Mẹ Trịnh sau khi về nhà, hồi ức khiếp đảm vẫn còn, nhưng vẫn trấn định tốt tâm lý, chuẩn bị hảo hảo giáo huấn con gái một phen.
"Tiểu Đan, mau qua đây!"
"Dạ, con qua ngay đây. Lúc sáng có lẽ anh Tín uống sữa mà quên rửa ly, mẹ đợi con một lát nhé."
Tâm lý khổ sở mới tạo dựng được bị đánh bay phân nửa.
Thời điểm Liễu Nguyệt Đan đứng trước mặt mẹ Trịnh, cô nhỏ giọng thút thít:
"Xin lỗi mẹ. Con không phải không nghe lời mẹ. Con biết đánh người là không đúng nhưng lúc ấy cậu ta quả thật là quá hỗn xược. Cậu ta có thể vô duyên vô cớ bắt nạt người khác nhưng không được vô lễ với mẹ của con. Mẹ của con không được để người khác xúc phạm." Nói xong oà khóc như thể chính cô là người bị hại.
Tâm lý bay hết toàn bộ, mẹ Trịnh hốt hoảng vội kéo tay con gái mình ôm vào lòng mà vuốt ve, "Ôi ôi, bảo bối. Không khóc không khóc nữa. Mẹ không có trách con, không có mắng con mà. Nín đi con. Con gái mẹ thương mẹ như vậy làm mẹ cảm động quá."
Liễu Nguyệt Đan sau khi dỗ mẹ Trịnh xong, kết quả không bị phạt còn được mẹ Trịnh dỗ ngược lại, hứa lần tới ra ngoài sẽ dẫn cô đi ăn bánh bao xá xíu.
Liễu Nguyệt Đan vui vẻ bước lên lầu, gõ cửa phòng Tường Tín. Lúc thấy nhị ca đang xem TV, cô không nể tình mà đổi thái độ:
"Anh, mẹ bảo anh lần tới nếu còn không rửa ly thì trong vòng một tháng đừng mơ đến chuyện uống sữa nữa."
Liễu Tường Tín cảm thấy số mình thật nhọ, rõ ràng lúc nãy Liễu Nguyệt Đan giành rửa ly giúp cậu, sao bây giờ lại biến thành cậu bị mẹ phạt tội lười biếng không rửa ly. Đang định phản bác lại thì Liễu Nguyệt Đan đã đóng cửa đi ra ngoài.
-
Một tuần nữa là Liễu Nguyệt Đan chính thức đi mẫu giáo, mẹ Trịnh một lần nữa lại dẫn con gái ra ngoài mua chút đồ dùng học tập. Thứ mà trẻ mẫu giáo cần không nhiều, cơ bản chỉ cần bút chì, màu vẽ và giấy. Mẹ Trịnh dù sao cũng rất có kinh nghiệm trong việc này, cứ chuẩn bị trước sau này nếu lão sư có yêu cầu thêm thì lại bổ sung.
Liễu Nguyệt Đan phải nói là vô cùng hào hứng. Nữ nhi thời đại cô chưa bao giờ có thể ra ngoài đi học, chỉ có thể mời cô cô tới chỉ dạy. Hơn nữa, những thứ nữ nhân học lại cực kì bị giới hạn, thêu thùa hẳn nhiên là chính, ngoài ra cũng chỉ có cô nương gia đình quan lại quyền quý mới có thể đụng đến cầm kỳ thi hoạ.
Liễu Nguyệt Đan luôn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều so với những cô nương khác vì cô không chỉ được học những thứ nữ nhân căn bản cần biết, cô còn được cha khuyến khích học binh thư và giải quyết công vụ. Tuy không đến nơi đến chốn nhưng vẫn không hẳn là vô dụng.
Lúc này hai mẹ con Liễu Nguyệt Đan đang đứng trước cửa hàng văn phòng phẩm Thính Đa. Lão bản là một người đàn ông trung niên khoảng ngoài 40, tóc màu hoa râm, đeo kính, hay cười. Khi nhìn thấy hai mẹ con liền mở miệng chào hàng, "Ô kìa, bé gái dễ thương quá. Hôm nay cùng mẹ dạo phố à?"
"Anh Trương, thật ngại quá, phiền anh giúp Tiểu Đan nhà tôi tìm vài vật dụng chuẩn bị đi mẫu giáo."
"Được được, không thành vấn đề. Khu đồ dùng học tập cho trẻ em nằm ở dãy thứ ba từ dưới trở lên. Hai mẹ con cứ thong thả mà chọn lựa."
Liễu Nguyệt Đan yên lặng đánh giá cấu trúc nơi này. Nó là một cửa hàng nhìn bên ngoài thì thấy nhỏ nhưng bên trong không gian lại rất thoáng, nhiều người đi lại nhưng không tạo ra bất kì cảm giác chật chội hay khó chịu nào. Các gian hàng được bày biện rất ngay ngắn không hề hỗn tạp. Khoảng cách giữa các gian phải nói có thể để một cái ghế bố rồi nằm đọc sách mà không sợ người khác đi ngang vô tình đụng phải.
Nơi này phải nói là có rất nhiều sách. Tuy nói Liễu Nguyệt Đan đã bắt đầu đọc sách từ lâu nhưng đây chính là lần đầu tiên cô thực sự tiếp xúc với một số lượng lớn sách như vậy từ khi bước chân tới thế giới này. Lượn tới lượn lui vài vòng, mẹ Trịnh đã chọn được đầy đủ dụng cụ cho con gái. Đang lúc quay lại muốn gọi Liễu Nguyệt Đan thì thấy con gái đang nhìn chằm chằm vào một góc cửa hàng.
Ký ức đáng sợ ùa về, lo con mình chuẩn bị biến hình, mẹ Trịnh nhanh chóng đi qua chỗ con gái thì thấy con bé đang nhìn một cây đàn cũ với vẻ mặt đăm chiêu.
"Có chuyện gì sao con?" Mẹ Trịnh vội hỏi.
"Không có gì đâu ạ." Liễu Nguyệt Đan cười đáp.
"Con thích cây đàn này sao? Nghe nói là đồ cổ tổ tiên nhà ông chủ để lại, có lẽ sẽ không bán."
"Ồ vậy sao." Rồi cũng phải bán thôi.
Liễu Nguyệt Đan khi ấy có thể không được gọi là tài nữ thông thạo đầy đủ cầm kỳ thi họa, nhưng cô cực kì có thiên phú về âm nhạc. Từng học qua rất nhiều loại đàn nhưng cô nhận thấy cổ cầm chơi thuận tay nhất. Cổ cầm là một loại đàn tranh có bảy dây nhưng không có trục và nhạn, chỉ đơn giản là một bản gỗ.
Sau khi nhận thấy sự yêu thích với cổ cầm, mỗi ngày cô đều luyện tập quên ăn quên ngủ. Mục đích chủ yếu là được biểu diễn cho lang quân của mình trong tương lai. Nào ngờ số phận đã định, sau khi cô vào cung cũng không còn chơi cổ cầm nữa. Giờ đây thấy thứ mà một thời mình đam mê, Liễu Nguyệt Đan cảm thấy những ngón tay mình run lên từng đợt.
Liễu Nguyệt Đan nhận thấy cổ cầm này hẳn thực là "đồ cổ" vì trên bề mặt đàn phủ một lớp bụi khá dày, ở góc đàn còn có dấu hiệu bị va chạm mà tróc một mảng sơn. Cô nghĩ hậu bối của người từng dùng cây đàn này chắc không am hiểu về nó nên mới để nó trở nên tồi tàn như vậy.
"Mẹ, chúng ta có thể mua nó không?"
"Con thích sao? Nhưng trước giờ con chưa từng chạm qua thứ này nha." Không phải mẹ Trịnh tiếc tiền, chỉ là cây đàn này quá cũ, vả lại nhìn có vẻ không thích hợp cho con gái cô chơi.
"Không sao, con sẽ tự học." Liễu Nguyệt Đan nói như đinh đóng cột.
"Được rồi, để mẹ hỏi lão Trương xem sao." Cuối cùng mẹ Trịnh cũng thỏa hiệp.
Đạt được hiệp định, hai mẹ con dắt nhau ra bàn thanh toán. Sau khi giải quyết đống đồ dùng học tập cho con gái, mẹ Trịnh mở lời, "Này anh Trương, không biết cây đàn bên kia có bán không?"
"Ồ, cô nói cây đàn đó sao? Cô biết chơi à?" Lão bản không nhanh không chậm hỏi.
"Không phải tôi, mà con gái tôi bảo rằng rất thích cây đàn đó. Không biết ý anh như thế nào?" Mẹ Trịnh rất sợ ông ta sẽ không bán cho mình, như vậy chẳng phải cô sẽ làm con bé thất vọng sao? Dừng một chút lại nói, "Tôi sẽ trả đúng giá, anh đừng lo."
"Trời ạ, thì ra là cho cô bé dễ thương này sao, nếu vậy thì để chú tặng cho con làm quà mừng năm học mới nhá."
"Đâu thể được, anh đừng ngại, tôi sẽ trả mà." Mẹ Trịnh thực không muốn lấy không của người khác bất cứ thứ gì.
"Không sao đâu, đàn đó để ở đấy gần chục năm rồi, gia đình tôi không ai biết dùng cả, chi bằng đưa cho người thích hợp với nó. Nói không chừng sao này cô bé có thể làm cho nó có giá trị hơn."
"Dạ con cám ơn chú." Không muốn hai người tiếp tục kì kèo mặc cả, Liễu Nguyệt Đan nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện.
"Cây đàn này tôi muốn mua." Lúc mẹ con Liễu Nguyệt Đan quay lại chuẩn bị lấy cây đàn thì có người lên tiếng.