#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết

ĐÊM THỨ HAI MƯƠI HAI: NƠI Ở CỦA CÁC VỊ THÁI HẬU


Nếu các bạn có theo dõi series Tử Cấm Thành nghìn lẻ một đêm này của An thì ắt hẳn sẽ còn nhớ thông tin về đầu mũi tên được cắm trên cửa Long Tông mà An từng đề cập ở đêm thứ chín. Hôm nay, An sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện khác về khu vực cung Thái Hậu đằng sau cửa Long Tông này - tức cung Từ Ninh. Sở dĩ cung Từ Ninh được gọi là cung Thái Hậu là do bởi đây là nơi ở của suốt bao đời thái hậu của hai triều Minh - Thanh, rất hiếm khi mở cửa, ngay cả hậu duệ hoàng tộc cũng rất hiếm khi lai vãng.

Cung Từ Ninh được vua Gia Tĩnh xây vào năm 1536 dành cho người mẹ ruột là Tưởng Thái hậu, mở rộng thêm từ cung Nhân Thọ lúc ban đầu. Các vị thái hậu mà chúng ta thường thấy trong phim đều sống tại đây cả. Song trên thực tế, nơi đây ngoại trừ là nơi ở của thái hậu thì còn có những "công dụng" khác ví như đây cũng là nơi ở của các phi tần của tiên đế và hoàng đế đương nhiệm. Một thí dụ điển hình là dưới thời vua Vạn Lịch, các phi tần của vua Vạn Lịch như Trịnh hoàng quý phi, Chiêu phi cũng ở cung Nhân Thọ cùng với Lý Thái hậu (tức Hiếu Định hoàng thái hậu hay Từ Thánh hoàng thái hậu). Hay sau khi vua Minh Hy Tông băng hà, Hoàng quý phi và các phi tần khác của ngài cũng dời đến đây sống. Vì thế, hậu nhân còn gọi cung Nhân Thọ là "nơi tập trung các bà lão".

Sau khi thay đổi triều đại, nhà Thanh tuy lên nắm quyền nhưng vẫn giữ lại những chế độ tồn tại ở thời Minh, và vị thái hậu có trí tuệ và tài đức nhất triều đại này chính là Hiếu Trang hoàng thái hậu, nếu mang ra so sánh xa hơn một chút thì cá nhân mình nghĩ bà thậm chí còn thông minh hơn cả nhân vật Mị Nguyệt trong Mị Nguyệt Truyện.

Hiếu Trang hoàng thái hậu là ai? Bà là phi tần của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, đồng thời cũng là mẹ ruột của Thanh Thế Tổ Thuận Trị. Công lao to lớn của bà là không cần phải bàn cãi, chính bà đã dưỡng dục hai đời vua Thuận Trị - Khang Hi và góp công giúp hai vị hoàng đế này ổn định căn cơ khi lên ngôi lúc còn quá nhỏ tuổi. Có rất nhiều tác phẩm phim ảnh tái hiện lại vị hoàng thái hậu nổi tiếng bậc nhất Trung Hoa này, đa phần các diễn viên đều rất xinh đẹp, song trên thực tế bà cũng là một đại mỹ nhân. Vừa có nhan sắc, vừa tài hoa, lại góp công lao to lớn trong việc giữ vững sự thịnh trị của quốc gia, thảo nào bà được vua Khang Hi khiêm nhường cung kính tới thế. Theo như ghi chép lịch sử, vua Khang Hi thường hay ở cung Từ Ninh, rất hay tổ chức tiệc cho thái hậu, đặc biệt là vào sinh nhật của thái hậu, Khang Hi tự mình hành lễ, lễ tiết cực kỳ long trọng.

Khi Hiếu Trang hoàng thái hậu qua đời (ở tuổi 75) thì ở cung Từ Ninh (trước đó có tên là Nhân Thọ) liên tiếp xảy ra rất nhiều hiện tượng kỳ lạ. Ví như đến tối thì lại nghe thấy tiếng tấu nhạc, còn có người trông thấy bóng dáng cung nữ thái giám xếp hàng đi ngang qua. Lời đồn mỗi lúc một ly kỳ vì vậy các đời thái hậu và thái phi về sau cũng không ai dám ở lại đây nữa, các bà đều đưa ra kiến nghị với hoàng đế rằng công lao của Hiếu Trang hoàng thái hậu quá lớn, những người sau không có tư cách ở nơi bà từng ở. Vua cũng chẳng thể làm gì khác hơn là sắp xếp cho các bà chỗ ở mới. Từ đó về sau cung Từ Ninh vắng bóng người, dần dà chẳng còn ai dọn dẹp chăm sóc, cuối cùng xuống dốc theo sự sụp đổ của vương triều đại Thanh.


Lại nói về việc sau khi Hiếu Trang hoàng thái hậu mất thì không ai dám ở đây nữa, thế là vua liền đưa các bà đến ở cung Thọ Khang. Cung Thọ Khang nằm ở phía tây của cung Từ Ninh, lúc đầu là tẩm cung do vua Càn Long xây dựng cho mẹ ruột Hiếu Thánh Hiến hoàng hậu (hay còn gọi là Sùng Khánh hoàng thái hậu). Vậy Hiếu Thánh Hiến hoàng hậu là ai? Bà chính là nhân vật Nữu Hỗ Lộc Chân Hoàn trong Chân Hoàn Truyện, là Liên Nhi trong Cung Tỏa Châu Liêm, và cũng là Lão Phật Gia trong Hoàn Châu Cách Cách.

Năm đó, "Chân Hoàn" của chúng ta trở thành thái hậu, nhưng như những "tiền bối" trước đó, bà cũng không dám vào ở cung Từ Ninh. Chẳng còn cách nào khác, vua Càn Long quyết định xây dựng cung Thọ Khang ở phía tây cung Từ Ninh. Hiếu Thánh Hiến hoàng hậu đã sống ở đây gần hết cả cuộc đời, mãi đến khi bà 80 tuổi (lúc này tuổi tác của bà đã cao hơn tuổi tác hồi Hiếu Trang hoàng thái hậu qua đời) vua Càn Long mới cho dọn dẹp lại cung Từ Ninh và đưa mẹ ruột mình đến đây ở. Sáu năm sau, Hiếu Thánh thái hậu mất, cung Từ Ninh mới chính thức không còn ai ở nữa.

Sau khi Hiếu Thánh thái hậu qua đời, cung Thọ Khang trở thành nơi dưỡng lão của các thái hậu và thái phi nhiều thế hệ. Hiếu Hòa Duệ thái hậu dưới thời vua Đạo Quang, Khang Từ hoàng thái hậu dưới thời vua Hàm Phong cũng từng ở đây dưỡng già. Thậm chí là Từ Hi thái hậu cũng từng ở cung Thọ Khang một khoảng thời gian ngắn vì muốn "nâng cao" thân phận hoàng thái hậu đầy "vĩ đại" của mình.


Xuôi theo sự suy tàn của triều Thanh, cung Thọ Khang dần trở nên tiêu điều, người cuối cùng ở cung Thọ Khang không phải vị thái hậu nào cả mà là Du thái phi Hách Xá Lý thị. Hồi hoàng đế Tuyên Thống mới ba tuổi lên ngôi là do chính thái hậu Long Dụ nuôi nấng, sau khi Long Dụ thái hậu qua đời thì vị Du Thái phi này đã chăm sóc Phổ Nghi. Trưa ngày 5 tháng 11 năm 1934, Phùng Ngọc Tường phát động chính biến ở Bắc Kinh, Phổ Nghi và thê thiếp bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, Du Thái phi lấy lý do tuổi cao sức yếu nên được tạm ở lại Cố Cung. Ngày 21 tháng 11, Du Thái Phi tập tễnh rời khỏi Cố Cung, bà trở thành vị hoàng tộc Mãn Thanh cuối cùng rời khỏi Cố Cung. Tiếp đó, cánh cửa lớn của cung Thọ Khang cũng bị đóng lại, mãi đến năm 2015 mới được mở ra.

Dưới đây là hình ảnh phục dựng của cung Từ Ninh trong phim Hậu Cung Như Ý Truyện.