Diệp Thiển sợ Thạch Lỗi lại tìm tới cho nên không dám ở lại xưởng rượu trái cây nữa, lúc cô trở về lập tức tìm xưởng trưởng xin nghỉ việc.

Xưởng trưởng là một người phúc hậu. Thấy Diệp Thiển thương tích đầy mình trở về, tuy không hỏi han nhiều nhưng lúc kết toán lại cho cô hơn ba trăm tệ.

Diệp Thiển cảm thấy con đường u ám của mình cuối cùng đã có vài tia sáng mặt trời chiếu tới, mặc dù không đáng là bao nhưng cô vô cùng cảm kích.

Bị Thạch Lỗi cướp mất thẻ ngân hàng, bên trong vốn là tiền lương mà xưởng phát cô dùng để chi tiêu. Cũng may trong đó chỉ còn lại khoảng ba ngàn tệ, số còn lại là nhờ ban đầu Diệp Thiển cẩn thận cất trong một cái thẻ khác cho nên mới còn nguyên vẹn.

Chỉ là điện thoại bị cướp rồi, nhất định phải đổi số điện thoại càng sớm càng tốt.

Đối với Diệp Thiển mà nói thời gian là tất cả, không gì có thể trì hoãn. Cho nên đối với những thứ có thể có được trong ngày, cô sẽ không chậm trễ một phút một giây nào.

Mặc dù nhà có hơi khó tìm nhưng chỉ cần yêu cầu không cao thì trong vòng một hai ngày vẫn sẽ tìm được.

Phiên tòa lần hai được mở vào năm ngày sau, tạm thời Diệp Thiển không vội đi tìm việc, mang theo vết thương mới trên người đi kiểm tra xem như cũng có bằng chứng.

Diệp Thiển không ngừng củng cố tinh thần cho bản thân, nhưng khoảnh khắc nhìn thấy Thạch Lỗi ở tòa án cô vẫn không nhịn được mà run rẩy trong lòng. Cô gần như phải bấm chặt ngón tay vào lòng bàn tay mới có thể đứng dậy được, lúc nói chuyện miệng cũng hơi run run.

Còn Thạch Lỗi khi đối mặt với Diệp Thiển cũng chẳng có suy nghĩ áy náy hay chột dạ mà mang theo dáng vẻ thâm tình, hỏi gì đáp nấy. Mặc dù không mạch lạc cho lắm nhưng trong mắt người ngoài thật sự gã không hề giống một kẻ bạo lực gia đình.

Diệp Thiển nhắm mắt siết chặt tay, không muốn nhìn thấy tên ác ma cặn bã này.

Tòa án cũng sẽ không nhìn vẻ bề ngoài của một người mà kết luận người đó có phải là kẻ bạo hành hay không, cái mà họ quan tâm nhất chính là bằng chứng.

Vì muốn ly hôn nên Diệp Thiển đã chuẩn bị trong vòng một tháng. Cô giao hết tất cả các bằng chứng thu thập được, cộng thêm sự giúp đỡ của ủy ban khu phố và một vài người hàng xóm sẵn sàng làm chứng trước tòa, tội bạo lực gia đình của Thạch Lỗi đã rõ như ban ngày.

Lại thêm tật đánh bạc của Thạch Lỗi, không ít lần trộm vặt của hàng xóm, đây cũng là một trong những điều kiện có lợi cho việc ly hôn.

Thạch Lỗi thấy tình huống của mình bất lợi nên không thể giả vờ được nữa, cao giọng nói: "Ly hôn với tao thì có gì tốt? Mày tưởng ly hôn xong là mày có thể trèo cao à? Đừng có mơ!""

Diệp Thiển nhìn gương mặt dữ tợn của Thạch Lỗi, hai chân không ngừng run rẩy, cô cắn lưỡi làm mặt lạnh không muốn tranh cãi với gã.

Thạch Lỗi là một tên cố chấp, ở chỗ kín đáo gã còn có thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề nhưng ở trên tòa án không thể nào để gã làm ầm ĩ được. Cuối cùng gã bị cưỡng chế đưa đi vì tội gây rối trật tự ở tòa án.

Bằng chứng của Diệp Thiển vô cùng xác thực, người sáng suốt cũng nhìn ra được mối quan hệ vợ chồng của họ đã tan vỡ, không cần phải giải thích nhiều làm gì.

Có lẽ vì ôm nỗi uất ức của nguyên chủ nên khoảnh khắc phán quyết có hiệu lực, trong lòng Diệp Thiển cảm thấy hoàn toàn được giải thoát.

Chẳng qua là suốt hai năm nay nguyên chủ không truy cứu, hóa đơn viện phí của bệnh viện không thể chứng minh được những thương tích nặng lúc trước. Số tài sản gã trộm cũng không đủ đạt tới mức xử phạt nặng, tạm giam một năm thật sự là quá hời cho tên cặn bã này.

Nhưng Diệp Thiển không có ý muốn giết chết Thạch Lỗi. Cô chỉ mong giữ được tính mạng của mình trước khi ly dị, sau đó nghĩ cách quay lại bên cạnh Mạc Đình Xuyên.

Bất kể là tương lai có như thế nào, Diệp Thiển rõ ràng có trí nhớ của riêng mình. Cô sẽ không khoanh tay chờ chết, sống cuộc đời của người khác, nhất định phải làm rõ ngọn nguồn của chuyện này.

Diệp Thiển thầm hạ quyết tâm, cũng như dấy lên một chút hy vọng về con đường phía trước.

Bước ra từ tòa án, ánh nắng bên ngoài chói chang.

Diệp Thiển không kịp thích ứng bèn đưa tay lên che mắt lại, hốc mắt không kìm chế được mà nóng lên.

Có thể là do ảnh hưởng từ ý niệm còn sót lại của nguyên chủ nên Diệp Thiển không kiềm chế được cảm giác muốn khóc.

Vài người đi ngang qua tò mò vừa nhìn vừa bàn tán rồi lần lượt rời đi.

Đã giải quyết xong một chuyện quan trọng là ly hôn, cuối cùng Diệp Thiển có thể thở phào một hơi, càng có lòng tin lên kế hoạch cho chuyện tiếp theo.

Mấy ngày nay cô đều sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng. Lần này cô cắn răng hào phóng một lần, mua vài thứ lần lượt đến từng nhà hàng xóm đã giúp đỡ mình.

Dì Trương là người Diệp Thiển đặc biệt cảm kích cho nên cô bỏ vào lì xì một ngàn tệ, định lén đưa cho bà.

Dì Trương là giáo sư đã về hưu, chồng dì đã qua đời vào hai năm trước. Bởi vì không có con nên một mình bà sống nhờ vào lương hưu, cuộc sống cũng không đến nỗi nào.

Diệp Thiển lẻ loi một mình còn khổ hơn cả dì Trương, lúc bà phát hiện cô trộm nhét bao lì xì cho mình, nói cỡ nào bà cũng không chịu nhận.

"Dì, đây là chút tấm lòng của con, nếu dì không nhận con thật sự áy náy lắm."

""Lòng tốt có thể dùng tiền để đổi lấy à? Con nhìn thử xem, chẳng phải dì sống rất tốt hay sao?" Dì Trương nhìn cô không đồng ý, kiên quyết nhét tiền vào tay cô: ""Hơn nữa dì còn có lương hưu, nói không chừng qua một thời gian dì có thể thành triệu phú đó, sao lại phải nhận tiền của con làm gì?""

Diệp Thiển tò mò hỏi một câu, thế là dì Trương kéo cô ngồi xuống, bắt đầu thao thao bất tuyệt: ""Dì nghe hàng xóm nói, có một ông chủ lớn muốn mở rộng nơi này, chỉ cần là người dân sống ở đây là sẽ được chia tiền!""

Diệp Thiển nghe vậy, không khỏi nhớ tới cái hôm cô gặp Mạc Đình Xuyên.

Nơi này cách trung tâm thành phố khá xa, với thân phận của anh không thể nào tùy tiệntới đây. Chắn hẳn là anh đang tiến hành khảo sát để mở rộng địa bàn, ông chủ giàu có mà dì Trương nói tới không lẽ chính là anh?

Mặc dù chuyện này vẫn chưa chắc chắn thế nhưng Diệp Thiển cảm thấy mình có chút liên quan nho nhỏ, thế nên cô lại vui vẻ không thôi.

Không bao lâu nữa bọn họ chắc chắn sẽ lại gặp nhau!

Tới buổi chiều dì Trương nhiệt tình giữ Diệp Thiển lại ăn cơm. Diệp Thiển không từ chối còn cùng bà nấu cơm.

Một già một trẻ, một câu qua, một câu lại trò chuyện với nhau. Dường như đã lâu lắm rồi Diệp Thiển mới có được một buổi chiều nhàn nhã như vậy.

""Sau này con chẳng cần phải chịu khổ nữa, một mình con không chết đói được. Đúng rồi, trước đó con nói con làm việc ở xưởng làm rượu trái cây, thế nào rồi?""

Diệp Thiển nói thật, không giấu diếm gì dì Trương.

Dì Trương lại mắng Thạch Lỗi thêm một trận, sau đó nói: "Nghỉ rồi cũng tốt, sức khỏe con vốn đã không tốt rồi. Nếu cứ phải mệt mỏi thêm mấy năm nữa thì chẳng khỏe lại nổi đâu.""

Diệp Thiển gật đầu hùa theo, thấy dì Trương muốn nói gì đó lại thôi. Trong lòng đã hiểu rõ nên cô lập tức chủ động nói trước: "Tạm thời con vẫn chưa tìm được công việc phù hợp, nếu dì có công việc nào thì nhất định phải nói cho con nhé."

Thật ra trước đây dì Trương đã từng gợi ý cho Liễu Tranh một vài công việc, dạy kèm là một trong số công việc đó. Chỉ là do Liễu Tranh bỏ học, ở nhà buông thả mấy năm, cảm thấy mình không làm nổi cho nên đã từ chối.

Dì Trương vẫn lo cuộc sống của cô không ổn định, trước mắt đã ly hôn, càng cần phải có một nguồn thu nhập cho nên bà cứ do dự không biết phải nói thế nào.

Nghe Diệp Thiển chủ động hỏi thế nên dì Trương dễ nói chuyện hơn, bà nói với cô: “Thật ra là dì có một người bạn có đứa cháu trai đang học tiểu học cần người dạy kèm làm bài tập. Vốn là định nhờ dì nhưng con cũng thấy đó, bây giờ dì lớn tuổi rồi, mắt mờ đâu dạy nổi học sinh nữa. Con xem thử xem có thể dạy được không?""

Dạy học sinh tiểu học thì với trình độ học vấn cấp hai như Liễu Tranh cũng đủ để dạy rồi, huống hồ là Diệp Thiển tốt nghiệp đại học trọng điểm.

Công việc vừa có thể diện, vừa không phải làm lụng vất vả, Diệp Thiển cầu còn không được lập tức đồng ý ngay.

Chỉ có điều là dạy thêm không giống với giáo viên dạy ở trường, không có tiền lương và trợ cấp cố định, cô không thể sống hoàn toàn nhờ công việc này được.

Diệp Thiển lại tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tìm việc làm theo giờ.

Lý do cô chọn làm việc theo giờ, một phần là vì để xen kẽ với thời gian dạy thêm một phần khác là bước đầu thăm dò giới lao công của Thịnh Kinh.

Không phải Diệp Thiển không tính đến chuyện đến Nặc Á hoặc Phương Chu để xin việc. Nhưng hiện tại cô không có trình độ, không thể xin vào bất cứ vị trí nào, bây giờ chà rửa bồn cầu, quét dọn vệ sinh mới là tốt nhất.

Nhưng doanh nghiệp lớn mà tìm lao công thì cũng chỉ liên lạc hợp tác với công ty lao công chính quy chứ không chọn đại người nào đó trên đường. Cho nên cô phải làm cái nghề này một thời gian rồi mới từ từ nhảy lên công ty chính quy được.

"Ầy... Rõ ràng mình là nhà sản xuất, không ngờ có một ngày mình phải phí tâm phí sức vì công việc lao công như vậy." Nghĩ đến chuyện bị vận mệnh trêu đùa, Diệp Thiển không nhịn được thở dài.

Công việc dạy học sinh tiểu học nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với làm lao công.

Đứa bé mà Diệp Thiển dạy lại còn lanh lợi, mỗi tối cô đều dạy kèm tại nhà hai tiếng, xem như là thư giãn.

Bậc tiểu học không có quá nhiều kiến thức phức tạp. Chẳng qua là ba mẹ đứa bé bận bịu công việc, tan làm về nhà ôm theo một đống muộn phiền cho nên không có đủ kiên nhẫn dạy trẻ con.

Nếu trẻ con chậm hiểu một chút, phụ huynh mà không kiềm chế được cơn giận, một bên gào thét, một bên chống đối đến cùng, ầm ĩ chẳng ai vui vẻ gì.

Phần lớn phụ huynh sẽ không có suy nghĩ rằng vấn đề nằm ở chính mình, lúc nào cũng cảm thấy là do trẻ con không nghe lời, không nghiêm túc, không suy xét kỹ tình hình mà nhét con vào lớp học bổ túc hoặc gọi thầy về dạy kèm ở nhà.

Diệp Thiển dạy đứa bé này một tháng, cảm thấy đồng lương mình kiếm được lại trái với lương tâm của mình.

""Cô ơi, bài này con không biết làm." Bé trai với gương mặt tròn tròn đẩy quyển sách sang, xấu hổ nói với Diệp Thiển. Hai tay cậu nhóc đặt trên đùi, nhẹ nhàng lắc lư.

"Để cô xem thử." Diệp Thiển nhận lấy quyển sách nhìn một lượt, sau đó cầm tờ giấy trắng, vẽ lại hình vẽ bên dưới câu hỏi, giọng nói nhẹ nhàng mang theo sự khích lệ: "Gặp phải câu hỏi thế này, nếu chỉ nhìn thôi sẽ không nhìn ra được số lượng, chúng ta có thể thử vẽ một chút."

Diệp Thiển dạy cậu bé từng bước từng bước, bổ sung những phần còn thiếu trong hình vẽ, sau đó đếm theo thứ tự.

Cậu bé đếm xong, cuối cùng vui vẻ điền số vào.

Bài tập của lớp Một, lớp Hai chỉ cần phụ huynh kiên nhẫn một chút thì đứa trẻ sẽ biết làm.

Chỉ là ba mẹ nhà này bận rộn, không có đủ kiên nhẫn nhưng tiền thì lại có thừa, còn tìm hẳn thầy dạy kèm ở nhà, nói trắng chỉ là tìm một công cụ về để trông trẻ.

Trước đây họ tìm tới dì Trương chắc là vì muốn tìm người quen cho yên tâm.

Dạy đứa bé mấy bài tập xong, công việc dạy kèm tại nhà hôm nay của Diệp Thiển xem như là kết thúc.

Đứa trẻ ôm trái banh chạy tung tăng về phía cửa nhà, đúng lúc gặp ba mới về, chào ba giòn giã một tiếng rồi chạy đi.

"Thằng nhóc này, làm phiền cô Diệp rồi."

"Không đâu, thật ra thì thằng bé rất thông minh." Diệp Thiển cầm túi lên, vốn định chào tạm biệt nhưng lại nghe thấy đối phương nhắc tới tình hình của đứa bé. Cô cảm thấy mình có nghĩa vụ phải nói cho nên không vội rời đi mà quay lại ngồi lên ghế sofa.

""Nghe nói cô Diệp đã kết hôn rồi?""

Lời này khiến Diệp Thiển không khỏi nghĩ đến cuộc hôn nhân trong bóng tối vốn không thuộc về mình, bất giác có chút cảm giác xúc phạm. Cô kiềm chế sự khó chịu trong lòng, nhẹ nhàng đáp một tiếng.

Ông chủ nhà này không dừng cuộc trò chuyện mà ngược lại còn nói vài chuyện không hề liên quan đến đứa bé khiến Diệp Thiển hơi khó chịu, thầm nghĩ người này thật kỳ quặc.

""Không còn sớm nữa, nếu ông Trần không còn dặn dò gì khác, tôi xin phép đi trước."" Diệp Thiển không muốn tiếp tục ở lại, xách túi lên.

"Ấy, cô Diệp đừng đi vội!"" Ông chủ nhà đứng dậy ngay sau đó, cũng không biết là do vô ý hay là cố ý mà bắt lấy cổ tay Diệp Thiển.

Diệp Thiển cảm thấy bàn tay đối phương giống như lưỡi rắn khiến cả người cô nổi da gà. Cô vội vàng lùi một bước, vẻ mặt nghiêm túc, giọng lạnh đi: "Ông Trần!""