Rốt cuộc ba ngày của Hiểu Linh ở Lam Kinh thư viện của cô không được như kế hoạch dùng để chép sách bởi vì sự nhiệt tình và nhiệt huyết bừng bừng của Phan viện ảnh hưởng. Hóa ra không phải Phan viện không muốn thay đổi, chỉ là bà già rồi nên lực bất tòng tâm. Giờ đây có người trẻ sẵn sàng cùng bà làm chuyện này, bao nhiêu ý tưởng dù là điên rồ nhất cũng được Phan Sư Khương chia sẻ với Hiểu Linh. Bà còn nói:
- Ta không thiếu tiền, con không cần đổ tiền vào thư viện này. Chỉ cần con trông nom nó là được rồi. Muốn bao nhiêu tiền ta đều đưa cho con làm việc.
Nhưng Hiểu Linh đương nhiên không thể làm thế, cô khéo léo từ chối:
- Viện trưởng, nếu con không đổ chút tiền nào vào thư viện, có một chút khế ước tài sản thì sau này xảy ra tranh chấp với các hậu duệ của ngài thì thật sự không hay lắm.
Hai con gái của Phan viện đều là quan lớn được không? Cái thư viện này cũng rất có danh tiếng được không? Nếu chẳng may Phan viện mất đi, cô – một kẻ không quyền không thế, không danh không tiếng sao có thể đường đường chính chính tiếp tục sở hữu một phần của thư viện chứ. Hiểu Linh nói như vậy cũng là để giữ lại đường lui cho mình sau này. Cô không muốn bao công sức tâm huyết của mình đổ xuống vực dậy được thư viện rồi lại bị kẻ khác trở về cướp trắng.
Phan viện nghe xong ban đầu có chút không hiểu, nhưng sau khi ngẫm ra lời của Hiểu Linh thì trừng mắt. Bà đập tay xuống bàn trà phát ra một tiếng rầm rồi hùng hổ tiến tới bàn viết vung bút. Một lát sau, Phan viện đưa tới cho Hiểu Linh ra lệnh:
- Con đọc đi. Hiện giờ các nha môn cũng đã phong bút chuẩn bị nghỉ lễ không thể làm thủ tục nên ngay khi hết Tết ta sẽ tới nha môn làm thủ tục.
Hiểu Linh đọc lướt qua bản giấy trên tay thì ngây người nhìn Phan viện lắp bắp:
- Cái này… cái này… Phan viện… cái này không được. Ngài sao có thể cho con cả cái thư viện này chứ. Chúng ta vốn không hề thân thích, dù là thầy trò cũng không thể cho như vậy.
Phan viện trừng mắt nhìn Hiểu Linh đáp:
- Vậy con có chịu nhận bà già này làm nghĩa mẫu không? Thực ra ta cho con cái gì chẳng ai có thể xét nét hay can thiệp. Nhưng nếu con là nghĩa nữ của ta thì sau này khi tiếp quản, các vị học giả cũng dễ dàng chấp nhận con hơn. Bọn họ a… có những người cổ hủ cứng nhắc cực kỳ. Nếu không phải thi đỗ đạt cao hơn họ hay khiến họ phục về kiến thức Khổng Mạnh thì còn lâu họ mới tin nghe.
Hiểu Linh thật sự rất bối rối. Cô không ngờ câu chuyện bất chợt chuyển hướng sang nhận nghĩa mẫu thế này. Cô lúng túng đáp:
- Viện trưởng… con chỉ định ở bên cạnh phụ ngài những chuyện không liên quan đến chuyên môn học hành mà thôi. Kiểu như ngài vẫn phụ trách chuyện thi cử học vấn còn con chỉ lo chuyện tuyển sinh, phục vụ nội bộ ăn uống ngủ nghỉ mọi thứ… Con.. con đâu có ý sẽ tiếp quản nơi này.
Hiểu Linh sau khi về nhà tìm hiểu cũng đã biết, thư viện hoặc phải do người đức cao vọng trọng như Phan Sư Khương đứng đầu hoặc phải do quan lại mở ra mới có thể phục chúng, thu hút nhân tài về dạy học. Một người như cô khó lòng có thể đứng đầu một thư viện. Vì thế cô quyết tâm trở thành người quản lý bên cạnh mà thôi. Việc làm viện trưởng, để cho một vị nào đó làm đi. Hiểu Linh vừa nói xong thì Phan viện càng giận:
- Nói vớ vẩn cái gì. Công sức con bỏ ra để cải tạo thư viện khiến nó hồi sinh rồi lại có thể buông tay bỏ mặc nó cho người khác ư. Hai đứa kia nhà ta đã không có ý định tiếp quản thì cũng không cần tiếp quản nữa. Ta đã quyết. Nơi này sau khi ta chết đi sẽ là của con. Ta trao thư viện lại cho người yêu thương nó thì có gì là sai.