Lý Xuân Hoa vừa định nói đồng ý việc này thì Tô Mạn đã xua tay: “Không. Cháu cũng không ăn hết nhiều như vậy. Mẹ của Hắc Bì, chuyện này chỉ là việc nhỏ. Sau này kêu Hắc Bì chăm chỉ học hành là được."

Chỉ là cháo làm từ lương thực phụ, của chính mình cô còn ăn không vô nữa là.

Lúc này thì không chỉ mẹ của Hắc Bì cảm động mà ngay cả những người khác cũng cảm động theo.

Cô giáo Tô quả thật là người tốt mà.

Mỗi bữa thêm nửa chén lương thực cũng không cần. Đây là phải có tấm lòng hy sinh cao cả đến nhường nào mới có thể quên mình cứu người mà không cầu báo đáp.

Mẹ của Hắc Bì cảm động đến nước mắt nước mũi tuôn trào, cuối cùng nhét tấm vải trong tay cho Tô Mạn, nhất quyết bắt Tô Mạn phải nhận: “Cháu nhất định phải nhận lấy nó nếu không thím sẽ áy náy lắm."

Thực lòng thì Tô Mạn không muốn nhận. Cô cũng không thích miếng vải này cho lắm.

Quan trọng là sau khi nghĩ kỹ về hành động cứu người của mình, người cũng đã cứu rồi vậy thì nên cố gắng tranh thủ càng nhiều lợi ích cho bản thân hơn nữa.

Sau này cô còn nhiều chuyện quan trọng cần làm, bây giờ nếu cô nhận miếng vải này thì hình tượng cao cả xả thân cứu người của cô sẽ bị hạ thấp. Chỉ vì một miếng vải thì không đáng.

Vì vậy, cô từ chối: “Cháu không thể nhận nó. Cháu cứu người cũng không phải vì một miếng vải."

789 đã cảm động đến khóc tu tu: “Quả là phẩm chất đạo đức tri ân báo đáp tốt đẹp. Quả là nhân cách xả thân cứu người vĩ đại. Tôi đã nhìn thấy một thế giới tương lai tràn ngập tình yêu thương."

Tô Mạn: "..."

Lý Xuân Hoa ở bên cạnh thấy Tô Mạn từ chối nhận miếng vải mà đau đến đứt từng đoạn ruột: “Con gái à, hay chúng ta cứ nhận lấy đi."

"Con đã nói là không nhận."

Tô Mạn nói một cách kiên định, sau đó quay qua nói với mẹ của Hắc Bì: “Thím lấy về đi, cháu không thể nhận nó." Nếu nhận sẽ ảnh hưởng đến hình tượng của cô.

Mẹ của Hắc Bì kích động mà ôm chặt lấy Tô Mạn: “Cô giáo Tô, cô thật là một người tốt mà."

Tô Mạn: "..."

Thật vất vả giải tán mẹ của Hắc Bì và đám xã viên tới xem náo nhiệt, Tô Mạn lại bị người nhà họ Tô vây quanh.

Lý Xuân Hoa đau lòng mà nói: “Con gái, lẽ ra con nên nhận lấy miếng vải đó.”

“Em gái, lần này em thật là thiếu đầu óc mà.” Tô Nhị Trụ có chút không vui mà nói.

Tô Tam Trụ thì thở ngắn than dài: “Em gái à, em nói đi, lợi ích tới tay rồi sao lại đẩy ra vậy chứ?”

Thật ra Tô Mạn rất đồng tình với quan điểm của bọn họ. Dù sao thì làm việc tốt cũng không có ích lợi gì: “Không, làm việc tốt thì không thể đòi hỏi lợi ích. Đòi lợi ích thì tính chất của việc này sẽ bị thay đổi. Con chỉ là đơn thuần muốn làm việc tốt mà thôi. Con cũng chưa từng nghĩ sẽ nhận báo đáp. Mọi người sẽ không thể hiểu được tâm trạng của con đâu."

Người nhà họ Tô: “…”

Chị dâu cả Lâm Tuyết Cúc lẩm bẩm một tiếng: “Em à, không phải chị nói em đâu, quần áo của em mặc tới mặc lui cũng chỉ hai bộ, chị đều giặt đến muốn nát rồi. Nếu giữ lại miếng vải kia, em có thể may thành quần áo đấy."

Chất vải tốt như vậy, có thể làm hai cái áo ngắn chứ ít gì.

Trái tim của Lâm Tuyết Cúc cũng đau như dao cắt.

Ánh mắt của Tô Mạn sáng lên, nhìn Lâm Tuyết Cúc nói: “Chị dâu, may mà chị nhắc nhở em, quần áo của em đúng là hơi thiếu. Dù sao em cũng là người có thể diện cũng nên may vài bộ quần áo để mặc." Cô quay đầu lại nhìn Lý Xuân Hoa, người còn đang đau khổ vì không lấy lại miếng vải: “Mẹ, mẹ nói xem có phải là con nên may một hai bộ quần áo không? Chỗ mẹ còn có phiếu vải không?"

Lý Xuân Hoa: “…”

Phiếu đương nhiên là có, nhưng mà vừa nãy có sẵn con không cần, hiện tại tìm người làm mẹ này đòi phiếu?

Lý Xuân Hoa bỗng nhiên mếu máo, trong lòng cảm thấy xót xa. Sao mình lại sinh ra đứa con gái ngốc như vậy chứ.

Lúc trước còn cảm thấy nó là một đứa biết tính toán, hiện tại xem ra đầu óc nó không đủ minh mẫn, không học được chân truyền của mình.

Xót thì xót nhưng con gái đã mở miệng thì phiếu vẫn phải cho.

Quần áo của những người khác trong nhà họ Tô thật ra cũng không nhiều. Dù sao người trong nhà đều nghèo, quần áo cả năm cộng lại cũng chỉ sáu bộ, khâu khâu vá vá cũng mấy bộ như vậy mà mặc đi mặc lại, rất hiếm khi may quần áo. Ngoại lệ duy nhất là con gái lớn Tô Thu Nguyệt, bởi vì đi học ở trường cấp ba, là người có thể diện nên được ưu tiên hơn một chút.

Hiện tại Tô Mạn cũng coi như là người có thể diện, nên quần áo cũng phải may.

Lý Xuân Hoa nói: “Đợi rảnh rỗi tới hợp tác xã ở công xã đo vải đi.”