Những năm cuối triều Ngô, hoàng đế ngu dốt, gian thần lộng hành, quan lại tham nhũng. Lúc này, trời còn giáng thêm đại họa, trước có nạn châu chấu càn quấy, sau có nạn lũ lụt hoành hành, chẳng thể thu hoạch nổi một hạt hoa màu. Dân chúng lầm than cơ cực, đói chết vô số, thậm chí còn dễ dàng bỏ mạng chỉ bởi một miếng ăn, cuộc sống bi thảm vô cùng. Vì thế, quần hùng trong thiên hạ sôi nổi khởi nghĩa, trong đó có thực lực nhất là gia tộc Mẫn thị.
Mẫn thị là gia tộc thuộc tầng lớp trí thức, tộc chủ là Mẫn Quang, tự Công Nghĩa – một người có chí lớn lại biết suy tính sâu xa, nhìn thấy triều Ngô đã đến bờ vực suy tàn, liền dùng hết gia sản để chiêu binh mãi mã, tự phong làm tướng quân. Bởi vì gia tộc Mẫn thị là người đất Tấn, nên mọi người thường gọi là quân Tấn.
Lúc đầu, quân Tấn tiến công đến đâu, thắng thế như chẻ tre đến đó, liên tục công phá được mấy thành trì. Nhưng binh ít lương thiếu, cuối cùng không thể trụ vững, rốt cuộc bị đánh phải tháo chạy tới sông Trạm Thủy. Sau này được gia tộc Trạm thị hỗ trợ, mất mười năm trời mới giành được thiên hạ về tay, lập nên triều Tấn. Mẫn Quang lên ngôi, xưng là Tấn Cao Tổ.
Lúc Cao Tổ luận công để thưởng, Trạm thị là gia tộc có công đầu, nhưng khi ấy ở dân gian lại rất lưu truyền một câu hát: "Bên bờ Trạm Thủy có đảm đương, bảy trăm năm sau lập thành triều", lòng Cao Tổ nảy sinh nghi kỵ, bất an đến hàng đêm chẳng thể ngủ yên, chỉ muốn mau diệt trừ gia tộc Trạm thị.
Nhưng giang sơn vừa mới định, nếu tru diệt công thần sẽ khiến lòng quân khủng hoảng. Sau nhiều lần suy đi tính lại, cuối cùng vào một đêm nọ, quyết định triệu kiến tộc chủ của Trạm thị là Trạm Bí, ý muốn gây khó dễ nên đưa ra đề nghị rằng: Một là Trạm Bí tiến cung làm phi, hoàng tử sinh ra sau này sẽ làm chủ Trạm thị; Hai là Trạm Bí phải suốt đời sống bằng thân phận nam tử, không phải huyết mạch của chính mình thì không được phép kế thừa Trạm thị. Ai có thể ngờ được vị đại tướng quân anh minh uy vũ của Trạm thị lại là nữ tử cơ chứ?
Hóa ra Trạm thị là gia tộc coi trọng nữ tử, trước giờ vị trí tộc chủ đều do nữ nhân đảm đương. Từ nhỏ Trạm Bí đã là người thông minh trí tuệ, lại chẳng hề kiêu căng ngạo mạn, giỏi cả văn lẫn võ. Khi thiên hạ lâm vào loạn lạc, gia tộc Trạm thị cùng lúc phải chịu đến hai tầng áp bức của quan lại và dân du mục, khổ không thể tả, nên Trạm Bí quyết tâm muốn đưa mọi người trong gia tộc thoát khỏi khốn cảnh. Có điều trong thiên hạ mọi việc đều phải do nam nhân làm chủ, nữ tử làm sao có thể ra chiến trường, vì vậy bất đắc dĩ Trạm Bí phải thỏa hiệp với Cao Tổ, dùng thân phận nam tử để chinh chiến, ngoài Cao Tổ sẽ không để bất cứ ai biết được chuyện này.
Lúc ấy Cao Tổ đang trong nguy khốn, đương nhiên nhận lời, gϊếŧ hết bảy người thân tín bên cạnh biết được việc đó coi như tỏ lòng thành ý. Giờ thiên hạ đã định, Trạm thị thế lớn, chẳng khác nào giống cái xương cá mắc trong cổ họng Cao Tổ. Vì thế, hắn lợi dụng cơ hội này để áp chế, muốn Trạm thị phải khuất phục.
Trong lòng Trạm Bí sớm đã hiểu rõ dụng ý của hoàng đế, nếu tiến cung làm phi, chẳng khác nào trở thành miếng thịt trên thớt gỗ. Vả lại, bất kể sau này có con nối dõi hay không, cho dù có đi nữa, cuối cùng gia tộc Trạm thị cũng sẽ rơi vào tay Mẫn thị. Còn nếu chiếu cáo thiên hạ rằng mình là nam tử, thì sau này sao còn có thể gả cho nam nhân khác để sinh ra huyết mạch được đây? Sau trăm tuổi không người thừa kế, Trạm thị rồi cũng sẽ rơi vào tay Mẫn thị thôi. Có điều Trạm Bí đâu phải loại nữ tử tầm thường, sao dễ dàng để người chèn ép chứ? Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, dứt khoát chọn phương án cả đời sẽ giả nam nhân, định đợi đến khi về Trạm Thủy rồi tính tiếp.
Sao Cao Tổ không biết đây là kế hoãn binh của Trạm Bí, vì thế phong Trạm Bí làm Đoan vương, đất phong ở tại Đoan, có thể thừa kế tước vị mãi mãi, không có chiếu thì không được vào kinh thành. Đoan tuy là vùng trù phú của Trạm Thủy, nhưng lại nằm ở tận cùng phía tây bắc, vừa cằn cỗi vừa rét lạnh căm căm, lại có vùng giáp danh với Bắc Địch của dân du mục, vì thế thường xuyên bị quấy nhiễu, cuộc sống dân chúng rất bấp bênh. Dù thế Cao Tổ vẫn không có ý định bỏ qua cho Trạm Bí, ở ngày Trạm thị quay về Đoan, Cao Tổ đích thân ra cổng kinh thành đưa tiễn, ban thưởng một chén rượu quý, lệ rơi nói lời chia tay.
Nhưng Trạm Bí rời đi chưa đến nửa ngày, dưới thân đã không ngừng rong huyết, gắng chịu đựng cho đến khi về đến Đoan, phải tĩnh dưỡng thêm nửa tháng, tình hình mới tốt lên. Đại phu đến chẩn bệnh nói rằng, vì uống phải thuốc độc cắt đứt kinh nguyệt, nên giờ Trạm Bí đã không còn khả năng sinh con. Trạm Bí thù hận không thôi, còn Cao Tổ lại vô cùng đắc ý.
Nhưng hai năm sau bỗng truyền ra tin tức, Đoan vương thành thân, Cao Tổ cứ tưởng đây chỉ là trò giả phượng hư hoàng của Trạm Bí, không để tâm đến. Rồi tiếp một năm sau nữa, lại có tin rằng thế tử của Đoan vương mới được sinh ra, Cao Tổ vô cùng nghi hoặc, liền sai sứ giả đến kiểm chứng thực hư. Sứ giả sau vài lần lấy máu nghiệm thân, hồi đáp với Cao Tổ rằng, lân nhi này đích xác là con ruột của Đoan vương, Cao Tổ cực kỳ kinh hãi, liền sai người bí mật thăm dò, trong Đoan vương phủ có người không chịu nổi hấp dẫn, cuối cùng tiết lộ ra.
Ở dãy núi tuyết nằm phía tây của Đoan có một tộc nữ tử thần bí — gọi là Hữu Hoàng. Người trong tộc này sống tách biệt với thế giới, nhưng lại có pháp thuật cao siêu. Ba năm trước, Đoan vương vì tâm tình buồn bực nên đã đi du lịch, vừa khéo cứu được một nữ tử chẳng may gặp nạn trên núi tuyết là người tộc Hữu Hoàng này. Nữ tử ấy lại chính là con gái của tộc trưởng, tộc trưởng hết mực cảm kích, nữ tử lại sinh lòng ái mộ với Đoan vương. Còn Đoan vương sau khi nghe nói tộc này có diệu pháp, có thể giúp nữ tử và nữ tử thành thân vẫn có thể sinh con thì vô cùng mừng rỡ, lập tức đưa lời cầu hôn rồi cùng mỹ phụ xuống núi.
Cao Tổ nghe xong lo ngại không thôi, lấy cớ muốn tiến công Bắc Địch rồi phái mười vạn đại quân vào núi tuyết, quyết chí cần tiêu diệt mầm tai họa này. Trên núi tuyết đâu đâu cũng phủ đầy tuyết trắng, rất khó tìm ra được đường đi, sau hơn một tháng tìm tòi chẳng có chút tung tích, lại thêm rét buốt thấu xương, lương thảo tiếp tế ít ỏi, hoàn cảnh quá khổ sở khiến lòng quân dao động. Ở trên triều, các đại thần vì không biết rõ nguyên nhân, cứ liên tục dâng tấu xin hoàng thượng hãy rút quân về, nhưng hoàng đế chẳng mảy may để ý. Nào biết ba tháng sau đó lại có tin truyền đến, mười vạn đại quân bị lạc đường trong núi, rồi gặp phải bão tuyết nên toàn quân bị diệt. Cao Tổ bất đắc dĩ, đành phải âm thầm tính cách khác, mấy chục lần phái người đi ám sát cả nhà Đoan vương, có điều chẳng thể thành công. Sau khi Đoan vương biết được chuyện này, đã vô cùng giận dữ gϊếŧ kẻ phản bội, rồi bí mật lập nên một tổ chức ám vệ hoàn mỹ cho riêng mình.
Mười bảy năm sau, Cao Tổ băng hà, các hoàng tử chỉ biết lao vào cấu xé tranh ngôi báu. Nhân cơ hội ấy, Đoan vương lén trợ giúp đưa Tam hoàng tử Mẫn Hạo lên ngôi, diệt trừ kẻ duy nhất còn lại biết được bí mật của mình là thái tử Mẫn Húc, từ đó ngoài những thân tín kề cận nhất, Đoan vương chẳng để bất cứ ai biết được bí mật của Đoan vương phủ. Việc này chỉ tạm thời hóa giải nguy hiểm, chứ làm sao có thể tin tưởng lòng dạ đế vương, nhất là khi Đoan vương lại công cao lấn chủ. Cứ thế mấy trăm năm trôi qua, triều Tấn vài lần chìm nổi, còn Đoan vương phủ thì dần lớn mạnh hơn, Tấn đế trước sau đều không có cách nào đối phó được với Đoan vương, chỉ đành không ngừng phòng bị.
Thoáng cái đã qua bảy trăm năm, đất Đoan dưới sự cai trị của các triều đại Đoan vương trở nên phồn vinh giàu có, dân chúng cơm no áo ấm, ngược lại triều Tấn thì dần suy tàn. Tấn đế Mẫn Thuân – tự Tử Kiền, trước kia là Lục hoàng tử, rất âm hiểm kiêu căng, tiên đế vẫn luôn chán ghét lão. Sau khi tiên đế băng hà, lão đã ra tay tàn sát toàn bộ huynh đệ, thủ đoạn tàn ác. Lúc đăng cơ, Mẫn Thuân phải chịu rất nhiều chỉ trích trong thiên hạ, lão đều ghi nhớ trong lòng rồi nghe ngóng dần dần, sau đó tru diệt cửu tộc rất nhiều dòng họ, chỉ đến khi tuổi già sức giảm, lão mới tạm ngừng tay. Nhưng triều đình đã sớm tan vỡ, không còn cách nào vãn hồi.
Mẫn Thuân có ba người con trai, con đầu tên Mẫn Vĩ, được phong làm Hữu vương, lãnh binh đóng ở vùng biên giới phía bắc. Con thứ tên Mẫn Dục, được phong làm Hưng vương, ba năm trước đã tới đất phong ở Giang Nam đóng đô. Chỉ còn lại đứa con thứ ba là Mẫn Huyễn, được lòng vua cha nên giờ vẫn còn lưu ở kinh thành. Mọi người đồn đoán rằng người có khả năng nhất vào Đông cung chính là Tam hoàng tử Mẫn Huyễn. Cuộc chiến đoạt vị đã ngầm nổ ra và trở nên thảm khốc vô cùng.
Ba con trai tự chém gϊếŧ lẫn nhau, Bắc Địch thì rục rịch, dân chúng thì lầm than, tất cả những điều đó Mẫn Thuân đều biết nhưng chẳng buồn để ý. Lo âu duy nhất của lão chính là về Đoan vương Trạm Tuân — vị vương gia khác họ ở vùng tây bắc xa xôi kia. Dân Đoan uy phong dũng mãnh, quân Đoan lại càng mạnh mẽ hơn cả quân Bắc Địch, hiện giờ đất Đoan còn vô cùng giàu có, thiên hạ sao có thể tồn tại hai mặt trời! Có một Đoan vương như vậy, ngôi vị hoàng đế này làm sao có thể ngồi yên?
Năm Trường Thọ thứ ba mươi lăm, Đoan vương Trạm Tuân đang cực kỳ lo lắng, không vì nguyên nhân gì khác, mà chỉ bởi vì lúc này vương hậu Tức Mặc thị đang ở trong phòng gian nan sinh con.
- - - - - - - -
Editor: E hèm...Tại vì editor là người hiện đại, hổng phải từ cổ đại xuyên tới. Cũng chưa từng được học lớp cổ văn nào.
Cho nên nếu khi đọc các bạn có thấy có vài từ ngữ hiện đại quá, mong thông cảm. ^_^
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.