Chỉ chốc lát sau, một tên thái giám tay cầm cuốn sổ trình lên, xin Hoàng thái hậu và hoàng thượng chọn tuồng.
Thuận tay, Tây thái hậu chấm vở Thiên lôi báo, còn hoàng đế chọn vở Tiêu Dao tân.
Tên thái giám lãnh chỉ lui xuống, truyền cho bọn đào kép bắt đầu diễn.

Thiên lôi báo vốn là một kiệt tác của Tiểu Khiếu Thiên.
Hắn cất tiếng hát vừa mê ly vừa lảnh lót nghe đến mềm cả người.

Nhưng khi Thiên hát tới chỗ sét đánh, Tây thái hậu quay mặt nhìn hoàng đế cười nhạt.
Quang Tự hoàng đế biết Tây thái hậu có ý chế giễu mai mỉa mình, cúi đầu lặng thinh.

Lý Liên Anh đứng ở sau lưng Thái hậu cũng nhìn ngài mà nhếch mép cười.
Quang Tự hoàng đế đến lúc này, trong lòng đã lấy làm giận lắm.

Kịp đến vở Tiêu Dao tân lên sân khấu.

Các Tiên đóng vai Hán Hiếu đế, biểu diễn đúng hệt một ông vua cô thế nhu nhược vô cùng thê thảm trong tình trạng bị lăng nhục, nhục nhã đến rơi lệ.
Cung vương ngồi phía dưới lấy làm khoái, nhịn không nổi lớn tiếng khen tuyệt.

Khánh vương cười bảo Cung vương:
- Trong cung cấm la hét om sòm, không sợ Lão Phật gia bắt tội sao?
Cung vương nghiêm nét mặt nói:
- Cựu chế của các đấng tiên vương ta là trong cung cấm không được chèo hát mà.
Nói đoạn, Cung vương liếc mắt nhìn Thái hậu.

Nhưng Tây thái hậu tảng lờ đi như không nghe thấy gì, quay đầu lại trò chuyện với Lý Liên Anh.
Quang Tự hoàng đế bất giác mở sáng đôi mắt, cất cao cặp lông mày lên như đôi cánh nhạn, kêu gọi bọn nội giám liên tiếp khen thưởng bọn đào kép.
Đến lúc này, Tây thái hậu mới biết rõ hoàng đế tự chọn vở Tiêu Dao tân là có ý phản đối mình, vì thế lấy làm bực tức.

Song bà thấy có Cung vương ngồi gần, chẳng dám phát tác chứ nếu không bà đã hạ lệnh đình diễn rồi!
Nguyên do chỉ tại Cung vương tính rất nghiêm khắc, dữ tợn.

Khi vương ở nơi quân cơ, Tây thái hậu vẫn có ý sợ hãi vương.

Hồi Hiếu Trinh hoàng hậu còn tại thế, thường cùng Tây thái hậu, Hoàng đế, và bọn Cung vương đi chơi nơi Tam Hải, Tây thái hậu nhìn thấy các đình đài, lầu gác tại nơi đây đổ nát rã rời bèn giơ tay chỉ bảo:
- Bọn ta nên sửa chữa nơi này mới phải!
Cung vương nghe đoạn, đáp lời chỉ bằng một tiếng gừ trong cổ, nhưng tỏ vẻ trang trọng.
Hiếu Trinh hoàng hậu nói:
- Sửa thì nên sửa lắm! Nhưng lúc này bọn ta làm gì có tiền để mà làm những việc không cần gấp đó?

Tây thái hậu nghe thấy, lặng thinh, không nói gì thêm nữa.
Đây là việc cũ nhắc lại một tí thôi! Lại nói, tuồng đêm đó diễn chưa xong, nhưng hoàng đế vì trong lòng mất hứng, xin phép Thái hậu cùng hai phi Trân, Cẩn về cung sớm.
Mặt khác, Tây thái hậu đêm đó cũng thấy hoàng thượng chọn vở Tiêu Dao tân là có ý chế giễu mai mỉa mình, trong lòng thực chẳng vui thú gì, cho nên chỉ mong hoàng thượng về sớm chừng nào hay chừng nấy.
Chờ cho Quang Tự hoàng đế đi rồi, Tây thái hậu cũng bảo bọn Thân vương về nốt, chỉ để bọn các cô cách cách vắn ở lại xem hát cho đến lúc mãn.

Sau đó, bà cùng Lý Liên Anh sang chơi bên Trí Tuệ hải.
Trí Tuệ hải vốn là một thuỷ cảnh đẹp vào bậc nhất trong Di Hoà viên.

Phong cảnh đại khái giống như Doanh đài nhưng cách kiến tạo xem ra có phần công phu và khéo léo hơn.

Bốn chung quanh hải (bể) đều có cẩn châu ngọc và đá quý, lại treo cả những kiểu đèn ngũ sắc lộng lẫy của Tây dương.

Ở giữa bể cột một chiếc thuyền rồng.
Thân thuyền dài một trượng tám thước, cao một trượng, vẽ vời đủ ngũ sắc.

Phía trong thuyền rồng, có đủ loại bàn ghế, giường nằm, giao ỷ.

Bất luận nằm hay ngồi, chỗ nào người ta cũng đều thấy êm ái thoải mái cả.

Trên mũi thuyền, bày đủ nào là cờ quạt, nào là tiết việt.

Trong khoang đuôi, có một căn phòng nhỏ luôn luôn được hai tên tiểu thái giám trông coi và chầu chực cẩn thận để sẵn sàng dâng ngự điểm (bữa ăn của vua và hoàng hậu) cho đúng lúc.
Đối diện với thuyền rồng, trên đất liền, còn có một toà nguyệt cung.

Trong cung, tiếng trống, tiếng tiêu suốt ngày đêm không dứt.

Mỗi năm cứ đến rằm trung thu, thì quả phẩm tươi ngon ướp lạnh được bày biện la liệt bên trong.
Tây thái hậu cùng với hoàng thượng đích thân tế trăng, sau đó ân thưởng cho các thân vương, đại thần được lên thuyền rồng dạo chơi đây đó, chẳng khác gì như một ngày đại hội thâu đêm suốt ngày, cửa thành rộng mở.
Đến nửa đêm, Tây thái hậu lại truyền lệnh ban yến, ăn uống vui vẻ.

Suốt mãi tới lúc bình minh, mặt trời đã lên cao, vua tôi mới mãn vui giải tán ra về.

Đây lại còn là việc sau.
Sau khi qua chơi Trí Tuệ hải một lượt.

Tây thái hậu và Lý Liên Anh lại quay sang Bảo Liên hàng.

Bảo Liên hàng là một cái thuyền ụ, dùng đá và ngọc đẽo thành, hết sức tinh xảo.

Vì thế, nên còn gọi là thạch hàng (cái thuyền đá).

Phía bên trong thạch hàng, có chế hai chiếc khí thuyền (thuyền chạy hơi nước).

Khí thuyền hồi đó không hoàn toàn giống như tàu thuỷ ngày nay.

Nó chỉ có mỗi một việc là có thể chạy đi chạy lại được mà thôi.

Ấy thế mà đối với thời đó đã coi như tài khéo tuyệt luân, cướp hết cái công của tạo hoá rồi.

Bên trong khí thuyền cũng có đèn điện, chiếu sáng mãi ra ngoài vườn.
Khi thuyền chạy đèn điện sáng choang, lốm đốm như sao.

Tây thái hậu một mình cưới thuyền đi chơi.
Vì chiếc thuyền chạy đã xa điện Nhân Thọ, đối diện với núi Vạn Thọ, phong cảnh hết sức xinh đẹp.

Tây thái hậu do đó rất thích tới đây du ngoạn.
Đầu đêm hôm đó, Tây thái hậu cùng với Lý Liên Anh đi du ngoạn một hồi, vẫn thấy thú vui chưa thoả, tiện đường tới thăm Đồng Âm thâm xứ.
Đồng Âm thâm xứ cũng là một địa điểm nằm trong vườn Di Hoà.

Đây là một địa điểm bí mật, phía trong cất một căn nhà ba gian.

Chung quanh căn nhà đều có trồng những cây ngô đồng đã rất lớn.

Bên cạnh là một ngọn suối trong.

Cứ đến đêm khuya, tứ bề vắng lặng, người ta nghe rõ tiếng suối reo róc rách, tí tách như tiếng đàn cầm, tạo thành một điệu nhạc vô cùng êm ái mê ly.

Dọc dài theo nguồn nước trong, biết bao lan can chạm ngọc mài đá, thanh nhã, trông như một bức hoạ.

Căn nhà ba gian xây cất toàn bằng cột chạm tường ve mười phần tinh xảo.

Bên trong giường ghế, màn trướng thảy đều đầy đủ.

Rồi đến những chậu rửa mặt, những gương trang điểm, không thiếu sót thứ gì.
Tính tình của Tây thái hậu vốn ham thích điểm trang.


Hễ tới chỗ nào tất nhiên bọn cung nữ phải lo sửa sang lại mái tóc, dồi phấn thoa son lại cho bà.
Tuổi bà tuy đã sáu chục, nhưng mặt bà vẫn không chịu rời phấn sáp.

Bởi thế nhìn bà chỉ như một người đàn bà quá ba mươi xuân xanh, như còn nhiều hứa hẹn lắm! Với cái bộ mặt còn đầy tình của bà, cái tấm thân còn óng chuốt đẫy đà của bà, mấy ai dám bảo bà đã năm, sáu chục cái xuân?
Ấy cũng vì thế, anh bác sĩ y khoa người Mỹ tên là Lập Đặc thường hay khoe với thiên hạ rằng bà là một đệ nhất mỹ nhân của thế giới.

Hãy tạm gác chuyện này.
Lại nói Tây thái hậu cùng với Lý Liên Anh từ hôm đó ở lại Đồng Âm thâm xứ du ngoạn thâu đêm suốt sáng một cách vô cùng bí mật.

Bọn cung nữ và thái giám trong Di Hoà viên thường nghe những tiếng trai gái cười cợt đùa bỡn nhau trong đó vọng ra.
Thế là từ đó, Tây thái hậu thức ngủ nhất nhất đều ở trong Di Hoà viên, không còn thấy can dự tí gì vào việc triều chính nữa, mặc kệ cho Đức Tông muốn làm sao thì làm, đúng y như lời ông Đồng Hoà đã, nói là "vui rồi thì quên hết!".
Từ hôm đi xem hát về, Quang Tự hoàng đế (tức Đức Tông) giận tức đến cùng độ.

Lại thêm Trân, Cẩn hai phi kể lể lại tình cảnh lúc bị đánh, bị tù, ngài càng thấy lòng tức giận tăng thêm.

Mặc dù được lưỡng, phi khuyên giải an ủi, nhà vua vẫn cứ buồn bã chẳng thể vui lên được.
Suốt đêm hôm đó Quang Tự hoàng đế không chợp mắt được phút nào! Sáng mai, ngài thị trào xong quay về cung, liền cho lệnh mời ngay ông Đồng Hoà vào thương nghị kế sách "Cải cách triều chính".
Ông Đồng Hoà tâu:
- Đối với tình hình hiện tại, mọi cựu chế của Tiên hoàng không còn thích dụng nữa.

Ngu thần thi lại bất tài không tìm ra lượng pháp, khiến tất lại hoá xấu, hay lại hoá dở.

Bởi thế, chỉ còn một cách là nhường lại cho bọn hậu bối tài cán đủ khả năng, cố hết tâm sức kiến công lập nghiệp là hơn!
Quang Tự hoàng đế khảng khái nói:
- Nếu sư phó không chịu cáng đáng trọng trách đó Trẫm sẽ quyết ý trọng dụng bọn người mới Khang Hữu Vy vậy? Vậy xin nhờ sư phó thay trẫm truyền dụ ra ngoài, gọi Khang Hữu Vy ngày mai vào bệ kiến.
Ông Đồng Hoà lĩnh chỉ lui ra, tới báo cho Khang Hữu Vy.
Khang Hữu Vy vốn là người có chí lớn.

Trước năm Giáp Ngọ, Khang đã có lần dâng thư điều trần chính kiến của mình: Thế nào là khoa học… Làm sao để chấn hưng nền giáo dục v.v…
Bọn đại thần người Mãn cho rằng Khang khùng, chỉ nói bậy nói bạ, đem ỉm luôn bản điều trần của Khang, quyết không trình lên hoàng đế.

Có điều rắc rối là năm đó ông Đồng Hoà làm chủ khảo trường thi, có đọc văn của Khang, thấy Khang là một tay kỳ tài, liền cho đậu tiến sĩ.

Từ đó, giữa ông và Khang tự nhiên có cái tình thày trò.
Bởi thế, ông Đồng Hoà mới đem hết sức mình để tiến cử lên Đức Tông.
Quang Tự hoàng đế đã có ý muốn triệu Khang Hữu Vy để chính mình được hỏi những điều cần thiết.

Song triều đình còn có luật pháp, không tiện vượt qua.

Ngài đành phải hạ dụ cho Khang tạm thời hãy nhận chức Học tập hành tẩu tại Tổng lý nha môn, chờ ít lâu sẽ thăng lên làm Hàn lâm viện thị giám.
Chính lúc này là lúc ngài có thể triệu kiến một cách dễ dàng, không còn phải e ngại dư luận.
Đến hôm được dụ triệu kiến, Khang Hữu Vy đầu đội mũ long linh rực rỡ, đi thẳng vào Tiên điện để kiến giá.
Quang Tự hoàng đế đợi Khang hành lễ xong, mới cất tiếng hỏi về chính sách "Tự cường" của Khang.
Khang Hữu Vy liền trần thuật luôn ba kế sách lớn như sau:
1) Tập hợp hết thảy người tài lại để mưu việc biến chính.
2) Chọn lựa Tây sách (kế sách của Tây phương) để định rõ quốc sách.
3) Nên nghe theo và cho phép bọn quan cai trị ngoài biên cương tự biến chính.
Ngoài ba điểm chính này, Khang còn xin định rõ hiến pháp, bỏ hẳn khoa cử, mưu việc chấn hưng giáo dục, mở mang chế độ, sai các thân vương đi du lịch các nước để dò xét những lương pháp của các nước Tây phương, phiên dịch các sách Âu Tây để đào tạo tri thức, phát hành giấy bạc và thiết lập ngân hàng để cho kinh tế được lưu thông, tổ chức các trường văn nghệ cũng như võ bị ở các tỉnh các phủ để luyện tập dân binh, mong việc phòng vệ được chỉnh đốn và cường mạnh.
Khang Hữu Vy trình việc nào ra việc đó, tất cả đều thao thao bất tuyệt.

Quang Tự hoàng đế nghe xong, bất giác cả mừng, hạ dụ cho Khang lui ra ngoài, đồng thời sai bảo tiến một số nhân tài tân chính để tiện việc thực hành "Biến pháp".
Lý Hồng Chương sau khi ký mật ước với nước Nga, bèn lên đường du lịch các nước, lúc này cũng vừa về tới Trung Quốc.
Quang Tự hoàng đế ghét Chương về chuyện bất lực trong cuộc chiến năm Giáp Ngọ (chiến tranh Trung - Nhật), nên cho Chương rút lui ra khỏi quân cơ về nhà nghỉ.
Nhưng sau Tổng đốc Lưỡng Quảng bị khuyết, Lý Hồng Chương lại được điều ra đó nhận chức.
Cung thân vương Dịch Hân tuy cương trực nhưng từ sau cuộc chiến bại Giáp Ngọ, đối với chính trị cũng không còn nghiêm khắc như trước.

Không ngờ, già lão chóng tàn, Cung vương bỗng nhuốm bệnh, nằm liệt giường, có cơ nguy kịch.
Tin chẳng lành truyền tới tai Thái hậu và hoàng thượng.

Tất cả mọi người đều xúc động cảm thương.

Quang Tự hoàng đế lập tức sai nội vụ phủ cấp cho gia đình vương một vạn đồng bạc để làm đám táng, và đặt thuỷ hiệu là Trung vương.
Sau khi triệu kiến Khang Hữu Vy, Quang Tự hoàng đế một lòng tha thiết thực hiện tân chánh.

Lại còn có bọn thị lang Từ Trí Tĩnh, thị độc học sĩ Từ Nhân Kính, Từ Nhân Trú, ngự sử Dương Thâm Tú dâng thư lên xin quyết định ngay Quốc thị (tức là chế độ, luật pháp, tổ chức cần thiết của một quốc gia).
Thế là đến đây, chủ ý của Quang Tự hoàng đế về biến chính càng thêm kiên quyết và nhất định lắm rồi.

Do đó, đúng vào ngày hai mươi bảy tháng tư, ngài bèn hạ một đạo chiếu thư xuống như sau:
"Mấy năm gần đây, chiến sự xảy ra lung tung, mối lo bên ngoài càng thêm đáng ngại.

Trẫm rất lấy làm lo lắng.

Do đó, thần công trong ngoài nhiều người chủ trương biến pháp tự cường, quyết ý trước hết, đào thải hết bọn tham nhũng, sau đó thiết lập đại tiểu bọc đường, sửa đổi chế độ võ khoa v.v…
Họ đã suy xét cẩn thận, và cương quyết thi hành để thí nghiệm, chứ không như bọn thần công ngày trước chỉ khư khư bảo thủ cựu chế, bài trừ tân pháp, mồm mép om xòm, không hướng tới một cái gì; do đó mới xảy ra vụ tranh chấp về chế độ giữa cũ và mới.
Song, thời thế ngày nay đã khác: trong thì chính trị không sửa sang, ngoài thì cọp dòm ưng ngó, chỉ chờ có dịp là tiến tới nếu không có mưu kế tự cường, ta biết lấy gì mà lập quốc?
Mà cái đạo tự cường thì trước hết phải lấy cường dân phú quốc làm đầu.
Ôi! Học trò đã không có thày giỏi thì làm sao cho có thực học? Bọn lính nhác không được tập luyện thì biết lấy gì để chống giặc.


Nếu cứ cổ hủ mãi, thì nước làm sao mà mạnh được dân làm sao mà giàu được? Trong trường hợp ấy, cả một giang sơn gấm vóc này rốt cuộc chỉ để cho bọn cường lân (các nước láng giềng giàu mạnh) gậm nhấm dần đến hết như tằm ăn dâu mà thôi.
Trẫm đã thăm hỏi hai ba lần: ai cũng đều cho rằng nếu quốc thị không định, thì hiệu lệnh chẳng thể thi hành được, những điều lưu lệ, sau đó ắt gây ra phận tranh, khiến quốc chính không còn cách gì bồi bổ nữa.
Xét lại lịch triều Trung Quốc, trẫm thấy chế độ của liệt quốc mỗi quốc gia đều có cái hay riêng của mình, chứ không giống ai nhau, luôn luôn cũ mới đổi thay nhau.

Điều dĩ nhiên từ xa xưa là đã chọn tân chế thì đương nhiên cựu chế không thể tồn tại.

Chọn cái hay để mà theo thì đó là cái đạo lớn của nước vậy.
Kể từ nay về sau, thần công trong ngoài lớn nhỏ, vương công, sĩ thứ, tất cả đều phải gắng sức hướng lên, nổi hăng mà mưu đồ sự giàu mạnh, học tập lấy lễ nghĩa của thành hiền, chọn những điều của Tây học thích hợp với chế độ để bổ túc những chỗ thiếu sót, chủ đích chỉ mong cầu tinh tiến để đợi lúc sử dụng.
Kinh sư là nơi thủ đô của toàn quốc, học đường phải nên sáng lập.

Nếu các bậc thần công trong ngoài từ vương công trở xuống cho đến các nhân viên, các ty, các bộ, các vị thế chức Bát Kỳ cung như đám bậu duệ của văn vô đình thần, muốn xin đi học, thì sẽ được nhập học, giáo dục thành nhân tài đế vì nước xuất lực, giúp đời gỡ rối.
Hỡi các thần công! Các ngươi không được tự ý thủ cựu mà viện dân này nọ, làm chậm chế việc thi bành, khiến nỗi trên thì phụ lòng triều đình thiết tha với các giới, dưới thì tự mình đã lẫn lại kéo thêm người lầm với mình.

Và như thế hậu hoạ không còn gì to lớn hơn nữa! Nay đặc dụ cho thán công nội ngoại toàn thể đều biệt.
Khâm thử".
Đạo thượng dụ này vừa ban xuống, chỉ trong nháy mắt, tin tức đã đồn dậy trong ngoài.

Khang Hữu Vy ngay lúc đó cũng được vời vào cung để hỏi ý kiến.

Nhất thời được minh quân chiếu cố tới mình, Khang quả là người mà toàn triều văn võ bá quan không ai dám sánh.
Khang Hữu Vy bảo tiến thêm mấy nhân vật mới nữa giúp đỡ trong việc biện lý tân chính.
Đó là Từ Trí Tĩnh và hai người con Từ Nhân Trú và Từ Nhân Kinh.

Khang lại bảo tiến người em ruột là Khang Quảng Nhân, người đệ tử là Lương Khải Siêu.
Lương Khải Siêu là người huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, vốn là một thư sinh.

Do sự bảo tiến của thày, Lương được hưởng hàm lục phẩm, phụ trách việc dịch sách trong Dịch thư cục.
Mặt khác, Tuần phủ Hồ Nam là Trần Bảo Hàm cũng bảo tiến Lưu Quang Đệ.

Dương Nhuệ.

Thị lang Tử Kính Tĩnh cũng bảo tiến Đàm Tự Hồng.

Hộ bộ tả thị lang Trương Âm Hoàn lại bảo tiến Vương Tích Phồn, Ngự sử Dương Thâm Tú bảo tiến Đinh Duy Lỗ.
Tất cả những nhân vật được bảo tiến trên đều là những người học thức uyên bác, có thể coi như là những nhân tài tuyệt luân được.

Ngoài ra, ta còn thấy có nhóm Trương Chi Động cũng góp nhiều công vào việc biến chính, nhất là trong chương trình cải cách khoa cử.
Vương Phượng Văn xin thiết lập phép chấm thi.

Tiêu Văn Cát xin chỉnh đốn nghề tơ, trà để phục hưng thực nghiệp.

Ngự sử Tăng Tôn Ngạn tâu xin mở mang nông vụ.

Vương Tích Phồn xin tổ chức quản trị các hội buôn.

Lý Đoan Phân xin chỉnh đốn lại luật lệ.

Viên Vĩnh thì tâu xin giải quyết sinh kế cho Bát Kỳ (tổ chức quân đội của riêng nhà Thanh).

Ngự sử Thuỷ Tân người Mãn, dốt đặc cán mai, đến một chữ cũng không biết thế mà cũng dám ghi tên lên đầu danh sách, xin quản trị các báo quân để lo việc thông tin.
Quang Tự hoàng đế thấy sớ tấu dâng vào như bươm bướm, cái nào cũng có ích cho Tân chính, đều nhận hết, đồng thời còn khen thưởng những người dâng tâu kế sách.

Ấy cũng vì vậy cho nên có những anh chàng người Mãn vớ vẩn dốt nát, vét ba ngày không ra được nửa chữ, cũng vội vàng dâng sớ trình bày chính kiến, khiến từ đó, tấu sớ chất thành đống như trái núi, tạp nham bừa bãi, trở nên bao chuyện khôi hài không bút nào tả xiết!
Lại cũng còn có kẻ tâu xin hoàng đế "trở lại" đạo Gia tô.

Rồi cũng lại có cả những bản tấu chương xin học tập theo sách Tây, chữ Tây (chữ Anh, Pháp, Đức v.v…).
Quang Tự hoàng đế xem qua các loại sớ này chỉ mỉm cười, coi như được một dịp nghe chơi những chuyện vui.

Song đối với các bản điều trần thực tế về tân chính của chư thần, Quang Tự hoàng đế đều nhất nhất dung nạp, không loại bỏ cái nào.

Ấy cũng vì vậy mà một tai hoạ lớn đã ra, hậu quả vô cùng tai hại..