Tháng hai, năm Thiên Khải thứ hai ở Đại Tề, tướng quân Sở Tuân dẫn ba mươi kỵ binh bất ngờ đánh vào quân doanh Hung Nô, bắt sống tên thống soái Hung Nô.

Tháng ba cùng năm, Sở tướng quân dẫn quân bức người Hung Nô ra khỏi quan ngoại, lấy lại mười hai thành Hạ Châu bị Kiều gia làm mất đi mười năm trước, Hung Nô từ đây thần phục Đại Tề, hàng năm tiến cống.

Tháng tư, Hoàng đế hạ chỉ, lệnh Sở tướng quân khải hoàn hồi triều, trọng thưởng đại công.

Bá tánh Đại Tề sôi nổi viết sách về Sở tướng quân để truyền lại đời sau, đem uy danh của đại tướng quân truyền bá tứ phương, thuyết thư tiên sinh ở trà lâu mỗi ngày đều kể chuyện Sở tướng quân tuy trẻ tuổi đã lập mưu tính kế đánh quân địch tan tác, người nghe sẽ không ngừng vỗ tay hoan hô liên tục.

Kiều Kính Ngôn đang ngồi ở trà lâu nghe kể chuyện, còn ba ngày nữa là tới Cẩm Châu, gặp được vị Sở tướng quân trong truyền thuyết này.

Cẩm Châu là quê nhà của Sở tướng quân, sát bên Hạ Châu năm đó bị chiếm đóng. Sở Tuân sinh ra ở Cẩm Châu, mẫu thân hắn là đệ nhất mỹ nhân Cẩm Châu năm xưa, tinh thông cầm kỳ thư họa. Mọi người đều nói, mỹ nhân xứng anh hùng, bà và võ tướng Sở Hầu gia yêu nhau là một giai thoại truyền kỳ.

Năm ba tuổi, Sở Tuân rời Cẩm Châu đến kinh thành, sau đó lão Hầu gia bệnh nặng, hắn quay về Cẩm Châu năm mười lăm tuổi, sát cánh lão Hầu gia chống ngoại địch. Trong người mang dòng máu võ tướng, tuy là công tử thế gia lớn lên trong cung, nhưng khi ra chiến trường thì không ai địch lại.

Kiều Kính Ngôn đoán, chắc Sở tướng quân đã đắc tội hoàng đế trong khoảng thời gian mười hai năm sống ở kinh thành, nếu không sao hoàng đế lại phát rồ nói xấu trúc mã kiêm thần bảo hộ Đại Tề như vậy.

Gần đây trong kinh truyền ra lời đồn không biết bắt nguồn từ đâu, nói Sở tướng quân tuy bày mưu lập kế anh dũng vô địch nhưng dung mạo vô cùng xấu xí, tuy nói rằng nam tử không cần quá coi trọng tướng mạo, nhưng lời đồn hư hư thật thật này làm không biết bao nhiêu cô nương thương tâm.

Những tiểu thư thế gia từng gặp Sở Tuân liền cố gắng đính chính, nói Sở tướng quân là nam tử mỹ mạo thế gian hiếm thấy, phong độ nhẹ nhàng, mặt sáng như ngọc, mắt như sao trời, khóe mắt chân thành càng làm nữ tử xấu hổ. Nhưng những lời ca ngợi đó đều bị lời đồn đè bẹp, tất nhiên mọi người không thể không tin lời đồn về dung mạo xấu xí của Sở tướng quân.

Lời đồn truyền vừa nhanh vừa lan xa phủ sóng khắp nơi, người đứng sau nhất định là một vị quyền cao chức trọng tài đại khí thô (*).

Làm thủ hạ tâm phúc của hoàng đế, Kiều Kính Ngôn đương nhiên biết rõ, lời đồn kia là do lãnh đạo ăn không ngồi rồi của nàng trực tiếp tung ra, gã cẩu hoàng đế được việc thì ít, hỏng việc thì nhiều, lén lút làm chút việc trộm cắp.

Đương nhiên nàng không dám nói những lời này trước mặt hắn, chỉ có thể cười cười khen tặng: “Bệ hạ thật anh minh thần võ, sớm làm mọi người nhận thức rõ chân dung tướng quân, chặt đứt si tâm vọng tưởng của nữ tử, ngài xem, chẳng phải mấy vị nương nương lại xoay vòng quanh ngài sao.”

Cẩu hoàng đế đắc ý cười ha ha, nếu không phải vì số tiền tiêu vặt ít ỏi hàng tháng, ai nguyện ý làm việc cho gã hoàng đế vô dụng này.

Là ám vệ bên người hoàng đế, Kiều Kính Ngôn bị hoàng đế tẩy não mỗi ngày, rằng Sở tướng quân là kẻ lưng hùm vai gấu, mặt mũi hung tợn, trên mặt còn có vết sẹo do đao chém. Mặc kệ hắn trông thế nào, hắn thu phục Hạ Châu thì chính là anh hùng trong lòng nàng, cũng là anh hùng trong lòng bá tánh Đại Tề. Nàng không cần chấp nhặt cẩu hoàng đế nông cạn kia.

Hoàng đế giao phó nàng đi Cẩm Châu, lệnh nàng đem về thư từ tư thông ngoại địch của đại thần triều đình mà Sở tướng quân lấy được ở chỗ người Hung Nô. Nàng không chút do dự liền khởi hành lập tức đi Cẩm Châu. Sau lưng còn vang tiếng oán trách của cẩu hoàng đế: “A Tuân xấu như vậy, Kiều thống lĩnh vội đi làm chi để làm tổn thương cặp mắt, lúc đó đừng than với trẫm là bị tai nạn lao động.”

Đúng là một nam nhân nông cạn!

————-

(*) Tài đại khí thô: có tiền nhưng khí chất thô thiển