Phiên ngoại.

Tiền đã tích được gần đủ, tôi chuẩn bị mở một cửa tiệm may mặc trên trấn. Vải sẽ nhập từ tiệm vải trước kia tôi làm, nếu vải không dễ bán ra cũng có thể đặt trong tiệm làm quà tặng. Bà chủ còn tiến cử với tôi vài thợ may giỏi ở quanh đó.

Chọn địa điểm, đàm phán giá cả, liên hệ với thợ may, từng việc từng việc một, tôi bắt đầu trở nên bận rộn, thời gian về nhà cũng muộn hơn một chút.

Ông lão lái xe bò sẽ đợi tôi, dù gì tôi cũng là khách quen của ông ấy.

Tôi làm ăn tốt thì có người không vui. Những lời đồn vô căn cứ trong thôn càng nhiều, có lúc tôi lo A Thọ sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng A Thọ không có biểu hiện gì lạ, nhìn thấy tôi là lại hớn hở, chạy tới gọi nương tử.

Chuyện ngày hôm đó kết thúc rất nhanh, tôi từ trong tiệm đi ra, một người mang theo giỏ đựng mấy chú chó nhỏ đi qua, chó nhỏ cứ sủa inh ỏi.

Tôi chỉ thấy hiếu kỳ, quay đầu nhìn về phía đó một cái. Vị đại ca kia liền dừng lại: “Thích không, thích thì tặng muội.”

Tôi ngây người một lát.

Đại ca bỏ sọt xuống, nhấc một chú chó đen nhỏ từ bên trong ra, chỉ có bốn chiếc chân của chú chó là có lông màu trắng.

“Chú chó này tốt, béo nhất, cho nó ăn gì nó cũng ăn, dễ nuôi dế sống lắm. Hơn nữa chó mang phúc tới, nuôi nó đi.”

Đại ca kia đưa chó vào trong vòng tay tôi, tôi vô thức nhận lấy. Đại ca cứ như sợ tôi đổi ý, thế là liền xách giỏ lên rồi chạy nhanh như gió mà chuồn mất.

Tôi với chú chó ở trong lòng tôi bị bỏ lại, một người một chó đưa mắt nhìn nhau.

Cảm giác chú chó béo béo, rất thích.

Tôi xoa xoa nặn nặn nó, nó kêu “áu” lên một tiếng.

Được được được, chắc chắn là A Thọ sẽ thích.

Tôi vui vẻ bế chú chó về nhà. Khi sắp tới cửa thôn, ông lão lái xe ngựa buồn đi vệ sinh nên liền chạy vào rừng cây nhỏ.

Quãng đường còn lại không dài, tôi vội vàng muốn cho A Thọ xem chú chó nhỏ nên liền xuống xe, đi bộ về thôn.

Hôm nay trời vẫn còn sớm, A Thọ chắc chưa tới đợi tôi.

Tôi nhanh chân bước đi, sau đó nhìn thấy một đám trẻ con đang vui đùa trước cổng thôn, cười hihi haha.

Đi lại gần, tôi nghe thấy chúng hát mấy bài vè.

“Đồ ngốc tốt, đồ ngốc diệu, vợ đồ ngốc đi đâu tìm đây? Ban đầu nhảy xuống ao, sau đó chạy lên trấn, đáng thương cái đồ ngốc, không thấy nương tử rồi.”

Gieo vần ổn đấy.

Mỗi một câu đều đè lên dây thần kinh của tôi, phút chốc lửa giận đã bốc lên đến đỉnh đầu tôi rồi.

Vào lúc trông thấy A Thọ đang ở đối diện mấy nhóc kia mà quan sát kiến, lửa giận của tôi đã đạt đến cực điểm.

Tôi đi đến bên cạnh chàng, chàng mơ hồ ngẩng đầu lên.

Vừa nhìn thấy tôi, trong mắt chàng liền ngập tràn ánh sáng: “Nương tử!”

Chàng gọi tôi, tôi đưa chú chó cho chàng: “Sớm vậy đã đến đợi thiếp rồi sao?”

“Muốn được gặp nương tử sớm hơn một chút.”

Chàng ấy nhìn chú chó nhỏ, hiếu kỳ chớp chớp mắt. Chú chó nhỏ đang li3m bàn tay của chàng.

Xem ra chàng và chú chó này tiếp xúc khá ổn.

Tôi vén vén tay áo, nở một nụ cười mà quay đầu, nhìn về phía mấy đứa nhóc kia.

Đi đến trước mặt đứa nhóc trông lớn nhất, tôi nở nụ cười hiền từ.

Nhóc đó chột dạ không dám nhìn tôi, hai tay tôi dùng sức mà kéo mạnh hai má nó.

“Nếu còn để ta nghe thấy mấy đứa trẻ khác nói mấy lời như vậy, ta sẽ xé cái miệng của nhóc ra.”

Đứa trẻ hức hức hu hu.

Tôi buông tay ra, má của nó liền ửng đỏ lên: “Mấy đứa nó đều nói, sao lại chỉ tìm mình cháu?”

“Không phải nhóc là lão đại của mấy đứa nó sao? Sao nào? Lời nhóc nói không có tác dụng, chúng nó không nghe hả?”

Nhóc đó lập tức trừng mắt: “Bọn nó dám!”

Tôi cười khẩy: “Vậy nhóc chứng minh cho ta xem, nhưng có một đứa nào còn dám nói mấy lời kia nữa thì chứng tỏ lão đại như nhóc không có uy tín. Mấy đứa nó không nghe lời thì nhóc là lão đại gì được chứ, chi bằng về nhà khóc huhu gọi mama… gọi mẹ đi.”

Đứa nhóc này liền quay đầu, nói với đám nhóc kia: “Từ nay không được hát nữa, đứa nào hát tôi tìm đứa đó!”

Sau đó quay lại mà hung hãn nói với tôi: “Đợi đó đi, nếu còn đứa nào nói nữa thì cháu theo họ của cô.”

Tôi cười khẽ, kéo A Thọ về nhà.

A Thọ một tay bế chú chó nhỏ, một tay bị tôi kéo, đi bên cạnh tôi. Tôi hỏi chàng ấy: “Chàng thường nghe thấy mấy đứa nhóc đó nói như vậy sao?”

A Thọ gật gật đầu.

Trẻ con nói như vậy, đa phần là do nghe thấy người lớn trong nhà nói gì đó.

Tôi vẫn luôn không để tâm đ ến bọ họ, bởi vì tôi biết bọn họ ghen ăn tức ở, không nhịn nổi khi thấy tôi sống tốt hơn họ. Hơn nữa tôi có kinh nghiệm sống, tâm lý bên trong ổn định, da mặt bên ngoài lại dày. Nhưng A Thọ thì khác, thế giới của chàng ấy rất đơn giản.

Tôi hít sâu một hơi, nhẹ nhàng hỏi A Thọ: “A Thọ, nghe thấy những lời đấy chàng cảm thấy thế nào?”

A Thọ nghĩ một lát, sau đó lắc lắc đầu: “Không nghĩ gì hết.”

Tôi ngơ ngác: “Hả?”

A Thọ vê vê tai chó nhỏ, giọng nói còn mang theo vẻ kiêu ngạo: “Chỉ có ta mới biết, còn bọn họ không biết nương tử tốt như thế nào, nương tử sẽ không đi mất.”

Khóe môi tôi cong lên, chàng ấy nói tiếp: “Ta chỉ nghe nương tử, những người khác ta không nghe.”

Trong khi tôi còn chưa biết, sự tẩy não của tôi đã thành công đến vậy rồi sao?

Câu nói của chàng ấy đã chọc thủng tâm trạng rầu rĩ của tôi, nháy mắt đã khiến tôi thoải mái hơn nhiều rồi.

Về đến nhà, A Thọ cất công tìm một chồng quần áo của mình để làm tổ cho chú chó nhỏ, thích chú chó đến không nỡ đặt nó xuống.

Khi tôi trở về từ trên trấn, mới đi đến cổng thôn thì đã nghe thấy tiếng chó kêu vang, đi gần thêm nữa thì liền thấy được một người một chó đang đợi tôi về.

Tiệm đã phát triển, tôi cho người trong thôn thuê ruộng nhà rồi cùng A Thọ sống ở trên trấn.

A Thọ chạy tới chạy lui đưa hàng, chú chó nhỏ vẫy vẫy cái đuôi chạy theo chàng ấy.

Vốn dĩ tôi lo rằng A Thọ không thích nghi được với hoàn cảnh mới, nhưng hiện tại có vẻ rất ổn.

Ở trên trấn, hai chúng tôi có chút bí ẩn, bởi vì những vị khách đến đây vào buổi trưa luôn luôn nghe thấy nghi thức kỳ lạ trước khi ăn của chúng tôi.

Còn có cả tiếng “thê môn” khiến người khác khó hiểu nhưng nghe lại vô cùng chân thành của A Thọ nữa.

(hết)