Đợi mất một lúc lâu tiền mới về tay Ninh Thư. Thái An Kỳ nhìn thấy tiền là bảo: “Mẹ đưa con tiền.” 

Ninh Thư nói: “Không giở tiền ngoài đường, về rồi tính.” 

Có khó chịu đến đâu Thái An Kỳ cũng không làm cái chuyện giật tiền giữa đường. 

Cô ta chửi rủa Ninh Thư trong lòng, hứa rằng một ngày nào đó sẽ vả miệng Ninh Thư. 

Rời khỏi ngân hàng, Ninh Thư nói với Thái An Kỳ: “Qua chợ cái đã.” 

Thái An Kỳ sửng cồ: “Đi chợ làm gì, mẹ đưa con tiền để con mua đồ ăn sẵn là được mà.” 

Ninh Thư bình tĩnh, nói giọng từ tốn: “Đồ ăn cô đặt không có món nào Vương Bác thích, tôi ra chợ mua ít đồ về nấu món nó thích ăn.” 

Thái An Kỳ lẩm bẩm: “Đồ ăn nào mà chẳng ăn được.” 

“Thế mẹ đi đi, con không đi đâu.” Thái An Kỳ đưa giỏ cho Ninh Thư. 

Ninh Thư không cầm giỏ: “Cô đi cùng tôi thì mới biết Vương Bác thích ăn gì, lần sau đặt vài món Vương Bác thích.” 

“Mẹ nói cho con biết Vương Bác thích ăn gì là xong, cớ gì phải ra chợ?” Thái An Kỳ đang đi guốc cao không tiện đi bộ nhiều. 

Cô diện đồ đẹp không phải để đến nơi đông đúc, bẩn thỉu như chợ. 

Ninh Thư nắm cổ tay Thái An Kỳ: “Cô cứ đi cùng tôi là được, hai mẹ con vừa đi vừa nói chuyện, khi nào hiểu nhau hơn thì tôi sẽ xem xét cho cô cầm thẻ lương của Vương Bác.” 

Thái An Kỳ rất muốn hất tay Ninh Thư nhưng không làm sao hất được, thấy Ninh Thư không rời mắt khỏi mình, cô ta nói: “Vâng.” 

Thái An Kỳ nhịn vì thẻ lương. 

Ninh Thư cười: “Phải thế chứ.” 

Từ đây về chợ còn cần đi bộ một quãng dài. Thái An Kỳ xách giỏ đồ bước đi không được tự nhiên. 

Bởi đi bộ nhiều guốc cọ chân đau. 

Ninh Thư giả vờ không biết, cũng không hỏi chân cô ta bị làm sao. 

Vào chợ Ninh Thư chỉ mải chọn lựa, trong khi đó Thái An Kỳ đi đứng rất cẩn thận, sợ đường trong chợ sẽ làm bẩn đôi guốc đẹp của cô ta. 

Mồ hôi chảy ròng ròng lại thêm đôi chân đau, vậy mà Ninh Thư vẫn cứ ghé hết sạp này đến sạp khác, chạy đủ các quán chỉ để mua rẻ hơn vài đồng làm Thái An Kỳ đi theo Ninh Thư đến mệt. 

Chợ đông người va quệt, trời vừa nóng vừa oi. 

Thấy Ninh Thư chẳng tỏ ra bị nóng vả lại còn mua sắm đầy đam mê, Thái An Kỳ nghĩ bụng, vậy mà kêu mệt, kêu không khoẻ, không muốn nấu cơm. 

Vớ phải bà mẹ chồng thế này đúng là đen đủi tích mười tám đời của Thái An Kỳ. 

Hồi ấy mà biết bà ta hạch sách, có cho tiền cô cũng không về làm dâu nhà bà ta. 

Ninh Thư để các đồ đã mua vào giỏ. 

Thái An Kỳ xanh mặt. 

Ninh Thư lại qua góc bán cá, cô nói với Thái An Kỳ: “Vương Bác thích ăn cá kho.” 

Thái An Kỳ không bỏ vào tai câu nói của Ninh Thư. 

Góc bán cá rất bẩn, nào là vảy nào là nước bẩn đổ ướt đường đi. Thái An Kỳ không biết đặt guốc ở chỗ nào mới không làm bẩn guốc đẹp. 

Ninh Thư vớt con cá ngắm nghía rồi nói với Thái An Kỳ: “Không nên mua cá to vì thịt sẽ bị dai, cứ mua con vừa vừa là đẹp.” 

Thái An Kỳ gật đầu qua loa. 

Con cá Ninh Thư đang cầm quẫy một cái, trượt khỏi tay Ninh Thư rơi bịch xuống đất, bắn nước bẩn lên guốc của Thái An Kỳ. 

Thái An Kỳ giật mình nhảy ra nhưng chỉ bị bắn nhiều nước hơn. 

Thái An Kỳ tức phát khóc, Ninh Thư an ủi: “Không việc gì, về rửa qua nước lại sạch.” 

“Guốc của con không được rửa với nước mà phải mang đi giặt dịch vụ. Mẹ có biết một lần giặt tốn biết bao nhiêu tiền không.” Thái An Kỳ to tiếng làm mọi người xung quanh nhìn cô ta. 

Thái An Kỳ mím môi, mặt cô ta tái xanh, lông mi giả dính vào nhau, kẻ mắt hơi lem tưởng đâu cô ta có quầng thâm mắt. 

Thái An Kỳ nổi giận với Ninh Thư: “Mẹ định mua đến bao giờ.” 

Ninh Thư bình tĩnh nhặt cá đưa cô bán hàng cân rồi bỏ vào trong giỏ. 

Cá sống giãy liên tục, Thái An Kỳ chỉ muốn vứt luôn cái giỏ. 

Cô ta liên tục tự nhủ vì lấy được thẻ lương. 

Thấy Ninh Thư vẫn ngó các hàng khác, Thái An Kỳ sẵng giọng hỏi: “Mua nhiều vậy rồi còn định mua gì nữa?” 

Ninh Thư trả lời từ tốn: “Mua thêm ít hành.” 

Chân cô đau lắm rồi, cô chỉ muốn ngồi xuống cởi guốc để chân nghỉ một lúc thôi. 

Ninh Thư cầm bó hành nhỏ mới mua, cô lục giỏ đồ: “Tôi già rồi hay quên, để tôi xem còn phải mua gì không.” 

“Đủ cả rồi đấy, về thôi.” Ninh Thư nói. 

Thái An Kỳ cố nhịn cơn đau theo Ninh Thư ra khỏi chợ. 

Từ chợ về nhà cũng phải đi thêm một đoạn. Sức nặng cơ thể cộng với giỏ đồ đè cả lên chân Thái An Kỳ. 

Đau chết mất thôi. 

Chớm nghĩ đã không buồn nhắc chân. 

Thái An Kỳ bước tập tễnh theo gót Ninh Thư, Ninh Thư thấy thế bảo: “Sao không mua đôi nào thoải mái hơn, mới đi có một đoạn đã xiêu vẹo.” 

“Tháo guốc ra đi chân đất đi.” Ninh Thư gợi ý. 

Thái An Kỳ trả lời ngay: “Con không tháo đâu.” 

Thà bị đau cũng phải về đến nhà trong xinh đẹp. 

Ninh Thư cười khẽ, tuỳ. 

Thái An Kỳ phơi nắng bị hoa mắt, chân thì đau, cô ta chưa từng phải chịu tổ hợp khổ sở bao gồm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khát khô cổ như hôm nay. 

Có ngu mới có lần thứ ba cô đi đâu đó với con mụ già này. 

Chân Thái An Kỳ bị cọ xước tấy đau, đi một bước nhói một cái. 

Cô ta chẳng còn cách nào khác ngoài tháo guốc đi chân đất. 

Mới vào hè mặt đất nóng đến nỗi rán được trứng gà, nhiệt độ chưa cao báo động nhưng vẫn nóng bỏng. 

Một tay xách guốc một tay xách giỏ, thấy Ninh Thư cả người nhẹ tênh mà Thái An Kỳ giận run người, vứt toẹt cái giỏ xuống đất đình công: “Con mệt không xách nổi, con không xách nữa đâu.” 

Chỉ vì cái thẻ lương có dăm ba đồng của Vương Bác mà cô phải phơi làn da trắng dưới ánh nắng mặt trời. 

Đi theo con mụ già kia chẳng khác nào người ở. 

Mẹ kiếp, cô đang sống cuộc sống gì vậy, chẳng thà cô đi chơi vừa vui vừa được tiền. 

Ninh Thư nhăn mặt nhìn thức ăn đổ đầy ra đất: “Cô bị cái gì đấy, tự nhiên cáu kỉnh, trời nóng lắm rồi mau về nhà đi.” 

“Lớp trẻ các cô quan trọng vẻ bề ngoài lắm mà, tia cực tím chiếu vào lại già đi mười tuổi. Ninh Thư vừa nói vừa nhặt thức ăn vào giỏ. 

“Tôi thấy cô xách giỏ vất vả, thôi thì để đó tôi xách guốc giùm cho.” Ninh Thư bảo. 

Thái An Kỳ: …