Tháng mười năm đó, vào một đêm khuya không trăng, dinh Cảo bị quân Minh vây chặt.

Một chi thiết giáp xông thẳng vào trong.

Cả dinh đang ngủ say, hốt hoảng tỉnh dậy, người không kịp mặc áo giáp ngựa không kịp đóng yên, chạy tán loạn.

Cảo chân không kịp xỏ giầy, vội chạy ra sau trướng, bò lên sườn đồi ngoái nhìn, chỉ thấy một ngàn bốn trăm binh sĩ mới trong giây lát mà đã không còn lấy một mống.

Cảo biết không thể địch nổi, vội chạy về nhà.

Nhưng đường rút đã bị quân Minh đóng chẹn từ lúc đâu.

Cảo đành phải chạy qua Mông Cổ.
Khi tới Phủ Thuận quan, Cảo thấy có hình ảnh cùng những yết thị nói ai bắt được Vương Cảo sẽ được thưởng một ngàn lạng bạc.

Cảo hoảng hồn bạt vía, đành quay về lối cũ, chui vào rừng sâu nấp trốn.

Một hôm Cảo sực nghĩ tới Cáp Đạt Vạn Hãn Vương Thái trước có biết Cảo, bèn vào yết kiến Thái, kể tình hình mình bị quân Minh lùng bắt.
Thái nghe nói, bèn bày tiệc rồi hứa sẽ vì Cảo áp kinh.

Cảo thấy Thái đãi mình như vậy hết sức cảm kích.

Đêm đó, Cảo ngủ trong trướng khách.


Gíữa lúc giấc điệp mơ màng, Cảo bỗng giật mình tỉnh dậy, thấy đèn đóm sáng như ban ngày còn thân mình đã bị trói chặt vòng trong vòng ngoài, cà thảy mười tám vòng, không cử động gì được nữa.

Cảo la hét om sòm, chỉ thấy Vương Thái bước lên trướng, tay cầm lệnh kỳ, miệng hô lớn:
- Vâng tướng lệnh của quan tổng binh nhà Minh Lý Thành Lương, ta bắt tên phản tặc Vương Cảo.
Nói xong, Thái chẳng cho Cảo biện bạch, hạ lệnh cho tám tên đại hán tống Cảo vào tù xa, chạy suốt đêm về phủ Thuận Quan.
Quan tổng binh Lý Thành Lương ngồi trên công đường thẩm vấn.

Cảo chẳng che giấu gì, nhất nhất cung khai và nhận tội.
Lương truyền lệnh bày tiệc, vừa uống rượu với Vương Thái trên sảnh vừa sai đao phủ thủ giết chết Cảo.
Qua ngày thứ hai Lương tâu về triều.

Minh hoàng đế hạ thánh chỉ phong Vương Thái làm Long Hổ Tướng quân.

Lương nhân dịp này, thu phục tất cả những miền đông thành Phượng Hoàng, cũng như một giải đất Khoan Điện.

Vương Thái được vua Minh phong chức rồi, bèn diễu võ dương oai trở về.

Các bộ tướng vội chạy lại chúc mừng.

Thái bày ngay tiệc lớn trong trướng để ăn khao.

Ngay trong bàn tiệc, Thái dặn bảo bộ hạ lo chỉnh đốn binh mã, chuẩn bị tranh thành cướp đất.
Tin này truyền tới Kiến Châu đô đốc Tháp Khắc Thế.

Thế vừa bị Minh triều giết mất quan Hữu vệ đô đốc chỉ huy sứ của mình, lại vừa nghe nói Vương Thái đem quân đi đánh thành cướp đất, nhiều bộ lạc nhỏ thấy Thái được Minh triều phong chức nườm nượp chạy về đầu hàng, lấy làm buồn lắm.

Quân của Thái đã tiến tới Ninh Cổ Tháp.

Nhiều bối lặc miền này vội chạy tới phủ đô đốc Kiến Châu vệ để nghị sự.
Sáu vị bối lặc niên kỷ đều đã cao.

Riêng Giác Xương An lại nhiều bệnh.

Bởi vậy, nhất thiết công việc đều do người con ông là Tháp Khắc Thế liệu lý.
Trong cuộc hội nghị, mọi người nghe nói Vương Thái ương ngạnh thảy đều lo sợ, mặt mặt nhìn nhau, không nghĩ ra một kế nào cả.

Thế thấy cử toạ câm lặng, bất giác thở dài, nói:
- Bọn ta đường đường là con cháu của dòng họ Ái Thân Giác Lê, trấn giữ biết bao nhiêu thành trì, thế mà không chống cự nổi một tên Vương Thái ư?
Giữa lúc còn đang bàn tính, bỗng nghe ở phía sau có một người lớn tiếng nói:
- Vương Thái chính là kẻ thù đời đời kiếp kiếp của bọn ta.

Cái thù giết ông cha ta chẳng thể quên được!
Mọi người quay đầu nhìn lại chỉ thấy một đại hán mặt mày đen đủi, quần áo rách mướp, mắt trợn ngược tròn xoe, đang đứng ở góc phòng, miệng không ngớt phát ra những tiếng gừ gừ giữa hai hàm răng bị rét run lập cập.

Lúc đó ở miền quan ngoại, tiết trời đã sang đông tuyết xuống nhiều, thế mà chàng chỉ mặc có một cái áo mỏng rách.
Bỗng mọi người giật mình.

Tháp Khắc Thế vừa thấy chàng đại hán, liền tuốt lẹ cây yêu đao, nhảy tới định giết.


Nhưng Lễ Đôn Ba Đồ Lỗ, người anh cả của Tháp Khắc Thế vội chạy tới cản.

Bị cản, Thế bực tức như điên, chỉ còn biết văng tục, chửi mắng luôn mồm không ngớt.
Chàng đại hán đó chính là Nỗ Nhĩ Cáp Tề, con cả Tháp Khắc Thế.

Thế có năm con trai.

Thằng cả là Nỗ Nhĩ Cáp Tề, thằng thứ hai là Thư Nhĩ Cáp Tề, thằng thứ ba là Nhã Nhĩ Cáp Tề, ba thằng này đều do vợ cả là đại phúc tấn Hỉ Tháp Thích sinh ra.

Thằng thứ tư tên Ba Nhĩ Tề, con trai của bà vợ thứ Nạp Thích.

Còn thằng năm tên Mục Nhĩ Cáp Tề, con trai của bà ba.
Nhan sắc của bà hai Nạp Thích hơn hẳn bà cả Hỉ Tháp Thích.

Khi còn sinh thời bà Hỉ, Nạp Thích không bao giờ có thái độ khinh khi.

Nhưng từ lúc bà Hỉ mất, Nạp Thích rất ghét ba người con trai của bà Hỉ.

Lúc đó Nỗ Nhĩ Cáp Tề đã mười ba tuổi.

Bà hai Nạp Thích coi ba thằng con trai của bà cả như những cái đinh trước mắt, bèn đặt điều mách với chồng là họ có ý muốn hại hai mẹ con bà.

Tháp Khắc Thế nghe lời bà nên giận lắm, xách ngay cây đoản đao chạy tới định giết Nỗ Nhĩ Cáp Tề.

Nỗ Nhĩ vội núp vào trong lòng ông nội là Giác Xương An.

Ông An vốn quý Nỗ Nhĩ, người cháu đích tôn đáng yêu nhất của ông.

Tháp Khắc Thế đôi mắt đỏ ngầu, bảo Nỗ Nhĩ:
- Này thằng con bất hiếu kia! Hôm nay tao chỉ muốn lấy đầu mày.

Khôn hồn thì cút xéo ngay đi!
Hai ông cháu ôm nhau mà khóc.

Lát sau, Giác Xương An lặng lẽ trao cho cháu nội ít tiền rồi đưa chàng tới từ biệt cha chàng.

Không ngờ, ông Thế nghe lời gièm pha của bà hai, vốn có lòng chán ghét cả ba anh em Nỗ Nhì nên bảo chàng:
- Mày muốn đi thì dẫn hai thằng em của mày đi luôn một thể.

Mà phải đi xa, càng xa càng tốt.

Từ nay về sau, tao cấm cửa mày, nghe chưa?
Nỗ Nhĩ Cáp Tề không còn cách gì khác là đem theo cả hai em ra đi.

Ba anh em khóc lóc thảm thiết, cùng dắt tay nhau ra khỏi thành Kiến Châu.

Đi nửa đường, ba người ngồi phệt xuống đất nghỉ ngơi.


Nỗ Nhĩ rút gói bạc của ông nội cho, chia đều thành ba phần rồi bảo hai em:
- Từ đây ba anh em ta tạm chia tay nhau, ai có đường nấy, cứ việc theo đuổi đường của mình.

Thảng hoặc về sau có một ngày nào đó được mở mày mở mặt thì không một ai được quên cái cảnh đau khổ ngày hôm nay.
Nói xong Nỗ Nhĩ cầm tay hai em, rơi lệ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề ở đậu trong một gia đình săn bắn.

Hàng ngày, Nỗ lẽn núi hái trái tùng và đào nhân sâm rồi quảy ra chợ bán.

Nỗ chịu khó làm việc, chẳng bao lâu sau đã tích được một kho lớn.

Nghe nói chợ Phủ Thuận bán trái tùng và nhân sâm được giá lắm, Nỗ liền hỏi thăm đường tới đó.

Đang là mùa hè, ở Mãn Châu mùa này hay có mưa to.

Hôm đi chợ Phủ Thuận, Nỗ gặp đúng vào ngày mưa.

Nước lũ từ trên cao đổ xuống, chỉ trong nháy mắt thung lũng đã ngập nước, mênh mông như biển cà.

Vốn con nhà giầu sang, nhưng bị cha ghét bỏ, Nỗ lâm vào hoàn cảnh của kẻ có nước mà không được về, có nhà mà không được ở.

Trải bao gian lao vất vả, Nỗ cũng tới được chợ Phủ Thuận.

Nhưng khi mở bao ra thì hỡi ôi, nhân sâm, trái tùng đều thối cả, chẳng còn dùng được nữa.

Tiền thì hết nhẵn, thân lại mệt nhoài, thực đã đến bước đường cùng, anh hùng mạt vận! Nỗ thấy hoàn cảnh mình quá bi đát, bất giác kêu khóc rùm lên, vang động cả hang núi lòng khe, khiến một lão chuyên nghề săn bắn chú ý tới.

Ông lão quê quán Sơn Đông, lúc mười hai tuổi theo cha vượt biển đến miền này để săn bắn kiếm ăn.

Ông trước có học võ, luyện được mấy môn quyền cước kha khá.

Năm đó ông đã sáu mươi tư tuổi nhưng trong việc săn thú đuổi chim ông vẫn còn lẹ làng lắm.

Vì trời mưa dầm lâu ngày, ông đành phải bó gối ngồi nhà.

Khi nghe thấy tiếng khóc của Nỗ vang động khắp nơi, ông biết không phải là một kẻ thường vội tới xem, quả nhiên trước mắt ông đây là một trang đại hán hàm én râu hùm, tỏ rõ những nét anh hùng.

Ông vội khuyên chàng nín khóc rồi ngỏ ý muốn đón chàng về nhà..