Trịnh thị nằm trong lòng Khương Đường khóc nức nở, nhiều năm qua đi, điều này đã trở thành một tâm bệnh của bà. Vĩnh Ninh hầu không hiểu bà, người khác thì không nói được, nhưng Khương Đường thì chắc chắn sẽ giữ kín như bưng, nếu nàng dám nói ra ngoài một chữ, bà sẽ có rất nhiều cách trừng trị nàng.

Quen với việc làm chủ mẫu, Trịnh thị chưa thử bám vào vai người khác bao giờ.

Nếu Nam Hương Nam Tuyết làm như vậy, Trịnh thị nhất định sẽ cảm thấy các nàng đi quá giới hạn, không biết tôn ti. Nhưng Khương Đường, giống như trước khi bà rơi xuống nước nàng đã túm lấy bà vậy, khiến bà rất tin phục, nói gì cũng toàn nói trúng sâu trong lòng bà.

Ví như chuyện đút canh đi, người khác chỉ nói phu nhân ăn chút đi, không ăn Hầu gia lại lo lắng.

Còn Khương Đường chỉ kêu bà ăn cơm mà thôi, chứ không phải vì ai khác, chỉ muốn bà ăn, giống như dỗ con nít vậy.

Vậy thì dù là người nóng tính hơn nữa thì cũng không thể nổi giận với ai khác.

Trịnh thị nói: “Nhưng…”

Khương Đường nói: “Nếu ngài khát nô tỳ sẽ đi lấy nước ngay, uống nước là hết khát thôi. Ngài ấy, phải dưỡng bệnh cho tốt, chỉ có còn sống mới làm việc được, ngài đã nằm cả ngày rồi, trời hôm nay rất đẹp, ngài còn không ra ngoài đi dạo.”

Trịnh thị buông bàn tay đang vươn ra xuống, lời Khương Đường nói không phải không có lý.

“Chuyện vừa rồi ta nói với ngươi, ngươi không được nói cho người thứ ba nghe.”

Khương Đường: “Nô tỳ biết mà.”

Ở đây, chỉ có người kín miệng mới sống lâu được.

Trịnh thị nở nụ cười nhạt: “Cho ta ăn mấy muỗng trước đi.”

Khương Đường bưng cháo qua cho bà: “Để nô tỳ đút ngài.”

Trịnh thị há miệng, vừa ăn cháo vừa nghĩ đến chuyện trong mơ, nghĩ xem họ ăn gì, mặc gì.

Ăn một hồi, Trịnh thị lại thở dài.

“Khương Đường, ngươi nói xem các tướng sĩ Tây Bắc sẽ ăn món gì?”

“Bây giờ chắc họ đang ăn bánh quy ạ.” Khương Đường cười dịu dàng.

Trên đời này có rất nhiều người trải qua cuộc sống khốn khó, khi Trịnh thị không bị bệnh, bữa ăn hàng ngày được bày biện đủ món, mặc lăng la tơ lụa. Ở đây quan niệm giai cấp ăn sâu vào lòng người, họ thấy bất cứ chuyện gì cũng đều là chuyện đương nhiên.

Bởi vì cảm thấy người có đắt rẻ sang hèn cho nên có vài người mạng của họ còn không phải là mạng.

Thấy người khác đấu tranh anh dũng là bình thường thôi, chuyện gì cũng phải đến phiên họ mới hiểu ra.

Lũ lụt ở tận Điền Nam nên không biết nỗi khổ của người dân, nhưng nếu nơi xảy ra chuyện là Thịnh Kinh thì đã không yên từ lâu.

Vẻ mặt Trịnh thị sửng sốt, bánh quy là do Khương Đường làm, nàng đã giúp Cố Kiến Sơn một đại ân.

Bà chỉ ăn tầm nửa chén cháo là ăn không nổi nữa, sau đó lại mơ màng ngủ thiếp đi.

Chờ Khương Đường đi ra ngoài, Hàn thị nhìn qua chén cháo, sau đó hỏi Khương Đường rằng Trịnh thị đã nói gì: “Phu nhân sao rồi, thật sự ăn không vô hả?”

Khương Đường trả lời: “Phu nhân nói không có hứng ăn, thật sự ăn không vô.”

Nếu nói Trịnh thị không nói gì thì chưa chắc mấy người này đã tin, có lẽ Lục Cẩm Dao cũng sẽ hỏi nàng. Khế ước bán mình của nàng nằm ở chỗ Lục Cẩm Dao, nếu Lục Cẩm Dao hỏi, Khương Đường không biết mình có nên nói hay không.

Không bằng tìm một lý do vậy.

Khương Đường bưng khay: “Đại nương tử có muốn vào không?”

Hàn thị phất tay kêu Khương Đường đi xuống, nàng ta quay đầu lại nói với Khương Đường: “Bây giờ mẫu thân chỉ có thể ăn cháo trắng, món này Tôn đại nương biết làm, ta thấy ở đây không cần Khương Đường đâu.”

Trong mấy cái viện ở phủ Vĩnh Ninh hầu, chính viện là khó cài người vào nhất, bây giờ mấy người Yến Kỉ Đường công khai ở đây thì không thích hợp lắm.

Nếu Trịnh thị thật sự xảy ra chuyện gì, e là Hàn thị sẽ trở tay không kịp.

Lục Cẩm Dao nói: “Đại tẩu, ta không thể rời khỏi Khương Đường, tất nhiên bằng lòng để nàng trở về, nhưng tỷ đã thấy đó, hai bữa cơm đều là nàng hầu hạ mẫu thân ăn, ngay cả Nam Hương Nam Tuyết mẫu thân cũng không cần.”

Hàn thị nghẹn họng, chỉ có thể từ bỏ.

Ban ngày, Trịnh thị nằm trên giường cả ngày.

Nam Hương Nam Tuyết hầu hạ nàng rửa mặt chải đầu, Khương Đường lo mỗi việc đút cơm, Trịnh thị chỉ tỉnh lại khi ăn cơm.

Trở lại Yến Kỉ Đường, Lục Cẩm Dao kêu Khương Đường qua đó, hỏi nàng Trịnh thị đã nói gì. Khương Đường đã tập dợt sẵn trong đầu vô số lần trả lời.

“Phu nhân thấy cảnh sinh tình, nghĩ đến tứ gia phải đến Điền Nam, nhớ tới ngũ công tử.”

Lời này là thật, chỉ là sự nhớ nhung của mẫu thân với hài tử.

Bây giờ Lục Cẩm Dao đang phiền lòng vì chuyện Cố Kiến Châu phải đi xa, thật sự không rảnh soi xét nàng: “Bên phía phu nhân ngươi chú ý nhiều chút, nhất định phải chăm sóc cho phu nhân thật tốt, cho dù như thế nào, cũng đừng quên ngươi là người của Yến Kỉ Đường.”

Ngày mốt Cố Kiến Châu sẽ đi, Lục Cẩm Dao còn phải truyền tin cho Bình Dương hầu phủ.

Lộ Trúc là của hồi môn của nàng ấy, nhưng Tinh Tương vốn dĩ là nha hoàn của Yến Kỉ Đường, phải báo tin qua đó.

Bởi vì chuyện của Yến Kỉ Đường mà hai ngày nay, bọn nha hoàn bận tối mặt tối mày.

Chuyện buôn bán Khương Đường lén làm bắt buộc phải dừng lại, hai người khác trong phòng, Lộ Trúc với Tinh Tương đang dọn hành lý đi Điền Nam.

Lần này đi không biết khi nào trở lại, cùng gia phú lộ (1), mang thêm vài thứ tốt hơn là không mang gì.

(1) Ở nhà thì tiết kiệm, ra đường phải mang theo nhiều của để không xấu hổ.

Bởi vậy, Yến Kỉ Đường chỉ còn lại tám nha hoàn.

Lộ Trúc là người lo lắng nhất, nàng ấy không ở đây, chỉ có Hoài Hề là được việc. Bây giờ lại là thời điểm quan trọng nhất, đại nương tử có thai, mọi thứ đều phải cẩn thận.

Những người khác càng thấy không yên lòng, tuy Bạch Vi có thể tìm hiểu tin tức, nhưng tính cách không đủ chín chắn, Nguyệt Vân Bán Hạ vốn là người của Yến Kỉ Đường.

Nói nhẹ là tiến thoái vừa đủ, nói nặng là không có chủ kiến.

Mấy người Lục Anh thì thôi khỏi phải nghĩ, cho nên Lộ Trúc mới tìm tới Khương Đường.

“Ta không ở đây, Yến Kỉ Đường chỉ có một nha hoàn nhất đẳng, bây giờ ngươi là nha hoàn nhị đẳng.”

Thay vì nói nhiều thì không bằng cho một quả táo ngọt, Khương Đường nguyện ý đi về phía trước thì mới có thể tận tâm che chở cho đại nương tử.

Khương Đường lập tức hiểu ý của Lộ Trúc, nguyệt ngân của nha hoàn nhất đẳng là hai lượng bạc, hơn nữa được ở phòng hai người. Ngoại trừ chỗ tốt bên ngoài, còn có rất nhiều chỗ tốt không thấy được.

Ví dụ như, cứ hai ngày là Hoài Hề có thể ra phủ một lần, được phép xem sổ sách quản lý cửa hàng, không phải gác đêm, không phải làm việc nặng.

Tuy bây giờ Khương Đường cũng có quyền hạn đó, nhưng như vậy thì có thể danh chính ngôn thuận hơn chút.

Nàng nói: “Lộ Trúc tỷ tỷ cứ yên tâm.”

Lộ Trúc thích nói chuyện với người thông minh: “Ngày thường ta quản lý những nha hoàn dưới quyền, tư khố của đại nương tử, thiệp xã giao của các phủ. Đôi khi cũng sẽ giúp đại nương tử ra ngoài làm việc, ngươi chỉ cần nghe sai bảo.”

Khương Đường: “Ta biết.”

Lộ Trúc vỗ vai Khương Đường: “Vậy hẹn gặp lại vào cuối năm.”

Hôm nay là ngày mười bốn tháng sáu, sáng mười sáu sẽ đi.

Hai ngày nay Lục Cẩm Dao sẽ không giao việc cho Lộ Trúc Tinh Tương, để cho Bạch Vi tiếp quản mọi việc trước, sau khi hai người họ dặn dò rõ ràng tất cả việc của mình xong là có thể về nhà.

Người nhà của Lộ Trúc ở Bình Dương hầu phủ, người nhà của Tinh Tương ở ngay phủ Vĩnh Ninh hầu, dặn dò trong ngoài xong, giờ mới yên tâm rời đi.

Sáng sớm ngày mười sáu tháng sáu, Lục Cẩm Dao đứng ở cổng chính tiễn Cố Kiến Châu đi, sau đó nàng ấy lập tức đến chính viện.

Hàn thị trông chừng mấy ngày, trông tiều tụy hơn rất nhiều. Nàng ta luôn nghĩ có thể ăn được chứng tỏ bệnh tình đã chuyển biến tốt đẹp, nhưng sự thật là Trịnh thị xuống giường còn xuống không được.

Nàng ta muốn chất vấn người của phòng bếp nhỏ, nhưng Trịnh thị có thể ăn được cơm, đại phu thì mời hết người này tới người khác, ai nấy đều lắc đầu kêu bất lực, Hàn thị thật sự không biết phải làm gì đây.

Ngự y trong cung cũng mời rồi, y thuật cao siêu thì có cao siêu hơn ngự y được không?

Nếu cứ tiếp tục như vậy, thật sự phải chuẩn bị quan tài thôi.

Trịnh thị mắc tâm bệnh, ngoại trừ được gặp Cố Kiến Sơn ra thì không còn cách trị liệu nào khác.

Nhưng Cố Kiến Sơn không thể về, tướng lĩnh trong quân, ngoại trừ điều lệnh của Hoàng thượng ra thì không được phép tự tiện rời khỏi quân doanh.

Hoàng thượng không thể nào mặc kệ quân sự Tây Bắc, bởi thế một chuyện nhỏ bé như vậy không đáng để Cố Kiến Sơn trở về.

Mỗi khi thấy mẹ chồng nằm trên giường không ngồi dậy nổi, Hàn thị lại nhớ tới nhi tử đang đọc sách ở thư viện, sau đó thở dài thườn thượt, trong lòng lại cảm thấy vô cùng may mắn, may mà Viễn ca nhi học giỏi, ngày sau sẽ thi khoa cử, chứ không rời nhà quá xa.

Việc Khương Đường có thể làm là giúp Trịnh thị vui vẻ hơn chút.

Nàng mang hoa hoa cỏ cỏ vào trong phòng, tả cho Trịnh thị nghe đồ ăn làm như nào, nguyên liệu nấu ăn lấy từ đâu, Trịnh thị rất thích nghe mấy thứ đó.

Nàng nói với bà mấy chuyện thú vị xung quanh, cái gì chơi vui, cái gì có thể pha trò.

Qua bốn năm ngày, tinh thần Trịnh thị đã tốt hơn chút, có thể đỡ bà xuống giường đi vài bước.

Bà thích nói chuyện với Khương Đường, nếu Khương Đường không phải của hồi môn của Lục Cẩm Dao thì bà chắc chắn sẽ không do dự điều nàng tới chính viện.

Trịnh thị cảm thấy, Khương Đường còn giống nữ nhi của mình hơn nữ nhi, sự hiếu thảo của những người khác với bà giống với tôn kính hơn, mà tôn kính thì không dám thân thiết.

Nếu là hồi trẻ, Trịnh thị sẽ thích cảm giác đó, nhưng bây giờ bà không còn thích nữa.

Có điều tôn nữ tôn tử của bà cũng có nề nếp giống vậy.

Khương Đường rất tươi trẻ.

Trước kia bà không thích người có nhan sắc quá xinh đẹp quyến rũ, cảm thấy đấy là vũ mị câu nhân, không phải tấm gương tốt cho người khác noi theo, nhưng bây giờ bà đã biết đấy là tâm sinh tướng.

Tướng không chỉ là tướng mạo, đôi mắt của Khương Đường trong veo, chỉ nhìn thôi đã khiến lòng người sinh thiện cảm.

Khương Đường: “Chờ ngài khỏe nô tỳ sẽ chơi cờ nhảy, đánh bài lá, chơi mạt chược với ngài, còn ra ngoài đá cầu nữa.”

Trịnh thị: “Cầu?”

Nếu Trịnh thị sinh ra ở hiện đại nhất định sẽ thích múa ở quảng trường, nhưng bà được nuôi lớn trong cao môn đại hộ nên ngay cả quả cầu lông gà cũng chưa chơi qua.

“Nó được làm từ lông gà, bên dưới được cố định bằng một miếng sắt mỏng. Đá nhẹ một cái là nó bay lên trời, sau đó lại rơi xuống rồi mình dùng mười tám thế võ tiếp lấy nó, xem ai tiếp được nó nhiều lần hơn!” Khương Đường cười khanh khách nói: “Còn có nhiều trò vui hơn nữa, phu nhân thích ngắm hoa uống trà, nhưng nha hoàn chúng nô tỳ dây chun, đập tay, thì thầm,… gì cũng chơi.”

Trịnh thị nói trong lòng, bà không thích mấy thứ đó.

Nhưng mấy thứ đó cần cho xã giao.

Nam nhân ra ngoài làm việc giao du, nữ nhân ngoài trừ phải quán xuyến từ trên xuống dưới phủ, còn phải làm thân với mấy nương tử của quan viên nam nhân kết bạn, rồi sao mà làm thân thì ngồi tụ lại một chỗ nói chuyện.

Bởi vì gả cho Vĩnh Ninh hầu mà bà còn không liên lạc với bạn thân khuê phòng.

Một người ở Thịnh Kinh, một người gả đi xa thì sao mà liên lạc.

Ngồi tụ lại với nhau thì chỉ có bàn hoa này đẹp trang sức kia đẹp, lời trong lời ngoài còn phải tâng bốc lẫn nhau, cực kỳ nhàm chán.

Đợt bệnh này khiến cho Trịnh thị hiểu ra, bà cũng giống như bao người.

Đều phải đối mặt với sống chết, lo lắng cho hài tử. Những điều này, Cố Kiến Sơn mười mấy tuổi đã hiểu ra.

Tuy Trịnh thị có thể xuống giường đi lại nhưng thời gian nằm trong một ngày vẫn nhiều, ngày hai mươi tháng sau, khi Trịnh thị tỉnh lại bà tưởng đâu mình vẫn đang mơ, bà gặp Cố Kiến Sơn.

Giấc mơ thế này bà đã mơ rất nhiều lần, có lúc thì Cố Kiến Sơn ngồi bên mép giường, nói với bà, mẫu thân, con đi đây.

Bà vừa đưa tay chạm đến, người đã không thấy tăm hơi đâu nữa.

Lần này là người sống sờ sờ, ngồi ngay ngắn trước mặt bà.

Trịnh thị bắt lấy tay Cố Kiến Sơn khóc thành tiếng: “Con đã về rồi.”

*

Khi Khương Đường thấy Xuân Đài ngoài cửa chính viện, nàng còn tưởng đâu mình bị hoa mắt.

Đã lâu lắm rồi nàng không gặp Xuân Đài, Xuân Đài cũng thấy được nàng, hắn cười gật đầu với nàng, xem như lời chào hỏi.

Khương Đường còn chưa phản ứng lại kịp, sau đó đã thấy một người xốc rèm châu lên bước ra từ nhà chính, không phải ai khác, mà quả thực là Cố Kiến Sơn.

Sao lúc này Cố Kiến Sơn lại trở về, chẳng lẽ là vì Trịnh thị.

Không kịp nghĩ nhiều, Khương Đường đã hành lễ với người đó từ đằng xa, quy tắc của hầu phủ, hạ nhân thấy chủ tử đều phải hành lễ, cho dù là ở xa, chủ tử còn chưa thấy.

Tại sao Cố Kiến Sơn lại trở về không liên quan đến chuyện của nàng, Khương Đường cúi đầu, mãi cho đến khi trước mặt bao phủ một bóng người đen nhánh.

Cố Kiến Sơn đứng trước mặt nàng, vừa hay ngăn lại ánh mặt trời: “Mấy ngày nay, toàn là ngươi hầu hạ phu nhân dùng bữa phải không?”

Khương Đường: “Bẩm ngũ công tử, là nô tỳ.”

Lúc nãy cách khác xa, bây giờ lại cúi đầu, Khương Đường không biết dáng vẻ hiện tại của Cố Kiến Sơn như nào, chỉ nghe thấy giọng hắn có hơi khàn.

Cố Kiến Sơn hỏi Trịnh thị ăn uống thế nào rồi mới phất phất tay cho Khương Đường lui xuống.

Khương Đường lập tức quay về phòng bếp nhỏ, nàng báo tin Cố Kiến Sơn trở về cho Tôn đại nương và Lý đại nương nghe: “Ngũ công tử đã trở lại, bệnh của phu nhân chắc sắp khỏi rồi, không biết buổi trưa ngũ công tử có dùng cơm ở đây không, chúng ta nấu nhiều thêm chút đi.”

Tôn đại nương và Lý đại nương đều thấy vui mừng, trong miệng lẩm bẩm trở về là tốt rồi trở về là tốt rồi: “Đúng là một chuyện tốt, bệnh của phu nhân sẽ khỏi ngay thôi, hầu gia cũng không phải lo lắng nữa.”

Khương Đường cho rằng buổi trưa chắc chắn Cố Kiến Sơn sẽ đến chính viện dùng cơm, bởi vì Bạch Vi có nói qua, Yến Hồi Đường không có nha hoàn hầu hạ, bên phía phòng bếp nhỏ cũng không nổi lửa, lấy cơm từ phòng bếp lớn về đến nơi sẽ bị lạnh, nhưng giữa trưa rồi mà Cố Kiến Sơn vẫn không qua đây.

Tất nhiên Trịnh thị cho rằng Cố Kiến Sơn có việc bận, lát nữa hắn sẽ tới, Trịnh thị không thuốc tự khỏi, chỉ nhìn mặt thôi đã thấy khá hơn lần trước năm sáu lần.

Bây giờ bà không cần Khương Đường đút cho ăn nữa, nếu không phải không hợp quy củ, bà sẽ muốn nhìn Khương Đường ăn hơn, một cô nương đẹp như vậy khi ăn chắc chắn cũng sẽ đẹp.