Mấy tháng sau, Phó Duy Khanh đi học về tặng cho Tăng Như Sơ một bức tranh. Nếu đánh giá một cách khách quan và trung thực thì bức tranh này đúng là rất xấu, nhưng quý ở chỗ rất sáng tạo.

Cô bé vẽ một người phụ nữ mặc váy có họa tiết là những chấm nhỏ nhưng có thể liên tưởng đó là những bông hoa nhỏ. Người phụ nữ còn có mái tóc dài lộng lẫy hơn cả màu sắc của cầu vồng, nếu như có thật ở ngoài đời chắc hẳn vô cùng nổi tiếng, bước xuống phố dạo chơi khiến ai cũng phải ngoái nhìn.

Khi vẽ tranh, Phó Duy Khanh sử dụng tất cả màu sắc mà mình thích. Cô bé là người rất cởi mở thoải mái nên không ghét màu sắc nào cả, vậy nên mỗi sợi tóc cô nhóc lại vẽ một màu.

Tăng Như Sơ nhận bức tranh mà không khỏi lo lắng cho khiếu thẩm mỹ của con gái, cô cẩn thận lựa lời hỏi, “Đây là ai thế con?”

“Mẹ đấy ạ.” Phó Duy Khanh đáp.

Tăng Như Sơ: “…”

Cô còn tưởng đấy là Pony bé nhỏ biến hình chứ. Sự sáng tạo này của con gái làm cô bật cười nhưng vẫn khích lệ cô nhóc rằng vẽ khá đẹp, lần sau cố gắng hơn nữa.

“Mẹ ơi, hôm nay là Ngày của mẹ ạ.” Phó Duy Khanh được mẹ khen nên vui tươi hơn hẳn, “Con chúc mẹ có một ngày lễ vui vẻ ạ.”

Ngày của mẹ.

Cô giáo ở trường đã dặn các bạn nhỏ phải chuẩn bị món quà bất ngờ cho mẹ mình. Thật ra từ mấy ngày trước cô nhóc đã lén lút chuẩn bị rồi. Tăng Như Sơ ngạc nhiên rồi nhìn kỹ lại bức tranh. Tuy nét vẽ còn vụng về nguệch ngoạc nhưng có thể nhận ra cô bé đã dành rất nhiều tình cảm để vẽ.

“Cảm ơn con gái yêu của mẹ.” Cô cúi xuống thơm má Phó Duy Khanh.

Giờ phút này cô bỗng hiểu tại sao sinh con đau đớn như vậy, nuôi con khổ nhọc như vậy nhưng vẫn có rất nhiều phụ nữ muốn sinh đứa thứ hai, thứ ba. Vì sự lớn lên từng ngày của con, tình cảm yêu thương con dành cho mình là một điều tuyệt vời không thứ gì sánh được.

Phó Duy Khanh lại khoe tiếp, “Mẹ ơi, con còn làm một cái gậy tiên nữ cho mẹ đấy.”

Cô bé vừa nói vừa chạy tới chỗ cặp sách. Trong túi bên của cặp sách do trường mẫu giáo phát có một cái gậy độc đáo. Cô bé đã tự làm món đồ này hơn một tiếng trong lớp thủ công. Đây là chiếc gậy tiên nữ có một không hai. Cô bé tặng quà cho Tăng Như Sơ như đang dâng một báu vật:

“Chúc mẹ mãi như tuổi 17.”

Trên đầu cây gậy có một ngôi sao năm cánh ghi những chữ này. Ngoại trừ số “17” là do Phó Duy Khanh viết thì những chữ khác do giáo viên viết hộ vì cô bé chưa thể viết được những chữ phức tạp.

“Cô giáo dạy con nói thế à?” Dòng chữ này thật đáng yêu nhưng vành mắt cô lại hơi ửng đỏ, thường thì người ta hay nói “mãi như tuổi 18” chứ nhỉ?

“Không ạ, bố dạy con đấy.” Phó Duy Khanh lắc đầu.

Tối hôm qua nhân lúc Tăng Như Sơ vào nhà vệ sinh, Phó Duy Khanh và bố trong phòng ngủ bàn bạc về chuyện tặng gì cho mẹ. Tối hôm kia cô nhóc còn hỏi Phó Ngôn Chân rằng chúc mẹ cái gì thì mẹ mới vui.

Phó Ngôn Chân đáp ngay, “Phụ nữ đều thích xinh đẹp, con cứ chúc mẹ mãi trẻ trung.”

“Chúc mẹ mãi như tuổi 18 ạ?”

“Không, tuổi 17.” Như nghĩ đến điều gì đó, khóe môi anh khẽ cong.

“Mẹ lúc 17 tuổi xinh lắm hả bố?” Phó Duy Khanh ngây ngô hỏi.

Cô nhóc chưa được thấy mẹ hồi 17 tuổi nên vô cùng tò mò.

“Ừ, xinh như tiên nữ ấy.” Khi ấy Phó Ngôn Chân đã nói vậy với con gái.

Vậy nên cô bé mới nghĩ ra làm một cái gậy tiên nữ cho mẹ. Lúc nhờ cô giáo viết giúp những lời ấy, cô giáo cũng thắc mắc, “Không phải mãi như tuổi 18 à?”

Phó Duy Khanh giải thích, “Bố con nói bố gặp được mẹ lúc mẹ 17 tuổi ạ.”

“Nên muốn chúc mẹ mãi như tuổi 17.”



Mấy tháng sau, Phó Duy Khanh lên lớp lá. Chiều thứ sáu chỉ có Tăng Như Sơ đi đón con gái. Mấy hôm nay Phó Ngôn Chân khá bận với hạng mục dự án lớn của công ty. Trên đường về, Phó Duy Khanh nói như súng liên thanh không ngừng, mà toàn là những chuyện tự khen bản thân mình. Tăng Như Sơ liếc con gái, thừa biết cái đầu nhỏ kia đang muốn điều gì. Cô cố tình không đáp lời con gái. Phó Duy Khanh thấy mẹ hờ hững thì giận dỗi trề môi không nói gì nữa.

Về đến nhà thì đúng lúc Phó Ngôn Chân cũng vừa về. Phó Duy Khanh thấy chỗ mẹ không ăn thua bèn quay sang bố, cô nhóc lặp lại y nguyên những gì đã nói với mẹ ở trên xe. Hai hôm nay vì chuyện cô nhóc cứ móc chân rồi cho lên mũi ngửi mà hai bố con cãi vã không thôi, thậm chí cô nhóc còn giận dỗi “Không thèm nói chuyện với bố nữa.”

Lần đó cô bé tắm rửa xong nhào lên cái giường nhỏ của mình, mãi chưa thấy buồn ngủ bèn vừa móc chân vừa huyên thuyên với bố, “Bố ơi, con có xinh như tiên nữ không ạ? Có nhiều cô chú đều nói con giống mẹ.”

Phó Ngôn Chân nhức nhức đầu vì khả năng suy một ra ba của con gái, liếc mắt nhìn con gái thì cơn đau đầu càng dữ dội hơn bởi cái việc cô nhóc đang làm. Bỗng dưng anh chợt nảy ra suy nghĩ có khi nào Phó Duy Khanh bị bà mụ nặn nhầm không, Thẩm Đa Đa là con trai mà còn chú ý đến dáng vẻ hơn con bé.

“Tiên nữ móc chân à?” Anh lạnh lùng hỏi.

Phó Duy Khanh ngoảnh sang nhìn, “Tiên nữ không được móc chân ạ?”

“Có biết ông chú móc chân không?”

“…” Phó Duy Khanh lắc đầu.

Phó Ngôn Chân với lấy cái điện thoại ở đầu giường rồi vẫy tay với con gái. Phó Duy Khanh hiểu ý mon men bò từ giường mình sang chỗ bố.

Phó Ngôn Chân tìm kiếm hình ảnh về “ông chú móc chân” rồi đưa cho cô bé xem.

“Những người thích móc chân sau này sẽ trông như thế đấy, đã biết chưa?”

“…”

“Sao con lại móc chân hả?” Phó Ngôn Chân nắm lấy bàn chân nhỏ nhắn của con gái ngắm nghía nhưng không thấy vết đỏ hay vết phồng rộp nào.

“Hả? Sao con lại móc chân?” Thấy Phó Duy Khanh không trả lời, anh bèn cù vào lòng bàn chân cô nhóc.

“…Ngứa quá….” Phó Duy Khanh cười khanh khách.

“Nếu không trả lời thì bố còn cù tiếp.” Phó Ngôn Chân túm chặt cổ chân con gái, phải biết bằng được thói quen này của con gái từ đâu ra vì ở nhà không ai làm thế cả.

“Đừng…bạn ở lớp con móc…chân…”

Trong giờ nghỉ trưa ở trường mẫu giáo, Phó Duy Khanh nhìn thấy một đứa trẻ khác đang móc chân trên giường, lúc đó cô bé không ngủ được nên vô thức làm theo. Chẳng ngờ càng làm càng nghiện, những buổi nghỉ trưa sau đó cũng phải đưa chân lên móc. Nhưng một khi đã thành thói quen thì không phải có thể sửa đổi ngay được. Hôm sau Phó Ngôn Chân thấy cô nhóc vẫn còn móc chân bèn cau mày dạy bảo. Phó Duy Khanh gân cổ cãi lại rằng bố nói dối, không phải cứ móc chân sẽ thành ông chú móc chân.



Con gái hờn dỗi nhưng Phó Ngôn Chân lại không dỗ dành, chỉ dửng dưng nói, “Được, thế con đừng nói chuyện với bố nữa, cũng đừng dọa chết với bố.”

Tăng Như Sơ nhìn cảnh hai bố con cãi cọ vừa bực vừa buồn cười.

Quay lại hiện tại, Phó Ngôn Chân thấy dáng vẻ lấy lòng của con gái thừa biết cô bé muốn cái gì, đây cũng là cách cô bé dùng để làm hòa với bố.

Phó Duy Khanh đi đến kéo ống tay áo anh, giọng điệu nhỏ nhẹ ngoan hiền, “Sau này con không móc chân nữa…”

Phó Ngôn Chân cúi nhìn con gái, cái dáng vẻ hờn dỗi cáu kỉnh lúc trước đâu rồi?

Tăng Như Sơ che miệng cười, “Lúc mua đồ thì gửi ảnh cho mẹ xem.”

“Chỉ được mua một thứ thôi.”

Trong cửa hàng bánh kem, Phó Duy Khanh đứng trước quầy mà do dự mãi, cô bé rất muốn mua hết cả chỗ bánh ấy nhưng sau cùng vẫn phải ngoan ngoãn nghe lời chỉ được mua một cái.

Trên đường về, cô nhóc quay sang gợi chuyện với bố, “Bố ơi, lần sau con thi bố đến xem được không ạ?”

- --ĐỌC FULL TẠI TRUYENFULL.VN---

Tháng sau cô bé sẽ tham gia một cuộc thi do câu lạc bộ tổ chức. Quy mô cuộc thi không lớn, chỉ có mấy đứa bé trong câu lạc bộ so tài với nhau.

Phó Ngôn Chân liếc nhìn con gái, thấy cô nhóc một tay bê cái bánh kem, tay kia cho thìa vào miệng ngậm, đôi mắt long lanh đáng thương vô cùng.

“Con muốn bố đến xem à?” Anh biết rõ còn cố tình hỏi.

“Dạ.” Phó Duy Khanh là điển hình của người chỉ nhớ ăn không nhớ đòn, được cho vài viên kẹo là có thể xí xóa hận thù, “Con muốn cả bố và mẹ đều đến xem ạ.”

Phó Ngôn Chân cười đáp, “Nếu bố rảnh sẽ đến.”

“Bố, bố nhất định phải đến đấy nhé.” Phó Duy Khanh mong chờ nói, “Mẹ bảo mẹ sẽ đến xem đó.”

“Ừ.” Không thể trêu con bé nữa, chắc chắn anh sẽ đi xem trận đấu của con gái.

Ngày thi đấu, Phó Duy Khanh mặc đồ thể thao chuyên dụng, đằng sau áo còn dán số báo danh “007”.

Một con số rất ngầu.

Trước cuộc thi Phó Ngôn Chân đã huấn luyện rất kỹ cho cô bé, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cả tâm lý khi thi đấu.

Đến lượt Phó Duy Khanh ra sàn đấu, cô bé không tránh khỏi hồi hộp nên tay cầm cung hơi run, nhưng bé biết bố mẹ đang theo dõi mình trên khán đài bèn đưa mắt tìm, sau khi nhìn thấy hai người thì như được tiếp thêm sức mạnh. Cô bé nhẩm lại bí quyết bố dạy mình rồi nhanh chóng điều chỉnh tâm lý chính thức thi đấu.

Sau khi cuộc thi kết thúc, một tay cô nhóc nắm tay Phó Ngôn Chân, tay kia thì nắm tay Tăng Như Sơ, một tấm huy chương vàng treo lủng lẳng ở cổ. Bước đi của cô nhóc xiêu vẹo như đang trên mây. Đôi vợ chồng nhìn con gái rồi cùng nghĩ có lẽ để con bé chịu đả kích ở trận đấu trước cũng không phải chuyện xấu. Với cái dáng vẻ kiêu ngạo tự mãn này của con bé thì làm sao có thể tiến xa hơn được?

Nhưng tóm lại vẫn phải có thưởng, sau khi nghe ý kiến của Phó Duy Khanh, cả nhà quyết định đến một nhà hàng dành cho trẻ em.

Nhưng vừa đi đến ngã tư thì lại nhìn thấy Phó Chẩn. Giờ đây ông ta cũng có tuổi rồi, hai bên mai lấm tấm tóc bạc, đang bế một đứa cháu trai khác. Cuộc chạm mặt tình cờ khiến hai bên đều bất ngờ không kịp phản ứng.

Phó Duy Khanh bĩu môi không chào ông.

Cô bé vốn rất dẻo miệng, lúc nào gặp Ngôn Tri Ngọc cũng ngọt ngào gọi “bà nội ơi” khiến bà yêu thương cô cháu gái hết mực, nhưng lần này gặp ông nội lại ngoảnh đi không thèm chào.

Phó Chẩn phải lên tiếng trước, “Khanh Khanh, sao thấy ông nội mà không chào thế?”

Phó Duy Khanh tỏ thái độ khó chịu, “Hôm qua là sinh nhật bố cháu mà sao không thấy ông nội đâu cả?”

Phó Chẩn: “…”

Hai người con trai của ông ta đều trùng ngày sinh nhật. Ngần ấy năm ông chưa đón sinh nhật với Phó Ngôn Chân bao giờ. Vừa về nhà đã cãi nhau với Ngôn Tri Ngọc, vả lại Phó Ngôn Chân cũng không thích ông ta nên thuận nước đẩy thuyền mặc kệ luôn.

Phó Duy Khanh buột miệng nói, “Con không thích ông nội.”

Phó Chẩn ê mặt, “Cái đứa này…”

Thằng bé đang được ông ta bế trên tay nhìn Phó Duy Khanh, cũng hăm dọa lại, “Tao đánh mày bây giờ.”

Vừa nói vừa dứ dứ nắm tay ra vẻ muốn đánh.

“Đánh đi!” Phó Duy Khanh vênh mặt thách thức, “Đồ ngốc có mỗi việc đi thôi mà cũng phải để người khác bế.”

“Đồ chân ngắn.”

“Đồ vô dụng.”



Cô bé chẳng khi nào mắng người khác, mấy lời này đều học được từ Phó Ngôn Chân bởi anh đã mắng cô bé như thế.

Thằng bé kia giãy dụa toài xuống muốn đánh nhau với cô nhóc nhưng bị Phó Chẩn tát, “Không được hư!”

Cu cậu òa lên khóc ngay tức khắc.

“Sao ông lại đánh cháu thế?” Một người phụ nữ bước ra từ tiệm nail.

Phó Ngôn Chân không muốn dây dưa với những người này bèn kéo Phó Duy Khanh cùng Tăng Như Sơ, “Mình đi thôi.”

Cả nhà lên xe, Phó Duy Khanh mới nhoài lên hỏi, “Bố ơi, bố đang buồn lắm ạ?”

“Buồn cái gì cơ?” Phó Ngôn Chân hỏi ngược lại con gái.

“Lúc con thi đấu, con rất muốn bố đến xem cổ vũ, lúc sinh nhật cũng muốn có bố ở bên.” Phó Duy Khanh lại phát huy khả năng suy một ra ba, “Bố ơi, có phải lúc sinh nhật bố cũng muốn có bố mình ở cạnh không ạ?”

“Bố không muốn.”

“Thật ạ?”

“Ừ.”

“Sao bố lại không muốn bố của bố cùng đón sinh nhật?”

“…”

Tăng Như Sơ ngoảnh sang nhìn chồng. Ánh mắt anh luôn quan sát tình hình giao thông phía trước, tay để trên vô lăng, nét mặt bình tĩnh không chút đắn đo. Có lẽ anh không muốn gặp bố mình thật. Nhưng hồi còn bé có lẽ cũng mong ngóng chờ đợi.

“Bố ơi, để con đeo huy chương cho bố nhé.” Phó Duy Khanh gỡ huy chương khỏi cổ rồi nhoài lên phía Phó Ngôn Chân.

Tăng Như Sơ cười ngăn lại, “Để về nhà rồi đeo, bố đang lái xe mà con.”

“Vậy cũng được ạ.” Phó Duy Khanh đồng ý.

Phó Ngôn Chân nhoẻn miệng cười.

Vừa về đến nhà thì Ngôn Tri Ngọc gọi điện hỏi thăm tình hình của cháu gái. Phó Duy Khanh nghe điện thoại của bà.

“Bà nội ơi!” Cô bé ngọt ngào lên tiếng.

Ngôn Tri Ngọc ở đầu dây bên kia liên tục đáp “Ơi”.

“Bà ơi, hôm nay cháu được huy chương vàng ạ.” Phó Duy Khanh hớn hở khoe.

“Cháu gái bà giỏi quá.” Ngôn Tri Ngọc giơ ngón tay cái khen ngợi.

“Mai cháu đến thăm bà được không ạ?” Phó Duy Khanh thủ thỉ.

“Được chứ.” Ngôn Tri Ngọc vui ra mặt, “Mai bà sẽ bảo người mua sô cô la cho Khanh Khanh nhé, mua loại bên trong có nhân…”

“Cháu thích bà nội nhất luôn!”

Phó Ngôn Chân: “…”

Tăng Như Sơ: “…”

Hai người nhìn nhau mà không biết nên nói gì.

Đúng là tình thương cách một thế hệ, Phó Ngôn Chân ngẫm nghĩ, anh với mẹ chẳng khi nào nói chuyện tử tế được với nhau, nhưng Phó Duy Khanh lại rất thân thiết với bà.

Ngôn Tri Ngọc nói chuyện một lát với Phó Duy Khanh, giọng điệu của bà thay đổi hoàn toàn với bình thường, thậm chí còn hơi giống giọng Hồng Kông và Đài Loan, thoáng nghe giống như một bà cụ hiền lành ôn hòa. Mấy năm nay tính tình Ngôn Tri Ngọc tốt hơn hẳn, miễn là không gặp Phó Chẩn.