Đại Việt, Thái Hoà năm thứ 2, vụ án Lệ Chi Viên đã qua được hai năm, thế nhưng dân tâm lúc này cũng chưa hết bàng hoàng. Từ khi Thái Tổ lên ngôi, lần lượt các vị công thần từ Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú, Lê Sát cho đến Nguyễn Trãi, mỗi lần có công thần khai quốc bị trảm không chỉ làm cho triều đình rúng động mà đến dân tâm cũng hoảng sợ.

Trăm họ sau 20 năm Minh thuộc chỉ muốn yên ổn, an cư lập nghiệp, mà điều đó cần một triều đình vững mạnh, ổn định. Thế nhưng mười mấy năm nay, dân chúng vừa được nghỉ ngơi dưỡng sức thì triều đình lại liên tục xảy ra những vụ xử trảm công thần, vua Thái Tông lên ngôi trị vì 9 năm, dân chúng yên vui, bốn bề an ổn, dù hay có các cuộc nổi loạn ở vùng cao thế nhưng cũng nhanh chóng bị vua đích thân xuất chinh bình định, nhân dân ca tụng đó thực là phong thái của một đấng minh quân. Thế nhưng trời lại ghen ghét anh hùng, vua giữa lúc tráng niên lại bỗng nhiên chết tức tưởi tại Lệ Chi viên, sau đó cả nhà Nguyễn Trãi bị chém tam tộc khiến cho dân chúng đau xót.

Tiên đế qua đời, Thái tử Bang Cơ lên nối ngôi đặt niên hiệu là Thái Hoà, được Thái hậu cùng các vị đại thần nhiếp chính, thế nhưng trong mấy năm này thiên tai, sâu bệnh liên tục nổ ra, trên phố tung lên lời đồn Thái tử Bang Cơ không phải là con trai của Tiên đế nên không theo thiên mệnh sở quy, ông trời liền giáng xuống tai ương lên đầu con dân Đại Việt khiến cho trong dân chúng không khỏi dấy lên dư luận không yên.

Đến tháng 5, vua Chiêm Thành là Bí Cai xua quân cướp phá vùng châu Hoá, Thái hậu liền phái Thái Bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả (Trịnh Khả) mang 10 vạn quân đi đánh dẹp. Đến tháng 7 lại bắt giam Thái phó Lê Liệt càng khiến cho triều đình bất ổn.

Thế nhưng đỉnh điểm phải là tháng 10 lại xảy ra động đất, hơn nữa lại xảy ra nhật thực. Bầu trời bỗng nhiên tối sầm lại, mặt trăng như nuốt trọn mặt trời khiến dân chúng hoảng sợ, càng tin rằng chính vì thượng tầng triều đình rối ren, hoàng đế không phải chính danh nên mới dẫn đến những hiện tương tai dị như vậy.

Hiện tại Thần Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh đang buông rèm nhiếp chính. Lúc Tiên đế còn sống, Nguyễn Thị Anh vô cùng được sủng ái đặc biệt được phong là Thần phi. Phải biết rằng ở hậu cung được phong chữ “Thần” cũng không phải là điều tầm thường, bởi chữ “Thần” mang ý nghĩa là “nơi ở của hoàng đế”, có thể hiểu chính là hậu cung, do đó người mang tước vị có chữ “Thần” nghĩa là người cai quản, trông coi hậu cung. Nhìn lại lịch sử trước Nguyễn Thị Anh cũng chỉ có Ỷ Lan phu nhân được phong làm Thần phi sau khi sinh ra hoàng tử Lý Càn Đức được vua Lý Thánh Tông phong làm Thần phi; nhìn sang Trung Hoa Võ Tắc Thiên cũng được Đường Cao tông Lý Trị phong cho chữ “Thần”.

Thần phi Hoàng Thái hậu không yên lòng liền cho triệu Thái sử Bùi Thì Hanh vào hỏi chuyện. Bên trong triều đình Thái Sử viện chính là nơi đoán việc âm dương tai dị, xem chiêm tinh, tiên đoán tương lai, cơ quan này cũng không khác chiêm tinh các là mấy. Những quan lại bên trong Thái sử viện đều là những người nổi tiếng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, lại giỏi xem chuyển động của ngôi sao, hiểu rộng về lịch pháp nên khá được coi trọng.

- Thần Bùi Thì Hanh, bái kiến Thái hậu!

Bùi Thì Hanh đi vào cung lập tức làm lễ quỳ bái. Thái hậu ngồi sau tấm rèm rất khoan thai nói:

- Miễn lễ.

Giọng nói của Nguyễn Thị Anh rất nhẹ nhàng, nhưng lại mang trong đó khí thế uy nghi, nàng vô cùng trẻ tuổi, năm nay cũng mới chỉ đôi mươi mà thôi, thế nhưng khi buông rèm nhiếp chính nàng lại có khí chất mẫu nghi thiên hạ. Dù nàng không phải quá tài giỏi sáng suốt trong chính trị, thế nhưng trong tay nắm đại quyền, nàng rất thẳng tay trừ khử những phần tử được xem là nguy hiểm đến hoàng vị của Bang Cơ, nhìn cách nàng trực tiếp hạ Lê Liệt vào ngục chính là lời răn đe sắt thép đến những người có ý định thấy vua nhỏ tuổi mà muốn chuyên quyền. Nguyễn Thị Anh nói:

- Ngày hôm nay giữa trưa lại có nhật thực, khiến lòng dân không yên. Liệu có phải là do con vượn đen tác quái hay không? Ai gia muốn nghe khanh giải thích cho rõ.


Nguyễn Thị Anh dù hiền dịu nhưng trong lời nói rất có sức sát thương cùng uy hiếp, Bùi Thì Hanh không khỏi toát mồ hôi lạnh. 10 năm trước, Thiệu Bình năm thứ nhất, khi đó Văn hoàng đế (Thái tông) tiến hành thăng chức, ban thưởng cho các quan, khi đó nội quan tuyên đọc từ sáng cho đến trưa mà vẫn chưa hết. Bùi Thì Hanh nóng lòng muốn được ban thưởng liền bí mật nói với Tư đồ Lê Sát rằng: “Ngày 1 tháng 5 sẽ có tinh khí con vượn đen ăn mặt trời nên sẽ có nhật thực, mà nhật thực thì nhất định trong nước sẽ có tai biến. Nếu bắt được con vượn sống đem về giết để trấn yểm thì mới tai qua nạn khỏi”.

Lê Sát là kẻ hữu dũng nhưng ít học, nghe Bùi Thì Hanh nói liền tin, lập tức tâu lên Văn hoàng đế sai quan các trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang đốc thúc dân chúng lên núi bắt vượn. Kết quả huyên náo cả vùng Kinh Bắc, dân chúng bị thúc ép phải vào rừng bắt đến hàng ngàn con vượn, khỉ đủ các loại, đóng củi chở về kinh thành hao phí sức người, sức của không biết bao nhiêu mà kể. Sau đó Bùi Thì Hanh cùng Lễ bộ thị lang Trịnh Toàn Dương vốn là một đạo sĩ cùng làm phép. Sau đó cả hai đều được thưởng rất hậu.

Đến năm Thiệu Bình thứ 2, tháng 11 Bùi Thì Hanh lại lần nữa tâu lên sẽ có nhật thực, dùng cách cũ để trấn áp, khỉ, vượn hai vùng lần nữa gặp tai ương còn Bùi Thì Hanh lại được thưởng 50 quan. Có thể nói cả đời Bùi Thì Hanh chính là đạp trên xác khỉ, vượn mà bước lên, ăn cơm nhờ vào mặt trăng mặt trời.

Đến nay lại có nhật thực nhưng Bùi Thì Hanh không thể tính ra báo trước, làm dân tâm khủng hoảng, điều này làm cho Nguyễn Thị Anh rất bất mãn. Bùi Thì Hanh trên trán toát mồ hôi lạnh nói:

- Bẩm Thái hậu, lần nhật thực này không phải là do vượn tinh gây ra. Thần không bẩm tâu bởi vì tính ra đây chính là điềm lành. Mặt trời bị che khuất cũng không phải là chỉ đến bệ hạ mà là đến từ phương Bắc.

Nói đến đây Bùi Thì Hanh lại ra vẻ bí mật nhỏ giọng nói:

- Ý chỉ rằng nhà Minh sắp gặp tai ương. Mà Đại Việt ta sẽ đón hồi thịnh trị.

- Có thật vậy chăng?

Nguyễn Thị Anh bán tín bán nghi, thực tế nàng cũng không quá tin tưởng vào phán đoán của Thái sử viện. Nếu giỏi như vậy vì sao những lần bão lũ, mưa lớn, dịch bệnh tai ương lại không báo trước, suốt ngày đi đoán nhật thưc, nguyệt thực, bách quan trăm phương ngàn kế đi “cứu” mặt trăng, mặt trời làm cho bách tính phải lao khổ.

Nghe giọng điệu của Thái hậu tỏ ý nghi ngờ, Bùi Thì Hanh liền nói:

- Chỉ cần Thái sử viện chỉnh sửa một chút tung tin này ra thì dân chúng hẳn sẽ được trấn an.


Bùi Thì Hanh làm quan đã lâu, giỏi xem sắc mặt mà đoán ý. Hắn đương nhiên biết Thái hậu gọi hắn vào không phải bàn việc “cứu mặt trời” hay “bắt vượn tinh” mà là làm sao để tránh được điều tiếng ở bên trong kinh thành. Phải biết từ lúc bệ hạ lên ngôi đến nay lời đồn đã toả ra không ít. Điều này khiến cho Thái hậu khá lo lắng. Sở dĩ trước khi tung tin ra bên ngoài cần phải chỉnh sửa lại vì nếu ám chỉ tai hoạ ở phía Bắc chỉ sợ Bùi Thì Hanh có 9 cái đầu cũng không đủ cho Chính Thống hoàng đế (Minh Anh Tông) đem ra chặt.

Quả nhiên Thái hậu nghe được trong lòng liền vui mừng nói:

- Được, vậy việc này Ai gia giao cho khanh cùng Thái sử viện sắp xếp.

Cả thế giới này không hề hay biết rằng lúc này tại một ngọn núi gần huyện Cổ Lôi, một sản phụ lúc này đã tự mình hạ sinh một đứa bé. Sản phụ trìu mến nhìn đứa bé đỏ hỏn trong tay, đứa nhỏ này lúc mới sinh vậy mà chỉ khóc có hai tiếng, sau đó lại có thể mở mắt trân trân mà nhìn nàng, ánh mắt vô cùng kỳ lạ, nó rất sáng tràn đầy sự hiếu kỳ với thế giới, nhưng đồng thời cũng dường như vô cùng già dặn chứ không phải trong sáng như những đứa trẻ khác. Trong lòng vui mừng nhưng nàng đồng thời cũng lo lắng vì biểu hiện của đứa trẻ, nghĩ một chút sản phụ liền nói:

- Từ nay, tên của con chính là Vô Niệm. Nguyễn Vô Niệm.

Dương Ninh xui xẻo bị Ngưu đầu Mã diện bắt nhầm. Hắn chưa tới số nhưng lại không thể trở về dương gian. Để che đậy tội lỗi, hai vị này cấu kết Phán quan để cho hắn trọng sinh lần nữa để chữa cháy. Kết quả 8 lần trọng sinh hắn đều chết bất đắc kỳ tử đều không sống quá năm năm: làm kỹ sư nông nghiệp bị ngộ độc thực phẩm chết; làm kỹ sư quân khí nhà máy bị nổ chết; xuyên qua Lộc Đỉnh Ký làm thuộc hạ Đa Long cũng bị Vi Tiểu Bảo hố chết, thậm chí trở về làm con của Hưng Đạo vương cũng hi sinh luôn trong kháng chiến chống Nguyên rồi...thật mẹ nó ta phải chết đến mấy lần nữa đây? Nhìn cái cổng luân hồi quen thuộc trước mặt, Dương Ninh nói.

- Đây là lần cuối chứ?

Phán quan đối với trường hợp này trong nhiệm kỳ của hắn cũng vô cùng đau đầu, hắn chỉ còn 100 năm nữa là hết nhiệm kỳ thôi lại gặp phải trường hợp này. Phán quan nói:

- Con người có cửu mệnh, ngươi chết đã chín lần. Ta chỉ có thể giúp ngươi lần này nữa thôi.
Đầu Trâu vội vàng gật đầu nói.

- Ninh đại ca, đây là lần cuối rồi, xin ngươi cố gắng giữ mệnh. Ta tin ngươi sẽ làm được. Cố lên.

Mã Diện cũng gật gù đầu ngựa.


- Đồng ý x2.

Dương Ninh cũng chán chường vô cùng đưa tay lau mặt nói:

- Ta cũng muốn sống, các ngươi nghĩ cảm giác chết đến 8 lần là như thế nào? Ta bây giờ cũng tê liệt dây thần kinh rồi, đối với cái chết cũng quen thuộc, số lần ta đi qua Quỷ môn quan còn nhiều hơn ba người các ngươi cộng lại đấy.

Phán quan suy nghĩ một chút liền nói:

- Lần này là lần cuối cùng, ngươi cũng không thể tiếp tục chết oan như vậy được. Lần này bọn ta sẽ hết sức giúp ngươi. Thế này đi. Cứ 5 năm một lần, ta sẽ đến thăm ngươi xem, có thể mang cho ngươi một cái gì đó. Đúng, cứ như vậy, tới giờ rồi, mau vào cổng luân hồi đi.

- Uy, có thể một năm một lần không, các ngươi quá…Á!

Dương Ninh còn chưa lải nhải xong thì Phán quan đã đạp hắn một cước ngã vào bên trong, trước khi bị biến mất vào bên trong hắn chỉ nghe Ngưu đầu Mã diện hô lớn:

- Ninh đại ca, nếu muốn gọi bọn ta chỉ cần đọc thần chú: Ba rô ba cơ, ba rô ba cơ ba chuồn, ba rô ba cơ, ba rô ba cơ ba bích.

- Bích mẹ ngươi! AAAAA!



main cực kỳ bá đạo, phong cách cơ bắp dùng lực phục người, tay xé hằng tinh