua. Ít ra thì đây cũng là trường hợp hy hữu, vì không ai biết rõ người viết hồi ký bằng chính đương sự được.
Việc bà Sayuri nổi tiếng như cồn chỉ là chuyện may mắn. Nhiều phụ nữ khác đã sống như bà. Bà Kato Yuki danh tiếng – nàng geisha đã chiếm được trái tim của ông J. Pierpont, và trở thành vợ ngoại hôn của ông trong suốt thập niên đầu tiên của thế kỷ này – đã sống cuộc sống còn hy hữu hơn cả bà Sayuri nữa. Nhưng chỉ có Sayuri mới cung cấp cho ta tư liệu về đời bà đầy đủ như thế này.
Tôi tin rằng bà quyết định làm công việc này là do tình cờ mà ra. Nếu bà vẫn còn ở bên Nhật, chắc cuộc sống của bà sẽ hết sức bận bịu, bà không thể nào tính đến chuyện viết hồi ký được. Thế nhưng, vào năm 1956, hoàn cảnh đã đưa đẩy bà Sayuri di cư sang Hoa Kỳ. Bà đã ở tại khách sạn Waldorf ở New York 40 năm, bà biến căn hộ ở trên tầng thứ 32 của khách sạn này thành một ngôi nhà theo kiểu Nhật tuyệt đẹp. Nhưng cuộc sống của bà ở đây cũng rất nhộn nhịp, căn hộ của bà luôn luôn có nhiều nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân Nhật lui tới – thậm chí có cả các ông Bộ trưởng trong nội các và một vài găng tơ nữa. Mãi cho đến năm 1985, nhờ có người quen giới thiệu, tôi mới gặp được bà. Là người nghiên cứu về nước Nhật, tôi đã biết tên tuổi của Sayuri, nhưng hầu như tôi không biết tí gì về bà hết. Nhờ tình bạn ngày càng thắm thiết, bà tin tưởng vào tôi. Một hôm, tôi xin phép bà cho tôi viết về câu chuyện đời bà.
Bà trả lời tôi:
- Được thôi, Jakob-san, nếu ông đích thân ghi âm lời kể của tôi.
Thế là chúng tôi bắt đầu công việc. Sayuri nói rằng bà muốn đọc hồi ký hơn là viết, vì bà đã quen nói mặt đối mặt với người khác, chứ bà không biết cách viết lách ra sao khi ngồi một mình trong phòng. Tôi đồng ý, và bản thảo của tôi đã được bà đọc cho chép 18 tháng liền. Tôi không rành tiếng thổ ngữ ở Kyoto của Sayuri – như các nàng geisha được dân ở đấy gọi là geiko, áo kimono thì được kêu là Obebe – nên khi bắt tay vào việc, tôi đã phải rất vất vả mới dích được đúng nghĩa của chúng. Ngay từ đầu, tôi đã bị thế giới của bà cuốn hút. Chúng tôi thường gặp nhau vào các buổi tối, vì theo thói quen lâu ngày của Sayuri, buổi tối là lúc tinh thần của bà linh họat nhất. Thường bà thích làm việc trong căn phòng của bà ở khách sạn Waldorf Towers, nhưng thỉnh thỏang chúng tôi gặp nhau trong căn phòng riêng tại một nhà hàng Nhật nằm trên đại lộ Park Avenue, ở đây mọi người đều biết bà. Những buổi làm việc của chúng tôi thường kéo dài hai hay ba giờ. Mặc dù chúng tôi thu băng lời lẽ của bà, nhưng buổi làm việc nào cũng có người thư ký của bà ở đấy để ghi chép, và cô ta đã ghi chép rất trung thực. Nhưng Sayuri không nói vào máy ghi âm hay nói với cô thư ký, bà luôn luôn nói với tôi. Khi bà không nhớ mình đã nói đến đâu, tôi là người nhắc cho bà nhớ. Tôi xem mình như nền móng của ngôi nhà, và tôi cảm thấy nếu tôi không có được lòng tin của bà, thì chắc không bao giờ bà kể ra câu chuyện này.
Điều khiến chúng tôi thắc mắc nhất là tại sao bà Sayuri muốn kể ra câu chuyện này? Không có luật lệ chính thức nào buộc giới geisha giữ im lặng, nhưng họ đã quen với điều này rồi. Giới geisha không kể những chuyện đã xảy ra với họ cho người ta ghi chép. Giống như gái điếm, giới geisha thường phải đứng vào vị trí bất thường không nên đả động đến người này người nọ đã mua vui với họ. Loài bướm đêm này phải giữ được niềm tin nơi khách hàng của họ thì họ mới có lợi, bằng không, họ sẽ gặp nhiều điều không hay. Trường hợp bà Sayuri kể ra chuyện của mình là vì không có ai ở nước Nhật có khả năng khiển trách bà được nữa. Sợi dây ràng buộc bà với quê cha đất tổ đã bị cắt đứt. Điều này ít ra phần nào đã cho chúng tôi biết lý do tại sao bà không cần phải giữ im lặng, nhưng họ cũng không cho chúng tôi biết tại sao bà muốn kể lại. Tôi sợ không dám hỏi bà lý do này, nhỡ ra bà thận trọng mà đổi ý thì sao. Thậm chí bản thảo đã hòan tất rồi mà tôi cũng không dám hỏi. Chỉ sau khi bà đã thỏa thuận với nhà xuất bản rồi, tôi mới thấy an tâm để hỏi:
- Tại sao bà muốn kể lại chuyện đời bà?
- Không kể thì tôi làm gì cho hết thì giờ? – bà đáp.
Cái lý do đơn giản như thế này có đúng hay không, tôi xin nhường lại quyền nhận định cho bạn đọc.
Mặc dù Sayuri đồng ý kể lại chuyện đời bà, nhưng bà vẫn đưa ra một số điều kiện. Bà muốn tác phẩm được in ra khi bà đã qua đời và các nhân vật quan trọng có liên quan đến đời bà không còn nữa. May thay, sô nhân vật này đã chết trước bà. Bà lo sợ việc cuốn sách ra đời sẽ khiến họ hoang mang bối rối. Tên các nhân vật trong truyện một số được giữ nguyên, một số được bà Sayuri giấu đi bằng cách chỉ gọi biệt danh của họ, như ông “Mưa tuyết” chẳng hạn.
Khi tôi yêu cầu bà Sayuri dùng máy ghi âm để ghi lại lời kể của bà, là tôi cốt đảm bảo việc dịch lại câu chuyện của bà cho chính xác. Tuy nhiên, từ ngày bà mất vào năm ngóai, tôi nhận ra việc ghi âm còn mang một ý nghĩa khác, là nó giữ lại giọng nói của bà – giọng nói biểu cảm mà tôi hiếm khi được nghe thấy từ người khác. Bây giờ, mỗi lần mở băng ghi âm ra để nghe lại giọng nói của bà, tôi thấy khó mà tin được việc bà đã từ giã cuộc đời này.
Jakob Haarhuis
Arnold Rusoff Giáo sư lịch sử Nhật
Đại học New York