Vào ngày sinh nhật của Phí Nghê, cô phát hiện những điều ước của mình năm ngoái gần như đều đã trở thành sự thật.

Cô vẫn ở bên Phương Mục Dương, hơn nữa năm sau cô sẽ được vào đại học. Chỉ là Phương Mục Dương có vào được đại học hay không thì vẫn còn chưa biết chắc.

Cô không phải người tham lam, năm nay chỉ ước duy nhất một điều trong sinh nhật, đó chính là Phương Mục Dương có thể cùng học đại học với cô.

Năm ngoái Phương Mục Dương đón Tết cùng cha mẹ của Phí Nghê, cha mẹ anh vẫn còn đang ở xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp. Năm nay trước khi Tết đến, mẹ Phí đã liệu sẵn việc con gái con rể sẽ ăn Tết ở đâu, còn chuẩn bị một đống quà Tết để Phí Nghê mang sang nhà họ Phương vào đêm giao thừa. Lần đón năm mới này của Phí Nghê và Phương Mục Dương thực sự bận rộn, đầu tiên là ra bưu điện gửi quà cho anh chị, gửi xong không bao lâu lại cầm phiếu gửi bưu kiện đi nhận hàng.

Ông Phương có ba đứa con, ngày ba mươi Tết năm nay, con trai cả và con gái thứ hai đều gọi điện thoại về hỏi thăm, còn gửi quà về cho cả ông lẫn nghịch tử.

Nghịch tử út và con dâu cùng ăn Tết với ông, trong lòng ông rất vui mừng. Năm ngoái ông và bà bạn già ở xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp, đồng nghiệp trong xưởng đều rất nhiệt tình mới giáo sư Mục ăn Tết cùng với bọn họ, còn ông chẳng qua chỉ là mời thêm mà thôi. Bọn họ đều nói “chị nhớ dẫn theo cả chồng mình nữa nhé”, lại còn dẫn theo, cứ như là ông chỉ hàng kèm theo của ai đó không bằng. Vẫn là nhà mình tốt hơn!

Nghịch tử và con dâu gói sủi cảo trong phòng ăn, bà bạn già cũng ở dưới bếp làm ít điểm tâm theo công thức.

Ông Phương thấy rất xúc động, cảm hứng thơ phú tuôn trào, còn chưa kịp về phòng cầm bút thì nghịch tử đã từ phòng ăn cất tiếng gọi: “Cha, cha mau xuống đây gói sủi cảo đi.”

Dì Phương đã về quê ăn Tết từ mấy ngày trước, toàn bộ việc nhà lại đổ lên đầu ông Phương. Ông Phương tự nhận là người đã có việc làm, có thể bỏ qua việc nhà một cách hợp tình hợp lý, nhưng trong nhà chỉ có mỗi ông và bạn già, ông không làm thì ai làm? Thế nên ông đành tặc lưỡi làm bừa cho xong, cũng may nhà ăn vẫn cung cấp đủ cơm canh vào khoảng thời gian đón Tết. Ngày hôm qua nghe chuyện nghịch tử và con dâu sẽ về đây, từ năm giờ kém ông đã một mình dọn nhà, còn lau sạch các ngóc ngách, chứng minh mình vẫn là một người cha chu đáo. Song sự vất vả của ông, nghịch tử hoàn toàn không thấy, nó chỉ thấy bây giờ ông đang vểnh râu uống trà, nghe nhạc đọc báo mà thôi. Ông nào có sức lực mà gói sủi cảo nữa chứ?

Phí Nghê huých vào khuỷu tay Phương Mục Dương: “Anh để cha nghỉ ngơi đi.”

“Cha anh thích gói sủi cảo lắm, em không thể cướp mất niềm vui của ông được.”

Ai thích gói sủi cảo hả?

Ông Phương cũng thông cảm cho sự vất vả của nghịch tử và con dâu: “Không cần gói quá nhiều đâu, sủi cảo chỉ là hình thức thôi, quan trọng nhất là gia đình chúng ta quây quần đoàn tụ bên nhau.”

Phương Mục Dương gói sủi cảo rất khác với người thường, người khác luôn cố gắng gói sao cho mỗi viên sủi cảo của mình đều trông giống nhau, anh lại cố tình làm chúng trông càng khác nhau càng tốt. Gói sủi cảo với anh, có vẻ cũng là một chuyện thú vị.

Phí Nghê cho rằng anh làm quá chậm, nhưng cũng không giục anh, chỉ gia tăng tốc độ gói sủi cảo của chính mình.

Phương Mục Dương bao sủi cảo thành hình một con vật, đúng là loài vật Phí Nghê cầm tinh. Anh hỏi cô: “Con này trông có giống em không?”

Phí Nghê cầm lên nhìn nhìn, cảm thấy vẻ mặt của viên sủi cảo này quả thật có hơi giống cô, giống cô lúc đang nghiêm túc. Nhưng cái biểu cảm nghiêm túc này bị đặt trên người động vật thì hoàn toàn chẳng thấy nghiêm túc đâu nữa, chỉ còn lại mỗi hài hước.

Lại lấy cô ra làm trò cười!

Nhưng vì có ông Phương ngoài phòng khách và mẹ chồng dưới bếp, Phí Nghê cũng không tiện náo loạn với anh.

“Anh toàn bêu xấu em thôi,” cô nhỏ giọng nói. “Mau gói đi, đừng đùa nữa. Có gói giống đến mấy thì thả vào nồi cũng chẳng thấy gì đâu.”

“Thế bây giờ em tranh thủ ngắm cho kỹ kỹ tí đi.”

Phí Nghê lại liếc nhìn viên sủi cảo kia, cảm thấy Phương Mục Dương quả thực gói rất đẹp, nấu lên thì thật đáng tiếc: “Hay chúng ta lấy máy ảnh chụp lại một tấm đi.”

Phương Mục Dương không ngờ Phí Nghê lại trịnh trọng tới thế.

Phí Nghê rất nghiêm túc lấy máy ảnh chụp hình cho viên sủi cảo của Phương Mục Dương.

Ông Phương cảm thấy nghịch tử thật sự may mắn, gói có mỗi viên sủi cảo mà con dâu cũng xem như bảo bối.

Phương Mục Dương gói bốn con vật, lần lượt là các loài vật mà bốn người họ cầm tinh, anh và Phí Nghê giống nhau.

Phí Nghê cố ý thêm lạc vào bốn viên sủi cảo này, ai ăn được lạc thì năm sau sẽ nhiều may mắn. Gia đình Phương Mục Dương lúc trước chẳng bao giờ thêm gì vào sủi cảo, mỗi lần Tết đến chính là những lúc hỗn loạn nhất của nhà họ, bởi vì giúp việc về quê, cơm tất niên của cả nhà hơn nửa là đủ các kiểu đồ hộp. Mặc dù hỗn loạn nhưng không khí ngày Tết thì vẫn phải có, cứ đến gần Tết là Phương Mục Dương lại bắt đầu vẽ tranh Tết, Mục Tĩnh viết câu đối, anh cả của bọn họ phụ trách sửa chữa đống đồ đạc mà đứa em út phá hỏng, thuận tiện hướng dẫn em trai út làm pháo hoa. Sự hướng dẫn kia cũng không phải vô điều kiện, thiệp chúc Tết anh cả tặng thầy cô và bạn học đều là Phương Mục Dương vẽ. Để cho bà xã được vui, đêm giao thừa nào ông Phương cũng chỉ huy ba đứa con nhỏ hợp tấu cùng mình, ông chơi phong cầm(1), con trai cả đàn dương cầm, con gái thứ hai thổi sáo, còn con út kéo vĩ cầm. Tuy nhiên bọn họ đều là mệnh ai người nấy biểu diễn, hoàn toàn chẳng có chút tinh thần hợp tác nào. Biểu diễn xong cũng là lúc tặng quà và phát lì xì, Phương Mục Dương chỉ đợi đoạt được lì xì là sẽ chạy xuống dưới sân đốt pháo.

(1) Phong cầm: Accordion, hay còn gọi là đàn xếp.

Phương Mục Dương đến nông thôn thường chỉ được ăn sủi cảo nhân tiền xu và cải thảo ở nhà dân làng, món duy nhất có thể tạm coi là mặn chính là tép khô, nhưng như thế cũng là hiếm thấy rồi, bình thường ngoài mì suông ra thì còn gì khác đâu chứ? Dân làng mời anh ăn sủi cảo, anh cũng rất ý tứ mà chỉ ăn đúng một viên, dù sao nhà người ta cả năm cũng chẳng được ăn sủi cảo đến hai lần.

Phí Nghê nói với Phương Mục Dương, nếu bỏ tiền xu vào trong sủi cảo thì nhỡ nuốt phải sẽ rất phiền phức, muốn có điềm may thì chỉ cần cho thêm lạc là được.

Mâm cơm tất niên phần lớn là do Phí Nghê và Phương Mục Dương lo liệu, hai người bọn họ chẳng phải là tay bếp cừ khôi gì, nhưng so với cái nhà này thì đã giỏi giang lắm rồi. Ông Phương cũng góp món cho bữa tất niên, khui hai lon đồ hộp.

Bốn người ngồi quanh bàn cơm, ông Phương nhìn một cái bàn đầy thức ăn, trước tiên cảm ơn con dâu đã phải vất vả, sau đó lại mời bạn già chia sẻ cảm nhận, định bụng đợi bà xã bày tỏ xong thì bản thân ông cũng sẽ phát biểu cảm nghĩ trước thềm năm mới một phen. Năm vừa rồi đã trải qua rất nhiều chuyện, không phải chỉ mấy câu là có thể nói rõ được. Ai ngờ giáo sư Mục chỉ trực tiếp cám ơn con trai con dâu, sau đó liền chỉ thị mọi người dùng bữa.

Phương Mục Dương cổ vũ cha mình, bảo ông nói đôi lời trước khi ăn.

Ông Phương hắng giọng một cái, xong rồi bắt đầu lên tiếng. Đầu tiên ông cảm ơn bà xã đã hết lòng nâng đỡ mình, nếu không có bà bầu bạn thì ông chưa chắc đã có thể bình tĩnh vượt qua khoảng thời gian khắc khổ kia. Nói đến đoạn xúc động, ông nắm lấy tay bạn già, giáo sư Mục ngại ông bày trò buồn nôn trước mặt con trẻ nên dùng dằng không phối hợp. Ông Phương thấy hơi mất mặt, nhưng cũng không quan trọng lắm. Cảm ơn bà xã xong, ông lại cảm ơn con dâu đã không rời bỏ nghịch tử lúc gian nan, lại còn giúp ông sửa sang bản thảo. Trên bàn cơm chỉ có bốn người, ông Phương không tiện ngó lơ con trai của mình, đành nói về chuyện mình biết ơn nhất, đó chính là Phương Mục Dương đã giúp ông đặt mua TV, tủ lạnh và những món đồ gia dụng khác.

Phương Mục Dương đáp rằng ông không cần phải khách sáo, dù sao cũng đều dùng tiền của ông.

Cảm ơn xong, ông lại phát biểu một loạt lời chúc đã chuẩn bị sẵn cho từng người một.

Cả nhà đều rất tôn trọng ông Phương, định đợi ông nói hết rồi mới động đũa, nhưng ông lại cứ một mực thao thao bất tuyệt không có ý định dừng lại, Phương Mục Dương đành phải ngắt lời ông: “Cha, cha nếm thử viên sủi cảo này đi, con gói đấy.”

Ông Phương đành nuối bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn vào bụng cùng viên sủi cảo.

Ăn xong bữa cơm tất niên, dĩ nhiên là đến công đoạn thu dọn. Ông Phương xung phong rửa bát.

Phí Nghê và Phương Mục Dương là bề dưới, đương nhiên không thể để cha già rửa bát được, cả hai đều chủ động gánh lấy cái trách nhiệm này.

Bọn họ chen chúc ở dưới phòng bếp rửa bát, Phương Mục Dương xả tay bằng nước lạnh, nước rơi xuống cánh tay Phí Nghê.

“Lạnh!” Ngay cả khi bày tỏ sự bất mãn cũng phải nhỏ giọng, Phí Nghê có hơi bực bội, cố ý để tay dưới làn nước lạnh rồi véo lên cánh tay của Phương Mục Dương một cái. Cô nhỡ tay véo hơi mạnh, véo xong lại hỏi Phương Mục Dương có đau không.

Phương Mục Dương nói cầu còn chẳng được.

Phí Nghê cúi đầu, không thèm để ý tới anh nữa.

Phương Mục Dương xuống sân đốt pháo, bảo Phí Nghê ước nguyện.

Phí Nghê vẫn ước giống ngày sinh nhật, hi vọng có thể cùng vào đại học với Phương Mục Dương.

Cô hỏi anh: “Anh ước gì thế?”

“Anh mong rằng sang năm mới, em có thể yêu anh nhiều hơn chút nữa.”

“Chẳng đứng đắn gì cả!” Chẳng nhẽ bây giờ cô không yêu anh hay sao?

Vào giao thừa, cả Phí Nghê lẫn Phương Mục Dương đều nhận được một bao lì xì dày cộp. Cha mẹ chồng vẫn coi bọn họ như trẻ con.

Nhận nhiều quà của thông gia như vậy, ông bà Phương tự nhiên cũng phải đáp lễ.

Phương Mục Dương chở Phí Nghê và một đống quà lớn nhỏ đến nhà cha mẹ vợ.

Lâm Mai trông thấy Phí Nghê thì câu đầu tiên chính là: “Em đã nhận được thư báo trúng tuyển chưa?”

Từ ngày thi đại học xong, Lâm Mai vẫn luôn chờ đợi thư báo trúng tuyển của Phí Đình. Biết Phí Nghê cũng chưa nhận được thư, Lâm Mai mới yên tâm hơn, chắc chắn thư báo trúng tuyển vẫn chưa chuyển đến, chứ không phải là Phí Đình không trúng tuyển.

Phí Nghê và Phương Mục Dương tặng cho đứa cháu nhỏ chưa chào đời một phong bao lì xì lớn. Phí Nghê cảm thấy anh trai mình nhất định sẽ đỗ đại học, đi học không có lương, kinh tế sẽ hơi eo hẹp, bình thường đưa tiền anh chị chắc chắn không nhận, chỉ có thể tặng tiền lì xì cho cháu, bày tỏ tấm lòng một chút.

Song Lâm Mai vẫn không nhận: “Làm gì có ai chưa ra đời đã nhận lì xì chứ? Hơn nữa năm nay hai đứa sẽ đi học, còn đi học thì trong mắt chị vẫn là trẻ em, trẻ em chỉ có nhận tiền lì xì chứ làm gì có chuyện phát?”

Phí Nghê cười: “Hay là anh trai em cũng là trẻ em trong lòng chị?”

“Nếu anh ấy mà đi học, chị cũng sẽ không cho anh ấy ra ngoài phát lì xì nữa.”

Phí Nghê kiên quyết đưa, Lâm Mai đành phải nhận. Đều là người một nhà cả, vì chuyện này mà đẩy đưa thì lại có vẻ kỳ cục. Lâm Mai ước lượng độ dày của bao lì xì, biết trong này có không ít tiền, nói với đứa trẻ trong bụng: “Cô nhỏ chú nhỏ của con không chỉ cho con lì xì hai mươi năm tới thôi đâu, ngay cả tiền mừng cưới cũng tính cả luôn rồi đấy.”

Có lẽ ước nguyện đầu năm của Phí Nghê đã linh nghiệm, Phương Mục Dương là người đầu tiên trong nhà nhận được thư báo.

Phương Mục Dương vốn định đợi thư báo của Phí Nghê về rồi mới chia sẻ tin tức này với người nhà một thể, nhưng lại không ngăn được Hứa Tuệ đến nhà hỏi thăm.

Từ khi Phương Mục Dương nghỉ việc ở nhà đợi sắp xếp việc làm, ghế sau xe đạp của anh đã biến thành phương tiện di chuyển của Phí Nghê. Phí Nghê vừa rẽ vào ngõ, đã thấy Hứa Tuệ mỉm cười với họ.

Đây là lần thứ tư Hứa Tuệ đến nhà Phí Nghê và Phương Mục Dương, lần đầu tiên là sau khi thi đại học, lần thứ hai là lúc đến đây vẽ Phí Nghê, còn lần ba là đến để đưa tranh cho Phí Nghê xem khi đã đóng xong khung tranh. Tranh Hứa Tuệ vẽ Phí Nghê được treo ở phòng vẽ tranh của Phương Mục Dương, điều này cũng có nghĩa chỉ cần vào trong phòng vẽ là Phương Mục Dương không thể không thưởng thức tác phẩm của cô. Điểm duy nhất chưa hoàn mỹ hcính là, Hứa Tuệ chỉ vẽ được một Phí Nghê đoan trang. Phí Nghê không uống rượu mà cô đưa tới, thái độ biểu hiện ra ngoài cũng vẫn giống với thường ngày. Phương Mục Dương đã thấy bức tranh kia, nhưng nó còn lâu mới đạt đến trình độ đủ khiến cho anh xấu hổ. Cho dù Hứa Tuệ có muốn vẽ một bức khác, cũng sẽ không thể dễ dàng nhờ Phí Nghê làm mẫu tiếp được.

Ba lần trước Hứa Tuệ đến nhà chủ yếu là vì Phí Nghê, nhưng lần này lại là vì Phương Mục Dương. Hôm nay cô nhận được thư báo trúng tuyển của học viện Mỹ thuật thì rất vui mừng, rất muốn biết liệu Phương Mục Dương có trúng tuyển hay không. Nếu trúng đương nhiên là tốt, còn nếu không trúng, cô sẽ giới thiệu giáo viên phụ đạo của mình cho cậu ta. Kiến thức của Phí Nghê dày dặn hơn Phương Mục Dương quá nhiều, lại không có kinh nghiệm giảng dạy, cho dù có dạy kèm Phương Mục Dương thì cũng rất có khả năng dạy không đúng chỗ. Phí Nghê sao có thể hiểu được sự bất lực của những người như cô và Phương Mục Dương chứ?

Hứa Tuệ không chỉ mang đến tin tốt trúng tuyển, mà còn cầm theo một cái bánh kem nhỏ làm quà kỷ niệm.

Vừa trông thấy Phương Mục Dương, Hứa Tuệ đã nói mình được học viện Mỹ thuật nhận rồi. Phí Nghê thầm than trong lòng, Phương Mục Dương và Hứa Tuệ cùng báo danh vào một trường, lại ở cùng một thành phố, theo lý thuyết mà nói thì nên nhận được thông báo cùng một ngày mới đúng.

Nhưng Phương Mục Dương lại không nói với cô chuyện trúng tuyển, có lẽ bị trượt mất rồi. Giờ đã có thông báo tuyển sinh cao học, Phí Nghê nhất thời không biết nên để Phương Mục Dương thi luôn cao học, hay là vẫn tiếp tục tham gia thi đại học.

Tuy cô thất vọng, nhưng vì đã sớm chuẩn bị tinh thần nên cũng không biểu hiện ra ngoài mặt. Chỉ có điều, cô nên khuyên anh tiếp tục đi thi như thế nào đây? Cô biết, Phương Mục Dương hoàn toàn chẳng thích thi cử một tí nào.

Phí Nghê mời Hứa Tuệ vào nhà, pha trà rồi chia bánh kem Hứa Tuệ mang đến làm ba phần. Hứa Tuệ ăn bánh kem mình mang đến, uống trà Phí Nghê pha, cảm thán với Phương Mục Dương: “Cậu cũng hạnh phúc thật đấy.” Bảy phần hâm mộ, ba phần ghen tị.

Phí Nghê bình thường đều uống trà Phương Mục Dương pha, nhưng mỗi lần Hứa Tuệ tới, cô lại tự mình pha trà. Cũng bởi vậy nên Hứa Tuệ hiểu lầm, cho rằng Phí Nghê là người chu cấp cho Phương Mục Dương từ tinh thần đến vật chất, còn kiêm luôn chức nàng thơ. Phương Mục Dương thì chẳng cần phải làm gì, lớp cũng không cần đến, chỉ cần vẽ tranh là được. Mỗi lần tới nhà bọn họ, Hứa Tuệ đều phải cảm thán, Phương Mục Dương rốt cuộc có tài đức gì mà lại tìm được một người bạn đời vừa xinh đẹp lại vừa tâm lý đến thế? Sao cô lại chẳng được may mắn như vậy nhỉ?

Phương Mục Dương quả thực rất có cảm giác hạnh phúc, nhưng cũng không cần Hứa Tuệ phải cố ý nói với anh chuyện này.

Anh hỏi Hứa Tuệ: “Cậu tới đây làm gì?”

“Tôi muốn hỏi thử xem cậu có được học viện Mỹ thuật nhận không?”

Hứa Tuệ nói lời này có hơi thiếu suy nghĩ, nếu không phải Phí Nghê hiểu rõ tính cách Hứa Tuệ thì rất có thể cô sẽ cho rằng cô ấy tới đây là để khiêu khích Phương Mục Dương.

Phí Nghê còn đang định nói với Phương Mục Dương “không đỗ cũng không sao, năm nay vẫn còn có thể thi lại lần nữa” thì đã nghe anh nói: “Được nhận rồi.”

Khi nghe thấy ba chữ này, Phí Nghê đang châm thêm trà cho Hứa Tuệ, trà tràn ra ngoài mà cô cũng không phát hiện ra. Hứa Tuệ đang cầm chén trà, bị nước trà chảy xuống tay, nóng đến mức kêu một tiếng.

Phí Nghê tức khắc xin lỗi rồi dẫn Hứa Tuệ đi xả nước lạnh, nhưng ánh mắt cô vẫn ngập niềm vui vì Phương Mục Dương trúng tuyển, có làm cách nào cũng không giấu được.

Trước khi rời đi, Hứa Tuệ lại nói với Phương Mục Dương: “Cậu đúng là may mắn.”

Phí Nghê hiểu lầm ý Hứa Tuệ, còn giải thích trước khi thi Phương Mục Dương đã ôn tập rất chăm chỉ, có thể thi đỗ cũng không hoàn toàn nhờ may mắn.

“Ý tôi là, cậu ta thật may mắn vì đã cưới được cô.”

Phí Nghê cũng không dám nói với Hứa Tuệ, cả cô và Phương Mục Dương đều may mắn như nhau.

Đợi Hứa Tuệ đi rồi, Phí Nghê mới hỏi Phương Mục Dương: “Sao anh không nói sớm cho em biết?” Thực ra lúc hỏi, trong lòng cô đã có câu trả lời rồi.

“Anh vốn định sẽ ăn mừng cùng em.”

“Anh trúng tuyển, em sẽ chỉ vui mừng thay anh thôi, không có áp lực gì đâu.” Cô biết cô chắc chắn sẽ thi đỗ.

Phí Đình cũng nhận được thư báo trúng tuyển của học viện Kỹ thuật lâu đời. Sở dĩ anh chọn trường này làm nguyện vọng số một của mình không phải vì bản thân ngôi trường hay các giảng viên, mà bởi nó là trường gần nhất trong các trường đại học lớn của thành phố, thuận tiện cho anh về nhà thường xuyên để chăm sóc Lâm Mai đang mang bầu.

Phí Nghê biết anh trai mình được nhận thì lại vui sướng thêm ba phần nữa.

Cô vốn dĩ rất tin tưởng vào khả năng vào đại học của mình, nhưng thư báo mãi không đến, cô cũng không khỏi có chút hoài nghi. Có hôm nằm mơ, thậm chí cô còn mơ thấy mình làm bài xong nhưng lại không đề tên họ. Phương Mục Dương vào đại học, còn cô vẫn đi làm việc trong xưởng may mũ.

Giấc mơ này quá khủng khiếp, còn khiến cho cô giật mình bừng tỉnh giữa đêm.

Phương Mục Dương ôm lấy Phí Nghê, hôn lên trán cô, an ủi cô: “Mộng đều ngược với thực tế. Ngay cả người như anh mà còn đỗ, em không thể nào trượt được.”

“Cái gì gọi là người như anh chứ? Em cảm thấy anh rất tốt, anh đừng hạ thấp chính mình.”

Loại ác mộng kia Phí Nghê chỉ mơ thấy có một lần, về sau đêm nào Phương Mục Dương cũng ôm Phí Nghê ngủ, nhiệt độ cơ thể của anh luôn kéo cô khỏi cơn mơ.

Phương Mục Dương an ủi Phí Nghê, đồng thời cũng đi tìm mẹ mình, nhờ ba kiểm tra giúp kết quả thi của cô.

Điểm thi đại học không công khai với thí sinh, các sinh viên trúng tuyển nếu không cố ý đi tra thì cũng sẽ không thể biết được điểm chính xác của mình.

Giáo sư Mục đi kiểm tra thành tích thi cử của con dâu, thuận tiện kiểm tra luôn thành tích con trai một phen. Quả nhiên giống như Phương Mục Dương đã từng nói, sự chênh lệch giữa họ không chỉ là mấy chục điểm.

Giáo sư Mục trực tiếp đến phòng tuyển sinh của đại học bên cạnh, hỏi bọn họ tại sao đến giờ vẫn chưa gửi thư báo cho Phí Nghê. Thành tích của Phí Nghê, chưa tính điểm thi Tiếng Anh thì cũng đã vượt qua điểm chuẩn của nguyện vọng một gần bốn mươi điểm rồi, không thể nào không đỗ được. Người của phòng tuyển sinh bày tỏ, bọn họ mãi chưa gửi thư báo trúng tuyển không phải vì điểm của bạn học Phí Nghê không đủ cao, mà là quá cao, Tiếng Anh còn được điểm tối đa nữa. Có trường đại học muốn bồi dưỡng Phí Nghê thành nhân tài trong ngành, đã chuyển hồ sơ của cô đi từ sớm rồi. Vì muốn Phí Nghê có thể vào được nguyện vọng một nên bọn họ đã tiến hành trao đổi nhiều lần, cũng may vấn đề vừa giải quyết xong, thư thông báo cũng đã được gửi bưu điện. Nếu không có gì bất ngờ, trong ngày hôm nay thư sẽ đến tay bạn học Phí Nghê.

Lúc nhận được thư thông báo, Phí Nghê vừa mới ngồi xuống bàn ăn trong nhà ăn. Chị Lưu giơ thư lên cho cả đám người xem, đòi Phí Nghê mời bọn họ ăn kẹo. Cả tên người gửi và dấu bưu điện đều đến từ một trường đại học mà chị Lưu đã nghe tiếng từ hồi còn học tiểu học, tuy chị chưa từng học đại học, nhưng cũng biết trường học chỉ cố ý gửi thư đến cho những sinh viên được nhận.

Lúc đi lấy thư của mình chị Lưu đụng phải Phùng Lâm, phát hiện Phùng Lâm cứ nhìn chằm chằm vào lá thư của Phí Nghê. Vì thiếu tin tưởng Phùng Lâm, chị Lưu đã lấy luôn cả thư cho Phí Nghê. Một bức thư quan trọng như thế này, không thể để thất lạc được.

Phí Nghê ngồi cạnh các đồng nghiệp trong phân xưởng, bóc thư ra xem. Những người xung quanh cũng chẳng có tâm trạng ăn cơm, ai nấy đều lo quan sát biểu cảm trên mặt Phí Nghê.

Phí Nghê đọc từng chữ một, đọc xong lại nhét thư vào trong phong bì rồi cất đi, trên mặt không lộ ra chút vui mừng nào. Sau đó, cô rời khỏi chỗ ngồi, chạy đến cửa sổ nhà ăn, bỏ lại các nữ đồng nghiệp đang chờ ở đó.

Chi Lưu nghi ngờ mình đã hiểu lầm, nếu Phí Nghê không trúng tuyển, chị lại rêu rao cho mọi người biết như vậy, chẳng phải đã làm khó Phí Nghê sao.

Có nữ công nhân nói đỡ cho Phí Nghê: “Tôi thấy với trình độ của Tiểu Phí, vào đại học không thành vấn đề, vấn đề là trường em ấy muốn vào, nhân dân cả nước cũng đều muốn vào, các cô nghĩ thử xem, cả nước có tổng cộng bao nhiêu thí sinh cơ chứ?”

“Tôi nghe người ta nói, hình như còn có nguyện vọng hai gì đó, chưa biết chừng Phí Nghê có thể vào được đại học khác đấy.”

“Tiểu Phí có chí hướng lắm, nếu là trường khác, chưa chắc em ấy đã bằng lòng vào đâu.”

Đến lúc Phí Nghê quay lại, mọi người mới ngưng trò chuyện.

Phí Nghê bưng một hộp cơm lớn toàn thịt đến, bác gái múc cơm còn phải trực tiếp đổ cả nồi vào trong hộp cho cô. Cô nở nụ cười, nói với mọi người: “Hôm nay chỉ có thế này thôi, ngày mai em sẽ mời các chị ăn ngon hơn.”

Ý rất rõ ràng, Phí Nghê trúng tuyển.

Chị Lưu vỗ mạnh vào người cô một cái: “Em cũng biết nhịn thật đấy, ban nãy còn dọa chị sợ hết hồn.”

Phí Nghê có chuyện mừng lớn như vậy, mọi người đều cho rằng cô mời ăn là chuyện đương nhiên, chẳng có ai khách sáo với cô cả.

“Em đúng là khiến phân xưởng chúng ta nở mày nở mặt. Tiểu Lương ở phân xưởng bên cạnh trúng tuyển vào cái cao đẳng Sư phạm gì đấy, giờ nhìn mặt chị còn không thèm chào. Có đến cái mức đó không? Trường đại học của Tiểu Phí chúng ta tốt gấp mười lần cô ta, lại còn mời chúng ta ăn cơm nữa.”

Sự mừng rỡ của Phí Nghê phải đến lúc ra khỏi nhà ăn mới trỗi dậy. Cô ngẩng đầu nhìn bầu trời, phát hiện những áng mây trôi hôm nay cũng tinh nghịch hơn thường ngày rất nhiều.

Trong lúc làm việc, Phí Nghê nhìn những chiếc mũ mà mình làm ra, mỉm cười. Cô chỉ mong được chia sẻ tin mình trúng tuyển với Phương Mục Dương ngay lập tức.

Chờ mãi cuối cùng cũng đến được giờ tan làm, Phí Nghê gần như phi thẳng ra cổng.

Phương Mục Dương đã nhận được tin từ mẹ, bà nói thư thông báo của Phí Nghê đã gửi qua bưu điện rồi. Vừa trông thấy vẻ mặt của cô, anh liền biết Phí Nghê đã nhận được thư. Bước chân của cô nhanh nhẹn hơn hẳn ngày thường, gần như chạy về phía anh, tới gần anh lại chậm lại, nhưng ánh mắt thì không thể lừa được ai. Anh thấy được ánh mắt giống với Phí Nghê thời thơ ấu, vừa ngạo mạn vừa đơn thuần, lại vừa chất chứa niềm vui không thể che giấu.

Phương Mục Dương hỏi Phí Nghê: “Hôm nay có phải em nên khao anh một bữa hay không?”

“Sao anh viết vậy?”

“Đương nhiên là anh biết chứ. Nếu như em mà cũng trượt thì còn ai đỗ được nữa?”