Chương 45: Xây phòng 2

(nguoinaodo.wordpress.com)

(Xuyên Việt Chi Thanh Thanh Mạch Tuệ)

.

Đem mọi việc xử lý ổn thỏa xong, thứ nên làm thì làm, thứ nên thu thì thu. Công việc cũng chẳng có nhiều, lại có thêm sự hỗ trợ của Tây Minh Vũ hỗ trợ, nên tốc độ làm việc năm nay nhanh hơn khá nhiều.

Sau khi thu hoạch lương thực xong, Tây Minh Vũ lại theo đại ca tới Ngạn Tuy thành, nhờ vả Tôn Diệp liên hệ giúp họ với thợ đào giếng. Sau khi ông chủ nhận lời mời liền dẫn theo vài đồ đệ về thôn Liên Hoa, bên cạnh còn xách theo khá nhiều đồ chuyên dụng.

Cả thôn Liên Hoa chỉ có duy nhất một miệng giếng lớn nằm ở giữa thôn, người dân nếu muốn dùng nước thì phải tự mình qua đó bê về, vừa mất thì giờ lại vừa tốn sức, cả thảy hai thùng cũng phải nặng đến mấy chục cân, không có khí lực là khó có thể bê nổi.

Nước bê về là dùng để ăn, nên hộ nào cũng dùng tiết kiệm vô cùng, hài tử chỉ cần hơi lãng phí một chút là sẽ bị đại nhân mắng ngay.

Tây Viễn nghĩ vẫn nên đào một cái trong nhà thì mới ổn, đợi đến khi Nhị thúc chuyển về thì lượng nước cần dùng sẽ tăng lên rất nhiều, cứ bê đi bê lại như vậy thì thực mất công.

Sau khi sư phụ đào giếng có mặt ở Tây gia, việc đầu tiên làm là đi xem xét bốn phía của phòng ở mới, sau khi chọn được địa điểm liền quyết định khởi công ở sân phơi phía đông, địa hình tương tối tốt.

Sau khi chọn lựa được vị trí xong, sư phụ liền bảo đồ đệ dùng ròng rọc bắt đầu đào đất. Đợi đến nước đã xuất hiện liền hoàn thành, lúc này bọn họ chỉ việc xây dựng thành giếng là được. Tây gia trước lúc thi triển đã nói rõ với sư phụ việc nhà họ dùng rất nhiều nước, bởi vậy sau khi đã đào tầm 9 trượng xong, bọn họ lại quyết định đào sâu thêm 6 trượng nữa, mặc dù phải tốn nhiều tiền hơn nhưng chẳng may sau gặp năm hạn hán, cũng không phải lo trong nhà thiếu nước để dùng. Đằng nào cũng mất công thuê người rồi, thì tốt nhất là làm một lần cho xong.

Sau khi giếng được đào xong, bên trong làn nước vẫn còn lắng đọng khá nhiều đất bùn, bởi vì đào ở trong sân nên đa số mọi người đều lo lắng trẻ con đùa nghịch sẽ bị ngã vào trong, vạn nhất xảy ra chuyện này sẽ ứng cứu không nổi, liền lấy đá đắp quanh thành giếng cao khoảng nửa mét, sau đó lại dùng một tấm ván gỗ đậy kín miệng giếng vào.

Ngay bên cạnh giếng có dựng một chiếc ròng rọc chuyên dùng để kéo nước, ở giữa là một sợi dây thừng lớn đã được buộc chặt với quai thùng gỗ. Bình thường mỗi lần cần phải múc nước, thì chỉ việc ném thẳng thùng gỗ xuống giếng, sau đó quay tay lái ròng rọc để kéo lên là được.

Giếng đào xong, phải đợi tầm hai ngày sau nước mới có thể trong được, đem bùn đất lắng dần xuống. Không đợi người lớn động thủ, các thiếu niên trong thôn đã thấy việc dùng ròng rọc để kéo nước lên là mới mẻ vô cùng, cứ ngươi một thùng ta một thùng, không được kéo thử là khó chịu vô cùng. Nhóm người lớn thấy vậy chỉ đứng từ ngoài nhìn vào, chờ bọn nó kéo được lên rồi liền vội vàng xách nước mang đi. Thể loại kéo nước này không phải cứ muốn là làm được, bởi sức nặng của bánh kéo khá lớn, vạn nhất người kéo dùng không đủ lực, có thể dẫn tới đánh rơi cả thùng lại trong giếng, hơn nữa lúc bị đòn bẩy đánh bật lại cũng có thể làm cho người kéo bị thương. Bởi vậy, riêng nhóm tiểu tử gần bằng Tây Vi là hoàn toàn bị cấm sờ vào thứ này, bọn nó còn quá nhỏ, nếu bị đòn bẩy phản lực đánh vào người có thể sẽ khiến bọn nó bị thương rất nặng, cho nên nhóm 'tiểu hài tử' chỉ đành đứng im một chỗ, im lặng mà nhìn nhóm 'đại hài tử' cùng nhau kéo nước lên chơi, trong mắt vừa là hâm mộ lại vừa là ghen tị.

Tây Vi và Vệ Thành cũng muốn thử kéo nước xem sao, nhưng vào lúc đông người có xin thế nào Tây Viễn cũng không chịu đồng ý, chờ đến khi bọn họ đã về hết rồi, chỉ còn lại có người trong nhà thôi, thì mới chịu cho Tây Minh Văn cầm tay chúng nó kéo thử một lúc, hai tiểu tử kia làm được đôi ba lần đã bắt đầu thấy nghiện. Tây Dương và Tây Dũng không hề yếu thế, cũng bắt Tây Minh Vũ cầm tay mình xoay thử vài vòng, hắn không còn biện pháp chỉ đành phải chiều lòng hài tử một phen.

Phần lớn già trẻ gái trai trong thôn hiện giờ đã không còn bận rộn thu hoạch nữa, mà chỉ cần rảnh rỗi việc sẽ lập tức chạy qua Tây gia xem cái giếng mới đào, cho dù có bận trước bận sau thì cũng sẽ thừa dịp trên đường về nhà, ghé qua ngó nghiêng một chút. Trong thôn chưa từng có hộ nào đào giếng nước riêng cả, vẫn luôn cùng nhau xách nước ở cái giếng lớn giữa thôn mang về, cái giếng kia đã có từ rất lâu rồi, đến lão nhân già nhất trong thôn cũng chỉ còn nhớ lờ mờ về thời điểm đào giếng năm đó, bất quá cũng bởi năm đó bọn họ còn quá nhỏ, lại trải qua vài thập niên rồi nên dấu ấn còn lại cũng chỉ là chút mơ hồ thôi.

Cho nên, việc Tây gia tự mình đào giếng riêng thực khiến người khác cảm thấy hâm mộ, từ giờ về sau nhà họ sẽ không phải vào tận giữa thôn bê nước về nữa. Không cần phải nói cũng biết là hạnh phúc tới cỡ nào, mùa đông tay chân đều đông cứng cả, đi bê nước không cẩn thận còn bị trượt chân ngã nhào. Còn có ròng rọc thì lại khác, cho dù có lạnh đến mức tê dại, thì bất kể là nam hay nữ vẫn có thể kéo nước lên một cách an toàn.

Khi nào nhà họ mới có thể xây lại phòng ở và đào giếng nước đây? Xem ra Tây gia thực sự phát tài rồi. Bọn họ một bên ngồi nhìn thiếu niên kéo nước, một bên tán gẫu với nhau, tuy là không nói rõ ra, nhưng trong người nào người nấy đều thực hâm mộ.

Thu hoạch xong, giếng cũng hoàn tất, chờ thêm vài ngày, cuối cùng nhóm Xuyên Tử cũng quay lại Tây gia. Sau khi bọn họ về nhà liền vội vàng thu hoạch cho xong ruộng điền nhà mình, để còn quay lại làm việc cho Tây gia, chỉ sợ kéo dài quá lâu, Tây gia không kịp chờ người sẽ quay sang thuê nhân công ở chỗ khác.

Lần khởi công này sẽ tương tự với 'trang hoàng' ở hiện đại, không chỉ trát phẳng tường và trần nhà, mà bốn phía còn được quét vôi màu trắng, càng nhìn càng giống với thiết kế mà Tây Viễn từng đưa ra trước đây. Cũng đúng vào thời điểm này, cửa sổ và đồ gỗ được đặt cuối cùng cũng được chuyển tới, lão Mộc dẫn theo nhi tử và vài người thợ lại đây, một bên lắp cửa sổ lên vách tường, một bên bày biện đồ đạc.

Nhà mới có tổng cộng năm gian, ngay cạnh gian chính còn xây thêm bốn gian phòng phụ, nên chỉ nhìn qua thôi đã thấy vô cùng hoành tráng. Bao bọc xung quanh khu nhà là một lớp tường gạch mới được dựng lên, đại môn cũng được xây lại bằng gạch xanh kiểu mới, phía trên đều lát mái ngói đỏ rực.

Năm gian phòng này đều được xây quay về hướng bắc nam, mỗi căn rộng tầm 24 mét vuông, trong đó gian chính xoay mặt thẳng về phía cửa ra vào (đại môn), có công dụng khá giống với phòng khách ở hiện đại, vừa là nơi ăn cơm lại vừa là nơi dùng để tiếp đón khách tới chơi nhà, chính giữa căn phòng có đặt một bộ bàn ghế bát tiên loại lớn, trạm trổ lân phượng tinh xảo vô cùng. Một trong bốn gian phòng phụ, căn nằm ở hướng bắc nhà chính được chọn để làm nhà bếp, bên trong đã được dựng lại hai chiếc bếp lò mới toanh, vừa dùng để nấu cơm, lại vừa có công dụng như lò sưởi mỗi khi đông về.

Chiếc lò nướng Tây Viễn chế tạo dùng để quay vịt trước kia, cũng đã được chuyển về gian nhà bếp bên này, công dụng chủ yếu vẫn là dùng để chế biến mấy món ăn thường hay buôn bán ở Tụ Đức lâu.

Phía đông nhà chính có hai gian phòng, một gian là của gia gia nãi nãi, còn một gian là của vợ chồng Tây Minh Văn. Hai gian nhà này đều được dựng thêm phòng nhỏ kế bên, tất cả đều quay mặt về hướng nam.

Trong phòng ngủ chính có đặt một chiếc giường lớn, ngay đối diện giường là một kệ gỗ hai tầng, tầng trên dùng để bài trí ít thứ, còn tầng dưới dùng để cất gọn đệm chăn. Ngay cạnh đầu giường có kê một chiếc bàn nhỏ, bình thường có thể để tạm ít đồ lên đó, công dụng cũng chẳng khác gì tủ đầu giường thời hiện đại.

Ở góc tường còn lại có đặt một chiếc tủ hai buồng lớn, có thể mở đồng thời hai cánh song song với nhau. Buồng bên trái nhìn qua khá đơn giản, vừa để được quần áo gấp lại vừa để được quần áo treo. Còn buồng bên phải thì được ngăn ra thành hai tầng, đặc biệt là ở giữa còn được dựng thêm một ngăn tủ có khóa, nếu chủ nhân có vật quan trọng cần cất giữ, thì chỉ việc bỏ vào đó rồi khóa lại. Đương nhiên là sẽ chẳng có ai lại đi cất đồ đạc quý giá ở một nơi dễ tìm như vậy được.

Ở phòng nhỏ kế bên cũng được dựng sẵn một chiếc kháng lớn, đây được dùng làm nơi để khách nghỉ lại mỗi lần tới chơi nhà, bên trong cũng đã được chuẩn bị cẩn thận, có đủ kệ gỗ và một bộ bàn ghế.

Tóm lại là, gian nhà của gia gia nãi nãi và cha nương có bố cục hoàn toàn giống hệt nhau, trang trí bên trong cũng không khác biệt là mấy.

Phía tây nhà chính cũng được xây dựng hai gian phòng. Một gian là được dành riêng cho Tây Viễn, nhưng phòng nhỏ kế bên thay vì được dùng làm nơi cho khách nghỉ lại, thì đã được đổi thành phòng tắm. Bê trong đã được đặt sẵn hai thùng gỗ lớn, bên cạnh còn được xây thêm một cái lò sưởi nhỏ, để tắm rửa vào đông sẽ không bị lạnh.

Gian nhà phía tây cuối cùng là dành cho Vệ Thành và Tây Vi. Vệ Thành ở phòng to, còn Tây Vi thì ở phòng nhỏ kế bên.

Trong hai phòng ngủ dành cho khách đều được đặt sẵn một tấm bình phong cao ba thước, bên trên thêu hình 'hương sắc thủy tinh'. Ở phòng gia gia nãi nãi lại là 'phú quý cả sảnh', vợ chồng Tây Minh Văn là 'gió cuốn mây vờn', còn Vệ Thành và Tây Vi là 'chim khách tìm ăn'.

Điều khiến cho người ta phải giật mình là mỗi cửa sổ ở Tây gia đều quay về hướng nam, bên trên được lắp một tấm thủy tinh mỏng dài rộng tầm 50 cm.

Phải biết rằng, hiện giờ tuy cũng có thủy tinh nhưng lại vô cùng quý hiếm, trừ bỏ mấy kẻ giàu có thừa tiền, thì nhà nghèo làm gì có cơ hội sờ vào thứ này, cùng lắm cũng chỉ dám dùng giấy hồ để dán cửa sổ thôi, tuy độ xuyên thấu không cao, ánh sáng chiếu vào chẳng mấy rõ nét, nhưng giá cả lại không đắt đỏ tí nào, chỉ là mỗi lần bước chân vào phòng sẽ phải chờ đợi một lúc thì mới nhìn rõ được mọi vật bên trong, thích ứng kịp với bóng tối. Lại nói, tuy miếng thủy tinh Tây gia lắp lên cửa sổ không lớn là bao, hơn nữa công nghệ chế tạo ở đây cũng không cao cấp bằng thời hiện đại, nhìn qua không chỉ mơ hồ mà còn khá dày, nhưng được cái rắn chắc hơn cửa sổ thường rất nhiều.

"Nha, này chẳng phải là khỏi cần mở cửa sổ, cũng có thể nhìn rõ mọi thứ bên ngoài sao." Thôn dân ai ai cũng hết sức kinh ngạc, mà đưa tay vuốt thử lớp thủy tinh trong suốt trên bệ cửa sổ. Từ phía ngoài, ánh sáng chiếu qua lớp kính khiến toàn bộ căn phòng như bừng sáng lên, nhìn qua ấm áp vô cùng.

Có tiền thực tốt, chỉ tám khối thủy tinh nho nhỏ này thôi cũng đã tiêu tốn của Tây gia mấy chục lượng bạc rồi! Nhưng Tây Viễn thực sự chịu không nổi cái cảnh mùa đông vừa tới, cả nhà chỉ có thể chui rúc trong phòng trông chẳng khác gì cái ổ chuột con, cho nên mặc kệ người nhà phản đối thế nào, y vẫn nhất quyết nhớ Tôn Diệp đến phủ thành mua giúp mình mấy khối thủy tinh mang về, kích cỡ trong lúc thiết kế Tây Viễn đã nghĩ kĩ cả rồi, thời điểm đi đặt cửa sổ cũng đã đánh tiếng trước với lão Mộc để tới lúc lắp khỏi bỡ ngỡ.

Trừ bỏ cửa sổ ra, tường phòng Tây gia cũng được trát phấn trắng xóa, trụ nhà thì được sơn màu đỏ sậm như cửa sổ và trần nhà, mặt đất thì được lát gạch xanh.

Điều này chỉ khiến thôn dân cảm thấy mới lạ, chứ chỉ những ai trong nghề mới biết rõ được giá trị của căn nhà này, để xây dựng được nó phải tốn kém ra sao. Nhìn từ cửa vào trong, thì căn nhà mới này trông cũng chẳng khác gì những ngôi nhà biệt ngói khác, nhưng những người tham gia xây dựng lại rất rõ ràng, tường nhà được đắp là tường đôi, phải dày tới 70 cm, gạch xanh dùng để lát nền cũng đắt tiền hơn gạch đỏ ở những chỗ khác khá nhiều.

Hơn nữa, đồ gỗ Tây gia sử dụng đều là gỗ lim đỏ, là loại có giá đắt nhất trên thị trường hiện nay. Chẳng những nhà chính dùng loại gỗ này, mà tất cả các phòng khác đều như thế, phỏng chừng mùa đông có tới, không cần đốt lửa cũng cảm thấy ấm áp rồi. Hơn nữa, bên trong tường đôi và trần nhà cũng đã được trải một lớp phân tro, mang theo tác dụng giữ ấm mỗi khi đông về.

Nơi này giờ có khác gì chốn bồng lai tiên cảnh của thần tiên đâu. Kỳ thật người ta muốn nói là chẳng kém gì hoàng đế, nhưng lại sợ rước lấy phiền toái vào người, nên mới đổi thành chốn bồng lai tiên cảnh của thần tiên.

"Muội tử à, ngươi đúng là tới số hưởng phúc rồi." Vương Tam nãi nãi thực hâm mộ nãi nãi Tây Viễn. Tuy đang nói chuyện với lão thái thái trong sân, nhưng ánh mắt lại không ngừng loạn chuyển đánh giá căn nhà mới của Tây gia.

Tây gia không quản là phòng chính hay phòng phụ, tường ngoài gian nào cũng được lát gạch xanh, kể cả đường từ nhà chính dẫn tới cửa viện cũng được lát thành một hàng dài tăm tắp, rộng chừng một thước hai. Cửa chính thì được phiến sơn màu đỏ son, ngoại trừ hai cánh đại môn chỉ được mở ra mỗi lần có xe đi vào, thì ở bên cạnh vẫn còn một cánh cửa nhỏ nữa chuyên dùng để người qua lại.

Ai! Người ta dùng gạch xanh để lát sân, còn nhà mình đến gạch đỏ cũng chẳng có để mà lát mái! Vương Tam nãi nãi nhìn nhà cao cửa rộng của Tây gia mà không ngừng cảm khái trong lòng, chỗ này mà cũng được xem là nhà dân bình thường sao, phải là dinh thự của địa chủ mới đúng!

Đúng vậy, Tây gia xây được căn nhà như này cũng phải tốn tới hơn ba trăm lượng bạc, cầm số tiền này tới Ngạn Tuy thành cũng phải mua được ba căn nhà riêng.

Bất quá, theo ý Tây Viễn thì xây nhà là chuyện cả đời, đã biết mình sẽ sinh hoạt suốt đời ở đây thì đương nhiên phải tận lực làm cho thoải mái một chút, cứ tốt là đập vào.

Ngay từ đầu, cả gia gia, cha và Nhị thúc đều không tán thành với suy nghĩ của y, bất quá bọn họ ngăn không nổi. Tây Viễn toàn là im hơi lặng tiếng mang bạc đi sắm sửa, im hơi lặng tiếng an bài hết thảy mọi thứ, cho nên bọn họ chỉ đành nhận mệnh thôi.

Hiện giờ phòng ở đã xây xong rồi, bên trong cũng đã sắm sửa đồ đạc ổn thỏa xong, cho dù bọn họ có đau lòng tiền bạc thế nào, cũng phải công nhận một điều là nhà mới quá đẳng cấp, hoàn toàn không giống với những gì họ đã tưởng tượng trước đây. Cái Tây Viễn muốn xây là dinh thự của người giàu, còn cái bọn họ tưởng tượng là một căn nhà nông bình thường, đem so sánh với nhau, thì, vẫn phải công nhận là chủ ý của Tây Viễn tốt hơn. Có thể sống ở một nơi như này, thì có ngủ cũng phải cười tỉnh.

.

P/s: Có lỗi type làm ơn bảo tớ nhé ^^

.