Mọi người tìm khắp Chu phủ cũng không tìm được người.

Chu phu nhân lập tức sai người đi gọi quản gia quản lý nội viện và ngoại viện tới, hỏi thử xem từ sáng tới nay có thấy thiếu phu nhân ra ngoài không, nhưng tất cả đều chỉ nhận được đáp án không có.

“Chẳng lẽ một người sống sờ sờ như vậy mà có thể biến mất không để lại dấu vết sao?” Trong lòng Chu phu nhân cũng cảm thấy có chuyện không hay.

“Phúc An, bây giờ ngươi lập tức tới tiệm hoành thánh bên bến tàu Đông Hải.” Chu Thừa Tự nói: “Thôi, để ta tự mình đi.”

“Tiệm hoành thánh? Tiệm hoành thánh nào?” Chu phu nhân không hiểu ý hắn.

Nhưng thấy nhi tử muốn ra ngoài, trong lòng tuy lo lắng, bà vẫn chuẩn bị xe ngựa, cùng đi chung với hắn.

Phó Nhị Lang cũng muốn đi theo, có điều bị Chu phu nhân bắt ở yên trong nhà: “Ta và đại ca đều phải ra ngoài, các con ở nhà giúp cha, có lẽ sẽ có người tới đấy.”

Chu Nhị Lang đành phải ở lại.

Lúc ra ngoài, Chu phu nhân hỏi Chu Thừa Tự: “Rốt cuộc mọi chuyện là thế nào? Tại sao lại tới bến tàu Đông Hải?”

Từ chỗ bọn họ tới bến tàu Đôn Hải còn một đoạn đường rất dài, ngồi xe ngựa cũng mất gần nửa ngày.

Advertisement

“Tế Nữ là chủ tiệm hoành thánh đó.” Chu Thừa Tự đáp.

Vì hai mắt của hắn không nhìn thấy gì nên tai rất thính, có nhiều giọng nói, chỉ cần nghe qua một lần là hắn có thể nhớ kỹ. Mỗi tháng hắn gần như đều nghe thấy giọng của Tế Nữ, vậy nên mới quen thuộc, vào ngày thành thân, hắn đã biết nàng ta là ai.

Chu phu nhân cũng nhớ mang máng ở bến tàu có một tiệm hoành thánh, những chuyện khác thì không hề biết gì. Bà ta nhìn dáng vẻ chắc chắn của nhi tử, chỉ đành nối bước theo sau.

Lúc cả hai tới tiệm hoành thánh, cửa tiệm đã đóng.

Bến tàu vào ngày mùng một rất lạnh, nhưng xung quanh vẫn có vài cu li chờ việc.

Bọn họ vừa thấy có đôi mẫu tử đi xuống xe, mở miệng nói: “Trong đó không có ai đâu. Cửa hàng này đã đóng lâu rồi.”

Chu Thừa Tự đã có thể nhìn thấy được, bên ngoài cửa và then cài đã dính một tầng bụi dày, rõ ràng hôm nay không có ai tới đây cả.

“Các ngươi biết nàng đi đâu không?” Chu Thừa Tự hỏi mấy tên cu li.

“Các ngươi hỏi Tế muội hả? Ba bốn tháng trước, nàng đột nhiên treo bảng đóng cửa, sau đó không thấy mở lại nữa.” Có một tên cu li quen Tế Nữ nói: “Có lẽ là đi rồi.”

“Ba bốn tháng trước?” Chu phu nhân hỏi lại.

Tế Nữ bước vào nhà bà ta đúng là vào ba tháng trước, còn khi đôi nam nữ trẻ tuổi kia tìm bà ta thương lượng điều kiện thì sớm hơn vài ngày, cộng vào đúng là hơn ba tháng.

“Rời đi? Nàng còn người thân nào không? Những người đó ở đâu?” Chu Thừa Tự hỏi tiếp.

Đám cu li cuối cùng cũng bắt đầu thấy nghi ngờ, cảnh giác hỏi: “Các ngươi tìm nàng làm cái gì?”

“Các ngươi đừng hiểu lầm.” Chu Thừa Tự đưa tay vào ống tay áo của mình, cuối cùng vẫn là Chu phu nhân để ý đến hành động của hắn, lấy một cây trâm vàng trên đầu xuống, đưa cho đám cu li, hỏi: “Chúng ta tới tìm người, trước đó chúng ta đã được chủ tiệm giúp một việc rất lớn, hôm nay tới đây là để trả ơn. Kết quả vừa tới lại hay tin nàng không còn ở đây, vậy nên ta muốn hỏi thăm nơi ở của nàng, xem có thể tìm được người hay không, cũng coi như là giải quyết một chuyện trong lòng.”

Những điều Chu phu nhân nói không hề quan trọng, thứ quan trọng chính là cây trâm bằng vàng của bà ta.

Đám cu li đâu ngờ còn có chuyện tốt như thế, vội vàng chạy tới cướp cây trâm vàng, đáp: “Vị phu nhân, thiếu gia này, ta thấy hai vị cũng là người có tiền, chắc là sẽ không làm chuyện gì có hại tới Tế muội đâu. Tế muội không có người thân, suốt nhiều năm qua, nàng vẫn cô đơn một mình.”

“Nàng không có người thân sao? Cha nương nàng đâu?” Chu phu nhân rõ ràng hiền hòa hơn nhi tử nhiều, cũng dễ khiến người khác buông lỏng cảnh giác.

“Nữ tử đó rất tội nghiệp.” Một tên cu li nói: “Mười mấy năm trước nàng đã mất nương, sau đó cả phụ thân lẫn đệ đệ đều chết trong cơn gió lốc. Cụ thể sự việc thì chúng ta không biết, nếu các ngươi muốn biết ta có thể dẫn các người tới Cao gia thôn, nơi đó có lẽ có người sẽ biết rõ mọi việc.”

Chu phu nhân nhìn nhi tử của mình một cái, đáp: “Được, làm phiền các ngươi dẫn đường.”

Cao gia thôn cách bến tàu Đông Hải rất xa, khoảng chừng hai dặm. Ấn tượng đầu tiên mà Cao gia thôn mang lại là sự nghèo nàn, lạc hậu, dù lúc này đang là năm mới thì không khí thảm hại vẫn bao trùm khắp thôn làng.

Chu phu nhân thấy nơi này thì đột nhiên nhớ lại một việc: “Trước kia ta đã từng tới đây.” Bà ta nói với nhi tử: “Lúc đó con vẫn còn nhỏ, cỡ tám tuổi, ta dẫn con tới đây mua ít hải sản.”

Hải sản vào mùa đông không béo mập như mùa thu, nhưng vì trời lạnh nên dễ bảo quản hơn, có thể gói lại rồi chuyển tới phương bắc. Khi đó Chu gia rất bận rộn, chỉ dựa vào một mình Chu lão gia thì quá vất vả, bà ta sợ nếu trễ việc dâng quà sẽ làm mấy vị đại quan kia không vui, vậy nên mới tự mình ra ngoài làm chuyện này.

“Lúc ở bờ biển, ta thấy một tiểu nữ hài cõng một sọt hải sản đi bán, thấy tuổi tác nàng còn nhỏ, y phục lại mỏng manh, vậy nên ta mới bảo con cầm một cái áo bông qua cho nàng.” Hơn nữa, đôi mắt của tiểu cô nương đó hình như cũng có màu xanh lam. Khi đó bà ta chỉ vô tình lướt qua, vậy nên cũng không thấy rõ, về sau lại càng không nhớ tới việc này.

Hôm nay bước chân vào đây, bà ta lại chợt nghĩ tới.

Nếu đôi mắt của tiểu cô nương kia thật sự có màu xanh, vậy Tế Nữ chẳng phải là…

Chu Thừa Tự không nói gì.

Tên cu li đi trước dẫn đường nói rất nhiều: “Trước kia Cao gia thôn có rất nhiều người, những năm qua lại không hiểu vì sao mà số người nhiễm bệnh tăng cao, chết liên tục, không ai tra ra được nguyên nhân. Về sau, người đồng ý gả vào đây càng lúc càng ít, nhà nào có chút tiền cũng chọn rời thôn, thế là người trong thôn cứ bớt dần.”

Bảo sao không khí trong thôn lúc nào cũng bi thảm như vậy.

Chu phu nhân vừa nghĩ vừa bước từng bước vào thôn.

Người trong thôn biết ý định của Chu phu nhân, còn nhận được tiền bạc từ bà ta thì lập tức có gì nói đó, kể lại toàn bộ chuyện xảy ra khi Tế Nữ còn nhỏ.

“Các vị hỏi Tế Nữ bán hoành thánh ở bến tàu đúng không? Số của nàng cũng thật khổ.” Một phụ nhân lớn tuổi nói: “Tế Nữ là nữ nhi của Cao Tường, tuy nói là nữ nhi nhưng không khác nào kẻ hầu người hạ. Vừa năm tuổi đã bị Cao Tường bắt đi làm việc, chuyện gì cũng sai nàng làm, còn không cho nàng ăn no, đánh chửi cũng chỉ là việc thường ngày.”

“Cao Tường và nhi tử ở trong nhà ăn bánh bao trắng thơm tho, Tế Nữ bên ngoài chỉ được ăn trấu ăn cám. Trấu là vỏ của hạt gạo được mài ra, người lớn còn ăn không nổi chứ nói gì tới tiểu hài tử.”

“Lúc sáu tuổi, Tế Nữ đã theo Cao Tường ra biển, quăng lưới hay kéo lưới đều là nàng làm, đôi khi chúng ta về lúc nửa đêm còn thấy Tế Nữ ngồi bên ngoài cửa nhà làm việc.”

“Ta nhớ có một năm, trong thôn có một vị phu nhân tới mua hải sản, vị phu nhân đó có tấm lòng bồ tát, thấy Tế Nữ chỉ mặc một món y phục mỏng manh giữa mùa đông lạnh lẽo, đứng ở giữa phòng mà run rẩy không thôi, bà ta lập tức sai người cho nàng một chiếc áo bông. Kết quả Tế Nữ vừa về nhà, áo bông đã bị Cao Tường lấy cho nhi tử mặc. Mặt Tế Nữ lúc đó đông lạnh tới xanh mét, buổi tối phải ngủ trong chuồng heo, ôm heo sưởi ấm mới sống nổi.”

“Có lẽ ông trời thương xót, vào năm Tế Nữ chín mười tuổi, cả nhà bọn họ ra biển bắt cá, kết quả gặp lốc xoáy, Cao Tường và nhi tử đều chết ngoài biển, Tế muội được đưa lên bờ và còn sống, sau đó mới có những người tháng bình yên sau này.”

Mỗi lần nhắc tới chuyện cũ, người trong thôn đều than thở rằng Tế Nữ số khổ.

Chu phu nhân cũng không ngờ người mình từng tặng áo bông lại chính là Tế Nữ, bà ta vẫn còn đang kinh ngạc không thôi, nhi tử bên cạnh đã lên tiếng: “Lúc đó nàng sống kham khổ như vậy, các ngươi có từng vươn tay giúp đỡ nàng không?”

Câu hỏi này vừa dứt, toàn bộ người xung quanh đều im lặng.

Rất nhanh có người lên tiếng: “Đều là chuyện nhà người khác, chúng ta có thể làm gì bây giờ?”

Có người này mở màn, những người khác cũng bắt đầu hùa theo: “Đúng thế, cho dù chúng ta giúp được tạm thời thì cũng chẳng giúp được cả đời. Dù sao cũng là nữ nhi nhà người khác, chúng ta giúp đỡ thì được lợi ích gì chứ?”

Chu Thừa Tự nhìn những con người dính đầy bùn lầy trên mặt này, trong lòng không nhịn được sự ghê tởm. Hắn đột nhiên đứng lên, nói với Chu phu nhân: “Nương, chúng ta đi thôi.”

Hắn biết không thể trách những người này thấy chết không cứu, nhưng trong lòng hắn vẫn cực kỳ khó chịu.

Hóa ra nàng đã phải trải qua nhiều chuyện kinh khủng tới thế, vậy mà hắn chưa từng nghe nàng than thở lần nào.

Chu phu nhân cũng không thích những thôn dân này, bà ta đứng lên, đi khỏi thôn cùng nhi tử mình.

Mãi tới tận khi rời khỏi Cao gia thôn, Chu Thừa Tự mới hỏi mẫu thân: “Nương, người đánh cá trước kia từng hiến… nhân ngư, cũng là người của thôn này sao?”

Lúc nãy hắn quên hỏi chuyện này.

Chu phu nhân không ngờ vòng tới vòng đi lại về tới chuyện này, bà ta ngơ ngác một lúc, không nhịn được mà nhớ lại chuyện xảy ra khi đó.

Bà ta nhớ rõ, lúc đó người mua nhân ngư đã rêu rao chuyện này khắp phủ thành, ai nấy đều muốn biết nhân ngư có thật sự tồn tại hay không, còn người bán nhân ngư thì…

“Ta chỉ nhớ rõ câu chuyện giống với chuyện Nhị Lang đã kể, là một người đánh cá.” Chu phu nhân nói tới đây thì chợt phản ứng lại: “Ý con là, người đánh cá kia chính là cha của Tế Nữ?”

Chu Thừa Tự nhắm mắt, sai người trở lại hỏi chuyện người Cao gia thôn.

Người hầu nhanh chóng trở về: “Bẩm công tử, người bán nhân ngư khi đó đúng là Cao Tường.”

Chu Thừa Tự nghe xong đã đoán được vài điều.

Nhân ngư kia có để lại một hài tử…

“Nương.” Hắn cảm giác bản thân mình gần như không thở nổi, hốc mắt như muốn chảy ra cái gì đó: “Ngài về trước đi.” Giọng của hắn đã khàn đặc: “Con muốn ở lại đây thêm một lát.”

Chu phu nhân thấy cảm xúc của nhi tử không ổn, bà ta rất muốn biết mọi chuyện là như thế nào nhưng cũng hiểu bây giờ không phải là lúc để hỏi: “Ta chờ con ở bến tàu.”

Bà ta không an tâm.

“Được.” Chu Thừa Tự nói: “Con muốn tới bờ biển một chuyến, ngắm biển xong sẽ quay về tìm ngài.”

“Phúc An, đi theo công tử.” Chu phu nhân dặn dò.

Chu Thừa Tự cũng không từ chối, nhưng vẫn bảo Phúc An cách mình một đoạn xa.

Gió biển rất lạnh, giống như từng lưỡi dao nhỏ quất lên gương mặt, hai mắt hắn mở to, giọt nước mắt theo gió biển rơi xuống

Chu Thừa Tự nhìn mặt biển rộng màu xanh sẫm, bước từng bước dọc theo bờ biển.

Hắn không biết mình muốn đi đâu, chỉ muốn được thấy nàng, sau đó ôm lấy nàng ta.

Sóng biển vỗ lên bờ, Chu Thừa Tự đã tới khu đá ngầm. Hắn bước lên từng cục đá đã phủ kín rêu xanh, đi tới mỏm đá gần mặt biển nhất.

Mặt biển mênh mông này có phải đã từng chứng kiến hết thảy cuộc đời của nàng, liệu có còn giữ lại nước mắt của nàng không?

Một tiếng “ào ạt” vang lên, sóng biển vọt tới, Chu Thừa Tự xém chút bị gió biển thổi ngã, chính vào lúc này, hắn nhìn thấy một bóng hình chậm rãi bơi về phía mình.