Bốp!!

- Mày có biết, bố mày là ai không?

Bốp!!

Ối á!!

- Đời tao sống giản dị, không muốn quá nổi bật, không muốn gây thị phi với người, nên đôi lúc có hơi... ừm, mờ nhạt, nhưng tao hiền quá nên đến oắt con nhà mày cũng dám gây sự, phải không?

Bốp!!

Hự!! Híc híc!! Hu hu!!

- Nhà hàng của Thanh Hải, cũng đến lượt mày đi gây sự?

Bốp!!

- Đời tao sống giản dị, nhưng hôm nay tao đang bực, mày còn dám đến gây sự, cả 2 thằng nhà mày, tao đéo cần biết là con cháu nhà nào, hôm nay tao phải đánh cho nát người!

Binh!!

Ngay trong quán, một vụ đánh đập vô cùng tàn nhẫn diễn ra. Người đánh đập, là Vương Minh Quang, kẻ bị đánh đập, là 2 thằng Vũ Hải Hùng và Vinh Mũi chó.

Đám quay phim, nghe tới đây là nhà hàng của Thanh Hải, ngay lập tức chuồn lẹ. Vụ đánh đập này, khán giả trên mạng không ai biết đến, chỉ có những thực khách trong quán chứng kiến.

Hai thằng bị đánh đập một hồi, rồi bị vứt ra đường như 2 con chó. Bầm tím, xây xước, đau đớn, hai thằng lủi thủi xách nhau ra về.

- Các vị, ăn uống tại nhà hàng, mọi người cứ yên tâm, không đứa nào dám tới gây sự đâu! - Vừa mang bộ mặt cay cú đánh đập 2 thằng nhóc kia một trận, Quang lại mang gương mặt đẹp trai tươi cười, nói với mọi người.

Gương mặt này thay đổi, cũng hơi quá nhanh. Mọi người còn hơi kinh hãi trong lòng, nhưng thấy người ta chỉ giải quyết đám gây sự, cũng không ảnh hưởng gì tới mình, lại ngồi xuống ăn uống.

- Hôm nay chú có chuyện gì không vui à?

Chị Thanh tựa tay vào quầy thu ngân, nhìn hắn. Hắn gượng cười, lắc đầu.

- Thôi, ăn miếng gián này đi. Ngon lắm đấy. Chỉ sợ ngày mai nhiều người lại đòi chị làm thêm.

Hắn tiện tay bốc một con gián cho vào miệng.

- Ngon lắm! Hồi bé bị ném vào rừng để luyện tập, em cũng từng phải ăn gián, nhưng không ngon như thế này.

- Tất nhiên rồi!
- Mẹ kiếp! Thằng Mũi chó này! Mày mũi chó, ai ngờ mày cũng óc chó! Nhà hàng của Thanh Hải, mà mày dám dụ tao chui vào gây sự? Mày muốn hại chết tao phải không?

Vũ Hải Hùng bị đánh cho bầm dập, vừa được thằng Vinh Mũi chó dìu đi, vừa luôn mồm chửi nó.

Khổ thân thằng Vinh, chỉ có thể im lặng nghe chửi.
- Bạn Văn! Mình không biết bạn đi đâu, hoá ra bạn ở trên thư viện.

Là Linh.

- Có chuyện gì không?

- Mình vừa thấy mẹ của bạn trên mạng đó.

- Mẹ mình... trên mạng?

Văn ngước mắt nhìn lên tường. Nó nghĩ, mạng, tức là giống như mạng nhện đó. Mẹ mình làm sao ở trên mạng nhện được nhỉ?

- Giời ạ! Ông tướng, không biết mạng là gì à? Internet, internet đó!

Nó lắc đầu.

- Không biết.

Linh bó tay rồi. Mà chuyện cũng không có gì nghiêm trọng, nên cô bé cũng không nói nữa. Chỉ có điều, vừa rồi, trên điện thoại, nhìn thấy rõ ràng Vũ Hải Hùng muốn tìm đến nhà hàng gây sự. Nhà hàng do Thanh Hải mở, chắc là không sao, nhưng cũng có nghĩa là, thằng này vẫn mang thù với Văn. Vũ Hải Hùng nổi tiếng nham hiểm, lại có thể mặt dày mà đi cầu cạnh người khác, chẳng biết, rồi hắn lại nghĩ ra trò gì đây.

Linh rất đau đầu. Cô bé không muốn dây vào thằng Văn một tí nào, vì thằng này chỉ giỏi làm những việc huỷ hoại thanh danh cô bé. Nhưng nếu không lo cho nó, nó hay đi gây chuyện như vậy, thì phải làm sao? Dù sao mình cũng là cán bộ lớp.

Đúng là của nợ.

Linh bực tức nghĩ vậy. Nhưng nhìn thấy Văn đang đọc sách, cô bé cũng rất ngạc nhiên.

- Bạn Văn, bạn cũng biết đọc sách cơ đấy! Ồ, là Văn học lý trí của thầy Mạnh. Cuốn này khó hiểu lắm, mình cũng không hiểu nổi, nhưng biết đâu, bạn lại hiểu được thì sao?

Văn gật đầu.

- Quyển này, viết dễ hiểu hơn giáo trình cơ bản.

- Hứ!

Linh bĩu môi. Động viên xã giao nó một câu, nó lại tưởng thật. Cuốn sách này của thầy Mạnh, nếu dễ hiểu tới vậy, còn cần người ta tranh cãi sao.

- Chiều nay, thầy Khang lại cho nghỉ. Chiều nay bạn học môn gì?

Văn gãi đầu. Nó chỉ biết đến trường mà thôi, chẳng biết phải học môn gì. Linh với anh Quang, đăng kí cho nó tất tần tật các môn học, lại còn không phải đến điểm danh, mà cứ đủ sức thi qua môn nào, là xong môn đó.

Nói cách khác, chiều nay, nó muốn đi học môn nào cũng được, nhưng rồi lại chả biết nên học cái gì. Thậm chí về nhà học với anh Quang cũng được, ngồi ở thư viện học cũng được. Học cấp tốc, vốn là như vậy.

- Bạn chưa từng học Toán đúng không? Nếu không biết cơ bản về Toán học, thì không theo được các môn Tự nhiên đâu. Chờ mình chút.

Cô bé chạy vụt ra khỏi phòng đọc, một lúc sau quay trở lại, tay cầm một cuốn sách.

- Đây là giáo trình Toán cho học sinh Tiểu học. Chiều nay, bạn cứ làm quen với cộng trừ nhân chia đi nhé.

Văn cúi đầu, nhìn cuốn giáo trình.

Toán học, nó đã từng nghe qua. Cũng giống như việc tính tiền ở chợ ấy nhỉ. Nó gật đầu cám ơn Linh. Cô bé này, giúp đỡ nó nhiều quá, nó không biết nên làm sao để trả ơn nữa. Mẹ nó dạy, khi người khác giúp đỡ mình, mình cũng phải giúp đỡ lại họ.

- Mình thấy đói rồi. Mình có cơm hộp đây, bạn muốn ăn cùng chứ? Sao, mẹ bạn cũng làm cơm hộp á? Đâu, mình xem nào... Sao? Cơm của mẹ bạn là ngon nhất á? Hứ! Cơm của mẹ mình ngon hơn, có muốn thử không?

Trẻ con, cãi nhau về cơm mẹ mình nấu, là chuyện bình thường.
Chiều hôm đó, Linh đi học, Văn vẫn ngồi tại thư viện.

Toán học.

Nó đã từng học qua Võ thuật, Sinh học, và Văn học. Theo như nó thấy, mỗi môn học, đều mang theo một ý nghĩa nhất định. Nó ngắm nhìn cuốn giáo trình đăm đăm.

“Toán học, là những con số sao?”

- Cũng đúng, mà cũng sai. Bản chất của Toán học, là sự chính xác.

Nó giật mình. Nó lại bất giác nói to suy nghĩ của mình nữa rồi. Và lạ làm sao, mỗi lần như vậy, lại có người trả lời nó.

Là bác thủ thư. Bác đang đi cất mấy cuốn sách mà người khác đã đọc xong. Bác cười với nó.

- Toán học, là môn học với những con số. Những con số, không bao giờ nói dối, không bao giờ nhập nhằng, chỉ có đúng và sai. Học Toán học, chính là rèn luyện tư duy về sự chính xác, rèn luyện ý thức về sự chính xác, rèn luyện trách nhiệm với sự chính xác. Tư duy, ý thức, trách nhiệm ấy, sẽ giúp cháu tiến xa hơn trong tất cả các môn Khoa học Tự nhiên.

Sự chính xác, chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Khoa học Xã hội, nghiên cứu về con người, mà con người, rất khó để dùng những đánh giá chính xác để phân tích họ. Tốt và xấu, giàu và nghèo, linh hoạt và ù lì, thông minh và ngu xuẩn, chỉ là những đánh giá mang tính tương đối. Ngươi có thể thông minh hơn người này, nhưng lại ngu xuẩn hơn người khác. Ngươi có thể giàu hơn những người nghèo, nhưng lại nghèo hơn những người giàu.

Toán học, thì lại khác. Một cộng một bằng hai. Và hai trừ một thì bằng một. Nghiên cứu về Tự nhiên, nghiên cứu về những thứ không thuộc về con người, những thứ ra đời trước cả con người, những thứ hùng mạnh gấp trăm, gấp ngàn, gấp tỉ lần con người, thì không thể áp dụng sự nhập nhằng của con người lên đó.

Thì ra là vậy. Có lẽ Toán học, rất hợp với nó. Vì nó cũng không thích sự nhập nhằng. Nó thích sự chính xác.

Bác thủ thư nhìn nó mỉm cười, ôm chồng sách đi ra khỏi phòng.

Những con số. Lịch sử ra đời của những con số. Hoá ra những con số ra đời từ rất sớm. Chỉ muộn hơn Ngôn Ngữ một chút. Đó là khi các giống loài, sau khi tiếp thu tri thức của con Khỉ già, đã bắt đầu phát triển trí tuệ, bắt đầu quan sát thiên nhiên, và bắt đầu biết đếm.

Một que củi, hai que củi, ba que củi. Sau đó, là một bước tiến bộ, khi các giống loài phân biệt được giữa số thứ tự, và số đếm. Que củi thứ 3, khác với 3 que củi. Sau đó, là đếm tới 4. Đếm tới 4, vô cùng dễ dàng, với đa số các giống loài. Không ai biết tại sao, nhưng những con số đếm đầu tiên, luôn dừng lại ở số 4.

Thậm chí không cần phải đếm, ngươi nhìn 4 cái cây, ngay lập tức ngươi biết được đó là 4 cái cây. Nhưng nếu nhìn 5 cái, 6 cái, vậy thì ngươi phải đếm rồi. Nhìn đến 12 cái cây, chắc chắn là phải đếm, nếu không đếm thì không thể nào biết có 12 cái cây.

Người Cận Tây cổ đại, dùng 1 vạch để tượng trưng cho 1 lần đếm. 3 vạch, là số 3. 4 vạch, là số 4. Nhưng đến số 5, họ không dùng 5 vạch, và biến 4 vạch kia trở thành 1, và 1 vạch nữa tượng trưng cho số 5. 2 vạch này, tạo thành 1 chữ V.

Chữ V này, giống như 1 bàn tay, khi mà 4 ngón kia chập lại làm 1, ngón cái giơ ra.

Cũng từ đó, tư duy chập nhiều số lại để đếm ra đời. Các hệ đếm ra đời. Nhị phân, Tam phân, Tứ phân, Ngũ phân, Thập phân, Thập nhị phân, Lục thập phân...

Ngày nay, loài người sử dụng hệ đếm Thập phân, một vòng tuần hoàn gồm 10 chữ số, nhưng hệ đếm này, theo các nhà Toán học, không ưu tú cho lắm. Hệ Thập nhị phân, hoặc thậm chí là Lục thập phân, ưu tú hơn rất nhiều.

Thập nhị phân, là 1 vòng tuần hoàn gồm 12 chữ số, giống như 12 tháng trong năm, như 12 đốt ngón tay trên 4 ngón tay. Số 12, chia hết cho rất nhiều số. 1, 2, 3, 4, 6, 12. Trong khi số 10, chỉ chia hết cho 1, 2, 5, 10. Lục thập phân, là một vòng tuần hoàn 60 chữ số. Giống như 60 chòm sao trên trời. Số 60, chia hết cho cả 10 lẫn 12, tức là tổng hợp được toàn bộ ưu điểm của 2 hệ đếm này.

Nhưng, hệ đếm 60 quá lớn, lớn đến mức loài người không thể làm quen nổi, vậy nên hiện nay, các nhà Toán học chỉ đấu tranh cho việc sử dụng hệ đếm 12.

Lịch sử về các con số, đều rất thú vị, nó đọc hoài không chán. Nhưng có một con số thú vị hơn cả. Con số làm thay đổi cả lịch sử của Toán học.

Con số 0.

Zero, linh, không, nol, אֶפֶס, null, suni... đều là những tên gọi để gọi nó.

Con số ma quỷ, con số thần thánh, con số nhiệm màu, con số tối thượng... Có rất nhiều tên gọi mà loài người đã dùng để gọi nó.

Con số 0, không phải do loài người nghĩ ra. Mà là do loài rồng, đã truyền lại cho con người.

Loài rồng, với năng lực trí tuệ siêu việt vượt xa 7 giống loài biết nói còn lại, đã có rất nhiều thành tựu trong Toán học. Điển hình chính là con số 0.

Không biết bằng cách nào, loài người đã học được số 0 ấy từ loài rồng, và cũng từ đó, loài người trở thành giống loài thông minh gần như nhất thế giới, chỉ sau loài rồng.

Cuốn sách cũng có đề cập qua, Vương tộc, mang huyết mạch của rồng trong người, nên những người thuộc Vương tộc, từ khi sinh ra, đã mang chỉ số thông minh rất cao.

Chậc chậc, thằng Văn nghĩ. Mới sinh ra đã có chỉ số thông minh cao, nỗ lực ít hơn người rất nhiều mà lại đạt được thành tựu cao hơn người khác. Như thế thì tiện lợi quá. Tiện lợi như vậy, có gì thú vị nhỉ?