239. Sinh nhật của ba vào tháng giêng, mấy người lớn tuổi chỉ có sinh nhật theo lịch âm. Hình như tôi chưa bao giờ ăn một sinh nhật thực sự nào của ông, bản thân ông không chú ý đến ngày sinh nhật của mình. Tôi với chị tổ chức sinh nhật cho ba, mẹ rất nể mặt.

Cả nhà buổi tối ăn bánh kem, tắt đèn, chúng tôi ồn ào bảo ba cầu nguyện. Ông nghe lời lóng ngóng chắp tay, nhắm mắt lại, có phần giống trẻ con. Mũi tôi cay sè.

Duyên phận của chúng tôi cả đời này, cho dù ông có sống lâu trăm tuổi, chúng tôi vẫn cảm thấy quá ngắn ngủi.

240. Có con nít trong nhà thì nhà cửa như bị hủy diệt, cầm gì trong tay cũng muốn ném xuống đất. Không vui thì còn cau mày xụ mặt, còn nhỏ như vậy mà tính tình đã dữ dội, giận dỗi thì không thèm chú ý đến người khác. Tôi hay đánh nó, nó lại hay nổi điên với tôi. Lúc tốt thì cực kỳ tốt. Vui buồn bất thường.

Từ tiên sinh nói tôi giống con nít, tính tình sao nóng nảy. Tôi hỏi anh: “Sau này nếu con lấy điện thoại anh ném vào bồn cầu, anh sẽ cười tha lỗi cho nó sao?”

Anh lắc đầu.

Tôi lại hỏi: “Sau này con anh lấy son của vợ anh đập xuống đất, anh sẽ cười tha thứ cho nó sao?”

Anh lắc đầu.

“Vậy anh im lặng đi. Em đánh nó một trận còn chưa hả giận.”

Từ tiên sinh cười ha ha, y như đồ ngốc.

Tôi lườm anh, anh vẫn tiếp tục cười. “Con chúng ta nhất định anh sẽ dạy dỗ tốt, chắc chắn không để cho nó phá đồ của em, muốn ném thì ném đồ anh.”

Đây là đàn ông ba mươi. Qua thời kỳ yêu đương thì một lòng một dạ muốn đóng vai cha.

241. Tôi là kiểu mau giận mau nguôi, cơ bản không cần ai dỗ. Nếu muốn dỗ cũng không dễ dỗ, tôi không thích ăn ngọt, không thích trà sữa, không thích ăn kem, cũng không thích uống cà phê.

Từ tiên sinh tặng tôi nhiều nhất là mỹ phẩm, trang sức.

Về cơ bản tình hình kinh tế chúng tôi hợp ý nhau, mua đồ có ích.

Một nửa phòng làm việc của Từ tiên sinh cho tôi trưng dụng. Sau này tôi không có nhiều thời gian rảnh nên rất ít đọc sách, thậm chí còn bỏ cả việc đọc sách trước khi ngủ.

Sách mua về đọc chập chà chập chõm.

Tối, tôi kéo Từ tiên sinh xếp sách lại, sách của anh không nhiều. Sách linh tinh của tôi rất nhiều, một người xuất thân học tài chính mà một quyển sách tài chính cũng không có. Sách linh tinh của tôi đủ thứ nên khó phân loại. Từ tiên sinh hỏi tôi: “Em đọc hết sách này chưa? Hay là em dựa theo nội dung phân loại đi.”

Tôi nói dối: “Gần như đọc qua hết rồi.”

Thấy tôi nói cho có, cầm quyển “Đời này kiếp này” của Hồ Lan Thành* hỏi: “Em ấn tượng nhất hồng nhan tri kỷ nào của Hồ Lan Thành? Không tính Trương Ái Linh.”*

“Em thích viết về Chu Thiên Tâm.”

Có vẻ Từ tiên sinh đã đọc qua quyển này, hỏi tôi: “Tại sao?”

“Tình yêu tuổi già, tuổi già suy tàn được viết rất da diết. Chu Thiên Tâm yêu ông ấy tha thiết. Ba chị em nhà họ Chu đều bị ảnh hưởng bởi văn phong của ông ấy. Trừ việc tình cảm bừa bãi, nhân phẩm có vấn đề thì văn ông ấy thực sự rất đẹp.”

Anh ngạc nhiên với ý kiến tôi, có vẻ hơi thương cảm: “Anh tưởng em không thích loại văn chương xuân thương thu buồn thế này.”

Tôi nói thật, “Hồi mười mấy tuổi em rất thích Giản Trinh*.”

Chúng tôi bỗng nhớ đến quyển sách anh từng đọc qua trong phòng tôi “Nữ nhi hồng”, vẻ bình lặng của anh khi đó tôi vẫn còn nhớ.

Anh không phải bình tĩnh lắm, trầm giọng nói: “Anh không thích không chịu trách nhiệm. Tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ, hôn nhân có đôi khi sẽ trộn lẫn những điều này với nhau. Anh hy vọng hôn nhân của chúng ta không là gánh nặng đối với em, em thích, không thích, trước sau vẫn vậy, em vẫn yêu ghét rõ ràng. Anh thích nhìn ánh sáng trong mắt em, đó là đốm lửa trong anh.”

Ai nói đàn ông 30 không nói lời âu yếm. Đúng là hùng biện.

Tôi từng đọc một quyển sách nói: Chúng ta đều thích ánh sáng, tuy là giây phút lướt qua nhưng anh vẫn là anh, một cái tên khiến tim em run lên khi gọi.

Anh luôn có thể chạm đến sự mềm mại trong lòng tôi.

242. Lễ đính hôn thực ra rất đơn giản, cha mẹ hai bên ăn cơm chung, làm quen nhau, xác định chuyện hôn nhân mấy người trẻ.

Chị tôi nhìn quân số nhà Từ tiên sinh, nhìn lại quân số nhà tôi, thì thầm: “Cảm giác khí thế nhà chúng ta thua rồi.”

Nhà chúng ta có nhiêu người vậy, may mà tôi còn không phải con một. Tôi có thể làm gì chứ? Cũng đâu thể thuê người thân?

Ông bà nội, ông bà ngoại, hai nhà ba mẹ Từ tiên sinh đều đến, còn có em trai em gái. Số lượng người đáng kể.

Bầu không khí rất tốt, toàn bộ là do ông nội anh lên tiếng, uyển chuyển, khéo léo kể chuyện này kia để chứng tỏ cháu trai mình thật sự rất tốt, hy vọng ba tôi cũng có thể thích anh.

Một ông cụ hiền lành, tốt bụng.

Vì những lá thư trước kia mà cho dù chưa từng gặp nhưng tôi đã rất thích ông.

Hai gia đình gặp nhau rất dễ chịu.

Đến tối về, chị mới nói với tôi: “Lúc em đi chào gia đình bên kia thì rất giống như đi hy sinh. Chị thấy rất bi tráng.”

Chị có thể đừng biến chuyện đám cưới em gái mình thành chuyện cười. Chị làm tôi cứ muốn cười, còn cười không dừng được…

Buổi tối Từ tiên sinh phải lo cho người nhà, tôi điện thoại cho anh, hình như anh mới uống rượu, giọng nghe phiêu phiêu, hỏi: “Em về đến nhà rồi à?”

Tôi hỏi anh: “Anh đang ở đâu?”

Anh buột miệng: “Nhà mình. Anh hơi say.”

Trong bữa tiệc rõ ràng anh không uống rượu.

Anh nói thật: “Em họ nhiều chuyện nói chúng ta yêu sớm từ thời trung học. Cả nhà…”

Từ tiên sinh ba mươi mấy tuổi cuối cùng cũng kết hôn, cả nhà đều vui.

Tôi bật cười.

Anh không vui: “Anh chưa ăn gì đã uống rượu, em còn cười?”

Tôi không nhịn được cười to hơn.

Anh cũng cười theo.

Không hiểu nổi.

Tóm lại, đại khái là hạnh phúc, tương lai chúng tôi chính là người một nhà.

++++++

Ghi chú:

Trương Ái Linh: nhà văn nổi tiếng, được xem là tác giả xuất sắc nhất trong thời đại bà sống. Tác phẩm tiêu biểu: Sắc giới, Tình yêu khuynh thành. Hồ Lan Thành là người chồng đầu tiên, ông có nhiều mối quan hệ ngoài hôn nhân. Hai người ly hôn năm 1947.

Chu Thiên Tâm: Nhà văn Đài Loan, được xem là tác giả hàng đầu Đài Loan về cuộc sống trong các làng của những người trong quân đội. Cha là nhà văn quân đội, mẹ là dịch giả. Bà có 2 chị em gái cũng là nhà văn.

Giản Trinh 简媜: nhà văn Đài Loan, giành được nhiều giải thưởng văn học khác nhau. Một số tác phẩm nổi tiếng: Thủy vấn, Nữ nhi hồng, Bảy mùa, Nơi tận cùng thế giới…