Hãy nói về Phong Lan và Võ Di bà bà, chia tay với Vân Tuệ rồi lên đường đi bộ, nhưng nhất thời Phong Lan không biết đi đâu để tiêu khiển chờ ngày hẹn ước với Vân Tuệ đi Hoàng Sơn để nhờ nàng ta kiếm Long Linh Vân hộ nàng.

Còn Vân Tuệ là Long Uyên thì đang âu yếm nhau ở trong thuyền. Đang lúc ấy, hai ngươi bỗng nghe thấy người lái đò thất thanh kêu la, tiếng kêu rùng rợn làm hai người giật mình kinh hãi vội đẩy cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Liền thấy miền hạ du chỗ cách thuyền mình chừng mười trượng, nơi đó có một khoảng núi mọc đối diện nhau ở hai bên bờ sông, khiến lòng sông chỗ đó bỗng hẹp lại chỉ còn rộng chừng hai chục trượng thôi. Trên mặt sông một sợi xích sắt căng ngang chừng năm thước, sợi xích đó to chừng bằng cánh tay trẻ con.

Thuyền của Kính Thật đi trước không kịp hạ buồm xuống nên va chạm phải sợi xích sắt đó, mũi thuyền đâm trúng ngay sợi xích, lòng thuyền nứt một miếng thật lớn. Chiếc thuyền vướng ngay vào dây xích ấy liền từ từ chìm xuống. Những người lái đò cả kình thất sắc, có tên vì thuyền rung động quá mạnh đã rớt xuống sông trôi ra ngoài xa rồi.

Còn mấy tên chưa rớt xuống nước thì cuống quýt không biết đối phó hoàn cảnh hiểm nghèo đó ra sao?

Kính Thật với bốn người tiêu sư đang ở trong khoang, đoán chắc bên ngoài đã có việc xảy ra, chưa kịp đi thì người nào người nấy bị thuyền rung động ngã lăn kềnh ra hết. Giây phút sau, mấy người mới bò dậy chui ra ngoài khoang thuyền.

Thuyền của Long Uyên cách thuyền ấy mười mấy trượng thôi và lúc ấy đang thuận buồm xuôi gió, thuyền đi nhanh như bay chỉ trong nháy mắt cũng sắp va chạm phải sợi xích rồi.

Vì vậy người lái đò mới kinh hoảng như trên.

Người lái đò cũng biết sợi xích sắt này thế nào cũng do Song Lương ở trên núi đông, tây Lương Sơn treo ngang như vậy để ngăn cản những thuyền qua mà xông ra cướp bóc.

Tất nhiên những thuyền chài chống đỡ sao nổi với bọn giặc Song Lương trên núi Lương Sơn này. Hơn nữa, thuyền đang đi nhanh như thế, họ cũng không có cách gì mà tránh khỏi va chạm phải sợi xích kia.

Long Uyên thấy tình thế hiểm nghèo như vậy, chàng cũng quên cả hóa trang dị dung và cũng không kịp nói cho Vân Tuệ hay, vội xuyên qua cửa sổ, người lơ lửng trên không giơ một ngón tay gạch một cái, dải buồm đứt làm đôi, buồm rớt ngay xuống. Rồi chàng giở Phi Long Hồi Không ở trên không lượn một vòng từ từ hạ chân xuống mũi thuyền.

Chàng lại giở Đơn Thiết thần công ra đẩy một cái về phía trước khiến chiếc thuyền đang đi rất nhanh mà bỗng lùi lại hơn mấy trượng.

Lúc ấy Vân Tuệ cũng nhảy ra theo. Nàng khẽ đẩy sang bên phải một cái, mũi thuyền đang xoay về phía trái từ từ tiến vào bờ. Chiếc thuyền chỉ cách dây xích không đầy hai trượng và trong nháy mắt đã tới gần. Long Uyên đứng ở mũi thuyền giơ tay ra khẽ nắm dây xích sắt ấy, chiếc thuyền liền trôi ngang giáp sợi xích.

Những người thuyền chài ở trên thuyền của Kính Thật bàng hoàng sợ không biết biết đối phó ra sao. Bây giờ bỗng thấy chiếc thuyền của Long Uyên ghé tới gần liền kêu la cầu cứu ngay. Kính Thật vác bọc áo lớn đang cùng bốn tiêu sư ngơ ngác nhìn nhau không có cách gì thoát thân, thì bỗng trông thấy Long Uyên, y cả mừng kêu gọi :

- Long công tử cứu tiểu...

Long Uyên vội đáp :

- Ông chủ chờ đó, tại hạ ghé thuyền lại gần thuyền của ông liền.

Nói xong, chàng giữa chặt dây xích, hai chân đạp mạnh một cái, thân thuyền đưa sang ngang hai trượng, dưới thuyền vừa va chạm phải chiếc thuyền vỡ của Kính Thật.

Những người ở thuyền bên kia đều nhảy sang thuyền này, cả tên thuyền chài rớt xuống sông cũng bơi lại gần leo lên. Đang lúc ấy, hai bên sườn núi bỗng có bốn chiếc thuyền bơi ra, mỗi chiếc thuyền dài chừng hai trượng trên có tám người bơi. Đằng mũi có bốn, năm đại hán ngồi, đi nhanh như bay tiến tới gần hai thuyền của Long Uyên và Kính Thật. Khi mấy chiếc thuyền đó sắp tới gần đã có một người trong bọn lớn tiếng quát :

- Bọn nào định phá hoại mối hàng của Song Lương thế? Mau báo danh họ cho chúng ta hay!

Long Uyên thấy vậy tức giận thầm, bụng bảo dạ rằng: “Song Lương của Lương Sơn này đặt xích sắt ở đây để cướp bóc thật ác độc khôn tả, không những chúng cướp thuyền chài của người mà còn làm khổ cả bọn thuyền chài nữa. Những người lái đò nhờ thuyền để sinh sống không có chỗ chôn thân”.

Chàng chờ mọi người ổn định rồi chờ bốn chiếc thuyền kia đến để cho chúng một bài học.

Vân Tuệ biết ý chàng liền đảo ngược đôi ngươi suy nghĩ một chút đoạn lên tiếng :

- Uyên đệ! Chúng ta mau ghé thuyền vào bờ trước. Bằng không, lúc ra tay đấu, tuy chúng ta không sợ chúng, nhưng ông chủ họ Vương và các người không biết bơi, lỡ rớt xuống sông có phải...

Long Uyên nghe nói nhận thấy ý kiến của nàng rất phải liền gật đầu đáp :

- Hay lắm! Chị mau bẻ lái để tôi ngắt đứt sợi xích sắt này đã.

Nói xong, chàng vươn tay ra nắm chặt sợi xích sắt, vận Đơn Thiết thần công lên giở mười thành chân lực quát lớn một tiếng, dây xích dài hơn hai mươi trượng cột ở hai bên sườn núi treo lòng thòng ở giữa sông đã đứt ra làm đôi.

Chiếc thuyền của chàng không bị cản trở liền đi nhanh như tên bay phi thẳng xuống miền xuôi.

Vân Tuệ bẻ lái thuyền ghé vào bờ bên trái. Bốn chiếc thuyền kia còn cách thuyền của chàng hơn mười trượng. Chúng thấy Long Uyên giở thần lực ra bẻ đứt sợi xích sắt và Vân Tuệ thì dùng nội công đẩy thuyền đi, chúng đều cả kình thất sắc kinh ngạc thầm. Vì chúng không ngờ hai thanh niên nam nữ anh tuấn như vậy mà lại có võ học thần kỳ đến như thế. Nhưng chúng thì bơi lội cao cường, đa mưu lắm kế, nên tuy kinh hãi mà chúng không hoảng sợ vẫn tiếp tục đuổi theo như thường.

Bốn tiêu sư trông thấy đôi thanh niên nam nữ có võ học kỳ lạ như vậy vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ vừa kính mến, vừa hổ thẹn. Chúng đang hoảng sợ bây giờ mới được yên dạ.

Ở hai bên thượng hạ lưu đều có vô số thuyền, vì thấy dây xích của Song Lương cản trở nên họ đều đậu cả hai đầu. Bây giờ chúng thấy dây xích sắt đã đứt, tuy không thấy rõ lắm nhưng cũng cả kinh và chúng cho người giật đứt sợi dây xích sắt ấy ắt phải là thần thánh chứ không phải là người thường.

Vân Tuệ vận nội công đẩy thuyền đi, chiếc thuyền đi nhanh như một mũi tên chỉ trong nháy mắt đã ghé vào bờ bên trái liền. Long Uyên đứng ở trên mũi thuyền hai mắt sáng như điện nhìn vào những tảng đá lởm chởm ở trên bờ, đồng thời chàng thấy sau những tảng đá đó có rất nhiều lâu la cầm cung nỏ đang giơ lên định bắn. Chàng liền cau mày lại bảo cho Vân Tuệ hay :

- Chị Tuệ, hãy cho thuyền đi xuống một quãng nữa rồi hãy ghé bờ!

Chàng vội lái mũi thuyền ra giữa sông, liền vận công vào hai tay áo phất ra hai luồng cương khí vô hình đạp mạnh xuống mặt nước kêu đến “bùm” một tiếng, nước bắn cao hơn trượng, thân thuyền đã nhanh như một mũi tên tiến thẳng xuống miền hạ lưu.

Bọn lâu la ở trên thấy vậy kêu la om sòm, bắn tên như mưa xuống.

Long Uyên sợ những người khác bị vạ lây, vội phất tay áo xuống sông. Không bao lâu thuyền của chàng đã ra khỏi chỗ có đá ngầm. Những người lái đò lúc này mới hoàn hồn, đối với đôi thanh niên nam nữ này, họ đều cảm phục vô cùng.

Người chủ thuyền vội kéo tay Vân Tuệ rằng :

- Cô nương muốn ghé bờ phải không, để tiểu nhân đỡ tay cho.

Tuy Vân Tuệ biết lái thuyền, nhưng không biết thế nước ra sao, giờ nghe thấy người chủ thuyền nói thế liền đưa tay lái cho y, còn mình cũng ngưng tay lại.

Một lát sau thuyền đã ghé bờ, bảy, tám thuyền chài với bắc cầu cho mọi người lên. Long Uyên nhảy lên bờ trước, chàng thấy bốn chiếc thuyền nọ sắp đuổi tới nơi, chỉ còn cách mấy chục trượng thôi, liền lên tiếng nói với mọi người :

- Các vị mau lên bờ tìm địa thế ẩn núp và tụ họp một nơi đề phòng bọn giặc đánh lén. Trong thuyền không cần để lại một người nào hết.

Mọi người coi chàng như một vị thần liền nghe lời lần lượt lên bờ ngay.

Long Uyên với Vân Tuệ phi thân lên trên bờ rồi đưa mắt nhìn chung quanh và thấy phía bên phải mình có một cái đèo núi bằng phẳng trên có cây cối um tùm đoán chắc là Lương Sơn.

Còn phía bên trái là cánh đồng rộng mênh mông, xa xa có làng mạc và rừng rậm. Ngoài tiếng gà gáy, tiếng chó sủa thỉnh thoảng vọng tới, ngoài ra thì yên lặng như tờ.

Chủ thuyền và ông chủ họ Vương cùng bọn tiêu sư tất cả hơn mười người vội đi vào rừng ẩn núp. Bốn người tiêu sư canh gác bốn mặt để phòng bọn giặc đánh lén giết hại những kẻ vô tội.

Bốn chiếc thuyền đạo tặc chỉ thoáng cái đã tới gần. Người trên thuyền thấy Long Uyên và Vân Tuệ trông như Tiên Đồng Ngọc Nữ, nhưng là một thiếu nữa ẻo lả và một thư sinh yếu ớt, cả hai đang khoanh tay ngắm nhìn nước chảy.

Bọn giặc quên mất thần công oai lực của Long Uyên vừa rồi, lại cho y là một văn sĩ yếu ớt và một thiếu nữ này có nghĩa lý gì đâu.

Chúng chưa đợi thuyền ngừng hẳn đã nhảy lên bờ vây chặt lấy hai người.

Đại hán trung niên mặt mũi dữ tợn, vừa lên tới nơi đã cất tiếng sang sảng hung hăng hỏi :

- Hai vị là môn hạ của ai? Tại sao lại can thiệp vào chuyện của bổn sơn trại? Chắc hai vị chưa biết luật của đông, tây Lương Sơn phải không?

Phương Trực Dân là môn hạ Kim Diện Bồ Tát Huyền Thông chủ trì của chùa Quảng Tế ở núi Cửu Hoa, cách đông, tây Lương Sơn rất gần nên Trực Dân mới quen biết với Lương Sơn.

Lúc này y thấy người lên tiếng nói đó chính là Lương Thế Kiệt, trại chủ của đông Lương Sơn nên y vội chạy lại, không đợi chờ Long Uyên và Vân Tuệ trả lời đã cướp lời nói trước :

- Thế Kiệt huynh! Tiểu đệ là Phương Trực Dân đây.

Mọi người nghe nói vội quay người lại.

Thế Kiệt cười ha hả ngắm nhìn Trực Dân một cái rồi đột nhiên sầm nét mặt lại rồi dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng mới đáp :

- Tưởng là ai, té ra là Phương tổng tiêu đầu của Tứ Kiếm tiêu cục, đệ không biết bạn tới mà ra nghênh đón...

Trực Dân mặt đỏ bừng trong lòng chửi thầm: “Thất phu ngông cuồng thật”.

Tuy y nghĩ như vậy, nhưng y không muốn làm mất lòng đối phương, vẫn phải gượng cười chắp tay chào đối phương và nói tiếp :

- Thế Kiệt huynh hà tất phải như thế! Tiểu đệ mượn đường đi qua, chưa kịp vào núi bái kiến huynh với Thế Hùng huynh, mong huynh lượng thứ cho...

Thế Kiệt cười nhạt một tiếng, hai mắt nhìn trời tỏ vẻ khinh thị. Nhưng y chưa kịp lên tiếng nói thì Thế Hùng đã kêu “hừ” mấy tiếng và đỡ lời ngay :

- Phương tổng tiêu đầu! Ngày hôm nay đã kiếm được cao nhân đỡ đầu cho, có còn coi anh em tại hạ vào đâu...

Trực Dân mặt biến sắc cố nén lửa giận và lên tiếng át lời vô lễ của Thế Hùng :

- Thế Hùng! Huynh không nên nói như thế! Tiểu đệ dầu bất tài đến đâu cũng biết nghĩa khí giang hồ trên hết. Tiểu đệ ở Uyên Nam có lập Tứ Kiếm tiêu cục, bấy nhiêu năm nay được bạn hữu các nơi nể mặt nên chưa xảy ra một chuyện gì cả, và cũng chưa mất lòng một bạn nào hết. Hôm nay, đệ được ông chủ họ Vương nhờ ngấm ngầm bảo vệ ông ta đi Kim Lăng, đi qua quý địa, chỉ mong hai vị nhân huynh nể mặt tiểu đệ mà cho tiểu đệ và các người được qua khỏi. Sau này, tiểu đệ thế nào cũng không quên hai vị nhân huynh.

Thế Hùng cười ha hả đáp :

- Việc mượn đường đi qua là việc nhỏ, anh em tiểu đệ cũng không có ý định làm khó dễ gì Phương huynh cả. Nhưng Phương huynh không nên để cho quý bạn làm đứt mất sợi dây xích ngăn cản sông.

Vân Tuệ đứng cạnh Long Uyên thấy anh em Song Lương ngông cuồng như vậy đã có vẻ bực mình. Lúc này nàng lại nghe thấy Song Lương có ý làm khó dễ bắt bẻ, trong lòng càng tức giận thêm liền trợn ngược đôi mày lên quát lớn :

- Các người muốn gì? Sợi xích sắt ngăn cản giữa sông đó là do Uyên đệ của ta phá hủy. Có việc gì các ngươi cứ việc đối phó với chúng ta được rồi.

Lương Thế Kiệt đã lâu không lên tiếng nói, yên lặng đứng yên ở đó ngắm trộm sắc đẹp của Vân Tuệ. Bây giờ thấy nàng nổi giận cất tiếng oanh như chuông bạc càng tăng thêm vẻ đẹp của nàng, y liền xen lời vừa cười vừa nói :

- Cô nương có chí khí thật, khiến tại hạ rất khâm phục, nhưng không hiểu quý danh là gì, môn hạ của cao nhân nào?

Vân Tuệ trông thấy đối phương mắt xếch mày lém trong lòng đã tức giận vô cùng liền quát mắng :

- Cô nương họ Vân tên là Tuệ. Vị này là sư đệ của ta tên Long Uyên. Còn môn hạ của ai thì các người chưa xứng hỏi tới.

Long Uyên vẫn chắp tay sau lưng đứng ngắm nhìn cảnh sắc trên sông, nghe thấy Vân Tuệ báo danh như thế định ngăn cản nhưng đã muộn rồi.

Bọn Song Lương nghe thấy nàng ta nói như thế đều biến sắc mặt, vì chúng có phải là vô danh tiểu tốt đâu. Lăn lộn trong giang hồ mấy chục năm đã được thiên hạ liệt vào cao thủ hạng nhất và có bao giờ bị người khinh thị như thế này đâu. Hơn nữa, nếu đối phương là những người khét tiếng xưa này cũng không sao.

Nhưng Long Uyên với Vân Tuệ dù có công lực bẻ gãy sợi xích sắt, nhưng tiếng tăm của hai người chưa hề nghe ai nói tới cả. Như vậy càng làm cho người ta khó xử thêm.

Xích Diệm Đao Lương Thế Hùng, liền quát lớn một tiếng xông lên định tấn công luôn. Thủy Đề Hổ Lương Thế Kiệt vội đưa mắt ra hiệu bảo người anh mình đừng ra tay vội, rồi y trầm giọng xen lời nói :

- Cô nương chớ có khinh thường anh em tại hạ vậy. Tại hạ là Lương Sơn Song Lương.

Y vừa nói vừa chỉ mọi người mà giới thiệu :

- Vị này là Thiếu Sơn chủ Đại Lâu sơn, tên là Tam Châm Đoạt Mệnh Lục Tiểu Thanh. Còn mấy vị này là Động Đình Lục Hào, Đại Hào Vương Ngưu Sơn, Nhị Hào Vương Tứ Thủy, Ngũ Hào Vương Chí Hải. Còn vị này là Kim Tiền Lưu Châu Sơn, ở Tiền Đường. Còn vị này...

Long Uyên đưa mắt liếc nhìn mọi người một cái liền cau mày lại lộ vẻ sát khí. Tuy chàng chưa hề nghe thấy những tên của bọn người này bao giờ, nhưng chỉ thấy Phương Trực Dân tỏ vẻ rầu rĩ, chàng cũng đoán chắc thế nào chúng cũng có tên ở trong hắc đạo.

Cho nên chàng càng hậm hực không sao chịu được liền xen lời nói :

- Đương gia họ Lương khỏi phải nhiều lời! Tại hạ Long Uyên tuy hãy còn ít tuổi nhưng cũng biết các vị là tinh anh của lục lâm. Nhưng tại hạ có một điều khó hiểu, sao các vị tụ họp ở đây không làm điều chính đáng mà lại cướp bóc như thế? Nghe nói mấy tháng trước đây ở Sào Hồ có con thuồng luồng xuất hiện, dân chúng điêu đứng, vì nó mà không có nhà ở. Ông chủ họ Vương đã bán hết châu báu của mình đem đi phát chẩn. Tối hôm qua, có những tên giặc cỏ nào mù quáng đã định cướp giật tiền bạc của ông ta. Không ngờ Tiếu Diện Phả Cái đột nhiên xuất hiện đánh cho bọn chúng chạy tán loạn. Lần này tại hạ không muốn lôi thôi, tại hạ thiết nghĩ lần trước Phả Cái đã ra tay can thiệp thì chắc lần này không khi nào ông ta chịu ngồi yên.

Mọi người nghe nói tên Phả Cái, ai nấy đều kinh hãi thầm vội quay mặt lại nhìn, chỉ sợ Phả Cái xuất hiện ngay, nhưng bốn bề chung quanh cũng chỉ có núi hoang và rừng rậm thôi chứ không có bóng người nào hết.

Long Uyên với Vân Tuệ thấy vậy đều tủm tỉm cười.

Lục Tiểu Thanh, thiếu chủ của Đại Lâu sơn - ỷ cha mình Lục Nhất Thanh võ công trác tuyệt và thị mình có võ học cao cường, nhất là môn Kim Châm tuyệt kỹ, lúc phóng kim không có một tiếng gió nào hết, lại thêm gần đây sơn trại Đại Lâu đang phục hưng lại chiêu nạp rất nhiều tay cao thủ thanh thế lừng lẫy hơn trước nhiều, đã sắp tiến tới mức lãnh tụ lục lâm của Lãnh Nam. Cho nên y tuổi mới ba mươi nhưng bất cứ đối với nhân vật nào trong hắc đạo, y cũng có thể đối phó nổi, nên y mới kiêu ngạo như vậy.

Tiểu Thanh thấy Long Uyên và Vân Tuệ cười bọn chúng quá hoảng sợ, liền cả giận nói :

- Tiểu tử kia, ngươi đừng có đem Tiếu Diện Phả Cái ra dọa nạt thiếu Sơn chủ này. Ngày hôm nay, thiếu Sơn chủ tới đây là đã quyết tâm làm chuyện này rồi. Tiểu tử ngươi không biết trời cao đất rộng gì cả, chưa sạch hơi sữa mà cũng muốn dùng mấy miếng võ đuổi mèo ra ngăn cản hành động của chúng ta cắt đứt sợi xích sắt của Lương huynh, chỉ một điểm này, thiếu Sơn chủ với các vị Lương huynh ở đây không thể tha thứ cho ngươi rồi.

Nói tới đó, y nghĩ đến chuyện Long Uyên bẻ đứt sợi xích sắt trong lòng hơi kinh hãi thầm, vì sợi xích sắt đó làm bằng gang nặng hơn ba ngàn cân, ngày thường ngâm dưới đáy sông, lúc sử dụng chỉ quay hai đầu là sợi dây đó nổi lên ngăn cản tàu bè đi lại ở hai đầu. Từ trước đến này chưa có lần nào bị thất thế như lần này cả. Không ngờ lần này sợi dây lại bị Long Uyên bứt đứt, đủ thấy công lực của chàng ta mạnh đến như thế nào.

Tiểu Thanh là người rất tự phụ nhưng y cũng tự biết không đủ sức bứt đứt được sợi xích sắt ấy.

Bây giờ y thấy Long Uyên văn vẻ và trẻ trung như vậy, trông không khác gì một thư sinh yếu ớt thì làm sao mà có được một sức mạnh như thế.

Nhưng y tuy hoài nghi mà không dám tỏ vẻ sợ hãi, nên y mới lôi kéo cả mấy người đi cùng mà bụng bảo dạ rằng: “Dù ngươi có tài ba đến đâu cũng không chống đỡ nổi chúng ta nhiều người như vậy”.

Long Uyên thấy Tiểu Thanh có thái độ ngông cuồng như vậy, chàng chỉ mỉm cười thôi chứ không tức giận chút nào.

Vân Tuệ thấy Tiểu Thanh cứ gọi Long Uyên là tiểu tử thì càng tức giận thêm, liền quát lớn và mắng tiếp :

- Không buông tha cho chúng ta thì các ngươi muốn gì? Bổn cô nương đã nói rồi, các người có tài ba cứ việc giở ra đi. Ngày hôm nay cô nương không cho các ngươi biết chút ít lợi hại thì các ngươi cứ tưởng không có người tài.

Tiểu Thanh tức giận khôn tả nên rút ngay thanh đao hai mũi đeo ở lưng ra nhảy lên giận dữ quát tháo :

- Con nhãi kia! Mi dám ăn nói như vậy, thiếu Sơn chủ này thử ra tay xem ngươi có tài ba như thế nào?

Vân Tuệ cười một tiếng, không thấy người rung động mà nàng đã lướt về phía trước năm thước đến chỗ cách Tiểu Thanh chừng hai thước, liền tiếng quát bảo :

- Ngươi ra tay trước đi!

Nàng mới giở một chút khinh công ra đủ làm cho bọn giặc kinh hãi rồi.

Tiểu Thanh tuy ngông cuồng nhưng cũng là kẻ thức thời, thấy vậy cũng phải kinh thầm, cố nén lửa giận, miệng nói câu “thỉnh” rồi múa đao xông lên tấn công liền.

Vân Tuệ thấy đối phương vừa ra tay đi nhắm ba nơi yếu huyệt của mình điểm tới vì nàng thấy công lực của y cũng khá cao siêu chứ không phải kẻ thường. Nhưng nàng đã quyết định cho bọn chúng khiếp sợ một phen vì vậy nàng thấy khí giới của đối phương đã tới không tránh né gì hết mà cứ đứng yên tại chỗ, trông nàng tựa như ngươi không biết võ công mà hoảng sợ đến đứng đờ người ra vậy.

Thế công của Tiểu Thanh có thể hư có thể thực đó là một thế dùng để dụ địch, chứ mục đích không đả thương địch.

Ngờ đâu đối phương lại cứ đứng yên không phản công gì cả và không coi thế công của mình vào đâu hết. Y càng tức giận thêm, lửa giận vừa nén xuống lại bốc lên ngùn ngụt, bụng chửi thầm: “Con nhãi này muốn chết chắc, như vậy mi đừng có oán thiếu Sơn chủ độc ác nhé?”

Nghĩ xong, y liền nhẹ tay đâm luôn mũi đao vào đại huyệt ở trên vai của Vân Tuệ. Chỉ còn một tấc nữa là trúng đích.

Thế Kiệt thấy vậy thương tiếc thầm: “Tội nghiệp! Một con nhỏ đẹp như tiên nữ thế này mà trong nháy mắt đã biến thành một bãi máu”.

Tuy Long Uyên biết công lực của Vân Tuệ như thế nào và cũng biết ý ra sao, nhưng vì yêu nàng mà chàng cũng toát mồ hôi thầm lo.

Đang lúc ấy, Vân Tuệ hình như chịu không nổi luồng gió mạnh của đối phương lấn át tới, vội ngửa người về phía sau tránh, đồng thời nàng giơ tay trái ra nhanh như chớp phất vào khuỷu tay của địch. Trông nàng ra tay rất ung dung tựa như đuổi ruồi thôi, nhưng sự thật luồng gió ở ngón tay của nàng phất qua một cái đã có tiếng kêu “coong” và Lục Tiểu Thanh đã thấy hổ khẩu tay đau nhức, loạng choạng lui sang bên phải hai bước và thấy tay nhẹ nhõm vội cúi đầu xuống nhìn. Y mới hay con dao hai lưỡi và rất sắc bén của y đã bị gãy làm đôi rồi.

Thủy Đề Hổ, Xích Diện Đao, Động Đình Đại Hào và Nhị Hào... thấy vậy đều biến sắc mặt, nhất là Lục Tiểu Thanh lại càng ngượng nghịu và thấy khó xử.

Nhưng Vân Tuệ cũng ung dung như thường, nàng giơ tay lên vuốt mái tóc mỉm cười và nói tiếp :

- Khí giới của thiếu Sơn chủ sao lại giòn đến như thế nhỉ?

Long Uyên cười khì một tiếng, Tiểu Thanh thiếu Sơn chủ của núi Đại Lâu lại càng hổ thẹn thêm, y không đợi chờ Vân Tuệ nói xong đã thét lớn :

- Con nhãi kia, đừng có làm bộ làm tịch! Ngày hôm nay thiếu Sơn chủ phải thí...

Y chưa nói dứt, đã ném luôn thanh đao gãy vào Thái Dương huyệt ở bên trái của Vân Tuệ. Tiếp theo đó, y lại nhảy xổ lên tấn công luôn năm chưởng và liên tiếp đá sáu cái một lúc, toàn nhằm những nơi yếu điểm của Vân Tuệ mà tấn công.

Vân Tuệ thấy vậy khẽ nhún vai một cái, người nhảy vượt qua đầu Tiểu Thanh rồi hạ chân xuống phía sau kẻ địch để tránh thế công như vũ bão ấy.

Nhưng nàng vẫn chưa ra tay vội, miệng chỉ tủm tỉm cười và nói tiếp :

- Thiếu Sơn chủ chớ nóng lòng như thế vội, phải nên cẩn thận tránh lưng và đùi đi.

Tiểu Thanh vừa xấu hổ và tức giận. Nên y cứ như điên như khùng, hai mắt đỏ ngầu, thấy đánh tới tấp như thế mà không trúng được kẻ địch, y lại quay người lại tấn công tiếp.

Vân Tuệ đi lại tiến thoái trong những thế đấm thế đá của Tiểu Thanh tựa như hồ điệp xuyên hoa ung dung hết sức. Thỉnh thoảng nàng lại còn nói bông đùa vài câu tựa như không phải đấu võ vậy.

Tiểu Thanh tấn công luôn mười mấy thế, cũng không sao trúng được đối thủ một chưởng hay một cái đá nào và càng tấn công bao nhiêu hơi thở của y càng kém sút bấy nhiêu.

Vân Tuệ thấy vậy vừa cười và nói tiếp :

- Võ công của thiếu Sơn chủ chỉ có thế này mà cũng đòi đem ra đấu với người sao? Theo ý bổn cô nương thì thiếu Sơn chủ nên nghỉ ngơi trong chốc lát để hồi phục lại sức lực đã, rồi hãy đấu tiếp cũng chưa muộn.

Nói xong, nàng nhẹ nhàng nhảy lên trên cao, khẽ chạm vào đỉnh đầu Tiểu Thanh một cái.

Bọn thủ hạ của Tiểu Thanh thấy vậy giật mình kinh hãi, tưởng nàng ra tay hạ độc thủ. Chúng đều quát tháo và rút khí giới, nhảy xổ lại tấn công Vân Tuệ để cứu thiếu chủ.

Ngờ đâu Vân Tuệ ra tay trông nhẹ nhàng như không hơi sức gì hết, nhưng sự thật nhanh như điện chớp khiến những người nhảy tới cứu chưa kịp tấn công nàng thì cái khăn đen cột ở trên đầu Tiểu Thanh đã bị hai ngón tay của nàng kéo lên và rớt xuống đất.

Tiểu Thanh bị giật cái khăn ở trên đầu ra, tóc liền xõa xuống vai, y giật mình kinh hãi vội nhảy lùi về phía sau năm thước và đứng yên. Bọn thủ hạ thấy chủ không việc gì nên mới đứng yên không động binh nữa. Nhưng chúng đã bao vây Vân Tuệ vào giữa nên lúc này chúng lại càng thấy tiến thoái lưỡng nan, vì vừa rồi chúng thấy Vân Tuệ khẽ phất tay một cái đã làm gãy được thanh đao của Tiểu Thanh như đùa giỡn vậy. Nên chúng cũng tự biết trong bọn chúng không có một người nào địch nổi nàng cả. Nếu chúng có ra tay đánh thì thế nào cũng bị người ta chê cười mình là cậy nhiều mà vây đánh một thiếu nữ. Mà vây đánh như thế chắc đâu đã thắng nổi nàng. Huống hồ bên cạnh nàng lại còn Long Uyên đang đứng yên cạnh đó trông có vẻ ung dung lắm nhưng trong giang hồ chú trọng khí tiết, đành chết chứ không chịu khuất phục.

Vừa rồi những lời lẽ nhạo báng của Vân Tuệ coi chúng không ra gì cả, như vậy chúng làm sao mà chịu nhịn được.

Long Uyên thấy giặc đang do dự liền cười ha hả, đang định lên tiếng khuyên ngăn không ngờ Vân Tuệ đã chẩu môi tỏ vẻ hờn giận nói :

- Sao các ngươi không ra tay tấn công đi! Bổn cô nương chỉ muốn các ngươi cùng xông lên đánh một lúc để khỏi mất thì giờ diệt trừ từng tên một.

Nói xong, nàng giờ chưởng lên tấn công Vương Ngưu Sơn tức Động Đình Đại Hào, kẻ đứng gần nàng nhất.

Động Đình Đại Hào Vương Ngưu Sơn, người đúng như tên, vì y vừa cao, vừa đen, vừa mập, vừa thô lỗ, tuổi trạc bốn mươi vận võ trang màu đen lưng cột thắt lưng da bò đen. Nhưng cái đó vẫn chưa lấy làm lạ, nhất là người y to như con trâu mà y lại sử dụng đao kiếm rất bé nhỏ, khí giới của y là một con dao găm chỉ độ chừng ba tấc. Nên y cầm con dao ấy ở trong tay có thể nói là không trông thấy khí giới đâu hết.

Ngoài ra, Vương Ngưu Sơn đã luyện nội ngoại công tới mức khắp mình mẩy trừ một nơi yếu hiểm ra thì bất cứ chỗ nào đao kiếm muốn chặt gãy cánh tay y cũng không sao chặt nổi. Nhưng được cái y rất trực tính, đối địch với người chỉ thích đấu xáp lá cà, và y lại sở trường về môn Chiêm Y Thập Bát Diệp tuyệt kỹ Thiếu Lâm (môn võ này cũng như Judo của Nhật Bản) nên ngày thường y đối địch rất ít sử dụng đến khí giới là thế. Lần này y thấy công lực của Vân Tuệ quá cao siêu, nên y mới phải lấy con dao găm ít sử dụng để đối phó.

Y thấy Vân Tuệ giơ chưởng lên tấn công, y không sử dụng dao găm nữa mà cũng giơ tả chưởng lên đẩy mạnh một cái, liền có một luồng kình phong nhắm người đối thủ lấn át tới.

Vân Tuệ thấy vậy không tránh né gì hết, cứ thế mà tấn công mạnh vào tả chưởng của Đại Hào. Còn tay trái thì nàng dùng tay áo khẽ phất một cái quét vào mấy người kia.

Lưu Châu Sơn sử dụng khí giới rất quái dị, khí giới của y không phải đao, không phải móc và cũng không phải đinh, mà là cũng như đồng trinh mài mỏng sắc bén và có tẩm thuốc độc. Vì vậy mà hai tay y cứ phải đeo bao tay da.

Mỗi tay cầm hai sợi dây da, mỗi sợi dài chừng một trượng, hai đầu dây có một đồng tiền vàng, khi đối địch y chỉ múa động bốn sợi dây lên là bốn đồng tiền ở đầu dây có tiếng kêu vo vo khiến đối phương không hiểu là khí giới gì và ngơ ngác nhìn một cái là mắc lỡm y ngay.

Lúc này, Châu Sơn thấy Vân Tuệ đã giở thế công, y liền múa bốn sợi dây roi lên vượt qua tay trái của nàng và nhắm mặt nàng tấn công luôn.

Các người khác như Thủy Đề Hổ đã múa Phân Thủy Kích, Xích Diện Đao múa Hổ Đầu Song Câu. Ngoài ra còn hai thủ hạ của Tiểu Thanh múa song đao cũng xông lại tấn công Vân Tuệ một lúc.

Mấy tên ấy cùng ra tay tấn công Vân Tuệ, nói thì chậm nhưng hành động lúc bấy giờ của mọi người nhanh khôn tả, chỉ nghe thấy kêu “bùng” một tiếng, Vương Ngưu Sơn đối chưởng với Vân Tuệ, y đã dùng tới chín thành công lực mà cũng không chịu nổi và phải lui về phía sau ba bước.

Vì phân tán tâm thần, Vân Tuệ chỉ dùng có năm thành chân lực thôi, nên nàng cũng loạng choạng hai cái, lúc ấy hai tay nàng đang bận đối phó với những người kia nên mặt bỏ trống. Châu Sơn yên trí bốn đồng trinh của mình thế nào cũng trúng mặt của nàng không còn tay đâu mà chống đỡ nữa.

Ngờ đâu, Vân Tuệ đã luyện thành công nội gia chánh tông Thiên Địa Cương Khí, trong lúc cấp bách nàng liền há miệng thổi một cái, một luồng hơi trắng phun ra chống đỡ bốn đồng tiền kia, chỉ nghe thấy kêu “lộp bộp” bốn đồng tiền của Châu Sơn đã từng làm cho y nổi tiếng lâu nay đã bị phá tan hết. Những mảnh vụn bay tứ tung.

Mọi người không ngờ công lực của nàng cao siêu đến thế và thấy những cánh đồng tiền vỡ bắn tới, tên nào tên nấy cuống cả chân tay cứ nhảy nhót lung tung tránh né, tuy không một tên nào bị thương nhưng chúng đều toát mồ hôi lạnh ra và ngẩn người đứng nhìn chứ không dám tấn công tiếp nữa.

Long Uyên thấy vậy cười ha hả lớn tiếng nói :

- Oan gia nên giải không nên kết, có thể tha thứ được thì tha thứ cho họ. Các vị này đều là nhân vật hạng nhất trong võ lâm. Mong quý vị nên bỏ chuyện xích mích ngày hôm nay đi.

Nói tới đó, chàng nhảy luôn vào trong thuyền ở cách đó năm trượng. Chỉ thoáng chốc chàng đã quay trở lại, mỗi tay cầm một nắm trân châu rất lớn và chỉ giơ tay lên một cái mười mấy hạt trân châu to bằng trái nhãn lồng đã từ từ bay tới trước mặt Thủy Đề Hổ, Xích Diện Đao, Đại Hào, Nhị Hào, và Tiểu Thanh các người, rồi chàng lại nói tiếp :

- Chút vật mọn này không đáng là bao, quý vị hảo hán nhận cho và coi đây là tiền thường lại sợi dây xích sắt và tiền mãi lộ.

Thủ pháp ném hạt châu của chàng với thân pháp nhảy lên nhảy xuống thuyền vừa rồi khiến những người kia đều kinh hãi hết sức, vì chúng tự nghĩ không riêng gì chúng không có công lực và tài ba kinh người như chàng mà ngay đến những nhân vật nổi danh nhất trong bạch đạo hay sát tinh hắc đạo cũng không người nào bằng được.

Nếu ra tay đấu với chàng ta thì đừng nói chúng chỉ có mười mấy người cũng chưa chắc đã thắng nổi. Chàng là người tài ba như thế mà không kiêu ngạo, phách lối chút nào, trái lại còn rất khiêm tốn và còn tặng lại vật báu để xin lỗi nữa. Một người đàng hoàng như thế đừng nói trong giới lục lâm, ngay cả những người hiệp nghĩa cũng không có một người những chàng.

Động Đình Đại Hào Vương Ngưu Sơn tính rất khẳng khái, thấy Long Uyên có cử chỉ và thái độ như vậy liền phục sát đất, vội giơ tay ra bắt lấy hạt châu, miệng thì lớn tiếng cảm ơn :

- Công tử có đức độ như vậy khiến Ngưu Sơn tôi càng hổ thẹn thêm. Bây giờ công tử đã ban cho, tôi đâu dám không nhận. Vậy chúng tôi xin cảm ơn công tử và Ngưu Sơn tôi sẽ xin giữ nó làm kỷ niệm, từ nay trở đi lúc nào cũng mang theo ở trong người để tự cảnh tỉnh và cố hết sức bắt chước công tử để làm lại cuộc đời mới.

Long Uyên cười ha hả, xua tay không để cho y nói hết và đỡ lời :

- Ngưu huynh hà tất phải khiêm tốn như vậy! Tại hạ có đức độ tài năng gì đâu mà khiến Ngưu huynh phải nhớ nhung mãi như thế. Nhưng tại hạ thiết tưởng trời sinh vạn vật để nuôi vạn dân, chúng ta may mắn được làm người mạnh thì chúng ta đừng có thị tài mà kiêu ngạo. Phải hết sức trợ giúp những người nghèo khó, như vậy mới không phụ trời sinh ra ta không trái với đạo trời. Trái lại, nếu chúng ta cứ thị cường hiếu thắng kết thù kết oán, tuần hoàn báo thù nhau, thảm sát sinh linh như vậy có khác gì kẻ mạnh diệt kẻ yếu, và có xứng đáng là con người có đầu óc nhất trong muôn vật không? Vì thế, tại hạ khuyên quý vị việc gì cũng vậy, không nên quá trớn, hận thù oán giải không nên kết, vì chúng ta phải nghĩ đến con cháu sau này. Bằng không, gieo gió thì gặp bão, dù ta không bị mang họa ngay vào thân nhưng con cháu ta thế nào cũng phải chịu đựng những tội lỗi ấy thay ta. Nếu người nào cũng biết suy nghĩ như vậy thì không những con cháu được hưởng mà muôn dân cũng được hưng phúc thái bình sung sướng.

Ngoài Lục Tiểu Thanh, Lưu Châu Sơn, ai nấy cũng đều cảm động bởi lời nói của Long Uyên. Vương Ngưu Sơn là người cảm động hơn ai hết, y vội kéo tay Nhị Hào Vương Tứ Thủy, Ngũ Hào Vương Chí Hải tiến lên hai bước cung kính vái chào và nói tiếp :

- Lời nói của công tử khiến Ngưu Sơn tôi ghi lòng tạc dạ, từ nay trở đi Động Đình Lục Hào chúng tôi thế nào cũng cải tà hướng thiện làm một người mới. Nếu sau này nhận thấy anh em Ngưu Sơn có hành vi gì bất nghĩa thì Ngưu Sơn tôi xin đến trước mặt công tử để tạ tội.

Long Uyên không ngờ lời nói của mình mà cảm hóa được một số người như vậy trong lòng cả mừng vội nghiêm nghị đáp :

- Vương huynh là người thẳng thắn và hào phóng như vậy khiến Long Uyên tôi kính phục vô cùng. Tôi xin thay mặt bá tính ở hai nơi Động Đình và Sào Hồ cảm tạ Vương huynh trước.

Nói xong, chàng cúi đầu vái chào.

Vương Ngưu Sơn và hai người em vội đáp lễ. Tứ Thủy cũng lên tiếng nói :

- Công tử cao nghĩa nhân tâm, người trên thiên hạ ai cũng kính ngưỡng. Sau này công tử có rảnh xin đến tệ xá ở Động Đình để anh em chúng tôi được gần gũi và học hỏi thêm.

Nói xong, y cùng Ngưu Sơn, Chí Hải ba người cùng vái chào Long Uyên một lạy.

Chí Hải cũng lên tiếng nói :

- Anh em Chí Hải chúng tôi xin từ biệt công tử ở đây. Sau này, nếu công tử có cần dùng đến anh em chúng tôi, cứ viết mấy chữ gửi tới thì có bảo anh em chúng tôi nhảy vào đống lửa cũng không dám từ chối.

Nói xong, y cùng hai người anh vái chàng, Thủy Đề Hổ và Xích Diện Đao các người rồi nhảy xuống thuyền đi luôn.

Anh em họ Lương thấy vậy cũng định bỏ đi, nhưng Tiểu Thanh và Châu Sơn thấy mưu cơ của mình chưa hoàn thành và tức giận vì đao bị đánh gãy, nên cả hai không coi lời nói của Long Uyên vào đâu hết, nhưng vì chúng sợ võ công của chàng mới không dám gây hấn nữa.

Bấy giờ, chúng lại thấy bọn người của phái Động Đình đã đi hết, Tiểu Thanh biết bên y không còn hy vọng gì thắng được Long Uyên và Vân Tuệ nữa, nên y đảo ngược đôi ngươi một vòng và chắp tay chào, rồi Tiểu Thanh lớn tiếng :

- Công tử với cô nương ban thưởng cho hậu hĩ như vậy, anh em tại hạ rất lấy làm cám ơn. Sau này, nếu hai vị có rảnh xin mời đến núi Đại Lâu để chúng tôi được thỉnh giáo thêm.

Vân Tuệ thấy hai tên này bướng bỉnh không sao khuyên được liền tức giận trả lời rằng :

- Đại Lâu sơn là hang ổ rắn, chúng ta có sợ gì đâu. Nếu thiếu Sơn chủ nói như vậy thì Vân Tuệ với Uyên đệ xong việc rồi thế nào cũng tới tận nơi để ban kiến thức.

Tiểu Thanh tức giận vô cùng liền cười khì một tiếng và nói tiếp :

- Được lắm quả đất tròn, thế nào cũng có ngày tái ngộ, Tiểu Thanh tôi cũng cung kính đợi chờ cô nương giá lâm.

Nói xong, y không chờ Vân Tuệ trả lời, đã đưa mắt ra hiệu cho Châu Sơn rồi cả hai nhảy xuống thuyền đi luôn.

Long Uyên nhìn theo hai tên ấy rồi lắc đầu thở dài.

Anh em Song Lương thấy địa thế đã tan rã, lại thêm cảm động vì lời nói của Long Uyên nên bọn chúng cũng lần lượt nhảy xuống thuyền đi luôn, Phương Trực Dân thấy võ công của Long Uyên và Vân Tuệ cái thế như vậy mà lòng lại rất hiền từ không ỷ thế hà hiếp người, y càng kính phục thêm liền khen ngợi rằng :

- Long công tử và cô nương võ nghệ cao cường mà lòng lại nhân đức như thế thật là khiến chúng tôi hổ thẹn vô cùng. Nhưng bây giờ trong hắc đạo đã hung ác quen rồi chưa chắc người nào cũng nghe lọt lời nói của công tử đâu.

Long Uyên thở dài và nói tiếp :

- Như vậy chẳng lẽ chúng ta lại diệt hết chúng.

Vân Tuệ vội đỡ lời :

- Đối với những kẻ gian ác ấy, tôi không dám tán thành buông tha cho chúng như thế. Tục ngữ có câu “Diệt ác tức là làm việc thiện”, nếu đối với bọn gian ác mà cứ hiền từ như hiền đệ có khác nào nối giáo cho giặc không?

Bọn người ẩn núp trong rừng thấy đã vô sự liền lần lượt đi ra. Kính Thật tiến lên trước chạy đến gần Long Uyên quỳ xuống vái lạy và nói :

- Công tử thật là lòng Bồ Tát...

Long Uyên biết y định nói gì, liền kéo y dậy và cướp lời nói trước :

- Ông chủ họ Vương chớ có khách khứa như thế, việc nhỏ mọn như vậy hà tất phải cám ơn làm chi. Mời ông chủ đứng dậy đi, đừng có vái chào tôi như thế này nữa!

Kính Thật biết Long Uyên là một vị kỳ tài cái thế hành sự khác hẳn người thường, nên y biết nói toạc ra không tiện vội cung kính đáp :

- Xin tuân lệnh.

Rồi y lui sang bên hai mắt ngắm nhìn mặt chàng trong lòng kinh ngạc thầm.

Ba tiêu đầu và bọn người thuyền chài cũng vội chạy lại vái chào và cám ơn.

Long Uyên lấy mấy nén vàng ra đưa cho mấy người thuyền chài bảo họ mua chiếc thuyền khác và dặn đừng đem chuyện hôm nay nói cho ai biết hết.

Các người thuyền chài vâng vâng dạ dạ đi luôn Long Uyên đem hết hành lý xuống thuyền nhường chiếc thuyền của mình cho Kính Thật cùng mọi người để vào kinh.

Kính Thật và mọi người từ chối mãi không được đành phải xuống thuyền. Long Uyên và Vân Tuệ sóng đôi giở khinh công ra đi trong nháy mắt mất dạng.

Uyên Nam tứ kiếm và Vương Kính Thật vừa kinh hãi vừa kính phục đứng đờ người ra nhìn về phía hai người vừa đi khỏi.

Chiếc thuyền của Kính Thật vừa đi khỏi thì trong bụi cây đã có một người phi ra, người ấy chính là Tiếu Diện Phả Cái.

Phả Cái đứng ở trên bờ sông nghĩ ngợi giây lát mặt không tỏ vẻ tươi cười gì hết. Ông ta đứng cau mày nghĩ ngợi một hồi rồi lẩm bẩm tự nói: “Long Uyên là ai? Sao y lại biết ta ở đây? Sao lại bảo tối hôm qua ta đã ra tay rồi? Tối hôm qua ta có tới đây đâu, sao y đặt điều ra như thế? Không, không! Y không phải là hạng người... Chẳng lẽ cũng có một tên què quặt như ta xuất hiện chăng? Việc này khiến lão ăn mày này thắc mắc vô cùng, đành rằng trên giang hồ có rất nhiều việc lạ nhưng làm gì có chuyện lạ lùng như thế!”

Phả Cái càng nghĩ càng thắc mắc. Vậy thì hiển nhiên người ăn mày què chân tối hôm qua xuất hiện ở trước mặt Phong Lan, Võ Di bà bà không phải là Phả Cái thật.

Phả Cái giậm chân một cái rồi nhắm hướng Long Uyên và Vân Tuệ vừa đi đuổi theo tức thì. Y muốn đuổi theo Long Uyên và Vân Tuệ để hỏi cho ra lẽ.

Tiếu Diện Phả Cái đuổi theo được một quãng thì trời đã tối. Y biết khinh công của Long Uyên và Vân Tuệ rất cao siêu, mà mình lại trì hoãn mất một thời gian khá lâu mới đuổi theo, như vậy thì làm sao mà đuổi theo hai người được.

Y đang nghĩ bỗng thấy trong bụng đói cồn cào. Y đưa mắt nhìn chung quanh thấy phía tây nam cách đó không xa hình như có một thị trấn. Y vỗ bụng một cái rồi lẩm bẩm nói :

- Hà! Có câu “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị, người giỏi lại có người giỏi hơn”. Lão què này ẩn tích lâu năm khắc khổ luyện tập, tưởng võ công đã đạt tới mức thượng thừa rồi, ngờ đâu vừa xuống núi một cái đã gặp người tài hơn... Hà... lão hãy đi nhét chặt bụng đã, việc khác hãy để sang một bên.

Mấy mươi năm về trước, tiếng tăm của Phả Cái lừng lẫy đại giang nam bắc. Đàn Chỉ thần công của y có thể nói là vô địch. Y là người rất chính trực coi kẻ ác như kẻ thù, chuyên diệt trừ những kẻ ác, đỡ đầu những người hèn yếu nhưng không hiểu tại sao y lại đột nhiên quy ẩn. Lần này y lại tái xuất giang hồ định làm nên một việc kinh thiên động địa. Ngờ đâu, trước hết gặp Long Uyên, thấy chàng ta già nua như thế mà công lực lại trấn áp quần hào, chỉ công lại còn cao siêu hơn y một mức. Nay lại thấy Vân Tuệ và Long Uyên trẻ tuổi như thế mà lại có võ học thượng thặng. Tuy y chưa đấu với ba người bao giờ nhưng y là người trong nghề chỉ thoáng trông đã biết tài ba của mình không bằng họ. Y lại nghĩ: “Ông già Vân Hạc tuy không có tiếng tăm gì hết nhưng tuổi đã ngoài tám mươi có công lực cao siêu như vậy còn có thế nói được. Riêng có Long Uyên với Vân Tuệ tuổi còn trẻ chưa đầy đôi mươi sao lại có công lực cao siêu như thế?”

Nghĩ tới đó, Phả Cái mất hết cả hào khí và lẩm bẩm nói tiếp :

- Ồ... việc người ta, mình nghĩ đến làm chi!

Không bao lâu y đã đi tới gần một thị trấn. Thị trấn này cũng khá phồn thịnh nên trong đêm tối mà nhà nào nhà nấy đèn đuốc sáng choang. Y đi tới trước một tửu lầu lớn bước vào bên trong. Y ngẩng đầu nhìn, thấy khách ngồi đông đúc, tiếng người ồn ào, mùi rượu xông lên khiến y thèm nhỏ dãi.

Ngờ đâu, y chưa tìm được chỗ ngồi thì tửu bảo đã chạy tới ngắm nhìn y một hồi rồi xua tay đuổi đi :

- Đi... đi... đi! Các quan khách đang bận không ai có thì giờ thưởng tiền cho đâu. Chờ lát nữa, ông hãy lên xin cũng chưa muộn mà.

Tuy Phả Cái ăn mặc rách rưới như vậy nhưng chưa bao giờ ăn xin ai hết. Lúc này thấy tửu bảo khinh mình như vậy, y tức giận vô cùng liền trợn mắt lên rồi cười ha hả một tiếng.

Tính của Phả Cái rất quái dị, khi tức giận y thường cười, trái lại lúc bình thường thì mặt lạnh lùng như người giận ai vậy.

Tửu bảo bỗng nhiên thấy ông ta cả cười như vậy, tiếng cười như tiếng thanh la vỡ khiến ai ai cũng phải đinh tai giật mình kinh hãi, nhưng y lại thấy ông ta ăn mặc rách rưới như vậy nên tức giận mắng chửi :

- Ăn mày khốn nạn, kêu hú như ma kêu, có mau đi ra ngoài không?

Phả Cái đang cười bỗng ngừng lại trợn mắt lên ngắm nhìn tiểu nhị rồi quát mắng lại :

- Quân chó má này khinh người vậy, già què này phải đánh chết mi trước.

Nói xong, ông ta giơ tay lên đang định điểm xuống thì đột nhiên phía đằng sau có tiếng cười rất trong và có người lên tiếng nói :

- Tiền bối du hí phong trần hà tất phải chấp nhất những tiểu nhân này làm chi.

Phả Cái nghe tiếng nói kinh hãi, vội thâu tay, quay đầu lại nhìn, thấy chỗ cách mình chừng bốn năm bàn có đôi nam nữ tuổi trạc trung niên trông thấy rất văn vẻ đang ngồi nơi bàn cạnh cửa sổ, mà người lên tiếng khuyên mình là người đàn ông.

Người đàn ông thấy Phả Cái quay đầu lại liền đứng dậy chắp tay chào và nói tiếp :

- Nếu tiền bối không hiềm vợ chồng tại hạ phàm phu tục tử thì xin cho phép vợ chồng tại hạ được mời tiền bối lại xơi một chén rượu.

Tiểu nhị thấy mặt Phả Cái rất hung ác, lúc ấy mới hối hận. Sau lại nghe thấy ông ta bảo đánh chết y, lại càng hoảng sợ thêm.

Lúc này y thấy có người đứng giải vây cho, vội thừa cơ chạy vào trong tiệm.

Người trưởng quầy khôn khéo và biết điều hơn, y sợ Phả Cái ra tay đánh chết tửu bảo thật, vội chạy lại vừa cười vừa chắp tay chào và nói :

- Tên tiểu nhị ấy ít tuổi vô tri, xin cụ tha thứ cho! Mời cụ sang ngồi ghế đằng kia xơi chén rượu.

Lúc này, Phả Cái mới biết mình nổi giận đối phó mới một tên tiểu nhị như vậy có hơi quá đáng, nên ông ta nghe thấy tên trưởng quầy nói như thế liền dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng, đi tới trước bàn của hai vợ chồng nọ, lạnh lùng hỏi :

- Nhờ các hạ cảnh tỉnh, lão què này mới khỏi gây nên tai nghiệp, lão rất lấy làm cám ơn. Không hiểu hiền phu thê quý tính đại danh là chi?

Vợ chồng người nọ đều lễ phép đứng dậy và mời ngồi, người đàn ông vội đáp :

- Tại hạ Long Linh Vân, nội tử là Tuệ Nương.

Nói xong, chàng lại hỏi lại Phả Cái rằng :

- Chắc tiền bối là Tiếu Diện Phả Cái tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ phải không?

Phả Cái hớn hở vô cùng, ngắm nhìn đôi vợ chồng này, ông ta thấy Long Linh Vân mặc áo lụa xanh dưới cằm có để bộ râu dài năm tấc, da trắng bạch. Nhất là đôi mắt long lanh vừa đen vừa tròn, đủ thấy chàng là người chính trực vô tư, và cũng là người tài cao nữa.

Nhưng trông chàng không có vẻ gì là người có võ công hết.

Còn Long Thị Tuệ Nương thì cũng mặc áo lụa xanh nhưng chỉ có điểm khác lạ là da trắng mũi cao, mắt xanh trông rất đẹp và cũng rất đoan trang.

Ông ta kinh hãi thầm và bụng bảo dạ rằng :

“Long Linh Vân này rõ ràng là một nhân sĩ phong lưu và cũng là một tú tài lỗi lạc chứ có phải là một nhân vật giang hồ đâu. Sao y vừa trông thấy ta đã biết tên của ta như thể?”

Nghĩ tới đó, ông ta lại cất giọng như thanh la vỡ lên tiếng hỏi tiếp :

- Tiếu Diện Phả Cái là tên của già què này. Thật ra các hạ là người học hành sao lại biết được danh như thế?

Thấy lão ăn mày nói như vậy, Tuệ Nương cười khì một tiếng, tuy cười rất khẽ nhưng nghe rất giòn và mạnh. Nàng sợ thất lễ vội lấy tay áo bịt miệng không dám cười tiếp nữa.

Phả Cái lại tưởng nàng cười mình ăn nói văn vẻ, chứ y có biết đâu nàng cười y vì tưởng Long Uyên là người học hành nho nhã chứ không biết võ công gì cả.

Linh Vân lại tiếp :

- Đại danh của tiền bối chấn động bốn phương, tại hạ tuy là một nho sinh nhưng cũng thấy người ta nói đến thành tích của lão tiền bối. Ngày thường ngồi trong phòng học tại hạ hận không được quen biết lão anh hùng của thiên hạ. Không ngờ hôm nay lại được gặp lão tiền bối ở nơi đây thật là tam sinh hữu hạnh.

Chàng vừa nói tới đó, tửu bảo đã đem thức ăn và rượu mời Phả Cái.

Phả Cái tưởng là thật, liền khách sáo vài câu mới uống cạn chén rượu rồi đỡ lời :

- Các hạ với tôn phu nhân cốt cách thanh kỳ đáng lý phải là người trong làng võ với lão thì mới phải. Nhưng chỉ tiếc hai người tuổi đã lớn rồi muốn học kiếm cũng hơi muộn. Hừm! Thật đáng tiếc quá!

Long Uyên mỉm cười hớp một hớp rượu rồi chậm rãi đáp :

- Trên giang hồ nhiều phong hiểm, du dương sao bằng đọc sách, những kỳ tích hiệp nghĩa của tiền bối khiến tại hạ ngưỡng mộ vô cùng. Tại hạ nhận thấy không có gì nhàn bằng suốt ngày ngao du sơn thủy.

Phả Cái thở dài một tiếng uống luôn hai hớp rượu tỏ vẻ không vui, cau mày lại hỏi tiếp :

- Lời nói của các hạ có phải mà cũng có trái, sự phải trái từ xưa tới nay không có một định luật nào xác đáng hết. Như theo nhận xét của già què này thì trời sinh ra ta có tài thì tất phải có dụng. Tài lớn thì trị quốc, tài nhỏ thì yên gia hoặc giải trừ đau khổ cho dân lành, hoặc san bằng bất bình cho thế gian. Bằng không như các hạ ai ai cũng ngao du sơn thủy, mặc kệ người khác sống ra sao, tha hồ cho ma quỷ hoành hành, mặc cho bọn trên gian tà đắc chí, thì thế gian này không còn thế gian nữa.

Lão ăn mày nói tới đó thở dài một tiếng rồi đổi giọng nói tiếp :

- Nhưng từ xưa tới nay trên giang hồ rất nhiều phong hiểm, bất luận mình là người anh hùng hào kiệt đến đâu, rốt cuộc đa số không thoát khỏi chết thảm chết thương. Còn có những môn phái mệnh danh là danh môn đại phái nhưng bên trong lại có khá nhiều kẻ đê hèn vô sỉ.

Nói tới đó, ông ta càng rầu rĩ thêm, vội cầm chén rượu lên uống cạn luôn mấy chén và uống hết cả ấm rượu ấy, rồi cầm đũa gõ vào bàn gọi :

- Lấy thêm rượu nhé!

Linh Vân và vợ thấy Phả Cái thất thường như vậy ngạc nhiên vô cùng, đưa mắt nhìn nhau một cái, nhưng lại muốn để xem lão ăn mày có nói gì nữa không.

Một lát sau, tửu bảo đem một ấm rượu tới. Phả Cái cầm cả ấm rượu lên tu, uống hết lại đòi lấy nữa.

Ông ta uống rượu luôn mười ấm một lúc như thế và người đã có vẻ say sưa rồi.

Lúc ấy, Phả Cái ngẩng đầu lên, thấy vợ chồng Linh Vân đã ăn xong và nhận thấy mình đã thất lễ liền thở dài một tiếng rồi hai tay cầm con gà quay lên ăn ngồm ngoàm, chỉ trong nháy mắt đã ăn hết con gà ấy. Sau cùng y móc túi lấy một cái khăn tay bằng lụa màu sặc sỡ đem ra lau miệng rồi đứng dậy vỗ bụng nói tiếp :

- No rồi, lão già no rồi...

Linh Vân lấy một nén bạc vứt trên bàn rồi vừa cười vừa nói với Phả Cái rằng :

- Hôm nay trời đã tối, nếu tiền bối không định đi đâu thì tới phòng trọ của tại hạ nghỉ một đêm.

Phả Cái đưa mắt say sưa ngắm nhìn Linh Vân một hồi lâu trông chàng hình như quen quen và đã gặp ở đâu rồi? Một lát sau ông ta mới kêu “ồ” và nói tiếp :

- Tuy các hạ là văn nhân sĩ nhưng tính nết như các người trong giới lão vậy. Chỉ tiếc thay và cũng đáng mừng thay, thiết nghĩ già què này suốt đời cô độc khổ sở. Năm xưa lão có kết giao với người bạn thân, không ngờ người đó bị tiểu nhân ám hại, lão mới rúc đầu vào rừng thẳm đau lòng khôn tả, nghĩ rằng trong đời này không còn bạn tốt nào nữa. Không ngờ hôm nay được gặp các hạ rất hợp tính lão, đáng mừng thật nhưng cũng đáng tiếc nữa.

Linh Vân với phu nhân đưa mắt nhìn nhau và cả hai không biết Phả Cái nói “đáng tiếc” là ám chỉ việc gì, và hai tiếng “đáng mừng” kia ám chỉ ai? Nhưng thấy ông già ăn mày đã say không tiện hỏi liền giơ tay mời.

Phả Cái chân nam đá chân siêu lảo đảo đi ra khỏi tửu điếm. Vợ chồng Linh Vân đi sau, không bao lâu đã đi tới trước khách sạn An Cư. Linh Vân ở trong tửu điếm này nên chàng vội tiến lên đứng ở cửa khách sạn mời Phả Cái vào.

Phổ kỵ vội thắp đèn dẫn ba người vào phòng sang nhất ở trong vườn. Linh Vân mời Phả Cái vào trong phòng, rồi lại bảo phổ kỵ mở một căn phòng nữa.

Phổ kỵ vâng lời ra bưng nước trà và nước rửa mặt vào.

Phả Cái tuy là một người ăn mày ăn vận rách rưới nhưng sự thực ông ta rất sạch sẽ, ông ta rửa đi rửa lại mấy lượt rồi lấy cái khăn mặt ở trong túi trăm miếng ra lau chùi cẩn thận chứ không dùng khăn của khách điếm.

Vợ chồng Linh Vân ngạc nhiên vô cùng, Phả Cái không đợi vợ chồng họ lên tiếng đã vội đỡ lời trước :

- Vừa rồi các hạ ngồi ở cửa sổ có trông thấy một đôi nam nữ rất anh tuấn đi qua không?

Tuệ Nương ngồi ở cạnh Linh Vân cố nghiến răng mím môi để nhịn cười, còn Linh Vân thì nhắm mắt lắc đầu khẽ đáp :

- Tại hạ không trông thấy hai người ấy.

Phả Cái là người giàu kinh nghiệm, rộng kiến thức, nếu lúc này không vì say rượu thì đã biết Linh Vân trả lời một cách miễn cưỡng rồi.

Một lát sau, Linh Vân không thấy Phả Cái nói tiếp nữa liền ngửng đầu lên nhìn, chỉ thấy ông ta hai mắt nhìn thẳng, mồm cứ lẩm bẩm nói những gì nghe không rõ, chàng ngạc nhiên vô cùng vội hỏi :

- Tiền bối muốn tìm đôi nam nữ ấy làm gì, có thể cho tại hạ biết rõ nguyên nhân không?

Phả Cái kêu “ồ” một tiếng rồi mới định thần liếc nhìn Linh Vân và thở dài :

- Sự thực cũng không có việc gì quan trọng cho lắm, nhưng vì chiều hôm nay già què ở bên bờ sông đã trông thấy đôi trai gái ấy võ nghệ rất cao siêu trấn át bọn giặc một cách rất dễ dàng. Thiếu niên ấy tự nhận là Long Uyên và còn nói đêm hôm trước già què này đã xuất hiện ở Giang Tây, lời nói ấy nói với người khác thì may ra còn có thể tin được, nhưng già què này tự nghĩ đêm hôm qua ngủ ở Đông Hồ dù có nằm mơ cũng không sao đi được xa như thế. Cho nên vừa rồi lão mới muốn đuổi theo Long Uyên để hỏi rõ xem có phải y cố ý đặt điều hay là đã trông thấy một quái nhân giống già què này vậy?

Tuệ Nương cười khì một tiếng đưa mắt liếc nhìn Linh Vân, Linh Vân mặt đỏ bừng ngập ngừng muốn nói, nhưng Phả Cái đã nhìn ra ngoài cửa và thủng thẳng nói :

- Còn một điểm nữa, con nhỏ tự xưng là Vân Tuệ khinh công chưởng pháp quái dị khôn tả và không giống võ nghệ của Trung thổ, nhưng già què này trông thấy quen thuộc lắm và đã...

Nói tới đó, giọng nói của ông ta thấp dần, hình như đang nghĩ ngợi một chuyện xưa, sau cùng nói đến đâu rồi ngắt lời cũng không hay nữa.

Vợ chồng Linh Vân nghe thấy ông ta nói có vẻ quan trọng lắm, trong lòng hơi giật mình, nhất là Tuệ Nương, nàng trợn trừng đôi mắt lên nhìn Phả Cái, đôi lông mày hơi xếch ngược và có bao hàm sát khí, mồm thì run run lộ vẻ khích động vô cùng. Nhưng thái độ ấy của nàng chỉ thoáng cái đã biến mắt. Cũng may Phả Cái đang nghĩ ngợi việc gì nên không để ý tới.

Lúc ấy trong phòng im lặng như tờ, không ai nói năng gì hết, một lát sau Phả Cái bỗng vỗ tay vào sau ót kêu đánh “bộp” một tiếng. Vợ chồng Linh Vân giật mình đánh thót một cái không hiểu tại sao Phả Cái lại tát vào đầu mạnh như thế? Tiếp theo đó Phả Cái lại khóc òa lên, tiếng khóc của ông ta khàn khàn như tiếng vượn hú thú gầm, nghe rất đinh tai và cũng cảm động vô cùng.

Vợ chồng Linh Vân bỗng nhiên thấy ông ta khóc như vậy cuống cả chân tay lên, không biết đối xử thế nào và có nên khuyên ông ta không? Linh Vân vội đưa mắt hỏi vợ.

Tuệ Nương bỗng lên tiếng khẽ khuyên :

- Tại sao tiền bối lại đau lòng như thế? Xin nói rõ cho vợ chồng tiểu bối hay, tuy vợ chồng tiểu bối bất tài nhưng biết đâu chả gánh vác giúp tiền bối một phần nào.

Phả Cái khóc một hồi mới nín, nghe thấy Tuệ Nương nói như thế, lại móc túi lấy cái khăn sặc sỡ ra chùi một hồi rồi nhìn hai người thở dài đáp :

- Hà! Già què này cám ơn thịnh tình của hiền phu thê. Nhưng việc này có liên quan lớn rộng lắm, hiền phu thê là người ngoại cuộc không nên biết thì hơn.

Tuệ Nương tủm tỉm cười đáp :

- Lão tiền bối không chịu nói, vợ chồng tiểu bối cũng không tiện hỏi nữa, nhưng tiểu bối cũng đoán ra được một phần nào, không biết có phải là thế không?

Linh Vân nghe thấy nàng nói như vậy kêu “ồ” một tiếng, Phả Cái không sao nhịn nổi nữa vội hỏi :

- Phu nhân đã đoán biết như thế nào? Cứ thử nói cho lão nghe xem đúng không?

Vợ Chồng Linh Vân thấy ông ta hấp tấp như vậy rất tức cười và cùng nghĩ thầm: “Ông già ngây thơ thực”.

Tuệ Nương nhìn chồng một cái rồi khẽ đáp :

- Theo sự ước đoán của tiểu bối thì tiền bối phát giác khinh công và chưởng pháp của Vân Tuệ cô nương ấy quen thuộc và không phải là võ công của Trung Nguyên, chắc năm xưa tiền bối đã thấy một dị nhân hải ngoại cũng có chưởng pháp và khinh công như thế. Và tiền bối đoán chắc Vân Tuệ cô nương thế cũng là đệ tử của dị nhân ấy, còn dị nhân thì đã tạ thế rồi mà dị nhân lại là bạn thân của lão tiền bối. Nên lão tiền bối nghĩ đến người bạn đó mới khóc như vậy có phải thế không?

Phả Cái nghe nói kinh ngạc và chịu phục vô cùng, chờ nàng vừa mới dứt câu đã đứng lên chắp tay chào và nói :

- Phu nhân thực là thông minh, quan sát rất tinh vi, già què này kính phục vô cùng, nhưng già què này còn có một việc chưa hiểu mong phu nhân chỉ giáo cho.

Tuệ Nương vội đáp lễ rồi hỏi :

- Tiểu bối không biết gì cả, sao tiền bối lại quá khen như thế?

Phả Cái vừa ngồi xuống lại nói tiếp :

- Thiết nghĩ người ta sống ở trên đời chỉ trăm năm là cùng, không sao tránh khỏi cái chết, tuy già què này nhớ bạn cũ thực nhưng đâu đến nỗi đau đớn khóc lóc đến thế.

- Tiền bối nói rất phải, người bạn cố hữu ấy của tiền bối bị người giết hại một cách thảm thương phải không?

Phả Cái bỗng ngửng mặt lên trời cười ha hả, khiến nhà rung động, cát bụi rớt xuống như mưa rồi ông ta lại sầm nét mặt lại nhìn vợ chồng Linh Vân gật lia lịa và nói tiếp :

- Giỏi! Giỏi! Ngày hôm nay già què được gặp hai vị thực có thể nói là đã gặp tri kỷ, lời nói của phu nhân không sai một chút nào. Bạn cố hữu của già què này, năm xưa đã vô địch thiên hạ ngót ba năm, sau bị bảy Đại chưởng môn tự cho là mình danh môn chính phái vây đánh, nên vị cái thế kỳ nhân ấy mới bị sát hại... Hà!

Ông ta nói xong, sắc mặt khích động khôn tả. Ngờ đâu sắc mặt của Tuệ Nương lại còn biến đổi khác thường hơn, chỉ thấy nàng đứng phắt dậy đi tới trước mặt ông ta quỳ ngay xuống giọng run run nói :

- Xin tiền bối thứ lỗi tội lừa dối của cháu gái này. Cháu gái đây chính là môn hạ duy nhất của Cô Độc Khách, bạn cố hữu của lão tiền bối đang tìm kiếm...