Nước mưa đập vào bức tường kính khổng lồ của nhà ga bên trong cảng hàng không phát ra những tiếng lộp độp, khiến người ta không thể phân biệt ngày và đêm.

Khương Nùng vẫn ngồi trên băng ghế dài trong một góc yên tĩnh, hành khách dần dần thưa thớt, cô lấy trong túi xách ra một viên kẹo bơ cứng, trước khi đi công tác, Phó Thanh hoài đã đến cửa hiệu lâu đời ở khu Bắc Thành mua về cho cô, những ngón tay trắng nõn bắt đầu lột vỏ kẹo ra, mùi sữa thơm nồng tràn ngập trong khoang mũi.

Cô vẫn chưa kịp bỏ vào miệng, thì thấy chú chó dẫn đường bên cạnh đang di chuyển đến gần.

Vốn đang nằm dài không có gì lưu luyến, bỗng nhìn thấy trong tay cô có kẹo, liền vẫy vẫy cái đuôi to lông lá của mình đi tới.

Khương Nùng không có kinh nghiệm nuôi thú cưng, không biết chó có thể ăn kẹo được hay không, ngón tay cầm viên kẹo nghiêng về phía trước, khẽ hỏi: "Mày có thể ăn sao?"

Chú chó dẫn đường liền vẫy đuôi hớn hở hơn.

Giọng nói dịu dàng của cô vừa dứt, quý ông mù đeo kính mát đi một mình liền nghiêng đầu theo hướng phát ra âm thanh, ánh sáng lạnh trong sảnh chờ chiếu lên sườn mặt anh tuấn rắn rỏi khiến ông càng thêm cuốn hút.

Đang lúc Khương Nùng do dự không biết có nên cho nó ăn hay không thì nghe ông nói, giọng nói ôn hòa chậm rãi: "Nó không thể ăn, sẽ bị sâu răng."

Dường như chú chó dẫn đường nghe hiểu những gì chủ nhân đang nói, cái đuôi to lớn của nó lập tức cụp xuống.

Trong mắt Khương Nùng hiện lên ý cười, không thể làm gì khác hơn là cất kẹo bơ cứng đi, tránh cho nó nhớ mãi không thôi.

Có lẽ do có chuyện này mở đầu, quý ông mù và cô cũng lịch sự trò chuyện thêm mấy câu.

Khương Nùng tò mò hỏi có phải ông đã làm mất gậy của mình rồi hay không.

Quý ông mù trầm mặc một lúc, rồi cũng thẳng thẳng thừa nhận: "Ừm, lúc xuống máy bay đã bị người ta lấy mất rồi."

"Vậy chú ——" Khương Nùng theo bản năng nhìn xung quanh, nhà ga lúc này vẫn rất ồn ào náo nhiệt, muốn hỏi ông làm sao rời khỏi sân bay.

"Có người đến đón tôi." Quý ông mù nói chuyện với chất giọng rất ôn hòa, nhưng loại ôn hòa đó không phù hợp với ngoại hình tuấn lãng của ông: “Cô muốn đến khách sạn nào, tôi bảo tài xế đưa cô một đoạn.”

Xe của khách sạn sắp xếp vẫn đang bị kẹt trên đường, như vậy có chờ cũng chẳng được gì.

Khương Nùng hơi do dự, nhưng ông ấy lại không thể nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt cô.

Quý ông mù nói thêm: "Tôi thường nghe tiết mục của cô, cô là người chủ trì của Lắng Nghe?"

Khương Nùng sửng sốt mấy giây: "Vâng."

"Trước kia tôi thuộc đội cứu viện leo núi ——" Quý ông mù bắt đầu kể cho cô nghe chuyện quá khứ của mình, trong một lần leo núi cứu viện đã xảy ra chuyện ngoài ý muốn dẫn đến hai mắt bị mù, sau đó ông bắt đầu học ngôn ngữ dành cho người mù, cũng hình thành thói quen nghe tin tức, ngừng lại mấy giây rồi nói tiếp: “Tôi cũng coi như là một khán giả nhiệt tình của cô.”

Khương Nùng không ngờ ra cửa còn có thể đυ.ng trúng người hâm mộ, ông giải thích rất rõ ràng, lại từng cứu nhiều người như vậy, khiến sự phòng bị trong lòng cô đều tan biến.

Cơn mưa bên ngoài cửa sổ sát đất đang nhỏ dần, điện thoại di động trong túi quý ông mù vang lên mấy tiếng, nhưng ông không nhận, chỉ vỗ về chú chó dẫn đường đang nằm giả chết trên mặt đất. Sau đó quay mặt về hướng Khương Nùng đang ngồi một cách chính xác: “Đi thôi cô gái nhỏ.”

Đường phố bên ngoài ngập trong nước mưa, nước đọng lại thành từng vũng lớn, những ngọn đèn đường soi bóng mình trong sóng nước.

Quý ông mù dắt chú chó của mình đứng chờ bên đường, trên chiếc xe đột ngột dừng lại có một người bước xuống đứng bên cạnh ông gọi một tiếng: “Chú Chín.”

Ông khẽ gật đầu rồi bảo Khương Nùng đến ngồi bên cạnh tài xế.

Người đàn ông kêu Chú Chín vừa nhìn thấy Khương Nùng liền giật mình, nhưng vẫn không nói gì, chỉ cung cung kính kính: “Mời cô.”

Khương Nùng cảm thấy thật kỳ quái, nhưng cũng không biết ở chỗ nào. Ngay cả việc chất hành lý cũng bị cướp mất.

Không còn cách nào khác đành phải nhấc váy lặng lẽ bước lên xe.

Dọc đường đi, người trong xe nói chuyện rất ít, lái xe tên là Trình Tư Thành, phần lớn thời gian đều là anh ta nói không ngừng nghỉ.

Biết được quải trượng bị người ta lấy mất, Trình Tư Thành chỉ có thể bất đắc dĩ nói: “Chú gắn đá quý lên quải trượng như vậy, có thể không bị trộm sao?

Rõ ràng chuyện bị trộm như thế này không chỉ xảy ra một hai lần.

Quý ông mù cười: "Sản nghiệp nhà tôi lớn, có tiền."

Trình Tư Thành không thể làm gì khác hơn là gọi điện tìm người đặt chế một cây quải trượng khác.

Lúc này quý ông mù mới nói, ông muốn đá quý màu xanh lam, tốt nhất là có hình đầu sói.

Đến khi Trình Tư Thành cúp điện thoại, anh ta liền mỉm cười với Khương Nùng đang yên lặng ngồi bên cạnh.

Khương Nùng bị nụ cười của anh ta làm cho hoang mang.

Thầm nghĩ, chẳng lẽ đây lại là một khán giả nhiệt tình của cô.

Cũng may đã đến khách sạn, xe chậm rãi dừng lại trước cửa đại sảnh, bên ngoài đã không còn mưa, cô mặc một chiếc váy dài màu xanh đậm bước xuống xe, rồi nhẹ giọng nói cảm ơn người trong xe.

Sau đó đợi cô đi xa, Trình Tư Thành mới nâng kính xe lên, nhìn Thẩm Hành đang ngồi phía sau: “Chú Chín, vị Khương tiểu thư đó thật sự rất đẹp, ngoại hình rất phù hợp với giọng nói, nhìn còn đẹp hơn cả trên tivi.”

Thẩm Hành vẫn luôn mang kính đen, trước đây lúc đang ra sức làm ăn đã tập thành thói quen giả vờ lịch thiệp, thật ra mặc dù đã có tuổi, nhưng vẫn là một con ngựa chứng khó thuần từ trong xương, trong xe không mở điều hòa, ông khó chịu tháo cà vạt ra, quấn quanh đầu ngón tay mình.

Một lúc sau, mới nói: "Bớt hoa si đi."

- ---

Khương Nùng thành công nhận phòng vào ở trong khách sạn, muốn đi tắm nước nóng mới phát hiện đã bỏ quên hành lý trên xe.

Cô có hơi bối rối, lúc này xuống lầu e là cũng không tìm được người, nằm trên giường nhìn lên trần nhà, cảm thấy có chút bất đắc dĩ, lúc này điện thoại di động bất ngờ vang lên, là Phó Thanh Hoài gọi tới.

Khương Nùng bấm nhận điện thoại, rồi rầu rĩ nói: “Anh Ba.”

Bên phía Phó Thanh Hoài rất yên tĩnh, nhận ra cảm xúc của cô, liền thấp giọng hỏi: “Sao vậy?”

“Lúc ở sân bay em có gặp một chú mù tốt bụng, ông ấy đưa em về khách sạn, nhưng em lại bỏ quên hành lý trên xe rồi.” Khương Nùng cũng không có phương thức liên lạc, ngay cả sinh hoạt ở Giang Thành vẫn còn chưa quen, nói gì đến chuyện tìm người.

Trong hành lý còn có văn kiện quan trọng dùng cho buổi phỏng vấn, sợ làm chậm trễ không ít thời gian.

Khương Nùng cũng không muốn nán lại đây quá lâu, vừa xuống máy bay, mỗi giây mỗi phút đều mong ngóng trở lại bên cạnh Phó Thanh Hoài.

Trong điện thoại, Phó Thanh Hoài hỏi cô có nhớ biển số xe hay không?

Khương Nùng theo bản năng khẽ lắc đầu, nhưng sực nhớ anh đâu có nhìn thấy nên mím môi nói: "Không nhớ."

Vậy là gần như không thể tìm được.

Sau đó Phó Thanh Hoài hỏi cô số phòng khách sạn, nghe có vẻ như muốn cho người chuẩn bị quần áo để cô thay.

Về phần tài liệu dùng để phỏng vấn, Khương Nùng suy nghĩ một hồi, đành phải liên hệ lại với đài Tân Văn, bảo Đông Chí mở máy tính của cô lên rồi gửi cho cô một bản copy vào email.

Cô cúp điện thoại sau hơn nửa tiếng trò chuyện.

Xoa xoa hai gò má để lấy lại bình tĩnh, sau đó đổi tư thế nằm trong đống chăn nệm mềm mại, vừa mở WeChat lên thì nghe thấy tiếng chuông bên ngoài cửa.

Sao người đưa quần áo lại đến nhanh thế?

Khương Nùng hơi kinh ngạc, bàn chân nhỏ nhắn mềm mại trượt xuống khỏi mép giường, giẫm lên thảm trải sàn đi ra mở cửa.

Ai ngờ bên ngoài không phải là người của Phó Thanh Hoài.

Là nhân viên khách sạn, rất cung kính trả lại hành lý cho cô cùng với một bữa tối hải sản sang trọng: “Khương tiểu thư, có một vị tiên sinh căn dặn chuẩn bị cho cô, chúc cô dùng bữa vui vẻ.”

Bàn tay trắng nõn của Khương Nùng vịn vào cửa mấy giây mới lấy lại tinh thần: “À vâng, cảm ơn.”

Hành lý được trả lại một cách thuận lợi, trái tim treo lơ lửng của cô cũng hạ xuống.

Vốn tưởng rằng cô và quý ông mù chẳng qua chỉ là một cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn trong biển người mênh mông mà thôi, sau này ông ấy vẫn có thể nghe tiết mục của cô, nhưng tuyệt đối không có khả năng gặp lại.

Sáng hôm sau, Khương Nùng lần theo địa chỉ tìm được quán trà Vạn Quyển mang màu sắc cổ kính, nó nằm sâu bên trong một con hẻm nhỏ, trên biển hiệu của quán trà phủ đầy bụi bặm, đập vào mắt cô đầu tiên khi vừa bước vào cửa là lối kiến trúc theo phong cách cổ xưa, khách tới uống trà rất ít, có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng múa rối bóng ở sân sau.

Người Khương Nùng tới phỏng vấn hôm nay là một nghệ nhân lão làng của di sản văn hóa phi vật thể múa rối bóng, cô đi sâu vào bên trong, đúng lúc nhìn thấy một con chó dẫn đường hớn hở chạy ra.

Có lẽ vẫn chưa quên trên người Khương Nùng có kẹo, thấy cô liền vẫy cái đuôi lông lá của mình mạnh hơn, nó vờn quanh làn váy đang buông nhẹ đến mắt cá chân của cô.

Khương Nùng xoa xoa cái đầu lông trắng của nó: "Thật trùng hợp."

Chú chó dẫn đường dẫn cô đi vào trong viện, xa xa đã nhìn thấy quý ông mù đang ngồi yên tĩnh trên ghế mây, ánh mặt trời xuyên qua những tán cây chiếu tia nắng loang lổ xuống bả vai ông, tô điểm cho chiếc áo sơ mi trắng thêm màu xanh của lá, nhìn sạch sẽ một cách lạ thường.

Có một điều không thể giải thích nổi, thoạt nhìn ngũ quan của ông rõ ràng thuộc kiểu vô cùng có tính công kích, nhưng khí chất lại rất ôn hòa vừa phải.

Trong viện dựng một cái sân khấu nhỏ màu đỏ, người nghệ nhân kỳ cựu đang diễn vở Bạch Xà Truyện, giọng hát trong trẻo uyển chuyển nghe có mấy phần âm điệu của vùng sông nước Giang Nam.

Quý ông mù không thể nhìn thấy, nhưng nó cũng không cản trở ông dùng tai để nghe.

Những ngón tay thon dài thoải mái đặt lên thành bàn trà, nhẹ nhàng gõ theo nhịp điệu, sau đó dường như vẫn chưa nghe đã tai, ông chọn thêm khúc Ngưu Lang Chức Nữ.

Người nghệ nhân già đứng sau bức màn màu trắng nói với ông: “Bây giờ chỉ có tên mù như cậu mới biết thưởng thức.”

Khi con rối bóng bắt đầu hát, Khương Nùng liền đứng yên tại chỗ, không tự chủ xem đến nhập thần, cho đến khi cổ họng đột nhiên ngứa ngáy khiến cô khẽ ho một tiếng, ngay lập tức thu hút sự chú ý của quý ông mù.

Thính giác của ông có thể nói là rất tốt, chỉ một tiếng ho khan bình thường cũng có thể nhận ra người nào: “Cô gái nhỏ?”

Lúc này Khương Nùng mới đi về phía trước, chú chó dẫn đường cũng cất bước theo sau, đến nằm rạp bên chân chủ nhân, dụi dụi vào ống quần ông như làm nũng.

Quý ông mù cũng không quan tâm đến nó, ngược lại chỉ chỉ vào chiếc ghế bên cạnh: “Mời ngồi.”

Khương Nùng không ngờ còn có cơ hội gặp lại ông, liền mở miệng cảm ơn ông về chuyện ngày hôm qua.

Quý ông mù nửa đùa nửa thật: “Con người tôi cũng giống như cô, thích giúp người làm niềm vui.”

Tiết mục Lắng Nghe của Khương Nùng đã giúp đỡ rất nhiều người khuyết tật trong xã hội, nhìn sự việc ở một khía cạnh nào đó thì cũng không khác nhau lắm, nói như vậy cũng chẳng có gì sai.

Hai người như vừa gặp đã thân, cô nói mình tới phỏng vấn người nghệ sĩ lão làng.

Quý ông mù cười: "Xem ra lão Sài của chúng ta sắp nổi tiếng rồi."

Người nghệ sĩ già họ Sài, tên là Sài Thừa Bật.

Ông là một trong số ít những nghệ thuật gia dân gian còn sống ở Giang Thành, tuổi đã hơn bảy mươi nhưng vẫn không có người nối nghiệp.

Khương Nùng tới phỏng vấn khiến ông không thể tiếp tục hát nữa.

Quý ông mù cũng không đi, chỉ ngồi bên cạnh nghe một người hỏi một người trả lời, thời gian chậm chạp trôi qua, đến khi mặt trời lên cao, Khương Nùng mới cất tư liệu và bản ghi âm vào, sau đó khẽ cười nói: “Phần còn lại, cháu sẽ quay lại tiếp tục vào ngày mai.”

Lần này cô và quý ông mù cũng chỉ trao đổi mấy câu đơn giản rồi rời đi trước.

Ngày hôm sau cũng vào giờ này.

Lúc Khương Nùng đến thì ông đã ở đây, chú chó dẫn đường chỉ thay đổi vị trí nằm của mình, nó lười biếng gác đầu lên hai chân đang chồng lên nhau.

Từ lần gặp đầu tiên ở sân bay, đến bây giờ gặp nhau ở quán trà.

Hai người cũng từ từ thân thiết hơn, Khương Nùng phỏng vấn lão nghệ nhân xong cũng không vội đi, mà ngồi xuống nhâm nhi một tách trà, nghe quý ông mù kể về những chuyện xảy ra trước đây trong thời gian còn làm cứu viện, giống như đang phỏng vấn một vị anh hùng khác, sau đó cô ngạc nhiên hỏi: “Thân phận của chú thoạt nhìn có vẻ không thấp…”

Dù sao thì sản nghiệp cũng lớn như vậy, cô chỉ tò mò: "Tại sao phải tham gia đội cứu viện?"

Khuôn mặt tuấn tú sắc bén của quý ông mù trầm tư một hồi lâu, trà đến khóe miệng cũng không uống: “Đời này tôi thất bại bởi nhân duyên, sự nghiệp làm cái gì đều thành công cái đó, nhưng rồi cũng cảm thấy không chút ý nghĩa, sau đó có một năm vào chùa ở khoảng mấy tháng, nghe một vị đại sư nói, làm nhiều việc thiện có thể cầu xin phúc báo cho kiếp sau.”

Cầu xin kiếp sau có thể tiếp tục nhân duyên mỹ mãn với người con gái trong lòng ông.

Khương Nùng thất thần nhìn cá chép trong ao một hồi, cho đến khi nghe ông nói: “Giọng nói của cô rất giống cô ấy, lúc ở sân bay vừa nghe tôi đã biết không phải là cô ấy—-”

Ông không bỏ sót một kỳ Lắng Nghe nào, dĩ nhiên có thể phân biệt được giọng nói của Khương Nùng.

Khương Nùng sửng sốt một hồi, nhất thời không biết nên trả lời như thế nào.

Quý ông mù chậm rãi uống xong tách trà, sợ cô hiểu lầm, mới nhẹ giọng bổ sung thêm một câu: “Nếu tôi và cô ấy có một đứa con gái, e là nó cũng lớn bằng cô rồi.”

Khương Nùng cũng uống trà, đôi mắt thông thấu trong như nước mùa thu vô tội chớp chớp.

Sau đó quý ông mù lại hỏi cô: “Cô là người bản địa Lịch Thành?

"Chỉ một nửa thôi, cháu sinh ra ở trấn Đường Tây, cha nuôi là người Lịch Thành."

Trên người Khương Nùng mang theo sự dịu dàng duyên dáng của vùng sông nước Giang Nam, lúc cô nói câu này không hề chú ý sắc mặt ông bỗng nhiên thay đổi khi nghe đến địa danh trấn Đường Tây, ngay cả tư thế cầm trà cũng không bình thường.

Yên tĩnh mấy giây, ông mới nói: "Sao cô lại bị nhận nuôi?"

Vấn đề này như vết sẹo bị người ta vạch ra, nhưng Khương Nùng cũng không quá đặt nặng, nói về thân thế của mình giống như kể một câu chuyện xưa bình thường, giọng nói dịu dàng dễ nghe vô cùng bình tĩnh: "Mẹ cháu qua đời sớm, người trong nhà giúp cháu tìm một gia đình đưa cháu đi."

"Vậy ba cô đâu?"

"Cháu không có ba."

"Xin lỗi." Quý ông mù thấp giọng nói: "Tôi không nên hỏi như vậy.”

Khương Nùng chỉ cười cười, khóe miệng khẽ cong lên: "Không sao ạ."

"Mẹ cô tên gì?" Quý ông mù đề cập ông cũng có một người quen biết cũ sống ở trấn Đường Tây, giọng nói thật thà chất phác của ông xen lẫn trong tiếng chuông gió treo bên dưới mái hiên: “Có lẽ tôi có thể giúp cô tìm —— "

Khương Nùng biết vị khán giả nhiệt tình chuyên giúp người làm niềm vui này thật sự là một người tốt.

Nhưng cô không nghĩ đến việc tìm ba, sau khi nhẹ nhàng khéo léo từ chối, suy nghĩ một chút rồi nói: "Mẹ cháu tên là Giải Nghi Hạ, Hạ trong mùa hạ."

"Giải Nghi Hạ?"

"Vâng, Giải Nghi Hạ."

"Giải Nghi Hạ ———" Ba chữ này được lặp đi lặp lại giữa đôi môi ông, đôi mắt bị kính đen che khuất nên không thể nhìn ra bất cứ cảm xúc gì, chỉ là ông cứ lẩm nhẩm cái tên này mấy lần nên dễ dàng để lộ cảm xúc khác thường.

Khương Nùng nhìn bàn tay đang cầm tách trà của ông, trên mu bàn tay trắng lạnh nổi cả gân xanh, như đang cố gắng kiềm chế điều gì đó.

"Chú, chú ơi?" Cô hơi do dự, không biết có nên gọi người đến không: “Chú có ổn không?"

Ông đậy nắp tách trà lại, chỉ mấy giây ngắn ngủi, thế nhưng cổ họng lại như tắt tiếng, giọng nói thuần hậu cũng trở nên khàn khàn: "Cháu tên là Khương Nùng, Nùng trong Ngô nông nhuyễn ngữ?"

"Chữ Nùng có ba chấm thuỷ."

Ông nghe xong, yên lặng một hồi lâu, những ngón tay thon dài vươn ra như muốn chạm vào mặt cô, nhưng vừa nâng lên liền lo sợ động tác này không thích hợp lắm: "Chú đã từng nghĩ qua."

Khương Nùng hoang mang nhìn sắc mặt tái nhợt của ông, nghe ông nhỏ giọng nói: "Những năm nay vẫn luôn suy nghĩ, nếu có con gái sẽ đặt nhũ danh cho con bé là Nùng Nùng."

Khương Nùng cũng lờ mờ đoán được, người quen biết cũ mà ông nói ở trấn Đường Tây.

Mà người quen biết cũ này rất có khả năng chính là Giải Nghi Hạ.

Không ngờ duyên phận lại khéo như vậy, còn chưa kịp hỏi tên ông thì lại nghe ông hỏi: "Ngày mai, con còn tới quán trà không?"

Khương Nùng khẽ cong đôi môi đỏ mọng nói: "Cháu đi công tác, hành trình đã kết thúc cũng nên trở về Lịch Thành rồi."

Cả hai đều muốn nói thêm gì đó, nhưng lời nói ra đến cửa miệng đều hóa thành nụ cười nhạt nhẽo:

“Đừng làm trễ nãi công việc, trở về đi."

Mười phút sau.

Khương Nùng rời khỏi quán trà, trong ngực còn ôm một túi kẹo mà người nghệ nhân già đưa cho cô, cô không hề hứng thú với những điểm du lịch ở Giang Thành, liền gọi xe quay trở về khách sạn đang ở.

Vừa đi vừa xé vỏ kẹo ra ăn, còn chưa kịp nhét vào miệng đã bất ngờ nhìn thấy một người đang ngồi trong đại sảnh khách sạn.

Là Phó Thanh Hoài.

Hiển nhiên là đang đợi cô làm xong công việc của mình, không ngại đường xa tới đón người, anh đang mặc một bộ tây trang màu xám nhạt ngồi trên ghế sofa, khí chất đặc biệt trầm tĩnh, dường như cảm thấy chờ đợi hơi nhàm chán, tiện tay cầm một cuốn tạp chí lên xem.

Khương Nùng thấy anh liền nhoẻn miệng cười, từ trong đôi mắt đi thẳng vào bao phủ trái tim cô.

Muốn đi tới lén lút vỗ vào bả vai anh, bàn tay trắng nõn còn chưa chạm vào đã bị Phó Thanh Hoài bắt được, cả người đều bị anh kéo vào trong ngực.

Khương Nùng ngửi thấy mùi hương nhang quen thuộc trên người anh, không hiểu sao khóe mắt lại đỏ lên.

"Thấy anh rồi, sao em còn tủi thân?" Phó Thanh Hoài dùng đầu ngón tay dịu dàng xoa xoa khóe mắt rồi trượt xuống gò má cô, làn da cô trắng mịn nên chỉ hơi dùng sức một chút cũng có thể để lại dấu vết.

Khương Nùng khẽ lắc lắc đầu, có lẽ do ở một nơi xa lạ khá lâu nên khi nhìn thấy người quen thì cảm xúc bỗng chốc dâng trào, cô đưa đống kẹo gói bằng giấy đang ôm trong ngực cho anh cầm, rồi kéo anh trở về phòng, dọc đường đi vẫn không quên kể cho anh nghe chuyện mình gặp phải hai ngày nay.

Dĩ nhiên cũng nhắc đến quý ông mù ——

"Anh Ba, em cảm thấy hình như ông ấy rất thích em."

Khương Nùng biết đây là sự yêu thích của trưởng bối đối với vãn bối, là sự thưởng thức rất đơn thuần.

Sau khi vào phòng, Phó Thanh Hoài bắt đầu cởi cúc áo sơ mi, ở chỗ riêng tư, anh không chút kiêng dè cởi bỏ quần áo, cơ bụng đẹp đẽ hiện ra rõ nét một cách hoàn mỹ, đường nhân ngư biến mất bên dưới chiếc quần tây căng chặt.

Thời tiết Giang Thành rất nóng, rõ ràng là anh rất ghét đổ mồ hôi, trước khi đi tắm nước lạnh liền kéo Khương Nùng vào ngực hôn một hồi lâu.

Khương Nùng bị hôn đến đầu lưỡi tê dại, lòng bàn tay phủ lên bả vai anh, nhỏ giọng nói: "Mau đi tắm đi."

Câu này nghe qua lại có chút ý tứ thúc giục.

Phó Thanh Hoài cắn lỗ tai cô cười nhẹ, một hồi lâu sau mới chịu thả người.

Khương Nùng đi đến mép giường, không hiểu sao bỗng nhiên cảm thấy nơi này đã không còn xa lạ, cô mím môi, kéo gối ôm vào ngực trong vô thức, lắng nghe tiếng nước chảy từ phòng tắm truyền đến.

Dần dần, hàng mi thanh mảnh cong cong hình rẻ quạt lặng lẽ khép lại.

Đến khi Phó Thanh Hoài tắm xong đi ra thì Khương Nùng đã ngủ mất, anh đi tới mép giường nhìn sườn mặt thanh lệ yên tĩnh của cô, gần như vùi mặt vào trong gối, anh cười khẽ, sau đó kéo chăn đắp lên người cô.

Lúc này, cửa bị gõ nhẹ mấy tiếng.

Là Diêm Ninh mang quần áo mới sạch sẽ tới, đồng thời thấp giọng nói: "Tôi đã điều tra, người mà thái thái quen biết ở quán trà họ Thẩm."

Phó Thanh Hoài cũng đoán vậy, gương mặt tuấn mỹ lại không hề thay đổi.

Anh nhàn nhạt ừ một tiếng, nhận lấy quần áo, rồi mới đóng cửa phòng lại.

Khương Nùng ngủ một giấc cho đến khi hoàng hôn buông xuống quên ngoài cửa sổ sát đất mới tỉnh dậy, ngẩn người nhìn Phó Thanh Hoài đã thay áo sơ mi mới màu xanh nhạt, đẹp đẽ như được nhuộm từ màu xanh của lá thông, nó khiến cho sườn mặt tuấn mỹ của anh trở nên nhu hòa hơn mấy phần.

Thấy cô đã tỉnh.

Phó Thanh Hoài chống tay hai bên hông cô, cúi đầu xuống nói: "Anh Ba nói cho em nghe một chuyện."

Anh rất ít khi dùng giọng điệu nghiêm trang như vậy, Khương Nùng tỉnh táo hơn ba phần, cánh tay trắng nõn tự động vòng qua cổ Phó Thanh Hoài: "Dạ."

"Áo cưới đặt may cho em đã được đưa đến biệt thự trên đỉnh núi, tối nay ngồi máy bay riêng trở về nhé?"

Tối nay?

Khương Nùng theo bản năng cọ cọ vào cổ anh, khẽ ngáp một cái: "Gấp như vậy sao?"

Phó Thanh Hoài thấp giọng nói: "Ừ, anh Ba không thể chờ nữa, muốn nhìn thấy em mặc váy cưới."

Phần lớn thời gian Khương Nùng đều nghe theo anh, anh nói muốn trở về mặc thử áo cưới, không hề nghĩ ngợi, cô tuột xuống giường chạy vào phòng tắm, chỉ rửa mặt qua loa, rồi thay váy, thật sự đi ra cửa.

Chỉ là vừa xuống lầu làm thủ tục trả phòng, không ngờ có một người quen đang ngồi trên ghế sofa trong đại sảnh xa hoa sáng sủa.

Chú chó dẫn đường đang nằm trên mặt đất vừa nhìn thấy cô liền tru lên một tiếng.

Khương Nùng quay mặt lại, liền nhìn thấy quý ông mù mà ban ngày cô vừa gặp ở quán trà, hơi ngẩn người, nhưng sau đó liền nói với Phó Thanh Hoài: "Em qua chào hỏi một tiếng.”

Dù sao cũng nhận ân huệ của người ta, cô nhẹ nhàng đi tới, còn chưa mở miệng thì ông đã ngẩng đầu lên vì nghe thấy tiếng bước chân đến gần.

Yên tĩnh hồi lâu, đôi môi trời sinh có chút lạnh lùng muốn nở nụ cười, ông cố gắng cười thật tươi: "Chú nghĩ tới nghĩ lui, Giang Thành và Lịch Thành cách xa ngàn dặm, sau này có lẽ không có nhiều cơ hội gặp mặt, vẫn nên tiễn con một đoạn."

Thế nhưng khoảng cách từ khách sạn đến sân bay lúc này sao ngắn quá, chớp mắt một cái đã tới nơi.

Nhưng lại cũng quá dài, dài hơn hai mươi năm mới biết được sự tồn tại của con bé.