“Nửa tháng qua, sĩ tử Trung Châu, Khánh Minh, Nhạc Châu cùng những nơi khác liên tục dâng thư. Đúng là có nhiều người ủng hộ quyết sách của triều đình, nhưng vẫn có người nghi ngờ sự thật, thậm chí có sĩ tử quá khích yêu cầu phá dỡ Tiển Khâm Đài mới xây, loại bỏ tận gốc. Vi thần cho rằng, bởi vì đến nay triều đình vẫn chưa đưa ra cáo thị cụ thể, khiến chân tướng bị tam sao thất bản truyền đi, bách tính các nơi mới đồn thổi lung tung.”

Trên điện Tuyên Thất, Thượng thư bộ Lễ bẩm báo với Triệu Sơ.

Triệu Sơ hỏi: “Vẫn chưa viết xong cáo thị à?”

Đại Lý Tự khanh nói: “Đã viết xong rồi ạ, ngặt nỗi vẫn chưa có vật chứng. Nhưng vì sự việc đã xảy ra quá lâu, triều đình không thể đưa ra bằng chứng trong việc lão thái phó cho Chương Hạc Thư vài suất lên đài, hay Chương Hạc Thư nhúng tay vào vụ buôn bán giao dịch về sau, cho dù dán cáo thị, chỉ e bách tính vẫn không phục, nên hiện tại Huyền Ưng Ti vẫn…”

Đúng lúc này, ngoài điện Tuyên Thất chợt có người cao giọng hô: “Điện Tiền Ti đưa thư khẩn từ Lăng Xuyến đến, xin được cầu kiến!”

Triệu Sơ ngẩng đầu, nội thị bên cạnh đáp: “Tuyên.”

Cấm vệ quân của Điện Tiền Ti sải bước vào điện, quỳ xuống dâng lên thư lên, “Bẩm Quan gia, đây là hai bức thư khẩn cùng bằng chứng do Tiểu Chương đại nhân gửi gấp lên kinh, ba đêm trước, Trương Nhị đã…”

Cấm vệ quân mím môi, không nói hết câu. Trên trán hắn lấm tấm mồ hôi, xem ra vừa nhận được thư đã chạy vội vào cung.

Nội thị trình thư lên ngự tiền, Triệu Sơ mở ra xem, sắc mặt chợt thay đổi.

Thượng thư bộ Hình cảm thấy không ổn, hỏi: “Quan gia, Trương Viễn Tụ hắn..?”

Triệu Sơ im lặng, đưa tín vật do Chương Đình gửi tới cho tiểu hoàng môn, “… Vào tối ba hôm trước, Trương Viễn Tụ đã gieo mình từ Tiển Khâm Đài. Trước lúc lâm chung, hắn đã viết một lá thư nhận tội nhờ Chương Lan Nhược gửi lên kinh thành, đính kèm còn có tội chứng giấu ở mỏ khoáng Chi Khê.”

Tiểu hoàng môn nhận lấy tín vật, giao cho đại thần trong điện xem.

Tội chứng mà Trương Viễn Tụ đã giấu là hai thẻ bài trống và thư tay liên lạc giữa Chương Hạc Thư với Sầm Tuyết Minh, bằng chứng rõ ràng.

Triệu Sơ buồn bã nói, “Nửa đêm ba hôm trước, Chiêu vương đến gặp trẫm, nói rằng Đôn Tử không phải bị cướp giết mà bị Trương Viễn Tụ sát hại. Huynh ấy nói, vì cố chấp quá sâu nên Trương Viễn Tụ mới đi lầm đường, chứ bản chất không ác, bao năm nay hành sự luôn có chừng mực, thậm chí còn giúp đỡ nữ Ôn thị hay thợ mộc Tiết Trường Hưng. Sau đêm thẩm vấn ở điện Tuyên Thất, Trương Viễn Tụ rơi vào tuyệt vọng, nếu hai tay còn dính máu thì thật khó quay đầu, chỉ sợ hắn khó tha thứ cho bản thân. Chiêu vương khẩn cầu trẫm tha mạng cho Vong Trần, cũng cử Huyền Ưng vệ lập tức đến Lăng Xuyên, đáng tiếc thay… vẫn chậm một bước.”

Đại điện im phăng phắc.

Một lúc lâu sau, Đại Lý Tự khanh nói: “Vậy thì, bây giờ chúng ta đã có bằng chứng do Trương Vong Trần chuyển giao, tội danh của hội Chương Hạc Thư đã được ấn định, triều đình cũng có thể bố cáo thiên hạ.”

Những người khác đồng loạt chắp tay vái: “Xin Quan gia ân chuẩn, lập tức phát cáo thị bố cáo thiên hạ!”

Nhưng Triệu Sơ không lên tiếng, chàng ngồi lặng một lúc, đoạn, cầm lấy hộp bạch ngọc bên cạnh ngự án.

Chiếc hộp bạch ngọc này đã nằm đó từ ngày Triệu Sơ lên ngôi, nhưng chưa từng được mở ra. Vốn dĩ nó không phải vật phẩm trên hoàng án, nhưng mọi người nhìn nhiều cũng quen, dần dà quên đi sự tồn tại của nó, mãi đến lúc này khi Triệu Sơ mở nó ra, lấy ra một cuộn lụa cũ màu vàng tươi, đại quan trong điện mới kinh hãi.

Vàng tươi, là màu sắc chỉ hoàng đế Đại Chu mới được dùng.

Hóa ra thứ nằm trong hộp ngọc bấy lâu nay chính là một cuộn thánh chỉ.

Triệu Sơ nói: “Từ từ, ở chỗ trẫm còn có một vật.”

***

Trong mùa đông khắc nghiệt năm nay, quan viên các bộ hầu như không có lấy một ngày nghỉ ngơi, dã quỳ nở dọc tường cung Huyền Minh Chính Hoa, tiếc thay người đến người đi quá vội vàng, không kịp dừng chân thưởng thức. Phải sang năm Gia Ninh thứ năm, bảy ngày sau đêm giao thừa, tại cửa cung và cổng thành đồng loạt dán cáo thị. Cáo thị mở đầu từ tranh chấp chủ chiến chủ hòa trong trận chiến sông Trường Độ cho đến tấm lòng son của các sĩ tử nhảy sông; từ tranh chấp khi bắt đầu xây dựng Tiển Khâm Đài cho đến vụ án giao dịch phía sau; từ nữ Ôn thị lên kinh, Tiểu Chiêu vương cùng Huyền Ưng Ti điều tra chân tướng đằng sau đài sập cho đến việc vào một tháng trước, Trương Viễn Tụ nhảy đài tự vẫn.

Cùng với cáo thị được dán lên, còn có hai lá thư được viết dưới tên của tội nhân.

Một là di thư nhận tội của Trương Viễn Tụ, còn một bức khác, chính là chiếu nhận tội của Chiêu Hóa đế đích thân viết trước lúc lâm chung.

Ngày dán cáo thị, bách tính trong kinh đổ xô đến xem, nếu ai không biết chữ sẽ nhờ người bên cạnh thuật lại.

Đến khi đọc xong thư và chiếu nhận tội, đám đông ồn ào lập tức im bặt, đứng nguyên tại chỗ rồi lặng lẽ tản đi.

“… Tôi đời này mệt mỏi bởi hai chữ Tiển Khâm, trót lầm đường lạc lối. Đặt chân lên Tiển Khâm Đài mới rõ, mây mù bủa vây đời, chuyện quá khứ khó lòng cứu vãn, ăn năn cũng vô ích, đường về chật hẹp, khó đi đến cùng. Tên Vong Trần nhưng không buông nổi chuyện trần gian, nay tâm nguyện muốn được vong trần…”

“… Gần đây trẫm tự ngẫm về công tội của mình. Ngày trẫm kế vị lập chí chấn hưng, trăm năm Đại Chu, vào tay trẫm mới hưng thịnh. Trẫm nào phải thánh hiền, lấy đó tự mãn, xây dựng đài cao, muốn lưu danh ngàn năm. Tới khi đài sập, chiến công tan tành, mới hay điều trẫm mong cầu là mây xanh, chớ phải vạt áo sạch. Đài sập không rõ nguyên nhân, trẫm xin chịu trách nhiệm. Trông tòa tháp sập, hòng dựng đài cao trong lòng triều thần, trẫm để lại chiếu chỉ xưng tội này, lấy đó tự trừng phạt bản thân, cũng cảnh cáo răn đe hậu thế…”

Đầu xuân chợt ấm chợt lạnh, cáo thị đã dán nửa tháng, người vây xem cũng dần thưa. Mãi tới đầu tháng hai, Tạ Dung Dữ mới một mình đến cửa thành, chính y đặt bút viết tờ cáo thị nên không còn lạ gì nữa, nhưng lại chưa đọc kỹ chiếu xưng tội. Hoa đào ngoài thành hé nở, mùi hương ngào ngạt khoan khoái, Tạ Dung Dữ đọc từng câu từng chữ trên chiếu xưng tội, trong bụng thở dài: “Đến lúc rồi.”

Sang hôm sau, trời bừng sáng, một tiểu hoàng môn lon ton chạy vào điện Tuyên Thất bẩm: “Quan gia, Chiêu vương, Chiêu vương điện hạ xin cầu kiến.”

Tạ Dung Dữ đến gặp Triệu Sơ là chuyện rất đỗi bình thường.

Nhưng hôm nay lại khác, Tạ Dung Dữ chỉ mặc áo xanh, triều phục và ngọc ấn được y cầm trong tay.

Triệu Sơ đang phê duyệt tấu chương, nghe bẩm báo thì đưa mắt nhìn người đang chờ ngoài điện, có vẻ chàng đã lường trước được kết quả này, thở dài cảm thán, đoạn nói: “Biểu huynh vào đi.”

Tạ Dung Dữ bước vào, lập tức quỳ xuống, “Xin Quan gia trị tội, tước vương vị của thần, ban cho thần được làm bình dân.”

Vương gia bị biếm làm thứ dân vốn là hình phạt, nhưng Tạ Dung Dữ lại dùng chữ “ban”.

“Biểu huynh nghĩ kỹ rồi?”

“Không phải Quan gia đã biết câu trả lời rồi sao?”

Một năm trước, Hà Hồng Vân bị tống vào nhà lao bộ Hình, Tạ Dung Dữ từng xông vào điện Tuyên Thất chất vấn Triệu Sơ về quyền của hoàng đế, đó là lần đầu giữa hai người nảy sinh ngờ vực. Triệu Sơ nhìn sắc mặt phẫn uất của Tạ Dung Dữ, hỏi: “Biểu huynh không muốn điều tra chân tướng Tiển Khâm Đài nữa à?”

“Tra chứ, sao lại không điều tra? Thần còn mong đến một ngày, Quan gia có thể đồng ý với thỉnh cầu của thần.”

Thỉnh cầu gì?

Đợi chân tướng sáng tỏ rồi lại nói.



“Vì Tiển Khâm Đài mà Chiêu vương phải sống là Chiêu vương, nay sóng gió Tiển Khâm Đài đã qua, thần cũng không cần phong hào Chiêu vương này nữa. Thần họ Tạ, thỉnh cầu của thần là muốn được làm người họ Tạ.”

Triệu Sơ thở dài bảo: “Biểu huynh đứng dậy đi.”

“Hiện giờ sĩ tử địa phương dâng thư tới tấp, bộ Lễ trả lời không xuể, trầm còn định để biểu huynh quản lý bộ Lễ, Hàn Lâm, trấn an sĩ tử.” Triệu Sơ nói, “Nhân tài không thể thiếu, trẫm cũng không e ngại vương gia khác họ, kỳ thật trẫm rất muốn biểu huynh ở lại để phân ưu cùng trẫm.”

Tạ Dung Dữ nói: “Hai năm trước khi Quan gia triệu thần vào cung lúc nửa đêm, có phải đã có ý định này?”

Đêm thu hai năm trước, Tạ Dung Dữ đeo mặt nạ vào cung gặp vua, Triệu Sơ đích thân đưa cho y một bức thư, “Trước lúc lâm chung, phụ thân đã giao cho trẫm hai bức thư, đây là bức thứ nhất.”

Là bức thư của một cô gái tên Phù Hạ ở ngoài cung gửi cho Tiểu Chiêu vương, trong thư ghi rằng Tiển Khâm Đài sập là có nội tình khác. Lúc ấy Tạ Dung Dữ còn đang bệnh, Chiêu Hóa đế mới giấu lá thư này đi, trước khi lâm chung mới đưa cho Triệu Sơ.

Nhưng Tạ Dung Dữ lại hỏi: “Thần có thể biết bức thư còn lại của tiên đế để lại là gì được không?”

Triệu Sơ im lặng rất lâu, đoạn nói: “Nếu bây giờ trẫm đưa cho biểu huynh xem, thì biểu huynh có hứa với trẫm sẽ làm đại thần phụ chính không?”

Tạ Dung Dữ dứt khoát đáp, “Thế thì không cần.”



Còn giờ đây Tạ Dung Dữ đã biết rồi, bức thư còn lại của Chiêu Hóa đế chính là chiếu xưng tội được dán cùng cáo thị.

Triệu Sơ nói: “Hồi nhỏ trẫm cảm thấy biểu huynh lạnh lùng khó gần, về sau trẫm mới phát hiện, thực ra biểu huynh không hề lạnh lùng, chỉ vì huynh không thuộc về thâm cung nên mới tỏ vẻ xa lạ như thế.”

Nói đoạn, chàng thở dài: “Tiếc thay, ngàn quân dễ tìm lương tướng khó cầu, đạo trị quốc cũng thế, nhân tài đáng quý biết bao, trẫm rất mến mộ người tài, luôn muốn biểu huynh ở lại trong triều.”

Tạ Dung Dữ cười bảo: “Thiên hạ nhiều nhân tài, Quan gia đâu thể chỉ dùng một mình thần.”

Hơn nữa, bậc Quân chủ chính trực thanh liêm, người có tài mang lòng hoài bão ắt sẽ tự tìm đến.

Năm năm trước, một chiếu xưng tội đã để Thái tử quỳ trước giường bệnh tiên đế hạ quyết tâm, kiên định vững bước đi xa đến vậy.

Lòng quân vương có đất trời chứng giám, Đại Chu ắt sẽ càng phát triển dưới thời của Gia Ninh đế.

Triệu Sơ mỉm cười, “Được rồi, trẫm phê duyệt thỉnh cầu của biểu huynh.”

Ba hôm sau, triều đình hạ một thánh chỉ, vào cuối giai đoạn xây dựng Tiển Khâm Đài, Tạ thị Dung Dữ được phân công quản lý công việc liên quan tại huyện Sùng Dương, quả thật việc đài sập có phần do giám sát không chặt, nay triều đình tước bỏ phong hiệu Chiêu vương của Tạ thị Dung Dữ, biếm làm thứ dân. Song, niệm có công trong việc truy tìm chân tướng, ngay hôm nay đuổi ra khỏi thành, không có hình phạt nào thêm. Ngoài ra, tổng đốc công Ôn Thiên đã làm tròn chức vụ trong lúc xây đài, không có tội lơ là bỏ mặc, sau khi thảo luận, triều đình quyết định miễn trừ tội danh, cũng xóa bỏ tội liên đới cho nữ Ôn thị và Nhạc thị Ngư Thất…

***

Tạ Dung Dữ và Thanh Duy rời kinh trong một sáng mưa phùn ngày xuân. Vì Tạ Dung Dữ đã lĩnh chỉ “trị tội” nên người khác không thể đến tiễn đưa, sáu người bọn họ ra đi trong âm thầm. Nhưng không sao, lẽ ra hành trình này nên đến từ lâu, không cần phải nói lời tạm biệt.

Mưa phùn rơi nghiêng trên cổng thành, Vệ Quyết cùng mấy người Chương Lộc Chi đứng nhìn về nơi xa, một tên lính mới lấy làm khó hiểu, tò mò hỏi: “Chỉ huy sứ đại nhân, ngài đang nhìn gì thế?”

Vệ Quyết đáp: “Có cố nhân rời đi, ta nhìn tiễn đưa một đoạn.”

Ban trưa, trong ngõ Lưu Thủy tấp nập người qua kẻ lại, ông chủ Đông Lai Thuận nhìn ra đường, ông chủ tiệm bên bèn hỏi: “Ông chủ Ngô đang nhìn gì đấy, có khách đặt bàn hả?”

Ông chủ Ngô lắc đầu: “Ở phía đông thành có một cặp vợ chồng hay tới chỗ tôi ăn Ngư Lai Tiên, hôm trước bọn họ nói sắp sửa rời đi, có thể đi chừng một năm, sai người hầu đến chỗ tôi lấy ít Ngư Lai Tiên. Không biết xe ngựa bọn họ có đi ngang con ngõ này không, tôi muốn đưa tiễn bọn họ một đoạn.”

Sớm hơn nữa, khi buổi chầu vừa bắt đầu, đại thần chờ ngoài điện Tuyên Thất nối đuôi bước vào, không hẹn mà cùng chừa vị trí đầu tiên ở hàng bên trái. Triệu Sơ nhìn xuống, đó chính là chỗ Tiểu Chiêu vương đứng khi ở trên triều.

Nhưng lần này, đã không còn Chiêu vương nữa rồi.

Xe ngựa của Tạ Dung Dữ sắp rời cổng thành, nhưng chưa đi xa thì bỗng có mấy sĩ tử chạy đến cổng thành, quỳ xuống đất dâng lên một bức thư, cao giọng nói: “Thảo dân Lương Trạch, Cử nhân Nhạc Châu, thay mặt cha xin trình thư nhận tội.”

“Vi thần Hà Cao Sầm, Huyện lệnh huyện Hà Nghi Lăng Châu, xin trình thư nhận tội.”

“Thảo dân Hầu Tín…”

Từ đầu xuân khi cáo thị Tiển Khâm Đài được dán lên, có lẽ bị ảnh hưởng bởi chiếu xưng tội của Chiêu Hóa đế và thư nhận tội Trương Viễn Tụ, sĩ tử khắp nơi không còn công kích Tiển Khâm Đài, những người có thân nhân mất mạng dưới Tiển Khâm Đài hoặc tự vấn lại bản thân, hoặc đến cổng thành dâng lên thư nhận tội như bây giờ.

Tuy không nhiều lắm, đài cũ sập rồi đài mới xây, nếu có tiếng nói như thế xuất hiện, âu cũng là chuyện tốt.

Thôi, Tạ Dung Dữ buông rèm xe, bụng nghĩ, dư âm của Tiển Khâm Đài vẫn chưa dứt, y đã làm hết khả năng rồi, những chuyện khác đành giao cho Triệu Sơ vậy.

Vị hoàng đế hiền hậu kiệm lời, ý chí mạnh mẽ ấy sẽ đưa ra câu trả lời khiến hạ thần hài lòng.

Xe ngựa lăn bánh chạy về hướng nam, đầu hè tới Lăng Xuyên, đến khi lấy hài cốt của Ôn Thiên ra khỏi khu mộ tội nhân thì đã vào đông, lúc tiến vào địa giới Thần Dương, mùa thu đã đến.

Thần Dương đầu thu có không khí trong lành, nhà của Thanh Duy nằm ở thị trấn ngoại ô Thần Dương, dựa núi mà xây, nước chảy vờn quanh, tràn đầy linh khí.

Thị trấn vẫn như xưa, thôn dân vẫn là những người ấy.

Dường như có vẻ bọn họ biết chắc Thanh Duy sẽ quay về, nàng xuống ngựa, gọi một người đang giặt giũ bên bờ sông, “thím Cúc!”, lại gọi người đàn ông đeo gùi đựng thảo dược đi từ trên núi xuống, “chú Tứ!”

Bọn họ đáp lại bằng một nụ cười rạng rỡ: “Tiểu Dã về rồi kìa!”

“Cậu con đã về từ mấy tháng trước rồi, đang chờ con ở trên núi đấy!”

“Đại Hổ, mau lại mà xem, đây chính là Tiểu Dã cô cô của mày đấy, hồi bé còn nghịch hơn cả mày.”

Tạ Dung Dữ đi sau lưng Thanh Duy, loáng thoáng nhận ra vài gương mặt quen thuộc trong số những người qua đường, bảy năm trước, y đến Thần Dương mời Ôn Thiên rời núi, đã từng hỏi đường một số người trong đó.

Thị trấn nhỏ ở núi rừng Thần Dương tựa chốn đào nguyên, không bị bào mòn bởi mưa gió ngoài kia.

Điểm khác biệt duy nhất là, Tạ Dung Dữ nghĩ, lần trước khi y tới đây, tình cờ gặp chú chim xanh trong núi một lần; còn nay khi y đến, chú chim xanh ấy vui vẻ nhảy nhót, kéo tay y dẫn đường.

Bảy năm trước, bọn họ không quen không biết, nhưng vô tình cùng nhau rời đi, bảy năm sau, hai người nắm tay trở về.

Trú xứ cũ vẫn cứ là như thế, vui vẻ hiền hòa chào đón họ quay về, phủi đi chuyện đài dựng đài sập, phủi đi sống chết công tội.

“Lại đây!”

Thanh Duy chỉ căn nhà tre trên núi, hớn hở nói.

Nhạc Ngư Thất ôm kiếm dựa cổng, phàn nàn: “Ta mà biết hai đứa chậm chạp thế thì đã đến Lăng Xuyên uống mấy bầu rượu trước khi về rồi, ta thèm Thượng Dao Đài ở đó chết đi được.”

Triêu Thiên nghe được, vác đao chạy hết tốc lực lên núi.

Lưu Phương và Trú Vân bật cười, giúp Đức Vinh chuyển hành lí từ trên xe ngựa xuống.

Nhà cũ gần ngay trước mắt, không rõ có phải xa quê lâu mà sinh lạ hay không, Thanh Duy chợt đi chậm lại, đúng lúc này, nàng nghe Tạ Dung Dữ hỏi nhỏ: “Rừng trúc kia đấy à?”

“Rừng trúc nào?”

Thanh Duy nhìn theo ánh mắt của Tạ Dung Dữ, chợt nhớ lại hồi bé vì đuổi theo một con thỏ, nàng đã chặt trụi rừng trúc trong núi giữa đêm. Về sau Ôn Thiên đến núi Bách Dương, kể những chuyện này cho Tạ Dung Dữ nghe.

Bảy năm trước khi nàng rời nhà, rừng trúc ấy vẫn còn chưa phát triển.

Nhưng hôm nay nhìn lại, nắng thu theo gió hắt lên rừng trúc, trúc xanh tựa biển, biển xanh thành sóng.