Hồng Phương quả nhiên đã vì tôi mà điều động một đội đặc nhiệm đến ngôi nhà ấy. Sau khi xoay chiếc bình hai vòng về phía bên trái, họ thật sự nhìn thấy một đường hầm. Trong hầm có một căn phòng với rất nhiều thiết bị y tế cùng một chiếc giường bệnh. Phương nói mặt giường hõm sâu cho thấy đã từng bị ai đó nằm khá lâu. Nhưng Cảnh Huy thì vẫn biệt vô âm tính.
Tôi thất vọng,…buồn bã,… và oán trách ông trời sao khéo trêu ngươi người. Ngài để Tuyên mạo hiểm tìm đến đây, nhưng kết quả thu được lại chỉ là một số không to tướng. Bản thân tôi còn phải làm gì mới xứng đáng được giành lại người chồng yêu dấu? Nếu đây là cái giá mà Ngài muốn tôi phải trả vì những mưu mô thâm độc thì xin hãy buông tha anh ấy. Cảnh Huy từ đầu đến cuối chỉ là một người vô tội.
Cô Cát Nhã đã được người nhà đón về bên Úc. Dì Hai cùng Phạm Sỹ Nguyên cũng chôn cất xong xuôi. Khi bị bỏ lại trong mật thất cùng cái xác lão dượng, bà đã tự đâm chết mình. Một lần quay lại căn nhà với đầy những ký ức đáng sợ ấy, tôi đã tốn rất nhiều thời giờ để giở bỏ mọi tấm vải đen trên tường xuống. Thì ra, chúng chỉ là những bức tranh phong cảnh bị cháy xém.
Dì Hai vốn yêu thích hội họa. Trong nhà có hẳn một phòng tranh cho riêng bà. Nếu tôi đoán không lầm thì những bức vẽ kia cũng là của dì. Sau vụ hỏa hoạn, chúng đã ít nhiều bị hư tổn. Để đối phó với sự có mặt của tôi, Phạm Sỹ Nguyên mới quyết định dùng vải đen che giấu. Vì hắn thừa hiểu, việc treo trên tường những tấm hình xấu xí sẽ rất dễ tiết lộ thứ tình yêu không nên có của mình. Tôi không biết lão làm vậy là để bảo vệ vợ khỏi sự trả thù của tôi hay đơn giản chỉ vì không thể chấp nhận việc ai đó phát hiện mình đã động lòng vì một trong những kẻ thù.
Trong căn phòng ngủ của hắn, tại ví trí trang trọng nhất của chiếc kệ sách, là một bình tro cốt màu trắng. Bên trên dán dòng chữ nhỏ được viết ngay ngắn: “Con trai yêu dấu”. Ngày mất hình như chỉ cách đây gần bốn tháng. Hoàn toàn trùng khớp với lời kể của dì.

Lão già Phạm Sỹ Nguyên ấy ngay từ đầu đã biết mình đang đóng kịch. Cái lão muốn là cùng “con mồi” đùa vui trước khi thật sự ra tay giết chết nó. Thật không ngờ, kẻ tự ình là khôn ngoan ấy lại bị đâm sau lưng bởi chính người phụ nữ hắn luôn muốn thay mặt đòi lại công bằng. Nếu Thu Cúc giết tên khốn ấy về mặt tinh thần thì dì tôi, người phụ nữ thứ hai trong đời hắn, lại hoàn toàn hủy diệt Phạm Sỹ Nguyên về mặt thể xác.
Theo tôi suy đoán, sau khi giúp Lynda vượt ngục, hắn đã bí mật đưa cô ta về đây. Lý do là gì thì khó mà giải thích được. Có thể ả vẫn còn giá trị lợi dụng nào đó. Hoặc việc gương mặt hao hao giống dì sẽ thuận tiện hơn cho việc hóa trang. Vậy nên tối nào cũng thấy ả giam mình cả tiếng đồng hồ trong phòng tắm. Căn phòng cũng thường xuyên bị bóng tối bao phủ nên khó nhận thấy sự khác biệt. Sáng sớm thức dậy, Lynda lại tiếp tục chui rúc với thời gian đủ để tôi nướng thêm một giấc dài.
Phòng ngủ của dì cũng bày biện khá đơn giản. Chủ yếu chỉ là những bức tranh vẽ tay rất đẹp. Mỗi tối đến thăm tôi, bà thường mang theo một tấm bảng cùng viên phấn nhỏ. Âm thanh do chúng phát ra từng có lúc khiến tôi sợ chết khiếp. Và kết quả của hành động ấy chính là hai vạch dài màu trắng mà tôi vẫn thường thấy mỗi sáng. Bà phác họa những đường nét căn bản để ban ngày, khi bị chồng nhốt trong phòng có thể mang giá bút ra vẽ. Điều đó giải thích tại sao bên cạnh những bức tranh phong cảnh, trong này còn có rất nhiều ảnh của tôi. Hầu hết đầu trong trạng thái say ngủ.
Vô tình lạc bước vào mật thất tối đầy tội lỗi, tôi như thấy trước mắt ánh mắt căm hận của Thanh Thiện, sự giả tạo của cô ta khi cố thuyết phục mình mở cánh cửa…Vì Phạm Sỹ Nguyên mà mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên rắc rối đã đành. Thật không ngờ cô giá kia lại muốn cùng tôi tranh giành anh ấy.
Đáng lẽ, ngay từ lúc nhìn thấy Thiện hớn hở chờ đợi tiết Ngữ Pháp của cô Lài, biết cô ấy hối hả chạy đi tìm Cảnh Huy đến giải nguy cho tôi chứ không phải ai khác, quan sát thái độ ganh tỵ khi gặp anh ở đám tang Yên Vũ… tôi đã phải nhận ra chút gì đó. Nhưng hiềm khích dành cho bác Chu, tức người ba không được thừa nhận của tôi, đã che lấp hết tâm trí. Tôi nhìn tới cô ấy không phải vì mình và Thanh Thiện là bạn thân mà do căm ghét cô ta.
Bè lũ tay chân của Phạm Sỹ Nguyên đã bị vây bắt hết khiến nơi này trở thành chỗ hoang vắng. Mấy tòa nhà bỏ không chẳng biết sẽ được Nhà nước giải quyết thế nào. Chúng đều là đất thuộc quyền sở hữu của hắn ta. Nhưng lão dượng lại chết đi mà chẳng để lại một tờ di chúc. Trong nhà hình như cũng không còn ai thân thích.
Chán nản đưa tay vuốt nhẹ trước bụng, tôi bất ngờ phát hiện điện thoại trong túi đang rung liên tục.
- A lô?
- Yên Nhi, em đang ở đâu? – Hồng Phương nhẹ giọng hỏi.
- Ở nhà Phạm Sỹ Nguyên.
- Sao lại đến đó? – Anh ta có vẻ không vừa lòng - Ở yên trong nhà, đợi anh.
Vừa nói xong đã cúp máy. Không cho tôi cơ hội nào để khước từ.

Nhanh chóng rời khỏi mật thất, tôi bỗng có ý muốn quay lại con hẻm nhỏ, nơi mình và anh lần đầu gặp gỡ. Lời dặn “ở yên trong nhà” của Phương hình như chẳng được tôi một giây cho vào óc. Lúc thử đưa tay sờ vào cổ, phát hiện vết sẹo đã không còn nổi cộm lên như suốt khoảng thời gian sinh sống trong căn nhà này, lòng tôi bất giác cảm thấy nhẹ nhõm…
Mọi chuyện cuối cùng cũng kết thúc…
Một mình bước đi trên con đường lát đá lạnh lẽo, hình ảnh Cảnh Huy hiện lên như một vị thần khiến tôi nhoẻn miệng cười. Anh đang đứng đó, nơi cuối con đường. Bên cạnh là chiếc mô tô bạc sáng đèn vẫn còn nhả khói. Hương cà phê thơm nồng như cũng theo mỗi chuyển động của Huy mà tỏa ra khắp không khí.
Tôi ngờ nghệch thử ngồi xuống mặt đường, tư thế y hệt đêm hôm ấy, rồi ngước mắt nhìn lên. Ánh mặt trời sáng rực cùng màn lệ xót xa khiến cảnh vật trước mắt đều nhạt nhòa. Chỉ còn lại thứ hình ảnh trong tâm trí là rõ ràng và sống động. Nơi nào đó trong tiềm thức đang âm thầm tái hiện lại mọi việc.
- Bỏ cô ấy ra. – Giọng nói lạnh lùng nhưng thân quen đến lạ - Tôi nhắc lại, mau bỏ cô ấy ra. Cảnh sát sẽ đến trong vài phút nữa.
Ánh đèn rọi tới từ phía sau khiến cả người anh như phát sáng. Tôi vỡ òa vươn một tay, cố chạm vào cơ thể ấy nhưng chỉ thấy một khoảng trống rỗng.
- Cảnh Huy!
Anh đang ở đâu? Lão già đó cuối cùng đã cho người giấu anh đi đâu rồi? Tại sao mãi đến khi hắn đã chết vẫn không thôi hành hạ em như vậy?
- Yên Nhi, em đang làm gì thế? - Một chiếc áo ấm từ đâu phủ lên người, bao bọc tôi bởi lớp vải mềm mại – Chẳng phải anh đã bảo em đợi trong nhà rồi sao?
- Trả Cảnh Huy lại cho tôi! – Tôi tức tối vung tay đánh túi bụi về phía phát ra tiếng động – Tại sao các người lại bắt anh ấy? Trả anh ấy lại cho tôi, trả Cảnh Huy lại cho tôi đi!
- Yên Nhi, Yên Nhi. Bình tĩnh lại đi em!
Bướng bỉnh như một đứa trẻ đang quấy khóc, tôi liên tục tìm cách vùng vẫy. Sau đó thì bất ngờ gục mặt xuống đất và òa khóc.

Thứ mình muốn nghe không phải là âm thanh đó. Không phải hai chữ “Yên Nhi” đó.
Mình muốn nghe Cảnh Huy gọi hai tiếng “Tuyết Vinh”, muốn thấy anh ngọt nhẹ dỗ dành mỗi khi bản thân đang bướng bỉnh vòi vĩnh điều gì đó. Mình còn muốn nhìn anh ấy mím môi vì khó xử, muốn thấy anh cười, muốn được anh dùng cả hai tay ôm lấy…
“Tuyết Vinh, một mình em đã đủ khiến tim anh chật ních”
“Dám cá là chưa có khách hàng nào lại đi nhìn tủ lạnh chăm chú như em…Những thứ đó không tốt cho sức khỏe. Có thể khiến con cái sinh ra bị bại não.”
“Tuyết Vinh. Anh muốn cùng em xây dựng một gia đình mới.
Gia đình?
Theo anh đi, được không? Rồi chúng mình sẽ cùng chăm sóc và yêu thương nhau thật tốt.”
Tiếng chuông điện thoại xa lạ đột ngột vang lên, Phương tạm buông tay khỏi người tôi trong giây lát để nghe máy.
- Tôi biết rồi – Anh trầm giọng tắt máy, sau đó mới cúi thật thấp, thì thầm – Yên Nhi, bệnh viện vừa báo. Ba em đã tỉnh…