Những người đó nghe thấy tiếng ở ngoài rừng nói như vậy liền chạy ra ngay thì thấy ngoài Phả Cái, Thiên Diện thư sinh và Thiên Diện phu nhân ra, trên mặt đất còn có ba người nằm thẳng cẳng tại đó.
Ai nấy trông thấy hình dáng của những người nằm ở dưới đất có vẻ quen thuộc lắm đều kêu “ủa” một tiếng.
Các người ở trong rừng lần lượt bước ra trông thấy ba người bịt mặt đó tỏ vẻ kinh ngạc vô cùng. Người đi sau cùng là Lục Đạt, vì bị thương nên phải nhờ người dìu đi, vừa ra tới nơi y trông thấy ba tên nọ đã giận dữ mắng chửi :
- Đồ quỷ... chúng khéo giả bộ thực!
Y vừa mắng chửi vừa giằng tay hai người dìu dắt, lớn bước tiến lên tát cho ba người một cái bạt tai.
Y đánh mạnh quá, khăn che của ba tên nọ đều tung ra hết.
Lúc ấy mọi người mới trông thấy rõ mặt thực của ba người kia, ai nấy đều đồng thanh mắng chửi om sòm.
Ba người đó không phải là ai xa lạ mà chính là ba kẻ đã viết thiếp mời mọi người tới và cũng là chủ nhân tầm thù bọn Phả Cái ba người: phó tổng tiêu đầu của Tam Giang tiêu cục Kim Ngân Tiên Hồ Diên Dị với hai tên tiêu sư thủ hạ đắc lực của y là Lưu Quảng Thái và Trương Quảng Võ.
Thì ra Hồ Diên Dị đã có dã tâm và đã định độc kế từ trước. Tối hôm trước ở trong Tam Giang tiêu cục chính mắt y trông thấy tài ba của Phả Cái với Thiên Diện thư sinh và Thiên Diện phu nhân như thế nào, y biết hai nhân vật sau võ công càng lợi hại hơn Phả Cái nhiều.
Y biết địch không nổi ba người, cho nên y cứ ẩn thân ở trên ngọn cây mà không dám lộ diện.
Ngày hôm sau Vu Hoành viết thơ để lại ra đi còn ngấm ngầm giấu tang vật vào hai cái túi châu báu để vu khống bọn Phả Cái vào nhà y giết người cướp của. Hồ Diên Dị liền nghĩ ra một mưu kế, võ công của y không cao siêu mấy, nhưng lúc nào y cũng muốn được lãnh tụ quần hùng, nên y mới lập ra mưu kế ném đá hai chim này.
Kế của y là muốn mượn tay Phả Cái ba người diệt trừ những đồng nghiệp có thể chống chọi với y ở trong kinh thành này.
Cho nên y mới ra mặt viết thiếp mời ba mươi người có tên tuổi của chín đại tiêu cục. Trong lúc họp mặt y giả bộ làm ra vẻ đau đớn và kể lể cha con Tam Phi với hai mươi mấy người tiêu sư bị giết hại thảm khốc thế nào cho mọi người nghe, và mong mọi người trả thù hộ.
Thế là người nào người nấy đều tán thành cùng hiệp sức đi đối phó với bọn Phả Cái ba người. Ngờ đâu cuộc họp mặt trên Trung Sơn bọn Phả Cái các người định lật mặt nạ của chúng, nên chúng tức giận khôn tả định dùng quỷ kế khích tướng để gây nên trận đấu lớn. Nhưng y có ngờ đâu trong lúc ẩn núp ở trong bóng tối nhìn ra thấy bọn Phả Cái các người lại trái hẳn thường lệ không giết chết một ai cả. Khiến cho y khó xử vô cùng. Sau y nghĩ thầm: “Nếu những người này bị điểm huyệt hết rồi bọn Phả Cái ba người nói rõ quỷ kế của mình ra, như vậy kế hoạch của mình sẽ thất bại hết và điều đáng sợ nhất là mình không thể nào sinh sống ở đất Kim Lăng này nữa”.
Núp ở trên cây nghĩ đi nghĩ lại, sau nghĩ ra được một mưu mô ác độc, y liền tìm đến hai thủ hạ đắc lực rồi nhảy xuống dưới cây triệt để thanh toán một phen.
Thì ra y đã phát giác Long Uyên với Vân Tuệ ra tay rất nhẹ chỉ điểm cho các người chết giấc và ngủ thôi, chứ không bị thương chút nào. Y thấy có dịp may có thể ra tay được, liền lẳng lặng dặn hai tên thủ hạ chia nhau ra mà hành sự, nhân lúc các bạn bị điểm huyệt mê, y với hai tên thủ hạ dùng đao giết chết những người đó rồi vu khống cho Long Uyên ba người giết chết.
Ngờ đâu lưới trời lồng lộng Trương Quảng Võ với Lưu Quảng Thái xuống bên dưới hạ độc thủ, y không kiếm ai mà lại kiếm trúng ngay bọn Lục Đạt bốn người.
Bốn người này lần đầu tiên gặp Phả Cái bị ông ta điểm huyệt mê nên chỉ trong chốc lát đã tỉnh dậy liền. Trong lúc lúc họ vừa tỉnh thì đã thấy trên cành cây có hai người nhảy xuống và lẳng lặng giơ đao ra đâm luôn.
Ba người nọ vừa hồi tỉnh chưa kịp đề phòng đã bị giết ngay, nên chúng chỉ kêu rú được một tiếng một rất thảm khốc là chết luôn. Riêng có Lục Đạt tỉnh sớm hơn, không đợi chờ đối phương ra tay đã vội lăn sang một bên tránh né mồm thì mắng chửi om sòm. Quảng Võ và Quảng Thái hai người tuy có khăn bịt mặt thật, nhưng dù sao giết người không quen nên trong lòng vẫn không nỡ, nên sau khi chúng nghe thấy tiếng rú của mấy người kia đã giật mình kinh hãi vô cùng rồi.
Lúc ấy chúng lại nghe thấy trong rừng có tiếng mắng chửi quát tháo của Phả Cái vọng ra xen với tiếng thánh thót của Vân Tuệ nữa. Chúng biết võ công của của hai người lợi hại như thế nào, nên chúng phải bỏ Lục Đạt mà cắm đầu ù té chạy ngay.
Hồ Diên Dị đang ở trong rừng định ra tay giết người khác bỗng nghe thấy tiếng kêu la thảm khốc và tiếng mắng chửi của Phả Cái y liền thay đổi ý kiến vội lẻn ra ngoài rừng cắm đầu ù té chạy ngay.
Dù chúng chạy nhanh đến đâu cũng không sao nhanh bằng Long Uyên nên chúng chưa chạy tới chân núi đã thấy một bóng người thấp thoáng. Chúng chưa kịp nhìn rõ là ai, đã bị điểm trúng huyệt tê và bị xách đem lên trên núi liền.
Lúc ấy mọi người đã nhận ra chúng là những ai, chúng hối hận và hãi sợ vô cùng.
Nhưng khổ nổi, vì bị điểm huyệt người của y bị cứng cả ngay cả đôi tròng con mắt cũng lờ đờ nốt.
Phả Cái vừa cười vừa nhìn chúng mà trong lòng hậm hực hết sức. Ông lại cười ha hả đưa mắt nhìn các người tiêu cục một cái rồi nói :
- Các ngươi bị tên ác đồ này lừa dối không biết phân biệt phải trái trắng đen gì hết.
Nếu già què này với hai vị kia mà không sớm biết chủ ý của y với lòng nhân nghĩa thì thử hỏi bây giờ các ngươi có còn sống sót hay không?
Lục Đạt nhanh nhẩu và cũng là người ân oán phân minh. Lúc này y không sao chịu nhịn được vội chạy lại đánh cho mỗi tên giặc một cái tát mà y vẫn chưa nguôi cơn giận, phi thân đá một cái trúng ngay vào mông đít của Quảng Thái mà giận dữ mắng chửi :
- Lục mỗ với ngươi có thù hằn gì mà ngươi lại đánh giết Lục mỗ như thế? Sao ngươi lại lòng lang dạ thú...
Quảng Thái bị y đá một cái lăn ra ngoài xa hai trượng, quần áo bị đá vào gai góc nên bị móc rách nhiều chỗ. Y còn chưa hài lòng định xông lại đá Hồ Diên Dị với Quảng Võ...
Long Uyên vội lên tiếng cản trở :
- Huynh hãy khoan tay lại, tại hạ có vào lời muốn nói :
Lục Đạt trợn tròn đôi mắt lên định không nghe nhưng y trông thấy mặt của Long Uyên đầy hào khí như vậy, y bỗng sợ hãi buông tay xuống không dám cử động nữa.
Long Uyên chắp tay chào các người một lượt, rồi kể chuyện Kính Thật đem châu báu vào kinh rồi đổi ra tiền bạc để mua thóc lúa để cứu nạn nhân ở Sào Hồ. Tứ Kiếm e bọn mình không đủ sức bảo vệ nên mới nhờ Vu Phi cục chủ Tam Giang tiêu cục. Ngờ đâu Vu Phi thấy châu báu nổi lòng tham giết hại năm người cướp mớ châu báu ấy.
Bọn chàng nghe tin động lòng nghĩa hiệp đêm khuya vào nhà Vu Phi dùng đại nghĩa khiển trách ra lệnh bắt y phải chỉ châu báu giấu ở đâu? Ngờ đâu lúc đầu Vu Phi nhận lời, nhưng y lại ngấm ngầm sai con là Vu Hoành đi gọi bọn tiêu sư với tiểu nhị thị nhiều người để thắng bọn chàng, nhưng rốt cuộc vẫn bị bọn chàng diệt trừ. Vu Hoành thấy địch mãi không nổi liền van lơn.
Ngờ đâu lúc y hoàn châu báu lại ngấm ngầm nhét con dao găm vào để vu tội cho chàng và để lại một lá thư rồi đào tẩu ngay.
Hồ Diên Dị lại thừa cơ xúc giục giới bảo tiêu trả thù hộ cho cha con Vu Phi nhưng sự thực ý của y là muốn mượn tay của ba người diệt trừ hết giới bảo tiêu.
Mọi người nghe thấy chàng nói như vậy đều biến sắc mặt giận dữ mắng chửi om sòm. Đồng thời trong bọn có một ông già bước ra vừa cười vừa vái chào Phả Cái ba người và nói :
- Tại hạ là Nhập Vân Biên Hoa Hoa, phụ trách Hoa Hung tiêu cục ở phía nam thành. Hôm nay được nghe lời chỉ bảo của tiền bối và các hạ và được mục kích hành vi của bọn lòng lang dạ thú mới tự hổ thẹn là mình có mắt như mù, uổng sống hơn năm mươi năm.
Y nói chưa dứt, tam vị cục chủ của chín đại tiêu cục đã bước ra đồng thanh nói :
- Lời nói của Hoa huynh cũng như ý kiến của chúng đệ vừa rồi được ba vị lượng thứ cho, vả lại còn vạch rõ gian mưu của bọn chó má, chúng tôi rất lấy làm tán thưởng...
Long Uyên thấy các người can đảm nhận lỗi như vậy, trong lòng rất mừng rỡ mỉm cười đưa mắt nhìn Vân Tuệ và đang định nói thì trong đám đông có một người bước ra lớn tiếng nói :
- Lời nói của các hạ vừa rồi, điều thứ nhất không ai làm chứng, điều thứ hai không có việc gì chứng minh nên chúng tôi vẫn chưa dám tin cậy hoàn toàn và chịu phục.
Mọi người thấy đó chính là tiêu đầu của Tam Giang tiêu cục biệt hiệu là Trai Trọng Liên Lỗ Trí là người chính trực vô tư hay hòa giải những vụ tranh chấp của mọi người và cũng hay giúp người cùng quẫn. Tuy võ học của y không cao siêu cho lắm, nhưng rất được người trong thành Kim Lăng kính trọng.
Những lời nói của Long Uyên vừa rồi ai nấy đều tin tưởng hết, riêng có mình hoài nghi thôi, nếu người khác lên tiếng chất vấn thì người ta còn tưởng lầm là đồng đảng của Hồ Diên Dị, nhưng bây giờ Lỗ Trí lên tiếng, nên ai nấy đều bán tín bán nghi.
Phả Cái không biết y là ai, nhưng thấy y tai to mặt vuông trông rất chính trực và thấy y nói xong ai nấy đều tỏ vẻ thắc mắc. Lão biết y là người đáng được mọi người tin tưởng. Nên ông ta sầm nét mặt lại và lên tiếng hỏi :
- Các hạ là người ở đâu? Quý danh là gì có thể cho già què này biết rõ được không?
Lỗ Trí thấy người lên tiếng đó là Phả Cái liền rùng mình khinh hãi thầm, nhưng y tự tin mình không có việc gì lầm lỗi hết nên ung dung lên tiếng đáp :
- Tại hạ là tiêu đầu của Tam Giang tiêu cục tên là Lỗ Trí.
Phả Cái nghe thấy Lỗ Trí nhận là người của Tam Giang tiêu cục liền cười ha hả trợn mắt lên nhìn y và đang định lên tiếng nói tiếp, thì Long Uyên đứng cạnh đó đã nhận ra Lỗ Trí không phải là người tà ác, sợ Phả Cái không hỏi nếp tẻ gì hết đột nhiên ra tay tấn công ngay. Nên chàng vội xen lời hỏi :
- Mấy ngày hôm nay các hạ có ở trong tiêu cục không? Và có dự trận hỗn chiến tối nọ không?
Lỗ Trí lắc đầu tỏ vẻ không có.
Phả Cái xen lời nói luôn :
- Nếu ngươi không có mặt tại đó sao lại cam đoan việc này không phải là thực.
Lỗ Trí đang định biện bạch thì Phả Cái lại nói tiếp :
- Được, nếu ngươi không tin để già què này bảo bọn Hồ Diên Dị tiêu đầu thân chinh khai khẩu cung trước mặt mọi người cho mà coi.
Nói xong, ông ta liền túm tóc Hồ Diên Dị lôi lên tát cho tên ấy một cái, sau lại vỗ vào lưng y rồi giải huyệt cho y mà lớn tiếng quát hỏi :
- Lòng của các hạ như thế nào già què này đã biết rõ hết, nhưng ngày hôm nay còn có một người bạn của quý tiêu cục không tin, vậy phiền các hạ nói cho y biết.
Tuy nằm ở dưới đất không cử động được và lên tiếng nói được, nhưng tai của Hồ Diên Dị vẫn nghe thấy ai nói gì. Y biết hôm nay khó mà qua khỏi tai kiếp này, dù y cố nghĩ mãi cũng không sao nghĩ ra được cách giải cứu.
Lúc ấy y đã được giải huyệt liền kiếm cách thoát thân, nên y vội ưỡn ngực đáp :
- Lão tiền bối đừng có vu khống người như thế, mỗ...
Y chưa nói dứt, Phả Cái cười ha hả giơ tay lên tát cho y hai cái, Hồ Diên Dị bị rụng mấy cái răng mồm đổ máu lui về phía sau năm sáu bước.
Lỗ Trí thấy vậy trợn ngược đôi lông mày lên và đang định lên tiếng thì Phả Cái đã giơ tay ra chộp cổ tay của Hồ Diên Dị ngấm ngầm vận thần công bóp chặt rồi vừa cười vừa quát hỏi :
- Mời ngươi uống rượu mời hẳn hoi mà ngươi lại không chịu uống, lại chỉ thích uống rượu phạt thôi. Già này cảnh cáo một lần nữa, nếu ngươi không chịu nói sự thật thì đừng trách già này ác độc dùng Ngũ Quỷ Tảo Hồn thủ pháp đối phó.
Hồ Diên Dị bị bóp như vậy người đã tê tái, xương tay như bị gãy đau đến toát mồ lạnh ra, lại nghe thấy Phả Cái nói dùng Ngũ Quỷ Tảo Hồn thủ pháp đối phó, y lại càng hãi sợ thêm.
Quý vị nên biết Ngũ Quỷ Tảo Hồn thủ pháp là thủ pháp mà người trong võ làm dùng làm độc hình để đối phó với những kẻ cứng đầu cứng cổ, nhưng rất ít người biết được môn thủ pháp ấy. Nhưng Hồ Diên Dị đã biết Phả Cái là người ác độc có tiếng, nên y đoán chắc ông ta thể nào cũng biết thủ pháp đó.
Lỗ Trí nghe nói cũng giật mình đánh thót một cái, y là người rất chính trực, biết mình địch không nổi một ngón tay của Phả Cái, nhưng y vẫn không hãi sợ mà lên tiếng nói :
- Lão tiền bối sử dụng thủ pháp âm độc như thế người nào chịu nổi, ai mà chẳng phải nhận bừa tội lỗi.
Long Uyên thấy y nói như vậy cũng khen ngợi thầm. Phả Cái liền trợn mắt lên quát bảo :
- Tiểu tử ngươi đừng nói lôi thôi nữa, có mau đứng sang một bên không?
Nói xong ông ta giơ tay lên điểm vào người Hồ Diên Dị và hỏi :
- Ngươi chịu nói hay không?
Hồ Diên Dị hoảng sợ đến run lập cập và thấy mình mẩy chân tay không còn hơi sức nào nữa liền gật đầu đáp :
- Vâng vâng, lời nói của lão tiền bối quả là sự thật.
Lỗ Trí cười nhạt một tiếng quất tay áo quay mình đi thì Long Uyên đã đỡ lời hỏi Hồ Diên Dị rằng :
- Vậy xác của Vương Kính Thật chôn ở đâu?
Phả Cái bóp tay y một cái rồi hỏi tiếp :
- Phải đấy! Nói đi.
Hồ Diên Dị run run đáp :
- Ở... trong hầm dưới núi giả tại vườn hoa.
Phả Cái cười ha hả hỏi tiếp :
- Thực không?
Hồ Diên Dị gật đầu đáp :
- Tiểu nhân đâu dám nói dối lão...
Y nói chưa dứt, Phả Cái đã nói ngay một câu “được” rồi điểm luôn vào Thất Khảm huyệt một cái rồi mới buông tay ra.
Hồ Diên Dị người mềm nhũn ngã lăn ra đất chết tốt.
Lỗ Trí thấy Long Uyên hỏi tới xác của bọn Vương Kính Thật lại ngừng bước, và thấy vậy chỉ cau mày lại thôi chứ không dám nói thêm.
Phả Cái điểm tử huyệt của Hồ Diên Dị rồi lớn bước đi tới cạnh bên Quảng Thái chừng hai trượng, lôi y lên rồi vứt chồng lên trên người Quảng Võ. Ông đứng cách xa điểm vào tử huyệt của hai người ấy, rồi ông ta sầm nét mặt lại nói với tiêu sư của các tiêu cục rằng :
- Đó là kết quả của bọn gian ác, các vị nên lấy chúng làm gương. Ai có lỗi thì thay đổi bằng không thì cũng nên lấy chúng để khích lệ mình sau này.
Long Uyên ngửng đầu lên nhìn thấy mặt trời đã mọc, liền bảo với mọi người rằng :
- Câu chuyện đến đây tuy có thể gọi là kết thúc được rồi, nhưng tại hạ thiết nghĩ, trong các vị còn có người hoài nghi, cho nên định phiền Lỗ huynh với tám vị cục chủ cùng với Tam Giang tiêu cục đào xác của Kính Thật các người lên tra xét xem.
Nói xong, chàng ngừng giây lát lại nói tiếp :
- Chuyến này Kính Thật các người tới đây chưa hoàn thành công việc đã bị toi mạng như vậy, tại hạ ở đây không quen biết ai, có lòng mà không có sức, định mời Tiếu Diện tiền bối chủ trì đại cuộc mà mời các vị cục chủ và bạn Lỗ trợ giúp sớm bán hết số châu báu ấy để mua lương thực rồi đem thi hài của Kính Thật các người về Sào Hồ chôn cất và tế bần, không biết các vị có vui lòng làm việc nghĩa này không?
Lỗ Trí với các người đến giờ mới tin là sự thực, ai nấy liền thay đổi thái độ đồng thanh hỏi lại. Lỗ Trí lên tiếng trước :
- Lỗ Trí ngu muội nhất thời không biết rõ lòng nghĩa hiệp và cử chỉ hào hùng của các hạ nên vừa rồi mới có vẻ hoài nghi như vậy. Bây giờ tại hạ càng hổ thẹn hết sức, nay lại được các hạ rộng lượng thứ như thế, tại hạ tuy bất tài nhưng cũng xin thề hoàn thành công việc của các hạ dặn bảo và kế tiếp di chỉ của Vương Kính Thật các người...
Hoa Hoa cục chủ của Hoa Hung tiêu cục cũng lên tiếng :
- Lòng hào hiệp của các hạ thực trên thiên hạ này có mấy ai sánh kịp. Hoa mỗ tuy bất tài nhưng rất vui lòng chờ các hạ sai bảo.
Lục Đạt một người khùng và trực tính cũng la lớn :
- Này... này... này, có cho lão Lục này dự vào công việc...
Vân Tuệ đứng ở phía sau Long Uyên chưa nói nửa lời, bây giờ trông thấy hình dáng và cử chỉ của Lục Đạt như vật cũng phải cười khì và khẽ đáp :
- Được, thiếu hiệp thể nào cũng có phần dự.
Lục Đạt nghe nàng nói như thế định nói tiếp, nhưng nuốt lời ngay rồi ấp úng một hồi mới oán than rằng :
- Mỗ không nói chuyện với đàn bà, việc gì tới cô nương mà cũng can thiệp vào...
Lời nói của y tuy nhỏ nhưng ai nấy cũng đều nghe thấy hết và cười ồ.
Long Uyên thấy đã trưa rồi liền nói :
- Những việc nơi đây chưa xong, còn lại mấy cái xác phiền quý vị mai táng hộ cho. Trưa hôm nay tại hạ với Tiếu Diện tiền bối đợi chờ quý vị ở khách sạn Phúc Long.
Lỗ Trí với các người đều chắp tay chào và đáp :
- Mời các hạ với các người về trước, Lỗ Trí với các cục chủ chôn cất mấy cái xác này xong sẽ tới khách sạn ngay.
Long Uyên cũng chắp tay đáp lễ, rồi cùng Vân Tuệ với Phả Cái đi luôn. Phả Cái đi trước, chàng với Vân Tuệ đi sát cánh nhau, trông hai người đi rất ung dung nhưng tốc độ rất kinh người, chỉ thoáng cái đã xuống dưới chân núi liền.
Người của tiêu cục thấy khinh công của hai người như vậy đều kinh ngạc và thán phục. Một lát sau các người mới định thần và bàn cách chôn cất cho mấy kẻ kia Trưa hôm đó mọi người đã tới Phúc Long khách sạn, tên tiểu bảo Đa Khẩu vội chạy ra nghênh đón. Hoa Hoa liền hỏi y rằng :
- Tiểu bảo, Tiếu Diện tiền bối ở phòng nào mau đi bẩm báo cho người hay là có bọn lão phu chín người đến thăm.
Đa Khẩu ngẩn người ra và đáp :
- Quý vị lão gia tới kiếm ai? Tiếu Diện tiền bối là ai? Tiểu điếm không có ai tên là Tiếu Diện cả.
Mọi người mới biết y hiểu lầm và chắc y cũng không biết danh hiệu của Phả Cái, định giải thích cho y hay, nhưng lại thấy không tiện.
Đang tiến thoái lưỡng nan thì bỗng nghe thấy ở phía sau có người lên tiếng hỏi :
- Tửu điếm có một người ăn mày già với một tướng công bé nhỏ ở khách điếm không?
Mọi người quay đầu lại nhìn mới hay y là Lục Đạt.
Lục Đạt vừa vào tới nơi thấy tám vị cục chủ ở trong khách điếm liền vái chào. Phả Cái từ trong bước ra mời mọi người đi vào trong nhà ngồi xuống và nói :
- Được các vị cùng giá lâm già què này thật là mừng rỡ vô cùng. Vợ chồng Long công tử nhờ vả già này công việc đó, nhưng già què mới tới kinh sư lần đầu việc gì cũng bỡ ngỡ. Vậy phải mong quý vị giúp sức cho mới được.
Nói xong ông ta mở hai cái bọc để ở trên bàn ra, mọi người liền thấy có vô số châu báu, ánh sáng của những châu báu đó chiếu sáng lóe cả căn phòng.
Đa Khẩu thấy nhiều châu báu như thế cũng phải kinh ngạc đến đờ người ra hồi lâu mới hoàn hồn và bụng bảo dạ rằng: “Ối cha mẹ tôi, ông già này kỳ lạ thực có nhiều châu báu như thế không biết hưởng dùng, lại cứ ăn mặc rách rưới như ăn mày thế này. Thực là trời sinh ra kẻ chỉ biết giữ của thôi. Nếu là ta... ối cha mẹ ôi...”
Các cục chủ của chín tiêu cục làm nghề bảo tiêu suốt đời đã bảo tiêu cho người khác rất nhiều nhưng cũng chưa bao giờ thấy nhiều vàng bạc châu báu như thế này bao giờ cả. Nên người nào người nấy đều kinh ngạc đến đờ người ra.
Lục Đạt nhanh mồm nói :
- Ối chà! Những vật báu này đáng tiền lắm. Này này, tướng công với người đàn bà kia đâu?
Phả Cái thấy y ăn nói vô lễ như vậy trừng mắt lên nhìn, rồi mới móc túi lấy một tờ giấy ra để lên trên bàn thủng thẳng nói :
- Chỗ châu báu này làm chín phần mỗi vị mang dùng một phần đi bán rồi theo hóa đơn này mà mua quần áo, thức ăn dụng cụ, xong đâu đấy dùng thuyền chở đi Sào Hồ. Còn xác của Kính Thật năm người thì phiền Lỗ lão đệ vất vả đi thêm một chút, mua hộ mấy cổ quan tài cho vào, rồi đợi chờ ngày lên đường mà cùng chở đi Sào Hồ một thể...
Nói xong, ông ta mới quay đầu trả lời Lục Đạt :
- Long công tử với phu nhân vì có việc cần đã lên đường đi Hoàng Sơn rồi. Hai vị ấy có nhờ lão ăn mày hỏi thăm quý vị và mong quý vị thương hại những nạn nhân mà tận tâm giúp sức hộ. Long công tử còn dặn lại điều này nữa, quý vị mỗi người được lựa một vật báu ở trong đống châu báu này tùy theo ý muốn của mình, ai thích vật gì thì lấy vật ấy chứ không bắt buộc ai phải lấy vật nào cả...
Lỗ Trí là người chính trực vô tư nên y không đợi chờ Phả Cái nói dứt đã vội đáp :
- Tiền bối với Long công tử là người hào hiệp nghĩa khí. Lỗ Trí tôi tuy bất tài thực, nhưng không dám lấy như thế. Hà tất lão tiền bối phải nhắc nhở đến tiểu công như thế làm chi. Thiết nghĩ với danh vọng của lão tiền bối oai trấn Lưỡng Giang như vậy, thì có bọn trộm cướp nào dám dòm ngó đến những tiền bạc và châu báu này. Còn chúng tôi đi theo như thế này chỉ gọi là tận một chút sức mọn thôi, chứ có việc gì đến chúng tôi phải bảo tiêu đâu. Nên chúng tôi không dám nhận tiền công gì hết.
Mọi người thấy Lỗ Trí nói như vậy đều hùa theo, nhưng Phả Cái vẫn cương quyết nói :
- Nói thực cho quý vị biết, những châu báu này là của Long công tử giao cho Kính Thật để cứu các nạn nhân ở Sào Hồ đấy. Gia tài của Long công tử có hàng muôn ức. Hồi nhỏ y gặp kỳ ngộ và đã tìm thấy bảo tàng lượm được rất nhiều châu báu. Công tử nói “Một vật mọn này là Long mỗ tặng quý vị làm kỷ niệm thôi, chứ không dám nói đến tiền công tiền cán gì cả”. Mong quý vị đừng có từ chối mà phụ lòng của Long công tử.
Mọi người nghe thấy Phả Cái nói như vậy đều kinh ngạc vô cùng và cũng kính ngưỡng Long Uyên không thể tưởng tượng được.
Nên không ai từ chối gì nữa, mỗi người liền cầm một vật báu, nhưng đầu óc người nào cũng trông thấy hình bóng của một văn sĩ trung niên hiện ra trước mặt đang tủm tỉm cười và gật đầu tán thành. Đồng thời còn văng vẳng nghe thấy lời phó thác của chàng nữa.
* * * * *
Một chiếc thuyền buồm đang đi ngược lên phía trên sông Trường Giang, nhưng nhờ thuận buồm xuôi gió nên chạy rất nhanh. Trong khoang thuyền đang có một thiếu nữ đẹp như hoa nở, nàng không ngắm nhìn cảnh đẹp bên sông mà cứ nhìn thẳng vào mặt thiếu niên xấu xí ngồi cạnh.
Thiếu niên ấy trông rất tao nhã, mình vận nho phục màu vàng, đầu đội một cái khăn, giữa trán có đính một viên ngọc ám màu hồng, trông hình dáng của chàng rất phong lưu và tao nhã. Nhưng tiếc thay mặt vàng như sáp, má có một cái sẹo lớn trông xấu xí vô không thể tưởng tượng được. Thiếu nữ là người ngoại quốc tóc vàng, mắt xanh, nàng không ngắm nhìn cảnh bên ngoài mà lại cứ nhìn thẳng vào mặt thiếu niên xấu xí rồi cất giọng thỏ thẻ hỏi :
- Uyên đệ nghĩ gì thế?
Thì ra thiếu niên xấu xí ấy chính là Long Uyên, còn nàng nọ không cần nói rõ quý vị cũng biết là Vân Tuệ.
Long Uyên nghiến răng mím môi thở dài một tiếng rồi đáp :
- Thời gian nhanh chóng thực, chỉ thoát cái đã được bảy tháng rồi, đệ hẹn ước với gia đình một năm là phải trở về, chỉ còn năm tháng nữa là tới kỳ hẹn nhưng dù sao đệ cũng phải về nhà một phen cho trọn hiếu đạo.
Vân Tuệ nghe nói cũng thắc mắc hết sức, nàng không biết có nên theo chàng đi về chuyến này không? Nàng rất yêu Long Uyên, hai người đã đính hôn với nhau rồi, nhưng nàng được Cô Độc Khách nuôi nấng dạy bảo từ hồi thơ ấu, ơn đức của vị sư phụ ấy rất lớn rộng. Từ khi Cô Độc Khách bị thương nặng chết đến giờ, nàng đã thề thể nào cũng phải trả thù cho sư phụ, nhưng bây giờ nàng nghe Tam Phi nói mới biết những kẻ thù của sư phụ đều là những tay có võ nghệ rất cao siêu mà đa số là người Chưởng môn của các đại môn phái. Nàng đang định cùng người yêu liên thủ, để trả lời cho sư phụ mình. Ngờ đâu lại nghe thấy người yêu nhắc nhở đến chuyện đi về.
Sự thực chuyện về quê đó là một chuyện rất giản dị, nhưng gia đình Long Uyên chín người chú bác chỉ có một mình chàng để nối dòng dõi thôi.
Như vậy đã về tới nhà khi nào các vị ấy lại chịu cho chàng ra đi lần nữa. Nếu nàng theo chàng về nhà không được các vị bề trên ưng ý cũng không sao, nhược bằng có một, hai vị thương nàng mà bắt hai người phải thành hôn rồi nàng đã trở thành một nàng dâu mới, vậy thử hỏi khi nào các vị bề trên để cho một nàng dâu đi lại trên giang hồ như thế. Chưa biết chừng có thai thì càng lại không đi được nữa.
Như vậy có phải là mối thù của sư phụ không sao trả được. Vì thế nàng mới phân vân khó xử, nhưng không theo chàng về lỡ chàng bị các bị bề trên bắt lấy vợ đẻ con để nối dòng nối dõi có phải là mình bị cỏ rơi không?
Long Uyên bỗng thấy Vân Tuệ cau mày nghỉ ngơi và mặt lộ vẻ âu sầu chàng ngạc nhiên vội nắm tay nàng khẽ hỏi :
- Chị Tuệ chả lẽ chị không không muốn theo tôi về nhà hay sao?
Vân Tuệ tựa ngay vào ngực Long Uyên u oán đáp :
- Uyên đệ không phải là tôi không muốn về nhưng sự thực không thể...
Long Uyên nghe thấy nàng trả lời như vậy kinh ngạc hết sức vội hỏi :
- Tại sao?
Vân Tuệ khẽ thở dài một tiếng và khẽ giải thích rằng :
- Uyên đệ sinh trưởng với tôi từ hồi nhỏ tới giờ, tất nhiên phải biết tôi nhờ có ân sư thì mới có ngày hôm nay, tâm nguyện duy nhất của tôi là phải làm thế nào để trả thù cho sư phụ. Nếu tôi theo...
Nói tới đó, nàng bèn nói đến tâm sự của mình cho chàng ta hay và nói tiếp :
- Đấy hiền đệ thử nghĩ xem, tôi làm sao mà bỏ mối thù tày trời của ân sư mà không lý đến?
Long Uyên nghe xong mới vỡ nhẽ và chàng nhận thấy sự ước đoán của nàng rất đúng, nàng có thể không về ngay cũng được, nhưng mình thì không được và nàng theo mình thế nào cũng bị thành hôn, như thế làm sao mà đi trả thù cho sư phụ nàng được? Vấn đề này quả thực khó giải quyết vô cùng.
Vân Tuệ thấy chàng không nói năng gì, lại thở dài một tiếng và nói tiếp :
- Tôi cũng biết việc này đối với hiền đệ quả thật là khó nghĩ nên tôi nhận thấy hiền đệ không nên yêu tôi...
Long Uyên nghe thấy nàng nói như thế giật mình kinh hãi vội hỏi lại :
- Sao chị lại nói như vậy? Chị trông nom và dạy bảo tôi từ nhỏ tới giờ, lại được chị hứa hôn cho, ơn đức này tôi không biết lấy gì để báo đền dù gạt hai chữ ơn đức sang một bên mà chỉ nói đến chữ yêu, chúng ta gần gũi nhau bấy lâu lúc nào mà tôi chẳng yêu chị, ngoài chị ra tôi không thể nào yêu một người thứ hai được.
Vân Tuệ nghe nói giơ tay ôm lấy cổ chàng, nàng vô cùng cảm động nức nở khóc và đáp :
- Hiền đệ tử tế thực... Tôi biết lòng của hiền đệ... Nên tôi càng không yên. Sự thực hiền đệ không nên như thế... Hiền đệ có thể lấy tam thê tứ thiếp... quý hồ đừng bỏ rơi tôi là tôi toại nguyện lắm rồi...
- Tại sao chị lại nói như thế? Chị đã biết lòng tôi, sao chị lại không biết tính nết của tôi... ngoài chị ra chỉ còn Lan muội nữa, có thế thôi, tôi nhất định không lấy người khác nữa. Vì tôi...
Chàng bỗng nghĩ tới Phong Lan, sự thực lúc này Phong Lan đã chiếm được một phần trái tim của chàng rồi.
Vân Tuệ nghe chàng nhắc nhở tới Phong Lan liền ngẩng đầu lên lườm chàng một cái, mặt hết rầu rĩ ngay và lườm chàng chàng một cách huyền bí.
Long Uyên thấy nàng lườm mình không hiểu cái lườm ấy ngụ ý gì, nên chàng không dám nói tiếp nữa.
Vân Tuệ thấy vậy vội hỏi :
- Sao hiền đệ không nói nữa?
Long Uyên có vẻ lo sợ bụng bảo dạ rằng: “Chẳng lẽ nàng có lòng ghen chăng?”
Nhưng chàng không dám nói ra, phần sợ nàng hổ thẹn, phần vì sợ nàng có ý định ấy thực. Vì xấu hổ quá mà hóa giận, hiểu lầm lại tưởng mình yêu Phong Lan hơn nàng, như vậy có phải phiền phức không?
Rồi chàng cau mày lại giả bộ không hiểu gì, trái lại còn hỏi Vân Tuệ rằng :
- Chị nói gì thế?
Vân Tuệ không ngờ chàng lại khéo đóng kịch như vậy liền cười khì một tiếng và mắng yêu rằng :
- Hiền đệ hư lắm! Có phải lỡ lời nói hết tâm sự ra cho tôi nghe rồi phải không? Hừ! Các người đàn ông cá mè một lứa cả, tưởng tôi là con ngốc không biết hay sao?
Long Uyên mới hay người đàn bà nào cũng hay ghen hết, chàng lại nắm lấy hai tay Vân Tuệ thành thực hỏi :
- Thế nào là cá mè một lứa, chị đừng có trách lầm người tốt, Long Uyên tôi dù hư thân mất nết tới đâu cũng không đến nỗi như người thường tục mà được voi đòi tiên như thế. Nói tới Phong Lan tiểu đệ quen biết nàng đã lâu nhưng chỉ coi nàng là ngươi em gái thôi. Nếu không phải chị cố kéo nàng vào trong bảo cái gì chị em đồng tâm thì tôi đâu...
Vân Tuệ thấy thái độ của Long Uyên thành thực như vậy, không đợi chờ chàng nói xong đã vội nghiêm nét mặt mặt thở dài một tiếng rồi mới đỡ lời :
- Nói thực đấy, đàn bà con gái ai mà chẳng hay ghen, có ai bằng lòng chia sẻ chồng mình cho người khác đâu. Vân Tuệ tôi tuy không dám tự coi rẻ mình và tự cho mình là thôn phu ngu nữ như thế, nhưng vẫn thường áy náy trong lòng. Tuy vậy tình thế bắt buộc tôi không thể nào không chịu đau đớn mà san sẻ tình yêu cho người khác được.
Long Uyên thấy nàng đã tự nhận mình có ghen thực và thái độ của nàng thành thực như thế chàng cũng phải muốn cười nhưng không dám cười đành phải bấm bụng chịu nhịn.
Vân Tuệ thấy bộ dạng của chàng buồn cười như vậy mặt đỏ bừng và nói tiếp :
- Uyên hiền đệ chớ có hiểu lầm ý nghĩ lời nói của tôi, sở dĩ trước kia tôi muốn lôi kéo Phong Lan về hùa, dụng ý của tôi đã nói cho hiền đệ nghe rồi. Nhưng bây giờ nghe nói hiền đệ phải về nhà thì tôi nghĩ sang một chuyện khác.
Long Uyên thắc mắc vô cùng vôi hỏi :
- Việc gì thế?
- Chúng ta rời Hoàng Sơn rồi, dù sao hiền đệ cũng phải nghĩ cách làm cho Phong Lan khỏi hiểu lầm hiền đệ trở về nhà trước. Khi về tới nhà rồi hiền đệ có thể xin phép mà ra đi được càng hay, bằng không ở nhà thành hôn với Phong Lan trước để an ủi các vị chú, bác, cha, mẹ. Như vậy vẫn...
Nàng chưa nói dứt, Long Uyên đã vội xua tay phản đối rằng :
- Không được, thế còn chị thì sao? Việc của chúng ta chưa làm xong thì khi nào tôi lại chịu cùng Phong Lan...
Vân Tuệ tủm tỉm cười vội ngắt lời chàng và nói tiếp :
- Quý hồ tôi với Phong Lan đã nói với nhau trước rằng dù ai kết hôn trước ai kết hôn sau cũng không thành vấn đề. Hiền đệ nên biết các vị chú, bác mong sớm có cháu, vì sự thực bắt buộc tôi phải theo đệ về nhà, nếu không đem theo Phong Lan đi thì các chú bác thế nào cũng bắt hiền đệ phải lấy người khác. Cho nên nếu hiền đệ phải lấy một người tôi không quen biết thì sao? Thà rằng để hiền đệ lấy Phong Lan người quen biết tôi có hơn không?
Nàng nói tới đó đổi giọng từ từ nói tiếp :
- Còn việc của tôi quyết định sau khi hiền đệ đi về nhà rồi thì tôi sẽ tìm Phả Cái để thương lượng với ông ta những cách điều tra ra hung thủ chính để trả thù cho ân sư tôi mới quay trở về kiếm hiền đệ...
Long Uyên cau mày lại hỏi :
- Tất cả bao lâu mới xong?
Vân Tuệ u oán thở dài một tiếng rồi đáp :
- Chóng thì một năm, lâu thì ba năm theo sự ước đoán của tôi thì ba năm đủ lắm rồi.
Long Uyên kêu “ồ” một tiếng rồi nói tiếp :
- Ba năm ư? Lâu quá! Tôi chỉ muốn ở cạnh chị để giúp chị.
Vân Tuệ vội giơ tay ra vuốt ve má của chàng tỏ vẻ thương yêu và nói tiếp :
- Có phải tôi muốn sống một thân một mình đâu, tất nhiên thể nào cũng mong có hiền đệ ở bên cạnh.
Giọng nói của nàng vừa dịu dàng vừa run run mặt nàng trông cũng đáng yêu vô cùng. Long Uyên thấy vậy vừa thương hại vừa yêu, trong lòng cảm động hết sức liền giơ hai tay ra ôm nàng vào lòng vừa hôn vừa nói :
- Chị Tuệ.
Vân Tuệ nằm trong lòng chàng vừa hổ thẹn vừa mừng rỡ khẽ nhắm nghiền hai mắt lại cho chàng hôn hít. Thuyền vẫn tiếp tục trôi ở trên sông, bốn bề yên lặng ngoài tiếng gió thổi vi vu ra, hai người chỉ nghe thấy trống ngực đập liền hồi.