Chương 97


Tiếng mõ lốc cốc dường như làm bừng tỉnh mọi cảnh vật khỏi giấc ngủ trưa.

Mấy người làng bắt đầu tập hợp nhau lại trên đường đê bàn bạc huyên náo về chuyện họp làng ngày mai:
- Các ngươi nói xem mười mẫu đất của làng thì thu hoạch mấy ngày thì xong nhỉ? ta đang định tranh thủ mấy ngày nhãn rỗi lên trấn kiếm việc mà xem ra không được rồi.

Có khi phải để nam nhân trong nhà đi thu hoạch thôi.
- Năm nào cách vụ thu hoạch mười ngày nửa tháng là phải thu hoạch ruộng làng rồi.

Đợt trước rảnh rỗi thì ngươi không đi, giờ lấy cớ gì chứ.

Đừng có đùn đẩy nam nhân đi thay ngươi, mất mặt.
- Việc nhà ta để ai đi thì để, ngươi xía vào làm gì.

Đằng nào mỗi nhà cũng chỉ cần ra một nữ đinh là đủ.

Nhà ta không có người để hai nam nhân đi đã là hời rồi.
- Ây gu… sao có kẻ lại mặt dày như ngươi chứ.

Nếu thế thì bữa lễ cơm mới ở đình làng ngươi có giỏi đừng vác mặt ra, để hai nam nhân nhà ngươi ra ăn a.
Hiểu Linh ngẩn người trong giây lát, những câu chuyện cũng đi xa dần.

Tiếng guốc lọc cọc từ nhà dưới của Lưu thị kéo cô về thực tại.
Lưu thị lầu bầu:
- Ầy… già rồi, già thật rồi..

sao ta có thể quên mất chuyện thu hoạch ruộng làng được nhỉ.
Tiểu Đông nhà trên cũng lục đục trở dậy.

Hắn mang theo tích nước chè cùng mấy cái chén ra chiếc chõng đầu hè.
- Thê chủ dậy uống chén nước.
Hiểu Linh lắc lắc cái đầu cho đỡ mỏi rồi cũng đứng dậy tiến tới chiếc chõng tre.

Cô tiếp lấy chén nước từ tay Tiểu Đông nhấp một ngụm rồi hỏi:
- Chuyện thu hoạch ruộng làng là như thế nào ạ? Mọi người nói cho con biết một chút.

Ban nãy người mõ kia rao cái gì mà quan viên, tư văn, binh bộ… đó là thứ gì?
Tiểu Đông cân nhắc một chút rồi nói:
- Chuyện thu hoạch ruộng làng năm nào cũng vậy, đã thành thông lệ.

Làng ta có một vùng ruộng công do Hương mục trông coi sổ sách.

Các nhà trong làng hàng năm đều phải dành thời gian và cử một nữ đinh ra để cùng làm ruộng công.

Nông sản thu được từ ruộng này sẽ được bán để làm tài sản của làng.

Tiền làng một phần trả công cho Lý trưởng, Lý phó và các vị Ngũ hương.

Tiền lo các việc cúng lễ Thành hoàng trong năm rồi cả tặng thưởng cho người làng theo hương ước của làng.

Còn quan viên, tư văn, binh bộ, các chức, các lái..

là các thứ bậc trong làng.

Bọn họ sẽ có những vị trí ngồi khác nhau khi ra việc làng.

Nhưng chúng ta một giới nam nhân chưa từng được ra họp việc làng nên thật sự không rõ.
Hiểu Linh nghe Tiểu Đông nói thì bất giác nhíu mày.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày tới đây cô biết đến trật tự làng xã, thức bậc chức sắc trong làng.

Trước đây chỉ nghe đến Trần Lý trưởng thì cô nghĩ hẳn người này giống như thôn trưởng của những tác phẩm văn học Trung Quốc cô từng đọc mà thôi.

Không ngờ nó lại có hơi hướng giống với bộ máy hành chính làng Việt xưa.

Nhưng trước đây cô ít khi được tiếp xúc với phần kiến thức này nên cũng không rõ lắm.

Chỉ biết rằng chuyện làng xã, vị trí ngồi trên đình làng rất quan trọng, là thể diện của cả một gia đình.

Thậm chí người ta xích mích, đánh nhau, mâu thuẫn cũng chỉ vì chỗ ngồi, miếng ăn giữa làng.

Nếu cô không biết rõ chuyện này sợ rằng sẽ đắc tội với người làng mất.
Hiểu Linh hỏi:
- Vậy chuyện này ta nên hỏi ai để biết thêm đây? Hỏi Trần bá mẫu được không?
Lưu thị gật đầu:
- Đương nhiên là được.

Nhà Trần đại phu có tới ba nữ đinh, ngoại trừ Quế Chi còn nhỏ chưa đủ tuổi ra việc làng thì lần nào họp thì nhà Trần đại phu đều phải có hai người đi, địa vị trong làng cũng không hề thấp.

Chuyện làng chuyện xã con hỏi bà ấy là đúng nhất.
Hiểu Linh gật gù:
- Vậy một lát con qua nhà Trần bá mẫu hỏi chuyện.

Đây là lần đầu tiên con trình diện làng khi tới đây nên cũng phải cẩn thận một chút.

Nếu có gì sai sót khiến dân tình nghi ngờ thì không tốt lắm.
Vừa nói dứt lời, giọng nói Quế Chi từ ngoài cửa vọng vào:
- Hiểu Linh có nhà không? Mẫu thân ta kêu ngươi qua nhà nói chuyện.

Hiểu Linh xỏ chân vào đôi guốc vội chạy ra mở cửa cho Quế Chi:
- Bá mẫu gọi ta sang gấp có chuyện gì không?
Quế Chi lắc đầu:
- Không biết.

Nhưng xem thái độ nghiêm túc của mẫu thân ta bắt ta đi gọi ngươi ngay thì hẳn là chuyện quan trọng.

Nếu đang rảnh thì sang luôn đi.
Hiểu Linh gật đầu:
- Ân..

Ta cũng đang có chuyện muốn thỉnh giáo bá mẫu, đang định chiều tối qua mà bá mẫu đã gọi thì cùng ngươi đi một chuyến luôn vậy.

Có uống ly trà xanh rồi về không?
Quế Chi nhìn thấy cốc nước trà xanh ngắt cũng ngồi xuống lấy một chén uống rồi nói:
- Loại này uống ngon thật.

Ngươi pha từ thứ gì vậy?
Hiểu Linh cười:
- Là lá cây trước nhà đó.

Uống vào khiến người ta tỉnh táo hơn đúng không?
Quế Chi gật gật đầu, cằn nhằn:
- Ra là cái này giúp tỉnh táo hơn.

Vị chát chát ngọt ngọt rất dễ chịu.

Uống lá vối, hoa hòe với hoa cúc hoài cũng chán.

Mấy loại đó uống còn buồn ngủ nữa chứ.

Chẳng trách mỗi lần ta nghe phu tử giảng bài đều muốn gục.
Hiểu Linh phì cười:
- Đừng có đổ tội cho trà khi chính ngươi bị buồn ngủ khi học hành.

Để bá mẫu nghe được chuyện này thì một trận đòn cũng không thiếu được đâu.
Quế Chi nhún vai:
- Ta quá quen với mấy trận đòn ấy rồi, không có gì đáng sợ.

Mẫu thân ta nổi giận còn không bằng mỗi lần đại tỷ ta cáu nữa, khủng bố lắm.

Mà ta cũng chỉ cần biết chữ là được, làm thầy thuốc chứ có phải đi thi cử đâu mà đọc mấy cái tri hồ dã giả.

Không hiểu sau mẫu thân luôn nói ta quá cà chớn, không đủ nghiêm túc để nghiên cứu y dược nên muốn bắt ta đi con đường khoa cử a..

Ta thì thích thử nghiệm dược tính của các loại thuốc để kết hợp chúng lại với nhau hơn.
Hiểu Linh uống hết chén trà của mình rồi vỗ vai Quế Chi, nói:
- Ta ủng hộ ngươi nghiên cứu thí nghiệm.

Tính cách trầm ổn như Bán Hạ có thể rất tốt để duy trì y dược, nhưng nếu muốn có thứ gì đó đột phá hơn khiến nó phát triển thì còn phải trông chờ vào những người thích sáng tạo như ngươi.

Biết đâu khi đã tích lũy đủ kiến thức, ngươi có thể điều chế ra những loại thuốc có dược tính cao, không cần sắc uống mà có thể bảo quản lâu dài.
Ánh mắt Quế Chi sáng lên.

Đây là lần đầu tiên có người ủng hộ nàng làm chuyện này.

Ở nhà, đi học không có một ai hiểu những suy nghĩ của cô thậm chí mẫu thân cũng luôn phản đối.

Không ngờ Hiểu Linh lại có thể nhìn ra tại sao cô muốn làm chuyện này.
Trước đây Quế Chi luôn thắc mắc tại sao việc phơi, chế biến dược liệu lại có thể ảnh hướng lớn tới dược tính như thế.

Tại sao cùng một loại thảo dược nhưng lượng dược tính lại không đồng đều.

Cùng một căn bệnh, cùng một thang thuốc nhưng có người chỉ vài ba thang thì khỏi nhưng người khác uống cả chục thang mới tiến triển.

Mấy dược đường làm ăn bất chính cũng dùng những dược thảo có dược tính kém để lừa bịp người dân nghèo.

Có cách nào để tăng dược tính của thảo dược không? Những câu hỏi đó không có người nào trả lời được cho cô.

Mẫu thân cũng chỉ biết phải làm như thế này thế kia để giữ được dược tính, còn tại sao thì không rõ.

Muốn tìm ra nguyên nhân thật sự chính là những suy nghĩ khi Quế Chi cô làm những thử nghiệm ấy.

Trước đây không người ủng hộ cô vẫn có thể duy trì theo ý mình.

Bây giờ có Hiểu Linh biết, cô càng thêm động lực để làm tiếp.

Giọng Quế Chi có phần nghèn nghẹn nói:
- Tốt.

Ta sẽ duy trì và cố gắng hơn nữa..

Chương 98:


Hiểu Linh cùng Quế Chi sang bên nhà. Trên đường đi, Quế Chi không nén nổi hưng phấn kể cho Hiểu Linh nghe những ý tưởng của cô để cố gắng trả lời cho những câu hỏi kia. Hiểu Linh không biết về những chuyện này nhưng cũng hi vọng biết đâu những kiến thức cô từng lượm nhặt được trong các cuốn sách tạp nham trời biển trước kia có thể gợi cho nhà khoa học tương lai này chút ý tưởng nên chân thành nói:


- Sau này ngươi có thể thường xuyên nói cho ta nghe về những việc ngươi đang làm không? Ta rất hứng thú với những chuyện như vậy.


Quế Chi hồ hởi:


- Đương nhiên rồi. Ngươi không muốn nghe ta cũng sẽ bắt ngươi nghe. Ai bảo ngươi là người đầu tiên ủng hộ ta làm chuyện này đâu. Nhưng a.. đừng cố gắng thay đổi mẫu thân ta nếu không ngươi cũng sẽ chỉ ăn mắng mà thôi.


Hiểu Linh gật đầu:


- Ừm. Ta biết rồi. Coi như ta chưa hề nghe thấy những chuyện ngươi định làm.


Đến cổng nhà Trần bá mẫu, từ bên ngoài Hiểu Linh đã có thể nhìn thấy bà đang đảo phơi dược liệu. Cô cất tiếng chào:


- Bá mẫu gọi con.


Trần Bạch Trật nghe tiếng liền đứng thẳng dậy. Bà xoay xoay thắt lưng đã mỏi nhừ vì cúi nhiều nhìn ra cửa, gật đầu nói:


- Tới rồi hả, vào nhà đi. Là có chuyện gọi con sang đây.


Bán Hạ cũng từ dưới nhà thuốc đi ra sân mỉm cười chào hỏi:


- Linh muội tới rồi.


Hiểu Linh có chút ngây người vì thái độ của Bán Hạ. Hình như cô ấy đang rất cao hứng nên mới cười với cô như vậy. Bán Hạ đúng dạng người mặt than, ít nói ít cười. Không hiểu thứ gì có thể khiến cô ấy vui vẻ như vậy. Hiểu Linh gật đầu chào lại:


- Bán Hạ tỷ khỏe. Hôm nay tỷ có vẻ rất vui?


Bán Hạ cũng không hề phủ nhận mà đáp:



 



- Đúng vậy. Thật sự rất vui. Muội còn nhớ đứa nhỏ Trần Giản con gái của Trần Ngũ Nương chứ. Hôm nay ta và mẫu thân đi xem bệnh cho đứa nhỏ đó, chân con bé giữ được rồi lại còn lành rất nhanh nữa.


Hiểu Linh rốt cuộc à lên một tiếng. Có khi Trần bá mẫu gọi cô sang vì chuyện này. Hẳn là Bán Hạ và cả bá phụ đã kể lại chuyện ngày hôm đó.


Trần Bạch Trật ánh mắt không giấu nổi sự vui vẻ. Bà nhiệt tình tới lôi kéo tay Hiểu Linh vào nhà rồi nói:


- Vào nhà uống nước đã rồi nói ta nghe xem sao con lại có ý tưởng nẹp chân đứa nhỏ lại như vậy. Trước nay thật sự không thiếu những ca gãy xương rồi chẳng thể phục hồi nguyên trạng nữa mà dị tật suốt đời. Giờ chỉ cần nẹp một chút như vậy liền có thể thay đổi số mệnh của một con người. Chuyện này thật sự không đùa được đâu.


Bán Hạ rót nước cho mẫu thân cùng Hiểu Linh rồi lấy cho mình và Quế Chi chén nước khác. Quế Chi hứng thú:


- Hôm nay mẫu thân đi xem bệnh cho Trần Giản rồi? Đứa nhỏ đó khỏi hẳn chưa?


Trần Bạch Trật hồ hởi:


- Khỏi hẳn thì chưa. Gẫy xương trăm ngày mới xem như khỏi hẳn. Nhưng như tình hình hiện tại thì hẳn là không vấn đề gì nhiều. Sau này lớn lên cũng không bị tật. Thật tốt quá rồi.


Đoạn bà quay sang Hiểu Linh:


- Con nói xem phương pháp nẹp đó làm được với những phần xương nào? Theo ta thấy thì chỉ ở cánh tay và chân mà thôi. Những chỗ khác như cổ tay, cổ chân thì không được. Ta và Bán Hạ có từng thử cố định chúng nhưng không giữ chặt được lắm.


Hiểu Linh giả bộ cười khổ:


- Bá mẫu, con chỉ là nhìn thấy chân đứa nhỏ Trần Giản kia bị gãy gập giống như thân cây non bị đổ thì liên tưởng tới việc nẹp chống nó lại mà thôi. Không ngờ nó thật sự có hiệu quả. Còn con có biết chút gì về y thuật đâu, xương khớp người ra sao con mù tịt thì làm sao ý kiến được cho ngài đây.


Bán Hạ không biết từ đâu lấy ra mô hình bộ xương người làm từ gỗ kích thước bằng 1/3 người thật vô cùng tỉ mỉ tới từng chi tiết với những khớp nối linh hoạt. Hiểu Linh vừa nhìn thấy thì thật sự choáng váng. Làm sao có thể? Thầy thuốc ở thời đại này đã có thể tạo ra mô hình bộ xương hoàn chỉnh như vậy cho người sao? Cô lắp bắp:


- Cái… cái này…


Bán Hạ mím môi rồi đáp:



 



- Là ta phục dựng từ trí nhớ sau những lần tham gia bốc mộ cùng người trong làng. Ta cũng hỏi phu bốc mộ rất nhiều về số lượng xương của mỗi người: già trẻ, nam nữ liệu có khác nhau không thì được biết trẻ con xương sẽ nhiều hơn một chút, còn đến độ trưởng thành thì đều là 206 xương. Ta.. nghĩ rằng nếu có mô hình như thế này thì có thể biết hơn một chút về con người và bệnh tật. Nhưng chuyện này bên ngoài không ai biết.


Hiểu Linh cắn răng hỏi lại:


- Vậy… sao tỷ biết những phần xương này được nối với nhau như vậy?


Bán Hạ nhìn Hiểu Linh một chút rồi lại có phần trốn tránh. Cô không muốn bị nhìn với ánh mắt kinh dị, ghét bỏ sau khi nghe câu trả lời của mình từ Hiểu Linh. Chuyện cô làm bộ xương mô hình này chỉ duy nhất có mẫu thân cô là người biết. Ban đầu bà không ủng hộ nhưng cũng không cấm cản cô làm cái gì. Đến hôm nay khi khám lại cho Trần Giản, mẫu thân khuyên cô cho Hiểu Linh biết chuyện này. Biết đâu đứa bé kia có những ý tưởng tốt cho y học thì sao? Việc nẹp xương không phải là một ví dụ tốt nhất sao? Bán Hạ đã nghĩ rất nhiều mới quyết định mang nó ra. Cô khó nhọc nói:


- Muội… có biết những trường hợp khi bốc mộ còn chưa sạch không?


Hiểu Linh ngẩn người. Ra là tình huống này sao. Những câu chuyện về việc bốc mộ mà người đã mất còn chưa tiêu hết thịt da không hề thiếu. Nhưng một khi ván thiên đã mở thì dù người nằm bên trong còn nguyên vẹn thì họ cũng phải tiến hành làm sạch xương cốt để chuyển sang nhà mới. Đó có lẽ là quy trình gây ám ảnh nhất đối với bất kỳ phu bốc mộ nào. Người chỉ được nghe và đọc qua những câu chuyện như Hiểu Linh còn không khỏi rùng mình ớn lạnh.


Bán Hạ nhìn gương mặt vỡ lẽ của Hiểu Linh thì có chút thở phào. Cô ấy thật sự biết. Bán Hạ tiếp tục:


- Đó là những hình ảnh đáng sợ và ám ảnh nhất mà ta từng nhìn thấy. Phu bốc mộ họ phải róc từng phần thịt còn bám trên xương chính, rửa sạch lại với rượu từng chút một. Nhưng chứng kiến cảnh đó ta cũng mới biết hóa ra xương khớp được nối với nhau như vậy. Chúng kết nối với nhau thật sự rất phức tạp. Ta không có quá nhiều thời gian để nhìn hay nghiên cứu nên chỉ có thể dựa vào trí nhớ kết nối những phần xương lại với nhau mà thôi.


Hiểu Linh sau khi đã biết nguồn gốc mô hình bộ xương người này thì vừa có phần an tâm lại cũng ngưỡng mộ khao khát tìm hiểu tri thức của Bán Hạ. Trước đây cô đọc không ít những câu chuyện lịch sử về những nhà khoa học cổ trung đại bị thiêu chết khi cố gắng trộm mộ lấy thi thể để nghiên cứu về cấu tạo con người. Việc tạo ra một mô hình bộ xương như thế này thật sự không hề đơn giản và thậm chí còn bị quy tội tà giáo. Nếu Bán Hạ đã dám làm ra nó thì cô cũng sẵn sàng liều mình bồi quân tử. Cô còn sợ gì nữa mà không cung cấp những kiến thức cô biết về giải phẫu cơ thể người đây. Cho dù chuyên ngành học sau này của Hiểu Linh là kinh tế, nhưng suốt 9 năm học trung học, môn cô yêu thích nhất chính là Sinh và Hóa.


Hiểu Linh nhìn Trần bá mẫu lai nhìn sang Bán Hạ và Quế Chi rồi hít một hơi thật sâu nghiêm túc nói:


- Bá mẫu, lần đó con bị ngã mất trí nhớ nhưng có một chuyện con vẫn giấu bá mẫu và mọi người. Đó là khi con tỉnh lại tuy không nhớ được mình là ai nhưng lại có rất nhiều thứ kỳ lạ xuất hiện trong đầu con. Có điều, con thật sự không dám nói chúng với ai cả vì sợ mọi người nghĩ con bị điên rồi hoặc con bị ma quỷ nhập. Những tháng vừa qua, ngài cũng chứng kiến nhiều thứ về con. Ngài liệu có thể tin những điều con sẽ nói ra không?


Trần Bạch Trật nhìn thái độ nghiêm túc của Hiểu Linh thì bất giác ngồi thẳng người lại. Bà chăm chú nhìn đứa nhỏ trước mặt, quan sát từng nét mặt, cử chỉ của con bé rồi đáp:


- Thế gian nhiều điều kỳ lạ. Lần đó đối với con có lẽ chính là một cơ duyên ông trời ban cho: đánh đổi trí nhớ lấy những điều mới lạ. Thời gian qua ta quan sát con thay đổi và đều thấy đó là chuyện tốt. Một người bị điên hay ma quỷ nhập thân làm sao có thể càng sống càng tốt như vậy được chứ. Ta sẽ tin những điều con nói. Chính vì ta linh cảm thấy rằng con còn rất nhiều điều chưa nói ra nên mới khuyên Bán Hạ để con biết về mô hình xương người này. Nếu không tin tưởng con, ta cũng không dám đưa ra quyết định đó.


Hiểu Linh bỗng chốc mỉm cười. Có lẽ cô quá may mắn rồi khi tới nơi này liền có Phạm gia, giờ lại có thêm Trần gia tin tưởng cô. Hiểu Linh gật đầu:


- Vậy… con sẽ nói cho mọi người nghe những điều mà con biết.