Giáp giới giữa Hồ Bắc và Hồ Nam không xa đi về phía Tây tỉnh Tây Lâm và Tây Sơn. Tần Bửu Bửu biết cũng đã chậm trễ quá nhiều thời gian, cơ hội có thể tìm được bọn ngươi kia rất ít, nhưng không chịu bỏ ý định, cứ không ngừng đuổi theo. Không có nguyên nhân gì lạ, tại vì hắn thích thú, hắn ưa để cho mình được thích thú.

Trời xế chiều, đuổi đến Tây Sơn cũng chưa thấy tông tích ba người Cung Ngọc Mẫn. Hắn chưa bao giờ nghĩ đến quay trở lại, cũng chưa nghĩ đến tìm quán trọ nghỉ ngơi. Nhớ lại những ngày lết bết lên trên đường, Minh Trí sư huynh đệ nếu thấy hắn đi rẽ đàn như vầy có lẽ tức giận đến nỗi ho ra máu.

Rồi mặt trời cũng lặn xuống, đây là thời điểm của hằng nga lộ diện. Cho dù có hứng thú đến đâu, Tần Bửu Bửu lúc này cũng cảm thấy mệt lã và muốn nghĩ xả hơi, thêm vào bụng đói kêu “ồ ồ”, tâm tính con người không được tốt, bao tử dường như cũng cảm nhận được. Tần Bửu Bửu tuy đói nhưng không muốn vào tửu quán. Hắn mua một chút đồ ăn chuẩn bị đi đường ăn. Dùng miệng cắn một miếng bánh bột, lấy hơi dùng sức nhai, tuy không thưởng thức được có mùi vị gì hấp dẫn, nhưng dẫu sao cũng làm cho bao tử bớt khó chịu và cũng lộ ra một nụ cười nho nhỏ. Vừa đi vừa ăn, trong lòng cũng không rãnh rỗi.

“Ta có đuổi quá rồi chăng? Hay là phương hướng không đúng?”

Ánh trăng chắc không lạ với ta đâu? Đi về hướng tây thì chỉ có con đường này.

Ngoài ra sơn lâm, tiền lộ ta đã đều quan sát, không có dấu vết người đi. Kẹt vào chính giữa, không biết nên tấn hay thối? Thời buổi thái bình thịnh vượng lúc bấy giờ một cô nương mặc một bộ đồ đỏ là điều hiếm thấy, tung tích rất rõ ràng. Nhưng trên đường hỏi thăm thì lại không có ai thấy có cô nương nào mặc đồ đỏ, còn một nam hai nữ, cùng đi thì có người thấy.

Đi không được mấy bước, lại dừng lại nói thầm :

“Vạn nhất bọn chúng đêm đến vào quán trọ nghỉ ngơi hoặc ban ngày ngủ, ban đêm đi thì ta chắc không bao giờ tìm thấy được bọn họ? Cái trò hí kịch có nên đùa tiếp hay không?”

Tần Bửu Bửu càng lúc càng cảm thấy mệt mỏi. Nhớ lại hồi nhỏ thường trốn ngủ trên cây rất thú vị. Lúc này Bửu Bửu đến một nơi dã ngoại, nơi đây rừng cây rậm rạp.

Bửu Bửu tìm một cây to nhất leo lên. Đêm đã khuya đã vào khoảng canh ba.

Tần Bửu Bửu ngủ rất ngon, không nhúc nhích, gương mặt quả trứng luôn tươi cười, đó cũng là thói quen, không liên quan gì đến mộng đẹp hay ác mộng.

Tần thiếu gia ghét nhất là ai phá giấc ngủ của hắn. Xui xẻo làm sao lại có người chọn ngay chỗ đám cây rừng này làm điểm tụ hợp. Tần Bửu Bửu thức dậy, không phải tự nguyện thức mà tại vì có người ồn ào làm hắn thức dậy.

Từ trên cao nhìn xuống, Tần Bửu Bửu đếm không hơn không kém, tất cả mười bốn tên. Bọn họ đều là những nhân vật giang hồ.

“Lạ thật, lạ thật!”

Tần Bửu Bửu nói thầm :

“Bao nhiêu người tụ tập ở đây làm gì? Hình như bọn họ có âm mưu gì?”

Một tên tuổi ngoài năm mươi trịnh trọng nói :

- Hạ lão tam, ngươi và Giang Khôn, Hoàng Lương Minh, Lưu Tiết Tháo đi bốn phía quan sát, không để cho ai vào khu rừng này. Nếu có ai cố tình cưỡng lại thì hạ thủ ngay.

Chỉ thấy một tên hán tử gầy, mặc áo cổ đoạn xanh, chân mang dép mỏng, thân vác đơn đao, cằm để râu ngắn, mặt mày hăng hái từ từ đi ra, cúi đầu nói :

- Xin vâng!

Hắn chắc là Hạ lão tam.

Giang Khôn, Hoàng Lương Minh và Lưu Tiết Tháo hình như không vừa ý lắm, nhưng không dám phản kháng chia nhau đi bốn phía.

Tần Bửu Bửu ngắm nghía người phát ra mệnh lệnh, thấy hắn thân hình hùng vĩ, tóc râu bạc nhiều, đen ít, thái dương huyệt nhô cao, bộ tướng vô cùng ngạo mạng.

Nghe mọi người gọi hắn là Khương bất lão, Tần Bửu Bửu bật cười to lên, bụm miệng cũng không kịp khiến lá cây xào xạc rung động khiến mọi người ngồi dưới gốc cây ngẩn đầu nhìn lên.

Một tên trung niên hán tử mặc áo cổ đen kêu to lên :

- Bằng hữu nào trên cây, xin mời xuống đây!

Tứ bề im lặng, Khương bất lão nói :

- Trên cây không chừng là chuột, sóc chớ không phải là người.

Hán tử áo đen nói :

- Để ta lên đó xem nào!

Thân người hắn phi thẳng lên, cẳng búng nhanh, chuyền người lên trên cây, nhìn xem tứ phía không thấy bóng người. Hắn lại tuột xuống, nhưng hình như không yên tâm, liền phi thân lên một cây to kề bên để quan sát, xác định không có người mới xuống.

Khương bất lão lạnh nhạt :

- Thế nào? Không có kẻ địch phải không? Hình như ngươi muốn biểu diễn tài nghệ khinh công của mình?

Hán tử áo đen không cung kính hắn như mọi người, nói :

- Khương Bạch Đầu, bọn ta địa vị tương đồng, không cần ngươi ra lệnh cho ta.

Khương bất lão dường như đối với hai chữ “bạch đầu” rất khó chịu, giận nói :

- Ngươi gọi ta là gì?

Hắc y hán tử cũng chẳng khách khí, lại khích bác hắn thêm một lần nữa :

- Khương bạch đầu! Làm sao? Ngươi còn trẻ lắm ư?

Khương bất lão giận hầm hầm nói :

- Thái Sơn phái của các ngươi mời ta phụ giúp mở tiệc, ngươi lại không chút nể nang, nhục mạ ta. Lão phu đi thôi!

Hắc y hán tử dường như là khắc tinh của họ Khương, khoát tay nói :

- Xin mời đấy! Sau này bằng hữu trong giang hồ dự tiệc sẽ truyền ra tin Khương bất lão Khương Bạch Đầu chỉ vì một câu nói đùa đầu môi chót lưỡi mà hủy bỏ lời hứa, đem danh dự quẳng xuống đất để cho thiên hạ chà đạp.

- Ngươi...

Khương bất lão giận dữ trợn to đôi mắt, dậm chân nói :

- Đồ hột gà thối, giỏi khua mồm khua mép. Lão phu muốn thử xem ngươi có bản lĩnh siêu phàm như thế nào?

Hắc y hán tử tức tối nói :

- Ta đây họ Vương, tên Kỵ Thiên. Nghe tên Diêm Vương cũng phải nhường ba bước, ngươi già răng yếu đọc không rõ, lão gia tha thứ ngươi một lần. Ta có biệt hiệu là Hắn Yến Tử, khi nãy ngươi cũng đã thấy qua khinh công của ta không phải cũng đã khen đó sao. Ngươi già trí nhớ kém thật tội nghiệp! Ngươi là lão gia của ai?

Âm thanh cứng cõi và lạnh như đá cục bắn vào người Khương bất lão. Lão trả đũa :

- Vương Kỵ Thiên, hiệu của ngươi nên sửa lại là Hắc Ô Nha, chỉ biết nói tầm bậy!

Bỗng có tiếng kêu thật to của gã có thân hình cao lớn, bó sát người bộ đồ trắng, dưới ánh trăng mờ mờ, đặc biệt rõ nét.

Hắn đứng trân trân, không động đậy. Nếu không nhờ gió đêm thổi bật ống tay áo thì thật tình có thể xem hắn như tượng đá. Gương mặt hắn trên thấy rất dễ sợ, mi dài, sắc mặt tái xanh không một chút máu, còn thêm sẵn giống như thây ma, làm cho người ta phát ớn da gà. Hắc Yến Tử Vương Kỵ Thiên đối với hắn hình như vô cùng úy kỵ, tiếng nói có vẻ sợ hãi :

- Âu Dương đại hiệp...

Âu Dương Tất lặng im quan sát mọi người. Khương bất lão cũng vô cùng cung kính đối với Âu Dương Tất, cung tay nói :

- Đa tạ Âu Dương đại hiệp chủ trì công minh.

Âu Dương Tất lầm lì nói :

- Ta không chịu nổi các ngươi tranh cãi lôi thôi.

Ngụ ý ngầm chỉ Khương bất lão tự tung tự tác.

- Khương bất lão bị ăn một đòn hột vịt thối, chư vị có tìm ra manh mối chưa?

Một hán tử phái Hằng Sơn tuổi ngoài bốn mươi mặt mày thâm đen nói :

- Tiếng đồn trong hồ Phàn Dương có bảo tàng, các phái võ lâm có lòng tham đều tranh nhau lục lạo, nhưng vì đáy hồ rất sâu, không ai lặn tới đáy hồ để khai thác bảo tàng được. giang hồ truyền thuyết nếu gặp được Tị thủy tê giác thì có thể làm cho nước hồ rẽ lối đi đến đó. Hiện nay người võ lâm đi tìm tị thủy tê giác khắp mọi nơi, nhưng thứ bảo vật này chỉ là có trong truyền thuyết. Còn việc bảo tàng có hay không vẫn là điều bí mật.

Một tên cự hán phái Thái Sơn tên là Hàn Đại Hùng kêu lên :

- Theo Vũ Hắc Lão, đừng nói những chuyện hoang đường khác, tìm được bảo tàng người người có dự phần, từ đó có thể hưởng phúc và có Âu Dương đại hiệp chủ trì bọn ta còn sợ gì chớ?

Phái Hằng Sơn Vũ Hắc Lão nói :

- Rất may hồ Phàn Dương không ở trong phạm vi thế lực của Kim Long Xã.

Thái Sơn phái Thiết Đại Hùng Hiệu Trương nói :

- Vệ Tử Y thì có ra gì, nếu có trong phạm vi thế lực hắn thì sao nào?

Vũ Hắc Lão lắc đầu nói :

- Vệ Tử Y với Diêm La vương không biết ai đáng sợ hơn, thêm vào dưới tay hắn rất nhiều cao thủ. Nếu như họ nhúng tay vào tranh đoạt bảo tàng thì trong giang hồ có môn phái nào đối địch nổi? Nhưng cũng may, xưa nay hắn chưa từng làm cho ai tuyệt đường.

Phó bang chủ của Thiến phiến bang Ngưu Vi Thành nói :

- Thiếu Lâm tự cũng không phải ở trong mắt Kim Long Xã sao?

Đường chủ Thiệu Hóa Đường Cát Thông cười nói :

- Người xuất gia không tranh giành với đời. An nhàn không muốn gây phiền nhiễu.

Vả lại Thiếu Lâm tự chi bảo là Tần Bửu Bửu lại là nghĩa đệ của Vệ Tử Y, chỉ cần đừng làm quá lố, Thiếu Lâm tự sẽ có thể giả vờ xem như không thấy.

Hằng Sơn phái Vũ Hắc Lão nói lẩm bẩm :

- Tần Bửu Bửu... tê giác xanh... đúng rồi!

Bỗng lão kêu lên :

- Có ai biết tị thủy tê giác là màu gì không?

Âu Dương Tất mắt rực sáng nói :

- Màu xanh lục!

Vũ Hắc Lão phấn khởi kêu lên nói :

- Người ta đồn rằng Tần Bửu Bửu trên đầu có thắt một cái sừng tê giác xanh, có thể truyền thuyết đã nói đúng, đây là tị thủy tê giác? Nếu quả đúng như vậy thì việc tìm bảo tàng đã có hy vọng.

Âu Dương Tất nói từng tiếng một không chút tình cảm :

- Đúng hay không, cứ lấy cái sừng tê giác trên đầu tóc hắn thì biết ngay.

Mọi người nghe lọt vào tai câu ấy không khỏi ớn nổi da gà. Muốn họ đương đầu, đối diện với Thiếu Lâm tự và Kim Long Xã đấy là việc trong chiêm bao cũng chẳng dám nghĩ đến, đừng nói dùng hành động thực tế để biểu hiện.

Khương bất lão cười khan nói :

- Âu Dương đại hiệp, Tần Bửu Bửu là bửu bối của Ngộ Tâm đại sư và Vệ Tử Y.

Âu Dương Tất hầm hầm nói :

- Sát nhân diệt khẩu (giết người bịt miệng).

Quần hùng sợ phát run lên, bọn họ đều xuất thân từ danh môn chánh phái, làm cái trò ám sát lén lút như vậy không ai có thể đảm đương nổi, nhưng cái ma lực của bảo tàng làm lòng hào hiệp cũng dịu xuống.

Âu Dương Tất thấy được tâm tư của bọn họ, cười lạnh lùng nói :

- Các ngươi nếu tự nguyện bỏ cuộc cũng được, bảo tàng do ta một mình độc hưởng.

Thái Sơn phái Thiết Đại Hùng nói :

- Mẹ nó, đã vào cuộc rồi muốn rút chân cũng không cam tâm. Thôi thì làm thẳng tay, đem thằng quỷ nhỏ đó đốt thành tro bụi, tiêu tan hết, tin rằng các ngươi cũng không ai dám tiết lộ việc này.

Chánh nghĩa và tiền thì đang đấu tranh mãnh liệt trong tư tưởng quần hùng.

Tâm địa có ác rồi cũng phải chừa chút hậu. Khương bất lão thở dài nói :

- Có thể mượn của Tần Bửu Bửu để dùng, không cần phải sát hại sanh mạng hắn.

Đường chủ Thiệu Hóa Đường Cát Thông nói :

- Cái cục tê giác nho nhỏ quăng xuống hồ, muốn tìm thấy thật khó như lên thiên đàng.

Âu Dương Tất nói :

- Đủ rồi, Tần Bửu Bửu ở đâu?

Phái Thái Sơn Thiết Đại Hùng giành nói :

- Dĩ nhiên ở Kim Long Xã tổng đàn, cứ phái một người đi dụ hắn ra ngoài.

Vũ Hắc Lão lắc đầu nói :

- Nghe nói hắn về Thiếu Lâm tự, có người đi Cao Sơn trên đường gặp hắn.

Hắc Yến Tử Vương Kỵ Thiên nói :

- Mấy ngày trước Bình An trấn trà lâu truyền tin có một đứa bé mất trí nhớ, được ba tên hòa thượng đến từ Thiếu Lâm tự dẫn đi, hình dáng ăn nói đều giống Tần Bửu Bửu.

Phó bang chủ Thiết Phiến bang Ngưu Vĩ Thành nói :

- Việc này ta biết rất rõ. Kinh thành Long Môn tiêu cục tổng tiêu đầu Long Vân Thiên tục gia là đệ tử của Thiếu Lâm. Mùng ba tháng sau là ngày chúc thọ hắn.

Thiếu Lâm phái Minh Trí, Minh Lý, Minh Nguyệt đến chúc thọ, ở trên đường gặp kẻ mất trí nhớ là Tần Bửu Bửu, thế là đem hắn về kinh thành giao cho Vệ Tử Y, tìm cách làm cho hắn hồi phục trí nhớ.

Phái Hằng Sơn Vũ Hắc Lão nói :

- Có đệ tử Thiếu Lâm bảo vệ, muốn đoạt tê giác xanh là chuyện không dễ, hơn nữa Thiếu Lâm đối với các phái võ công hiểu rõ như ngón tay, ta ra tay khó tránh lộ tông tích, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Âu Dương Tất giọng đanh gọn :

- Giết hết luôn!

Hằng Sơn phái Vũ Hắc Lão cẩn trọng nói :

- Bọn ta tốt nhất là bịt mặt cải trang, đề phòng nếu đánh lén bất thành chừa lối thoát.

Âu Dương Tất có vẻ không vui, “hừ” một tiếng nói :

- Ta Âu Dương Tất bao giờ cũng cái trang phục này.

Hằng Sơn phái Vũ Hắc Lão cười nói :

- Bọn ta không dám miễn cưỡng Âu Dương đại hiệp làm tổn hại uy danh của Âu Dương đại hiệp.

Âu Dương Tất gầm gừ nói :

- Lập tức đi tìm bọn Tần Bửu Bửu bốn người, đừng để cho bọn nó nhập chung với Vệ Tử Y.

Hằng Sơn phái Vũ Hắc Lão nói :

- Tệ môn tiểu sư đệ Lưu Tiết Tháo và Hoàng Sơn phái Ngọc DIện Lang Quân Hoàng Lương Minh đối với Tần Bửu Bửu rất có cảm tình. Chuyện chém giết giữa đường không nên cho bọn hắn tham gia.

Thái Sơn phái Thiết Đại Hùng nói :

- Hai đứa ranh con này bạn thù bất phân, bị Tần Bửu Bửu đùa cho một trận còn chưa nhớ ư, còn cảm tình gì với hắn chứ?

Hằng Sơn phái Vũ Hắc Lão không vui nói :

- Tệ sư đệ tuổi còn trẻ, vô cùng háo thắng, bị Tần Bửu Bửu đùa cho một trận mà không hận, dĩ nhiên Bửu Bửu có cái ma lực làm cho người ta không hận được hắn.

Lão huynh lần này xin lưu ý.

Thái Sơn phái Thiết Đại Hùng nói :

- Tần Bửu Bửu tên tiểu quỷ đó ta gặp được sẽ vặn cổ nó rồi tính sau.

Hằng Sơn phái Vũ Hắc Lão “hừ” một tiếng nói :

- Nhưng cũng mong rằng đến chừng đó ngươi xuống tay được, giúp bọn ta đỡ tốn công sức.

Thiết Đại Hùng khẽ hừ, nói :

- Không để cho bọn ngươi phỏng tay trên đâu.

Âu Dương Tất không chút tình cảm nói :

- Đúng, các ngươi, ta cảm thấy hơi bận rồi.

Khương bất lão vội nói to :

- Hạ lão tam, bốn người mi có thể về rồi.

Lời nói vừa dứt, bốn người nhanh như chớp từ bốn hướng lao đến, mỗi người báo cáo không có người ngoài xâm nhập vào, cũng vội vã hỏi kết quả cuộc thảo luận.

Khương bất lão trước mặt bọn họ vẫn chứng tỏ uy nghi :

- Chuyện không được chậm trễ, vừa đi vừa nói.

Người đi vắng cả, khu rừng lại trở nên yên tịnh ngay.

Hồi lâu... hồi lâu...

- Ậy!

Từ trên cây có một tiếng thở dài giống như tiếng trẻ con học làm người lớn.

Có thể ẩn mình qua mắt được mười mấy vị giang hồ kỳ cựu, dĩ nhiên là một vị cao nhân.

Vị cao nhân này cũng có thể nói là tiểu cao nhân, trừ Tần thiếu gia ra thì còn mấy ai?

Kỳ thực Tần Bửu Bửu không chạy đi đâu, thậm chí không động đậy, chỉ ngồi tại chỗ cũ trên cây tùng to lớn ấy. Cái vị quỷ tinh này có cách làm cho người ta “nhìn mà không thấy”.

Nói huỵt toẹt ra thì cũng chẳng có gì. Vạn Tà Thánh Y lúc còn sống Bửu Bửu thích chơi trò cút bắt với gia gia. Gần Thiếu Lâm tự thường có những chỗ lồi lõm hầm hố, toàn là kiệt tác của hắn. Dưới đất trốn chán rồi mới nghĩ ra cách leo lên trên không.

Những nóc nhà ở Thiếu Lâm tự phải tơi bời. Minh Trí, Minh Lý và Minh Nguyệt là đồng phạm vì lúc đó hắn chưa biết võ công. Thiền phòng của Ngộ Tâm phương trượng trời mưa dột, mấy miếng nệm lót ngồi trên ghế của giới luật đường và Kinh đường thường thường không cánh mà bay, thì ra bị hắn lấy đi để sửa mái nhà. Từ đó thiền phòng hễ khi trời mưa là bị dột nước, cho đến khi hắn đùa chán cũng không dấu nổi gia gia. Người quản tự cho người đi tu sửa, gần một tháng trời mới sửa xong.

Tần Bửu Bửu bắt đầu học trèo cây. Mấy ngày đầu gia gia thật không biết tìm hắn ở đâu, hắn khoái tỉ. Đáng tiếc Tần Anh khinh công có thể nói là tuyệt thế, mỗi lần mất hắn, Tần Anh leo lên cây lượn qua lượn lại không mấy chốc đã chụp được hắn dẫn về xiết chặc canh chừng như bửu bối. Năm ấy tiết đoan ngọ, Tần Bửu Bửu vô tình mặc bộ đồ vải màu lục sát thân, tóc cũng dùng cái nón màu lục mà đội, trốn trên cây. Gia gia hắn tìm không được, từ đó hắn học được cách dùng màu sắc để hộ thân khi trốn tránh. Tần Anh kinh phục nên chế cho hắn một miếng vải hai mặt, mặt màu lục và một mặt màu gạch choàng lên người để phòng khi hữu dụng.

Tần Bửu Bửu không chê phiền phức nên thường đem theo bên người. Lúc này hắn vươn vai, lười biếng dựa vào thân cây, không có ý ngủ nữa, thở dài :

- Quyền lợi, địa vị, vinh hoa phú quý là vật mà tự cổ chí kim làm cho người ta không bao giờ từ chối được? Danh môn chánh phái thì sao? Giống như Tiêu Nhất Bá vì muốn đạt được mục tiêu đã lấy ta làm vật hi sinh.

Trong lòng cảm khái, Tần Bửu Bửu ca nhè nhẹ :

Chính nghĩa nan kham phú quí, Danh sĩ tham ải phong lưu, Lưng mang vạn bạc thượng phong lầu, Thiên kiều bá mị làm thê thiếp.

Mấy ai nghĩ đến đời kham khổ?

Nhất dân Mạnh Thường tại thế, Quên rồi ngày qua khổ ải.

Can trường đầy chính khí, Giang hồ tợ khúc anh hùng ca, Chê cười phĩ báng phường đạo tặc.

Ca và ca, rồi tự khen sáng tác thiên tài của chính mình.

Buồn bực, cảm xúc, giận hờn, đau khổ, tủi thân, Tần Bửu Bửu móc những nén bạc trong người tùy tay quăng lung tung.

Tần Bửu Bửu vốn tính lạc quan, mạng mất không xem trọng, tiền tài bảo vật lại cũng không để trong mắt. Thiếu Lâm trên dưới đều thương yêu hắn. Ngộ Tâm đại sư rất mực cưng chiều. Kim Long Xã trên dưới đồng khoan dung hành động tác quái của hắn. Vệ Tử Y cũng không trách sự phá phách lí lắc của hắn, một lòng thương yêu hắn, làm hắn cảm thấy mình có tất cả. Trân châu, bửu thạch, vòng vàng là vật quí hiếm trên đời, nhưng yêu cũng là ngàn vàng khó mua được. Nếu trong hai điều ấy cho hắn chọn một thì hắn chẳng cần suy nghĩ, đem vòng vàng, trân châu đá xuống biển.

Tần Bửu Bửu không vui vẻ tự nói lầm bầm :

- Tê giác xanh là di vật của mẫu thân ta. Nếu không cho bọn ngươi cũng chẳng ăn thua gì, cớ sao lại muốn đem ta đốt thành tro bụi, thật đáng ghét. Nhưng đáng tiếc là ghét người mệt lắm, ta không muốn ghét. Tuy tội chết của bọn ngươi có thể tha thứ, nhưng tội sống khó chạy thoát. Tưởng thiếu gia mất trí nhớ dễ ăn hiếp? Thật đáng buồn cười.

Trên thực tế, tất cả đều là một vở kịch do Tần Bửu Bửu tự biên tự tạo tự diễn. Hắn thử xem cái bộ tịch mất trí nhớ có đáng thương hay không, không ngờ lại tự tai nghe thấy cái màn này.

Mỗi khi hắn không biết phải quyết định thế nào cho đúng và chính xác thì hắn sẽ tự hỏi tự đáp :

- Huầy! Ngươi thấy ta nên về cầu cứu hay là tự mình xử lý vấn đề này tốt?

Suy nghĩ hồi lâu trên khuôn mặt Bửu Bửu thoáng hiện nét tinh nghịch. Hắn nhẹ nhàng đáp xuống như một bông hồng rơi nhẹ xuống đất, tỏ vẻ vô cùng đắc ý cười hi hi. Cởi cái đai ở thắt lưng xuống, lột lớp thứ nhất, trong đó cất năm tờ một ngàn lạng ngân phiếu. Thật ra Bửu Bửu không có thiện cảm đối với ngân phiếu. Lúc ra đi, Vệ Tử Y căn dặn nhiều lần, không mỏi mệt nói cho hắn biết năm tờ ngân phiếu này bất cứ tiệm tiền nào cũng đổi được, rất hữu dụng cho cuộc hành trình. Khí nói xong đến hết lời lẽ, mệt đến đổ mồ hôi trán, môi lưỡi khô đi mà thấy Tần Bửu Bửu không chịu gật đầu thu nhận. Lại sợ chê giữ gìn khó khăn nên kêu Tiểu Bàn Đầu mang dán vào đai thắt lưng. Hôm nay, những tờ ngân phiếu này cuối cùng cũng được mang ra dùng, thật không uổng phí công khó của Vệ Tử Y. Lần sau muốn Bửu Bửu đem theo ngân phiếu sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Tần Bửu Bửu nhìn những tờ ngân phiếu cười nói :

- Trúng kế của đại ca rồi, cuối cùng cũng được chuyện.

Sực nhớ lại việc gì đắc ý nói :

- Mặt thây ma Âu Dương Tất, còn tên già sợ sệt Khương bất lão, Hắc Ô Nhả Vương Kỵ Thiên, còn những cao thủ của các phái đội lốt nghĩa hiệp. Bọn ngươi vì tiền mà hại ta, ta sẽ dùng năm tờ ngân phiếu này phá vỡ mộng phát tài của bọn ngươi. Người người ôm đầu khóc, ái da ui da, đáng thương hại!

- Kha kha kha...

Trong tiếng cười, Tần Bửu Bửu thẳng bước mà đi, đúng vào lối đi của mười bốn tên anh hùng vừa đi khi nãy.

Ánh mặt trời diễm lệ.

Thủy sắc sơn quang như được rửa. Ánh mặt trời vô cùng hòa nhã, vô tình làm cho người ta sanh ra cảm giác hơi lười muốn ngủ. ngoài xa giữa lùm cây rậm rạp có ngôi nhà tranh, từng đoàn gà vịt đi dọc theo bờ ruộng dọc ngang tìm sâu bọ, côn trùng.

Mấy gã nông dân trên bờ ruộng lấy cuốc gối đầu nằm, chân tréo nguẩy, cái nón lá úp trên mặt, cùng nhau nói chuyện trên trời dưới đất. Thỉnh thoảng một trận cười to vô tích sự vang lên. Phút chốc vài con cầm thú lại đến gần, giống như người giang hồ vậy, biết nguy hiểm mà vẫn tiếp cận vào những nơi nguy hiểm. Dường như đây là thú vui trời phú cho họ trong cuộc sống. Ấy cái vòng cuộc sống của người giang hồ là quá chật hẹp.

Từ khi có giang hồ thì có không biết bao nhiêu người từ già đến trẻ tìm cuộc sống trong đó, dĩ nhiên đa số là vì cuộc sống bức bách, không thể không làm vậy. Nếu như bị cuộc sống bức bách mà vào chốn giang hồ thì cũng có những ai không vì cuộc sống bức bách vẫn dấn thân vào trong đó. Những người thuộc diện sau này tự cho là du hí giang hồ. Do du hí nên mới nảy sinh ra rất nhiều chuyện thú vị mà giữa giang hồ hòa lẫn trong cuộc sống đầy sắc máu.

Tần Bửu Bửu cũng thuộc loại một trong những phần tử du hí giang hồ, mặc dù hắn còn chưa ý thức được điều này.

Dưới núi trên một con đường đại lộ có một đứa trẻ tuổi còn thơ vô tư lự đang vừa đi vừa nhảy vừa hát, không còn nghi ngờ gì nữa, hắn là đứa “thiên tài thần đồng” đã làm cho nhiều người giang hồ phải dở khóc dở cười: Tần Bửu Bửu.

Trông gương mặt hơi thon dẹp mà tươi, không biết đến lượt ai sẽ bị hắn cho một đòn xui xẻo.

Lần này, hắn gặp một rắc rối quá to, một lũ giang hồ lão luyện đang tính toán với hắn. Hắn từ trong rừng cây đi ra trông rất khẳng khái. Hắn chuẩn bị nghiêm trị bè lũ giả nhân giả nghĩa muốn hại hắn, đại náo một phen trên giang hồ. Nhưng những vấn đề không lấy làm vui vẻ lắm như vậy đối với đứa trẻ hồn nhiên trong trắng lại bướng bỉnh như hắn thì mau quên. Bây giờ hắn không thèm đi lấy trứng chọi đá, khiêu khích trắng trợn với bọn họ. Bởi vì hắn nhận thấy đánh nhau không phải là điều tốt, thậm chí không giải quyết được vấn đề gì, đồng thời còn gây nên bao nỗi phiền toái, cho nên hắn dự tính phải động não hơn là động thủ, biện pháp xử lý cũng phải vận dụng tâm trí, không thô kệch mới được. đây là bộ lý luận trên giang hồ du hí của hắn.

Hắn đang nhảy nhót hát cười, dường như không ảnh hưởng đến việc suy tư có nề nếp trong đầu óc hắn. Hắn đang nghĩ đến cái việc đùa chơi không lấy làm vui lắm và cuối cùng không ai phải gánh chịu.

Ra khỏi rừng, trên đường đi, Tần Bửu Bửu cứ cảm thấy như có người đang theo dõi hắn. Hắn cũng chẳng để ý đến, tại vì linh cảm hắn cho biết đối phương không phải là người xấu.

Nghĩ đến những tay cao thủ giang hồ mệnh danh là nghĩa hiệp sắp bị hắn bôi nhọ, Tần Bửu Bửu gương mặt đắc ý. Khi cao hứng, quen thói giơ cao một chân để nhảy, Tần Bửu Bửu nói thầm :

“Cho dù kế hoạch có hoàn mỹ nhưng không có người giúp cũng không xong việc, ta đang thiếu một người trợ thủ. Tìm dân thường không tốt lắm, chi bằng đem vinh dự này chia phần cho người huynh đệ phía sau.

Ngày thường không có cơ hội làm việc tốt, đối với cùng chia hưởng cái danh dự đùa cợt với cao thủ chánh phái, Tần Bửu Bửu cảm thấy rất tự hào. Đi đến một tiệm cơm buổi sáng, quay người ca rằng :

- Theo sau đuôi, hao hơi nhiều, mau mau đến, thiếu gia mời ngươi ăn điểm tâm sáng.

Qua một chập, không thấy ai hiện ra. Tần Bửu Bửu lại lớn tiếng ca tiếp :

- Nực cười cho ngươi học đà điểu. Giấu đầu nhưng lại để lòi đuôi. Hiện thân làm bằng hữu, lương sư cùng ích hữu.

Đối phương cũng chẳng phải là người tài sơ học thiểu, im lặng một hồi rồi đáp lại :

- Nghe huynh thông thái con thiếu tử, giờ có câu đố nhờ huynh đoán. Nếu nghe bừa mà xuất hiện, liệu có bị lừa không muốn gặp mặt. Đoán xem tiếng nói là ai vậy?

gặp nạn sao chẳng phản hồi? Giang hồ hào phóng dạ sắc son, ta là ai chữ hiệu là chi?

Tần Bửu Bửu suy nghĩ rất nhanh :

“Tiếng nói rất quen thuộc, lời ca muốn ta về cầu cứu, nhất định là ta quen hắn.

Hào phóng giang hồ... A! Có rồi!”

Tần Bửu Bửu không cần suy nghĩ lâu, liền đáp :

- Lão huynh khó dễ ta như thế, tội lắm đấy! Hiệp đạo, hiệp đạo. Tham quan ô lại nghe danh thất đảm, bất pháp phi thương như thấy Diêm vương. Bần dân bá tánh xem như bồ tát. Phương Tự Nhu, Phương đại hiệp xin mời ra cho!

- Kha kha...

Hiệp Đạo Phương Tự Nhu chỉ có nước đi ra thôi, không ngớt lời khen rằng :

- Bửu Bửu không hổ là đệ đệ của Phiêu Bá Tử, kính phục, kính phục!

- Hừ!

Tần Bửu Bửu biết rằng bây giờ đuổi hắn, hắn chẳng thèm đi. Trêu chọc làm khó một chút cũng không sai, nên làm như không để ý hắn lắm, quay người đi vào tiệm ăn. Kêu một phần ăn, ăn không thoải mái lắm.

Phương Tự Nhu biết tiểu tử ưa bắt chẹt người, cũng khôn ngoan không bắt chuyện với hắn, cũng gọi một phần ăn, ăn trông có vẻ ngon lành. Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm cái bộ dường như lặng câm của Bửu Bửu.

Đáng tiếc thay, Bửu Bửu bình thường vốn nóng tánh, nhưng bây giờ nếu có ai muốn chém cái đầu hắn, hắn cũng kêu đối phương xin chờ một chút. Bởi vì bữa cơm là quan trọng, thiếu gia như hắn khi ăn cơm au đến khuấy nhiễu thì lỗ tai sẽ không nghe đâu. Đừng nói chi muốn chọc tức cái vẻ lặng câm của hắn.

Phương Tự Nhu đã ăn hết phần cơm sáng. Bửu Bửu ăn trước nhưng tối đa ăn được một phần tư, bởi vì hắn ăn một miếng thì kết hợp một câu ca. Tuy tiếng ca thánh thót êm tai, nhưng Phương Tự Nhu đã có phần nhịn không được nữa rồi. nhưng lại không muốn chịu thua, cứ chốc lát lại liếc nhìn Bửu Bửu.

Vừa ăn vừa hát chừng một giờ, Tần Bửu Bửu mới vỗ đôi tay, tỏ vẻ rất vui vẻ, đứng dậy muốn đi, tiền cũng không trả. Chủ tiệm muốn nắm lại, Bửu Bửu lấy tay chỉ vào Phương Tự Nhu cười nói :

- Buổi cơm ăn quá lâu thật ái ngại, người nhà trưởng bối ta sẽ trả tiền gấp đôi cho ngươi.

Không ngờ chủ tiệm lại cười nói :

Thiếu gia hiểu lầm rồi, lão đây muốn đến cảm ơn ngươi, tại vì tiếng ca của ngươi rất ngọt ngào chân thực, hấp dẫn không ít thực khách làm cho lão hôm nay dọn gánh sớm hơn. Tiền ăn của thiếu gia ta không dám lấy!

Tần Bửu Bửu sờ cái lỗ mũi nói :

- Thật ngại quá! Một buổi cơm ăn từ sáng tới gần dọn hàng, còn miễn phí nữa.

Chủ tiệm cười nói :

- Thiếu gia là công tử nhà có tiền, chút chuyện nhỏ mọn này xin đừng để ý đến.

Tròng mắt đảo một vòng, Tần Bửu Bửu thần thái khó chịu khẽ nói :

- Lão bá không biết chứ, gia qui tiểu sinh rất nghiêm, không cho phép nói mà không làm. Khi nãy tiểu sinh nói muốn trả gấp đôi thì tất phái làm thế. Lão bá cứ đến vị trưởng bối đó mà lấy bốn phần tiền.

Chủ tiệm đồng ý gật đầu nói nhỏ :

- Hắn là người nhà của công tử phái đến xem chừng công tử?

Tần Bửu Bửu cười khúc khích nói :

- Trưởng thượng gia trung sợ có người bắt cóc ta để cướp đoạt tiền nên phái hắn đến thầm bảo vệ ta.

Chủ tiệm rất mực đồng ý, gật đầu nói :

- Hữu lý, hữu lý. Bây giờ người xấu nhiều lắm, tiểu công tử nên cẩn thận.

Tần Bửu Bửu cảm ơn một tiếng rồi đẩy chủ tiệm đi, nói :

- Lão bá mau đến đòi tiền hắn, nếu hắn không trả thì bắt hắn lên quan.

Chủ tiệm lấy làm lạ nhìn hắn, nghĩ bụng tại sao người nhà mà muốn bắt đi gặp quan. Có thể vị đại gia đó thường làm khó dễ vị thiếu gia này, trong lòng tức giận bỗng nổi nóng, không khách sáo đưa tay về hướng Phương Tự Nhu nói :

- Thiếu gia nhà ngươi muốn ngươi trả bốn phần tiền.

Phương Tự Nhu cũng đã nghe rõ ràng câu chuyện của hai người. Thở dài một hơi, ngoan ngoãn trả đúng bốn phần điểm tâm sáng. Cười cười đi ra đến trước cửa mới buông ra một câu phục hận :

- Ngươi bị tiểu tử đó gạt rồi, còn tưởng mình làm chuyện tốt, buồn cười thật.

Hắn cũng biết chủ tiệm không tin lời của hắn, chỉ muốn nói cho đã giận vậy thôi.

Phương Tự Nhu bước ra khỏi cửa, ngước mắt lên nhìn thấy Bửu Bửu đang dựa vào thân cây to không xa lắm, thần thái có vẻ nhàn nhã, dường như đang đợi người đẹp đến hẹn. Nhưng lại lí lắc nhìn trân trân Phương Tự Nhu.

Nhìn nụ cười bỡn cợt của Bửu Bửu, Phương Tự Nhu tức giận nghiến răng, không ngớt hối hận, lẽ ra không nên bám theo sau tiểu tử này, càng ân hận đã xuất thân diện kiến với hắn. Vừa đi vừa thở dài, nói với Bửu Bửu rằng :

- Phiêu Dã Tử nhận ngươi làm đệ đệ, nhất định chịu rất nhiều vất vả.

Tần Bửu Bửu giả bộ giận nói :

- Ý của ngươi là ta không đáng được nhận, chỉ biết đem lại phiền phức cho đại ca?

- Không, không!

Phương Tự Nhu nhớ ra mình sợ nhất là Bửu Bửu giận, nên nói :

- Ngươi rất thích diễn trò tác quái, Phiêu Dã Tử lại không đành lòng phạt ngươi, bị ngươi đùa quậy vất vả đủ điều cũng chẳng dám giận. Cuối cùng chịu thiệt thòi nhất vẫn là hắn. Ta có hơi bất bình...

Trên gương mặt Bửu Bửu hiện ra nụ cười hiền hòa, khẽ nói :

- Ta rất có chừng mực, không để cho đại ca mất mặt với công chúng.

Hắn tươi cười dưới ánh nắng ban mai. Phương Tự Nhu vốn muốn trút cơn giận trong lòng, nhưng khi nhìn nụ cười hiền hòa của Bửu Bửu thì không sao thốt nên lời.

Chỉ biết ngẩn người ra đứng nhìn.

Chỉ có ba loại người khiến Tần Bửu Bửu cười rất hiền hòa. Đó là người già, trẻ con và những người đáng yêu khác. Dĩ nhiên yếu tố thứ nhất là phải thuận nhãn thuận tâm. Hắn ghét nhất là người già nham hiểm và trẻ nhỏ lão thành. Ngoài ra bần dân bá tánh đều được hắn ưa thích, làm hắn hiền hòa.

Phương Tự Nhu không thuộc ba loại người nói trên, cũng không phải bá tánh, lại phạm vào đại kỵ của Bửu Bửu, đôi mắt ngơ ngẩn nhìn trân tráo hắn. Theo quan điểm của hắn, chỉ có nữ nhi bị nhìn như vậy mới là bình thường, đường đường nam tử mà bị đối xử như vậy là vô cùng xấu hổ.

Tần Bửu Bửu tiến đến định lên lớp hắn nhưng nhớ lại Vệ Tử Y có cáo giới rằng không được nhục mạ trưởng thượng nên mới chịu bỏ qua. Hăm hăm nhằm mục tiêu mà đi tới, không đếm xỉa gì đến Phương Tự Nhu nữa.

Phương Tự Nhu biết mình thất nhã, trên đường đi luôn muốn xin lỗi, nhưng thấy Bửu Bửu hất cằm làm dáng giận, những lời muốn nói không thể nào nói ra được.

Không hiểu tại sao, Phương Tự Nhu cứ cảm thấy mình đứng trước mặt Tần Bửu Bửu như không còn tự tại. Cái vui cái giận của Tần Bửu Bửu dường như đã cuốn hút được tình cảm của mọi người. Sự khoáng đạt hào hoa thường nhựt của Phương Tự Nhu không còn chỗ dụng nữa.

Bỗng Tần Bửu Bửu dừng chân lại, quan sát tiệm buôn hai bên đường. Phương Tự Nhu tưởng hắn phát hiện tung tích địch, lập tức vận công chờ đối phương. Nhưng lại thấy Bửu Bửu đi vào một tiệm bánh kẹo, vội vã đi theo. Thấy Bửu Bửu đi lăng xăng trước hàng bánh kẹo đủ loại mới biết mình đã bị hố một phen. Thì ra tật thèm ăn quà của tiểu tử này lại phát lên. Thật là tức khi thấy Bửu Bửu đã chọn một hộp mười hai loại bánh kẹo và một hộp tám màu bánh nhỏ, đồng thời cũng để giấy lại cho Phương Tự Nhu trả tiền.

Trả tiền xong, Phương Tự Nhu mới phát hiện Bửu Bửu không đi đường lớn, ngược lại đi đường nhỏ hẻo lánh. Tưởng rằng hắn sợ kẻ địch theo dõi, thầm khen và bám theo phía sau. Qua mấy con đường, Phương Tự Nhu mới cảm thấy mình không đúng.

Chen vào chỗ chật hẹp nhiều nhà gỗ nhỏ ngổn ngang, đủ thứ mùi hôi hám, rõ ràng là đến nơi cư ngụ bần dân. Bửu Bửu ăn mặc đẹp đẽ, tay xách hộp bánh kẹo lập tức quyến rũ bọn trẻ con ăn mặc rách rưới lần lượt bám theo sau. Phương Tự Nhu lúc này cảm thấy vô cùng vui lạ.

Vất vả lắm mới tìm được một chỗ đất hơi trống trải, Tần Bửu Bửu dừng chân lại.

Cũng chẳng cần dưới đất dơ hay không, ngồi phệt xuống đất, biểu lộ hắn không đi nữa.

Đám trẻ con nhà nghèo hiếu kỳ ngắm nghía, nhưng không dám đến gần. Rõ ràng là hố cách biệt giữa sang hèn làm chúng nó chùng bước. Tần Bửu Bửu thấy vậy, thông cảm tâm tư của chúng nó, cười lí lắc với bọn nó, lăn lộn một tua dưới đất. Bộ đồ trắng tinh không còn khác mấy so với quần áo của con nhà nghèo.

Tần Bửu Bửu bắt đầu diễn tuồng, biểu lộ vẻ thê lương khổ sở nói :

- Thì ra các ngươi đều cũng biết ta. Bảy năm trước ta bị bán cho một gánh hát, khó khăn lắm mới có cơ hội về đến chốn chôn nhau cắt rún. Các ngươi lại không dám đến với ta.

Khu dân nghèo nhân khẩu thay đổi luôn, chuyện xảy ra bày năm về trước ai mà còn nhớ nổi. Mấy đứa nhỏ nghe hắn nói như thật, đều không tự chủ, lần lượt ngồi xuống, gương mặt lộ nụ cười đầy hồn nhiên.

Tần Bửu Bửu cười hí hửng mở hộp bánh kẹo ra. Trẻ con đồng thanh hoan hô một tiếng, cùng với Bửu Bửu chơi trò đố vui, lật trống bông, nhảy mèo, bịt mắt bắt cá...

Tần Bửu Bửu tỏ ra sành sõi. Hắn biểu diễn ma thuật khỏi nói khiến mấy đứa bé đều kính nể khen hay lại càng tin hắn là từ ở gánh hát đến nên mới linh hoạt như vậy. Cái túi của A Cẩu bỗng có một miếng bánh, một miếng mứt không cánh mà bay, Bửu Bửu hả miệng thì ra ở trong miệng hắn. Bọn trẻ cười ngã nghiêng ngã ngửa, phút chốc sau nào cuộc sống khổ sở vì không có áo dầy chống lạnh không còn nữa. Bọn chúng tận hưởng những giây phút vui vầy, vui vẻ co chân nhảy cà tưng, cất vang tiếng hát. Tần Bửu Bửu ra khỏi khu dân cư nghèo, không thay quần áo, đầu lắc lư theo tiếng ca, gần giống như kẻ điên vậy. Phương Tự Nhu trong lòng có sự cảm khái sâu đậm, không dám xem thường cái cậu bé nho nhỏ này nữa.

Tần Bửu Bửu đang thẳng bước đi, xoay người cười nói :

- Bây giờ ta đã nguôi giận rồi. Ngươi theo sau ta nhằm mục đích gì, có thể nói ra được rồi.

Phương Tự Nhu cười thú vị nói :

- Nếu như ta không nói, ngươi đoán ra được không?

Tần Bửu Bửu khó dễ nói :

- Ta mệt rồi, tìm chỗ nghỉ ngơi chút hãy nói.

Phương Tự Nhu kêu lên :

- Lúc nãy đùa như phát điên mà không mệt, bây giờ mới đi có mấy bước thì mệt!

Tần Bửu Bửu trợn mắt giận nói :

- Đùa giỡn cần phí nhiều tinh lực. Ta rất mệt mỏi ngươi có biết hay không? Ngươi không mệt thì tiếp tục đi đi, còn thiếu gia ngược lại không muốn đi.

Phương Tự Nhu dằn tức giận trong lòng nói :

- Được, vào quán trà nghỉ một chập sẽ đi. Trên đường không được phép làm khó dễ.

Tần Bửu Bửu lấy làm lạ nhìn Phương Tự Nhu hỏi :

- Ngươi đổi chủ thành khách, đi nhanh để làm gì?

Phương Tự Nhu kéo Bửu Bửu vào quán rồi nói :

- Uống trà xong ta sẽ cùng đưa ngươi về Thiếu Lâm tự.

Tần Bửu Bửu trề miệng :

- Ai nói với ngươi ta muốn về Thiếu Lâm tự?

Phương Tự Nhu hết hồn, kinh ngạc hỏi :

- Nếu ngươi không về Thiếu Lâm tự thì nên đi lên hướng bắc mới đúng.

Bửu Bửu cười nói :

- Ngươi bám theo sau ta với mục đích muốn bảo vệ ta?

- Đúng vậy!

Phương Tự Nhu nói :

- Hiện nay trên giang hồ có nhiều người tính toán trên người của ngươi. Ngươi không nên đi là tốt.

- Hừ!

Bửu Bửu nói :

Ngươi muốn ta trốn trong Thiếu Lâm tự hoặc Kim Long Xã suốt cả đời? Bộ ngươi cho rằng bọn họ dễ dàng bỏ đi bảo tàng gần tới trong tầm tay ư? Hà huống ta vốn không muốn quay về để cầu cứu.

Giật mình, Phương Tự Nhu thở dài :

- Ngươi một mình làm sao đương đầu nổi với bọn họ một lũ người?

Tần Bửu Bửu cười an ủi :

- Cứ yên tâm đi. Ta bảo đảm bọn họ không dám động đến một sợi lông chân của ta.

Phương Tự Nhu có hơi hiểu tánh Bửu Bửu, nên nói :

- Ta nghe Phiêu Dã Tử nói ngươi xưa nay không nhúng tay vào chuyện giang hồ, bây giờ sao lại khác thường vậy?

- Ta biết được chuyện bọn chúng muốn hại ta là do nghe lén, đi về nói ra cũng vô dụng, đâu có chứng cứ gì. Đại ca không chừng không tin mà còn mắng lại ta.

Phương Tự Nhu không cho là thế, nói :

- Muốn được chứng cứ sự thật, đối với Vệ Tử Y thì là chuyện dễ như trở bàn tay.

Tần Bửu Bửu không muốn lộ chuyện cố ý giả vờ mất trí nhớ, sợ về bị rầy nên cố ý nói :

- Chuyện nhỏ như vậy, cần chi phiền đến đại ca!

Lời nói ngụ ý bản lãnh của hắn phi phàm, không để mắt đến bọn chúng. Hắn biết Phương Tự Nhu theo dõi hắn một thời gian khá lâu, không biết có chuyện gì?

Phương Tự Nhu khẽ cười, cũng không nói toạt ra, nói :

- Ngươi có diệu kế gì để làm cho bọn họ không dám gây rắc rối cho ngươi?

Tần Bửu Bửu cười tinh quái nói :

- Ngươi nên làm trợ thủ cho ta, ta sẽ nói cho ngươi biết.

Nhìn Bửu Bửu cười có vẻ khả nghi, Phương Tự Nhu do dự hỏi :

- Ngươi không đùa cợt với ta đấy chứ?

Mắt chớp lia. Tần Bửu Bửu nói :

- Trong lúc này ai còn tâm tư đùa giỡn với ngươi chứ?

Phương Tự Nhu vẫn chưa yên tâm, nói :

- Không được! ngươi phải nói mưu kế trước, ta sẽ suy nghĩ xem giúp hay không giúp ngươi?

“Hứ!”

Tần Bửu Bửu chửi thầm :

“Thông bịnh của kẻ trộm, nghi thần nghi quỉ. Hợp tác với hắn thật là vô vị quá”.

Đứng dậy để trên bàn một miếng bạc vụn, Tần Bửu Bửu ra cửa đi về hướng nam.

Phương Tự Nhu bị cử chỉ đột ngột của hắn sửng sốt, đuổi theo hỏi :

- Ngươi đi đâu vậy? Tuổi nhỏ mà ngạo mạn dữ vậy?

Tần Bửu Bửu đứng lại, nhìn thẳng Phương Tự Nhu nói từng tiếng một :

- Ngươi đi đường quan đạo của ngươi, ta qua độc mộc kiều của ta. Thiếu gia bây giờ tìm khách điếm ngủ, nếu như ngươi cứ bám theo sau ta nữa, ta sẽ xem ngươi là đồng đảng của bọn ngụy quân tử, sẽ làm thịt ngươi trước. Ậy!

Tặng Phương Tự Nhu một cái mặt quỉ. Phương Tự Nhu không vì thế tức tối, vừa liếc vừa cười, nói :

- Sáng sớm vào tiệm ngủ, lại so sánh ta với hạng người xấu, ngươi không thấy là thái quá hay sao?

- Không quá chút nào!

Tần Bửu Bửu giận hầm hầm nói :

- Ngươi hoài nghi hảo ý của ta, càng làm ta tức giận.

Phương Tự Nhu lấy làm lạ hỏi :

- Cho ta thêm phiền phức mà là hảo ý ư?

- Đúng thế! Ngươi tối ngày nhàn rỗi đó đây, đi bám theo người ta rình rình, mò mò. Ta có lòng tốt muốn chia phần danh dự với ngươi cùng hưởng. Đem kế sách phá quần hùng gia trá, để cho ngươi có cơ hội thể hiện tinh thần quang minh chính đại.

Ngươi lại khư khư hoài nghi hảo ý của ta. Ngươi nghĩ ta có giận hay không ư?

Phương Tự Nhu thỉnh thoảng ho khan, để đè nén cái nôn cười muốn phát ra.

Trợn mắt, Tần Bửu Bửu không vui nói :

- Ngươi ho khan mãi như vậy là nghĩa gì? Có cần ta dán bùa cho không?

Phương Tự Nhu hiểu rõ tánh tiểu tử lên cơn thì cái gì cũng làm được, vội nói :

- Ta không được khỏe lắm, nên bỗng ho khan thôi.

Biết rõ hắn nói là nói dối. Nhớ lại lời Vệ Tử Y chỉ dạy Tần Bửu Bửu không muốn dồn hắn vào chân tường, chỉ im lặng không nói. Phương Tự Nhu bám theo sau cười nói :

- Cũng lạ, ba vị hòa thượng Thiếu Lâm tự đã không tìm được ngươi!

Tần Bửu Bửu giận nói :

- Thì ra ngươi theo dõi ta đã lâu, ngươi cũng biết ta mất...

Phương Tự Nhu đoán được lời nói, bỡn cợt nói :

- Ngươi không muốn về cầu cứu, lý do thật sự là gì?

Thấy Bửu Bửu ngơ ngẩn người, hắn càng trêu chọc nói :

- Thật tội nghiệp cho Thiếu Lâm tự và Kim Long Xã. Bây giờ có thể vì ngươi mà sốt ruột phát điên lên. Nhất là Phiêu Dã Tử và Ngộ Tâm đại sư. Nếu biết ngươi đùa giỡn với họ, không biết sẽ nghĩ như thế nào?

Tần Bửu Bửu cũng không dễ bị hù, trề miệng nói :

- Đại hòa thượng thúc thúc và đại ca đã quen với tánh quậy phá của ta, chỉ cười rồi cứ mặc.

Phương Tự Nhu cười khúc khích nói :

- Thế ngươi tại sao chần chừ không về đi?

Tần Bửu Bửu lí lắc nói :

- Ta muốn tự tay trừng phạt bọn ngụy quân tử ấy, vay mượn lực lượng của Thiếu Lâm tự hoặc Kim Long Xã Vệ Tử Y ca ca thì sẽ nhanh chóng giải quyết hết việc, đâu còn đùa vui được nữa.

Phương Tự Nhu cũng rất mánh khóe nói :

- Ngươi xưa nay rất sợ khó khăn, bây giờ có người giải quyết rắc rối cho lại không muốn.

Tần Bửu Bửu tinh quái cười nói :

- Cái rắc rối trong vui đùa có khác, hà huống kỳ này có người tự nguyện lại giúp ta.

- Ai?

Phương Tự Nhu liền ngơ ra hỏi :

- Ngươi chỉ ta? Ta đâu có hứa sẽ giúp ngươi?

Tần Bửu Bửu cười híp mắt nói :

- Nếu không giúp ta, tại sao lại bám mãi đến đây?

Phương Tự Nhu cũng không rõ tại sao mình lại làm như vậy, biện hộ nói :

- Ngươi và Phiêu Dã Tử đối với ra có ân nghĩa. Đại trượng phu ân oán phân minh, dĩ nhiên ta phải bảo vệ ngươi chu toàn.

- Kẻ cướp có lý của hắn!

Tần Bửu Bửu cười nói :

- Ngươi có thể tùy tiện đi. Ta không cần ngươi bảo hộ đâu.

Phương Tự Nhu lắc đầu nói :

- Nhưng ta đây xưa nay làm việc quán tuyệt thủy chung, đâu có nửa chừng bỏ đi!

Nhất định phải đem ngươi trả về Thiếu Lâm tự hoặc Kim Long Xã mới đền đáp được ân của bạn xưa.

Tần Bửu Bửu giọng đanh gọn :

- Mục tiêu của ta là Phàn dương hồ, đành để cho ngươi thất vọng, xin cáo lỗi!

Hết hồn, Phương Tự Nhu nói :

- Ngươi biết rõ trên núi có cọp mà vẫn cứ muốn lên núi?

Tần Bửu Bửu gật đầu :

- Ngươi bây giờ tính như thế nào? Có chịu cùng ta đi Giang Tây Phàn Dương hồ không?

Phương Tự Nhu cười nói :

- Thì ra ngươi vẫn còn muốn ta làm hộ vệ của ngươi, một người không sao làm nên chuyện.

Tần Bửu Bửu cười hì hì nói :

- Muốn hay không tùy ngươi chọn. Ngươi giúp ta, ta có thể bớt gánh nặng, nếu không giúp ta cũng chẳng sao. Người trên núi bao giờ cũng có diệu kế để làm cho lũ tặc tử ấy không dám đụng đến ta.

Phương Tự Nhu rất lấy làm lạ, muốn đánh đổi với hắn một chuyện, cười nói :

- Ngươi tin tưởng bản thân như vậy làm cho người ta cảm thấy ngươi thừa bản lãnh, nhưng có thể ta không thích ứng nổi cách làm của ngươi, cho nên... Hầy! Ta quyết định không giúp!

- Tạm biệt!

Tần Bửu Bửu dứt khoát, nói đi là đi, không chút làm khó dễ ai.

Phương Tự Nhu buột miệng hỏi một câu :

- Ngươi bây giờ muốn làm gì?

Tần Bửu Bửu không quay đầu nói :

- Tìm khách điếm ngủ.

Xong đi đến một khách điếm gần nhất.

Phương Tự Nhu dừng tại chỗ, lẩm bẩm nói :

- Tiểu tử này điên rồi, ban ngày mà ngủ?

Liền nhớ ra lại nói thầm :

“Ta nhớ ra rồi, Bửu Bửu thân thể không khỏe lắm, một ngày phải ngủ mười giờ đồng hồ mới có tinh thần. Đêm qua bị quấy rầy hết nửa đêm, nhiều nhất mới ngủ chừng bốn giờ, giấc ngủ này ít nhất phải tới chiều mới thức dậy. Ta phải ngấm ngầm bảo vệ hắn mới được, để hắn khỏi phải bị lọt vào quỉ kế của người ta. Lại thêm xem kiệt tác kỳ này của hắn ra sao?”

Nghĩ xong cách thức hành sự, Phương Tự Nhu cũng vào trong Trương Phúc khách điếm thuê một cái phòng kề cận Tần Bửu Bửu. Thăm dò biết chắc Bửu Bửu ngủ trên giường, cũng nhắm mắt dưỡng thần chờ đợi động tịnh.

Tần Bửu Bửu nhắm mắt ngủ nhưng trong lòng lại không vui vẻ chút nào, mơ màng nhớ mênh man...

Thời gian không lưu dấu vết trôi qua...

Giữa trưa, Phương Tự Nhu gọi cơm vào phòng ăn một bữa no nê. Hắn xác định Bửu Bửu còn chưa thức.

Qua thêm hai gìơ đồng hồ, trong phòng Bửu Bửu cũng không có tiếng động.

Lại thêm hai giờ đồng hồ nữa, Phương Tự Nhu cuối cùng không chịu nổi, kêu tên tiểu nhị ở tiệm gõ cửa phòng của Bửu Bửu, hỏi hắn có muốn ăn cơm không. Nhưng bị đáp lại là một loạt lời lẽ giận dữ :

“Đừng ồn ào, thiếu gia ngày mai mới dậy”.

Đang ngủ ngon giấc bị tiếng kêu thức giấc, thông thường đều là phản ứng như vậy.

- Trời đất!

Phương Tự Nhu nghe tiểu nhị nói, lẩm bẩm :

- Hắn thật còn ngủ. Phiêu Dã Tử quên dặn ta là hắn có bản năng ngủ dai, cũng không biết hắn đầy tự tin hay thần kinh đần độn, lúc này mà còn ngủ được?

Tần Bửu Bửu phòng bên đã mở mắt tự khi nào.

Thực tế là Bửu Bửu đợi Phương Tự Nhu chịu hết nổi, cho người đến hỏi thăm, rồi hắn sẽ la lớn biểu lộ giận dữ vì bị phá giấc ngủ, để lợi dụng tiến hành tác quái.

Chầm chậm, khe khẽ xuống giường dùng mền chất thành hình người đang ngủ.

Tần Bửu Bửu dùng gót chân nước nhẹ cẩn thận đi đến bên cửa sổ. Từ từ mở cửa sổ ra, thân hình nhẹ nhàng phóng nhanh ra. Ra đến ngoài lại từ từ đóng cửa sổ lại, đi như bay ra phía nhà sau.

Cũng mặc bộ đồ trắng dính đầy bùn đất, Tần Bửu Bửu trong tay cầm cái túi đến chỗ hồi sáng ở khu dân cư nghèo. Trong đám trẻ con hồi sáng có đứa gặp hắn, lập tức truyền tin khắp khu dân nghèo và chẳng mấy chốc, đoàn trẻ con lại bao vây hắn.

Vẫn như cũ trên một mãnh đất không lớn lắm, Tần Bửu Bửu ra dấu kêu chúng nó im lặng, rồi nói nhỏ :

- Huynh trưởng của ta muốn ta nhờ các ngươi tuyên truyền giùm, mỗi đứa được tặng cho mười lạng bạc.

- Mười lạng?

Bọn trẻ con lập tức kinh ngạc reo lên. Đám trẻ con cho đến một đồng xu cũng ít được rờ tới, đừng nói chi đến bạc. Huống chi tới mười lạng bạc, làm sao bảo chúng nó không phấn khởi chứ?

- Mười lạng ư? Có thể mua rất nhiều đậu ngọt.

- Chao ôi! Có thể mua gạo trắng và thịt heo, bánh quả!

- Phụ thân ta có tiền trị bệnh rồi.

- Mẫu thân ta sẽ dẫn ta về nhà ông ngoại.

- ...

Tần Bửu Bửu cảm thấy bọn chúng dễ thương vô cùng. Qua một lát, khi bọn trẻ đều im lặng hết, Tần Bửu Bửu mới cười nói :

- Phương pháp tuyên truyền rất đặc biệt, ta dạy các ngươi ca một bài ca, các ngươi sẽ ra đường vừa đi vừa hát, nếu dạy lại cho người khác ca càng tốt. Tóm lại, truyền được càng rộng rãi càng tốt, như thế chúng ta mới có chuyện làm.

Một đứa mười lăm, mười sáu tuổi cao lớn, có thể là đầu đàn của bọn trẻ đứng dậy nói :

- Gánh hát của ngươi hát ở đâu?

Tần Bửu Bửu cười nói :

- Đoàn trưởng nói cần truyền bá rộng rãi rồi mới quyết định, có thể nhất cử náo động toàn thành.

Đứa đầu đàn bọn trẻ gãi gãi tai nói :

- Ngươi có thật cho chúng ta tiền không?

- Dĩ nhiên!

Tần Bửu Bửu quơ quơ cái túi nói :

- Đợi các ngươi học ca xong, ta lập tức chia cho các ngươi.

Tên cầm đầu bọn trẻ hơi thông minh hỏi :

- Bọn ta phải ca bao lâu mới tính đủ số thù lao? Phụ thân ta nói không nên không làm mà hưởng.

Tần Bửu Bửu than rằng :

- Ngươi có bảo đảm làm cho hai mươi người nhớ được ý nghĩa của bài hát, không kể già trẻ, chỉ cần người ở đây là được. Như thế có làm được không?

- Được!

Bọn trẻ cũng hô lên “trọng thưởng thì có người làm” đúng vậy.

Tần Bửu Bửu cười và bắt đầu ca bài do mình tự biên :

- Trên trời nhiều sao trăng chẳng tỏ. Dưới đất nhiều gạch lộ chẳng bằng. Trên biển nhiều cá nước chẳng trong. Nhiều kẻ tham tiền chia chẳng đều. Âu Dương Tất, Khương Bạc Đầu, thập tứ anh hùng phát tài. Tị thủy tê giác phá Phàn Dương, thương cho Bửu Bửu đành toi mạng. Hằng Sơn, Thái Sơn Triệu Hoá Đường, các bang các phái đấu liên miên. Nay đem bạo tàn gây tác sự (tự sát), quần hùng ý muốn tận dự ư (tự vận ư)?

Tần Bửu Bửu biết bọn trẻ nhà nghèo phần lớn đều không có đến trường nên không biết chữ. Cho nên lấy bảy chữ làm thành một câu, dễ ca dễ nhớ.

Đứa cầm đầu bọn trẻ hỏi :

- Ngươi hát như trong gánh hát không có gì quan hệ?

Tần Bửu Bửu tỏ vẻ làm lạ hỏi :

- Có chứ! Bài ha này trong vở kịch của đoàn trưởng ta soạn mà, gọi là “Bửu Bửu mười ba tuổi đùa với quần hữu”, dễ nhớ không?

Một tên khoảng mười một, mười hai tuổi làm tài khôn :

- Trong vở kịch đó ngươi đóng vai tiểu anh hùng Bửu Bửu, có đúng không? Chắc là oai phong lắm hử?

Tần Bửu Bửu gật đầu lia, cười nói :

- Ngươi thật thông minh, thưởng mười lạng, cầm lấy!

Đứa bé không dám tin, nói nhỏ :

- Ta được hai mười lạng ư?

Tần Bửu Bửu gật đầu khẳng định, mất hết hai giờ đồng hồ dạy cho bọn nhóc học thuộc, cuối cùng đem bạc nén trong túi trả thù lao chia cho chúng nó.

Mệt muốn hụt hơi bước ra khỏi khu nhà nghèo. Tần Bửu Bửu bây giờ mới thể nghiệm muốn làm sư phụ không phải dễ dàng. Nhất là gặp phải những đứa học trò thiên tư kém cỏi, thật như bị giày vò chết được.

Về khách điếm mới nửa đường, Tần Bửu Bửu linh tính có phản ứng :

“Bửu Bửu coi chừng, có người chú ý ngươi, cẩn thận!”

Là Phương Tự Nhu ư?

Không phải, có thể một trong số mười bốn người dưới đám cây.

Thây kệ hắn, bọn hắn không dám đơn độc đối đầu với ta đâu, chỉ muốn biết dấu vết của ta.

Kỳ lạ, bọn họ không phải đã đi về hướng bắc đuổi theo Minh Trí chúng nó rồi sao?

Thế chúng nó cũng có chút ít động não, biết để một người ở lại lấy tin tức.

Ngươi thử nói, hiện nay số người đoán tị thủy tê giác ở trên tóc ngươi không chỉ là bọn chúng thôi.

Dĩ nhiên, cao thủ của các bang các phái nhiều như cá lội qua sông, có gì là lạ đâu.

Thế thì lôi thôi dữ đa. Hoàn cảnh của ngươi ngày càng nguy hiểm, trong bài ca chỉ nêu có mười bốn người. Còn các bang phái khác có thể lợi dụng danh phái của họ mà trừ khử ngươi, không lo hậu quả về sau gì cả. Không ngờ ngươi lại rơi vào cạm bẫy do tự ngươi thiết kế.

Cái gì? Nói kẻ thù không chỉ mười bốn ngươi là ta chứ không phải là ngươi.

Thế... ngươi có thể biến thêm một bài ca xuyên tạc để hù những tên có dã tâm còn lại?

Thôi được, ngươi suy nghĩ xem, người có mộng phát tài tuy nhiều, nhưng có mấy ai dám đương đầu với Thiếu Lâm tự và Kim Long Xã? Nếu muốn đánh lén, cái bài ca khi nãy có nêu “các bang các phái đấu liên miên”. Nếu ta có mệnh hệ gì, người trong võ lâm đều bị hồ nghi, ai dám chắc chạy khỏi sự truy sát của đại hòa thượng thúc thúc và đại ca? Ngoài ra những ai không nghĩ đến điều này thì ít và quá ít. Ta quyết định đem bọn hắn giao cho Phương Tự Nhu đại hiệp.

Khơ khơ... hay quá, hay quá! Phương Tự Nhu thích xôm tụ, nhưng không ngờ ta lại thầm sắp xếp xong cho hắn tất cả. Còn quẳng cho hắn một đóng tên quỉ quái, đáng ghét và phiền phức.

- Hứ! Ai bảo hắn chỉ biết nói suông. Miệng nói ra tiếng nào tiếng nấy cứ là bảo hộ ta, nhưng lại là thúc thủ bàng quan. Ta ghét những ai mà gạt ta, đem kẻ thù đẩy cho hắn, để cho hắn không đến nổi trở thành kẻ lừa dối, bị ta ghét bỏ. Nói cho cùng hắn còn phải mang ơn ta.

Cái lý lệch lạc của ngươi bao giờ cũng nhiều. Cái vị nhân huynh ở phía sau ngươi, ngươi chuẩn bị xử trí thế nào?

Ta hơi mệt, định đẩy sang cho Phương Tự Nhu.

Vô dụng, hắn theo dõi ngươi đến khách điếm. Nếu bị Phương Tự Nhu phát giác, hỏi ra thì sẽ biết ngươi đã lẩn trốn ra ngoài sao? Theo ta tốt nhất tự ngươi ra tay cho rồi.

Ý! Ngươi nói như vậy bộ ta không có tự do rồi sao?

Nhưng chỉ một lần, nhẫn nại chút, ngoan đi Bửu Bửu, nhanh nhanh ra tay rồi trở về.